Phiên ngoại 4: Hạ Trình

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng
"Mẹ, mẹ có tin vào luân hồi chuyển kiếp không?"

Tôi đã ngẩng mặt khỏi cuốn sách mình đang nghiền ngẫm, chạy tới bên bàn bếp và níu lấy chiếc tạp dề mẹ đang mang để hỏi một câu như vậy. Chiếm được sự chú ý của mẹ khi bà đang mải mê làm một việc gì khác đối với tôi chưa bao giờ là một việc khó khăn, bởi mẹ luôn luôn dành tất cả sự quan tâm của mình cho tôi – đứa con trai độc nhất lại mang theo khiếm khuyết bẩm sinh của bà.

Đáp lại câu hỏi ấy, mẹ tôi mỉm cười, trầm ngâm vài giây trước khi tắt bếp và quỳ một chân xuống, để mắt bà ngang với mắt tôi, và nhẹ nhàng dùng thủ ngữ (*) trả lời. Bà luôn làm vậy – hạ xuống ngang với tôi khi hai mẹ con cần đối thoại, dường như đó là cách bà thể hiện tình yêu sâu đậm và sự nhẫn nại vô bờ của mình đối với tôi. Và, hiển nhiên rồi, tôi luôn thích điều đó.

"Sao thế, con trai mẹ lại vừa phát hiện được thêm điều gì lý thú sao?"

"Mẹ có biết Hitler không? Người này này?" Tôi giơ cuốn sách ra trước mặt mẹ, hơi kiễng chân để bà có thể nhìn thấy rõ hơn hình ảnh người đàn ông mang tên Adolf Hitler ấy.

"Tất nhiên rồi, con yêu, ai cũng biết Hitler hết. Đó là trùm phát xít Đức khét tiếng trong lịch sử nhân loại. Dù mẹ học hành không nhiều lắm nhưng cũng có thể nhớ được vài điều về ông ta."

"Sao đột nhiên con lại quan tâm đến Hitler vậy? Hôm qua còn nghiên cứu về Napoléon nữa chứ. Lắm lúc con khiến mẹ nghi ngờ về độ tuổi thật của con đấy, Vĩ Kỳ của mẹ ạ! Vẫn biết con thông minh hơn những đứa trẻ khác nhiều, nhưng thế này có phải hơi quá rồi không?"

Mẹ đón lấy cuốn sách trên tay tôi, rồi vươn tay còn lại nhấc bổng tôi lên, bà cong mắt cười, không sử dụng thủ ngữ nữa mà dùng cách nói chuyện bình thường để giao tiếp với tôi. Bà vẫn thường làm vậy khi cả hai tay đang bận làm gì đó. Về phần tôi, hiểu những điều mẹ nói bằng việc đọc khẩu hình cũng không có gì khó khăn, và tôi luôn thích được nhìn thật kỹ cách mà làn môi đẹp duyên dáng của bà nhẹ nhàng chuyển động.

"Con có thật là mới năm tuổi rưỡi không vậy, con trai mẹ? Sao con không đọc cuốn truyện cổ tích mẹ mới mua cho con nhỉ?"

"Con không thích truyện cổ tích đâu, trẻ con lắm!" Tôi xụ mặt, đưa đôi tay ngắn lũn chũn nói với bà bằng thủ ngữ. "Mẹ trả lời con đi, mẹ có tin vào luân hồi không?"

"Mẹ tin. Nhưng luân hồi và Hitler có gì liên quan đến nhau sao, Vĩ Kỳ?"

Mẹ ôm tôi ra khỏi căn bếp đượm mùi đồ ăn đang đun, tiến đến phòng khách nhỏ hẹp – nơi tôi rải la liệt đủ loại sách lịch sử, thiên văn, khoa học... - những thứ "xa xỉ phẩm" vẫn luôn ngốn của mẹ tôi đến một phần ba tháng lương eo hẹp.

Mẹ đặt tôi xuống chiếc tràng kỷ cũ kỹ có lớp bọc da đã bong tróc, rồi ngồi ngay ngắn đối diện tôi. Động thái này chính là bày tỏ ý muốn được nghe tôi giải thích những quan điểm vừa bác học vừa hoang đường mà tôi thường xuyên đưa ra.

Lắng nghe một đứa bé năm tuổi rưỡi "nói hươu nói vượn" bằng thủ ngữ, về những điều mang đậm tính hàn lâm học thuật, đối với người khác có lẽ là chuyện khiên cưỡng và khó khăn, thậm chí có phần kỳ cục, nhưng mẹ tôi thì ngược lại, bà luôn coi đó là thú vui mà những người mẹ bình thường không thể có.

Mẹ nói, tôi là một đứa trẻ đặc biệt. Ông trời lấy đi của tôi khả năng nghe và nói từ lúc mới sinh, nhưng đã trả lại cho tôi một bộ óc thông thái gấp nhiều lần người khác, và bà luôn tự hào về điều đó. Cho dù không một ai ngoài mẹ công nhận sự thật ấy, thì mẹ vẫn luôn tin rằng con trai bà là một thần đồng, "một thần đồng vô thanh" – như cái cách bà hay gọi đùa tôi.

"Con nghĩ Hitler chính là kiếp sau của Napoléon, mẹ ạ!" Tôi hào hứng chỉ ra cho bà đúc kết của mình. "Mẹ nhìn này."

"Napoléon sinh năm 1760, Hitler sinh năm 1889, chênh nhau 129 năm. Và sau đó, hầu hết tất cả sự kiện lớn trong đời họ đều chênh nhau một khoảng thời gian đúng bằng con số này."

"Đây, mẹ xem. Napoléon nắm quyền năm 1804, Hitler năm 1933. Napoléon chiếm Viên năm 1809, Hitler năm 1938, đều chênh 129 năm. Napoléon tấn công Nga năm 1912, Hitler tấn công Nga 1941; Napoléon thua Nga 1816, Hitler thua Liên Xô 1945."

"Chưa hết, Napoléon và Hitler đều nắm quyền binh năm 44 tuổi, đánh chiếm Viên năm 49 tuổi, đánh chiếm Nga năm 52 tuổi và đều vỡ mộng bá chủ ở tuổi 56."

