Chương mở đầu

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

《Nghiệp Hỏa》

Cảnh sát phòng chống ma túy Chiến x Nằm vùng xã hội đen Bác

Cách nhau hai tuổi, double A.

Giai đoạn đầu: cảnh sát x tội phạm ; giai đoạn sau: cảnh sát x cảnh sát

-

Ngày năm tháng tám năm 1997, tôi cất tiếng khóc chào đời, lần đầu tiên nhìn thấy thế giới này, tất cả đều mờ mịt không rõ.

Tầm nhìn hòa cùng nước ối và máu tươi, tôi đặt cho thế giới này một định nghĩa kỳ lạ.

Không ngờ rằng, nó lại trở thành một lời tiên tri.


Đêm giao thừa của thiên niên kỷ mới, tiếng pháo hoa rộn rã khắp trời, từng chùm sáng vô cùng rực rỡ.

Chiếc tivi thường xuyên bị nhiễu cũng không chịu thua kém, hoàn thành nhiệm vụ chiếu trọn vẹn cả chương trình gala Tết, đáng tiếc tôi lại chẳng xem được giây nào.

Bố mẹ lại cãi nhau, lần này lớn tiếng hơn bất kỳ lần cãi vã nào trong quá khứ.

Tôi trốn sau cửa phòng ngủ, mắt phải ghé qua khe cửa nhìn vào phòng.

Chiếc bình hoa gốm mẹ xem như báu vật rơi vỡ tan tành trên mặt sàn, nó như là một tín hiệu, thời khắc ấy tôi đã có dự cảm không lành, cho dù chẳng hiểu bọn họ đang cãi về chuyện gì, nhưng tôi lại cảm thấy cả căn nhà như đang bị hàng vạn con dao sắc nhọn đâm xuyên.

Mẹ đẩy cửa bước ra ngoài, thấy tôi đang núp ở trong góc, bước chân bà hơi khựng lại, mẹ nhìn tôi hồi lâu, mãi cho đến khi bố cũng bước đến.

Mùi rượu khó ngửi tỏa ra, tôi ngửi thấy, mẹ tôi cũng nhíu mày, dường như mùi hương ấy đã kích thích mẹ, mẹ không nhìn về phía tôi nữa, cắn răng nghiến lợi mà vứt lại một câu, "Tôi chịu đủ lắm rồi!"

Mẹ chạy về phòng của mình thu dọn đồ đạc, rất nhanh, rất nhanh.

Tôi ngồi xổm trong góc tường, nhìn bố bước vào phòng ngủ.

Tiếng la hét hỗn loạn, tiếng mắng chửi ầm ĩ, bố đánh mẹ, chuyện say rượu đánh người, đây đã chẳng phải là lần đầu tiên, nhưng lần này mẹ cũng không chọn thỏa hiệp nữa, bà dứt khoát phản kháng lại người đàn ông mà bà đã từng yêu sâu đậm, nhưng bây giờ lại hận đến tận xương tủy này.

Mẹ cầm lấy chiếc rương da cũ rích bước ra khỏi căn phòng.

Tôi thấy mái tóc dài của bà rối loạn, giống như ngôi nhà chưa từng gọn gàng này, trán của mẹ sưng lên, mẹ quay người xoa đầu tôi.

"Bé con, mẹ có lỗi với con."

Mẹ chỉ để lại cho tôi một câu nói này, bà quay người rời đi, chẳng hề luyến tiếc.

Tôi nhìn bóng lưng cồng kềnh của mẹ, ngay khoảnh khắc bà mở cửa ra, tôi ngay lập tức chạy theo ôm chặt lấy đùi của bà.

"Mẹ ơi."

Lúc đó tôi vẫn chưa hiểu đã xảy ra chuyện gì, tôi đã quen với việc bố mẹ cãi nhau, có lẽ là do giác quan thứ sáu mách bảo, hoặc giữa mẹ con tương thông, bóng lưng của mẹ quá kiên quyết, quá tuyệt tình, lời xin lỗi quá bất lực, tôi cảm thấy rằng lần này mẹ sẽ không quay lại nữa.

"Mẹ ơi."

Tôi khóc, những giọt nước mắt rơi thật đúng lúc.

Bàn tay cầm chiếc rương da của mẹ đang run rẩy.

Tôi nghe thấy được từng tiếng nghẹn ngào như đang phát tiết nỗi tuyệt vọng của mẹ, ở mùa đông của thiên niên kỷ mới, mẹ tôi nức nở uất nghẹn, vừa nói xin lỗi, vừa giằng tay tôi ra.

Mẹ tôi bước vào gió tuyết của Sơn Thành, không quay đầu lại nữa.

Ở đêm giao thừa của thiên niên kỷ mới, tôi đã mãi mãi mất đi mẹ của mình.

