Chương 11: Trời cao biển rộng, thái bình nơi nao 1

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng



Chương 11: Trời cao biển rộng, thái bình nơi nao 1

Thiên Tân Vệ là một nơi vô cùng đặc biệt, hơi thở phương tây trên bến tàu cùng tướng thanh quán khẩu* được kết hợp một cách hoàn hảo, hương hoa tiêu huyền còn thơm hơn quẩy xoắn, kết hợp cùng chiếc bánh rán được chiên vàng giòn rụm, người dân ở Thiên Tân Vệ ngồi bên đường đón buổi sáng, mặc cho bạn có quen hay không, đều tươi cười chào một tiếng "chị gái."

Khó khăn lắm mới tới đây một lần, A Âm năn nỉ Lý Thập Nhất và Đồ Lão Yêu ở lại Thiên Tân Vệ cùng mình mấy hôm, thuê một căn biệt thự kiểu tây, mỗi sáng sớm vừa nhấp một ngụm cà phê đen thơm phức, vừa ăn một miếng bánh bao Cẩu Bất Lý mà Đồ Lão Yêu xếp hàng mất nửa tiếng mới mua được, sau đó dựa vào ban công nghe kịch, thoải mái tới nỗi A Âm luôn miệng ngợi ca chốn thần tiên.

Đồ Lão Yêu rất không quen vị cà phê, đừng nói tới uống, ngay cả ngửi cũng không ngửi nổi, vừa tới gần liền đau đầu, Lý Thập Nhất móc ra một hộp Mao Tiêm Cổ Trượng*, Đồ Lão Yêu lại rất yêu thích, vừa nhai một cách trân trọng vừa lén lút liếc A Âm, sợ A Âm uống thứ nước đen kia vào bụng, không cẩn thận sẽ trúng độc.

Dăm ba bữa sau, mọi người mới quay lại Bắc Kinh, Đồ Lão Yêu bước vào địa giới của thành Tứ Cửu liền hít lấy hít để, không khí quen thuộc làm hắn sinh ra cảm giác nhớ quê trước giờ chưa từng có, ôi ôi cảm thán những mấy tiếng.

Lý Thập Nhất thuê hai chiếc xe kéo tay, muốn dẫn A Âm và Đồ Lão Yêu tới quán rượu, nhưng Đồ Lão Yêu nói nhớ cô vợ ở nhà, tới giữa đường liền tách ra.

Đồ Lão Yêu tự trả tiền xe, nhưng không về nhà, chỉ đi vòng vòng khắp nơi, đút hai tay vào ống tay áo, ngồi xổm bên đường sầu muộn.

Hắn cũng coi như đã nhìn rõ phong cách của Lý Thập Nhất, đó không chỉ là giàu có thông thường, thường ngày chán chường ngồi ở sạp thuốc, lại có một vẻ ngoài xấu xí, nhìn bộ dạng giống dân thành thị, nhưng tỉ mỉ quan sát lại, lại chẳng phải như thế. Mối làm ăn lần này không có thu hoạch, nhưng mất mấy chục đồng tiền vé xe thuê nhà, còn cả cà phê phân chồn kia, đắt tới nỗi khiến người ta níu lưỡi.

Lý Thập Nhất và A Âm không để tâm, nhưng Đồ Lão Yêu hắn nghèo tới nỗi xoong nồi kêu loong coong, đi xa một chuyến chẳng kiếm được đồng nào, ngược lại... Hắn ôm lấy tờ vé tàu vẫn cất trong túi áo, không biết sau khi về nhà phải nói chuyện gom tiền trả tiền vé xe cho Lý Thập Nhất thế nào.

Đồ Lão Yêu quan sát dòng người đi qua đi lại một lúc, bụng đói tới nỗi gào thét, nghĩ ngợi giây lát, cuối cùng vẫn đi về nhà, tiền ấy mà, phải đi kiếm thôi.

Về tới nhà, vẫn là bức tường bao thấp một mẩu, vẫn là cổng nhà đón gió, vợ Đồ Lão Yêu đang phơi quần áo trong sân, nhìn thấy chồng cũng chẳng có vẻ kinh ngạc, chỉ nói với Đồ Lão Yêu: "Đi rửa tay đi, để tay nải đấy, cơm ở trong nhà."

Đồ Lão Yêu "ừ" một tiếng, tiến lên trước nhìn bụng của vợ, sao lại nhỏ hơn so với trí nhớ thế nhỉ? Nói thêm đôi ba câu, liền cùng vợ vào nhà ăn cơm.

Đồ Lão Yêu và hai miếng, không muốn trễ nải, liền đi thẳng vào vấn đề: "Chuyến này anh..."

"Rốt cuộc chuyến này anh đi làm gì thế? Sao lại kiếm được nhiều vậy?" Vợ hắn vừa múc canh vừa nói.

"Kiếm, kiếm?" Đồ Lão Yêu lắp bắp.

Vợ hắn cười nói: "Cô gái nhà họ Lý cho người tới đưa tiền công, em không dám động, để ở bàn bếp, nhưng nhấc lên thử, nặng lắm."

