Chương 7: Lạc thú

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chẳng biết Nạp Khắc La Tư đã khuyên nhủ thế nào, chỉ biết cuối cùng hắn cũng lôi được Táp Già ra khỏi phòng ký túc xá. Cả sáu người bọn họ cùng nhau đi đến khu vực phía sau nhà kho cũ để tập hợp với những người còn lại.

Vốn ở đây không mấy ai lui tới nên lãnh đạo hoàn toàn không lắp đặt camera theo dõi, hơn nữa vì khu nhà kho này chỉ cất giữ những món đồ đạc không cần dùng đến nữa nên luôn được đóng kĩ khoá chặt.

Bên cạnh nó là hàng rào bao bọc toàn bộ khu quân sự, nhưng đã sớm bị ăn mòn bởi sự oxy hoá và độ ẩm, những thanh sắt bị gỉ sét tạo thành mảng bột màu đỏ thẫm, bong tróc bám vào bề mặt của chất nền.

Lạp Duy Nhĩ nhìn thấy thì nảy lên hứng thú, chỉ vào nó rồi lên tiếng: "Xem thời gian và thiên nhiên đã làm gì với cái hàng rào này nè, bị oxy hoá hết trơn rồi."

Lục Hoài Thanh lắc đầu: "Anh Lạp, ăn mòn thì nói ăn mòn, không cần phải chứng minh kiến thức hoá học gì đó với bọn tôi đâu. Đều là học tra cả mà."

Doãn Dương Kỳ cũng gật gù theo: "Đương nhiên là trừ A Khắc với lớp trưởng rồi."

Ngân Trú đưa ra một ánh nhìn khinh bỉ: "A Nhĩ, mày nói dễ hiểu thôi được rồi. Tế bào não của tao không đủ để mài ra mà ăn đâu."

Lạp Duy Nhĩ liên tiếp bị công kích: "..."

Bởi vì hàng rào cũ đã lâu không có người tu sửa lại nên rất dễ dùng sức để đạp đổ, ngay khi đám nam sinh đang giơ chân lên muốn đá đổ hàng rào thì Nạp Khắc La Tư đã nhanh chóng đưa tay ra làm dấu hiệu dừng lại, hắn hô lên: "Khoan đã!"

"Sao thế?"

"Có cái lỗ kìa, chúng ta qua đó chui ra là được rồi. Đạp đổ hàng rào thì bị phạt nặng hơn mất." Nạp Khắc La Tư chỉ vào cái lỗ hổng gần đó cách bọn họ hai mươi bước chân.

Chẳng biết là khu quân sự có trộm đột nhập hay cái lỗ này là do những người khoá trên đã tạo ra để thế hệ sau như bọn họ hưởng phúc, nhưng nó đủ rộng để một người trưởng thành có thể vừa vặn chui lọt. Vậy nên tốp học sinh bảy tám người bọn họ quyết định từng người một sẽ chui ra bên ngoài.

Lạp Duy Nhĩ là người cuối cùng bước ra, ngay lập tức một khung cảnh hùng vĩ đập vào trong mắt cậu.

Thiên nhiên luôn là một thứ quà kỳ diệu mà thượng đế đã tạo ra, những cảnh sắc mà thiên nhiên mang lại đủ để làm cho thị giác của con người ta cảm thấy thoả mãn. Tháng tám đã sớm đi qua tự lúc nào, để lại trên những cành lá một màu đỏ thẫm. Hàng vạn cành phong nối liền nhau vươn lên nền trời, từng chiếc lá được tỉ mỉ nhuộm lên một màu đỏ đẹp mắt.

Thỉnh thoảng gió thổi sẽ nhẹ nhàng lay động những tán cây, tạo ra âm thanh xào xạc dễ chịu của trời thu tháng chín. Một cánh rừng già vốn chẳng có gì đặc sắc, nay đã được mẹ thiên nhiên nhuận sắc tô điểm lên cả một vùng. Nếu không phải thời tiết vẫn còn gắt gỏng, Lạp Duy Nhĩ cũng muốn ngồi đây suốt cả buổi chiều.

Đám học sinh muốn chạy thật nhanh ra khỏi nơi này, băng qua tầng tầng lớp lớp cổ thụ dày đặc để tìm thấy lạc thú mới mẻ. Giờ đây lại tỏ ra ngây ngất trước vẻ đẹp như hoạ lên từ những chiếc bút đầy màu sắc của tự nhiên, vài người không nhịn được mà thốt lên vài câu cảm thán.