Mẹ biết không, thứ con cần không phải lời xin lỗi đó.


Sau khi mẹ rời đi, bố lại càng chìm vào men rượu.

Những chai rượu rẻ tiền, những bao thuốc lá, những bàn mạt chược, bộ bài poker đã trở thành toàn bộ chất dinh dưỡng cho cuộc sống của ông ấy, mỗi ngày tôi đều hoài nghi rằng có lẽ bố đã quên mất rằng ông ấy còn một đứa con trai như tôi.

Mùa hè năm 2001, ba ngày rồi bố vẫn chưa về nhà.

Tôi không biết có phải là bố đã say chết dí ở xó đường nào đó hay không, tôi chỉ biết rằng nếu như bố vẫn không về, thì tôi sẽ phải chết đói.

Bánh mì đã hết, bánh quy cũng không còn, tôi ngẩn người nhìn chiếc tủ lạnh trống không, kiễng chân lấy hai quả trứng gà sống cuối cùng trong tủ.

Hương vị đó, nói như thế nào nhỉ, tôi vẫn còn nhớ rất rõ.

Hơi tanh, rất lạnh, rất buồn nôn, giống như quả trứng gà bị ấm áp trong dạ dày tôi ấp nở, nỗi đau đớn của sinh mạng thoi thóp ấy cứ thế tỏa ra vô cùng.

Tôi bị nôn mửa tiêu chảy ở nhà, trùng hợp được bà nội đến thăm ôm đến bệnh viện, phải điều trị một tuần.

Trong thời gian đó, tôi chưa từng thấy bóng dáng của bố, chỉ có bà nội là cứ khóc hoài.

Lúc đó bà mới hơn sáu mươi, mái tóc hoa râm, nhưng tác phong vẫn kiên quyết, mạnh mẽ, bà không để tôi theo bố nữa, đưa tôi về nhà.

Cả đời tôi sẽ mãi mãi không quên câu đầu tiên mà bà nói với tôi ở nhà của bà.

"Quai Quai, mẹ con không cần con, ba con mặc kệ con, nhưng bà nội thì cần con."

Bà ôm tôi, nụ cười hiền lành như mang theo nắng ấm, sau khi mẹ rời đi, đây là lần thứ hai tôi khóc.

Bà nội vỗ lưng tôi, nức nở: "Quai Quai phải chịu ấm ức rồi."

Từ nhỏ tôi đã ít nói, lại cộng thêm hoàn cảnh gia đình, ngày nào mẹ cũng bực bội, bố thì luôn say xỉn, vừa thấy mặt đã cãi nhau, không có phần cho tôi được nói, dần dà, tôi cũng không muốn nói chuyện nữa.

Lúc đó đáng lẽ tôi nên nói với bà, con không ấm ức, chỉ là con không hiểu, con rất khó chịu, con chỉ muốn một mái nhà bình thường mà thôi.


Mỗi tháng bố sẽ gửi tiền cho bà nội một lần, lúc thì nhiều, lúc thì ít, nó quyết định vào vận may đặt cược tháng này của ông có tốt hay không, lần nào bà nội cũng thở dài, giữ bố ở lại ăn một bữa cơm trong im lặng, ngày hôm sau thì lại xem như không có người này.

Năm đó ông nội là một công nhân ở nhà xưởng, vì máy móc gặp trục trặc nên đã ép dập hai bàn tay của ông, giám đốc nhà xưởng muốn giải quyết êm xuôi nên đã sắp xếp cho ông nội một căn hộ nhỏ, dù căn hộ từ thập niên 90, đã cũ kỹ nhưng lại rất náo nhiệt.

Vì đôi bàn tay tàn phế nên tinh thần ông nội vô cùng sa sút, chưa đầy sáu mươi tuổi đã không trụ được nữa mà rời đi, chỉ còn lại một mình bà nội, bà nội cầm số tiền tích cóp của ông mở một quán mì để kiếm sống.

Mỗi ngày tôi đều tỉnh lại trong làn khói từ nồi mì khổng lồ, dụi mắt, mặc quần áo, xuống giường ngồi trước chiếc vòi nước dưới nhà rửa mặt.

Bà nội sẽ mỉm cười, bỏ thêm một vắt mì vào phần đang nấu cho khách, đó là bữa sáng của tôi, tôi sẽ luôn nhớ mùi thơm của dầu ớt, mùi hành tươi, thêm một ít dấm, rau non và sợi mì trắng mềm đó.

Món mì tôi đã ăn suốt mười hai năm.


Tháng chín năm 2013, tôi thi đậu một trường cấp ba công lập ở thành phố.

Hôm cầm giấy báo trúng tuyển trong tay, tôi khẽ thở phào một hơi.

Thành tích của tôi không tốt, nguyên nhân chủ yếu là do tôi căn bản không thể chuyên tâm học tập được.

