156| Mùng hai tháng hai (1)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng
Vào ngày mùng 2 tháng 2, ở Lục Đảo có rất nhiều tục lệ như cắt tóc, rang đậu và làm diện kỳ tử (2).

Hơn tháng rồi chưa hớt tóc nên sáng dậy, Trần An Tu sờ tóc mình, cảm giác đúng là hơi dài thật, "Hôm nay tôi định dẫn Mạo Mạo đi cắt tóc, anh với Tấn Tấn có muốn đi cùng không?"

"Em định cắt ở đâu?" Chương Thời Niên thắt cà vạt xong rồi nói với Trần An Tu, "Đưa cho anh cái đồng hồ đeo tay trên tủ đầu giường?"

"Đi tới chùa Đình Vân."

"Ở đâu cơ?" Chương Thời Niên đeo đồng hồ xong ngẩng đầu lên, nếu hắn không nghe nhầm thì chùa Đình Vân là một ngôi chùa miếu nhỏ ở phía Bắc thị trấn này đi? Hắn và An Tu còn từng đến đấy rồi, lẽ nào cũng có hiệu cắt tóc tên như thế?

Trần An Tu dựa vào tủ áo cười vô tư, "Chính là ngôi chùa Đình Vân mà anh nghĩ tới đấy, có điều anh không biết đến chú Trương thôi. Chú ấy biết cắt tóc, biết sửa khóa và giầy nữa, chỉ là bây giờ tuổi hơi lớn nên ít làm mấy việc đấy. Chú ấy ngoáy lỗ tai êm lắm, ngày trước tôi thích chú ấy cắt tóc cực, tiện thể còn ngoáy lỗ tai luôn cho nữa, nhưng hình như chú ấy chỉ biết để mỗi kiểu tóc húi cua."

Chương Thời Niên bình thản đáp, "Đây là lần đầu Mạo Mạo cắt tóc, em nhớ để ý đấy. Buổi sáng anh có hẹn mất rồi." Ý rằng hắn không tham gia được.

Lúc ấy Tấn Tấn đang ở ngoài ăn sáng, nghe thấy hai người ba nói vậy, miệng thì nhồm nhoàm, đi vào liên tục xua tay nói, "Con cũng không đi đâu ba, hôm nay con phải đi học đánh đàn, cả học vẽ nữa." Ngày trước có lần ba tiện thể dẫn cậu đi cắt đầu đinh, cậu đi học bị bạn bè thầy cô nhìn chòng chọc hai tháng trời, bất kể cậu đi tới đâu cũng đều có người nhỏ giọng bàn tán, cuối cùng ngay cả thầy giáo cũng nhìn cậu bằng ánh mắy đầy thương xót và đồng cảm. Cậu không thấy đầu đinh có gì xấu, cơ mà cái cảm giác ngày nào người ta cũng nhìn cậu an ủi, ai mà chưa từng bị chắc chẳng hiểu được đâu.

"Xời, trên đời này chỉ có mình hai người bận rộn nhất, cuối tuần mà cũng không rảnh." Có điều việc này cũng chẳng có gì phải gượng ép, hai người họ không đi thì y vẫn có người đi cùng cơ mà, y vỗ lên người Mạo Mạo đang hăng hái luyện bò trườn trên kháng, "Mạo Mạo, chỉ có mình con là tốt nhất, ba chỉ mang mỗi mình con đi thôi."

Mạo Mạo dí cái bản mặt béo múp lên, Trần An Tu hôn nhẹ lên mũi bé, bé toét miệng ra cười làm lộ cái răng con con cực kỳ quý báu kia ra.

Tấn Tấn lại gần, nhón chân lên sờ đầu Mạo Mạo, cậu bé thấy thương cho thằng em xấu số này lắm, không biết đứa trẻ mới có mấy cọng tóc thế này sẽ trông ra sao nữa.

Mạo Mạo không hiểu chuyện, vẫn còn đang cười ngây ngô, nhưng nụ cười này chỉ duy trì tới lúc ăn trưa. Đến sau bữa trưa, nhân lúc tiết trời ấm áp, Trần An Tu liền ôm Mạo Mạo tới chùa Đình Vân, đáng ra là mẹ Trần muốn mang Mạo Mạo tới đó, nhưng hôm nay bà còn đang bận rang đậu và làm bánh ở nhà, thực sự bận không còn thời gian để đi.

