Than Dieu Dai Hiep Part 3

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Kim Dung


Thần Điêu Đại Hiệp

Hồi 6

Mối Thâm thù trong cổ miếu

Người ngã từ trên mái nhà xuống hình như đã trúng phải một quả chưởng thôi sơn, nên thân mềm nhũn, chân tay bụi xụi.

Phàm trong nguyên tắc vũ công một vũ sĩ bị té bất kỳ trường hợp nào, thân hình phải co lại, tay ôm chặt lấy chân, đều thu gọn vào giữa hai đầu gối, như vậy tai nạn sẽ được hạn chế mà tính mạng sẽ được bảo đảm.

Nhìn qua lối rơi của người bạn trận, bọn người Quách-Tỉnh có cảm giác như người ấy phải bị một tai họa ghê gớm.

May thay, lúc đó Hoàng-Dung phóng mình ra kịp, đưa tay đỡ. Nạn nhân vừa được húng đặt xuống đất thì Hoàng-Dung đã bung người nhảy lên mái ngói. Quách-Tỉnh cũng nhảy theo.

Chỉ trong loáng mắt Hoàng-Dung đã chặn đứng đối phương để so tài sao thấp.

Hoàng-Dung biểu diễn những đường võ cực kỳ lợi hại, đến liên tiếp trong mười hiệp nàng mới cảm thấy võ công của nàng lúc nầy còn tinh tế hơn cách đây mười năm.

Mà đối thủ của nàng lúc đó không ai xa lạ chính là lão Tây-độc Âu-dương-Phong vậy.

Âu-dương-Phong cũng tỏ ra không kém, quả là danh bất hư truyền. Lão tiến thối công thủ một mực chín chắn, trầm tĩnh không để lộ một sắc thái nào để cho đối thủ có thể đo lường được sức lực và chiến thuật của mình.

Hoàng-Dung đánh một lúc bỗng la lớn:

- Âu-Dương tiên sinh:

Tây-Độc nghe tiếng kêu ngơ ngác hỏi:

- Ngươi gọi ta là gì?

Đường quyền của lão trở nên chểnh mảng, lão lui về thế thủ.

Chính vì hai tiếng "Âu-dương" đã nhắc cho lão nhớ mang máng cái gì trong ký ức, nhưng lão không rõ hai tiếng đó do đâu mà lão có cảm giác quen thuộc.

Vừa chống đỡ những đòn chưởng của Hoàng-Dung, lão vừa hỏi:

- Ngươi vừa gọi ta là gì nhỉ?

Quách-Tỉnh điềm tĩnh chờ Hoàng-Dung trả lời, nhưng Hoàng-Dung biết lão còn trong điên dại, chưa thoát khỏi việc uất ức phát khởi từ lúc thất bại ở Hoa-sơn, nên nàng ranh mãnh trả lời:

-Tôi gọi tiên sinh là... Triệu-Tiễn, Tôn-Lý, là Châu-Ngô Trần-Vương.

Hoàng-Dung đọc một tràng tên họ cốt để làm rối loạn thêm tinh thần Âu-dương-Phong. Tội nghiệp cho lão đã ngơ ngác lại càng ngơ ngác không hiểu gì cả.


Quách-Tỉnh vốn tánh thuần hậu không nỡ để cho vợ mình tấn công một ông lão còn đang trong tình trạng bất thường nên xen vào nói:

- Ông lão ơi! Ông nên đi nơi khác! Tốt hơn đừng bao giờ ta gặp nhau nữa. Giữa lúc đó, bỗng từ đàng sau có tiếng hét lớn:

- Mày chính là tên độc ác nhứt đời, đã một tay sát hại năm vị anh hùng huynh đệ của đời ta. Tiếng hét vừa dứt thì bóng cây thiết trượng vừa bổ xuống ngang lưng Âu-dương-Phong. Tiếng thét ấy chính là của Kha-trấn-ác, thủ lãnh nhất hùng nổi tiếng đất Giang-nam.

Quách-Tỉnh hoảng kinh vội la lớn:

- Hãy khoan tay! Sư phụ!

Nhưng đã trễ, cây thiết trượng đã bổ nhào xuống lưng Âu-dương-Phong.

Mà lạ thay! Cây thiết trượng vừa đánh xuống lại dội lên rồi văng khỏi tay Kha-trấn-ác kéo cả người theo.

