Khôi Tẫn - Phần IV

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng
[Vỡ] 破

Phần IV

Dưới sự ép buộc bằng tấm lòng thành vô cùng kiên quyết của Tiêu Ngọc tôi, vì tôi năm nay đã trên mười tám tuổi, thành thử tôi nghiễm nhiên dễ dàng trở thành "người giám hộ bất đắc dĩ" của chú Bác. Mọi thông tin về lịch trình cũng như tình trạng sức khoẻ của chú tôi đều nắm rõ, bác sĩ và y tá ở bệnh viện Quang Hà cũng đã quen mặt tôi, mặc cho chú Bác có kháng cự việc tôi xem chú như người bệnh mà cơm bưng nước rót đi chăng nữa, y tá Hứa cũng đem hết thảy đơn thuốc giao cho tôi, vậy nên chú Bác ngoài hợp tác cùng tôi ra cũng chẳng còn cách nào khác.

Đến mẹ tôi thường xuyên vắng mặt ở nhà cũng phải thốt lên, "Tiểu Ngọc, đã bao nhiêu ngày con chưa về nhà rồi? Chú Vương của con cũng cần không gian riêng tư. Thân con gái lại suốt ngày ngủ ở bên ngoài, con xem có ra thể thống gì không?"

Mẹ nói không oan cho tôi chút nào. Gần đây nửa tủ đồ của tôi đã dọn sang nhà chú Bác. Nhà chú Bác cũng có hai phòng, tiện nghi đầy đủ, giao thông thuận lợi, buổi sáng tôi đi xe buýt đi học cũng tiện. Huống hồ chú Bác chỉ có một thân một mình, nửa đêm ngộ nhỡ có chuyện gì ai sẽ lo lắng cho chú? Bà nội ở nhà còn có bố mẹ, còn chú Bác chẳng có ai cả.

Nhưng mẹ tôi nói gì thì nói, dù sao mẹ cũng chẳng có ở nhà để quản tôi. Bố tôi thì không có ý kiến, tôi ban ngày ban mặt xách một cái túi đồ lớn ra khỏi nhà cũng không nói gì. Có lẽ là sau lần có chút lớn tiếng với tôi dạo ấy, bố cũng chẳng cảm thấy thoải mái trong lòng nên đang tìm cách mua chuộc tôi đây mà, có lần còn thúc giục tôi học lái, bảo sẽ mua xe cho tôi nữa.

Chỉ là vài lần bắt gặp tôi đi ra ngoài bố cũng bâng quơ hỏi "Chú Bác con sống bên ấy có ổn không?", làm tôi chột dạ không biết nói dối phải bày ra bộ mặt như thế nào mới thoả đáng.

Những lúc như thế tôi chỉ biết lí nhí đáp "Tất cả đều tốt ạ." đính kèm một nụ cười hoàn mỹ. Bố tôi hiếm khi nhiều lời nên cũng chỉ gật gật mấy cái cho có lệ, rồi bảo tối trở về sớm ăn cơm.

Tôi cũng chẳng biết tôi có thể giấu được bao lâu giúp chú Bác nữa, ngộ nhỡ bố đến bệnh viện tìm chú, người ta lại nói chú xin nghỉ bệnh thì phiền hà ra mất.

Nhưng ngẫm đi cũng phải ngẫm lại, quan hệ của bố và chú căng thẳng như thế, bố đi tìm chú riêng mới là lạ đó.

Ngoại trừ lần đầu tiên tôi cùng chú đi bệnh viện thì vị trí chờ được thay thận của chú Bác không hề có chút tiến triển nào thêm nữa. Chú Bác không sốt ruột, nhưng tôi lại cảm giác như bản thân ngày nào cũng như ngồi trên đống lửa, không biết chiếc mành mỏng manh kia còn có thể che gió mưa được bao nhiêu ngày nữa. Đã có mấy lần tôi muốn nói cho bố biết về bệnh tình của chú, nhưng mãi vẫn chưa tìm cách nói ra lời.