Trên đường tới chùa Đình Vân phải đi qua một cây cầu, trên vách núi ở bên trái cây cầu có một thác nước, dòng nước đổ từ trên thác xuống bắn tung tóe tạo nên một màn hơi nước mát lạnh, mỗi lần có ai đi qua ít nhiều gì cũng thấy người ươn ướt, nhưng bởi vì bây giờ là đầu xuân nên ít nước, dù thế thì khi đi qua vẫn cảm thấy mát lạnh nên Trần An Tu đã đội mũ kín mít lên cho Mạo Mạo.

Lúc này, y cảm thấy đằng sau có rất nhiều người đi tới, cầu thì không được rộng lắm nên y khép người lại nhường cho họ đi qua.

"An Tu?" Tiếng gọi rất quen tai.

Trần An Tu quay đầu lại liền thấy Tưởng Hiên và Lâm Mai Tử mỗi người đang ôm một đứa bé vừa mới bước lên cầu, "Thì ra là hai người, cuối tuần nên về à?"

Sắc mặt Lâm Mai Tử trông vẫn ổn, chỉ có điều trông mập hơn hồi trước khi cưới, chắc là vì mới sinh không lâu nên vẫn chưa khôi phục được như cũ, "Ừ, về nhà ăn Tết ngũ cốc(3), đây là Mạo Mạo à? Tớ chẳng được gặp bao giờ, trông trắng trẻo đáng yêu thật đấy, giống cậu hồi nhỏ lắm."

"Một thằng nhóc bướng bỉnh ấy mà."

Mạo Mạo đang cầm một quả quýt to đùng, vịn lên vai Trần An Tu, tò mò nhìn những người này.

Tưởng Hiên chỉ cất tiếng chào đơn giản chứ không nói nhiều, hắn đang ôm một đứa bé gái khá nặng cân, chắc là cô con gái Văn Nhân chưa được hai tháng của họ, còn nhìn quần áo của đứa bé mà Mai Tử đang ôm thì chắc hẳn đây là con trai, Trần An Tu không có kinh nghiệm nên không đoán ra được, chắc là lớn hơn Mạo Mạo một chút, mắt không to nhưng rất sáng láng, "Đây là con nhà ai thế?"

"Con trai Dao Dao đấy, tên là Văn Phong. Ba mẹ cháu nó bận nên hai bọn tớ trông giúp hai hôm."

"À, đã lớn thế rồi cơ à." Ân oán dù có lớn đến đâu thì cũng là của người lớn, Trần An Tu không nhỏ nhen đến mức có thành kiến với cả một đứa bé con, hắn để ý thấy trên mu bàn tay thò ra ngoài của thằng bé đấy có hai vết thương nhàn nhạt.

Có lẽ Lâm Mai Tử cũng chú ý thấy nên kéo ống tay áo xuống cho thằng bé, đây là chuyện không đến lượt Trần An Tu nói nên y cũng chẳng hỏi làm gì.

Hôm nay, những người bế trẻ con đi về hướng này phần lớn đều là tới chùa Đình Vân, nếu đã gặp thì đi chung một đoạn đường luôn.

Số người bế con tới cắt tóc cũng không ít, phần lớn đều là ông bà nội của chúng, cũng có mấy bà mẹ trẻ tuổi, Trần An Tu đếm hàng người đã xếp trước họ phải đến bảy tám người, y thầm nghĩ mà thấy may vì mình ăn cơm xong mới tới, chứ không chỉ với ngần này thôi cũng phải chờ hai tiếng rồi.

Phía Đông núi có khá nhiều chùa miếu, nhưng phía Nam là khu du lịch. Vào những ngày bình thường, việc hương khói rất được chăm chút, hòa thượng cũng nhiều. Chùa Đình Vân ở phía Bắc núi, quanh năm suốt tháng chẳng có mấy người tới đây, ngoại trừ những người dân bản địa sinh sống gần đây thường tới thăm hỏi ra thì chùa rất vắng vẻ. Chùa này chỉ có một ngôi điện chính và hai gian điện thờ phụ, trong sân đặt một cái lư hương bằng sắt hình vuông, xung quanh rơi đầy những tàn hương. Đó là tất cả mọi sự vật ở nơi đây, từ khi Trần An Tu hiểu chuyện, nơi đây chỉ có mình ông hòa thượng già tên Trương Nghiêm Minh và một chú hòa thượng nhỏ tên Trương Tuệ An.

Vẫn chưa đến lượt nên Trần An Tu liền ôm Mạo Mạo đi dạo xung quanh, thấy Tuệ An ở đằng sau nấu nước, y cũng rảnh rỗi nên đi tới giúp đỡ.

"Mấy năm rồi không gặp cậu, về lúc nào thế?"

Người nọ đưa tay chân ra khua múa loạn xì ngậu, ra hiệu rằng muốn ôm Mạo Mạo.