Chiếc vũ khí nầy vốn nặng ngàn cân, lại bị tung rất mãnh liệt, lúc rơi vào mái nhà phá tan một lỗ ngói, đến lúc rớt xuống đất trúng phải một khách trú đang mơ màng giấc điệp, làm cho người khách nầy bị gãy cả hai chân, nên la thảm thiết.

Quách-Tỉnh thấy Kha-trấn-ác cùng vũ khí rơi xuống một lượt, chàng không lo ngại cho sinh mạng Kha-trấn-ác mà chỉ lo việc Âu-dương-Phong đuổi theo. Chàng liền nhảy ra nghênh địch, hét lớn:

- Âu-dương-Phong! Hãy xem đây!

Đoạn Quách-Tỉnh múa hai tay thành hai vòng khuyên, thoăn thoắt tới lui vừa thủ thế vừa khiêu khích.

Đó là ngón võ đắc ý nhất của Quách-Tỉnh, một trong mười tám đường độc đáo gọi là "Giáng long" mà từ mười năm trước Quách-Tỉnh nhờ nó mới nổi tiếng khi đương cự với các anh hùng trong thiên hạ.

Âu-dương-Phong vừa vận dụng quá nhiều sức lực để đánh bật Kha-trấn-ác, nên cảm thấy trong người thiếu hơi thở, lại đứng ngược chiều gió nên càng thấy ngột ngạt khó chịu.

Trước ngón đòn danh tiếng của Quách-Tỉnh, Âu-dương-Phong không thể khinh địch, lão liền xoay lại tránh hướng gió, và phóng mình xuống để thi thố ngón "Hàm mô công". Thế là hai kỳ phùng địch thủ đã đem sở trường của mình để đối chọi với nhau.

Quách-Tỉnh càng tiến sát vào địch thủ thì chưởng lực càng tăng. Mà Âu-dương-Phong càng chờ đợi thì chưởng lực càng tập trung thêm.

Khi hai bên sắp sáp chiếu, Âu-dương-Phong miệng "ngoạp! ngoạp! ngoạp!" mấy tiếng, hai tay tung ra như hai lưỡi búa. Nhưng gặp phải chưởng lực "Giáng long" của Quách-Tỉnh làm cho thân thế hai địch thủ đều tăng lên cao chấn động cả một bầu không khí.

Đã mười năm qua không gặp nhau lần này quả thật là lần kỳ ngộ giữa đôi anh hùng.


Cuộc đấu của họ ngày nay không phải hào hùng trong đường quyền hay đấu pháp, mà chính trong nội công chiến đấu. Họ đóng phí sức lực vào những ngón võ tầm thường, vào chưởng lực để thách thức nhau sức chịu đựng sức tập luyện công phu. Cho nên mỗi lần chưởng lực gặp nhau là mỗi lần bị sức phản ứng. Sức phản ứng phát ra làm rung rinh mọi vật, lá cây rơi lác đác, ngói nhà nứt răng rắc. Cuộc đấu chiến chỉ trong giây lát mà một khoảng mái nhà làm đấu trường chịu không nổi bị vẹo xuống vỡ lở như một chiếc bành tráng bể. Hai đối thủ cùng bị rơi xuống đất một lúc. Tình cờ họ lại rơi ngay vào phòng, nơi mà người khách bất hạnh bị chiếc thiết trượng của Kha-trấn-ác làm gãy chân lúc nãy. Nào ngói, nào gạch, nào cây cối chôn lấp nạn nhân, chỉ còn nghe tiếng rên siết.

Hai hiệp sĩ đứng trên đống ngói vụn, họ vờn nhau xung quanh một cột trụ trên tiếng rên thảm thiết của kẻ khốn nạn. Không ai mà cả hai đối thủ đều chẳng dám vận dụng chưởng lực sợ thân hình của nạn nhân sẽ bị nát bấy dưới mấy bàn chân tưa.

Hoàng-Dung vừa nhảy xuống thấy tình thế không lợi cho Quách-Tỉnh vì đối với Tây-độc Âu-dương- Phong mà chiến đấu ngoài vòng chưởng lực Giáng-long thì khó mong thắng được.

Như thế, Hoàng-Dung thấy trước cái hại của Quách-Tỉnh nên lanh trí la lớn:

- A! Trương-Ba! Lý-Bôn! Triệu-Năm! Hãy xem đây.

