- Phép tắc 2: BỀN BỈ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng
Khi sói săn mồi, chúng thường gặp sự chống trả quyết liệt của con mồi. Một số con mồi to lớn đôi lúc còn đe dọa đến tính mạng của loài sói. Nhưng chỉ cần loài sói đã định ra mục tiêu, thì dù phải chạy xa đến mấy, dù phải tốn bao nhiêu thời gian và phải mạo hiểm đến đâu, chúng cũng không từ bỏ, chưa bắt được con mồi sẽ chưa dừng lại.

Bền bỉ chính là yếu tố thành công của sói.

Thời Xuân Thu Chiến Quốc, một người cha và con trai của ông xuất chinh chiến đấu. Người cha đã là tướng quân, còn người con trai vẫn chỉ là lính hầu. Lại một hồi kèn lệnh vang lên, khi tiếng trống trận rền vang, người cha nghiêm trang cầm một túi đựng tên, bên trong chỉ cắm một mũi tên. Người cha trịnh trọng nói với đứa con: "Đây là ngọc tiễn gia truyền, đeo nó ở bên mình sẽ có sức mạnh vô cùng nhưng con tuyệt đối không được rút nó ra".

Đó là một cái túi đựng tên rất đẹp, được làm từ da bò, bên mép có khảm đồng ánh lên sắc đen. Kế đến là phần đuôi của mũi tên lộ ra ngoài. Nhìn thoáng qua là đã biết nó được làm từ lông chim công. Niềm vui ánh lên trong khóe mắt của người con. Anh tưởng tượng ra hình dạng thân mũi tên, đầu mũi tên, dường như bên tai có tiếng tên bay vun vút. Có lẽ, tướng soái của quân địch đã chết vì nghe thấy âm thanh này.

Quả nhiên, khi đeo ngọc tiễn vào, người con đã trở nên anh dũng phi thường. Khi tiếng tù và gọi thu binh, người con vẫn không kìm nén được sự háo thắng. Anh hoàn toàn quên mất lời dặn của cha, ham muốn mạnh mẽ thúc đẩy anh ta rút ngọc tiễn ra để thử xem hiệu quả thế nào. Anh ta chợt sững người - chỉ là một mũi tên gãy.

"Ta đánh trận với một mũi tên gãy ư?" Người con kinh hãi đến mức toát mồ hôi lạnh, ý chí của anh ta bỗng chốc sụp đổ như ngôi nhà bị mất đi trụ chống đỡ. Kết quả hiển nhiên là người con chết thảm trong loạn quân.

Câu chuyện này nói với chúng ta rằng: phải rèn luyện ý chí của mình trở nên dẻo dai như mũi tên, thì chúng ta mới có thể "thiện xạ như thần", "bách phát bách trúng" trong sự nghiệp và trong cuộc sống. Hủy diệt hay cứu sống nó đều do bản thân chúng ta. Hủy diệt hay sinh tồn? Quyền chọn lựa ở trong tay chúng ta. Sói đã lựa chọn sự dẻo dai, chúng luôn hướng về mục tiêu đã định và dũng cảm tiến bước, vì chúng hiểu rằng: Sự sống của chúng mỗi ngày đều phải tiếp nhận những thử thách. Nếu chúng bền bỉ, dũng cảm tiến bước, đón nhận khiêu chiến thì chúng nhất định sẽ thành công.

Tinh Vệ là con gái của Viêm Đế. Trong một lần du thuyền trên biển, nàng bị chết đuối do sóng to gió lớn làm đắm thuyền. Sau khi chết, Tinh Vệ hóa thành một con chim tên là Tinh Vệ, hình dạng giống như con quạ, đầu có hoa văn, mỏ trắng, chân đỏ. Nó căm hận biển cả đã cướp đi tuổi thanh xuân của mình nên ngậm cây và đã từ núi phía tây đến, thề quyết san bằng biển đông, để nó không còn làm mưa làm gió hại người nữa.

