41 - 1975 (AU)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng
Công Phượng nửa tỉnh nửa mê hơi hé mắt, ánh trăng tái dại xuyên qua tầng tầng lớp lớp lá cây, rọi xuống mặt đất ẩm ướt vương đầy máu trộn bùn nhão, thoạt trông ma mị khó tả.

Dây thần kinh nơi thái dương khẽ co giật, một cơn choáng váng ập đến cùng cơn đau. Cứ tỉnh, là lại đau. Mũi cậu giờ chỉ ngửi được một mùi thối rữa khủng khiếp đến từ chính cơ thể mình, mà cái cảm giác chứng kiến bản thân mình mủn ra, mủn ra nó mới ghê tởm và sợ hãi làm sao.

Nhưng mà cậu chẳng còn sức nghĩ nữa. Nếu lúc ấy thằng Toàn không liều chết lôi cậu ra khỏi đống đạn dược đó, e là đến mẩu xương gửi về cho gia đình đem chôn cũng chẳng có.

Thế mà giờ nó đã...

Phượng vô thức quờ tay ra sau lưng, đến khi chạm tới một bàn tay khác mới yên lòng. Lạnh ngắt, mềm nhũn, hoại tử, hư thối, nhưng vẫn còn ở đây. Bàn tay của thằng Toàn, thứ duy nhất còn lại khi kíp nổ của lựu đạn bùng lên, văng xa những hơn mười mét. Thứ duy nhất Phượng còn giữ lại được, hòng mong mang trở về Hải Dương cho bố mẹ nó. Những người mà giờ phút này cũng chưa biết được con trai độc nhất của mình đã tan thành mây khói, chỉ còn lại một mẩu xương.

Cậu hơi thở dài, nhìn xuống, lửa leo lét cháy bên chân. Đến tận đêm họ mới dám đốt ít củi khô. Trường tỉ mẩn hơ con dao găm vẫn giắt bên hông, mặt mũi đã ám đen cả lại. Thấy cậu tỉnh, anh chỉ lầm bầm, "Sao không ngất thêm chút nữa?"

"Đúng lúc quá hả?" Phượng nhếch khóe môi khô nứt, co rút đến phát đau.

Trường không đáp, chỉ lẳng lặng xé một mẩu vạt áo gập làm tư, sơ sài lau qua mồ hôi bụi đất trên mặt cậu. Phượng hiểu ý hơi hé miệng để anh nhét miếng vải đó vào miệng, cắn chặt.

"Chịu khó nhé." Anh nói.

Rồi liền sau đó, con dao găm hơ lửa đỏ đã mài lên da thịt.

Như một mũi khoan đục thẳng lên óc, trước mắt loang loáng đầy những đom đóm. Hình như đến xương cũng bị róc ra mất rồi. Phần thịt thối rữa từng lớp từng lớp rã xuống cùng máu đen bầy hầy và mủ vàng két đặc.

Đấy là thứ cuối cùng Phượng còn nhớ được trước khi nhắm mắt. Thật là nỗi đau róc thịt lột da, sống không bằng chết.

Nếu lúc đó đống đạn dược kia phát nổ thì tốt biết mấy. Bùm một cái, tan thành tro bụi, chẳng còn biết đau là gì nữa. Như Tiến Dũng, như Văn Toàn. Hoặc hai viên đạn găm thẳng thái dương như Đức Chinh, hoặc lũ đầu nguồn cuốn phăng như Duy Mạnh cũng tốt.

.

Hai mươi ba tuổi, những đứa lớn nhất như cậu và Xuân Trường đã hoạt động ở tiểu đội này được sáu năm. Nhập ngũ năm mười bảy tuổi, đến mười tám theo đại đội hành quân vào chiến trường miền Nam, để rồi bốn năm sau được phân ra thành từng tiểu đội, điều động về chi viện cho chiến dịch Tây Nguyên.

Mùa xuân năm 1975, giữa tháng ba hoa nở, biết bao linh hồn trẻ trai đã bỏ lại trên nền đất còn ẩm ướt mưa phùn, để thắm xanh cho lộc biếc trên cành.