Cố Triều Từ xoa gáy, thật thà nói: "Hình như tôi biết tại sao những nhà thơ cổ đều thích viết về mùa thu rồi."

Lục Hoài Thanh: "Đẹp nhỉ, phải mà người tôi thích cũng có thể nhìn thấy khung cảnh này. Nhưng bức tường kia thật sự quá cao, đứng ở trong cũng chẳng thấy gì ở bên ngoài."

Chẳng biết ma xui quỷ khiến thế nào mà Lạp Duy Nhĩ lại quay đầu nhìn sang lớp trưởng. Chỉ thấy Táp Già đứng lặng nhìn theo cánh phi điểu trên nền trời, gió thổi làm mái tóc của hắn lay động, ánh mắt nam sinh như chất chứa hàng vạn nỗi buồn chẳng thể nào kể ra.

Màu đỏ của lá phong bao trùm lấy hắn, mà Táp Già trong chiếc áo sơ mi mỏng manh ấy lại trở nên đẹp mắt đến lạ kỳ. Ở một khoảnh khắc mà chẳng ai để ý đến, Lạp Duy Nhĩ đã vô thức đưa camera của mình lên và chụp một tấm ảnh về Táp Già.

Nạp Khắc La Tư đút hai tay vào túi quần, thong dong ngửa đầu cho cơn gió thổi qua gương mặt. Sau khi ngọn gió ấy đã ngừng lại, hắn mới chậm rãi mở mắt lên tiếng: "Được rồi, nếu không đi thì trời sẽ tối mất."

Thế là cả bọn lại men theo con đường mòn đi xuống từng chút, cành cây xì xào va chạm nhau như một giai điệu vui tai của mùa lá đổ. Nếu trên đường đi gặp phải âm thanh sột soạt nào phát ra từ bụi rậm, tên nhát cấy Lục Hoài Thanh sẽ không nhịn được mà nhảy cẩng lên. Khi ấy đám nam sinh sẽ cùng nhau cười đùa trêu chọc cậu ta, sau đó lại tiếp tục cất bước.

Mất mười lăm phút để đi bộ đến đường lớn, nhưng ngoài trạm xe buýt công cộng ra thì thi thoảng mới có một vài chiếc xe con băng qua trên đường. Có người lên tiếng thắc mắc thì Nạp Khắc La Tư mới giải thích: "Bởi vì khu vực này không phải là địa điểm du lịch nên chẳng có ai đi qua nơi này làm gì đâu. Đa số mọi người sẽ đi đường đèo vượt qua cho tiện, nếu ở bên cạnh không có trấn nhỏ kia thì chắc toàn bộ nơi này sẽ thuộc về khu quân sự."

Cố Triều Từ hỏi: "Sao cậu biết rõ vậy, tôi tưởng tất cả chúng ta đều mới đến đây lần đầu?"

Nạp Khắc La Tư cũng không giấu giếm mà nói thật: "Bởi vì nơi này thuộc về tài sản của Nạp gia. Lúc tôi học cấp hai, hè nào bố tôi cũng đá tôi đến nơi này rèn luyện, nếu không phải lịch học cấp ba dày đặc thì tôi cũng chết mất thôi."

So với địa vị và tài sản của gia đình Nạp Khắc La Tư thì tất cả mọi người đều sốc trước câu trả lời phía sau của hắn nhiều hơn. Lục Hoài Thanh rùng mình hỏi: "Đệt, mỗi hè luôn ư? Chỉ mới ở đây có hai ngày mà tôi sắp sửa không chịu được rồi đây này!"

Nghe cậu ta nói vậy thì nam sinh khác đã giở giọng châm chọc: "Lục Hoài Thanh, đã là đàn ông thì không thể nói không được đâu đấy nhé~"

Vào lúc bọn họ mải mê đùa giỡn với nhau thì xe buýt cũng đã dừng bánh tại trạm nghỉ. Bởi vì không có thẻ tích điểm nên mỗi người đã chia nhau vài đồng lẻ để tiện cho việc đi đường.

Hiện tại trên xe buýt không có quá nhiều hành khách nên vẫn còn dư ra rất nhiều ghế trống, cả bọn không hẹn mà cùng ngồi ở mỗi một vị trí khác nhau. Duy chỉ có Ngân Trú muốn ngồi cùng Lạp Duy Nhĩ để trò chuyện, sau khi tất cả đã yên vị trên ghế ngồi thì xe buýt mới bắt đầu lăn bánh, cảnh vật bên ngoài cũng theo đó mà chầm chậm di chuyển.