Đào Uyên Minh, nhà thơ đời Tấn, từng viết trong "Độc sơn hải kinh" rằng: "Tinh Vệ hàm vi mộc, tiên dĩ điền thương hải. Hình thiên vũ can thích, mãnh chí cố thường tại". Ông đã đưa chim Tinh Vệ nhỏ bé sánh ngang hàng với những người có chí lớn đỉnh thiên lập địa, một nét đẹp bi tráng làm rung động lòng người hàng ngàn năm nay. Biển cả đương nhiên là to lớn, nhưng phẩm cách bền bỉ của chim Tinh Vệ còn vĩ đại hơn.

Người xưa viết rằng: từ xưa đến nay người thành đại sự không phải chỉ có tài năng siêu phàm, mà còn cần phải có ý chí bền bỉ. Chúng ta cần phải bền bỉ, nhưng phải phân biệt với cứng nhắc. Bền bỉ giống như một con sói tìm mồi nơi hoang dã, giống như cỏ dại đón gió xuân, còn cứng nhắc thì giống như đá hoa cương. Trước bãi bùn đất đen kịt, những hạt cỏ dại sẽ không oán trách, không từ bỏ, mà đem toàn bộ hy vọng gởi gắm vào trong đất. Nó trân trọng từng chút ánh sáng mặt trời, trân trọng từng hạt mưa, thậm chí còn trân trọng mỗi một làn gió mát. Nó đón nắng, mưa, gió, sương, tuyết, cuối cùng nó đã vươn cành tỏa ra màu xanh của sự sống.

Con người cũng giống như cây cỏ. Trong cuộc đời, nhiều mâu thuẫn, đau khổ, gian nan đan xen vào nhau, khắp nơi đều là vực thẳm. Chúng ta phải giống như loài cỏ dại vô danh, nảy ra những mầm non dẻo dai, làm cho nó đạt đến mức độ không thể bị hủy diệt. Cho dù là phải chịu đựng nhiều gian nan, bạn vẫn phải đeo đuổi lý tưởng bằng ý chí kiên cường và tinh thần bền bỉ, để từng bước tiến đến thành công.

Con sói săn mồi nơi hoang dã luôn dũng cảm tiến bước dù gặp bất cứ khó khăn nào và một người có ý chí bền bỉ cũng phải khai thông tư tưởng, bất khuất, biết kiềm chế, làm việc linh hoạt. Chúng ta hãy tin mình là một con sói bền bỉ có thể sinh tồn ở bất cứ hoàn cảnh nào. Trong bất cứ khó khăn nào, bạn nên nhớ rằng "không được dễ dàng buông xuôi!"

Tăng Quốc Phiên là một trong những người có ảnh hưởng nhất trong lịch sử Trung Quốc cận đại, nhưng thuở nhỏ, tư chất của ông lại không được tốt. Một hôm, ông đang ở nhà đọc sách, ông đã đọc đi đọc lại một bài văn không biết bao nhiêu lần, nhưng vẫn tiếp tục đọc, vì ông vẫn chưa thuộc lòng. Lúc này, một tên trộm đã lẻn vào nhà ông và đang nấp dưới mái hiên. Hắn chờ cho người đọc sách ngủ say rồi sẽ vào nhà vơ vét. Nhưng hắn cứ chờ mãi mà vẫn thấy ông ta đọc đi đọc lại bài văn đó. Tên trộm nổi giận, nhảy vào nói: "Dốt thế này thì đọc sách cái nỗi gì?" Sau đó, tên trộm đọc thuộc lòng bài văn đó một lượt, rồi nghênh ngang bỏ đi.

