10

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng
"À, hay là cha mời thầy về dạy cho con nghen?"

Thanh chẹp miệng, cô lại ghế ngồi xuống sau khi đã dọn xong đống giá vẽ. Phải đợi một lúc lâu sau, Thanh mới trả lời.

"Con không thích học thầy. Con lên tỉnh học được rồi."

"Nhưng ở tỉnh mình có trường nào dạy đủ sức để lấy bằng Thành chung đâu đa."

Thanh chống cằm.

"Con đã nói chuyện đó thủng thẳng rồi con tính mà."

Ông Xã gật gù xem như đã đồng ý với lời nói của con gái. Thế rồi không còn muốn nói chuyện thêm nữa vì đã thấm mệt, ông bèn cởi áo dài khoác bên ngoài vắt ra sau ghế rồi trở về buồng nghỉ ngơi. Sau khi thấy cha mình đi rồi, Thanh mới thở phào nhẹ nhỏm.

"Cha chả, sao cái gì mà nhức đầu quá vậy không biết."

Nguyên đang đứng cầm quạt phe phẩy về hướng Thanh, nàng đáp ngay rằng.

"Tôi thấy hồi nãy cô hỗn với ông quá đa."

Nghe Nguyên có ý muốn dạy đời mình, sẵn cơn giận trong người, Thanh liền quát.

"Im miệng ngay. Tôi đã nói cô là đừng có chỏ mỏ vào chuyện của tôi rồi kia mà."

Nguyên vội lấy tay bụm miệng lại, nàng rối rít xin lỗi.

"Tôi xin lỗi, tôi có hơi quá phận. Cô tha cho tôi lần này nghen, đừng tát tôi nữa."

Thanh đang mệt, Thanh không muốn đôi co với người ngoài. Thanh xì miệng một tiếng, tiện tay lấy lại bức tranh mà hồi nãy mình vừa tặng Nguyên xong, cô chỉ vọn tranh về phía nàng, nói.

"Tôi đương mệt à nghen, đừng có làm tôi sinh sự."

Nguyên đứng chưng hửng không biết mình có nói sai lời nào không. Nàng nhìn Thanh dùng dằng bỏ về nhà sau, mắt nàng buồn rười rượi coi bộ phiền lòng lung lắm.

Đến chiều ngày hôm nay, trong một lần nói chuyện thủ thỉ với Bình, Nguyên có nghe Bình nói rằng từ hồi bà cả mất đến giờ, trong nhà chưa có ai ra thăm mộ bà hết trơn. Cái mộ nhỏ xíu, nằm cách xa xã Đông, xa luôn cả khu nghĩa trang của xã. Nguyên chỉ mới nghe Bình nói thế thôi, chớ thiệt là nàng cũng không tỏ được đường đi nữa.

"Vậy không ai cúng kiếng bà hở?"

Nguyên ngồi xổm dưới đất, thuận tay phụ Bình nhặt nhạnh mấy cọng rau muống đặng tối nấu canh. Bình đẩy rổ rau sang một bên, ý nói nó không muốn nàng động tay động chân vào ba cái việc cỏn con này.

"Thưa, đúng ạ."

"Hèn gì tôi thấy trong nhà không thờ nhang khói chi hết."

Bình cười.

"Con nghe nói là tại bà hội không thích, nên bà không cho ông thờ vợ."

Đến đây, Nguyên tiến lại Bình thêm vài bước chân nữa. Đôi mắt sáng ngời như sao của nàng cứ nhìn chăm chăm vào nó, làm nó đỏ mặt.

"Ông thương bà lắm đúng không?"

"Dạ?"

Thấy Bình cứ ấp úng mãi không chịu trả lời câu hỏi của mình, Nguyên thở dài, nàng bèn cười một tiếng đặng làm nó cảm thấy thoải mái hơn

"Chị cứ nói tôi nghe, không mất lòng đâu mà sợ."

"Thưa...đúng ạ."

Nguyên gật gù.