Ngân Trú không ở cùng phòng ký túc xá với Lạp Duy Nhĩ nên đã có rất nhiều chuyện muốn nói, nhưng suốt chuyến đi đa phần chỉ có hắn huyên thuyên mở miệng, do chứng buồn ngủ mỗi khi đi xe công cộng của mình mà thỉnh thoảng Lạp Duy Nhĩ mới lên tiếng trả lời.






Thị trấn bên cạnh có tên là Yên Cảnh, gọi là thị trấn nhưng thực chất cũng không có bao nhiêu hộ dân. Nếu không phải trên biển chỉ dẫn ghi là "Thị trấn Yên Cảnh" thì bất cứ ai nhìn vào cũng nghĩ đây là một thôn trang nào đó trông có vẻ hơi quá cỡ mà thôi.

Vì không phải địa điểm du lịch nên người dân nơi đây sinh sống bằng nghề trồng trọt và trao đổi hàng hoá. Chẳng có ai ngờ cách khu quân sự 2km lại có một nơi yên bình như thế này. Bao quanh thị trấn là khung cảnh hoang sơ của vùng núi, mà đứng ở đây nhìn ra xa thì vẫn có thể thấy màu đỏ lởm chởm của lá phong.

Lạp Duy Nhĩ vừa đi vừa ngâm nga một giai điệu nào đó, làm cho những người đi bên cạnh cũng thấy lòng phơi phới theo.

Lục Hoài Thanh cười cười: "Anh Lạp, hôm nay tâm trạng của cậu không tồi nha."

"Phải không? Tôi thấy vẫn bình thường đấy thôi."

"Giáo bá, lúc bình thường sẽ chẳng ai huýt sáo đâu."

Lạp Duy Nhĩ ngượng ngùng xoa mái tóc, không muốn tiếp tục cuộc đối thoại này nữa mà nhanh chóng bước đi. Đám nam sinh ở phía sau thì vừa đi vừa trò chuyện, thỉnh thoảng sẽ vang lên vài tiếng cười khúc khích. Chỉ có Táp Già là mặt không biến sắc, hắn lẳng lặng như thế mà đi theo đoàn người.

Lúc bọn họ đi ngang qua một khu vườn trồng lựu thì bước chân đều không hẹn mà cùng dừng lại. Cố Triều Từ nhìn vào bên trong, thèm thuồng tặc lưỡi: "Cũng vào mùa lựu rồi đấy nhỉ? Mọi năm nhà tôi đều mua rất nhiều, ăn không hết thì mang đi biếu hàng xóm."

"Mẹ tôi thích ăn lựu, nhưng tôi thì thích uống nước ép hơn, tôi lười nhè hạt ra lắm."

"Có chủ nhà ở đây không nhỉ? Tôi cũng hơi nhạt miệng rồi."

Những cây lựu trong vườn nom có vẻ đã già, phỏng chừng số tuổi của nó còn lớn hơn cả bọn họ. So với những cây lựu thông thường thì có phần cao lớn hơn một chút, cành lá xum xuê vươn ra từ hàng rào. Lá xanh nhẵn nhụi, đối xứng từng cành, nhìn từ xa thôi đã thấy mát con mắt.

Từ trong cành cây thô to ấy lộ ra những chùm hoa chuông màu đỏ tía. Cánh hoa nở rộ như những đốm lửa phập phồng trong đêm lễ hội mùa hè, rực rỡ toả sáng dưới ánh nắng trong khu vườn.

Hương hoa toả ra nhàn nhạt, vất vưởng bên cánh mũi mãi không rời đi. Dưới những tán lá dày lấp ló những quả lựu đo đỏ mọng nước, làm cho người ta không nhịn được mà muốn vươn tay bắt lấy.

Ngân Trú nhìn cảnh trước mắt mà lại không thể làm gì, hắn tiếc nuối bâng quơ một tiếng: "Ở đây có hoa và lựu rồi, chỉ thiếu đuốc với rượu* thôi."

Cố Triều Từ nghe thấy thì bật cười, y bổ sung: "Vậy thì còn cần một đôi uyên ương nữa, ở đây ai là tân lang, ai là tân nương nào?"