"Nhiều sự kiện trùng hợp đến vậy, chỉ có duy nhất một cách lý giải mà thôi. Hai con người này, vốn là tiền kiếp và hậu kiếp của nhau. Mẹ có cho là vậy không?"

Tôi ngừng chuyển động tay của mình lại, mở to đôi mắt nhìn bà, chờ đợi sự đồng tình mà mẹ vẫn luôn sẵn sàng dành cho tôi, bất kể lý luận của tôi hoang đường hay là xác đáng. Bà luôn như vậy, hết lòng ủng hộ niềm đam mê học hỏi có phần phù phiếm của con trai giữa một gia đình chỉ biết đắm chìm trong những cuộc vật lộn đơn thuần để sinh nhai, ngày qua ngày.

Đúng như dự liệu của tôi, mẹ lia lịa gật đầu, mắt tròn xoe. "Ồ. Đúng là như vậy nhỉ? Con trai mẹ giỏi thật! Khi mấy đứa nhóc nhà bên còn chưa đếm nổi đến mười thì con mẹ đã phát hiện ra một bí mật động trời của nhân loại rồi này!"

Bà luồn những ngón tay thon dài lên mái tóc màu hạt dẻ của tôi, xoa nó rối bù xù. Đôi mắt bà cong cong sáng rỡ và bà cười rộ lên khoái trá. "Trời ơi, con ai mà giỏi quá vậy nè? Nếu luân hồi thực sự có thật như những gì con chỉ ra, mẹ dám chắc con là hậu kiếp của một thiên tài nào đó lỗi lạc lắm đấy, Vĩ Kỳ ạ! Albert Einstein chẳng hạn?"

Rồi, bà ôm tôi vào lòng, ngón tay mát lạnh chọc vào mạn sườn tôi thọc lét. "Còn mẹ, chắc chắn kiếp trước cũng tích được nhiều công đức lắm nên kiếp này mới sinh được một thiên tài như con! Cái đó người ta gọi là luật nhân quả đó, con có biết không?"

Tôi lăn lộn cười vì nhột, cười không ra tiếng, đồng thời cố gắng giải thoát thân hình nhỏ thó của mình khỏi vòng tay bà. Sự tán đồng có phần cường điệu từ mẹ luôn khiến tôi vui vẻ và thích thú, niềm vui thích ấy lúc nào cũng thành công lấn át đi toàn bộ nỗi mặc cảm về khiếm khuyết bẩm sinh của bản thân.

Thật may, sinh ra làm con của mẹ, dù không thể cất lên tiếng nói, nhưng lại luôn được lắng nghe.

Nếu luân hồi chuyển kiếp là có thật, và luật nhân quả cũng có thật...

... Có lẽ, kiếp trước, tôi cũng từng là một người tốt chăng?

----

Năm lên 7 tuổi, tôi dần dần nhận ra mình đã nhầm. Tôi nghĩ, có thể tiền kiếp của mình không tốt đẹp như tôi vẫn tưởng, bởi kiếp này tôi dường như đang phải trả giá cho những lỗi lầm mình đã lỡ mang từ kiếp trước – những lỗi lầm mà chính tôi còn không biết là gì. Nếu không phải vậy, vì sao ông trời không cho tôi sinh ra lành lặn như những đứa trẻ khác?

Là một kẻ mang khiếm khuyết bẩm sinh, cuộc sống của tôi chỉ yên ả cho đến khi tôi đi học.

Mẹ không muốn tôi theo học ở trường dành cho trẻ khuyết tật, bà một mực bác bỏ định kiến rằng một đứa bé "không bình thường" thì không thể học cùng những đứa trẻ bình thường. Bà thậm chí còn cho rằng đầu óc tôi vượt trội hơn so với "con nhà người ta" trong truyền thuyết, và một ngày nào đó tôi sẽ khiến tất cả những kẻ được xã hội cho là "bình thường" kia phải phục lăn. Không những thế, sự tồn tại của tôi sẽ làm cho cái nhìn của cộng đồng đối với người khuyết tật thay đổi hoàn toàn, theo một cách nào đó mà chính bà còn chưa mường tượng ra nổi.

Bị thôi thúc bởi viễn cảnh ấy, bà đã cầm theo hồ sơ xin học của tôi, bằng tất cả nhiệt tình và hứng khởi, tìm đến ngôi trường quốc tế danh giá bậc nhất Thiên Tân xin học bổng toàn phần cho con trai. Kết cục là, mẹ tôi, với toàn bộ cơn thịnh nộ, sự mạnh mẽ thẳng thắn cùng tính cách lỗ mãng trời sinh của mình, đã ném hồ sơ của tôi vào mặt thầy hiệu trưởng, theo nghĩa đen, khi ông nói với bà rằng "một đứa bé tàn tật và khuyết điểm của nó" sẽ làm ảnh hưởng đến thi đua của trường, thậm chí làm ảnh hưởng đến những đứa trẻ "con nhà danh giá" khác. Và, nếu lúc đó tôi không ngăn bà lại, có lẽ cục chặn giấy hình phượng hoàng trên bàn của thầy cũng sẽ bị bà biến thành một vật thể bay.

Trong khi thầy hiệu trưởng mang theo một vẻ mặt nóng phừng phừng như ấm siêu tốc đang sôi mà mắng mẹ tôi là đồ "thất học", tôi chỉ thấy mẹ mình thật là ngầu. Ngầu hơn nhiều so với người đàn ông tự nhận là học thức đầy mình kia.

Sau gần hai chục lần bị các trường học "bình thường" bác đơn, mẹ tôi thành công xin cho tôi vào học trong ngôi trường thuộc nhà thờ Thánh Joseph, Thiên Tân. Trường này so với những trường khác không thể liệt vào dạng "bình thường" được, bởi lũ trẻ ở đây đa phần là trẻ mồ côi không có cha mẹ, hoặc không thì cũng đến từ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Tóm lại, nơi này có thể coi là một trại tế bần hay một trường học tình thương do nhà thờ mở ra để tích đức, ngoài việc dạy văn hoá người ta còn dạy cả đạo Thiên Chúa nữa. Cái "bình thường" duy nhất ở đây là bọn trẻ con không tật nguyền. Bọn chúng chỉ nghèo thôi.

