Chuyen Truong Buoi Phan 4

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng
[...]

*
* *​


Trong mấy kỳ thi ở Trường Bưởi, có những việc xảy ra chứng tỏ học sinh có nhiều người giỏi văn và giỏi toán.

1. Thi thành chung Pháp Việt. Năm 1918, trong kỳ vấn đáp về toán, có một thí sinh Trường Bưởi trả lời câu hỏi về đại số làm cho một Giám khảo phải ngạc nhiên, Giám khảo này là một Kỹ sư cầu đường (8) ở sở Công chính Hà Nội. Ông ta ra một bài toán khó có ý "trù" thí sinh. Anh này liền giải đáp đầy một bảng. Giám khảo nói: "Tốt đấy, nhưng anh không phải học sinh Trường Bảo hộ. Anh chắc là sinh viên Trường Công chính. Anh thú nhận ngay đi, tôi sẽ tha". Thí sinh phản kháng. Giám khảo đi tìm Hiệu trưởng (lúc ấy là Đôn-na-điơ - Donnadieu). Hiệu trưởng cho gọi Giáo sư toán của nhà trường (ông Côt-ten). Cả ba người cùng đến phòng thi. Giáo sư toán nom thấy thí sinh, nói ngay: "Không lấy gì làm lạ, anh học trò của tôi đây có thế làm hơn thế".

Lại một lần, trong kỳ thi, có đầu bài luận Pháp văn hỏi: "Thế nào là một quyển sách tốt?". (Qu’est ce qu’un bon livre?). Một thí sinh làm bài có nửa giờ, nộp bài có một trang. Bạn hỏi sao ngắn thế? Anh trả lời: loại bài này cần gì phải nói dài. Chỉ mấy câu là đủ ý. Đến khi chấm, Giám khảo cho zéro (số không) không phải vì dở quá mà vì hay quá. Giám khảo cho là thí sinh "cóp" trong sách, hoặc thuộc lòng mà "tuôn" cả ra. Hiệu trưởng biết chuyện, cho gọi Giáo sư dạy Pháp văn đến hỏi. Giáo sư xem bài và hỏi tên, lại cũng trả lời: “Không lấy gì làm lạ! Hắn có thể viết hay hơn thế này”.

Lại một lần nữa thi luận quốc văn (9). Đầu bài là "Giả sử có một ông tiên, cho anh một cái gậy, được ước ba điều thì anh ước những gì”. Có anh thí sinh chỉ viết một trang. Nhập đề, anh chê ngay đầu bài vớ vẩn, có ý giăng cái bẫy để thử lòng học sinh. Rồi anh nói chỉ ước có một điều là quả đất vỡ tan cho chết hết bọn cướp nước, cho mọi sự đau khổ trên đời đều hết cả. Văn anh viết sâu sắc, cảm động và kín đáo. Giám khảo Việt văn có bốn người, hai Tây (một già một trẻ), một ông giáo học và một cụ giáo nho (người ta nói là cụ giáo Đan, một nhà nho có tư chất, dạy chữ Hán ở Trường Bưởi). Cụ Đan kể lại: Lúc chấm đến bài này thì Giám khảo trẻ rất tức giận, chực đưa bài lên cho Chủ khảo xem để trừng phạt thí sinh. Giám khảo già bình tĩnh hơn, hỏi ý cụ Đan. Cụ nói: đây là một thí sinh dốt không biết làm bài, nói vẩn vơ, chả có ý nghĩa gì. Nếu bây giờ cho là quan trọng mà đem làm ầm lên, mọi người cùng biết, không có lợi. Giám khảo già đồng ý và bảo anh trẻ: "Thôi, cho nó con 1 để nó "phăng teo” đi”. Nhưng thí sinh này vẫn đỗ, vì anh thừa nhiều điểm về toán và Pháp văn. Hai môn này hệ số 3. Môn Việt văn chỉ có hệ số 1. Anh em hỏi tên thí sinh, cụ nói: "Bài đã rọc phách, không biêt tên, nhưng giọng văn này quen lắm, nhiều lần đã được nghe đọc trong lớp. Đây cũng là nhà văn ái quốc chớm nở. Tương lai anh chắc sẽ vẻ vang. Vì vậy, lúc chấm bài, tôi nói gièm đi với Giám khảo Tây để họ khỏi để ý làm hại anh".

2. Thi bằng cấp của Pháp. Năm 1919 (10) chính quyền thực dân cho học sinh ta đi thi với các học sinh Tây ở các kỳ thi Sơ đẳng và Cao đẳng tiểu học Pháp (Brevet élémentaire et Brevet primaire supérieur français). Chương trình học cũng tương đương với chương trình Trường Bưởi, nhưng bằng Sơ đẳng thì nặng về Pháp văn và bằng Cao đẳng tiểu học nặng về toán. Muốn thi đỗ cả hai bằng phải giỏi cả hai môn này. Hồi ấy chưa mở kỳ thi Tú tài Tây (baccalauréat métropolitain) cho học sinh các trường ta. Mãi đến năm 1922 mới mở Ban Tú tài, nhưng lại mở Tú tài bản xứ (bac. local). Chương trình nặng hơn Tú tài Tây vì phải học cả khoa học tự nhiên (sciences) và khoa học xã hội (lettres).