Có mấy bận tôi cũng hỏi chú Bác. "Chú này, nếu chú sang Mỹ, cơ hội được thay thận có phải sẽ cao hơn không?"

Chú Bác chỉ chậm rãi lắc đầu. "Cũng thế thôi, Tiểu Ngọc. Đều phải chờ đến lượt của bản thân cả. Chú còn ổn, con đừng sốt ruột."

Chú Bác vẫn sinh hoạt khá điều độ. Vì chú đã nghỉ làm nên thời gian rảnh cũng tương đối nhiều, mỗi ngày đều nghĩ ra một vài hoạt động để giết thời gian. Ngoài ra, chú mỗi ngày sẽ trở về nhà thăm bà nội khoảng vài giờ, thế chỗ cho bố tôi nghỉ ngơi.

Hôm nay cũng là một trong những ngày hiếm hoi tôi không ở cùng chú Bác, cũng không ở nhà. Bạn trai tôi sau lần được bố tôi "tặng" một bài thuyết giáo cũng không dám đưa tôi đi chơi xa nữa, chỉ đi trong phạm vi thành phố, mà cũng đều là đi ăn uống linh tinh thôi. Tôi nghĩ cũng cảm thấy thiệt thòi cho anh ấy, chuyện nhà tôi phức tạp, thành thử tôi cũng đành phải lạnh nhạt với anh ấy một chút để chăm lo cho gia đình hơn, thời gian dành cho anh cũng trở nên ít ỏi đáng thương.

Tôi ôm cánh tay rắn rỏi của anh mà nũng nịu "Dạo này ít gặp anh, anh có giận Tiểu Ngọc không đấy?"

Anh liền nhéo mũi tôi một cái "Ngốc ạ. Vì sao anh phải giận em chứ? Bà nội em thế nào rồi? Chú em dạo này có ổn không?"

Nói đến liền muốn thở dài. "Bà nội em vẫn quên rất nhiều chuyện. Hôm qua lại hỏi em là ai nữa. Trong ký ức của bà hình như chỉ có ông nội, bố và chú, còn mẹ em và em thì không mảy may nhớ dù chỉ là một chút. Bác sĩ bảo rằng mặc dù ký ức không nguyên vẹn, nhưng chí ít bà nội cũng không gặp tình trạng nguy hiểm, sống thêm vài năm nữa có lẽ cũng không vấn đề gì, chỉ là sinh hoạt bất tiện... Còn chú em vẫn được bác sĩ giám sát cẩn thận, khổ nỗi căn bệnh âm ỉ vẫn luôn là thứ đáng sợ nhất, có thể trở nặng lúc nào không hay. Anh xem có phải hoạ vô đơn chí không? Trong nhà một lúc nhiều người bệnh như thế, ông trời đúng là biết cách trêu ngươi."

"Em vẫn chưa nói với bố tình trạng của chú em sao?"

"Em muốn lắm chứ. Ôm một cái bí mật lớn như thế chẳng thoải mái gì. Mà em ngẫm lại thấy cũng lạ, nói ra thì có thể tệ như thế nào chứ? Quan hệ giữa bố em và chú em không tốt, nếu có thể nhân dịp này hàn gắn cũng đâu phải chuyện xấu, vì sao phải giấu nhẹm chứ? Không phải bị ốm thì nên có nhiều người nhà quan tâm sao?"

Bạn trai tôi cũng gật đầu đồng tình. "Anh cũng nghĩ đây là chuyện lớn, không thể nào cứ giấu bố em mãi. Bọn họ quan hệ rất tệ sao? Anh cũng gặp bố em vài lần. Chú ấy cũng đâu thuộc kiểu người sẽ ghét bỏ anh trai nuôi trong nhà chứ?"