(*) Ở đây nhắc đến một câu đối mừng tân hôn của Trung Quốc:

艳。
斟。
Chúc hoa hỷ tịnh lựu hoa diệm.
Bồ tửu hân liên cẩn tửu châm.

Dịch nghĩa:
Hoa đuốc kề bên hoa lựu đẹp.
Rượu nho cùng với rượu cẩn mời.

Nạp Khắc La Tư đánh mắt nhìn sang Táp Già, thấy hắn không chú ý thì hồ hởi nói: "Tân lang đương nhiên là giáo thảo của chúng ta rồi!"

Đột nhiên bị chỉ điểm, Táp Già cũng tỏ vẻ không quan tâm, hắn chỉ liếc Nạp Khắc La Tư một cái, nhưng người kia căn bản chẳng sợ chết mà còn nhìn hắn tủm tỉm cười. Một trong số nam sinh khác lại lên tiếng: "Ồ, vậy giáo bá là tân nương thì có phải rất vừa vặn hay không?"

Lạp Duy Nhĩ: ?

Vừa cái em gái cậu!

Có vẻ bọn họ ở bên ngoài ồn ào quá đã làm kinh động đến người ở bên trong. Ngay khi tất cả đang cười nói vui vẻ thì cánh cửa gỗ bên cạnh cũng vừa lúc mở toang, Lạp Duy Nhĩ quay mặt nhìn sang thì bắt gặp một ông lão đầu đã điểm hoa râm đang đứng trước bậc tam cấp.

Bỗng dưng nhìn thấy một đám thiếu niên lạ mặt như vậy đứng trước cửa nhà thì ông cụ có chút giật mình, nhưng rất nhanh sau đó đã lấy được sự bình tĩnh mà lên tiếng: "Các cháu ở bên ngoài đến à? Sao lại tụ tập hết ở đây thế này?"

Cứ tưởng sẽ bị mắng một trận vì đã làm ồn, nhưng khi ông cụ vừa nói xong thì bọn họ đều thở phào nhẹ nhõm. Có vẻ Nạp Khắc La Tư nhận ra ông lão, hắn nhanh chóng bước đến trước mặt ông, lễ phép cúi đầu: "Chào ông Kỷ ạ, ông có nhớ cháu là ai không?"

Nhìn thấy nam sinh cao ráo đẹp trai ở trước mặt, ông Kỷ đẩy kính suy ngẫm một hồi. Có vẻ như về già nên trí nhớ chẳng còn được minh mẫn, cái suy ngẫm này đã trôi qua thật lâu, mà Nạp Khắc La Tư cũng không vội mà lên tiếng nhắc nhở: "Hè năm nào cháu cũng lẻn đến đây chơi, chỉ có năm trước là cháu không đến vì phải tham gia thi tuyển. Cháu nhớ món cá hấp của bà ăn rất ngon, nhưng lúc nào bà cũng vô tình làm nó cay rát cả lưỡi."

Hình ảnh thiếu niên xẹt qua tâm trí, ông Kỷ cuối cùng cũng nhớ ra hắn là ai, liền bật cười vỗ vai hắn. Ông nói: "Không ngờ khi lên cấp ba cháu lại tuấn tú như thế này, làm cho ông già này nhận không ra."

Nạp Khắc La Tư cười cười không đáp lại, ông Kỷ lại nói thêm: "Năm nay bố cháu có đến không? Ta còn phải cảm ơn ông ấy vì đã chi tiền tu sửa lại thị trấn, ài, nếu không nhờ ông ấy thì cái trấn này cũng không giữ được bao lâu."

"Năm nay cháu đến đây học quân sự nên đi cùng các bạn, nếu là bố cháu thì ông ấy cũng sẽ bảo ông đừng khách sáo thôi ạ, ông ấy nhận tấm lòng của ông là được rồi ạ."

Ý cười trong mắt ông Kỷ lại thêm rõ ràng, nếu không phải cô cháu gái trong nhà đã sớm kết hôn rồi thì ông cũng muốn gả cô cho một người như Nạp Khắc La Tư. Thiếu niên anh tuấn lại còn lễ phép như thế này làm ông rất vừa ý.

Ngay khi nhìn thấy bọn Lạp Duy Nhĩ đang đứng ở ngoài trời nắng thì ông mới sựt nhớ ra, vội vàng lên tiếng: "Đứng lâu như thế có mệt không các cháu? Mau vào trong ngồi uống miếng nước cho mát người."