Sức khỏe của bà nội càng ngày càng không tốt, nhưng tiệm mì vẫn phải tiếp tục mở, bà muốn cho tôi đi học, học phí giống như một con dao, từng chút ăn mòn xương tủy máu thịt của bà, khiến cho máu của bà ngày càng mốc meo, rỉ sét.

Mỗi đêm khuya tôi thấy bà nhíu mày xoa eo, mái tóc trắng rối bời, tạp dề thấm đầy dầu mỡ, tôi sẽ cảm thấy thật sự ghét bỏ chính mình.

Tôi là một con đỉa, bám lấy bà tôi, hút lấy máu của bà mà trưởng thành.

May mắn rằng tôi đã đậu cấp ba, không cần đóng thêm phí chọn trường nữa, may mắn rằng cuối cùng tôi cũng thoát khỏi cấp hai, không phải chịu nhục khi gặp đám bạn vênh váo tự đắc đó nữa, nhưng tôi đã quá xem thường thế giới này.

Tôi vẫn chưa nếm trải đủ mùi vị của việc tồn tại này.

Nó không giống như một quả trứng gà, chỉ có vi khuẩn từ từ xâm chiếm lấy cơ thể tôi, nó giống như một thùng nước rửa bát bẩn, không chỉ bẩn, mà còn bốc mùi hôi thối.

Tôi có khuôn mặt mà các bạn nữ rất thích, đây là điều mà các bạn nữ đã nói cho tôi biết.

Bởi thế nên tôi ước mình có thể bị hủy dung cả trăm, cả vạn lần, nó chẳng mang lại cho tôi bất cứ ý nghĩa gì khi lọt vào mắt xanh của ai đó cả, ngược lại nó còn mang đến cho tôi vô số phiền phức, cứ xem như tôi đã giữ khoảng cách với tất cả các bạn nữ, nhưng tôi vẫn luôn là cái đinh trong mắt, cái gai đâm sâu vào da thịt của các bạn nam.

Bọn họ thích thú khi trêu chọc tôi, lấy việc chửi rủa tôi làm niềm vui, xem việc đánh đập tôi là khoái cảm của những kẻ chiến thắng, thậm chí còn nhổ nước miếng vào người tôi, dùng việc này để chứng minh tôi chỉ là một tên yếu đuối, rác rưởi.

Tôi đã quen với những việc bạo lực như thế, tôi hiểu rõ hai tay không đánh được bốn địch.

Bởi vì khuôn mặt này của tôi không thể hiện rõ được trái tim, bởi vì cái miệng này của tôi không nói được, tôi xứng đáng làm cái thùng rác cho các bạn nữ thể hiện sức sống của tuổi trẻ, xứng đáng trở thành bàn đạp cho các bạn nam đạt được cảm giác thành tựu.

Tôi không dám cho bà tôi biết những chuyện mình gặp phải ở trường, lần nào cũng cố bảo vệ mặt của mình, sợ để lại vết bầm, bà nội sẽ nhìn thấy, nhưng cũng vì thế mà tôi lại bị hiểu lầm.

Bọn họ nói tôi dựa vào khuôn mặt này mà quyến rũ con gái, cưỡng bức kéo tay tôi ra.

Mỗi một cái tát đều khiến tôi hoa mắt chóng mặt, không chỉ vì đau nhức.

Tôi thấy mặt đất rung lên, ánh đèn sáng lên ngoài con hẻm nhỏ, thấy vầng trăng non dần mọc lên trong thế giới đang sụp đổ, lại nhìn thấy chiếc cặp sách mang theo nhiều miếng vá bé xinh.

Nó đã đi theo tôi nhiều năm.

Lúc bà nội sửa lại nó, bà vẫn còn xâu kim rất lưu loát, nhưng bây giờ bà đã chẳng thấy rõ lỗ kim, ngay cả bàn tay cũng run rẩy.

"Dựa vào cái gì vậy." Tôi nghe thấy mình đang hỏi.

"Dựa vào cái gì à? Dựa vào việc mày là đồ rác rưởi, mày đáng đời."

Tôi nghe thấy bọn họ nói, sau đó là những tiếng cười giòn tan.

Tôi cũng cười theo.

Mái tóc chưa từng cắt đi dài ngang trán che đi nửa con mắt của tôi, tôi giơ chân đạp vào bạn nam đang đứng trước mặt, cậu ta ngã phịch xuống đất, tôi đã dùng hết sức của mình. Bọn họ căn bản không nghĩ rằng tôi sẽ phản kháng, nhất thời ngỡ ngàng, tôi bước khỏi hạn chế của bọn họ, cầm lên cục gạch ở góc tường.

"Vương Nhất Bác..."

"Đmm!"

