29. Ngoại truyện 2: Nhà ngoại 2

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng
Ba mươi Tết, tôi và Vương Nhất Bác ở nhà phụ mẹ Vương nấu nướng. Mấy món chính là để dành cho bữa tối, nên cả buổi sáng tôi và cậu khá rảnh rang, bèn tranh thủ đi làm bánh.

Hôm qua lúc đi siêu thị, tôi đã mua bột, sữa và mấy nguyên liệu khác. Bánh quy bơ Vương Nhất Bác yêu cầu thì tất nhiên phải làm đầu tiên rồi. Vì là năm mới nên tôi đặt biệt dùng bột hạnh nhân, ăn sẽ thơm và dậy mùi hơn. Trong lúc tôi làm bánh thì Vương Nhất Bác ở bên cạnh phụ làm mấy loại mứt trái cây đơn giản để ăn kèm.

"Chiến ca, em mỏi tay quá..."

Tôi phì cười nhìn cậu nhăn nhó khuấy mứt trong nồi.

"Cún con, em mới làm có xíu mà đã kêu rồi. Giờ anh đi sên mứt dứa còn mệt hơn nè."

Bánh dứa ăn vào dịp Tết là phong tục của vùng Phúc Kiến, Quảng Đông. Mấy năm trước vì tham gia chống dịch nên tôi có qua khu ấy công tác, được người dân biếu mấy hộp bánh vào dịp Tết. Ăn xong thì nghiện luôn nên tôi cũng tự mày mò làm thử.

Dứa cắt nhỏ, lọc sạch mắt dứa, rồi sên với mật ong trên bếp cho đến khi khô dẻo. Tôi để nguội rồi nặn thành từng viên nhân bánh. Vỏ bánh thì tận dụng luôn bột làm bánh quy bơ, sau đó lại quét thêm một lớp lòng đỏ trứng gà bên ngoài, cho vào lò nướng tới chín vàng.

Bánh dứa ăn chua ngọt dịu nhẹ, nhâm nhi với trà thì không còn gì bằng. Mỗi tội ăn nhiều quá sẽ bị rát lưỡi, nên lúc nào Vương Nhất Bác cũng canh chừng chỉ cho tôi ăn hai viên rồi phải đóng hộp lại :(

Khổ quá đi mất, Tết rồi mà cũng không được ăn uống thoải mái nữa.


Xế chiếu, tôi và mẹ Vương lại bắt tay vào nấu nướng. Sủi cảo thì hôm trước hai mẹ con đã gói sẵn rồi. Mẹ Vương lên thực đơn thêm mấy món: cá hấp xì dầu, thịt lợn xá xíu, gà hầm nấm, mỳ trộn cay, nem rán. Cá mua ở siêu thị đã được làm sẵn, tôi chỉ đơn giản tẩm ướp rồi cho vào nồi hấp. Thịt lợn thì mẹ Vương đã ướp từ đêm hôm qua, nay bỏ vào lò nướng lên là xong. Trong lúc mẹ rán nem, tôi hầm gà và chuẩn bị nguyên liệu nấu mỳ. Mỳ để lâu sẽ bị nhão, nên tôi chỉ làm nước sốt để trộn rồi đến khi chuẩn bị ăn mới nấu.

Ấy là món chính, ngoài ra còn có súp tiêu cay Lạc Dương mà Vương Nhất Bác thích uống nhất. Chuyển đến Trùng Khánh đã nhiều năm, lại thêm yêu phải anh người yêu bản địa thích ăn cay, khẩu vị của Vương Nhất Bác đã ít nhiều thay đổi. Duy chỉ có món súp tiêu cay Lạc Dương là cậu lúc nào cũng nhớ mãi không quên.

"Nấu súp tiêu mất công lắm. Nên ngày bé lúc nào em ngoan mẹ mới nấu cho em đấy." Cậu giải thích với tôi, môi nở nụ cười ngọt ngào.

Chỉ vậy thôi tôi cũng hiểu cậu yêu thích món ăn này thế nào.

Tết năm nào tôi cũng lon ton đi theo mẹ Vương học nấu, mà thành quả vẫn chưa ra đúng vị lắm. Năm nay mẹ Vương nhất quyết không động tay vào món ấy nữa, chỉ đứng một bên chỉ tôi làm từng bước một.

"Đợi sau này về Bắc Kinh là Tiểu Tán nấu súp cho A Bác được rồi." Mẹ khích lệ tôi.