Lục Hoài Thanh không hề tỏ ra khách sáo, ngược lại còn vô cùng tự nhiên dẫn đầu đi vào trong nhà: "Cháu cảm ơn ông!"

Nhìn thấy cậu ta vô tư như vậy, Lạp Duy Nhĩ cũng chỉ biết lắc đầu ngao ngán. Cậu muốn lên tiếng nói lời xin lỗi thì một giọng nói đã vang lên từ phía sau lưng: "Xin lỗi vì đã làm phiền gia đình ông như thế này ạ."

Mấy ai lại không thích người lễ phép, huống chi người lớn tuổi lúc nào cũng thấy cô đơn. Thấy Táp Già cúi đầu trước mình như vậy thì ông Kỷ bật cười, đi đến vỗ nhẹ lên vai hắn: "Được rồi, ông lại không thể chiêu đãi được các cháu sao? Mau vào trong đi, trời nắng gắt lắm."




Nhìn từ phía trước cứ ngỡ đây chỉ là một hộ gia đình nhỏ có thêm sân vườn, nhưng chẳng ngờ phía sau nhà lại có cả một hồ cá lớn. Hai bên là cầu nhỏ bắc sang ngôi nhà bát giác ở giữa hồ, cành liễu rủ xuống mặt nước, bị gió đong đưa tạo thành dao động trên mặt hồ tĩnh lặng.

Lạp Duy Nhĩ ngẩn người một hồi thì lại không kìm được mà đưa camera lên chụp vài tấm, định bụng sẽ mang chúng ra làm tư liệu cho việc vẽ tranh sau này. Táp Già rũ mắt nhìn Lạp Duy Nhĩ, đến mãi khi thiếu niên bỏ máy ảnh xuống thì hắn mới nhanh chóng dời mắt đi.

Ông Kỷ nhiệt tình hỏi: "Sao nào, các cháu có muốn tự mình câu cá không? Trong nhà vẫn còn hai cái cần câu đấy."

Lục Hoài Thanh nghe đến câu cá thì hai mắt sáng rực lên, bởi lẽ cậu ta chưa bao giờ tham gia loại hoạt động này lên rất hào hứng: "Cháu chưa câu cá bao giờ, nhưng bố của cháu lại thích lắm. Tuần nào cũng đi câu, dù chẳng câu được gì."

Ông cụ nghe xong thì gật gù tỏ vẻ đã hiểu, sau đó ông chậm rãi tiến về phía nhà kho, vừa đi vừa giải thích: "Niềm vui người đi câu vốn chẳng phải là cá. Mà là sau những ngày làm việc mệt mỏi, cuối cùng cũng có được một hôm rũ bỏ mọi muộn phiền để hoà mình với thiên nhiên, mây nước."

"Tuổi trẻ của các cháu dạo này sống hấp tấp, bồng bột quá. Vậy nên chưa kịp suy nghĩ kỹ càng các cháu đã vội vàng lao đầu vào thực hiện rồi. Sống trên đời ấy à, phải biết xem xét sự việc, phải biết nhìn xa trông rộng. Sống như thế nào để có ý nghĩa thì mới gọi là sống chứ."

Nói đến đây, ông Kỷ hơi ngừng lại. Có vẻ như nhận ra mình đã vô tình dạy đời con cái nhà người khác nên ông không còn nói nữa. Ông cụ với tay lấy từ trong nhà kho ra hai cái cần câu còn mới cáu, sau đó đưa cho Lục Hoài Thanh: "Đây, cần câu đây. Ông già rồi, chẳng còn sức mà đối chọi với đám cá đó nữa. Bữa trưa hôm nay đành phải làm phiền các cháu."

Ngân Trú đưa hai tay nhận lấy cái cần còn lại, không quên giơ cánh tay lên vỗ vài cái vào bắp chuột của mình: "Ông cứ giao cho bọn cháu, đã đến cọ cơm rồi thì mấy việc này sao lại phiền được chứ ạ!"

Ông Kỷ thấy dáng vẻ nhiệt tình của hắn thì bật cười, không hề keo kiệt mà đưa ra một lời tán thưởng: "Giỏi lắm, vậy ta vào nhà một lát. Khi nào có cá thì mang vào bên trong, để cho bà làm vài món ngon đãi các cháu."





Ông Kỷ đã đi rồi thì lúc này một nam sinh mới lên tiếng: "Trú Tử, cậu biết câu cá không?"