Và thế là tôi, An Vĩ Kỳ, vừa nghèo vừa khuyết tật vừa mồ côi cha, trở thành đứa trẻ đáng tội nghiệp nhất trong những đứa trẻ tội nghiệp theo học ở đó, cũng là đứa bất bình thường nhất trong những đứa bất bình thường.

Bọn trẻ con ở trường gọi tôi là "Kỳ câm". Dựa vào thực tiễn mà xét thì cách gọi này chẳng có gì là sai, nhưng suy cho cùng nó vẫn khiến tôi đau lòng mỗi khi bắt gặp. Mẹ đã cố an ủi tôi khi nói rằng bọn nó vẫn gắn cả tên của tôi vào trước chữ "câm", cũng coi như là còn chút thiện chí, bảo tôi hãy cứ nhắm mắt mà cho qua đi.

Tôi suy nghĩ mội hồi, muốn nói với mẹ, thực ra gọi tôi hai chữ "Kỳ câm" đều là mấy đứa lành lành cùng lớp, còn bọn côn đồ hay bắt nạt đều gọi là "thằng câm", "thằng điếc" hoặc "thằng tàn tật", thậm chí có đôi lúc chẳng thèm gọi lấy một câu mà cứ thế thụi bóng vào người tôi, xé vở bài tập của tôi, ngáng chân tôi rồi cười phá lên mỗi khi tôi ngã sóng soài ra đất.

Cuối cùng, nghĩ đi nghĩ lại, tôi quyết định im lặng. Tôi biết, một thân một mình nuôi đứa con khuyết tật đã khiến mẹ đủ vất vả nhọc lòng. Nuôi đứa con khuyết tật lại còn bị chèn ép bắt nạt, chẳng phải còn khó khăn hơn gấp vạn lần sao?

Tôi dần học cách chấp nhận sự thật, rằng mình vĩnh viễn sẽ chẳng bao giờ hoà nhập được với những đứa trẻ khác. Sự bất thường của tôi không chỉ nằm ở việc tôi không thể nói, không thể giao tiếp với các bạn, mà nó còn nằm ở việc tôi không hề để tâm đến những điều mà lũ trẻ ấy quan tâm. Thay vì game, người nổi tiếng, chuyện tình cảm trai gái và mạng xã hội, tôi thích thiên văn học, khoa học, vật lý, tôi say mê tìm hiểu về lịch sử nhân loại và sự hình thành của trái đất.

Tôi còn có một niềm yêu thích đặc biệt với triết học Phật giáo, cụ thể hơn là thuyết luân hồi. Tất nhiên tôi không dám để thầy giáo (cũng là thầy tu) ở trường học của tôi biết điều đó, thầy chắc chắn sẽ không ủng hộ việc có một học sinh ngồi trong lớp học thuộc nhà thờ Thiên Chúa mà lại ngang nhiên tìm hiểu về Phật giáo. Tôi thì không quan tâm nhiều cho lắm. Tôi chỉ làm những gì mình thích.

Thế nhưng, tất cả những điều ấy biến tôi trở thành một đứa nhóc không những tàn tật, lầm lũi mà còn rất lập dị trong mắt bọn trẻ con đồng trang lứa. Tôi vì lẽ đó mà suốt quãng thời gian theo học ở trường đều không có nổi lấy một người bạn.

----

Việc mình bị xa lánh, bị cô lập và bắt nạt không phải là bí mật duy nhất mà tôi giấu kín khỏi mẹ. Tôi có một bí mật khác, bí mật này, tôi cho rằng nó to tát hơn nhiều.

Từ lúc còn rất bé, tôi đã có những giấc mơ kỳ lạ lặp đi lặp lại, nhiều lần đến nỗi tôi có cảm giác những giấc mơ ấy đã đi theo tôi từ tiền kiếp.

Trong những cơn mơ ấy, tôi có thể nghe – điều mà tôi không thể làm khi tỉnh giấc. Thật tuyệt!

Tôi nghe được giọng của một người, trong mơ. Chỉ một người duy nhất.

Chẳng rõ vì sao tôi biết chắc thanh âm đó xuất phát từ một người con trai, xúc cảm thân thuộc mà chất giọng ấy mang lại luôn khiến tôi khuây khoả và dễ chịu, dù chưa một lần nhìn rõ mặt người nói. Bóng hình nhoè nhoẹt lẩn khuất sau màn sương dày đặc làm cho tôi không cách nào nhận diện, chỉ mơ hồ thấy được người ấy rất cao, còn thường xuyên mặc đồ màu đen.

Lần nào cũng thế, người ấy hỏi tôi, chỉ ba chữ: "Em ở đâu?"

Giọng anh vang, trầm và ấm.

Đã rất nhiều lần tôi muốn đáp lời nhưng không thể. Cho dù là trong giấc mơ, và cho dù tôi nghe được, tôi cũng chưa một lần cất lên được thanh âm của chính mình.

Tôi tự hỏi, nếu như mình có thể nói, không biết giọng nói của mình có ấm áp, dịu dàng và dễ nghe như giọng người con trai ấy không?

Tôi mong là có.

----

Năm 14 tuổi, thời điểm gần cuối bậc sơ trung, khi tôi nhận được lời mời kèm học bổng toàn phần của hơn 10 trường cấp ba lẫy lừng nhất Trung Hoa, bao gồm cả trường trực thuộc đại học Hoa Thành cực kỳ danh giá, các bạn nữ bắt đầu tìm đến bày tỏ tình cảm với tôi. Thậm chí, khá nhiều nam sinh cũng bày tỏ niềm yêu thích đặc biệt với tôi. Lúc đầu còn thưa thớt, tần suất về sau càng lúc càng dày đặc.

Và, mặc kệ việc tôi cật lực từ chối sự tiếp cận của phóng viên báo chí, thông tin về một chàng trai nghèo khó tật nguyền vượt lên trên số phận để trở thành nam sinh ưu tú bậc nhất Trung Hoa vẫn xuất hiện nhan nhản trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Thậm chí, tôi có thể thấy ảnh mình bị chụp lén trên tàu điện, trong lớp học hay trong quán cà phê được đăng tải lên vô số các trang mạng để người ta thi nhau lao vào bình luận và tán thưởng, thường là về ngoại hình chứ chẳng phải về những nỗ lực vượt lên chính mình của tôi.

