Phiên ngoại: Một chiều nói chuyện về bệnh thần kinh

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng
Cần nhấn mạnh rằng tôi không phải chuyên gia hay bác sĩ về phương diện này. Nội dung dưới đây chỉ để tham khảo.

Một buổi chiều vài năm trước, tôi có trò chuyện với ông bác của một người bạn. Nguyên buổi chiều hôm đó chúng tôi chỉ nói về đề tài: Bệnh tâm thần và bệnh nhân tâm thần. Bác bạn tôi hồi trẻ có đi du học ngành y ở nước ngoài, về sau chuyên nghiên cứu, điều trị các bệnh liên quan đến thần kinh. Trong giới y học (phạm vi toàn cầu) ông khá có tiếng, có nhiều cống hiến lớn trong nghiên cứu và điều trị thần kinh.

Ông không ra vẻ tự cao tự đại mà rất cởi mở, đúng chất một chuyên gia chân chính. Lúc nói về kiến thức nghề nghiệp, ông không cố ý tỏ ra cao thâm, cũng không dùng từ ngữ chuyên ngành để khoe khoang bản thân tài giỏi, ông dùng những từ ngữ gần gũi thường ngày để biểu đạt. Khác hẳn mấy "chuyên gia" cả ngày nghiên cứu "bikini hở bao nhiêu mới được tính là suy đồi đạo đức", ngạo mạn cả buổi cũng chẳng ai hiểu gì. Bản năng của tôi mách bảo, cuộc nói chuyện hôm đó sẽ có lúc cần dùng nên đã ghi âm lại.

Ông: "Anh muốn ghi âm à?"

Tôi: "Có được không ạ?"

Ông: "Được thì được nhưng hôm này tôi chỉ nói vu vơ, nếu muốn dùng để tham khảo viết bài nghiên cứu e rằng sẽ gây trở ngạic ho anh."

Tôi: "Bác yên tâm, cháu không dùng cái này để viết bài nghiên cứu, cháu chỉ muốn tiếp thu một chút kiến thức từ bác thôi, có được không ạ?"

Ông: "Được, vậy tôi cứ nói vu vơ thôi đấy, anh có đăng lên mạng tôi cũng không thừa nhận đâu." (cười lớn)

Tôi: "Được, không thành vấn đề."

Ông: "Vậy anh muốn biết điều gì?"

Tôi: "Bác quyết định theo đuổi lĩnh vực này từ khi nào ạ?"

Ông: "Không phải từ nhỏ tôi đã nuôi chí lớn đâu, cũng chẳng có tinh thần cao cả muốn cứu người gì hết, hồi đó tôi còn trẻ, chưa nghĩ đến những điều ấy. Dòng họ nhà tôi có truyền thống theo nghề y (có gia phả ghi chép đến 300 năm trước làm chứng), đó là lý do vì sao dòng họ tôi có rất nhiều bác sĩ (cười). Tôi vốn là bác sĩ khoa chấn thương chỉnh hình, năm XX khi được nhà nước bảo lãnh cho đi du học ở châu Âu, tôi đã gặp phải một sự kiện, vì nó mà tôi lựa chọn chuyên ngành hiện tại."

Tôi: "Là một sự kiện rất thảm khốc sao? Đế chế tư bản độc ác hủy hoại những người mắc bệnh tâm thần?"

Ông: (cười lớn) "Không phải như vậy. Là trong một lần cùng người bạn học đi thăm anh trai cô ấy đang thực tập tại một bệnh viện tâm thần. Lúc đợi cô ấy trong sân viện, tôi có nghe hai bệnh nhân tâm thần nói chuyện. Ban đầu tôi thấy rất buồn cười, về sau lại không cười nổi."

Tôi: "Do nội dung kỳ quái sao?"