Ngân Trú lắc đầu: "Không biết."

Cố Triều Từ nghe vậy thì nhếch môi: "Không biết mà sao lúc nãy cậu tự tin quá vậy? Không sợ không câu được con nào à?"

"Ở đây còn có A Khắc với lớp trưởng mà, cậu lo cái gì?"

Nạp Khắc La Tư bị nhắc đến thì đứng bên cạnh nhún vai: "Tôi chịu, tôi chưa câu cá bao giờ đâu."

Nghe hắn nói xong, tất cả đều trầm mặt nhìn hai chiếc cần câu trong tay mình. Cuối cùng, Lục Hoài Thanh lên tiếng đánh gãy bầu không khí tĩnh lặng: "Cứ thử là biết có được hay không mà! Đàn ông thì không thể nói không được!"

Lạp Duy Nhĩ chỉ đứng nép một bên nhìn bọn họ móc mồi vào lưỡi câu, bởi vì chính mình cũng chưa bao giờ câu cá nên cậu quyết định không động vào để tránh làm mọi thứ trở nên lộn xộn.

Sau khi xong việc, Lục Hoài Thanh túm lấy cần câu vung thật mạnh về phía trước. Ngay khi lưỡi câu chạm vào mặt hồ, Lạp Duy Nhĩ có thể nghe một tiếng "bì bõm" rất rõ ràng.

Quăng cần xong xuôi, tất cả cùng ngồi chờ cho cá đớp mồi. Nhưng việc này hoàn toàn không dễ dàng chút nào, mười lăm phút cứ thế trôi qua, Lục Hoài Thanh luôn tràn đầy năng lượng cũng bắt đầu cảm thấy nhàm chán mà ngáp ngắn ngáp dài.

"Câu cá buồn chán đến vậy ư?"

"Thì câu cá là hình thức tốt nhất để rèn luyện tính kiên nhẫn mà."

"Tôi đói sắp chết rồi. Hay thôi không câu nữa nhé?" Lục Hoài Thanh đứng lên muốn thu lại cần câu, nhưng vào lúc này thì phao câu ở dưới nước lại trở nên dao động, cậu ta còn cho rằng mình nhầm lẫn nên đã dụi mắt vài lần để nhìn lại.

Ngay sau đó, cả dây câu cũng bị thứ gì đó bên dưới giật giật vài cái, Lục Hoài Thanh như lấy lại tất cả năng lượng đã vơi mất của mình, hồ hởi la lên: "Mau, mau, mau lên! Cá cắn câu rồi! Nhưng tôi không biết giật cần câu đâu, phải làm sao đây?"

Đúng lúc này thì một bàn tay to lớn vươn tới bắt lấy cần câu trong tay Lục Hoài Thanh, cậu ta bất ngờ ngẩng đầu lên thì đối diện với gương mặt phóng đại của Táp Già, vậy nên cậu ta nhanh chóng thả tay rồi lùi ra xa.

Phao câu bị kéo về phía bên trái một chút thì Táp Già đã nhanh chóng giật cần về chiều hướng ngược lại. Con cá bên dưới bị đau nên quẫy nước văng tứ tung, có vẻ như là nó không chịu khuất phục đơn giản như vậy. Trước sự lì lợm của nó, Táp Già lại bình tĩnh như thể chẳng có bất cứ việc gì xảy ra.

Con cá đạp sóng rẽ nước được một lúc thì dừng lại, dám chắc nó cảm thấy không còn gì uy hiếp nữa nên đã yên tâm gặm nhắm miếng mồi ngon bên dưới mặt hồ. Vào lúc này thì Táp Già lại giật mạnh cần câu về phía sau, chẳng cần dùng nhiều sức đã dễ dàng thu phục con cá lớn mật.

Ngân Trú nhìn thấy thì liền nhìn hắn bằng một ánh mắt ngưỡng mộ: "Trâu bò thật, anh Táp, sau này cậu chính là anh của tôi, cậu nói gì thì tôi liền nghe nấy!"

"Lớp trưởng biết câu cá sao? Pha vữa nãy ngầu vãi beep!"

"Không biết nói gì hơn, nhưng tôi đói quá rồi."

Táp Già nắm lấy con cá chưa được gỡ mắc câu ở trong tay, chẳng hiểu bị gì mà lại quay đầu nhìn sang Lạp Duy Nhĩ. Vốn dĩ cậu cũng đang nhìn đến hắn, vậy nên lúc này lại có cảm giác chột dạ không biết nói gì.