Có mẹ Vương giám sát nên sản phẩm lần này của tôi được nâng tầm hơn nhiều. Lúc Vương Nhất Bác húp xong một thìa súp thì hai mắt sáng bừng, cong cong nhìn tôi cười siêu đáng yêu, còn cho tôi một like nữa. Cún con của tôi ơi, chỉ cần em chịu ăn rồi cười vui vẻ thế này thì muốn tôi học nấu cái gì cũng được.

Mâm cơm giao thừa bao giờ cũng đủ đầy trọn vẹn, ngặt nỗi cả nhà chúng tôi tính đi tính lại cũng chỉ có bốn người. Dù tôi và mẹ Vương đã cố nấu mỗi món vừa phải, nhưng vẫn còn dư khá nhiều. Hai mẹ con chỉ đạo hai ông chồng dọn dẹp rửa bát, rồi cất đồ ăn vào tủ lạnh, mai giải quyết nốt.

"Mai mồng một cả nhà mình đi chúc Tết loanh quanh, cũng không có thời gian nấu nướng đâu. Đồ dư này vừa hay để mai ăn luôn." Mẹ Vương vui vẻ nói.

Cơm nước xong, cả nhà cùng nhau quây quần bên TV xem Xuân Vãn.

Càng về khuya trời càng trở lạnh, lại đang trong không khí đón Tết nên chẳng ai muốn đóng cửa. Thành thử tuy ở trong nhà nhưng gió vẫn thổi phảng phất, khiến tôi vô thức rúc vào bên cạnh Vương Nhất Bác cho đỡ rét.

Cậu quay sang nhìn tôi, dịu dàng bảo "Em lên nhà lấy cho anh cái chăn mỏng đắp quanh người nhé?"

Tôi gật gật đầu, buông cánh tay đang ôm chặt lấy vai cậu ra.

"Có muốn ăn chè đậu đỏ không? Ninh từ nãy giờ chắc giờ chín rồi đấy." Cậu lại hỏi tiếp.

Từ lúc ăn cơm xong Vương Nhất Bác đã giúp tôi nấu chè. Cậu bảo "Anh đã nấu súp cho em rồi, năm nay để cún con nấu chè đậu đỏ cho anh đi." Nói rồi cứ thế đẩy tôi đi tắm trước, còn mình thì hì hục mày mò trong bếp.

Vương Nhất Bác mang mấy tấm chăn từ trên lầu xuống, đầu tiên là đưa cho mẹ Vương ba Vương mỗi người một chiếc, rồi mới choàng chiếc còn lại quanh người tôi.

Mẹ Vương thấy con trai có gia đình vẫn còn nhớ đến mình thì vui vẻ ra mặt, khen cậu một tiếng "Ngoan lắm."

"Con lấy cho ba mẹ bát chè luôn nhé?" Vương Nhất Bác hỏi.

"Được rồi, để xem tay nghề của A Bác thế nào nào..."

Hồi qua Nhật học tiến sĩ Vương Nhất Bác đã học nấu ăn. Chẳng phải là để tiết kiệm tiền gì đâu, mà là vì bên ấy rất khó kiếm đồ ăn Trung Quốc chuẩn vị. Mỗi lúc nhớ nhà cậu lại phải tự mình vào bếp, thông qua đồ ăn mà tìm lại chút hương vị quê hương. Lại thêm mấy năm nay ở Bắc Kinh, cậu cũng hay nấu nướng vỗ béo cho tôi nữa. Nên tay nghề của Vương Nhất Bác bây giờ cũng coi như đạt tiêu chuẩn rồi, không phải món nào cũng ngon, nhưng đều dễ ăn cả.

Cậu cố gắng thay đổi như thế, là để chăm sóc cho tôi tốt hơn.

Mẹ Vương cũng hiểu được điều ấy. Ba mẹ đều yêu quý và thương tôi nhiều lắm. Chỉ có điều, nhìn cậu con trai duy nhất dành hết quan tâm cho tôi, mẹ Vương không tránh khỏi có những lúc tủi thân. Hai đứa con đều không ở gần mẹ, cả năm chỉ có dịp Tết mới trở về thăm, lại phải san sẻ tình cảm cho con dâu con rể. Tuy mẹ chẳng bao giờ nói ra, lại hay tỏ ra hào sảng bảo chúng tôi dành thời gian bên nhau, nhưng tôi vẫn để ý thấy ánh mắt tủi thân của mẹ mỗi khi Vương Nhất Bác yêu chiều tôi quá.