"Chuyện ấy em không rõ lắm. Từ ngày em có nhận thức bọn họ đã hiếm khi chịu hoà hoãn với nhau, lúc nào cũng giống như sắp đánh nhau đến nơi ấy. Dường như bố em vừa nhìn thấy mặt chú đã cảm thấy phiền vậy. Kì lạ là trong những tấm ảnh cũ, bọn họ lại vô cùng thân thiết, lúc nào cũng ở bên nhau. Trong kho vẫn còn lưu giữ vật dụng cũ của bố và chú, đều là một đôi, ở gáy sách vẫn còn đề tên của bố em và chú. Tuổi thơ của bọn họ theo em thấy thì đã từng rất gắn bó, cũng không rõ vì sao lại thành như thế này."

"Anh em trai thì có chuyện gì có thể giận nhau lâu đến như vậy?" Bạn trai tôi gật gù suy ngẫm, bỗng nhiên biểu tình có chút kì lạ nhìn tôi "Không phải là vì tranh giành phụ nữ ấy chứ?"

Anh nói ngay trúng suy nghĩ của tôi, khiến tôi kích động đập bàn một cái mạnh.

"Chính xác! Em cũng nghĩ vậy đấy. Chú Bác đến tận bây giờ vẫn không lập gia đình, anh nói xem, có phải là vì còn vấn vương tình cũ không?"

Bạn trai tôi liền gật gù "Cũng không phải không có lý. Mà này, Tiểu Ngọc, kia có phải bố em không?"

Tôi nương theo hướng tay anh chỉ, nhìn ra bên ngoài ô cửa kiếng có chút mờ. Cách quán trà tôi đang ngồi khoảng ba cửa hàng bán hoa. Đỗ xe trước cửa lúc này là một người đàn ông trung niên, dáng dấp thon gầy mặc quần tây đen, ngay cả áo sơ mi cũng đen nốt, không phải bố tôi thì còn là ai.

"Anh tinh mắt thế?"

"Bố em ngoại hình nổi bật như thế, nhìn không ra mới là lạ đó. Anh cùng em sang chào hỏi một chút đi?"

Tôi trợn mắt la lớn "Bị bố em mắng thảm như vậy anh còn chưa sợ?"

Bạn trai tôi lại là dáng vẻ điếc không sợ súng, hiên ngang đáp "Nếu sợ bố em thì sau này cưới em kiểu gì?"

Tâm tôi khi nghe đến câu này lại là một mảnh ngọt ngào. "Anh tốt như thế mà bố em còn mắng anh..."

Anh cười hiền, dùng chất giọng ấm như nắng mùa xuân đáp lời tôi. "Anh cũng không cảm thấy đó là mắng. Mỗi ngày chăm sóc người bệnh cũng cực khổ mà, trông bố em thiếu ngủ lắm, có lẽ vì vậy mà khắt khe hơn bình thường vài phần. Tiểu Ngọc, em cũng nên bớt thời gian phụ giúp bố một chút, trông chú ấy lao lực quá."

Tôi cảm thấy anh nói rất có lí, có lẽ tôi đã hơi vô tâm với bố thật. Trông bố dạo này gầy quá, lớp áo sơ mi đen lại càng khiến vóc dáng mảnh khảnh của bố thiếu sức sống hơn. Tôi tự nhủ sau này phải mua cho bố vài cái áo sơ mi sáng màu hơn mới được, y phục màu tối trông không hợp với bố chút nào cả.

Lúc tôi và anh băng qua đến được chỗ cửa tiệm hoa thì bố tôi cũng đã trở ra, trên tay còn xách theo một lẵng hoa màu trắng ngà rất lớn, toả mùi hương ngào ngạt nức mũi.

Hình như là quế lan hương.

"Bố!"

Bố nhìn thấy tôi thì vô cùng bất ngờ, nhưng rất nhanh sau đó cũng thay thế bằng biểu cảm lạnh nhạt thường thấy, chỉ gật đầu một cái rất khẽ.

"Tiểu Ngọc đấy à?"

Bạn trai tôi cũng tinh ý chạy lại đỡ giúp bố tôi vòng hoa "Chú Tiêu, để con đỡ giúp chú."