Đồ Lão Yêu nghẹn cơm trong họng, quay mặt nhìn hộp vuông bọc giấy báo trên bàn bếp rồi đờ đẫn.

Những con ngõ trong thành Tứ Cửu luôn luôn nhộn nhịp, người thuyết thư* cùng một thanh kinh đường mộc*, khua môi múa mép lan truyền những lời hoang đường thời Đường Tống tới Thanh Minh, sự biến Huyền Vũ Môn đã kể đi kể lại bảy tám trăm lượt, nhưng lần nào cũng đông người nghe, người khuân vác gánh đòn gánh, người đàn bà bế con thơ, lũ lượt chen chúc ngoài cửa ngó vào xem. Đối diện là một phòng trà cuồn cuộn hơi nước nóng, A Âm chê trà ở quán rượu không ngon, liền kéo Lý Thập Nhất tới quán trà bên này.

Chiếc ghế dài rộng bằng bắp chân, bị ngắn mất một chân, kẽo kẹt lắc lư trước sau, đôi chân nhỏ đi giày vải lót bông đã có chút dáng vẻ cao ráo mảnh mai, cổ chân trắng trẻo bất cẩn lộ ra, hiện lên màu hồng nhạt trong ngày đông giá rét, hai bên mắt cá chân lồi lên cùng gân gót lõm vào kết hợp với nhau vô cùng xinh đẹp, đung đưa thu hút ánh mắt người khác trong ánh mặt trời ấm áp.

Hai cánh tay to to nắm lấy một bên ghế dài, Tống Thập Cửu lắc trái lắc phải chân ghế thụt, khiến bà chủ quán trà vội đi lên phía trước, cười nói: "Cô gái của tôi ơi, đừng lắc nữa, cẩn thận ngã đấy."

Cô gái trước mặt chừng mười tuổi, bím tóc được thắt bằng dây đỏ, mặt mày đen nhẻm giống như quệt nhọ nồi lên mặt, nhưng ngũ quan vô cùng rõ ràng, mũi cao mày cong, đôi môi hồng hào, thứ khiến người ta chú ý nhất chính là đôi mắt kia, mắt hạnh tròn xoe, nhưng đuôi mày lại hướng lên trên như ngọa tầm, từng sợi mi rõ ràng che đi con ngươi đen láy tròn trịa, trong vẻ ngây thơ lại toát lên phong tình chưa được khai hóa.

A Âm phía đối diện cười nói: "Chị Thanh, không sao đâu, nếu lắc hỏng sẽ có người đền."

A Âm cười khúc khích nhìn Lý Thập Nhất, một cánh tay ngọc đỡ lấy má.

Lý Thập Nhất không tiếp lời, giơ tay đè lên chiếc ghế dài đang lắc lư.

Chị Thanh nói: "Thì ra là cô gái nhà Thập Nhất, nhưng sao trước giờ chưa từng gặp nhỉ?"

Lý Thập Nhất nói: "Con gái nhà họ hàng, Thập Cửu."

"Vừa nghe đã biết là người một nhà rồi." Chị Thanh cười nói, chùi tay lên tạp dề, sau đó muốn quay người đi xem trà thế nào, mới vừa cất bước, lại nhớ ra chuyện phiếm nào đó, hỏi Lý Thập Nhất: "Thập Nhất, sao mấy ngày nay em không bày sạp hàng?"

"Mấy ngày nay có chút chuyện nên dọn sạp thuốc rồi. Sao thế?"

"Chị nghe chồng chị nói, có một vị tiểu thư tìm em, ngày nào cũng ngồi chờ bên sạp thuốc của em." Chị Thanh nói.

Lý Thập Nhất nhíu mày, chị Thanh quen với việc nhìn mặt bắt hình dong, người bình thường sẽ gọi là "cô gái", nếu dùng "tiểu thư", chắc chắn là có nguyên nhân. Lý Thập Nhất cảm ơn chị Thanh, sau đó trao đổi mấy ánh mắt với A Âm rồi dẫn Tống Thập Cửu tới con ngõ bày sạp thường ngày.

Tống Thập Cửu đi sau lưng. Vì đề phòng Tống Thập Cửu lớn thêm, nên đi giày hơi to so với chân, không khít gót, lúc đi lại sẽ phát ra tiếng loẹt quẹt, khiến nó rất vất vả mới có thể đi theo. Tống Thập Cửu thấy Lý Thập Nhất nhấc đôi chân dài đi đứng vô cùng nhanh nhẹn, cảm thấy không vui, dứt khoát dừng bước, tủi thân cắn môi.

Lý Thập Nhất không nghe thấy tiếng động phía sau, quay đầu nhìn Tống Thập Cửu, Tống Thập Cửu ngẩng mặt hỏi cô: "Chị không dắt tay em à?"

A Âm dựa người vào cột đèn bên đường, phe phẩy chiếc khăn lụa hóng hớt.

Lý Thập Nhất nói: "Mười tuổi rồi, không dắt nữa."

Nhưng nó mới sống được mấy ngày mà. Tống Thập Cửu không phục: "Ai nói thế?"

"Mẹ tôi."