Nàng biết chuyện đó lắm chớ, cái chuyện mà ông Xã thương bà Liễu, người vợ đầu của ông. Nguyên chưa có dịp được thấy mặt bà, vì nàng suốt ngày quanh quẩn trong ruộng, đầu tắt mặt tối cả sớm lẫn khuya, vả lại, Nguyên làm sao có cái ân huệ để được nhìn mặt vợ cả của ông Xã trưởng, người có chức có quyền như vầy, có mơ nàng cũng không tưởng tượng đến nữa là.

Với lại, ví dầu cho bây giờ nàng có trở thành vợ ông, được tôi tớ gọi bằng bà hai này bà hai nọ, thì chắc chắn cái sự tình của ông Xã, Nguyên cũng không được phép dòm ngó tới. Rằng là cưới nàng nhưng trong lòng ông vẫn có người đờn bà khác, ông muốn chung chăn gối với bà Liễu, chớ không phải tết tóc nên nghĩa trầu cau với một người đáng tuổi con mình. Càng nghĩ, trong lòng Nguyên lại càng rầu.

Nàng đứng dậy và đi về phía cái gạc măng rê, lấy ra chén muối trắng tinh và nêm vào nồi canh chua đang sôi ùng ục. Nguyên thấy não nề quá, mặc dù nàng không có tình cảm với ông Xã, nhưng sao nàng vẫn cứ buồn. Chắc do nàng tủi hổ. Chắc vậy rồi. Bà Liễu với ông Xã đã từng là vợ chồng với nhau, tánh bà ôn hoà, nết na hiền dịu, nhưng ngặt cái là nhà bà nghèo quá, mà ông bà Hội đồng không ưng nổi dâu nghèo nên mới tìm cách sinh sự với bà. Thêm cái nữa là lúc còn sống, bà chỉ sanh cho ông Xã duy nhất một đứa con, mà lại là con gái, chính là cô hai Thanh bây giờ, điều đó càng khiến cho bà Hội ngứa mắt. Nên thành ra, bà Hội không thương cả dâu, mà cũng chẳng lo cả cháu.

"À, chị có biết mộ bà cả nằm ở đâu không?"

Bình bỏ con dao xuống sau khi nghe câu hỏi của Nguyên. Nó ngẫm nghĩ một hồi rồi gật đầu.

"Thưa, con biết. Tại lúc đưa tang bà, tôi tớ tụi con cũng được đi theo nữa."

Nguyên mừng húm. Nàng đặt chén muối về lại chỗ cũ rồi chúm chím cười.

"Chị chỉ cho tôi được không?"

Bình tơ hớ.

"Thưa, nhưng bà cần biết mộ của bà cả đặng mần chi?"

Nguyên không ngại để nói ra ý định của mình. Nàng bước đến cạnh Bình, ghé sát vào tai nó và thì thầm.

"Tôi muốn đến thăm mộ bà."

Bình tròn mắt.

"Bà muốn đến thăm mộ bà cả sao?"

"Ừ. Nhưng tôi không biết đường, chị chỉ cho tôi nghen?"

"Nhưng...nhưng con..."

Bình cứ do dự mãi mà không dám trả lời, vì đây không phải là bổn phận chi của nó hết. Nó nhìn xuống dưới đất, không còn dám ngước lên nhìn Nguyên nữa, tại nó sợ. Đã trong nhà bà Hội không cho phép bất kì đứa nào đến thăm mộ bà Liễu, bà biểu làm như vậy là gây xui xẻo cho nhà, nên bà cấm lung lắm. Bây giờ Nguyên lại hỏi, Bình dù có biết cũng không dám mở miệng nói nữa. Nó sợ bà Hội biết được thì bà rầy nó, rồi có khi đuổi việc nó luôn.

"Chị nói đi, ở đây không có ai đâu."

"Thưa, bà tha lỗi cho con, chớ thiệt tình con không dám nói."

"Sao vậy? Bộ có chi làm chị khó xử hở?"

Bình nhăn mặt, nó lắc đầu.

"Thưa bà, bà mới về nên không biết, chớ trong nhà này đã có luật rồi. Sau khi bà cả qua đời, trong nhà không đứa nào được phép bén mảng tới mộ đặng thăm bà cả hết."