Thành thử, làm gì tôi cũng nhắc cậu nhớ đến ba mẹ trước tiên. Ba mẹ già rồi, đến tuổi này nên được hưởng phúc từ đám con cháu chúng tôi.

Nhìn Vương Nhất Bác ngồi ăn chè đậu đỏ bên ba mẹ, tôi bất giác mỉm cười. Xem kìa, cậu đang vui vẻ đến nỗi hai cái ngoặc nhỏ bên khóe miệng cũng hiện rõ. Lại đang khoe với ba Vương về dự án mới của cậu ở trên trường, rồi thì khoe cậu mới học nấu thêm món gì lạ miệng với mẹ Vương, đợi qua năm mới sẽ cho mẹ ăn thử.

Người tôi yêu quả thực là đứa con hiếu thảo lắm.

Đâu như tôi, miệng thì ra rả nhắc nhở cậu chăm lo cho ba mẹ, mà bản thân mình thì chẳng làm được đến nơi đến chốn.

Tôi dùng thìa đảo nhẹ bát chè còn ấm nóng, xúc một miếng đưa lên miệng. Đậu đỏ được ninh chín mềm, mới nãy còn ngọt ngào biết bao, vậy mà phút chốc trở nên nhạt thếch.


Đùng.

Tiếng pháo hoa báo hiệu khoảnh khắc giao thừa đã đến, theo sau đó là những âm thanh giòn giã vang lên khắp các nẻo đường.

"Năm mới rồi!" Mẹ Vương mỉm cười, chỉ ra ngoài cửa sổ "Mau, cả nhà ra ngoài ngắm pháo hoa." Mẹ vừa nói vừa kéo tay ba Vương.

Đốt pháo là việc nguy hiểm, vốn chỉ có cơ quan nhà nước mới được phép thực hành. Chẳng qua, cấm thì cấm thế, chứ người dân chỗ tôi vẫn lén đốt trộm suốt. Là một bác sĩ, tôi cực kì lên án hành động này. Cứ nhìn số người bị thương mỗi dịp Tết cùng nỗi vất vả của nhóm y bác sĩ thì ai cũng sẽ có cùng cảm nhận như tôi thôi.

Thế nhưng, năm tôi ăn Tết xa nhà vì công tác, phố phường im ắng lại khiến tôi có chút không quen. Lúc ấy mới nhận ra, vắng đi tiếng pháo nổ râm ran, Tết cũng không còn là Tết nữa. Nên là, sau đợt ấy, tôi đã ít nhiều có cái nhìn khoan dung hơn với việc đốt pháo.

"Anh vẫn còn no à?" Chẳng biết tự lúc nào, Vương Nhất Bác đã ngồi xuống bên cạnh tôi. Nhìn bát chè đậu đỏ vẫn còn già nửa, cậu lên tiếng hỏi.

Tôi luống cuống không biết phải trả lời sao, chỉ đành nhìn cậu lúng túng.

"Được rồi, anh không phải cố ăn đâu." Cậu phì cười, xoa nhẹ tóc tôi. "Đã buồn ngủ chưa?"

Tôi lắc đầu. Chẳng ai muốn đi ngủ sớm đêm giao thừa cả. Huống chi, pháo hoa bắn rôm rả thế này, muốn ngủ cũng khó.

"Thế mình đi loanh quanh một chút nhé?" Cậu dò hỏi "Đầu xuân đi hái lộc."

"Uhm, đi dạo hưởng chút không khí năm mới cũng được."

Hai chúng tôi lên nhà mặc thêm áo ấm. Vương Nhất Bác cẩn thận đeo cho tôi khăn quàng to sụ, đội mũ len che kín tai, khiến cả người tôi phồng lên mấy lớp. Riêng cậu còn cầm theo một hạp đồ ăn, bọc trong túi giấy lớn.

"Mang theo chút đồ ăn nóng ra ngoài. Tẹo mình ra công viên ngắm hoa thì ngồi nhâm nhi cũng được."

"Cầm đi nặng lắm, anh không đói đâu, em để ở nhà cũng được." Tôi nhìn cái bọc to sụ thì có chút ái ngại, muốn ngăn cậu.

"Em cầm là được, anh chỉ việc nắm tay em thôi."