Là một người hướng nội, lại có chút tâm lý phản xã hội và luôn muốn thu mình vào thế giới riêng, những điều này hiển nhiên mang đến cho tôi kha khá nỗi phiền.

Mẹ tôi thì không cho là vậy, bà lấy đó làm tự hào lắm, còn sưu tầm hết tất cả bài báo viết về con trai mình, thậm chí bà có thể dành ra hàng giờ để đọc những bình luận tích cực người ta dành cho tôi trên mạng, rồi vừa cười khoái trá vừa reply tán đồng từng cái một. Bà bảo, với sự thông minh xuất chúng cộng hưởng với ngoại hình đặc biệt xán lạn được thừa hưởng từ người cha đã mất của tôi, thì "việc tụi con gái quây lấy con trai mẹ chỉ là chuyện không sớm thì muộn". Còn nói thêm, có vẻ như việc thiếu mất vài giác quan chẳng ảnh hưởng quái gì đến vẻ ngoài của tôi cả, thậm chí nét thinh lặng cố hữu còn khoác lên tôi một vẻ bí ẩn, điềm tĩnh và lạnh lùng vô cùng hút mắt.

Tôi chỉ cười, mẹ vẫn như cũ thích cường điệu hoá mọi thứ. Trong mắt mẹ, tôi lúc nào cũng là đứa con trai hoàn hảo nhất thế giới này, mặc cho sự "không hoàn hảo" rất dễ dàng nhận thấy của tôi – bất luận bản thân ưu tú và ưa nhìn đến độ nào, tôi vẫn không cách nào hoà nhập với thế giới xung quanh, và mặc cho việc ngày càng có nhiều người biết sử dụng ngôn ngữ ký hiệu, tôi vẫn không thể giao tiếp một cách cởi mở với tất cả mọi người.

Vì lẽ đó, dẫu được vây quanh bởi rất nhiều nam thanh nữ tú, tôi dù chỉ một chút rung động mảy may cũng không cảm nhận được.

Năm 14 tuổi, thanh âm độc nhất tôi nghe được mỗi đêm, điều đầu tiên và duy nhất gây được tiếng vang trong lòng tôi, khiến trái tim tôi vô thức chệch khỏi cái quỹ đạo tẻ nhạt của nó, vẫn chỉ là giọng người con trai ấy...

----

Hôm ấy là một buổi chiều đầu hạ, thời tiết êm đềm dịu dàng. Trong lúc tôi đang thu dọn sách vở để rời khỏi thư viện nhà thờ, trong đầu nhen nhóm ý tưởng sẽ tạt qua công viên thành phố tản bộ một chút, thì một người đột nhiên xuất hiện.

Lúc đó, tôi không hề ngờ rằng khoảnh khắc ấy sẽ thay đổi cả cuộc đời mình.

Đó là một thanh niên rất trẻ, có vẻ chưa quá mười tám tuổi. Anh đứng ở ngưỡng cửa, lưng thẳng, vai rộng, cao lớn và đẹp đẽ tựa như bước ra từ một thước phim đã qua hiệu chỉnh. Toàn thân toát ra một loại khí chất không thể lầm lẫn của một đại thiếu gia con nhà quyền quý, sinh ra đã ngậm thìa vàng.

Khuôn mặt nam tính sáng ngời mang những đường nét tinh tế sắc bén như tượng đồng, hoàn mỹ đến mức khiến người khác nhìn vào mà không thể rời mắt. Tuy vậy, phong thái cao ngạo kiêu hãnh và hơi lạnh vần vũ tản mác từ anh làm tôi không khỏi có chút e sợ.

Kế bên người ấy là một người đàn ông trẻ, nhìn qua có vẻ như là phụ tá, và cả Cha xứ của nhà thờ Thiên Tân.

Họ sải bước về chiếc bàn gỗ dẻ còn trống được kê bên khung cửa sổ lớn. Khi người con trai ấy tiến vào, tôi nhận ra anh ta cầm trên tay một chiếc gậy "Hoover" (*) cao cấp có thân bóng loáng rất bắt mắt, loại chuyên dụng của người khiếm thị. Dù tác phong vô cùng mực thước, điềm tĩnh, và nét thượng lưu quý tộc chảy tràn trong cung cách của anh, tôi vẫn có thể nhìn ra chút khó khăn trong việc di chuyển của người này, chưa kể anh ta rõ ràng còn phải nương vào sự trợ giúp của người phụ tá bên cạnh.

Tôi ngây người hồi lâu, nhìn không chớp mắt.

Người con trai ấy bị mù. Cặp đồng tử màu tàn tro tuyệt mỹ ẩn trong đôi mắt sâu thăm thẳm kia hoàn toàn không hề dao động.

Lòng tôi thoáng gợn lên niềm thương cảm chua xót. Cũng như tôi, anh là một người mang trên mình khiếm khuyết. Một người được xã hội ngoài kia gán lên hai chữ "tật nguyền".

"Người đâu mà đẹp trai quá!"

"Uổng ghê, đẹp vậy mà bị mù. Thấy uổng cái ngoại hình kia quá đi thôi! Không mù thì có phải hoàn hảo không?"

Vài người bàn bên xôn xao bàn tán. Vì không nghe được nên tôi không rõ họ đang bình luận với âm lượng cao hay thấp, chỉ có thể qua khẩu hình đọc được những gì họ nói. Tôi tự hỏi, liệu người con trai kia có nghe được hay không? Và nếu có thì anh ta cảm thấy thế nào?

Nếu như tôi có thể nói, có lẽ lúc đó tôi đã không ngần ngại mà ném vào mặt họ vài câu. Thế nhưng, vì không thể cất tiếng, tôi chỉ có thể dùng ánh mắt mà sỉ vả lũ người ấy.

"Uổng cái đầu các người, khuyết mất vài bộ phận trên cơ thể có đáng thương đến đâu thì cũng không bằng loại khuyết tật não như các người đâu! Cái ngữ mấy người sống nhan nhản trên đời, ngày ngày đem lời lẽ ngu ngốc đi tổn thương người khác mới là uổng diện tích đất đai và lương thực của nhân loại đó!"