Đây là lần đầu tiên tôi chửi thề, ý là lần đầu tiên tôi chửi thề thành tiếng.

Cục gạch dính đầy máu tươi, máu thịt trên trán bạn nam lẫn lộn, tôi đứng thẳng người, đột nhiên cảm thấy rất sảng khoái.

Sự sảng khoái mà tôi chưa từng cảm nhận được trong đời.

Tôi liếc qua đám người ở đó, máu trên cục gạch chảy vào lòng bàn tay tôi, tôi hỏi: "Còn ai muốn chết không?"

Không gian lặng ngắt như tờ, một giây sau đó tôi nghe thấy bọn họ chửi tôi là một thằng điên, sau đó lại cùng nhau xông đến, bây giờ nhớ lại tôi vẫn thấy rất buồn cười.

Anh em tốt nằm trên đất còn không tranh thủ đưa cậu ta đi bệnh viện, mà lại muốn xông đến đánh tôi? Mẹ nó, thật sự đúng là anh em tốt, vãi thật đấy, đám chó con vô tri ngu dốt này, chết cũng đáng đời.

Hôm đó tôi cứ tưởng rằng mình sẽ bị đánh chết, nhưng tôi vẫn còn một chút vận may, ngay khoảnh khắc chật vật nhất tôi đã gặp được Bá Lạc của đời mình.

Tiêu tiên sinh.

Rất lâu sau này, tôi mới biết được anh họ Tiêu.

Lúc đó anh ở trong khu chung cư, nói chung là chỉ hơn một năm, thường xuyên đến tiệm ăn mì, tôi nhớ anh ấy, trông rất quen.

Lúc đó anh vẫn còn trẻ, chưa đến bốn mươi, đánh ngã một đám nam sinh, giống như thần tiên hạ phàm, còn đẹp trai phủi đi đất cát dính trên tay, kéo tôi đứng dậy.

"Nhóc con, vẫn ổn chứ?"

Tôi chớp mắt, máu trên mí mắt chảy xuống làm mờ mắt tôi, "Chú thấy thế nào?"

"Tôi thấy không ổn lắm, có đi được không, chú đưa cậu đến bệnh viện."

Anh đỡ tôi dậy, đầu gối tôi hơi run, không dùng sức nổi, vừa đứng lên là đã ngồi lại xuống đất, hai mắt từ từ nhắm lại, tôi nghe thấy anh thở dài.

"Bỏ đi, để chú cõng cậu vậy."

Tôi bị kéo lên tấm lưng rộng của anh, đầu gối được anh nâng lên, tôi biết vết máu trên người tôi làm bẩn quần áo của anh ấy, "Cảm ơn chú."

"Không cần cảm ơn, gặp chuyện bất bình rút đao tương trợ thôi, việc nên làm."

Cách nói chuyện của anh mang theo giọng người giang hồ, giống như trong đại hiệp trong các tiểu thuyết võ hiệp.

Tôi mở mắt dựa theo ánh đèn đường nhìn khuôn mặt của anh, mày kiếm mắt sáng, đuôi mắt có vài nếp nhăn, một đôi mắt đặc thù, tôi không miêu tả được hình dạng của nó trông thế nào, tóm lại, nó khiến cho người ta thấy một lần thì mãi mãi không quên.

"Có thể, đừng nó cho bà nội cháu được không, chuyện ngày hôm nay ấy." Tôi giữ chặt hai vai của anh, nhỏ giọng nói.

Tôi hi vọng anh không phải là một người lớn cứng nhắc, có thể thông cảm cho nỗi khổ tâm của trẻ con.

"Cháu nhớ chú, sáng nào cũng đến nhà cháu, ăn mì."

"Ồ, nhóc con trí nhớ không tệ nhỉ." Anh nhướng mày tán dương, quay đầu nhìn tôi, mỉm cười: "Vậy cậu nói cho chú biết trước, mấy thằng nhóc đó sao lại muốn đánh cậu? Cậu cướp bạn gái của người ta hả?"

"Không rảnh ạ." Tôi rất bội phục trí tưởng tượng của anh, bật cười, không còn gì để nói, "Cũng có thể nói như thế, cháu cướp bạn nữ có thể sẽ trở thành bạn gái của bọn họ, nhưng cháu cũng không muốn có bạn gái gì hết."

"Sao cậu nói chuyện lòng vòng quá vậy, cứ nói thẳng mặt mũi cậu đẹp trai rất được các bạn nữ chào đón không phải là xong rồi hả? Chú có thể hiểu được, đúng là đứa nhỏ đẹp trai nhất." Anh lại bắt đầu cười, một lúc lâu sau mới gật đầu, "Đồng ý với cậu, chú không nói cho bà cậu biết."

