Phep Tac Cua Loai Soi Phep Tac 1 Vuon Len Tu Trong Dong Do Nat

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng
Vùng thảo nguyên của Châu Phi thường xuyên xuất hiện sư tử, hổ và báo. Chúng rất to khỏe, động tác nhanh mạnh, nhu cầu về thức ăn cũng rất lớn. Đối với một số loài động vật ăn thịt có kích thước tương đối nhỏ trên thảo nguyên như loài sói, những con vật to lớn này là đối thủ lớn cạnh tranh thức ăn với chúng. Xét về tầm vóc, tốc độ, sức khỏe và vũ khí chiến đấu (móng vuốt và răng), sói không phải là đối thủ của những động vật thuộc họ Mèo này; nhưng loài sói trên thảo nguyên vẫn không rơi vào tình trạng đói đến mức gầy trơ xương. Chúng thường ăn những thức ăn thừa của những con "mèo lớn" này và đôi lúc, chúng còn dựa vào sự linh hoạt của bản thân để cướp thức ăn từ miệng những con "mèo lớn". Thậm chí nhờ vào sự hợp tác tập thể, thỉnh thoảng, bầy sói còn có thể giết chết báo.

Là một kẻ ăn thịt, trong môi trường sống mạnh được yếu thua, vì sự sống, loài sói không bao giờ từ bỏ mục tiêu của mình, cho dù đến phút cuối cùng của sự sống, chúng cũng không dễ dàng chịu thua. Đây chính là một phép tắc trong sự sinh tồn của loài sói: đứng dậy từ trong đống đổ nát. Về điểm này, người Nhật Bản được xem là một điển hình.

Nhật Bản là một dân tộc sùng bái kẻ mạnh. Từ xưa đến nay đều như thế. Trung Quốc thời Thịnh Đường đã trở thành bậc thầy để người Nhật Bản học tập. Cho đến năm 1853, hạm đội của Mỹ dùng đại pháo phá hủy cửa ngõ của Nhật Bản. Pháo hạm của Mỹ đã làm cho Nhật Bản tỉnh ngộ, nên họ tiến hành Minh Trị Duy Tân và học tập toàn diện ở nước Mỹ. Chưa đầy mười năm, Nhật Bản đã trở thành cường quốc.

Sau khi trở thành cường quốc, Nhật Bản bắt đầu bành trướng quyền lực và khiêu chiến với nước Mỹ đã từng chiến thắng mình năm xưa. Sau thất bại ở Đại Chiến Thế Giới lần hai, nước Nhật lại một lần nữa thể hiện tinh thần quên thù cũ, coi đối thủ là thầy, biến những tiên tiến, văn minh của đối thủ thành cái của mình, nhanh chóng đứng lên từ trong đống đổ nát và cúi đầu gọi MacArthur là "ân sư". Tinh thần quật khởi của Nhật Bản sau Đại Chiến Thế Giới lần hai đã giúp chúng ta hiểu thất bại không phải là một chuyện đáng sợ; mà chuyện đáng sợ nhất là bạn hoàn toàn gục ngã, không bao giờ muốn đứng dậy. Chỉ có càng thất bại càng dũng cảm, thì mới có thể mở ra cục diện mới.

Hạng Vũ tự vẫn bên sông Ô Giang chứ nhất quyết không chịu qua sông là vì xấu hổ với phụ lão Giang Đông. Nhưng Hạng Vũ lại không biết rằng chính vì vậy mà để mất đi cơ hội trở lại. Người đời sau thường xem chuyện này là việc đáng tiếc. Dùng cái chết để kết thúc tất cả như Hạng Vũ thì không thể làm nên nghiệp lớn. Quan trọng là phải rút ra được bài học kinh nghiệm từ trong thất bại và lấy đó làm gương. Đã ở trong rừng thì sợ gì không có củi đốt.