Tên trộm là người rất thông minh, chí ít cũng thông minh hơn Tăng Quốc Phiên, nhưng hắn chỉ có thể làm một tên trộm còn Tăng Quốc Phiên thì trở thành người đến cả Mao Trạch Đông cũng phải khâm phục. Trí nhớ của tên trộm đó khá tốt, chỉ cần nghe qua vài lần là đã thuộc lòng. Hơn nữa, hắn cũng rất dũng cảm, thấy người khác chưa ngủ mà dám nổi giận xông ra, sau khi giáo huấn Tăng Quốc Phiên, hắn còn đọc thuộc nội dung bài văn rồi ngênh ngang bỏ đi. Nhưng điều đáng tiếc là tên của hắn không được lưu truyền sử sách; còn ý chí bền bỉ của Tăng Quốc Phiên lại giúp ông thành công, trở thành một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất trong lịch sử Trung Quốc. Khắc phục bản thân mình chính là tính bền bỉ của loài sói.

Một số người khi gặp hoàn cảnh khó khăn hoặc bế tắc, họ thường xuất hiện ý nghĩ cực đoan. Nếu nói những yếu tố dễ làm cho con người sản sinh ra ý nghĩ cực đoan là văn hóa, kinh tế, chính trị... thì khả năng chịu đựng khó khăn của mỗi người chính là yếu tố trực tiếp nhất và quan trọng nhất. Trong cùng một hoàn cảnh kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội, nhiều người sẽ có động cơ xung đột và kích động tinh thần giống nhau; nhưng rất ít trường hợp vì vậy mà sản sinh ra ý định tự sát. Hiển nhiên, điều này có liên quan đến khả năng chịu đựng của mọi người. Nếu mỗi người đều có ý chí bền bỉ, không từ bỏ như loài sói thì khi đối mặt với những trắc trở, chúng ta sẽ trở nên càng bền bỉ hơn và không suy sụp.

Bành Đoan Thục trong "Vi Học" có kể một câu chuyện như sau: tại một vùng hẻo lánh thuộc tỉnh Tứ Xuyên có hai hòa thượng một giàu, một nghèo đều muốn đi hành hương về Nam Hải. Trong mấy năm, hòa thượng giàu thường thuê thuyền đi theo đường sông để xuống thẳng Nam Hải, nhưng cuối cùng vẫn không đi đến nơi. Hòa thượng nghèo chỉ đi bộ với một cái bình đựng nước và một cái bát để xin cơm, nhưng ông đã đến được Nam Hải và trở về thành công.

Mọi người đều cho rằng hoàn cảnh khó khăn bồi dưỡng nhân tài, còn hoàn cảnh thuận lợi lại làm mai một nhân tài. Nhưng tôi lại không nghĩ như vậy. Lý luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng nói với chúng ta: nguyên nhân bên ngoài là điều kiện để thay đổi, nguyên nhân bên trong là căn cứ để thay đổi, nguyên nhân bên ngoài phát huy tác dụng nhờ vào nguyên nhân bên trong. Hoàn cảnh khó khăn và hoàn cảnh thuận lợi đều là những nguyên nhân bên ngoài, chứ không phải là nguyên nhân căn bản để thành công. Mấu chốt để thành công là ở sự phát huy tính năng động chủ quan. Hòa thượng giàu ở trong hoàn cảnh thuận lợi vẫn không đến được Nam Hải, còn hòa thượng nghèo lại đến nơi là tại sao? Nguyên nhân cơ bản chính là hòa thượng nghèo có ý chí bền bỉ, có lòng kiên định, chưa đạt được mục đích thì chưa dừng lại. Vì có ý chí và lòng tin ở trong tâm nên hòa thượng mới đến được Nam Hải. Đây cũng chính là nguồn động lực chúng ta có được khi học tập phép tắc của loài sói.