Trái ngược với bộ dáng nghiêm khắc hôm trước, bố tôi hôm nay trầm tĩnh lại dễ chịu lạ thường, cũng không nhiều lời khách sáo khước từ anh, chỉ chậm rãi buông tay, để bạn trai tôi giúp ôm lẵng hoa khổng lồ, đều đều mà lên tiếng.

"Cám ơn cậu, cậu Đặng. Cậu giúp tôi đặt vào ghế sau nhé." Bố tôi cũng tiến đến mở cửa sau giúp anh, mặc dù đã mở lớn hết cỡ, nhưng cả anh và bố loay hoay mất một lúc cũng chẳng đặt được cái lẵng hoa cao lớn như vậy vào xe.

Tôi cũng liền chạy đến hỗ trợ, nhưng cũng chẳng giúp ích được gì hơn. Lẵng hoa quá cao, để dọc thì không đủ diện tích, để ngang trên ghế thì hoa sẽ bị dập nát mất, đường đi khó tránh khỏi xóc nảy mà.

"Hay là dùng dịch vụ vận chuyển của bên cửa hàng đi bố?" Tôi cũng đã nghĩ hết cách, cửa hàng hoa này trông có vẻ lớn, không lý nào lại không có dịch vụ vận chuyển chứ.

"Bố đã đặt hoa xong xuôi rồi đến sát giờ bọn họ mới thông báo tài xế vận chuyển của bọn họ xảy ra chút vấn đề, bọn họ tìm không ra người thay thế. Loại hoa này ở cửa hàng khác lại không có, bố cũng chẳng còn cách nào khác."

"Không bằng con và anh Đặng Nghiêm đi cùng bố?"

Bố nhìn tôi ngạc nhiên "Tiểu Ngọc chắc chứ? Không phải hai đứa đang đi chơi sao?"

"Chú, không vấn đề gì đâu." Anh bạn trai tôi đứng ở một bên khổ sở ghì chắc lẵng hoa to lớn cũng theo tôi phụ hoạ, không quên nở nụ cười dịu dàng.

"Ừ. Vậy phiền hai đứa rồi. Cậu Đặng, xe cậu để ở đây không sao chứ?" Bố tôi áy náy nhìn anh, vẻ mặt trông vô cùng bất đắc dĩ, chắc có lẽ bố cũng hết cách rồi, ngày thường bố ghét nhất là nhận sự trợ giúp của người khác mà.

"Không sao ạ. Xe con đậu ở trước cửa tiệm trà, chủ quán là một người bạn, gọi cho cậu ấy một tiếng là ổn thôi."

"Nếu vậy thì phiền cậu rồi."

Một nhà ba người, bố, tôi, và anh khệ nệ mất một lúc cuối cùng lẵng hoa to lớn cũng yên vị trên người tôi và anh một cách chỉnh tề. Bố tôi cũng không mất thêm nhiều thời gian hơn nữa, trực tiếp nổ máy xe, chạy về hướng ngoại thành.

Dọc đường đi là một cỗ im lặng bức người, toàn thân bố tôi dường như toả ra một tầng âm khí, khiến tôi không rét mà run, chỉ có mùi quế nồng đậm của quế lan hương phảng phất bên đầu mũi, lúc mạnh lúc nhạt, hoà tan vào trong không khí lạnh của mùa xuân còn chưa phai nhạt bớt lại khá khoan khoái.

Tôi chờ mãi nhưng cả hai người đàn ông ngồi trong xe đều không ai chịu lên trước, vì thế nên tôi cũng đành bất dĩ trở thành người mở lời.

"Bố, chúng ta đang đi đâu vậy? Lẵng hoa lớn như thế này, có chút giống hoa tang..."

Bố tôi đánh xe quẹo về bên trái, nhàn nhạt đáp.

"Đúng là hoa tang. Chúng ta đang trên đường đến dự tang lễ của một người bạn của bố."