Trần An Tu đưa Mạo Mạo tới, người kia phủi bụi đất trên tay rồi mới nhận lấy thằng bé. Chùa Đình Vân khá vắng vẻ, ít người lui tới nên rất yên tĩnh, là một nơi rất thích hợp để nói chuyện. Tuy Tuệ An không nói được nhưng cậu ta đã từng học ngôn ngữ môi, Trần An Tu quen biết với cậu ta cũng đã lâu, nhiều ít gì cũng có thể nhìn hiểu được một vài động tác, cho nên hai người nói chuyện với cũng không khó khăn lắm. Giữa chừng Tưởng Hiên có tới hỏi thăm WC ở đâu, Trần An Tu chỉ cho hắn vị trí đằng sau gốc cây to.

Chờ người đi xa rồi, Trần An Tu nhận thấy nghi vấn từ trong mắt Tuệ An, "Cậu thấy lạ với quan hệ của bọn anh chứ gì? Thực ra bây giờ đã tốt hơn nhiều rồi, nghe nói ba cậu ấy có thể ra tù được, có một số việc, lúc đóanh cũng không... Thôi, không nói chuyện này nữa, bây giờ anh với ông ba Giang cùng mở một quán cơm, cậu có rảnh nhớ cùng chú Trương tới dùng cơm, vẫn ở mảnh đất ban đầu ấy. Quán có đủ các món, chay có, mặn có, anh có thể cho cậu trốn trong bếp ăn nhiều hơn đấy."

Tuệ An biết y đang trêu nên cũng cười theo, người hơn hai mươi tuổi rồi mà trông ánh mắt vẫn sáng trong sạch sẽ.

Bếp lò than rất nhỏ, cần phải chẻ thật nhỏ những miếng củi gỗ ra mới nhét vào được. Trần An Tu nhiều sức nên chẻ giúp cậu ta một ít để sẵn đấy. Mạo Mạo ban đầu nhiệt tình lắm, còn để quả quýt lăn trên mặt cỏ hai vòng nữa, thế mà chẳng bao lâu cu cậu đã mệt, gác đầu lên đùi ba ngủ gà ngủ gật rồi. Trần An Tu bế ngang bé lên vỗ về, lòng thầm nghĩ nếu đến ba giờ chiều vẫn chưa đến lượt mà trời rét thế này, cắt tóc trong sân nhỡ bị cảm thì phiền toái lắm, có điều tốc độ cắt tóc nhanh hơn y nghĩ, hơn hai giờ một chút thôi đã đến lượt họ rồi.

"Thế anh đi trước đây, lúc nào rảnh chúng ta lại nói chuyện tiếp." Lúc y đứng dậy, Tuệ An kéo tay y, nhanh chóng làm một động tác gì đó trong lòng bàn tay y, Trần An Tu cười nói, "Cậu định bảo anh là, năm nay tất cả mọi chuyện đều sẽ tốt đẹp sao?"

Tuệ An gật đầu, Trần An Tu chẳng hề cảm kích chút nào, đáp luôn, "Từ khi nào mà cậu đã học được ngón nghề coi bói của mấy ông đạo sĩ hàng xóm rồi thế."

Trần An Tu cắt tóc trước, kiểu tóc đầu đinh rất dễ cắt, cũng không cần phải xem khuôn mẫu thế nào. Lúc y cắt, Mạo Mạo vẫn còn hăng hái lắm, thế mà đến lượt cu cậu, cậu chàng siết chặt ngón tay ba, bỏ cả quả quýt, mắt trừng trừng nhìn cây khéo, đầu lủi vào lòng ba trốn, trông như thể gặp phải kẻ địch vậy.

Trần An Tu ôn tồn khuyên bảo hai câu, nào ngờ Mạo Mạo căn bản không chịu nể mặt, còn kêu lên hai tiếng ra vẻ phản đối, Trần An Tu thầm nghĩ, ba còn không biết con chắc, kêu cái gì mà kêu, "Chú Trương, chú cứ cắt đi." Sớm muộn gì cũng phải có một lần như thế.

"Cậu có giữ lại chỗ tóc này không?" Trương Nghiêm Minh hỏi Trần An Tu.

Trần An Tu ngơ ngác, "Giữ lại làm gì?" Cũng có phải tóc dài của con gái đâu mà có thể bán lấy tiền được.

Xung quanh lập tức có mấy bà mẹ trẻ tuổi đốp lại ngay, "Sao anh không giữ lại? Lấy làm bút lông hay cái gì đó cho thằng bé để làm kỷ niệm đi, sau này có cái mà nhớ chứ."