Lần lượt từng người, từng người ngã xuống khi chiến dịch đã đến hồi căng thẳng nhất.

Một đợt dội bom vào cứ điểm 23 đã cắt đứt hoàn toàn sợi dây liên lạc, cũng cướp đi những trinh sát liên lạc nhanh nhạy nhất của tiểu đội, Tiến Dụng, Văn Hậu, Quang Hải, Thành Chung, Trọng Đại, Văn Đức.

Vướng phải tập kích trên đường đưa thương binh của tiểu đội 19 về căn cứ, Tiến Dũng 4, Đình Trọng, Đức Huy, Văn Hoàng, Duy Mạnh, Văn Thanh đều hi sinh. Riêng Hồng Duy trở về chỉ còn một cánh tay. 

Rồi cuối cùng cũng đến lượt các cậu, trên đường đưa đạn dược tiếp viện cho cứ điểm 24, bất chấp việc Tuấn Anh, Xuân Mạnh đã dùng thân mình thử bẫy lựu đạn ven đường, chiếc xe chở vũ khí do Công Phượng điều khiển vẫn bị giật tung, hất văng cậu và Xuân Trường xuống. Cẳng chân phải bị đè giập dưới thùng đạn pháo, khi được Văn Toàn và Xuân Trường liều mạng lôi ra tưởng như đã máu thịt lẫn lộn. Để rồi cuối cùng, Văn Toàn hi sinh thân mình chặn hậu, cắt một đường máu cho cậu và Xuân Trường rút lui.

Tất cả những gì còn lại của cậu bạn chí cốt mười mấy năm, chỉ là một cánh tay hãy còn lăm lăm siết chặt con dao găm luôn mang bên mình.

Ba ngày ẩn núp dưới những hố bom, đầm nước, thân cây rỗng, cuối cùng Trường cũng lôi được cậu vào một hang động nhỏ khuất sau khu chòi đi rẫy cũ bị bỏ hoang. Lúc bấy giờ, toàn bộ phần thịt nơi cẳng chân bị đè giập của cậu đã bắt đầu hoại tử.

...

Lần thứ hai tỉnh lại, trăng vẫn treo đỉnh ngọn cây. Phượng mờ mịt đưa mắt nhìn quanh, củi lửa đã tàn, những vật dụng mang theo đã thu gọn vào balo. Cậu hơi mấp máy môi, cổ họng rát cháy, khản đặc. Nhưng còn chưa kịp cựa quậy, một bàn tay lạnh như sương đã nâng gáy cậu lên, liền sau đó là dòng nước ít ỏi theo khóe môi người nọ chảy vào miệng cậu.

Công Phượng khó nhọc nuốt xuống, cuống họng đau như gai đâm, mà chả thấm vào đâu cả. Đôi môi người nọ hơi rời ra để nhấp thêm một ngụm nước nhỏ, tiếp đó thấm ướt môi cậu, nhẹ nhàng mớm từng chút.

Độ năm lần như vậy, thấy Phượng đã dần tỉnh táo lại, Xuân Trường mới khẽ khàng đặt cậu nằm xuống.

"Ngày nhiêu rồi?" Phượng khàn khàn hỏi.

"Mày hôn mê hai hôm rồi." Trường đáp, tay bẻ vụn mẩu lương khô ra cái nắp nhôm.

"Cứ tưởng chỉ mấy tiếng đồng hồ."

Ánh mắt chạm đến cái chân sơ sài quấn chút băng trắng, vẫn lấp ló lộ ra từng mảng thịt nham nhở rọc bằng dao găm vụng về, giờ đã hơi se lại. Không thuốc, không nước sạch, không dụng cụ y tế, Lương Xuân Trường cũng đã tận lực rồi. Bỗng dưng Phượng chép miệng tiếc rẻ, "Giá mà chưa hoại tử, chắc cũng nướng lên được một bữa thịt thơm."

Xuân Trường đang nâng đầu cậu để đút lương khô nghe vậy nhíu mày, bàn tay hơi dụng lực ấn mạnh một phát, khiến Phượng suýt nuốt luôn lưỡi mình.