Không rõ có phải sự khinh bỉ hiển lộ rõ trên nét mặt tôi hay không, mà có một đứa phẩy tay lườm tôi rồi nguýt dài, rõ ràng cho rằng tôi không thể nghe hay đọc được điều nó đang nói.

"Dào ôi, thằng mọt sách An Vĩ Kỳ kia thì cũng có khác gì? Mặt mũi thì rõ đẹp mà cả ngày câm như hến, cạy miệng cũng không nói nổi một chữ. Có giỏi giang đẹp đẽ đến mấy mà không biết nói thì cũng vứt!"

"Ông đây thà bị câm còn hơn biết nói mà tuôn ra lời lẽ thối hoắc như chúng bây!" Tôi cấm cảu chửi thầm trong bụng, sau đó rời mắt khỏi lũ người ấy mà đem cái nhìn của mình quay về đặt trên người con trai đang điềm nhiên ngồi thưởng trà kia.

Tôi nghĩ, có lẽ những lời nói kia chẳng hề chạm đến tai anh. Hoặc là có, nhưng anh từ lâu đã chẳng còn để tâm nữa rồi. Có thể anh đã quá quen với những bình luận ác ý như thế giống như tôi chăng? Hoặc giả, anh vẫn để tâm nhưng lại một mực giấu kín tâm tư, không để lộ cho người khác thấy?

Lòng tôi trào lên khao khát được đọc thấu những suy nghĩ đang hiển hiện trong đầu anh...

Ánh chiều tà xuyên qua tấm kính, đổ vào lênh láng trên nền thư viện. Màu tím nhàn nhạt chảy tràn trên vai áo và mái tóc đen gọn gàng của anh, phủ lên sườn mặt nghiêng nghiêng một vẻ u hoài buồn bã mà tôi cho rằng chỉ một mình mình thấy được.

Anh cụp mắt, rất chuyên chú thưởng thức trà. Gương mặt ngược sáng mang theo đường nét cứng rắn cao ngạo nhưng âu sầu ấy khuấy lên trong lòng tôi một thứ xúc cảm kỳ lạ chưa từng trải nghiệm.

"Anh ấy đẹp thật!" Tôi cảm thán, và thầm biết ơn vì mình không thể nói, bởi vì nếu có thì rất có thể tôi đã bật thốt suy nghĩ ấy ra thành lời.

"Mắt không thể nhìn, liệu anh ấy có biết là mình đẹp đến thế nào không nhỉ? Hay là, anh chỉ có thể nghe người xung quanh miêu tả, rồi tự mường tượng ra hình ảnh của chính mình ở trong đầu?"

Tôi rất muốn đến gần và hỏi anh điều đó, muốn biết liệu anh có như tôi, luôn đầy ắp những hiếu kỳ về thế giới của những người bình thường, nhưng mặt khác cũng âm thầm đố kỵ với họ và ngấm ngầm oán trách số phận của chính mình, mặc cho sự thật rằng tạo hoá ban khuyết điểm nhưng đã bù lại cho chúng tôi những thứ mà người khác ao ước cũng chẳng thể có được.

Cha xứ gọi người mang tới bên bàn trà một bức ảnh đã cũ mèm và rất cẩn trọng đẩy nó đến trước mặt anh. Khoảng cách xa làm tôi không thể nhìn rõ nhân vật trong ảnh, nhưng qua việc đọc khẩu hình Cha xứ, tôi loáng thoáng biết được người ấy từng sống ở đây từ rất nhiều năm trước và đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của nơi này, bức ảnh đó ông khó khăn lắm mới có thể lục tìm lại trong cuốn niêm giám phủ bụi của cô nhi viện nhà thờ.

Rõ ràng người thanh niên kia nào có nhìn được gì, nhưng qua cái cách anh ta lần vuốt những ngón tay thon dài của mình lên bề mặt tấm hình, và đôi đồng tử màu tro buồn bã kia ánh lên nét vui dịu dàng, tôi biết rằng, đối với anh, mẩu giấy vô tri nhàu nhĩ đó chắc chắn là một báu vật.

"Cảm ơn Cha..." Làn môi đẹp mấp máy, và cong lên thành một hình bán nguyệt.

Áng cười ấy từ anh dường như toả ra hào quang rực rỡ trong ánh chiều đang dần ngả màu sẫm. Tôi ngẩn người, có một luồng điện xẹt qua tâm trí.

Kỳ lạ thật. Hình như tôi đã nhìn thấy nét cười ấy ở đâu rồi...

----

Tôi gặp lại người con trai ấy trong khuôn viên Thánh Đường không lâu sau đó. Đó là buổi sáng chủ nhật, trời trong veo và đầy nắng rực rỡ. Tôi cùng mẹ ghé qua Thánh Đường để cầu nguyện, nhân tiện trao đổi thêm với Cha xứ về quyết định chọn trường cấp ba của mình.

Dưới tàng cây xào xạc, người thanh niên tóc đen ngồi lặng thinh trên băng ghế, một mình. Trong bóng râm rung rinh nhảy nhót của tán lá, gương mặt đẹp của anh nhuốm đẫm nét ảm đạm u sầu.

Anh nhắm mắt, lồng ngực khe khẽ căng lên, giống như anh đang phải gắng đè nén một tiếng thở dài não nề. Bàn tay anh nắm chắc một bức ảnh. Dù không trông thấy, nhưng tôi lờ mờ đoán được đó chính là tấm hình anh nhận về từ Cha xứ hôm trước.

Đáng lẽ tôi chỉ nên đứng từ xa ngắm nghía anh, nhưng điều gì đó đã thôi thúc tôi đến gần. Tôi nhón những bước chân cẩn trọng, từng bước từng bước tiếp cận anh. Trống ngực đập dồn như thể bản thân đang làm ra chuyện gì khuất tất, mà đến chính tôi cũng chẳng rõ vì sao mình phải khẽ khàng đến vậy, trong khi tất cả những gì tôi muốn chỉ là được trông thấy anh ở khoảng cách gần hơn một chút.