Nguyên xớ lớ cứng người khi nghe cái luật mà Bình vừa phổ cập xong. Luật gì nghe lạ quá, mà lại còn bớt nhơn nữa.

"Cha chả, ai đặt ra luật này vậy?"

Bình liếc dọc liếc ngang, nó trả lời.

"Thưa, bà Hội ạ."

Nhắc tới bà Hội, Nguyên cũng không còn bụng dạ nào đặng tiếp chuyện nữa. Mặt nàng trông buồn xo, mà đôi bàn tay trắng nõn, thon dài kia cứ lại chậm lên trán mà lau mồ hôi. Nguyên nán lại dưới bếp mà phụ Bình lặt nốt chỗ rau còn lại, chớ nàng không muốn đi lên nhà trên nữa. Lặt rau, rửa rau rồi nấu cơm chiều xong xuôi, Nguyên lững thững ra sân đứng hóng mát, chớ tôi tớ trong nhà, đặc biệt là Bình cứ nằng nặc không cho nàng phụ việc tiếp.

Nguyên đứng nhìn mấy cành cây lan được treo trong cái chậu nhỏ, mắc lên giàn dây để ở đối diện cổng. Nàng ngắm hoa, nhưng không hiểu sao trong lòng cứ canh cánh cái gì đó, nhất là khi nhớ tới chuyện của bà cả, cái người đờn bà bất hạnh nhất trong ngôi nhà này. Ngắm hoa được một hồi rồi hình như nàng cũng không còn hứng thú gì nữa, vì mấy người đi làm ruộng lâu lâu lại tạt ngang qua rồi nhìn vào nhà thấy nàng, họ cười, họ điêu đứng, điều đó làm nàng mắc cỡ đỏ mặt lung lắm.

Người ta hay nói, con người mỗi khi buồn rầu trong dạ thì dù cho có ăn ngon, mặc đẹp thì cũng chẳng được tích sự gì. Bây giờ chắc Nguyên cũng vậy. Trong đầu nàng cứ nảy mỗi ý nghĩ, rằng là nàng muốn đi thăm mộ bà cả, người vợ đầu của chồng mình. Không phải vì nàng ghen ăn hay gì hết, mà là vì nàng muốn an ủi linh hồn người đã khuất, đặng bà cả khỏi phải phiền lòng khi ông cưới nàng về làm vợ. Nhưng ngặt nỗi, nàng có biết đường đâu mà đi.

"Thưa, bà ơi..."

Đang đứng nhìn vào hư không thì tiếng của Bình cất lên làm Nguyên phải quay đầu lại.

"Hở?"

Bình không trả lời, mà nàng thấy nó lấy từ trong túi áo bà ba ra một tờ giấy ghi gì đó. Nó lén lút dúi vào tay nàng, nói.

"Đây đọa chỉ dẫn đến mộ bà cả, con đưa bà."

Nguyên chớp chớp mắt liên hồi. Trời đất, nàng có biết đọc chữ đâu.

"Chị cất vào đi, đừng đưa tôi làm gì."

"Thưa, con không đưa thì sao bà biết đường đặng đi ạ?"

"Chị chỉ cần nói miệng thôi, chớ đừng ghi giấy mần chi hết đa."

Nói rồi, Nguyên vội đưa lại tờ giấy nhăn nhúm cho Bình.

"Nhưng con không dám nói miệng. Con sợ có người nghe thấy."

"Có tôi với chị thôi, chị nói nhỏ cho tôi nghe này."

Thấy Bình tỏ ý muốn chỉ đường cho mình, Nguyên mừng lắm nên nàng cứ tủm tỉm cười suốt. Nàng kéo nó lại sát về phía mình, khum người xuống rồi kề tai lại miệng Bình, cố lóng tai lắng nghe những gì nó sắp chỉ.

"Thưa, mộ bà cả nằm ở phía Đông của làng, cái nghĩa trang đó khuất sau gốc cây đa. Trên mộ bà cả có cắm một cái cọc gỗ bên phải, trên cọc gỗ treo một sợi chuỗi."