Ông: "Không phải, nội dung rất bình thường, họ chỉ nói những chuyện thường ngày thôi. Nhưng hai người đó, một người nói tiếng Tây Ban Nha, một người nói tiếng Anh, nội dung cuộc đối thoại không hề ăn khớp chút nào. Một người nói: "Hôm này thời tiết đẹp hiếm có đấy." Người kia trả lời: "Ừm, có điều tôi không thích cho hành tây." Lại nói: "Nếu Angela còn sống, bà ấy nhất định sẽ giục tôi đi dạo cùng." Người kia lại trả lời: "Chó to có là gì, chó nhỏ lúc gãi ngứa nhìn mới buồn cười cơ..." Chủ đề nói chuyện không hề ăn khớp nhau, nhưng họ vẫn rất nhiệt tình. Nếu không nghe được cuộc đối thoại, chỉ nhìn biểu cảm, động tác, anh sẽ cảm thấy hai người họ đang trò chuyện rất thân thiết. Tôi ngơ ngác ngồi nghe. Sau khi ra nước ngoài tôi mới bắt đầu học tiếng Tây Ban Nha, trình độ ngoại ngữ vẫn chưa vững lắm, lúc đầu cứ tưởng khả năng nghe hiểu của mình có vấn đề. Tôi cứ ngồi nghe hơn một tiếng đồng hồ, không có đối thoại nào giữa họ liên quan đến nhau. Đến khi hoàn hồn lại mới biết, vì không tìm thấy tôi, cô bạn tôi đã tự đi về từ lâu rồi."

Tôi: "Có phải sau hôm đó bác bắt đầu để ý đến chuyên ngành này không?

"Ông: "Đúng vậy, bắt đầu từ lúc đó tôi dần chú ý đến lĩnh vực này.Vào thư viện tìm sách chuyên ngành, bám lấy giáo sư xin tài liệu, nhưng tôi nhận ra mọi thứ không giống mình nghĩ."

Tôi: "Đúng vậy, chấn thương chỉnh hình và thần kinh là hai lĩnh vực hoàn toàn khác nhau."

Ông: "Không phải việc đó, mà là vấn đề tài liệu. Mới đầu tôi tuởng ở phương Tây tài liệu về mảng thần kinh sẽ rất đầy đủ, ghi chép cụ thể, nhưng đi tìm mới biết, không phải vậy. Đến giữa thế kỷ XVIII, rất nhiều các tài liệu của phương Tây về khoa thần kinh, khoa não vẫn còn liên quan đến tôn giáo, chỉ thị của Thượng đế, sự trừng phạt của thần linh, sự quấy phá của ma quỷ... toàn những tài liệu như vậy, còn được rất nhiều bác sĩ ủng hộ."

Tôi: "Thật ra cũng dễ hiểu đúng không ạ? Khởi nguồn của y học vốn là ma thuật mà, phù thủy chữa bệnh."

Ông: "Không phải vậy, vào thế kỷ XVIII, tại Châu Âu y học, nhất là ngoại khoa đã phát triển ở một trình độ nhất định rồi. Nhưng về phương diện thần kinh có thể do bị tôn giáo áp chế nên khó phát triển, thậm chí có thời gian còn bị bài trừ."

Tôi: "Thế nên?"

Ông: "Thế nên cuối cùng tôi quyết định lựa chọn chuyên ngành thần kinh học."

Tôi: "Ồ... cháu muốn biết cái nhìn của bác đối với vấn đề điều trị bệnh nhân tâm thần, bởi có một quan điểm cho rằng: Nếu bệnh nhân tâm thần vui vẻ, vậy thì tại sao phải phá hỏng niềm vui đó."

Ông: "Quan điểm này tôi biết, thật ra cần phải giải thích rõ ràng hơn: Nếu một bệnh nhân tâm thần vui vẻ, trong tình trạng không uy hiếp đến sự an toàn của bản thân và người khác, cũng không làm tăng gánh nặng cho gia đình và xã hội, thì không cần thiết điều trị cho họ theo phán đoán của chúng ta."

Tôi: "Bác có cho rằng đây là một quan điểm đúng đắn không?"