Người con trai đó dễ dàng phát hiện sự có mặt của tôi. Anh hướng đôi đồng tử không hề có tiêu cự về phía tôi, lông mày khẽ nâng. Tôi bất thần sững người, cảm giác bị phát giác, bị bóc trần khiến tôi sượng sùng không biết làm gì tiếp theo.

"Ai vậy?" Môi anh mấp máy, và tôi đọc được câu hỏi của anh, rất rõ ràng. Mà cho dù không theo kịp chuyển động từ miệng anh, tôi biết chắc trong tình huống đó bất cứ ai cũng sẽ hỏi một câu tương tự.

Nếu là người bình thường, lúc này nhất định sẽ lên tiếng thanh minh, nhưng tôi lại không thể... Tất cả những gì tôi có thể làm chỉ là đứng chôn chân tại chỗ, không dám bước thêm dù chỉ một bước. Tôi không thể nói, không thể phát ra thanh âm nào biện hộ cho chính mình. Còn anh lại không thể trông thấy tôi để có thể biết rằng tôi không hề mang theo ác ý.

"Tôi hỏi ai vậy?" Anh lặp lại một lần nữa.

Không nhận được hồi đáp, anh duỗi người đứng dậy khỏi nơi đang ngồi, chiếc gậy Hoover vốn gấp gọn trong tay bung mở, dáng vẻ mang theo chút khích động và vội vã mà tiến về phía tôi.

Tôi giật mình bởi động thái đó, chẳng rõ vì sao thấy sợ hãi và hoang mang. 

Tôi quay đầu bỏ chạy.

----

Đêm hôm đó, tôi mơ một giấc mơ. So với những giấc mơ tôi từng gặp, giấc mơ này lạ lẫm vô cùng, tôi chưa từng bắt gặp nó trước đó. Dẫu thế, từ trong sự lạ lẫm ấy, cảm giác quen thuộc vẫn âm ỷ như những đốm lửa âm thầm cháy dưới đống tro tàn.

Tôi thấy người thanh niên tóc đen ấy. Anh vẫn trầm ngâm, suy tư và lạnh lẽo, nhưng lại không mang dáng vẻ của một người khiếm thị.

Trong giấc mơ này, anh là người bình thường – người mang đôi mắt sáng và đẹp hơn bất cứ đôi mắt nào tôi từng thấy trên cuộc đời.

Anh đứng tựa hờ vào dãy hàng rào trắng phau quây quanh bãi cỏ ướt đẫm sương, thản nhiên hút thuốc. Khói thuốc xám bạc bao lấy cơ thể anh, vần vũ. Đôi mắt màu tàn tro thi thoảng lại dõi ánh nhìn theo những đám mây trắng đang uể oải trôi trên đầu.

Khoảnh khắc đôi mắt sâu thăm thẳm đó hướng thẳng về mình, tôi có cảm giác diễn biến đó đã nằm sẵn trong tiềm thức tự khi nào.

"Ở trong tu viện cho phép trốn học sao? Trốn học rồi, nghĩ đọc kinh sẽ rửa được tội đấy à, nhóc?"

Nhóc?

Anh đang gọi tôi đấy sao?

Anh thong dong tiến tới, băng qua bãi cỏ xanh rì, dáng người anh thật cao. Và giờ khắc khi anh cúi người, bờ vai rộng choán trọn tầm nhìn hạn hẹp từ mắt tôi, bàn tay anh chạm tới bàn tay tôi, tôi nghe thứ cảm giác không tên nào đó bất thần vỡ oà từ bên ngực trái của chính mình.

Hơi ấm nơi bàn tay anh, hình như... tôi đã khao khát từ rất lâu, rất lâu về trước. Tôi có cảm giác niềm mong ước mãnh liệt ấy bắt nguồn từ trước khi tôi gặp anh, trước cả khi trí não tôi tiếp nhận sự xuất hiện của anh trong cuộc đời.

Tôi chớp mắt, ngây ngẩn trước suy nghĩ đó, ngẩng mặt lên liền bắt gặp nụ cười của anh.

"Nhóc mấy tuổi mà gọi tôi là chú?"

"Lần sau gặp lại, gọi tôi là 'anh'..."

----

Một thời gian khá dài sau đó, người con trai ấy không xuất hiện nữa. Dù không khỏi cảm thấy lao đao và hụt hẫng, tôi cũng phải cố gạt bỏ nỗi niềm suy tư về anh để tập trung vào dự định sắp tới của bản thân. Suy cho cùng, đến tên của người đó tôi còn không biết. Đối với tôi, sự tồn tại của anh có lẽ chỉ như một đám mây vắt ngang qua bầu trời vào một ngày quang đãng. Và, sớm thôi, tôi sẽ quên mất anh, như cái cách tôi quên đi hầu hết những người đi qua đời mình.

Thế nhưng tôi đã lầm. Suy nghĩ về anh không ngừng chảy trôi trong tiềm thức, hệt như một nỗi ám ảnh càn quấy tâm can tôi không phút nào buông tha. Bao lần dặn lòng phải gạt anh khỏi tâm trí là ngần ấy lần tôi thất bại thảm hại. Dẫu vậy, đi tìm anh là điều tôi không dám nghĩ tới. Tôi có là ai, là cái gì mà được quyền làm thế, trong khi đến cả sự tồn tại của tôi anh cũng không hề hay biết.

Mẹ ủng hộ tôi chọn trường cao trung thuộc đại học Hoa Thành bởi tỉ lệ đỗ đại học Hoa Thành sẽ cao hơn khi theo học ở đây từ cấp ba, nhưng điều đó đồng nghĩa với việc mẹ con tôi phải rời bỏ Thiên Tân để tới Bắc Kinh sinh sống. Mẹ sẽ phải xoay sở tìm một công việc khác nơi thị thành khắc nghiệt, chưa kể chi phí sinh hoạt ở Bắc Kinh vô cùng đắt đỏ, nghe đồn ít nhất cũng phải gấp đôi Thiên Tân.

"Như thế thì mẹ sẽ vất vả lắm..." Tôi cự cãi yếu ớt khi tranh luận với mẹ về vấn đề này.