Hàn Tín thời Hán cũng có được chân truyền đó. Một hôm Hàn Tín đang đi trên đường thì có một tên vô lại chặn đường và cố tình sỉ nhục ông: "Hàn Tín, ngươi luôn dắt kiếm ngọc bên lưng, có biết sử dụng không? Thấy ngươi cao to như vậy nhưng kì thực chỉ là một gã hèn nhát ngoài mạnh trong yếu." Mọi người xung quanh đều cười ồ lên, còn Hàn Tín thì vẫn tiếp tục đi như không hề nghe thấy. Tên vô lại đó thấy vậy càng đắc ý, hắn chặn Hàn Tín lại, nói: "Nếu ngươi là một trang nam tử hán, không sợ chết thì hãy cầm gươm đâm vào ta. Nếu ngươi không có được chút dũng khí đó, tham sống sợ chết thì hãy chui qua háng ta". Nói xong, hắn bèn dạng hai chân, ra dáng như cưỡi ngựa, chặn ngay giữa đường. Hàn Tín im lặng nhìn hắn một lát, tuy rất cảm thấy khó chịu nhưng cuối cùng, ông vẫn nén giận phục người xuống, chui qua háng tên vô lại. Mọi người có mặt tại đó đều cười ầm lên. Nhưng Hàn Tín lại làm như không có chuyện gì xảy ra, đứng dậy đi thẳng.

So với Hạng Vũ, Hàn Tín có thể được coi là đại anh hùng. Đầu tiên, chưa nói đến những công trạng khác của Hàn Tín, chỉ riêng việc Hàn Tín có thể nhịn nhục chui qua háng tên vô lại là đã thể hiện được đức độ phi phàm của ông. Sự từng trải đặc biệt này đã rèn luyện cho Hàn Tín ý chí kiên cường và sự khiêm tốn. Những tính cách này lại là điều kiện giúp Hàn Tín trở thành mộ vị tướng kiệt xuất sau này.

Thời Xuân Thu, Ngô Vương Phù sai cậy thế nước lớn, đi đánh chiếm nước Việt. Kết quả là nước Việt thất bại, Việt Vương Câu Tiễn bị bắt đến nước Ngô. Để hạ nhục Việt Vương, Ngô Vương bắt Việt Vương nuôi ngựa ở trong thạch thất. Việt Vương vẫn hầu hạ Ngô Vương rất chu đáo, ngoan ngoãn phục tùng, nhịn đói nhịn khát mà không hề oán trách nửa lời. Ròng rã ba năm trời, Ngô Vương cuối cùng cũng tin Việt Vương đã thần phục, nên quyết định thả ông về nước. Việt Vương sau khi về nước, vì nỗi đau mất nước, nỗi nhục trong thạch thất, ông đã không để cho cuộc sống thoải mái làm nhụt ý chí của mình. Ông bỏ chăn bông, thay vào đó là củi và cỏ khô. Trước khi ăn, ông phải nếm một miếng mật đắng treo ở trên đầu giường. Ngoài ra, ông còn thường xuyên đi thị sát dân tình, giải quyết nhiều vấn đề cho bách tính, để cho dân chúng an cư lạc nghiệp, đồng thời ông còn tăng cường huấn luyện quân đội. Sau mười năm phấn đấu gian khổ, nước Việt trở thành một quốc gia giàu mạnh. Việt Vương đích thân xuất lĩnh quân đội tấn công vào nước Ngô. Lịch sử đã tái diễn trở lại, nhưng lần này, người thắng lợi lại là Việt Vương Câu Tiễn. Ông đã không chấp nhận cho nước Ngô đầu hàng, Phù Sai bị giết, nước Việt thôn tính nước Ngô. Câu Tiễn trở thành nhân vật hiển hách vào cuối thời Xuân Thu.

Từ đó về sau, câu chuyện "nếm mật nằm gai" của Câu Tiễn được lưu truyền đời đời và trở thành bài học điển hình cho việc đứng lên từ trong đống đổ nát của thất bại. Câu chuyện này đã chứng tỏ: trên thế gian, không có chuyện gì thuận buồm xuôi gió , bất cứ một thành công nào trong sự nghiệp cũng đều được thai nghén từ gian nan, hiểm trở, bế tắc và thất bại. Vì thất bại có thể rèn luyện được ý chí của mỗi con người, thúc đẩy anh ta hướng đến thành công. Hạng Vũ và Napoleon từ khi bắt đầu chinh chiến đều là đánh đâu thắng đó; vậy mà thất bại ở trận Cai Hạ, trận Waterloo đã làm họ gục ngã. Nguyên nhân là do họ thiếu sự dưỡng dục của thất bại nên một khi thảm bại thì sẽ thất bại triệt để. Chỉ có những người không sợ thất bại, càng thất bại càng kiên cường, càng thất bại càng chiến đấu thì mới có thể giành được thành công cuối cùng.