Ông: "Không thể nói là sai, nhưng tình trạng như vậy chỉ là ngoại lệ, hiếm khi xảy ra. Anh nghĩ xem, đầu tiên họ phải trong trạng thái rất vui vẻ, rồi không đói rét, cũng không có tính uy hiếp, lại không khiến người nhà mệt mỏi. Có được mấy bệnh nhân như vậy?Không nhiều phải không?"

Tôi: "Nhưng vẫn có những trường hợp như thế?"

Ông: "Vẫn có. Một bệnh nhân người Anh thuộc dạng như vậy, gia đình có điều kiện, sau khi ông bố qua đời, ba người chị gái và bệnh nhân đều được thừa kế khá nhiều tài sản. Tình trạng bệnh nhân là: Ngày nào cũng mang đồ ra đốt, đốt thành tro xong lại ủ vào lửa, mài vụn, dùng tro đó để trồng hoa xem có thể sống được hay không, đồ vật nào cũng đem ra thử nghiệm, chẳng làm gì khác, cũng không biết làm. Đưa gì ăn này, không kén ăn, mệt thì lăn ra salon ngủ. Ba người chị rất quan tâm anh ta, họ thuê cho anh ta hai người giúp việc, một người nấu ăn dọn dẹp phòng, người còn lại coi như trợ lý, có nhiệm vụ giám sát không cho anh ta đốt đồ dùng trong nhà hoặc làm bản thân bị thương. Bệnh nhân đó cứ thế sống qua ngày. Không cho anh ta đốt, anh ta sẽ nổi giận, ném đổ linh tinh. Đưa cho anh ta đồ để đốt, anh ta yên lặng, dùng đèn cồn đốt nó thành tro. Anh ta chẳng quan tâm bản thân ăn gì, mặc gì, tài sản đã có kế toán, luật sư và các chị gái quản lý, tất cả đều rất tốt. Một bệnh nhân như vậy không nhất thiết phải điều trị, anh ta không có ý định ra ngoài, không có ý định kết hôn, chuyên tâm đốt đồ trồng hoa, không có tính uy hiếp, không gây hại đến bất cứ ai, còn tạo cho người khác công ăn việc làm. Quan trọng nhất là, anh ta rất vui vẻ."

Tôi: "Làm cách nào để phán đoán được anh ta có vui vẻ hay không?"

Ông: "Chỉ có thể nhìn từ biểu hiện bên ngoài thôi, nếu bệnh nhân khóc cười lẫn lộn, thật sự không thể đoán định được. Nếu anh điều trị cho bệnh nhân trong tình trạng đó, sẽ có rất nhiều tổ chức nhân quyền quái gở đến làm phiền anh, chỉ trích anh cướp đoạt niềm vui của bệnh nhân tâm thần."

Tôi: "Ừm, đó cũng là một vấn đề... Vậy định nghĩa cơ bản về bệnh tâm thần là thế nào? Có biểu hiện không bình thường đã được xem như bệnh nhân tâm thần rồi, hay phải đi giết người phóng hỏa chạy rông khắp phố mới tính?"

Ông: "Thật ra cái anh nhắc tới là vấn đề được cả xã hội công nhận. Còn quan điểm của tôi là: Ai cũng mắc bệnh tâm thần."

Tôi: "Gì cơ ạ?"

Ông: "Anh cứ nghĩ xem, anh có cố chấp với một điều gì đó không?"

Tôi: "Trên màn hình máy tính của cháu không được để quá ba biểu tượng, nếu quá nhất định sẽ cho vào shortcut hoặc xóa luôn khỏi màn hình, cái này có tính không ạ?"

Ông: "Tính chứ, quá ba cái là anh không chấp nhận được đúng không?"