Biết mình đã chọc vào vảy ngược của người kia, bấy giờ cậu mới đành im miệng, ngoan ngoãn nuốt lấy ít vụn bánh từ tay người nọ.

Dạ dày thì đã rã rời đến mất cảm giác rồi, giờ giả như có bát cháo nóng hôi hổi ở đây chưa chắc nó đã tiếp nhận nổi, chút vụn bột này sá gì đâu. Vốn Lương Xuân Trường cũng chẳng cần nhịn ăn để đút cho cậu như thế, Phượng nghĩ, trong lòng chua xót đến hoen khóe mắt, nhưng chẳng có giọt nước nào chảy ra được cả. Cậu cũng sắp chết khô ở đây mất rồi...

"Còn đau không?" Đặt đầu cậu gối lên đùi mình, Trường hỏi.

Phượng hơi gật, rồi lại lắc, "Chả biết là đau hay không nữa." Một đống cảm giác khốn khổ khốn nạn trộn lấy nhau, giờ chẳng biết là đói, là khát, là đau, là mệt, hay là tuyệt vọng chờ chết trong bóng tối vô biên.

Bàn tay ai kia áp lên mắt cậu, nhẹ nhàng ve vuốt, "Ngủ một chút đi. Lát tao đi quanh đây kiếm nước."

"Đừng." Phượng hơi giãy giụa, cánh tay tê dại khó nhọc nâng lên, vội nắm lấy bàn tay Xuân Trường, "Cứ ở trong đây vài ngày nữa đi, tụi nó còn lùng sục ngoài kia. Tao chịu được."

Xuân Trường không đáp.

"Mấy ngày nay tao đều ngủ chết ngất rồi. Mày mới là người cần ngủ. Nghe tao, tao không sao, đừng có ra."

Trả lời cậu vẫn là thinh lặng, chỉ có bàn tay kia hơi siết lấy năm ngón tay hãy còn két đầy máu khô của cậu.

Mãi cho đến khi Công Phượng sắp chịu không nổi, người nọ mới trầm giọng ừ một tiếng.

Khói bụi, máu khô và bùn đất nhem nhuốc trên khuôn mặt thư sinh từng nao lòng thiếu nữ, chẳng còn nhìn ra chút gì vẻ hào hoa thuở trước. Ánh mắt sáng cương nghị đã mờ mịt, đục ngầu, đủ những chết chóc, đau thương vùi chặt nơi đáy mắt, cuộn thành một làn khói đen lững lờ như tử khí.

Giữa đêm sâu, trăng tàn, rừng hoang, sương lạnh...

Người kia cúi xuống, môi hôn rơi lên trán cậu, khô ráp, lạnh băng.

Lồng ngực cậu vỡ òa, đau đớn giãy giụa bung ra như lũ đầu nguồn phá tan bờ đập. Nước mắt chẳng còn để khóc, chỉ có năm ngón tay cố sức siết chặt lấy nhau.

Cũng chỉ còn nhau mà thôi.

Xuân Trường đỡ cậu ngồi dậy rồi ôm vào lòng. Bàn tay anh vỗ về trên lưng, như muốn xoa dịu bao đau đớn.

Đoàn Vệ quốc quân một lần ra đi
Nào có mong chi đâu ngày trở về
Ra đi ra đi bảo tồn sông núi
Ra đi ra đi thà chết chớ lui
Cờ bay phất phới ngời màu Lạc Hồng
Kèn reo vang tiếng gọi dòng Lạc Hồng
Cùng Vệ quốc quân
Ra đi ra đi theo hồn sông núi
Thù bao năm xưa có bao giờ nguôi...

Thù bao năm xưa bao giờ nguôi...

Tiếng hát chỉ dám khe khẽ tràn ra từ cổ họng khô khốc, nhắc nhở về từng người, từng người đã vùi xác, chôn thây. Tiểu đội 23 đã chỉ còn hai người họ, cùng một bức thư tay, hai tấm ảnh chụp vội và một cánh tay gói trong bọc quần áo. Thái Bình, Hải Dương, Phú Thọ, Hà Tĩnh...