Tôi hơi ngạc nhiên, tôi cứ cho là người lớn bọn họ đều sẽ không để ý đến suy nghĩ của trẻ con, nói với người nhà, là chuyện đương nhiên.

"Cảm ơn, chú."

Anh là một người rất nhạy cảm, nghe tôi nói chưa đến một giây đã dừng lại hỏi: "Sao thế? Cậu ngạc nhiên vì chú giấu giúp cậu đấy à."

Anh dùng câu trần thuật, tôi cũng không thích bị người khác nhìn rõ tâm tư của mình.

"Có chút ạ." Tôi thành thật trả lời.

Anh đã cứu tôi, tôi cũng không phải là Bạch nhãn lang, tôi cũng biết lễ phép, biết điều.

"Người lớn các chú, đều thích bỏ qua tâm ý của trẻ con, tự mình giải quyết mọi chuyện, giống như thầy giáo rất thích gọi điện thoại cho người nhà, nói người nhà dạy dỗ lại con trẻ, bỏ qua việc nói chuyện trực tiếp với học sinh vậy."

"Nói đúng lắm, trúng tim đen rồi."

Anh cười ha ha, giống như tôi đang kể chuyện cười vậy, sau đó lại vỗ chân tôi, tán đồng nói: "Nhóc con, cậu trưởng thành quá, cũng biết suy nghĩ đấy, không giống một thằng nhóc cấp ba chút nào, trong đầu chỉ có con gái với bài thi, sau này có suy nghĩ gì chưa? Muốn thi vào đại học nào hả?"

Hình như anh muốn nói chuyện với tôi, tôi cũng xem như đường đến bệnh viện quá dài, cũng nên tìm chút việc để giải sầu, ngoan ngoãn trả lời anh, "Cháu không muốn học đại học, học phí đắt lắm, cháu muốn kiếm tiền."

Bước chân anh bỗng khựng lại: "Cậu muốn bỏ học à?"

"Vâng." Tôi thở dài, "Nhưng cháu không dám, sợ bà nội sẽ tức chết."

"Cậu cũng biết mà, học vẫn phải đặt lên đầu, ừm, chú nói cho cậu biết, cậu đừng có nghe mấy cái súp gà bậy bạ linh tinh đó nữa, gì mà nghề nào cũng dành cho người giỏi nó, bốc phét cả thôi, đúng là có ví dụ đưa ra đấy, nhưng xác suất rất thấp, đặt cược cả cuộc đời vào một xác suất như thế, không đáng, người thông minh phải biết tránh gió độc, đi một con đường không rủi ro, chọn cách thuận buồm xuôi gió nhất, hiểu không?"

"Không có tiền."

Tôi dùng từ ngữ đơn giản nhất trả lời cho câu từ dài dòng của anh.

Anh lại dừng bước, tôi lại tiếp tục thở dài.

"Năm nay bà nội đã bảy mươi lăm tuổi rồi, đi đứng không còn nhanh nhẹn nữa, mắt cũng không nhìn rõ, mỗi ngày bà đều phải dậy lúc năm giờ để mở tiệm mì, vì muốn cung cấp tiền cho cháu đi học, nếu như cháu đi học đại học, học phí sẽ kéo bà chết mất, cháu ra ngoài đi làm, để cho bà được nghỉ ngơi, sống như thế nào mà không phải là sống chứ, điều kiện tiên quyết chỉ là muốn sống không mà thôi."

Tôi không biết vì sao hôm đó tôi lại đồng ý mở lòng nói ra những lời thật lòng chưa từng nói với ai cho anh, anh với tôi chẳng qua chỉ là bèo nước gặp nhau, những người xa lạ, à không phải là Lôi Phong kiểu mẫu gặp bèo nước mới đúng.

Sau này tôi suy nghĩ rất lâu, có lẽ bởi vì ngày đó tôi quá yếu ớt, chiếc áo giáp không dày dặn gì đã bị bọn họ đánh nát, hoặc có lẽ tôi vẫn luôn thấy quá mỏi mệt, liều mạng tháo chạy, lại được nằm trên bờ vai của người khác, quân lính cứ thế mà gục ngã rã tan.

Tôi khóc, nằm trên bả vai anh mà khóc gào.

Tôi không biết lúc ấy tâm trạng của anh ấy thế nào, nhưng anh cũng không hề lên tiếng ngăn cản tôi, tôi khóc cho thỏa, đến cửa bệnh viện mới nghe thấy anh nói: "Khóc đi."

"Khóc lên, không nói cho bà cậu biết."

Tôi nghi ngờ anh có khả năng nhìn thấu lòng người, là thần tiên hạ phàm.


Mùi thuốc khử trùng gay mũi, i-ốt chà xát qua vết thương châm chích như một hình xăm.