Tôi: "Nói vậy xung quanh cháu cũng có rất nhiều người tình trạng tương tự. Cháu quen một cô gái, cô ấy lúc nào cũng sắp xếp tiền trong ví theo thứ tự mệnh giá, mặt trước mặt sau nhất định phải đồng nhất. Còn một người khác luôn muốn ga giường phảng phiu, không được có một đường nhăn, nếp gấp. Hay như một người bạn thích những chậu cây có lá bản rộng, ngày nghỉ ở nhà đều lau lá cây sạch bóng. Đúng rồi cháu còn có một thói quen, cứ ba tháng lại đổi vị trí bày biện đồ đạc trong nhà, đều tính sao?"

Ông: "Chúng ta phân biệt ra. Anh đổi vị trí đồ dùng trong nhà, bạn anh chăm sóc cây cỏ, có thể dùng từ 'phong cách sống'. Người sắp xếp ví tiền và người kéo phẳng ga giường coi như có chút lập dị. Thật ra những hành vi này đều mang tính cưỡng chế nhẹ. Nó không ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường của anh và những người bạn kia đúng không? Vậy cứ giữ những thói quen đó lại, không có gì xấu hết. Có điều nếu anh muốn sắp xếp cả ví tiền của người khác, hay chạy đến nhà bắt người ta sắp xếp lại đồ đạc, anh được tính là bệnh nhân tâm thần rồi. Còn việc đến nhà người khác lau lá lau hoa... tôi tình nguyện chấp nhận." (cười)

Tôi: "Vậy bệnh tâm thần căn nguyên do đâu? Có nguyên nhân cụ thể nào không ạ?"

Ông: "Tôi cũng rất muốn biết điều này, không chỉ tôi mà những người cùng ngành đều muốn biết. Nhưng nguyên nhân đa số những căn bệnh liên quan đến tâm lý đều không thể xác định rõ ràng. Chỉ có thể khẳng định một số bệnh nhân tâm thần mắc bệnh do di truyền thiếu sót. Tuy nhiên nó không thể áp dụng cho mọi trường hợp. Về cơ bản mọi người đều có thiếu sót về di truyền, tại sao chỉ có một bộ phận phát bệnh, đó vẫn là câu hỏi chưa lời giải đáp. Nói rộng ra, mấy chục năm trở lại đây, kỹ thuật, phương pháp và thiết bị điều trị các bệnh như ung thư, AIDS, u bướu đều đượ cnâng cao chóng mặt. Vì sao? Bởi nguyên nhân gây bệnh đã rõ ràng. Nhưng bệnh tâm thần không như vậy, giải phẫu cũng không nhìn ra được. Giống như huyệt vị kinh lạc trong y học cổ truyền Trung Quốc, lúc còn sống mới xem được, giải phẫu thi thể căn bản không có, anh xác định thế nào? Vả lại trong một ngày huyệt vị và kinh lạc còn có những biến đổi nhất định. Buổi sáng huyệt vị này có thể hiệu quả, buổi chiều lại không còn tác dụng nữa rồi! Vấn đề bệnh thần kinh càng nghiêm trọng hơn, thần kinh là cái gì? Cũng khó trách tôn giáo phương Tây cản trở việc nghiên cứu các bệnh liên quan đến thần kinh. Đây là một vấn đề rất khó nói. Khoa tâm thần kinh khác với khoa ngoại thần kinh, hiện tại Đức và Nhật Bản đang là hai nước đi đầu về lĩnh vực ngoại khoa thần kinh này, bởi trong thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, họ đã thực hiện rất nhiều thí nghiệm trên cơ thể sống. Tất nhiên, đây là việc làm vô nhân tính, cũng là hành vi tàn nhẫn phản nhân loại. Nhưng từ đó, cũng chính nhờ các thí nghiệm về não bộ trên cơ thể sống của Đức và Nhật Bản, chúng ta mới biết được chức năng của não bộ. Vì não bộ giống một chiếc máy tính, không phải bất cứ lúc nàocác linh kiện của nó cũng ở trong trạng thái hoạt động; lúc cần bộ phận nào, bộ phận ấy sẽ hoạt động, lúc không cần, nó sẽ không hoạt động nữa. Máy tính sau khi tắt chẳng thể nhìn ra vấn đề gì, cũng giống như nếu không thí nghiệm trên cơ thể sống, sẽ rất khó đoán định, nhất là ở thời kỳ kỹ thuật chụp chiếu X-quang còn chưa phát triển."