Dứt lời, nàng đánh một chưởng rất nhẹ vào lưng Âu-dương-Phong. Chưởng ấy thuộc vào loại Lạc- Anh chưởng pháp: một loại chưởng tuy nhẹ nhàng song trúng phải thì dù gân cốt có luyện tập cường tráng như Âu-dương-Phong cũng phải tê liệt và nội tạng sẽ bị hoàn toàn rối loạn.

Tuy nhiên, Âu-dương-Phong vừa nghe Hoàng-Dung thốt lên câu nói dị thường, biết rằng nàng dùng thủ đoạn tâm lý để tấn công bất ngờ nên lão đã chuẩn bị trước.

Quả nhiên, đòn chưởng Lạc-Anh vừa hạ xuống thì bị quả thôi sơn của Tây-độc đánh bạt đội trúng Quách-Tỉnh văng ra xa còn Hoàng-Dung té xuống đất.

Muốn áp đảo đối phương, Âu-dương-Phong một lúc phải dùng quả thôi sơn đánh ngã hai đối thủ, nên ông ta cũng lăn lộn, vì ông ta đã đánh phải tấm giáp bào bằng da nhím của Hoàng-Dung. Chính tấm giáp này đã làm cho Âu-dương-Phong lảo đảo.

Cả ba đấu thủ đều lo lắng sợ phần thất bại về mình. Họ không còn kể gì đến nạn nhân bị gãy chân rên siết nữa, họ vận dụng hết chưởng lực để một còn một mất trong trận đấu cuối cùng.

Nhưng chưởng lực họ càng tập trung thì không khí càng ngưng đọng khiến cho hơi thở của mỗi người dần dần đi đến chỗ ngột ngạt.

Bỗng Quách-Tỉnh và Âu-dương-Phong cùng thổi lên một lượt vừa để ra hiệu khai chiến, vừa để thu hút một ít không khí dự trữ cho cuộc đấu.

Không khí vốn đã bị ngưng đọng vì chưởng lực tập trung lại bị đốt phá vì âm thanh của hai tiếng thét cùng phát đi một lúc làm chấn động cả toà nhà mái tường ào ào sập đổ. Mọi người trong khách điếm tưởng như đến giờ tận thế kéo nhau chạy ra khóc lóc. Tiếng kêu ơi ới giữa cảnh ngói đổ nhà tan.


Quách-Tỉnh và Âu-dương-Phong hét xong thì người nào cũng bị máu trào ra khỏi họng, lại gặp lúc tường xiên nhà sập, khói bụi mịt mờ, không còn thấy ai nữa.

Mãi đến lúc vợ chồng Quách-Tỉnh dìu nhau ra khỏi nơi đó thì không còn thấy bóng Âu-dương- Phong đâu nữa.

Một người a hoàn mách lại rằng nó có thấy bóng một lão già phi thân ngược đầu về hướng đông. Hoàng-Dung gặp Kha-trấn-ác đang bế Quách-Tỉnh vào lòng liền nói:

- Thưa sư phụ, nhờ sư phụ trao lại con bé Quách-Phù cho con và cõng Quách-Tỉnh ra khỏi nơi nầy tìm chốn trú ẩn rồi sẽ hay.

Thế rồi, cả bọn người cõng người dắt cùng nhau tiến về hướng đông.

Bấy giờ, Quách-Tỉnh tinh thần vẫn minh mẫn nhưng không nói được vì chưởng lực của Âu-dương- Phong đánh trúng vào lưng và cũng vì phí sức quá nhiều vào việc tập trung chưởng lực.

Nằm trên lưng Kha-trấn-ác lắc lư theo nhịp bước. Quách-Tỉnh lần lần lấy lại sức, hơi thở điều hoà và chưa được bao nhiêu thì Quách-Tỉnh tỉnh hẳn.

Chàng nói với Kha-trấn-ác:

- Thưa sư phụ, con đã hồi sinh, xin sư phụ để con xuống. Kha-trấn-ác mừng rỡ hỏi:

- Con đã bình phục sao? Quách-Tỉnh gật đầu thưa:

- Lão Âu-dương-Phong quả thật lợi hại! Giao đấu với hắn chỉ mấy hiệp mà tổn đến bao nhiêu sức lực.

Rồi Quách-Tỉnh nhìn quanh không thấy Dương-Qua đâu liền hỏi:

- Dương-Qua sao không thấy tung hành?