"Là ai thế ạ?" Tôi chậm rãi điểm lại từng người bạn của bố, hình như bố chỉ có chú Tống là chỗ thân thiết nhất, còn lại đã từng đến nhà đều là đồng nghiệp thông thường. Chú Tống mới tuần rồi còn ghé nhà thăm bà tôi, trông chú vẫn còn khoẻ mạnh hồng hào lắm. Lẵng hoa bố đặt tôi đoán là rất đắt tiền, quế lan hương cũng không phải loại hoa dễ tìm, một người bạn thông thường không đủ để bố tôi hao tổn tâm tư vậy đâu, khiến tôi càng nghĩ lại càng tò mò không thôi.

"Là một người bạn cũ của bố. Có lẽ con chưa gặp qua bao giờ."

Bố không nhắc đến tên người bạn ấy, tôi cũng không dám nhiều lời thêm nữa. Dù sao cũng là một người tôi không biết, càng hỏi sẽ càng khiến bố thêm buồn mà thôi. Cuộc nói chuyện chấm dứt, im lặng lại một lần nữa bao trùm lên không gian nơi đây, tôi sờ sờ cánh hoa mỏng, quay đầu lại bắt gặp nụ cười dịu dàng của anh. Tôi dùng khẩu hình miệng, nói mấy câu bông đùa với anh cho khuây khoả, tâm tình bỗng chốc liền tốt hẳn lên.

                                           ***

Chiếc xe bon bon chạy trên đường tầm ba mươi phút cuối cùng cũng dừng lại. Cả đoạn đường dài tôi đã dùng hết sức để ghì chặt lẵng hoa cho khỏi ngã, cả hai cánh tay tôi lúc này đã mỏi rã rời, nhấc cũng không nhấc nổi nữa.

Bố tôi cho xe đậu trước một nhà tang lễ không lớn không nhỏ, sau đó cũng nhanh chóng rời khỏi ghế lái, cẩn thận di chuyển lẵng hoa xuống xe, rồi tự tay ôm vào bên trong.

"Chúng ta cũng vào đi? Đã đến tận đây rồi, cũng không thể tiếc với người đã khuất một nén nhang chứ?"

Anh lúc nghe thấy câu nói của tôi thì bật cười. Anh kéo tôi vào lòng, còn không quên gõ vào đầu tôi một cái.

"Em đấy, ăn nói kiểu gì thế hả?"

"Em nói có chỗ nào sai sao?" Tôi lập tức phồng mang trợn má kháng nghị.

"Không sai, không sai. Là anh mới sai, Tiểu Ngọc không sai." Vẫn là anh dung túng tôi nhất. Hưởng thụ nốt chút ngọt ngào ít ỏi, tôi và anh cũng không chậm trễ thêm nữa, mở cửa xe theo bố vào bên trong.

Ban nãy trước khi vào cửa tôi có nhìn thấy bảng cáo phó của người đã khuất có đề hai chữ Hạ Mặc được in ngay ngắn ở chính giữa, hưởng dương năm mươi lăm tuổi. Bố nói đúng, người bạn này của bố tôi đích thực là chưa hề gặp qua.

Nhà tang lễ không quá nhiều người như tưởng tượng trong đầu tôi, lác đác chỉ có vài toán người đứng thành cụm. Bọn họ trông khá bặm trợn, hầu hết ai nấy đều xăm kín người, có một vài người còn xăm ở trên mặt. Mặc dù ở thời đại này xăm mình cũng không phải chuyện lạ, nhưng nhiều người như vậy ở cùng một chỗ cũng không phải chuyện thường ngày có thể thấy. Tôi đoán bọn họ có lẽ đều là thợ xăm đi?

Vẻ ngoài không mấy thân thiện nhưng nỗi buồn trên gương mặt họ lại đồng dạng thương tâm. Nhà tang lễ im ắng đến đáng sợ, một tiếng nói chuyện cũng không có, lại càng khiến tiếng khóc của một người đàn ông lại càng trở nên nổi bật hơn cả.