"Nếu còn sống, xin hãy đưa anh em về với quê nhà."

Nếu còn sống, xin hãy đưa anh em về với quê nhà...

Đêm sâu, trăng lạnh, lồng ngực thổn thức những bi ai. Cậu gục lên vai Xuân Trường rì rầm kể bên tai anh, những câu chuyện họ đã nói đến trăm lần.

Chuyện về thằng Chinh ở Phú Thọ đen nhẻm như hòn than, lúc nào cũng cười chỉ thấy răng không thấy mắt.

Chuyện về Dũng bốn ngơ ngơ ngác ngác, lên bản được cô gái tặng hoa mà mặt đỏ như người say rượu.

Thằng Toàn, thằng Thanh cùng ở Hải Dương, cách nhà Đức Huy đâu chừng chục cây số, thuở nhỏ còn thường rủ nhau đá bóng, đến khi tổng động viên cũng hăng hái kéo nhau đi.

Tuấn Anh, Văn Hậu cùng ở Thái Bình mà tính nết trái ngược nhau lắm, người thì điềm đạm mà lãng mạn như nghệ sĩ, kẻ lại ngổ ngáo ngông nghênh nhưng cực kỳ trượng nghĩa.

Rồi anh em thằng Dũng, Dụng thương nhau vô cùng, đến nỗi sốt rét cũng phải sốt chung mới chịu.

Duy Mạnh và Hồng Duy hay hát, Đình Trọng thì bẽn lẽn ngại ngùng, Minh Vương với Ngọc Quang thích nghe kịch nói, Quang Hải lúc nào cũng bám líu ríu bên cạnh Văn Hoàng nghe anh kể chuyện...

Hốc mắt khô như giếng cạn, giọng nói cũng khản đi như bánh xe mài trên nền sỏi đá. Vết thương nhiễm trùng, cơn sốt khiến người run lên từng đợt, rét lạnh thấu xương.

Xuân Trường ôm chặt lấy cậu vào lòng, dùng thân nhiệt của mình sưởi ấm. Trong mê man, Phượng nhìn thấy tia nắng đầu tiên hé rọi phía cửa hang.

Nghe đâu đó như là tiếng hò reo chiến thắng, lại nghe như giọng cười sang sảng của anh em...

Lá khô xào xạo, bùn đất ẩm mùi, chim kêu ríu rít, chồi biếc lộc non...

Cứ thế chết đi giữa mùa xuân, có lẽ cũng tốt.

...

Cứ thế chết đi trong lòng tình yêu, cũng tốt.

.

.

.

Cái gì mát lạnh thế nhỉ?

Nước à?

Là nước thật.

Phượng hé môi, tham lam nuốt xuống từng ngụm, cái thân xác rã rời tưởng như sắp bốc hơi này lại như được truyền sinh khí. Cậu mở choàng mắt, bất chấp ánh sáng đột ngột đâm vào đau rát. Trên đỉnh đầu là khuôn mặt quấn một nửa băng trắng, vừa quen vừa lạ. Bốn mắt chớp chớp nhìn nhau, người kia thiếu điều kêu lên thành tiếng, "Anh Phượng... Anh Phượng..."

"... Tr... Trọng...? Là Trọng sao?"

"Anh Phượng, anh tỉnh rồi. Tỉnh là tốt, tỉnh là tốt rồi..." Đình Trọng run run, tay chân luống cuống cầm khăn lau loạn trên mặt cậu.

"Không phải mày... Không phải mày đã..." Phượng nghẹn ngào hỏi, cánh tay nếu không vì tê liệt đã muốn vươn ra chạm lên khuôn mặt của người tưởng đã ra ma.

"Em, em không sao... Mất, mất một bên mắt thôi. Mù rồi. Mù rồi. Cũng vì anh Dũng anh ấy..." Đình Trọng nói đến đây, con mắt còn lại cũng ướt nhòe.