Chỉ cần bấy nhiêu đó thôi thì Nguyên cũng đủ để mường tượng ra được rồi. Vì nàng sống ở làng từ nhỏ tới chí lớn, nhắc đến gốc đa là biết gốc đa đền thờ Thành hoàng, nhắc đến phía Đông là biết phía Đông xẻo Cần chông. Nguyên nghe theo lời Bình, nàng tức tốc vào nhà lấy giỏ tre đi chợ, bỏ một vài nén nhang, hộp diêm, khăn lau rồi cắp nón lá đặng rời khỏi nhà.

Nguyên men theo con đường nhỏ hẹp đến gốc đa, vì từ nhà ông Xã đến đó cũng không xa là mấy. Nàng dừng lại trước miếu Thành hoàng, nhìn dáo vát xung quanh thử xem liệu có cái nghĩa trang nhỏ nào nằm ở đó hay không. Và đúng như lời Bình nói, cái nghĩa trang đó nằm khuất sau cây đa tới mấy thước, tức là từ miếu Thành hoàng mà trông ra thì chỉ nhìn thấy lờ mờ mà thôi. Nguyên chậm mồ hôi chảy ròng trên gương mặt sáng rỡ của mình, nàng chỉnh lại nón rồi tiếp tục bước đi.

Đến nơi, đập vào mắt Nguyên là khu nghĩa trang với một vài ngôi mộ cổ xây thành hàng với nhau, mà coi bộ trông chúng cũng cũ kĩ và xây cất sơ sài lắm. Nàng đi lướt qua những ngôi mộ ấy và cố nhìn để tìm ra ngôi mộ của bà cả như lời mà Bình miêu tả. Thì may thay, Nguyên đã tìm thấy. Thiệt tình thì nó cũng trái với suy nghĩ của nàng, vì nàng nghĩ rằng mộ bà cả sẽ được xây khang trang lắm, vì dầu sao bà cũng là vợ ông Xã, là bà cả của nhà. Nhưng thực ra, thứ mà Nguyên đang thấy hiện giờ chỉ là một cái mộ đắp như thể một gò đất, không có bài vị hẳn hoi đẹp đẽ, mà chỉ có độc nhất mỗi tấm ván gỗ khắc tên để người ta biết kẻ đang nằm ở đó là ai mà thôi.

Càng nhìn, Nguyên lại càng thấy xót. Nàng quỳ xuống trước mộ bà cả, lấy trong giỏ ra ba nén nhang, châm lửa và lạy ba lạy.

"Hôm nay con tới đây, trước nhất là để gặp bà, sau cùng là con xin bà đừng hờn giận con, vì con đã trót nên nghĩa trầu cau với ông Xã. Cũng tại vì nhà con nghèo quá, phận con lại là đờn bà con gái, mười hai bến nước không biết bên nào đục, bên nào trong. Gương trong thì người đời họ thương, mà khi gương đã đục, đã hư rồi thì họ khinh miệt lung lắm. Con cũng chẳng dám đòi hỏi cao sang chi, chỉ kính xin bà thương tình mà đừng oán giận con. Vả lại, con chỉ làm trọn bổn phận làm vợ với ông Xã, chớ con không dám có tình ý chi với ông hết. Con lạy bà."

Vái lạy xong xuôi, Nguyên cắm ba nén nhang xuống dưới chân mộ. Nhang cháy, mang theo hơi nhang thoang thoảng bay vào không trung. Nguyên đứng lên nhìn chăm chăm vào mộ bà cả hồi lâu, và nàng chợt nhận ra rằng không ai đến cúng kiếng cho mộ chi hết, tới bánh men còn chẳng có một dĩa chớ huống hồ chi trái cây, hoa nến. Bớt nhơn quá, người ta mới chết chưa đầy một tháng, mà sao ngôi mộ lại hoang tàn thế này không biết. Nếu như không phải người trong làng thì khi đi qua, chắc cũng chẳng ai nhận ra đó là mộ của vợ ông Xã trưởng hết.