Quỳ rạp ở trước quan tài phủ hoa là một đàn ông trông lớn tuổi hơn bố tôi rất nhiều. Chú ấy mang một vẻ ngoài rất dễ nhìn, tóc đã điểm bạc nhưng vóc dáng vẫn còn phong độ hiếm thấy. Tôi cũng không rõ người đàn ông ấy đã quỳ bao lâu, ngay cả gương mặt ấy tôi cũng không thể nhìn kỹ, chỉ biết tiếng khóc nỉ non trầm khàn của một người đàn ông xa lạ lại khiến tôi của sau này ám ảnh đến khôn nguôi.

Không phải người ta vẫn nói đàn ông thường rơi nước mắt trong im lặng thôi sao? Trong thanh âm thổn thức của người đàn ông ấy lại là sự trộn lẫn của đủ loại cảm xúc. Tôi nghe thấy tiếc thương, trộn lẫn cùng đau khổ, còn có hoà thêm một chút của sự hối hận khôn nguôi cùng hoài niệm. Tôi cũng không rõ là vì tiếng khóc của người ấy quá thê lương, hay vốn dĩ bốn bức tường màu trắng của nhà tang lễ quá đỗi lạnh lẽo đáng sợ mà tôi bắt đầu cảm thấy có một luồng cảm xúc không tên đang đánh ập vào đại não, khiến lòng tôi bỗng nhói lên từng cơn khó kiểm soát.

Đôi lúc ngẫm lại, tôi cảm thấy người ra đi trước lại là người ung dung hơn cả. Nhìn người bản thân yêu thương nhất từng chút từng chút nhẹ dần đi hơi thở của sự sống, mấy ai là cam tâm, mấy ai là thoải mái? Thống khổ, dày vò, đau buồn, tất cả những nỗi niềm này chỉ có một mình người ở lại phải gánh chịu. Dù người kia có đi bao lâu, có đi bao xa đi chăng nữa, nỗi niềm ấy có hay chăng chỉ nhiều thêm chứ nào có chút thuyên giảm. Vết thương ngoài da có thể lành lại, nhưng vết thương lòng lại chẳng có loại thuốc nào có thể chữa trị được cả.

Bố tôi đang nhíu mày cùng nhân viên công tác trao đổi, chủ trì tang lễ là một vị mục sư cũng đã đến nơi. Mọi người cũng tự giác dạt vào hai hàng ghế hai bên, tôi và anh Nghiêm cũng kiếm một ví trí trống ngồi vào. Liền ngay sau đó có một người đàn ông khác rảo bước nhanh về phía người đàn ông nọ từ cửa hông, bóng lưng có chút quen thuộc, đến khi sườn mặt nghiêng nghiêng kia quay về phía tôi, tôi mới nhận ra người vừa chạy đến là chú Bác.

Chú và bố tôi lúc này chỉ đứng cách nhau khoảng ba bước chân, nhưng bọn họ vẫn giữ nguyên trạng thái lạnh nhạt thường ngày. Bố vẫn đang nói chuyện cùng chú nhân viên nọ, chú Bác thì vừa đến đã ôm chặt lấy người đàn ông đang quỳ rạp trước quan tài, không ngừng dùng sức kéo người đàn ông ấy dậy.

Sự xuất hiện của chú Bác đúng thực là khiến tôi bất ngờ. Dựa theo quan sát của tôi, người đàn ông đang quỳ rạp trên sàn có lẽ là một người bạn rất thân thiết với chú. Dù đang đứng ở một vị trí rất xa, tôi vẫn có thể nhìn thấy khoé mắt có chút đỏ của chú Bác. Chú nói nhỏ gì đó vào tai của người đàn ông ấy, người đó cuối cùng cũng xuôi theo chú, quệt vội khoé mắt mà đứng dậy ngồi vào hàng ghế đầu tiên. Bố tôi cũng dừng lại cuộc nói chuyện với chú nhân viên nọ, trầm ngâm tìm một vị trí khá xa so với chú Bác mà ngồi xuống.