Chính quyền thực dân lúc ấy cho học sinh ta đi thi các bằng dành riêng cho học trò Tây là có ý phình phờ "mở rộng đường tiến thủ cho thanh niên Việt Nam ".

Năm ấy, Trường Bưởi chọn trong các lớp đệ tứ, lấy mười học sinh giỏi cho đi thi cả hai bằng. Mười anh đỗ cả. Vài tuần sau lại thi luôn bằng Thành chung (Diplôme d’études complémentaires) họ lại đỗ nốt. Các bạn học rất hả hê thấy anh em đã đỗ bằng của Tây và có chút tự hào là học sinh ta "không kém gì chúng nó". Các bạn gọi đùa các anh vừa đỗ đó là "anh ba bằng". Hai bằng xách hai tay, một bằng cắm ở miệng. Việc anh em thi đỗ chả có gì là lạ. Cái đáng kể là những chuyện xảy ra lúc đi thi với con Tây.

Các anh em vào thi bận quần áo ta, đội mũ đi guốc, y phục thường xuyên của học trò Trường Bưởi. Bọn con Tây chỉ trỏ cười với nhau. Có đứa bảo nhau: "Lại đây mà xem "mọi con" (petit Negre) đi thi". Chúng rất đông, còn thí sinh chúng tôi vẻn vẹn chỉ có 10 nguời. Anh em bảo nhau có thái độ, cử chỉ chững chạc, đứng đắn, không khiêu khích mà cũng không rụt rè, nhất là không tự ti. Lúc vào buồng thi, các vị Giám khảo để chúng tôi ngồi riêng ở mấy bàn cuối lớp. Họ đọc chính tả rất khó nghe. Môn chính tả lại là môn "thi loại" nghĩa là bị năm lỗi là phải loại ngay. Các bài khác dù tốt mấy cũng không được chấm.

Lúc vào kỳ thi vấn đáp, thí sinh phải hát ba bài do giáo sư nhạc chỉ định trước. Lúc chúng tôi mới cất tiếng hát thì đám thí sinh Tây đều cười ồ, chế giễu đủ cách. Anh em cứ hát. Hát thật to, át cả tiếng cười của chúng. Nhưng chúng tôi hát dở quá, nhạc sai hết nốt lại đúng là giọng nhà quê. Giám khảo lúc ấy là Bai-vi (Baivi). Giáo sư nhạc nổi tiếng, cũng phải mỉm cười, nhưng cũng ôn tồn hỏi: "Anh muốn tôi cho mấy điểm?". Thí sinh trả lời: "Chúng tôi chỉ cần nửa điểm thôi". Giám khảo ngạc nhiên hỏi: "Sao vậy?".

- Vì bài nhạc này, chúng tôi được nửa điểm cũng đỗ.

Giám khảo có vẻ phật ý, nhưng vẫn ôn tồn nói: "Sự cố gắng, can đảm của các anh cũng đáng 5 điểm" (trên 20).

Lúc vào kỳ vấn đáp toán, những cô đầm vừa cười chúng tôi lúc trước, không làm được bài. Có đứa đứng trước bảng khóc hu hu. Chúng tôi không cười mà lại nhắc hộ mấy chỗ khó. Chúng làm được lại toét miệng cười ngay. Chúng đến gần chúng tôi tỏ ý cảm ơn. Có nàng hỏi: "Tại sao các anh lại nhắc hộ chúng tôi? Sáng hôm nay các anh hát sai, chúng tôi cười nhiều - cũng là cười đùa vô tội thôi. Bây giờ chúng tôi không làm được bài, sao các anh không cười trả thù nữa mà lại nhắc hộ?” Một anh trả lời: "Thưa các cô, người An-na-mít (11) chúng tôi vẫn thế”. Nàng ta tiu nghĩu về chỗ.

Khoa thi ấy chúng tôi thừa điểm nhiều, có anh được ưu hạng. Có mấy anh đỗ bằng Sơ đẳng Pháp định xin đi dạy học vì có bằng này lương cao. Sơ bộ 60đ (bạc Đông Dương). Bằng Thành chung (Diplôme) chỉ được 25đ một tháng.