Vương Nhất Bác nhoẻn miệng cười, rồi cứ thế dắt tay tôi kéo ra ngoài.

Không khí lạnh ập vào khiến tôi hơi run lên, dứt khoát ôm lấy một tay để không của cậu cho ấm.

Lúc chúng tôi ra đến đầu ngõ thì bắt gặp ba mẹ Vương đang đứng ngắm pháo hoa.

"Bọn con ra ngoài đi loanh quanh một chút nhé." Vương Nhất Bác lên tiếng "Lát ba mẹ cứ ngủ trước đi. Con cầm theo chìa khóa nhà rồi."

"Ừ, hai đứa đi chơi cẩn thận."


Trùng Khánh là một trong bốn thành phố trung ương của cả nước, mức độ phát triển có thể xếp trong top đầu. Các khu vui chơi, giải trí về đêm đều nhộn nhịp tấp nập, càng về gần trung tâm thành phố thì lại càng lunh linh. Giao thừa, biển quảng cáo trên các trung tâm thương mại chạy suốt đêm, đua nhau chúc mừng khoảnh khắc năm mới.

Nhà chúng tôi thuộc khu dân cư yên tĩnh hơn. Bình thường một, hai giờ sáng thế này chẳng có mấy ai đi trên đường, vậy mà từ lúc ra khỏi nhà đến giờ hai chúng tôi đã gặp mấy nhóm người quen. Vương Nhất Bác lễ phép chào mấy cô chú hàng xóm, lại giới thiệu tôi với họ, bàn tay vẫn nắm chặt tôi không rời.

Đôi khi, chỉ những chi tiết nhỏ nhặt thế thôi cũng đủ để tôi cảm thấy ấm áp lắm.

"Cẩn thận." Vương Nhất Bác kéo tôi lại sát bên mình, vừa kịp tránh đi một bông pháo gần đấy. Mấy đứa trẻ con trong khu nghịch ngợm, đốt cả bánh pháo trên đường rồi cứ thế chạy vào trong nhà, đợi cho nó nổ lên từng tràng giòn giã. Thỉnh thoảng có bông pháo bay ra, ai không để ý sẽ dễ bị thương.

"Nguy hiểm quá." Cậu nhăn mày, rồi cứ thế choàng tay qua ôm tôi vào lòng. "Anh đi sát vào em đi. Mắt mũi tèm nhem lại giẫm phải bánh pháo thì khổ."

Chẳng biết có phải ở với tôi lâu quá không mà cậu cũng bị nhiễm cái tính hay càu nhàu. Mắt tôi vốn cận nặng, lúc mổ đều phải đeo kính sát tròng, nhưng bình thường vì lười nên tôi ít đeo lắm, muốn để cho mắt nghỉ ngơi một chút. Với cả ở cùng Vương Nhất Bác, có gì cậu cũng để ý nhắc nhở tôi rồi.

Hai chúng tôi cứ nửa ôm nửa tựa vào nhau mà đi trên đường.

Lúc tới công viên, nơi ấy đã tấp nập người qua kẻ lại, đa phần là nhóm thanh niên trẻ đến ngắm hoa. Tôi khẽ tránh khỏi cái ôm của Vương Nhất Bác, chuyển sang nắm tay cậu. Từ khi bộ luật công nhận hôn nhân đồng tính được thông qua, xã hội đã cởi mở hơn nhiều, tôi và cậu cũng chẳng giấu diếm mối quan hệ của mình. Có điều, hai anh đẹp trai mà cứ ôm ấp khoác tay ở nơi công cộng thì gây chú ý nhiều lắm, nên thường chúng tôi chỉ nắm tay thôi.

"Nhiều người quá, anh đi sát vào em đi." Vương Nhất Bác khẽ nhíu mày nhìn đám đông phía trước.

Công viên bình thường chỉ có mấy cụ già tập dưỡng sinh, phần dành cho người đi bộ thật sự không lớn. Hai bên đường còn xếp đầy chậu hoa và cây cảnh. Đêm giao thừa, người dân cả thành phố đổ về ngắm hoa khiến không khí bỗng chốc nhộn nhịp hơn hẳn.

Tôi đưa mắt nhìn mấy ghế đá đã bị chiếm hết, phì cười nói với Vương Nhất Bác "Anh đã bảo để đồ ăn ở nhà mà em không nghe. Đông thế này lấy đâu ra chỗ ngồi..."