"Vất vả cái con khỉ! Ranh con, con coi thường mẹ con đấy à? Mẹ mà lại sợ vất vả?" Mẹ cầm cái muôi gỗ trong tay dí về phía tôi hằm hè. "Cả cái đất nước tỉ rưỡi dân này có mấy người được Hoa Thành mời đến học chứ? Lại còn đài thọ 100% học phí. Bỏ qua cơ hội này thì ngu quá, không xứng với cái danh con trai Vĩ Kỳ thông minh số một đại lục của mẹ!"

"Mẹ lại tâng bốc con trai của mẹ nữa rồi!" Tôi cười, gạt cái muôi của mẹ sang một bên để tiến lại gần bà. Khi dùng thủ ngữ nói chuyện với bà, tôi nhận ra, mình từ khi nào đã nhổ giò cao hơn mẹ rồi, và việc mẹ phải quỳ một chân xuống để đối thoại với tôi, thấm thoắt đã là chuyện từ gần mười năm trước.

"Mẹ chắc là chúng ta sẽ ổn chứ, mẹ?"

"Chắc!" Mẹ xoay lưng về phía tôi, cắm cúi ngoáy ngoáy nồi cà ri trên bếp. "Hôm trước Cha xứ cũng gọi điện cho mẹ, nói là có thể trích quỹ khuyến học của tu viện ra để trợ giúp chúng ta một khoản nhỏ. Sau này, khi nào con thành công rồi, quay lại trả ơn cho tu viện cũng chưa muộn."

"Quỹ khuyến học của tu viện ấy ạ?" Tôi cau mày. "Con học ở đó suốt 9 năm trời chưa từng nghe nói nhà thờ Thiên Tân có thứ đó. Riêng việc miễn phí tiền học cho lũ trẻ con ở cô nhi viện đã khiến cho nhà thờ đủ lao đao rồi, tiền đâu mà lập quỹ khuyến học nữa hả mẹ?"

"Nghe nói đại thiếu gia con nhà tài phiệt nào đó ở Bắc Kinh vừa vung tay làm từ thiện rất hào phóng. Hiện tại tu viện không những có quỹ khuyến học, mà sắp tới còn có thể tu sửa lại cả khuôn viên nữa đấy con ạ!"

Mẹ cười. "Vĩ Kỳ của mẹ sau này cũng phải trở thành một người giàu có tốt bụng như thế, mang tiền con kiếm được rắc xuống cho toàn nhân loại con nhé!"

Tôi không nhịn được cười trước lời đùa trêu của mẹ. Chẳng rõ vì sao hình ảnh người con trai tóc đen kia chợt vọng về trong tâm trí.

----

Bắc Kinh rộng lớn hơn nhiều so với tưởng tượng của tôi. Xe cộ, người và khói bụi khiến tôi không mấy thoải mái. Dẫu vậy, cao trung Hoa Thành quả nhiên không hổ danh là trường cấp ba trực thuộc đại học top đầu đại lục, những lời hoa mỹ mà nó vẫn nhận về hoàn toàn không phải là cường điệu hoá.

Cô hiệu trưởng tiếp tôi bằng một thái độ niềm nở và gần gũi, cùng với một người phiên dịch có khả năng dùng thủ ngữ rất tốt. Cô nhấn mạnh rằng tôi là một người đặc biệt, bởi không phải học sinh lớp 9 nào được giải quốc gia và được miễn thi cao trung trên toàn quốc cũng nhận được học bổng toàn phần từ Hoa Thành. Sự sàng lọc kỹ càng này phải trải qua rất nhiều tiêu chí, và tôi là nam sinh duy nhất đủ điều kiện nhận học bổng của niên khoá ấy.

Hai chữ "đặc biệt" mà cô dùng đem đến cho tôi nhiều xúc cảm lẫn lộn. Tôi không rõ sự đặc biệt ấy xuất phát từ việc mình ẵm nhiều giải quốc gia hơn tất cả những kẻ khác gộp lại, hay do sự thật rằng tôi là một người mang trên mình khiếm khuyết không cách nào chối bỏ. Tôi đoán là cả hai.

Dường như đọc thấu được tâm tư không thoải mái từ tôi, cô thêm vào. "An Vĩ Kỳ, cô biết việc theo học ở một trường không chuyên biệt sẽ đem đến cho em nhiều khó khăn nhất định khi bạn bè và thầy cô xung quanh không hoàn toàn hiểu được em, nhưng cô nghĩ một người thông minh xuất chúng như em sẽ có cách để hoà nhập đúng không nào? Chưa kể, học sinh ở Hoa Thành hầu hết đều là người ưu nhã, có xuất thân danh giá và được giáo dục cẩn thận, học ở đây em sẽ không gặp phải những chuyện khó xử, điều này cô có thể đảm bảo với em."

"Em không phải là người khuyết tật duy nhất theo học ở Hoa Thành, em không cô độc đâu, An Vĩ Kỳ."

Tôi mở to mắt, hơi ngỡ ngàng trước điều cô nói. Thấy được sự dao động trên biểu hiện của tôi, cô hiệu trưởng lập tức tiếp lời, đôi mắt cô lấp lánh. "Hoa Thành hiện tại cũng có một học sinh đặc biệt khác. Nam sinh này tên là Vạn Lãnh, cậu ấy là người khiếm thị, năm nay sẽ lên lớp 12."

"Hôm nay cô đã sắp xếp để cậu ấy tới đây nói chuyện với em một chút. Hai em cũng có thể coi là có điểm tương đồng, cô nghĩ Vạn Lãnh sẽ giúp em hoà nhập với Hoa Thành dễ dàng hơn. Em có điều gì thắc mắc đều có thể hỏi cậu ấy, đừng ngại gì cả."

Lời vừa dứt, ngoài cửa liền có động. Tôi biết được điều này vì ánh mắt cô hiệu trưởng đột ngột rời khỏi tôi mà hướng về phía đó.

"Ồ, vừa nhắc tới Tào Tháo, Tào Tháo liền tới." Cô hiệu trưởng mỉm cười, đứng dậy ra tận nơi mở cửa cho nam sinh vừa đến. Tôi cũng theo phép tắc mà đứng dậy khỏi ghế, muốn chào hỏi cho lịch sự.