Câu chuyện của Thiết Mộc Nhĩ cũng đã chứng minh được điểm này. Ông bị kẻ thù truy lùng ráo riết, phải trốn trong một căn nhà lụp xụp, đổ nát. Trong lúc ông đang băn khoăn và trầm tư suy nghĩ, ông chợt nhìn thấy một con kiến đang cố gắng tha một hạt gạo. Con kiến làm đi làm lại đến 59 lần, mỗi lần nó đều ngã lăn ở gờ đất nhô cao, và nó luôn không vượt qua được gờ đất đó. Ô! Nhìn xem! Đến lần thứ 60, con kiến cuối cùng cũng thành công! Hành động của con kiến đã cổ vũ rất lớn cho tinh thần của vị anh hùng này, giúp ông tràn trề hy vọng đối với thắng lợi của tương lai.

Nhiều bậc hiền triết đã hiểu được ý nghĩa to lớn của cuộc đời sau khi trải qua bước ngoặt đầy đau khổ. Họ đã duy trì sự sống của mình bằng ý chí bền bỉ và viết ra những kinh điển truyền đời. Ở ngay tại bước chuyển ngoặt đó, sự bền bỉ và thẳng thắn đã làm cho nhân cách và suy nghĩ của họ kết đọng thành hương thơm lan tỏa khắp chiều dài lịch sử. Mặt khác, những trắc trở này cũng đã rèn luyện ý chí của họ càng bền bỉ hơn.

Những điều chúng ta thấy từ sự kiên trì của loài sói không chỉ có như vậy. Vương Vi Chi là một trong những nhà thư pháp kiệt xuất nhất trong lịch sử Trung Quốc. Ông được suy tôn là "Thư Thánh". Thời niên thiếu, để viết được một chữ đẹp, ông đã phải rèn luyện khắc khổ, nghiên cứu kỹ càng tư thế của cơ thể, tự sáng tạo ra phong cách riêng của mình, bền bỉ rèn luyện, luôn là tấm gương cho đời sau.

Ngoài ra, còn rất nhiều tấm gương thể hiện phép tắc bền bỉ của loài sói.

Cuối thế kỷ 19, thế kỷ của thiết bị điện như điện thoại, điện báo, đèn điện, máy hát..., đã mang đến nhiều niềm vui và tiện lợi cho cuộc sống của con người. Nhưng, những máy móc này đều phải dùng điện. Không có điện, những thứ này chỉ là một đống phế liệu, không còn giá trị sử dụng nữa. Lúc đó, thời gian sử dụng của bình ắc-quy rất ngắn. Edison đã ý thức được tầm quan trọng của việc giải quyết tuổi thọ của bình ắc-quy: nếu không kéo dài thời gian sử dụng của bình ắc-quy thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tác dụng của thiết bị điện. Edison bèn đưa việc nghiên cứu chế tạo ra bình ắc-quy mới lên lịch làm việc. Khi đã xác định mục tiêu, Edison dốc hết toàn bộ tâm huyết, vùi đầu vào trong công việc. Trong đầu ông, những chuyện khác, kể cả việc ăn uống, đi ngủ đều trở nên mờ nhạt, ông chỉ biết đến việc nghiên cứu. Một hôm, Edison đang ăn cơm ở nhà, tay đang cầm dao nĩa đột nhiên khựng lại, mặt đờ đẫn. Vợ của ông đã quen với những việc này nên biết ông đang suy nghĩ đến vấn đề bình ắc-quy, bèn ân cần hỏi: "Bình ắc-quy có tuổi thọ ngắn là tại vì đâu?"

"Bệnh bắt nguồn từ nội tạng. Muốn trị tận gốc, xem ra phải mổ xẻ nó ra, đổi khí quan cho nó."

"Chẳng phải mọi người đều cho rằng chỉ có thể dùng chì và a-xít sunfuric hay sao?", vợ ông buột miệng nói. Bà nghĩ, đối với chồng bà, câu nói này không có ý nghĩa gì cà. Chẳng phải là ông đã tạo ra rất nhiều kỳ tích từ trong rất nhiều cái "không có thể" sao? Thế là, bà vội vàng đính chính: "Trên đời này không có chuyện gì là không thể, đúng không?"