Trần An Tu thầm nghĩ, có gì hay ho đâu, tốn cả thời gian ấy chứ, nhưng bị nhiều ánh mắt soi mói và đong đầy tình thương của mẹ nhìn như thế, y rốt cuộc cũng không dám nói những suy nghĩ ấy ra mà phải thành kính nhận lấy nhúm tóc con con của Mạo Mạo, đựng trong túi giấy mang về.

Mấy bà mẹ trẻ thấy vậy đều khen y, "Bây giờ mới giống một người ba chứ."

Trần An Tu không ngừng vâng dạ lại, còn vô sỉ mở miệng nói nhất định phải giữ lại đến khi nào thằng bé tám mươi tuổi, già rồi tưởng nhớ đủ kiểu, thế mà vừa ra khỏi cửa, y đã lấy chỗ tóc cắt rồi của Mạo Mạo ra, thổi phù một cái để gió núi cuốn bay khắp chốn. Y lau nốt ít nước mắt còn vương lại bên khóe mắt Mạo Mạo, nói, "Con cũng có phải phượng hoàng đâu, ba giữ lại mấy cọng lông đó làm gì, đúng là cái đồ vô tích sự."

Cắt thì cũng cắt rồi, Mạo Mạo vẫn tức tưởi hừ hừ mấy tiếng rồi cọ vào người y, chùi hết nước mắt và nước miếng lên chiếc áo len mà ba bé mặc lần đầu tiên.

Trần An Tu tức dựng cả lông mày, giả vờ muốn vứt bé xuống ven đường, Mạo Mạo túm chặt ba không buông, hai người trêu đùa ầm ĩ trên đường về. Mẹ Trần ở trong nhà từ xa đã nghe thấy tiếng hai bố con họ, "Hai cha con làm gì mà to tiếng thế? Mạo Mạo làm sao vậy? Chỉ đi ra ngoài có một lúc thôi mà sao lại khóc? Để bà nội xem nào."

Mạo Mạo ấm ức chui vào lòng bà nội.

"Con làm gì Mạo Mạo thế?" Mẹ Trần thương cháu, quay qua trách Trần An Tu.

Đương nhiên Trần An Tu không chịu gánh tội danh đấy, "Chỉ cắt có mấy sợi tóc của nó thôi mà nó còn tiếc rẻ. Mẹ, đậu đã rang xong chưa?"

"Xong hết rồi, để trong nhà ấy, vào mà lấy. Mẹ ôm Mạo Mạo ra ngoài một lúc, đỡ cho nó nhìn thấy rồi đòi, nó cũng không thể ăn được."

Mẹ Trần rang rất nhiều đỗ, đỗ tương rang muối, đỗ đen rang đường, đều đã để nguội cả rồi, đang là lúc giòn nhất nữa chứ, bỏ vào miệng nhai sẽ có tiếng vụn vỡ giòn tan, ngoài ra còn có diện kỳ tử, mì trứng gà, còn có một loại đỗ chiên với dầu, mỗi loại một chậu nhỏ, hễ có người tới đều sẽ được chia một phần, trong mâm mời khách cũng có hai đĩa coi như thức ăn vặt.

Trần An Tu đứng trong quầy hàng thu xếp lại các khoản mục gần đây nhất, chưa làm được gì mà đã thấy trời tối đen. Trời lạnh nên người lên núi ít, buổi tối việc buôn bán cũng không bận, ngoại trừ những người làm thuê ở công trường tới dùng cơm muộn ra thì chẳng còn mấy ai, y bảo Lưu Ba nấu nướng xong xuôi, nấu thêm ít canh rồi định lên núi gọi người xuống dùng cơm. Với nhiệt độ lúc này, việc xây nhà chưa thể tiến hành được, nhưng công tác lắp đặt trang thiết bị thì không ngừng, tốp thợ do ba Trần tìm tới, là do một ông bạn cũ họ Triệu của ba giới thiệu, bởi vì là người quen cũ nên giá cả phải chăng, chất lượng thi công cũng tốt.

Lúc y đi lên, những người đó vẫn chưa dừng việc, ba Trần đang đun nước pha trà, ngồi bên cạnh chính là chủ thầu Triệu Minh.

Trần An Tu bước tới chào hỏi, "Chú Triệu, hôm nay làm tới đây thôi ạ, bảo mọi người qua uống chút trà rồi xuống ăn cơm nước đi ạ, hôm nay là mùng hai tháng hai, nhà cháu còn rang đậu nữa."