Tôi nắm chặt tay, chẳng kêu một chút nào, cũng không rơi một giọt nước mắt, tôi muốn nhớ mãi đau đớn ngày hôm nay, dù tôi biết nó cũng chẳng có ý nghĩa gì.

Trăng đêm nay không sáng đến ngày mai.

Vết thương sẽ lành, nhưng đau đớn thì không thế.

"Cậu không có cảm giác đau hả? Hay mất cảm giác rồi?"

Tôi ngước mắt nhìn anh, "Quen rồi, hơn nữa kêu cũng vô dụng, không phải muốn khử trùng, cũng không phải muốn đau, càng kêu càng đau."

"Chú nhận ra cậu rất có tiềm năng thành nhà văn đấy, kim câu đại vương." Anh giơ ngón cái với tôi, chú rất thích cười, cười lên rất ấm áp.

Tôi không đáp lại, bình tĩnh xử lý xong vết thương, anh nói muốn đưa tôi về nhà, tôi hỏi tiền thuốc hết bao nhiêu, sau này sẽ trả lại, anh nhíu mày.

"Cậu có tiền hả?"

"Không có."

"Vậy thì nói làm khỉ gì, không phải không được cho bà biết hả?"

"Khi có tiền, chắc là phải chờ hai năm nữa, nhưng vẫn phải trả."

Anh mỉm cười, sau đó thở dài, "Nhóc con, làm người ấy, không nên tính toán như vậy đâu, cậu phân chia được mất quá rõ ràng, không muốn nhận lấy món quà từ người khác, chỉ muốn dựa vào chính mình, như vậy sẽ rất mệt mỏi."

Tôi không hiểu những lời này, thiếu nợ thì phải trả, đây không phải là đạo lý đương nhiên à?

"Không thân không quen, cháu đương nhiên không nhận tiền của chú được."

Anh quay đầu hỏi tôi, "Vậy sau này nếu như cậu gặp được một người, người đó cho cậu rất nhiều tiền, muốn cậu trả giá bằng một vật vô cùng trân quý, như lương tri hay trong sạch, một chuyện như thế, cậu sẽ chọn thế nào?"

Tôi nhíu mày, "Chú có ý gì?"

"Không có ý gì cả, chú chẳng có ý gì với cậu hết." Anh giang tay ra, bộ dáng chẳng có gì quan trọng, nhưng lại chân thành nói: "Nhưng cậu nhất định sẽ gặp được người có ý với cậu, chi bằng sớm suy nghĩ để lựa chọn vấn đề này xem sao."

"Vì sao cháu lại nhất định sẽ gặp được chứ."

"Bởi vì mặt mũi cậu không tệ." Anh cười với tôi, "Lại không có tiền."

Nói trúng tim đen.

Tôi chán ghét những từ ngữ quá ngay thẳng ngay lúc này của anh, nhưng lại không có cách nào phản bác.

Anh chỉ đem vấn đề không cách nào né tránh được bày ra trước mặt tôi, không phải trào phúng, cũng không phải là trêu chọc, ở trong nụ cười của anh, tôi thấy được sự tôn trọng.

"Xem tình huống mà chọn thôi ạ." Tôi suy nghĩ, sau đó nói: "Nếu như không phải chuyện bất đắc dĩ thì không đồng ý, nếu như không có tiền thì sẽ chết, vậy thì cái gì cũng vô dụng hết, lương tri hay trong sạch không quan trọng bằng việc còn sống."

"Cậu có khả năng sẽ trở thành người xấu." Anh cười nói.

Tôi không biết lời này là khích lệ hay phê bình, chỉ nghe thấy sau đó anh lại nói, "Chú có một cơ hội để cậu kiếm tiền được rất nhiều tiền, nhưng cậu phải bỏ học, hơn nữa nó rất nguy hiểm, có thể sẽ bị thương, tàn phế, mất mạng, cậu có đồng ý không?"

Tôi ngẩn người, sau đó hỏi: "Kiếm được rất nhiều tiền là bao nhiêu?"

"Có nhà có xe, để cho bà nội cậu có thể an hưởng tuổi già."

Anh dừng bước, quay người nhìn tôi, ánh mắt sắc bén thông tỏ mọi thứ như lóe lên ánh sáng, chiếu rõ tôi trần trụi từ trong ra ngoài.

Anh bổ sung thêm: "Mà làm thì phải làm việc xấu, giết người phóng hỏa, buôn lậu thuốc phiện, mọi thứ cậu chạy không thoát, chú không thể hứa hẹn thời hạn cụ thể cho cậu, có lẽ là mấy tháng, có lẽ là mấy năm, hoặc có lẽ cho đến chết, tôi chỉ có thể hứa với cậu, cho dù cậu làm những việc này, cậu vẫn là người tốt như cũ, vẫn có thân phận được xã hội tán thành, chỉ cần cậu có thể sống được đến ngày đó, cậu chính là anh hùng, nhưng không sống được đến đó, cậu chính là người xấu."