Lồng ngực trái lại nhói lên đau nhức, thái dương kịch liệt nảy lên, "Trọng... Anh Trường đâu?"

"..."

"Trọng...? Anh Trường đâu?"

"..." Con mắt hãy còn đang nhòe nhoẹt của Trần Đình Trọng đột ngột mở lớn, nửa tựa sững sờ, nửa như đau xót. Thằng nhóc mấp máy môi, run giọng gọi, "Anh Phượng..."

Câu đầu tiên gọi "anh Phượng", chất giọng Hà Nội ngọt và thanh kia kéo cậu từ bóng tối vô biên về với hi vọng sống.

Câu thứ ba gọi "anh Phượng", lại hệt như tiếng chuông báo tử rền rĩ rung lên giữa buổi hoàng hôn đỏ au màu máu.

Đình Trọng lôi ra từ balo bên giường một bộ quân phục đã gấp phẳng phiu, nhưng giặt sao cũng không phai đi được lốm đốm đậm nhạt của máu khô.

Vá víu sao... Cũng không che nổi những lỗ đạn găm, vụn nát.

Trong đầu nổ đoàng một tiếng, chói lói, thê thiết. Đau đớn đến như đem thân thể tươi sống xé làm đôi...

---

"Không chắc là địch hay ta, mày đừng có điên." Công Phượng gần như rít lên trong cuống họng, xương tay trái đau như muốn rụng, mà ngón tay vẫn cố chấp ghim chặt lấy cầu vai người nọ. Tiếng nói lẫn lộn từ xa xa vọng lại nghe chẳng khác tiếng tử thần.

Lương Xuân Trường mím môi nhìn cậu, sự cố chấp đáng hận hiện lên trong mắt. Bàn tay lạnh băng nơi gáy cậu siết lại. Và đúng lúc Công Phượng nhíu mày vì đau, liền giáng thẳng một đòn.

"Nếu còn sống, hãy đưa anh em về với quê nhà..."

Trước khi ngất đi, bên tai chỉ còn vẳng lại một câu này...

Rồi trước mắt tăm tối vô biên
Rồi mặt đất ầm rung dữ dội

Rồi máu vẩy năm bước, giẫm xác đạp xương...

.

Nếu là đồng đội, phải lao ra tìm đường sinh trong cửa tử
Nếu là quân giặc, phải lấy thân án ngữ cửa tử, đổi lấy đường sinh

Cứ điểm 24 chỉ cách đây vài dặm, những tiếng nổ này có đánh động họ không?

Đánh lạc hướng quân địch, liệu người trong lòng có an toàn thoát thân không?

Không biết nữa, nhưng dù phải táng một mạng này cũng thử.

Tiểu đội hai mươi ba người nếu toàn quân bị diệt, những di vật này biết thác vào đâu?

Nên Phượng à, anh em, nhất định mày phải sống.

Còn tao, phải sống, biết chưa?

.

Đôi dòng chữ đỏ vội vàng trên tấm ảnh đen trắng, run rẩy mấy cũng không dám siết bàn tay, bởi chăng đây là thứ cuối cùng còn sót lại.

Góc phải dưới cùng trên mặt ảnh, hai hàng chữ bé xíu chạy ngang

Xuân Trường, Công Phượng
1975, thương nhớ.

1975, thương nhớ

Người về phương Bắc, lại cố hương
Tro tàn xin gửi một nắm xương
Áo xanh đã bạcchinh chiến
Tóc xanh đã nhuộm màu nắng vương

Hai mươi ba tuổi, một đời người
Dốc cạn chí khí, đổi xuân tươi
Rừng hoang sương trắng vùi thân lạnh
Vẳng giữa tán xanh một tiếng cười

Không phụ Tổ quốc, phụ non sông
Ngẩng đầu sinh tử nhẹ như không
Hồn trung xin gửi vào non nước
Ánh dương lại tỏ giữa ngày đông




Sống chết bầu bạn, thái bình chung hưởng
Nếu còn kiếp sau, nguyện lại kề vai

Xuân Trường, Công Phượng
1975, thương nhớ...

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenFun.Vip