Triệu Minh đưa cho Trần An Tu điếu thuốc, cười nói với ba Trần, "Ông Trần này, làm việc với thằng con lớn nhà ông thoải mái thật đấy, cơm ăn đúng giờ đã đành, thức ăn lại còn ngon nữa, ngày nào cũng được ăn tiệm."

"Thế sau này ông cứ tới thường xuyên đi, chắc chắn nó vẫn còn phải lắp đặt trang thiết bị nữa đấy."

Qua ngày mùng hai tháng hai, thời tiết Lục Đảo tuy vẫn chưa ấm áp nhưng gió đã không buốt tận xương như hồi giữa đông nữa.

—-

Đúng là gió không còn lạnh thật, nhưng chuyện còn lâu mới kết thúc. Tần Minh Tuấn cởi khuy áo ra, dựa vào bên bệ cửa sổ, nghe Lục Á Á ở đầu bên kia nói, "Tần Minh Tuấn, nói thật đi, bây giờ tôi đang nghi ngờ động cơ của cậu đấy, cậu muốn hợp tác với tôi thật đấy chứ?"

"Đương nhiên, nếu không thì vì cái gì? Tôi cũng đâu có muốn lấy chuyện Lục Triển Triển ra để uy hiếp cậu?"

Tiếng nói bên kia điện thoại ngừng lại, một lát sau mới nói tiếp, "Nếu đã thế, tại sao tôi bảo cậu điều tra Trần An Tu mà lâu như thế rồi cậu cũng không tra ra được mẹ ruột của y là ai? Lục Đảo cũng đâu có rộng lớn thế đâu."

"Tôi có thể hỏi cậu một câu được không, rốt cuộc cậu muốn làm gì hay đang hoài nghi cái gì được không?"

"Đây là chuyện riêng của tôi, tôi không muốn trả lời, cậu chỉ cần làm tốt phần việc của cậu thôi, lời hứa của tôi sẽ không thay đổi."

Qúy Quân Nghiêm gõ cửa đi vào, "Anh, ăn cơm thôi, đêm nay anh có ở lại đây không?"

Tần Minh Tuấn che điện thoại lại, nói với cậu ta, "Em cứ ăn trước đi, một lát nữa ánh sẽ xuống."

Qúy Quân Nghiêm gật đầu lui ra ngoài, anh họ cứ thần thần bí bí, chẳng biết đang làm gì nữa, cậu ta đứng ngoài nghe được vài câu, cái gì mà cậu ba Lục? Chẳng lẽ là Lục Á Á kia?

Lục Á Á cúp điện thoại, miệng khẽ nhếch lên ý cười không rõ, em trai Tần Minh Tuấn à, theo hắn biết, Tần Minh Tuấn chỉ có một cậu em họ tên là Kỷ Minh Thừa, ở đâu ra một cậu em trai mà còn gọi thân mật như thế, còn sống cùng nhau nữa?

Hết chương 156

(1) Mùng hai tháng hai (Long Sĩ Đầu) là một lễ hội lớn của Trung Quốc. Trong ngày này người ta cho rằng con rồng sau một mùa ngủ đông dài đã cất đầu thức giấc, chuẩn bị làm mưa tưới nước cho mùa màng. Ngoài ra ngày lễ này còn có ý nghĩa thiên văn học. Người Trung Quốc chia vòng tròn Hoàng đạo thành 28 khu, gọi là "nhị thập bát tú", mỗi ngôi sao được gọi là một "túc" (vì mặt trăng mỗi ngày lại đi qua một sao, đến hết tháng thì vừa đủ một vòng, nên gọi là 'Túc'), lại chia "nhị thập bát tú" vào bốn phía đông tây nam bắc, mỗi phía có bảy túc. Bảy túc ở phía Đông họp thành chòm sao Thương Long, tức "thanh long", rồng xanh theo cách hiểu của người Trung Quốc. Vào mùa đông, cả bảy túc đều lặn mất. Nhưng đến đầu tháng hai, "giác túc" tức phần sừng của Thương Long hiện lên, nên dân gian gọi là "Long Sĩ Đầu" (rồng cất đầu). Vào mùa đông, người Trung Quốc không dám cắt tóc, chờ qua ngày Long Sĩ Đầu mới cắt tóc, vì thế nên An Tu mới rủ rê mọi người đi cắt tóc một thể. (trích giải thích từ Qủy thoại liên thiên do bạn Lục Mịnh edit)

(2) diện kỳ tử (面其子): cái này mình cũng không biết gọi là gì, nhớ ngày xưa mẹ hay mua cho ăn lắm

(3) Tết ngũ cốc (料豆儿): mình đặt tên bừa thôi, ai biết thì chỉ nhé

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenFun.Vip