Tôi không hiểu những thứ hỗn loạn này, nhưng câu cho bà nội an hưởng tuổi già có sức hấp dẫn quá lớn, đủ để khiến tôi trút bỏ tất cả lo lắng trong lòng.

Bà đã bảy mươi lăm tuổi, tôi không biết bà còn có thể chờ tôi mấy lần sang năm.

"Cháu đồng ý, nhưng mà..." Tôi nhìn về phía anh, kiên định nói: "Chú phải cam đoan rằng bà nội cháu sẽ không gặp nguy hiểm, cho dù cháu chết đi, bà cũng có thể nhận được tiền."

Anh dường như ngẩn người, nói chung không ngờ tới tôi suy nghĩ nửa ngày cũng chỉ để đưa ra một yêu cầu như thế, anh lại tiếp tục cúi người, đưa tay vỗ vai tôi.

"Họa không tới người nhà, nhóc con, có trách nhiệm."

Tôi thấy trong nụ cười của anh có một tia đồng cảm, sau đó lại thấy được sự mềm mại trong đôi mắt đó, giống như anh đang nhìn qua tôi, thấy được một người nào đó rất thân thiết.

Anh nói với tôi: "Nhóc con, cậu có biết trên vai đàn ông phải mang theo những gì không?"

"Trách nhiệm ạ?"

"Là gia đình." Anh cụp mắt, "Sau đó là chính nghĩa."

"Chính nghĩa?"

"Ừ, chính nghĩa."

Anh đứng dậy, mắt nhìn vào bóng đèn đường, chiếc bóng được ánh trăng trải dài, giống như một con quái thú đang giương nanh múa vuốt.

"Cho dù hàng vạn người ra đi, cho dù chết cũng phải để ngọn lửa được lưu truyền, chính nghĩa rất tốt, nhưng chính nghĩa cũng rất khó."


Đó là tháng một năm 2014, năm mới sắp đến, Sơn Thành không có tuyết.

Đây là lần đầu tiên tôi nói dối bà, nói trường học cung cấp chỗ ở và ăn uống miễn phí cho học sinh nghèo, sau này một tháng được về một lần, học phí cũng được giảm một nửa, bà không cần phải vất vả nữa, tiền kiếm được hãy dùng cho mình nhiều hơn, mệt mỏi không làm được thì hãy ngủ thêm nữa nhé.

Bà nội ôm tôi vừa khóc vừa cười, nói trên đời này hóa ra vẫn có nhiều người tốt quá, Quai Quai phải học tập thật giỏi, sau này mới có công việc tốt, kiếm được nhiều tiền, trở thành người có ích cho xã hội.

Tôi gật đầu đồng ý, nhưng lại không cách nào có thể mở miệng nói một tiếng dạ vâng.

Bà nội của tôi, bà là một người mang tâm địa Bồ Tát, cho dù cả đời nghèo khổ, khổ sở cả kiếp người, chồng chết sớm mà con bất hiếu, nhưng bà vẫn luôn mang theo hi vọng ngập tràn đối với thế gian, bà cho rằng nếu như tâm mình đủ thành kính thì sẽ được đền đáp lại bằng những điều tốt đẹp.

Bà chỉ là một người phụ nữ bình thường nhất, Bồ Tát vô tâm, không thể phù hộ bà, nhưng tôi đã lớn, tôi thề nhất định phải bảo vệ bà.


Tết Nguyên Tiêu năm 2014, ngày đoàn viên, tôi lại rời nhà.

Đây là lần đầu tiên trong đời tôi cầm vali đồ, nó làm bằng da, đã cũ, chỉ chứa một ít quần áo.

Bà đưa tôi ra ngoài, trộm nhét cho tôi mấy tờ tiền màu đỏ, tôi nhíu mày từ chối, bà lại không chịu nhận lại.

"Quai Quai phải chăm sóc mình thật tốt nhé, ở trường cũng phải dùng đến tiền."

Tôi không lay chuyển được bà, cầm mấy tờ tiền nhét vào túi, im lặng quay người.

Gió lạnh đìu hiu, tôi nhớ đến đêm giao thừa hơn mười năm trước, mẹ cầm theo rương da bước ra khỏi cửa, cũng bước ra khỏi cuộc đời tôi.

Trong màn nước mắt, tôi bước thẳng về phía trước, nhẹ nói: "Con xin lỗi."

Xin lỗi bà nội, con lừa bà.

Quai Quai đã lớn, nhưng lại không thể làm Quai Quai của bà nữa.

Anh Vũ đứng trước cửa chờ tôi, một bộ đồ màu đen bình thường, một chiếc mũ lưỡi trai, tôi gọi anh, anh ngẩng đầu mỉm cười với tôi, "Đi thôi."