Tang lễ được cử hành theo nghi thức của đạo Tin Lành. Vị mục sư bắt đầu bài giảng của ông về sự sống muôn đời sau cái chết của xác thịt, về cách nhìn nhận cái chết của người theo đạo. Cái chết không đáng sợ, bản thân con người được tạo thành từ tro bụi, trở về tro bụi âu cũng là chuyện thường tình, chỉ có sự trường tồn của linh hồn mới là vĩnh cửu. Mặc dù tôi nghe những lời này cũng không hiểu lắm, vì bản thân tôi không phải người theo đạo, nhưng những người xung quanh tôi đã bất giác trở nên sụt sùi.

Mỗi người có một tín ngưỡng riêng, miễn là những điều họ tin khiến họ cảm thấy vơi đi nỗi lòng, mọi tín ngưỡng đều trở nên có lý cả.

Buổi lễ kết thúc bằng lời phát biểu chia buồn của gia đình và bạn bè, ngắn gọn nhưng cũng vô cùng cảm động. Đến tận lúc này tôi mới biết vì sao buổi lễ lại vắng lặng thế, quay đi quẩn lại người đến phúng viếng cũng chỉ có bạn bè, còn người thân của chú Hạ Mặc này, ngoài người đàn ông đang ngồi bên cạnh chú Bác ra cũng không còn ai khác.

Đời người quả thực không phải ai cũng may mắn được sinh ra trong gia đình hạnh phúc. Hạ Mặc chú ấy lúc sinh thời có lẽ đã từng là một người rất cô đơn.

Bố tiến từng bước nhỏ về phía tôi, biểu tình bố lúc này hình như đã tái nhợt đi vài phần, ngay cả giọng nói cũng trở nên nghèn nghẹn.

Bố tôi hình như đã khóc rồi.

"Ban nãy bố bận quá, nhất thời quên mất cả hai đứa. Cậu Đặng, cậu dùng xe của tôi đưa Tiểu Ngọc về trước được không?"

"Có phải Đặng Nghiêm không? Cậu cùng Tiểu Ngọc ngồi uống chút nước đi rồi hãy về?" Chú Bác bỗng từ đâu đến từ phía sau lưng bố, thình lình lên tiếng. "Tiểu Ngọc cũng đến sao? Con đi cùng bố à?"

"Dạ vâng."

Anh Nghiêm cũng cười đáp lại chú, cũng không từ chối ý tốt của chú thêm nữa, chỉ dùng vẻ mặt áy náy nhận chiếc chìa khoá từ tay bố tôi rồi theo chân chú vào một căn phòng trà nhỏ thông qua cửa hông, cũng là một phần của dịch vụ tang lễ nơi đây.

Tôi và anh chọn lấy một góc nhỏ, nơi đây hình như rất lạnh, nhiệt độ còn thấp hơn cả bên ngoài, uống vào một ngụm trà nóng lại khiến người ta cảm thấy vô cùng dễ chịu. Ở đây dịch vụ cũng tốt thật, ngoài thức uống còn chuẩn bị cho khách một chút điểm tâm nữa, nhưng kể ra cũng thật không cần thiết, nào có ai còn có tâm trạng mà ăn uống kia chứ.

Đứng được khoảng non nửa tiếng tôi bắt đầu ra hiệu cho bạn trai tôi cùng trở về. Nơi đây không khí có chút u uất, khiến tâm trạng tôi bất giác cũng trùng xuống theo. Chìa khoá xe của bố đã đưa cho anh, chúng tôi chỉ cần sang chào hỏi một chút là có thể về được rồi.

Lúc tôi đến gần chú và bố thì nghe được một đoạn đối thoại hoà hoãn hiếm có của bố và chú.

Chú tôi cười khổ, nói nhỏ.

"Vì sao lại bắt buộc phải là quế lan hương?"

Bố tôi đưa mắt nhìn về phía bên ngoài cửa sổ, nhẹ nhàng đáp.