Chiếc gậy Hoover vừa xuất hiện trong tầm mắt, tôi đã lập tức nhận ra người thanh niên tóc đen ấy.

Anh vận trên người chiếc áo sơ mi trắng đồng phục có biểu tượng Hoa Thành màu xám đậm thêu tay trên ngực trái, cùng quần âu ống đứng đồng màu với logo. Cơ thể cao lớn tuấn kiệt kết hợp với bộ đồ đơn giản nhưng cao cấp, tạo nên một cảm giác tinh tế thanh nhã vô cùng.

Hiện tại tôi mới nhận ra, đây đồng thời cũng là trang phục anh mặc lần đầu tiên xuất hiện trong thư viện nhà thờ Thiên Tân. Chắc hẳn chiều hôm ấy anh đã trốn học chạy từ Bắc Kinh đến Thiên Tân. Tôi thầm nghĩ, rồi tự cảm thấy buồn cười bởi kết luận của chính mình.

Người con trai ấy chậm rãi tiến đến bên bàn hiệu trưởng, nương theo sự trợ giúp của người phụ tá mà tìm đến và đứng đối diện tôi. Khi không cần dùng đến nữa, chiếc gậy Hoover được anh gập gọn, nắm chắc trong lòng bàn tay.

Khuôn mặt anh quan sát từ khoảng cách gần còn đẹp hơn tôi nghĩ. Khuôn mày, rèm mi, sống mũi, làn môi, tất thảy đều hoàn mỹ, và cả nước da sáng khoẻ... Mọi đường nét đều như được đo đạc kỹ càng và khắc tạc bởi một tay thợ tài hoa xuất chúng.

Ánh mắt anh vẫn vậy, tịch mịch, lạnh giá và mang đầy sầu ưu.

"An Vĩ Kỳ, đây là Vạn Lãnh, đàn anh học trên em hai khoá. Vạn Lãnh, đây là An Vĩ Kỳ, cô đã kể về cậu ấy với em rồi."

Bàn tay cô hiệu trưởng chạm nhẹ đến cánh tay tôi, thành công xua đi vẻ ngây ngẩn tê dại của tôi. Tôi sượng sùng bặm môi, gật nhẹ đầu chào hỏi như thể cho rằng anh nhìn thấy, rồi nhanh chóng rời mắt khỏi anh, một lần nữa tự hỏi, không biết anh có nhận thức được vẻ đẹp của chính mình hay không, và không biết đã có bao nhiêu người bị anh vô tình câu mất cả linh hồn chỉ bởi một lần gặp gỡ.

... như tôi?

Vạn Lãnh nâng khoé miệng cười, đồng thời đưa bàn tay anh về phía tôi. Động thái này khiến tôi thoắt ngây người.

Tình tiết này chẳng phải rất giống trong giấc mơ kia sao?

"Chào cậu, An Vĩ Kỳ. Tôi biết cậu không tiện cất lời chào hỏi, nên chúng ta hãy chào nhau như thế này vậy nhé!"

Môi anh mấp máy, và khi đọc khẩu hình của anh, tôi không thể ngăn bản thân mình nghĩ rằng làn môi anh thật đẹp khi nó chuyển động.

Tôi chớp mắt, đưa tay mình nắm lấy tay anh. Khoảnh khắc khi làn da chúng tôi chạm đến nhau, tôi dường như có thể trông thấy một lần nữa, người con trai vận y phục đen tuyền đứng tựa lưng bên dãy cọc hàng rào trắng phau mà hút thuốc, và những thước hình chớp tắt đột ngột ập đến, loang loáng vụt qua đầu tôi như một luồng điện.

Tôi thấy một khung cửa kính lớn với những cánh hoa anh đào phớt hồng bay lả tả. Một ráng chiều rực nắng. Ánh mắt đau đớn của anh. Nước mắt. Và thứ gì đó đỏ tươi như máu.

Tôi hốt hoảng rụt tay mình khỏi anh như phải bỏng, huyết mạch toàn thân căng cứng, cũng có cảm giác sắp đứt phựt toàn bộ. Một cơn đau bùng phát từ bên ngực trái, hệt như một quả bom vừa bị kích nổ. Vây hãm toàn bộ tâm trí lúc ấy là thứ xúc cảm mà chính tôi cũng không cách nào gọi nổi tên.

Tôi bất lực trong thứ giác cảm mạnh mẽ tột cùng mà lại hoàn toàn vô danh ấy. Cũng giống như bao người khác, tôi luôn sợ hãi trước những điều không thể tự mình lý giải hay định đoạt.

Choáng ngợp bởi cơn hoảng loạn bất chợt ấy, tôi thở hổn hển, đầu óc quay cuồng. Cơ thể tôi mất lực loạng choạng, phải bấu một tay vào cạnh bàn. Bàn tay hữu lực của người kia trong phút chốc đưa đến, mang theo hơi ấm vẹn nguyên như trong giấc mơ đêm hôm nào mà siết lấy cánh tay tôi.

"An Vĩ Kỳ..."

Anh gọi tên tôi. Khuôn mặt anh căng thẳng và khẩn thiết.

"Cậu biết tôi, phải không?"

"Chúng ta... đã gặp nhau rồi..."

"Phải không?"

----

(*) Thủ ngữ: hay còn gọi là ngôn ngữ tay, ngôn ngữ ký hiệu, là dạng ngôn ngữ chuyên dụng của người khiếm thính và người câm.

(*) Gậy Hoover: gậy dành cho người khiếm thị.

Đồng Đồng: Không biết mọi người có hứng thú với chuyện tiền kiếp – hậu kiếp không, chứ tôi thì khá thích motif này. Thực ra khi viết về cặp Trình Dịch, tôi đã phải động não khá nhiều, bởi để cho cả hai có một kết cục viên mãn khi mà một người đã qua đời là chuyện không thể. Viết thế nào cho hợp lý lại là một câu hỏi khó.

Thôi thì, các readers của Đồng đọc tạm, có gì vô lý hay khiên cưỡng thì bỏ quá cho tôi nhen!

Mùa Covid đã quay lại, mong tất cả chúng ta an bình và mạnh khoẻ. Hãy bảo vệ bản thân thật tốt nhé!

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenFun.Vip