Tôi gật đầu, bước lên xe của anh.

Anh Vũ là biệt danh mà anh ấy nói cho tôi, anh nói tôi không cần biết anh mang họ gì, cũng không được gọi anh là chú, theo quy định, đều phải gọi là anh.

Trên đường đi.

Khoảnh khắc này tôi mới biết anh muốn dẫn tôi đi làm gì, nhưng tôi cũng không đoán đúng hoàn toàn.


Anh Vũ đậu xe đầu con phố cũ, gọi tôi xuống xe.

Tôi hơi bực mình, nghĩ rằng căn cứ của xã hội đen sao lại có thể ở chỗ náo nhiệt như thế này được? Gan lớn như thế ư, chẳng giống trong phim gì cả.

Tôi theo anh đi thẳng, phải tầm nửa tiếng, mới thấy được cửa lớn của cục cảnh sát Sơn Thành, tôi choáng váng, hỏi anh có phải là đã đi nhầm nơi không.

Anh Vũ kéo thấp vành mũ, cười, "Nhất Bác à, dáng dấp của anh cậu rất giống người xấu sao hả?"

"Không giống." Tôi lắc đầu, đột nhiên thông minh hẳn, "Anh là nằm..."

"Xuỵt." Anh bịt kín miệng tôi, nhìn một cái, để lộ vẻ nghiêm túc nhắc nhở tôi, "Anh tín nhiệm cậu, nên không lừa cậu, nhưng Nhất Bác phải chôn sâu chuyện này trong lòng, tốt nhất là trực tiếp quên luôn, bao gồm cả thân phận của chính cậu, tuyệt đối không để người thứ ba biết được, nếu không hai chúng ta nhất định sẽ chết thảm, hiểu rõ chưa?"

"Hiểu rõ rồi ạ."

Tôi nghe thấy tiếng tim mình đập như sấm, bị anh xách vào cục cảnh sát.

Ngày mười bốn tháng hai năm 2014, tôi mười sáu tuổi mặc đồng phục cảnh sát, chụp một tấm ảnh nhận chức nghiêm chỉnh mà non nớt.

Anh Vũ giúp tôi quản lý mọi việc, tạm dừng việc học, sao lưu cảnh hiệu, hồ sơ vừa mới được in ra trực tiếp bị tiêu hủy.

Tôi chỉ làm cảnh sát trong một ngày, chỉ mặc đồng phục cảnh sát trong vòng nửa tiếng.

"Nhất Bác, từ hôm nay trở đi, học thuộc lòng lý lịch này, trong lúc làm nhiệm vụ, đây là thân phận duy nhất của cậu, cậu sẽ bắt đầu học lại từ đầu tất cả những kiến thức và kỹ thuật để giúp cậu có thể sống sót, kể cả những thứ như toán học hay hóa học không liên quan nữa."

Anh cởi mũ trên xe, quay người giơ tay với tôi, cười nói: "Chào mừng cậu, đồ đệ kiêm chiến hữu của anh, mong rằng sau này chúng ta hợp tác vui vẻ."

Tôi vẫn chưa thích ứng được với kiểu giao tiếp giữa người trưởng thành này, sửng sốt nửa ngày mới nắm chặt lấy tay của anh, rồi lại không biết nên nói gì, "Em... Được ạ."

"Không làm vậy được rồi."

Anh thu tay về, mỉm cười lái xe, "Không muốn chết thì phải nhanh chóng thích nghi đi thôi."

Anh dùng giọng nói dịu dàng nhất, nói với tôi lời nói tàn nhẫn nhất.


Tháng mười năm 2018, gió thu phe phẩy, phù dung đã nở hoa.

Tôi nhận được câu nói cuối cùng mà người đồng đội suốt đời kiêm sư phụ của mình để lại cho tôi.

Tôi nắm chặt tay lái, nước mắt rơi xuống xối xả. Người đàn ông nói với tôi người đó muốn dùng vai mang theo chính nghĩa, hôm nay đã chết dưới bàn tay của chính nghĩa.

Tôi ở trong cơn mưa thu của Thành Đô, còn anh ở Sơn Thành máu chảy thành sông.

Tôi tên Vương Nhất Bác, mười sáu tuổi gia nhập đội cảnh sát, chỉ làm cảnh sát một ngày, năm nay là năm thứ tư tôi hoạt động bí mật ở đây, tôi đã vĩnh viễn mất đi chiến hữu của mình.

Tôi nhớ tất cả những gì anh ấy nói với tôi, tôi cũng nhớ rằng tôi là một cảnh sát.

Cho dù hàng vạn người ra đi, cho dù chết cũng phải để ngọn lửa được lưu truyền. 



Bạn đang đọc truyện trên: TruyenFun.Vip