Lại nói đến Lưu Bang, từ khi ra khỏi Quan Trung, gặp Sở là thất bại. Nhưng Lưu Bang không vì vậy mà nhụt chí, ngược lại còn vươn lên trong thất bại, thất bại rồi lại khiêu chiến. Cuối cùng, Lưu Bang đã đánh thắng được Hạng Vũ ở Cai Hạ và dựng nên nhà Hán.

Trong Tam Quốc, Tào Tháo và Bão Tín thống lĩnh ba vạn năm trăm ngàn quân tấn công quân Hoàng Cân. Lực lượng của quân Hoàng Cân rất lớn, nói là trăm vạn quân nhưng thực tế cũng đạt đến năm mươi vạn. Lực lượng của hai bên chênh lệch một trời một vực. Tào Tháo càng đấu càng thua, nhưng ông vẫn càng thua càng đấu. Cuối cùng, qua nhiều cuộc chiến đấu gian khổ, Tào Tháo mới đánh bại được quân Hoàng Cân.

Trong chiến tranh chống Phát-xít thời kì cận đại, nhân dân trên thế giới ngay từ đầu đã gặp thất bại nghiêm trọng; nhưng nhân dân trên thế giới vẫn không khuất phục trước Phát-xít mà quyết đấu tranh đến cùng; cuối cùng cũng giành được thắng lợi triệt để. Lật lại lịch sử Trung Quốc thời cận đại và hiện đại, chúng ta sẽ thấy nhân dân Trung Quốc đã tiến hành biết bao cuộc chiến đấu bất khuất,và gặp biết bao thất bại xương máu để lật đổ được ba hòn núi lớn, giành lại độc lập và giải phóng dân tộc. Nhưng, thất bại vô số lần lại càng khích lệ nhân dân Trung Quốc phấn đấu vươn lên, đấu tranh ngoan cường; cuối cùng cũng đổi được độc lập và giải phóng dân tộc Trung Hoa. Tất cả những điều này chính là dẫn chứng rõ ràng nhất cho tinh thần bất khuất của dân tộc Trung Hoa.

Dù bạn muốn giành thắng lợi trong sự nghiệp hay muốn vươn lên đỉnh cao, nếu bạn không có ý chí kiên cường, bất khuất của loài sói, thì bạn cũng không thể nào hái được quả ngọt của thắng lợi. Nhưng cũng không có nghĩa là chỉ cần có điều kiện này thì nhất định sẽ thành công mà còn phải có bản lĩnh sống trong nghịch cảnh như loài sói. Đối với một người có ý chí, nghịch cảnh, khó khăn chính là cơ hội tốt để rèn luyện. Trong lịch sử, tất cả những người thành công, không ai không trải qua quá trình rèn luyện gian khổ trong nghịch cảnh. Câu chuyện Trương Hải Địch không ai là không biết. Khi được 5 tuổi, Trương Hải Địch đã bị liệt nửa người do bệnh tật, nhưng ý chí của cô không tàn phế, cô vẫn cần mẫn học tập. Đối mặt với số phận tàn khốc, Trương Hải Địch vẫn không than khóc và suy sụp. Cô chiến đấu với bệnh tật bằng sự bền bỉ, kiên trì và cô luôn tin vào cuộc sống. Tuy cô không có cơ hội bước vào cổng trường, nhưng cô vẫn phấn đấu học tập, học hết tiểu học rồi đến trung học, tự học tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Nhật và nỗ lực nghiên cứu giáo trình của đại học và thạc sĩ. Cô là tấm gương cho việc chiến thắng số phận, trở thành người có ích cho xã hội.

Một tấm gương khác là thiên tài âm nhạc Beethoven.