Trước thời khắc nghìn cân treo sợi tóc, Lạp Duy Nhĩ nghiêng đầu nói nhỏ: "666*?"

(*) 666 — Teencode: Đỉnh, đỉnh, đỉnh.

Táp Già: "..."





Buổi chiều, hoàng hôn bao trùm lên toàn bộ sự sống, lúc này nhìn đám mây lững lờ trên tầng không lại trông giống như một cái kẹo bông đặt trên ly nước cam đào thơm ngọt. Đám nam sinh đã vui chơi thoả thích suốt cả một ngày, đến bây giờ cũng nên quay trở về khu quân sự.

Lục Hoài Thanh nhìn thấy camera trên tay Lạp Duy Nhĩ thì nảy ra một ý tưởng. Cậu ta nhờ người hàng xóm đang tưới cây ở bên cạnh chụp ảnh giúp mình, sau đó chạy vào trong tập thể đứng trước khung hình, đưa tay lên cười thật tươi.

Thế là ngày vui tìm lạc thú đã kết thúc, bọn họ cùng chào tạm biệt vợ chồng ông Kỷ rồi quay trở về khu quân sự. Trên đường đi ai cũng vui vẻ ra mặt, nhưng lúc trở về thì lại không được vui cho lắm.

Lục Hoài Thanh cười gượng: "Nếu chúng ta hối lộ giáo quan bằng số lựu này thì liệu hình phạt có giảm đi một chút không?"

Cố Triều Từ ngồi bên cạnh gõ vào đầu cậu ta: "Có chơi có chịu, sao lúc trốn tiết không thấy cậu sợ như này nhỉ?"

"Hai chuyện khác nhau cơ mà! Cậu gõ đầu tôi làm gì, tôi giết cậu bây giờ!"

Lục Hoài Thanh đưa hai tay lên làm mặt quỷ, sau đó nhào vào thọc lét Cố Triều Từ. Cả hai đùa giỡn được một lúc thì có một giọng nói lạnh lùng lên tiếng nhắc nhở: "Đừng ồn nữa." Lúc đó thì cả hai người mới chịu ngồi yên.

Khi tất cả cùng quay về khu quân sự thì trời cũng đã tối hẳn, ánh đèn bên trong được thắp sáng thu hút những con thiêu thân bâu vào, bọn họ vừa đi vừa không kiêng dè mà trò chuyện. Hoàn toàn không biết có chuyện lớn gì đang chờ mình điểm danh.

Ngân Trú nói: "Không biết giáo quan Triệu đã ăn cơm chưa. Đống lựu này có chỗ để dùng không nhỉ?"

Hắn vừa dứt lời, bên cạnh đã vang lên tiếng trả lời: "Cảm ơn, tôi đã ăn cơm rồi." 

Bước chân của nam sinh chợt khựng lại, cả tám người cùng quay đầu nhìn về nơi phát ra âm thanh. Chỉ thấy từ trong bóng tối, Triệu Vân vẫn mặc quân phục nghiêm chỉnh bước ra, trên gương mặt không mang theo bất cứ biểu tình gì, làm cho người khác nhìn vào cũng không tài nào đoán được suy nghĩ của y.

Triệu Vân khoanh tay nhìn bọn họ, cằm hơi hất lên, y hỏi: "Các em đến đây để đi du lịch à?"

Nhưng chưa đợi cho bọn họ trả lời, Triệu Vân lại nói tiếp: "Lúc rèn luyện thì không có chút kỷ cương phép tắc nào, vậy mà khi bàn mưu tính kế thì lại đoàn kết lắm. Các em xem tôi là gì hả?"

Tuy ngữ âm của giáo quan Triệu vẫn rất điềm tĩnh, như Lạp Duy Nhĩ lại biết người này đang tức giận lắm rồi đây. Cậu khẽ khều tay của Ngân Trú ở bên cạnh, cả hai nhìn nhau nhưng rồi chẳng nói gì.

Táp Già im lặng rũ mắt, nghe giáo quan Triệu nói xong mới từ trong hàng bước ra. Nhìn thấy hắn, lông mày của Triệu Vân lại nhíu càng thêm chặt. Y nói: "Ngay cả em cũng không thèm tuân thủ nội quy? Lớp trưởng mà tuỳ tiện quá nhỉ?"