Tôi: "Cháu nhớ có một quan điểm cho rằng, đại não chỉ mới được khám phá 20%, 80% còn lại vẫn chưa được tận dụng. Liệu có phải nguyên nhân gây ra các căn bệnh về thần kinh đều ở những điểm chưa được khai phá này không?"

Ông: "Thật ra đây chỉ là tin đồn. Có thể các cơ quan truyền thông đã cắt ghép sai lệch từ những luận văn hoặc tạp chí y học liên quan. 80% đó không phải tất cả đều để không, nhịp đập của tim, hô hấp, sự bài tiết mồ hôi, những phản ứng của cơ thể đều được 80% đó khống chế, nói cách khác là duy trì cơ chế sinh lý. Nhưng tôi thừa nhận vẫn còn một số bộ phận đến nay không tìm ra được chức năng của chúng. Không phải chúng không có chức năng gì, mà là chưa phát hiện ra, có thể phải trong một tình huống nào đó nó mới được kích hoạt. Những bộ phận như vậy không vượt quá 20%, cũng chính là đại não của con người trên thực tế đã được tận dụng hơn 80% rồi. Không nên quá tin tưởng vào khoa học viễn tưởng về tiềm năng của đại não trong tiểu thuyết và phim ảnh. Đến nay con người vẫn chưa thể tận dụng được hết những tiềm năng vô hạn của đại não, thật sự là tiềm năng vô hạn, nên không cần phát triển đại não đến mức đó đâu. Trọng lượng đại não của một người trưởng thành là bao nhiêu? Khoảng 1,7 kilogam, tỉ lệ giữa trọng lượng này với thể trọng con người hiện này mà nói đã rất lớn rồi."

Tôi: "Ngoại trừ khiếm khuyết về di truyền ra, không thể xác địn hđược nguyên nhân nào khác sao?"

Ông: "Có, nhưng khó phân biệt hơn, ví dụ nhân tố tâm lý, môi trường hay trưởng thành đều là những nhân tố tạo ra sự khác biệt trong khả năng chịu đựng của mỗi người. Lấy ví dụ, một trong những triệu chứng quan trọng của bệnh tâm thần phân liệt là tư duy khuếch tán và tư duy phát sóng (diffusion of thought, thoughtbroadcasting, tên gốc tiếng Anh do tôi tự kiểm chứng sau khi được một người bạn cung cấp), đều do các nhân tố khách quan vừa nhắc đến gây ra, là triệu chứng phổ biến của bệnh nhân mắc chứng tâm thần phân liệt."

Tôi: "Tư duy khuếch tán? Nghĩa là gì ạ?"

Ông: "Đây là một loại ảo giác, bản thân có suy nghĩ gì sẽ phát tín hiệu để mọi người cùng biết. Cảm giác suy nghĩ của bản thân luôn trong trạng thái cộng hưởng, không có riêng tư, gây ra cảm giác khủng hoảng và không tin tưởng (đối với người khác). Tình trạng này được gọi là tư duy khuếch tàn, kỳ thực hai loại tình trạng này giống nhau, nhưng phân ra hai cách gọi vì cảm nhận của bệnh nhân không giống nhau. Cảm giác suy nghĩ lập tức bị cộng hưởng, hoặc cảm giác suy nghĩ bị sóng não phát tán kháp nơi... Tâm thần phân liệt hoặc giai đoạn trước tâm thần phân liệt đều có đặc trưng này. Đối với những bệnh nhân kiểu này, tôi không dám nói tất cả, nhưng phần lớn trong số đó chỉ cần nhìn thẳng vào mắt họ là tôi có thể xác định được. Không phải tôi hay bệnh nhân có khả năng đặc biệt, mà đây là kinh nghiệm lâm sàng. Ánh mắt của họ rất nhạy cảm và cảnh giác."