"Đông thật ha..." Vương Nhất Bác cảm thán "Cứ tưởng chỉ có người già mới tới công viên ngắm hoa chứ. Ơ có hoa hải đường mẹ trồng này."

"Hoa này nở không to bằng hoa của mẹ rồi." Tôi vừa nói vừa lấy điện thoại ra chụp một tấm ảnh, định bụng về cho mẹ Vương xem.

Hai chúng tôi cứ thế đi một vòng quanh công viên. Hoa ở đây tuy nhiều, nhưng lại không rực rỡ và hiếm như vườn của mẹ Vương. Mấy ngày nay tôi và Vương Nhất Bác giúp mẹ dọn vườn, tưới cây nhiều nên cũng học được chút ít, giờ không quá hứng thú với mấy khóm hoa này.

Chẳng qua, cảm giác được nắm tay người thương, đi thơ thẩn dưới cái lạnh của đêm giao thừa thực sự quá đỗi bình yên, khiến tôi chỉ muốn lang thang mãi.

Có điều, công viên không có nhiều hoạt động lắm, đến khi chúng tôi trở ra cũng mới hơn 1 giờ sáng.

"Anh thích mấy chậu hoa lan à? Em thấy anh cứ nấn ná ở chỗ ấy mãi. Hay mai, ngày kia mình đi mua một chậu về?"

"Đâu, anh thấy mấy chậu ấy trông lạ lạ nên chụp ảnh cho mẹ đấy. Mẹ thích sưu tầm lan mà. Đợi mấy hôm nữa mình đi tìm mua cho mẹ một chậu."

"Ừ"

"Còn anh chỉ thích bạch mẫu đơn thôi."

"..."

Tôi cười khúc khích khi thấy Vương Nhất Bác im lặng không đáp lại. Nếu bây giờ mà cởi mũ len ra thì chắc tai cậu đã đỏ lựng lên rồi.

"Bạch mẫu đơn gì chứ, đừng có gọi em như thế." Cậu bĩu môi nói "Gần ba mươi cả rồi."

"Vẫn là bạch mẫu đơn của anh mà." Tôi cong mắt cười với cậu. "Giờ mình về nhà hả?"

"Đi loanh quanh thêm chút nữa đi, em không muốn ngủ sớm đâu." Vương Nhất Bác lắc đầu.

"Được rồi, nghe theo em."

"Nghe theo em hết?"

"Ừa."

Tôi để cho Vương Nhất Bác nắm tay mình dẫn đường. Chúng tôi cứ thế lang thang trên những con đường nhấp nhô Trùng Khánh, lắng nghe tiếng pháo hoa rực rỡ trên đầu, còn bước chân của chúng tôi thì đồng điệu hài hòa.

Thỉnh thoảng, bắt gặp một vài gánh hàng rong trên đường, tôi sẽ níu tay cậu, để cậu mua cho mình chút quà vặt. Là que sơn tra tẩm đường chua chua ngọt ngọt, hay một cốc sữa đậu nóng ấm giữa sương giá. Tôi thè lưỡi, liếm liếm lớp đường bóng nhẫy tẩm ngoài quả sơn tra, rồi cắn một miếng nhai trong miệng. Vị chua nồng đậm khiến tôi nhăn mặt, còn Vương Nhất Bác ở bên cạnh phì cười, vỗ nhẹ vào đầu tôi an ủi.

Cuối cùng cả cây sơn tra ấy vẫn chui vào bụng cậu.

"Chua thế này mà anh còn muốn ăn." Vương Nhất Bác than thở.

Tôi nhe răng cười với cậu "Đêm giao thừa mà, ai cũng phải về với gia đình chứ."

Nếu chỉ một vài đồng bạc có thể giúp người khác được hưởng cái Tết trọn vẹn hơn, thì sao lại không, nhỉ?

"Thế còn anh thì sao?" Cậu bất chợt hỏi, bước chân cũng chậm lại, cho tới khi dừng hẳn.

Tôi ngơ ngác nhìn cậu, rồi lại nhìn về phía trước. Tim tôi không kìm được mà đập thình thịch.

Trước mắt tôi là con đường nhỏ mà hai mươi mấy năm cuộc đời, ngày nào tôi cũng đi qua. Con đường mà dù có nhắm mắt lại, tôi cũng vẫn quen thuộc tới từng ngọn cây ngọn cỏ.

Ấy là con đường về nhà.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenFun.Vip