Thất trách quá, hôm nay nàng chỉ mang có vài ba cây nhang theo thôi, Nguyên định bụng là nếu có dịp sau, nàng sẽ mua cả hoa và cả trái cây, bánh men đến cúng bà cho tươm tất. Nguyên tiếp tục dùng khăn ướt đã nhúng nước, lau bớt đi lớp đất cát bám trên ván gỗ dùng để làm bài vị cho bà. Do nàng không biết đọc chữ nên cũng không tỏ được trên bài vị viết chữ gì. Ví dầu là chữ Quốc ngữ thì nàng cũng đọc không được nữa, vì nàng có đi học bao giờ đâu.

Nàng đi từ lúc mặt trời lên cao tới lúc trời dần dịu mát. Lo lắng mộ phần xong xuôi, Nguyên không muốn về nhà ngay mà nàng bèn lấy lá chuối lót dưới đất rồi ngồi lên, kế bên ngôi mộ. Nàng ngồi co gối nhìn về hướng cây đa ngoài kia, chỗ có miếu Thành hoàng linh thiêng lắm. Nguyên ngồi đó đặng hưởng khí trời, đặng cho bụng dạ biết được hoá ra nàng với bà cả cũng cùng chung hoàn cảnh mà ra.

Nguyên ngồi đó, lâu lâu nàng sẽ lại quay về phía mộ, rồi lại thôi. Nàng muốn nói gì đó với bà cả lắm, nhưng ngặt nỗi nói rồi, liệu người chết có nghe được ý nàng không mới là quan trọng. Nhưng ngồi được tầm nửa giờ sau thì đột nhiên Nguyên nhìn thấy bóng dáng ông Xã mặc áo dài, chống ba tong đang đi từ phía miếu Thành hoàng đi tới. Hoảng quá không biết làm thế nào, Nguyên vội vàng đứng dậy thu xếp nhang đèn, khăn lau này nọ cho vào giỏ tre, rồi tức tốc cầm giỏ và đội nón lá như muốn rời khỏi chỗ đó.

"Khoan đã."

Ông Xã ngoắt tay ra hiệu nàng hãy đứng im ở đấy.

Bụng dạ Nguyên sôi cồn cào, nàng sợ bị ông Xã rầy ra, rồi ông lại sinh sự thì mệt toi. Nhưng Nguyên đâu dám cãi lời chồng, ông Xã kêu đứng thì nàng đứng, mà ông kêu nàng đi thì nàng cứ đi. Như vầy thì ông kêu nàng dừng lại ở đó, nàng bỏ đi sao đặng được nữa.

Bước chân của ông Xã vang lên mỗi lúc một gần, rồi gương mặt già nua, nhăn nheo nhưng dáng vóc phong độ của ông đã ở trước mặt nàng. Nguyên lúng túng đến độ làm rơi cả giỏ, nàng cởi nón lá ra, khoanh tay xá chồng.

"Thưa, mình mới tới."

Ông Xã nhẹ nhàng nhìn nàng, rồi ông chỉ về phía cái giỏ tre đựng đồ lỉnh khỉnh của Nguyên, hỏi.

"Mình đem cái chi theo vậy đa?"

"Thưa...em...em mang nhang đèn đến đặng thắp cho bà cả."

Nguyên nói xong, ông Xã cười lên một tiếng vui mừng. Ông chống ba tong lững thững bước tới chỗ mộ bà cả, rồi ông đứng khum người sờ vào tấm bài vị trên mộ bà. Bằng một ánh mắt rưng rưng xúc động, ông nói.

"Cha chả, tôi sơ ý quá nên mấy nay không đến thăm mộ bả được."

Nguyên xớ rớ đứng nhìn.

"Thôi, mình lại đây. Lại đây ngồi với tôi."

Nghe theo lời chồng, Nguyên bèn thẹn thùng bước đến ngồi vào cái chỗ mà ban nãy nàng vừa bày ra. Ông Xã ngồi bên trái, Nguyên ngồi bên phải, ngôi mộ bà cả chen vào giữa hai người, y hệt như một nhân chứng đã mất đang phân ranh giới tơ hồng rạch ròi giữa cả hai vợ chồng vậy.