Tôi: "Hóa ra là như vậy..."

Ông: "Ngoài ra, trong tình trạng ấy, cảm giác thù địch của bệnh nhân đối với những người xung quanh sẽ tăng lên, tâm lý cũng càng thêm lo lắng. Nếu không kịp thời tiến hành hỗ trợ tâm lý để điều chỉnh hoặc điều trị sẽ dẫn đến sự tuần hoàn ác tính, bởi họ sẽ ngày càng nhạy cảm hơn. Ví dụ cậu nói một câu, nội dung cụ thể thế nào bệnh nhân không nghe thấy, mà chỉ nghe được mấy từ, sau

đó xâu chuỗi thành một câu xúc phạm, mắng chửi hoặc miệt thị. Họ sẽ cho rằng cậu nhắm vào họ, cậu là người xấu, cậu biết suy nghĩ của họ rồi, họ không còn riêng tư nữa. Đồng thời kích thích bệnh nhân suy nghĩ nhiều hơn, khiến trí não họ thoát ly khỏi vùng suy nghĩ bình thường, cảm thấy như trong đầu có người đang nói với họ, hình thành ảo giác nghe. Nghiêm trọng hơn, bệnh nhân có thể dựa theo cuộc nói chuyện trong đầu sản sinh ảo giác nhìn, nhìn thấy thứ mà người khác không nhìn thấy, là như vậy đấy."

Tôi: "Hóa ra nghiêm trọng như thế..."

Ông: "Đúng, tôi từng điều trị cho một cậu thanh niên mắc chứng tâm thần phân liệt nghiêm trọng. Cậu ta nói có thể nhìn thấy rất nhiều người ngoài hành tinh ở trên đường, người khác không nhìn thấy được. Người ngoài hành tinh nghe trộm suy nghĩ của cậu ta, ghé sát bên tai người khác nói cho họ biết. Nhưng cậu nghĩ xem, khi cậu ta dùng ánh mắt kỳ quái đó nhìn người khác, họ sẽ cảm thấy cậu ta kỳ quái, nhìn cậu ta thêm vài cái, cậu ta lại càng cho rằng mọi người đều biết cậu ta đang nghĩ gì, nên cáu kỉnh và thất thường."

Tôi: "Vậy phải điều trị bệnh tâm thần phân liệt này như thế nào ạ?

Ông: "Sự dẫn dắt của người thân là cần thiết, bác sĩ thần kinh sẽ nghe kiến nghị của nhà phân tích và bác sĩ hỗ trợ tâm lý, sử dụng các loại thuốc hỗ trợ điều trị. Nhưng cần nhấn mạnh lại rằng, sự phối hợp của gia đình tương đối quan trọng. Ở châu Âu, chúng tôi từng tiến hành một cuộc điều tra, những đứa trẻ được mẹ yêu thương, khi trưởng thành sẽ tự tin hơn những đứa trẻ bị mẹ thờ ơ, đồng thời quan hệ với bạn đời hay người yêu cũng ổn định hơn. Thú vị nhất là, khả năng miễn dịch cũng mạnh hơn."

Tôi: "Khác biệt lớn như vậy sao?"

Ông: "Đúng vậy, có điều bản thân bệnh nhân cũng phải từ từ điều chỉnh tâm trạng, không thể cả ngày chỉ để ý tới ánh mắt, thái độ của người khác. Bản thân họ phải học cách thả lỏng tinh thần. Hải nạp bách xuyên, hữu dung nãi đại; bích lập thiên nhận, vô dục tác cương..."

Trích dẫn tư liệu ghi chép dừng tại đây, hy vọng phần phiên ngoại này có thể giúp các bạn hiểu thêm về một vài vấn đề chuyên ngành.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenFun.Vip