"Nhà trường đã giao phó các em cho khu quân sự, đến nơi này phải rèn luyện thân thể, không phải cho các em đến đây để tham gia du lịch mùa thu."

"Báo cáo giáo quan." Táp Già lên tiếng.

Triệu Vân: "Nói!"

Ngay sau đó, Lạp Duy Nhĩ kinh ngạc nhìn hắn cúi người trước vị giáo quan trẻ tuổi, thành thật nhận lỗi: "Xin lỗi thầy vì đã tự làm theo ý mình. Thân là lớp trưởng, em không nên tuỳ tiện như vậy. Nếu phía lãnh đạo đưa ra bất cứ hình phạt nào thì em cũng sẽ nghiêm túc thực hiện!"

Thấy hắn có trách nhiệm như vậy, những lời Triệu Vân muốn nói đều đã ứ nghẹn trong cổ họng. Y đưa tay day day ấn đường, mệt mỏi nói: "Thôi được rồi. Về phòng hết cả đi, ngày mai tôi sẽ giải quyết chuyện này của các em. Mỗi người viết bản kiểm điểm hai nghìn chữ, hôm sau đến văn phòng gặp tôi."

Mà Ngân Trú lúc này lại trưng ra vẻ mặt tư lự, chẳng biết là đang suy nghĩ về cái gì. Thấy vậy, Lạp Duy Nhĩ đá vào chân hắn một cái, hắn mới vội vàng hoàn hồn cúi người chào giáo quan.

Hơn tám giờ tối, phòng 320 lại sáng đèn.

Lục Hoài Thanh vừa mới tắm xong, cậu ta lau tóc của mình rồi vứt bừa khăn vào một góc. Lúc leo lên giường tầng, cậu ta nhìn thấy Lạp Duy Nhĩ đang mày mò xem lại ảnh đã chụp vào hôm nay, nên lại chui tọt từ trên giường xuống ngồi bên cạnh cậu.

"Ha ha ha, Cố Triều Từ trông ngố chết đi được!"

Lục Hoài Thanh chỉ vào tấm ảnh Cố Triều Từ đang bắt lấy con cá đang vẫy đuôi trong nước, nhìn vào dáng vẻ chật vật của y, Lạp Duy Nhĩ cũng không nhịn được mà bật cười.

Cả hai xem được một lúc, đến khi Lục Hoài Thanh vô tình nhìn thấy tấm ảnh chụp rừng phong của Lạp Duy Nhĩ thì hơi khựng lại. Trong ảnh ngoài cảnh đẹp như tranh vẽ kia còn có thêm một nam sinh mặc áo trắng, đôi môi mỏng khẽ mím tạo thành một đường, hắn ngẩng đầu nhìn bầu trời, tóc mái khẽ khàng dao động.

Lục Hoài Thanh chỉ cần nhìn thoáng qua cũng có thể dễ dàng nhận ra đó là lớp trưởng của mình, cậu ta lại nghĩ đến mối quan hệ của Táp Già và Lạp Duy Nhĩ không tốt đến mức sẽ chụp ảnh cho nhau, vậy nên sau khi nhận ra thì có chút giật mình.

Mà Lạp Duy Nhĩ ở bên này cũng nhanh chóng giấu nhẹm máy ảnh vào trong chăn, cậu đẩy vai Lục Hoài Thanh ra một bên, ngượng ngùng lên tiếng: "Trễ rồi, mau đi ngủ thôi."

Lục Hoài Thanh nhìn cậu với vẻ mặt phức tạp, nhưng cậu ta lại nghĩ Lạp Duy Nhĩ chỉ muốn lưu giữ ký ức giữa bạn bè nên cũng không nói gì. Phòng ký túc đã sắp đến giờ giới nghiêm, vậy nên cậu ta nhanh chóng quay người bò lên giường của mình. Để lại Lạp Duy Nhĩ với gương mặt đỏ bừng như quả cà chua chín mọng.

Táp Già ở giường đối diện nhìn thấy tất cả, sau đó chậm rãi thu liễm ánh mắt của mình, cúi đầu đọc sách.

———

Vở kịch nhỏ:

Táp Già: Sao em lại chụp lén tôi?

Lạp Duy Nhĩ: A-ai thèm chụp lén cậu?! Tôi chụp một cách quang minh chính đại mà!

Táp Già: Được, em thừa nhận mình đã chụp ảnh tôi là được rồi.

Lạp Duy Nhĩ: Không phải!

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenFun.Vip