3. Dự cuộc thi thơ. Năm 1916, rạp hát Xán nhiên đài một nhà hát ta lớn nhất Hà Nội mới được xây dựng. Ban quản trị mở cuộc thi thơ cổ động rầm rộ. Một anh học sinh năm thứ hai gửi một bài thơ dự thi. Chừng một tháng sau anh nhận được giấy mời đến nhận thưởng, vì thơ anh trúng cách thứ 8 trong 20 giải thưởng. Các bạn học vui mừng giục anh ra nhận. Anh xin phép Hiệu trưởng rồi chỉnh tề quần áo ra đi. Đến cổng truờng anh gặp viên quản Măng-đừ-rông; y hỏi đi đâu. Anh đưa giấy phép cho xem. Y xé ngay giấy phép vứt xuống đất một cách rất tàn nhẫn. Chắc y tức vì anh không xin phép y mà lại xin phép Hiệu trưởng. Các bạn thấy thế tức lắm, chực đến chất vấn Măng, nhưng Măng đã lộp cộp đi lên gác. Các hạn bèn bàn mưu để anh ra: một là vào phòng giấy Hiệu trưởng vận động ông Thư ký xin cho anh giấy phép khác. Hai là, nếu không xin được giấy thì đến tối sẽ công kênh anh vượt qua hàng rào, nơi mà các bạn vẫn ra vào bí mật. Nhưng may sao lại xin được giấy khác. Các bạn đứng canh viên quản Măng cho anh an toàn ra khỏi cổng. Thế là yên chuyện.

Sáng hôm sau anh trở vào trường, mang vào một gói phần thưởng, có một cái bút lông quấn chỉ ngũ sắc và kim tuyến, một tập giấy hoa tiên, hai bao chè tàu và năm gói thuốc lá. Tất cả bỏ trong một vuông nhiễu điều. Thật là một phần thưởng tao nhã cho nhà thơ. Nhưng có mấy bạn nói: "Chúng tao tưởng có bánh kẹo gì, chứ bút lông với hoa tiên thì chúng tao không nhá được. Thôi, để cho mày là nhà thơ. Nhà thơ quen ngậm bút và nhá giấy. Chúng tao lấy chè tàu thuốc lá để tối nay khao cả buồng". Mọi ngươi cười vui vẻ. Nhà thơ cũng vui vẻ kể lại chuyện:

- Lúc tôi đến rạp hát, đưa giấy cho người Giám thị xem, anh ta nhìn tôi và hỏi: "Cậu đi lĩnh thưởng cho ông cụ hay là cho anh cả?” Tôi trả lời: "Tôi lĩnh cho tôi chứ". Anh ta có vẻ ngạc nhiên, vì trông tôi còn non trẻ quá, đứng chỉ mới đến vai anh ta. Nhưng anh ta cũng lễ phép đưa tôi lên gác. Một cái gác trước sân khấu có kết lá, cài hoa, treo đèn lồng sang trọng lắm. Tôi ngó vào hàng ghế đầu, thấy nhiều ông râu dài. Có ông đầu đã trắng xóa. Khi nghe nói tôi được trúng thuởng, mọi người cùng nhìn tôi đăm đăm. Một người chỉ cho tôi cái ghế cuối cùng. Tôi ngồi một mình có vẻ ngượng nghịu.

Trên sân khấu đương diễn vở Trương Viên, một vở chèo cổ hay có tiếng. Trương Viên là một anh học trò hay chữ, nhưng rất nghèo, muốn lấy con quan Thừa tướng. Cốt chuyện là trung hiếu tiết nghĩa thuở xưa. Nhưng chuyện dẫn dắt khá cảm động. Lúc tôi đến thì Trương Viên đương bị quan Thừa tướng ra câu đối thử tài:

Tổ tích đức, tôn tích đức, tổ tôn bồi tích đức chi cơ.

Trương viên đối ngay rằng:

Phụ đăng khoa, tử đăng khoa, phụ tử kế đăng khoa chi nghiệp.

Khán giả vỗ tay khen tài.

Tôi thì không thích câu đối ấy, nhưng rất thích câu hát của Thị Phương, vợ Trương Viên và những lời răn con của bà Trương Mẫu. Đa số khán giả phụ nữ nghe bài hát và những lời than này, khóc lướt mướt. Có bà nức nở quá phải đứng dậy đi ra sân.

Sau buổi diễn thì phát thưởng thi thơ. Tôi cố bước đi thật ung dung lại nhận thuởng. Người ta lại nhìn tôi như nhìn một vật lạ. Có ông hỏi tôi ở đâu? Tôi nói là học trò Trường Bưởi. Nhiều cụ tỏ lời khen "À", hơi có vẻ âu yếm, vì học trò Trường Bưởi có tiếng học giỏi và được nhiều người nể.

[...]
______

(8) Ingénieur des ponts et chaussées, tên là Bec-gơ (Bergue), Hiệu trưởng Trường Công chính_Ecole supérieuse des Travaux publics (NC).

(9) Chương trình học ở Trường Bưởi không có môn luận và giảng Việt văn, chỉ có văn dịch như trên đã nói. Nhưng lúc thi tốt nghiệp lại có luận Việt văn. Đầu bài ra bằng tiếng Pháp. Thật là kỳ lạ! (NC).

(10) Có một số anh em học khóa 1914-1918 dự vào cuộc bãi khóa năm 1916-1917 bị đuổi tạm thời, hoặc bỏ về nhà không được thi ra năm 1918, phải học "đúp" năm 1918-1919 nên những việc các anh làm, chúng tôi cũng kể như thuộc khóa 1917-1918. (NC).

(11) Annamite: Nguời An Nam.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenFun.Vip