"Anh Hạ đã từng nói, anh ấy thích mùi quế của quế lan hương, ngọt ngào tựa mùi quế thoang thoảng của những chiếc bánh pumpkin pie trong dịp Giáng Sinh lúc còn ở Mỹ..."

Chú trầm ngâm, khẽ đáp "Đã lâu như vậy rồi... Hạ An, anh ta cũng chẳng dễ chịu gì..."

"Hạ An...anh ta ổn chứ?"

Chú lắc đầu khe khẽ, đáp một câu lửng lơ "Em đoán xem?"

Cả không gian bao trùm lên bọn họ dường như rơi vào tĩnh lặng của động sâu không đáy, ngay cả tiếng thở nhè nhẹ cũng dễ dàng lọt vào bên tai, tôi cơ hồ còn nghe thấy âm thanh của xương cốt va vào nhau khi bố khẽ siết chặt nắm tay.

Cuối cùng vẫn là bạn trai tôi lên tiếng trước, trực tiếp đánh tan sự im lặng yên bình nhưng lại khiến lòng người bứt rứt khó chịu này.

"Chú Tiêu, chú Vương, con xin phép đưa Tiểu Ngọc về trước."

Bố và chú vốn đang quay lưng về phía bọn tôi, lúc này mới giật mình xoay lại. Bố tôi gật gật đầu ra chiều đồng ý, chú tôi lại nở một nụ cười ôn nhu mềm mại như ánh trăng rằm.

"Đi đường cẩn thận, có thời gian thì ghé nhà chú chơi nhé."

"Vâng ạ."

Từ biệt bố và chú, anh Nghiêm dùng xe của bố đưa tôi trở về nhà trong nội thành. Cả bố và chú đều không có nhà, nên tôi hôm nay cũng không trở về nhà chú Bác bên kia mà về thẳng nhà với bà nội. Mẹ tôi có điện thoại về báo tối nay tăng ca sẽ về trễ, dặn tôi tự túc chuyện bếp núc cho hai bố con. Tiêu Ngọc tôi tài nấu nướng cũng không nhiều nhặn gì, chỉ biết mang thịt đã chuẩn bị sẵn trong tủ lạnh chiên sơ, lại nấu thêm một nồi canh nhỏ, ngồi ở phòng khách cùng bà nội chờ bố trở về.

Nhưng tôi chờ mãi, bố vẫn không về, điện thoại cũng không liên lạc được.

Tôi chờ đến tận khuya, sốt ruột đến đã gửi hàng trăm tin nhắn nhưng vẫn không thấy hồi âm. Bà nội đã đi ngủ, tôi nhón chân nhẹ nhàng rời khỏi phòng bà, gọi cho chú Bác một cuộc điện thoại.

Và tôi chờ mãi, đầu dây bên kia chỉ có giọng nữ máy móc của hộp thư thoại, tôi gửi vài tin nhắn, cuối cùng cũng chờ không được nữa, liền ngủ thiếp đi.

———————-

Ấy ấy cả nhà hảo hen ~~~~~ lâu quá không gặp mewww mewww

T rest lâu quá hay sao, lúc viết lại cảm thấy trong đầu cứ như trống rỗng vậy T^T có ai bị quên cốt truyện luôn chưa huhuhu

Mà ngoi lên để nói với các c một điều là có lẽ t sẽ unpublish những chương cũ các cô ạ, không phải t bán thảm hay gì đâu, chỉ là muốn cho tâm hồn nhẹ đi một chút, t có hơi mệt mỏi quá :)

Những chương cũ nếu cô gái nào muốn ôn lại t sẽ để trên wordpress riêng nhé :) để lại cmt thảo sẽ gửi qua mục nhắn tin cho c ^^ thực sự rất xin lỗi, mong mọi người thông cảm cho T ngày hôm nay, thực sự xin lỗi rất nhiều :(

Wordpress của Thảo là centipedelt.wordpress.com. thảo sẽ vẫn gửi tin nhắn riêng cho bạn nha 😘

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenFun.Vip