Edison bật cười vì câu nói này của vợ. "Đúng, trên đời này không có chuyện gì là không thể, mình nhất định sẽ phá được cửa ải này." Edison ngầm hạ quyết tâm.

Nhìn thì có vẻ đơn giản, nhưng khi bắt tay vào làm lại rất khó khăn. Edison và các trợ thủ của mình ngày đêm tiến hành thí nghiệm. Một mùa xuân qua đi, lại một mùa xuân nữa qua đi, sau ba năm khổ chiến, Edison đã thử dùng mấy ngàn chất liệu, thí nghiệm hơn bốn mươi ngàn lần, nhưng vẫn không thu được kết quả gì. Lúc này, đã có nhiều lời xì xào, bàn tán nhưng Edison vẫn bỏ ngoài tai. Ông luôn tràn đầy tự tin đối với nghiên cứu của mình.

Một lần, một nhà báo có ý đồ xấu xa đã hỏi Edison:

"Xin hỏi nhà phát minh đáng kính, ngài bỏ ra ba năm, thực hiện hơn bốn mươi ngàn thí nghiệm, không biết là có thu hoạch gì không?"

Edison cười đáp: "Thu hoạch à? Khá lớn đấy, chúng tôi đã biết có mấy ngàn chất liệu không thể làm bình ắc-quy."

Câu trả lời của Edison đã giành được sự tán thưởng của những người có mặt lúc đó. Nhà báo đó cũng xúc động vì ý chí bền bỉ của Edison, nên cũng đỏ mặt vỗ tay. Bằng ý chí bền bỉ đó, Edison lại tiếp tục thí nghiệm của mình.

Năm 1904, vào một ngày nắng rực rỡ, Edison dùng dung dịch NaOH thay cho a-xít sunfuric, dùng niken và sắt thay cho chì, chế tạo thành bình ắc-quy niken sắt kiềm đầu tiên trên thế giới. Thời gian cung cấp điện của loại bình này khá dài, có thể xem là lâu nhất vào thời điểm lúc đó.

Hoặc như Nobel, nhà hóa học nổi danh người Thụy Điển. Dưới sự tài trợ của Napoleon III, Nobel và cha của ông đã nghiên cứu ra thuốc nổ sau khi trải qua không biết bao nhiêu sự cố cháy nổ. Ngày 3 tháng 9 năm 1867, một vụ nổ lớn xảy ra làm toàn công xưởng bị thiêu rụi. Em trai của Nobel và nhiều công nhân khác đã bị chết cháy. Bản thân ông cũng bị thương. Sự cố này gây ra làn sóng phản đối mạnh mẽ. Nobel vẫn không chịu thua trước khó khăn và đã phát minh ra thuốc nổ an toàn Nobel, thuốc nổ không khói. Nếu Nobel không có ý chí bền bỉ, khả năng sáng tạo phi phàm thì ông cũng sẽ không giành được thành tựu như thế.