Vào tháng 4 năm 1800, Beethoven tổ chức hội âm nhạc để xác lập chỗ đứng cho người sáng tác nhạc. Lúc đó, thính lực của ông đang dần suy giảm. Cảm giác sợ hãi vì mình bị điếc và thất tình, năm 1802, Beethoven đã có ý định tự vẫn. Cuối cùng, ông đã khắc phục được nguy cơ, lấy lại tinh thần và tiếp tục sáng tác. Hơn 10 năm sau đó, Beethoven đã trải qua nhiều biến động trong tư tưởng và cuộc sống (Napoleon lên ngôi, nhiều lần thất tình). Đến năm 1819, Beethoven bị điếc hoàn toàn, nhưng ông vẫn bền bỉ sáng tác những tác phẩm như bản giao hưởng từ Số Ba đến Số Tám, bản giao hưởng hợp tấu dương cầm số Bốn và Số Năm.

Khi bắt đầu làm một việc gì, chúng ta thường khó tránh khỏi thất bại. Nếu sợ thất bại, thì bạn sẽ không thể nào thành công. Các ông bố bà mẹ thường nói với con của mình rằng: "Chỉ cần con đứng lên được thì sẽ đi được, con đi được thì sẽ chạy được." Mỗi bậc cha mẹ đều hiểu nếu con của họ không té ngã thì sẽ không biết đi và biết chạy. Khi họ nhìn thấy con của họ học được cách đi từ trong những lần té ngã, họ sẽ rất vui sướng. Thực ra, mỗi người đều lớn như thế.

Cuộc sống là vậy, công việc cũng như thế. Chỉ có từ trong thất bại, chúng ta mới thực sự học được bản lĩnh. Bạn muốn vươn xa, muốn giành được vị trí hàng đầu, thì bạn hãy nhớ phải "vươn lên từ trong thất bại". Một nhà viết kịch người Anh từng nói: "Đối với chúng ta, vinh hạnh lớn nhất chính là mỗi người đều đã từng thất bại và mỗi khi chúng ta vấp ngã, chúng ta đều có thể đứng dậy". Chính vì không ngừng gặp khó khăn trắc trở, con người mới có thể trở nên kiên cường hơn. Ở Nhật, có một hội tên là "hội Bát Khởi". Hội này dành cho những người kinh doanh bị thất bại do không gặp vận may. Người đứng đầu hội này đã từng lấy chủ đề "thất bại là cây gậy mở đường" để diễn giảng cho các thành viên trong hội. Đây là một sự khích lệ rất lớn đối với những người gặp thất bại lúc đó.

Quả thực, những điều mà con người học được từ trong thất bại còn nhiều hơn so với những gì họ học được từ trong thành công. Có rất nhiều nguyên nhân thất bại, như kiêu ngạo tự đại, quá tự mãn, khoác lác, lạm dụng chức quyền... Đại thể là vì những chuyện nhỏ mà dẫn đến những tổn thất lớn. Hàn Phi Tử thời Xuân Thu Chiến Quốc từng nói: "Không bị một ngọn núi đè nhưng có thể sẽ bị một hòn đá làm vướng chân". Vì vậy, một người có chí phải có hai phẩm chất sau:

Thứ nhất, có thể chịu đựng được thất bại và khiêu chiến với thất bại để đoạt được thắng lợi trong sự nghiệp và thành công trong cuộc sống.

Thứ hai, chiến đấu lâu bền với bản thân, không dao động trước mọi chuyện.

Dù là thất bại nào, chỉ cần biết đứng dậy sau vấp ngã thì bài học vấp ngã sẽ là kinh nghiệm hữu ích giúp bạn giành được thành công trong tương lai. Như thế mới là sự thể hiện chân thực phép tắc sinh tồn của loài sói. Vì vậy, học được cách sinh tồn từ trong nghịch cảnh, tài năng của chúng ta không những không bị mai một mà còn tỏa sáng. Như Ban-zắc nói: "Trắc trở giống như một hòn đá, đối với kể yếu đuối thì nó là hòn đá vướng chân, đối với người mạnh mẽ thì nó là bàn đạp".

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenFun.Vip