Tống Thập Cửu hết cách, đưa tay ra níu lấy ống tay áo của Lý Thập Nhất, rập khuôn đi theo cô, cũng không biết có phải ảo giác hay không, dường như Lý Thập Nhất đã chậm lại bước chân, khiến nó đi lại cũng không quá tốn sức như trước.

Tới ngõ, quả nhiên từ phía xa đã nhìn thấy một cô gái chờ ở đó. Chỉ nhìn một cái, Lý Thập Nhất liền hiểu ra tại sao ánh mắt ban nãy của chị Thanh lại phức tạp như vậy. Giữa ngày trời quang của mùa đông, cô gái này che chiếc ô được làm bằng ngà voi, cán ô được khắc ngập mẫu đơn, tán ô được làm bằng vải sa-tanh đen tuyền, nhưng không có hoa văn nào khác. Cô gái mặc chiếc đầm tây màu xanh nhạt, khoác bên ngoài chiếc măng-tô dệt lông cừu đắt đỏ, cổ tay nhợt nhạt lộ ra từ găng tay da cừu.

Lý Thập Nhất chậm bước tiến tới, cô gái kia như thể nhận ra cô, quay người buông ô xuống: "Chào thầy."

Cô gái đội lệch chiếc mũ cói thời thượng, ô lưới màu đen che mất nửa khuôn mặt.

Lý Thập Nhất từng gặp đủ các loại người, cũng không mới mẻ với những cô gái có vẻ ngoài vô cùng xinh đẹp, nhưng trước giờ chưa từng có ai sang trọng ung dung, mang theo khí chất thiên tử trời sinh như người trước mắt, ô lưới trên mũ như đang ngập ngừng tạo thành chiếc bóng trên khuôn mặt cô gái, mang theo cảm giác kiêng kị trong cấm kị.

Nhưng đôi môi cô gái không có lấy chút sắc máu, ngay cả đồng tử như thể cũng nhạt màu.

Cô gái nói: "Tôi có tâm sự."

Lý Thập Nhất suy nghĩ giây lát: "Tới quán trà đi, ngồi xuống rồi nói."

Cột nước li ti làm nước trà đổi màu, sự biến Huyền Vũ Môn vẫn chưa kể hết, cô gái kia yên lặng lắng nghe một lát, sau đó lên tiếng nói: "Tôi là A Xuân."

Thanh Âm của A Xuân vô cùng động lòng người, mang theo vẻ mỹ lệ cùng hiền thục thời xưa.

"Tôi có nút thắt trong lòng, nó khiến tôi trằn trọc trăn trở, bứt rứt muộn phiền, nhưng tôi không nghĩ ra đó là gì, tôi chỉ biết là ở dưới lòng đất, ở trong quan tài."

A Xuân nói chuyện rất chậm rãi, chậm tới mức khiến cảm xúc u sầu trên khuôn mặt quấy rầy người ta: "Tôi đã tìm thuật sĩ ở địa phương, nhưng đều không có tác dụng. Tôi nghe nói, hậu nhân của phái Nam Bắc ở Bắc Bình, liền không quản xa xôi tới cầu, mong thầy xuống mộ mở quan tài, tìm hiểu tâm sự của tôi."

Đầu ngón tay Lý Thập Nhất vô thức vẽ vòng tròn trên bàn, ngón út của A Âm đang đặt bên tay A Xuân động đậy, rồi lặng lẽ thu về, lật tay nắm lấy chén trà, môi dưới đỡ lấy mép chén, trao đổi ánh mắt với Lý Thập Nhất, vô thanh nói: "Quỷ."

"Phải." Âm điệu của A Xuân rất trầm, gật đầu nói.

"Người không phải người thật, nhưng tiền là tiền thật." A Xuân rút ra một tờ khế ước mua bán nhà.

"Cô nói không quản đường xa, là ở đâu?" Lý Thập Nhất hỏi A Xuân.

"Tây An."

A Xuân nhìn dòng người đang nghe thuyết sách trong quán rượu, ánh mắt xa xăm lại sâu thẳm.

"Trường An... là cố thổ* của tôi."

...

Chú thích:

1.     Chung ngã nhất sinh, nan tầm thái bình (Suốt cả đời ta, khó tìm được bình yên) – "Đại Minh Cung Từ".

2.     Tướng thanh quán khẩu: một loại hình thuật diễn truyền thống của Trung Quốc, dùng những câu nói vui, hỏi đáp hài hước hoặc nói, hát để gây cười, phần nhiều dùng để châm biếm thói hư tật xấu và ca ngợi người tốt việc tốt.

3.     Mao Tiêm Cổ Trượng: là một loại trà xanh nổi tiếng có nguồn gốc từ huyện Cổ Trượng, Vũ Lăng, tỉnh Hồ Nam.

4.     Người thuyết thư là biểu diễn các loại kí khúc như bình thư, bình thoại, đàn từ. Có thể hiểu đơn giản ở đây là người kể chuyện.

5.     Kinh đường mộc: là một thanh gỗ dài, đập lên bàn tạo tiếng vang.

6.     Cố thổ: đất xưa, quê cũ.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenFun.Vip