Lincoln sinh ra đã nghèo xác xơ, cuộc đời luôn phải đối mặt với thất bại, tám lần tuyển cử đều bị thất bại cả tám, hai lần kinh doanh thất bại, thậm chí còn trải qua một lần suy sụp tinh thần. "Con đường này hỏng nặng quá rồi, lại còn dễ trượt ngã. Một chân tôi đã bị trượt, chân còn lại cũng vì vậy mà loạng choạng, nhưng tôi hít một hơi dài để nói với mình rằng: chẳng qua cũng chỉ là một cú trượt ngã, chứ có phải là chết đi đâu mà không đứng dậy được." Abraham Lincoln đã phát biểu như thế sau khi thất bại trong cuộc tranh cử thượng nghị viện. Chính nhờ Lincoln không từ bỏ, quyết nỗ lực đến cùng vì mục tiêu của mình, quyết không chịu thua nên ông mới trở thành một trong những tổng thống vĩ đại nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Đối với kẻ yếu đuối, trắc trở là khoảng cách không thể vượt qua. Họ cứ quanh quẩn mãi ở đó và than vắn thở dài. Họ lại không ngờ rằng khoảng cách này chính là bản thân họ, chỉ có chiến thắng được bản thân, vượt qua cái tôi, có được cá tính của loài sói, thì tự nhiên thành công sẽ tìm đến. Nhưng họ lại không có đủ dũng khí để đối mặt với trắc trở, vì vậy mà mất đi mục tiêu, tự mình vứt bỏ rất nhiều thứ thuộc về họ. Một thanh niên Nhật Bản đến xin việc tại một công ty lớn. Anh ta nhận được tin mình không có trong danh sách người được tuyển dụng nên anh ta tuyệt vọng định tự sát. Sau khi tự sát không thành, anh ta lại nhận được tin anh ta không có trong danh sách là do máy tính bị trục trặc nên có sai sót. Khi anh ta vui mừng nhận giấy bảo tuyển dụng, một quyết định không tuyển dụng lại đến tay anh ta, nói rằng anh ta không thể đối mặt với trắc trở, chắc chắn là không thể làm tốt được công việc. Bạn hãy nghĩ thử xem, cơ hội thành công của thanh niên này là ở trong tay của anh ta. Anh ta lại vì không chịu nổi thất bại, không thể thắng được bản thân, nên cơ hội đó cũng vuột khỏi tay mình. Không dũng cảm tiếp nhận thử thách, có nghĩa là bạn đã làm cho những tấm je-ton của thành công mà bạn đã tích lũy mất đi giá trị, trong khi những tấm je-ton mới thì bạn vẫn chưa có. Vậy thì có thể đạt được đỉnh cao của thành công không?

Sói là loài vật không sợ thất bại. Động lực thúc đẩy chúng dũng cảm tiến về trước chính là con mồi. Chúng biết, nếu từ bỏ, thì chúng sẽ phải đối mặt với cái đói, thậm chí là cái chết. Đôi lúc, chúng ta cho rằng trắc trở của mình phải chịu là quá lớn, hoặc có người sẽ nói rằng cú sốc mà tôi phải chịu đựng là quá nặng và hy vọng thành công là quá mỏng manh. Nhưng chỉ cần chúng ta giữ chắc mục tiêu, đeo đuổi mục tiêu giống như loài sói và có sức chịu đựng bền bỉ, thì chúng ta vẫn còn hy vọng, "con mồi" sẽ không thoát khỏi tầm tay của chúng ta.

Những cay đắng trong cuộc sống đã từng làm bạn thất vọng hoặc rơi lệ. Những vất vả trong những năm tháng dài đằng đẵng làm con người ta già đi, nhưng nhờ nhẫn nại, phấn đấu và không ngừng vươn lên, cuộc sống của chúng ta sẽ vượt lên trên những âu lo và khó khăn đó. Có một ngày, vở kịch của cuộc đời chúng ta sẽ phải hạ màn. Điều chúng ta muốn bộc lộ chung quy lại không phải là công danh, mà là cảm nhận nội tâm và những gì đã từng làm chúng ta xúc động. Mọi gian nan, rèn luyện, cơ hội mà chúng ta đã trải qua đều tốt, vì nó sẽ chuyển hóa thành ý chí bền bỉ trong chúng ta. Không ngừng vươn lên, không ngừng vượt qua những gì chúng ta đạt được, cho đến một ngày, nó và chúng ta sẽ hợp nhất thành một hạt giống - hạt giống của sự bền bỉ. Hạt giống ấy sẽ không lùi bước chỉ vì chúng gầy yếu, nhỏ bé; nó chỉ dốc hết sức xuyên qua đất, cố gắng vươn lên để tìm lấy sự sống trong điều kiện khắc nghiệt. Cuối cùng, nó sẽ trở thành một cái cây to lớn.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenFun.Vip