"Mình đến đây mau rồi?"

"Dạ, em đến được một giờ rồi."

"Ờ, bữa nay không hiểu sao tôi muốn ra gặp bả, vừa hay thấy mình ở đây..."

Giọng nói ông Xã nói với nàng coi bộ lạt lỏng lung lắm. Nó không có tình ý chi hết, mà Nguyên cũng không lấy điều đó ra đặng phiền lòng như bao người vợ khác nữa. Song, nàng lại thấy hơi lo vì trông nét mặt chồng đượm buồn, lấy hết can đảm trong người, Nguyên bèn đánh bạo mà hỏi.

"Em thấy mình có hơi buồn. Mình lo sao vậy?"

Ông ngước mặt lên, đôi mắt ông đỏ hoe còn đọng lại mấy giọt lệ sắp trào ra.

"Không, không có chi đâu."

Thấy ông Xã chẳng có ý trả lời mình, Nguyên cũng không hỏi nữa mà tiếp tục nhìn về phía ngôi miếu nằm trơ trọi đằng trước gốc đa. Được một lúc lâu sau, khi bầu không khí giữa cả hai người tưởng chừng như đang căng thẳng, thì bỗng ông Xã cất lời.

"Mình...à không, sao cô lại đến đây vậy? Mà ai cho cô biết đường?"

Nguyên có chút ngỡ ngàng khi ông Xã gọi nàng bằng "cô", chớ không phải gọi là "mình" nữa. Nguyên chỉ cười mỉm chi, nàng đáp.

"Thưa, em có đôi chuyện muốn tâm sự với bà cả, nên em mới đánh liều tới đây. Còn vì sao em biết đường thì là do Bình đã chỉ. Ông đừng rầy nó đặng tội nghiệp."

"À, hoá ra đúng là sự đời."

Đúng rồi, sự đời trớ trêu quá nên mới để nàng làm vợ ông, trớ trêu tới nỗi ông không xem nàng là vợ giống như những người hám sắc khác. Nguyên chống hai tay xuống đất, mà hình như trong lòng nàng cũng không giận dỗi gì ông Xã cho cam.

"Tôi với cô không có tình ý gì, vậy mà lại nên nghĩa trầu cau cũng hay."

"Dạ..."

"Hồi hôm cô mang bạc về cho cha má, cha má có nói chi không?"

"Thưa, cha má cảm ơn ông lung lắm. Nhưng ngặt nỗi nhà em thiếu bạc nhiều quá, nên em phải năn nỉ một hồi thì cha má mới chịu nhận."

Ông Xã gật gù hài lòng.

"Hay thôi cô ráng hai năm nữa, rồi tôi để vợ, đặng cho cô đi cưới chồng khác. Cô chịu không?"

Nguyên tròn mắt, chau mày nhìn ông Xã vừa thản nhiên thốt ra câu nói không hề đượm chút gì nghĩa tình vợ chồng trong đó. Bỗng dưng lòng nàng dấy lên nỗi bất an, nàng run rẩy không biết phải trả lời thế nào.

"Thưa, chuyện này em không can dự được. Ông muốn để vợ thì ông cứ việc làm, chớ phận em, em chỉ là con nợ mà thôi."

"Vậy cô có biết vì sao tôi lại đòi để cô không?"

Nguyên biết bụng dạ ông Xã đang nghĩ gì, nàng có đau, nhưng chỉ là đau khi nhận ra bản thân mình rẻ mạt đến cỡ nào. Nguyên lắc đầu, đáp.

"Thưa, em ngu dốt nên không tỏ tường sự việc được."

"Là vì tôi thương vợ tôi quá, cưới cô, tôi có lỗi với bả lung lắm. Tôi gọi cô bằng một tiếng mình, tôi cũng thấy gượng miệng nữa. Nên thôi từ rày sắp tới, cô cứ xưng với tôi theo cách mà cô muốn, chớ còn tôi, nghĩa tình gì nữa đâu mà vợ với chồng."

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenFun.Vip