Kha-trấn-ác không biết Dương-Qua là tên đứa bé nên ngơ ngác nhìn, Hoàng-Dung vội đỡ lời đáp:

- Anh đừng bận tâm. Chúng ta hãy tìm nơi trú ngụ đã. Còn thằng bé em sẽ đi tìm sau. Bấy giờ trời đã mờ sáng, vạn vật bắt đầu hiện ra dưới màn sương đục. Quách-Tỉnh nói:

- Thương tích của anh đã đỡ. Vậy để anh cùng em đi tìm Dương-Qua. Hoàng-Dung cau mày nói:

- Thằng bé nầy lanh lợi lắm! Hơi đâu mà lo.

Quả thật, Hoàng-Dung vừa dứt lời thì thấy xa xa bên kia đường sau một phiến đá trắng thấp thoáng bóng một đứa bé. Hoàng-Dung băng đường chạy đến xem thì quả nhiên là Dương-Qua.

Thằng bé cười hì hì thưa:

- Thưa chú! Thưa thím!

Giọng nói nọ tự nhiên và dịu dàng như đã quen thuộc từ lâu. Và hình như nó đã quen dùng lối xưng hô thân mật này đối với người xa lạ.


Hắn nói tiếp:

- Con chờ mãi chú thím mới đến.

Hoàng-Dung nghi hoặc nhưng chưa khám phá ra được điều gì khả dĩ đành phải làm lơ để dò xét. Nàng giả như không quan tâm, nói:

- Thôi, cháu hãy mau theo chúng ta.

Dương-Qua vừa cười, vừa lểnh mểnh chạy theo sau.

Quách-Phù bấy giờ đã tỉnh ngủ, thấy Dương-Qua, mừng rỡ nói:

- Anh đi đâu đến bây giờ mới thấy mặt. Dương-Qua trả lời:

- Tôi đi bắt dế! Thật vui đáo để. Quách-Phù bĩu môi hỏi lại:

- Vui gì tuồng chơi dế! Anh thấy vui thế nào? Dương-Qua kể:

- Trời ơi! Sao lại không vui! Này, một con dế lớn đấu với ba con dế nhỏ, rồi hai con dế nhỏ nữa phụ lực. Thế là tất cả có năm con dế nhỏ đấu với một con dế lớn. Nhưng con dế lớn một mình cự cả năm con dế nhỏ, hẩy con này ngã bên này, con kia ngã bên kia...

Nói đến đây Dương-Qua im bặt, khiến cho Quách-Phù tò mò hỏi:

- Thế rồi sao nữa?

Dương-Qua chẩu miệng nói:

- Bảo rằng chơi dế không vui sao còn hỏi làm gì?

Quách-Phù phật ý không thèm hỏi, cũng chẳng nhìn mặt Dương-Qua nữa.

Hoàng-Dung tinh ý, biết đứa nhỏ nầy không phải quá ngây ngô đơn giản, liền hỏi dò:

- Thế sao cháu bảo là mãi đi tìm chúng ta? Thì giờ đâu mà cháu đi coi đá dế. Chẳng hay dế ấy của ai vậy?

Dương-Qua không suy nghĩ, trả lời:

- Cháu vừa xem đấu dế, vừa chờ chú thím. Cháu đến đây thì dế đã tản mác hết rồi.

Cả đoàn người vừa đi vừa nói chuyện, phút chốc đã đến một thôn nhỏ. Họ gõ cửa một thất viên lớn mà chủ nhân nổi tiếng là người trọng khách.

Thấy Quách-Tỉnh thọ thương, chủ nhân sai gia đình dọn dẹp chỗ nghỉ ngơi rồi lo cơm nước. Quách-Tỉnh ăn qua loa mấy miếng rồi lên giường an giấc. Còn Hoàng-Dung thấy chồng ngủ ngon,

biết thương tích không đáng kể, liền vào phòng riêng để xem lại chiếc giáp lông nhím mà nàng dùng làm vật hộ thân. Đó là một bảo vật của Đào-hoa đảo đã từng cưú mạng Hoàng-Dung nhiều lần.

Nhưng khi Hoàng-Dung vừa cởi nó ra thì thấy sau lưng chiếc giáp đều bấy nát, nàng lấy tay rờ áo thì chiếc giáp rơi ra một mãnh lớn đúng hình chiếc chưởng thôi sơn của Âu-dương-Phong.


Hoàng-Dung vừa khiếp sợ chưởng lực của Âu-dương-Phong vừa tiếc cho một bảo vật bị huỷ phá. Nàng trở lại bên cạnh chồng cầm chiếc quạt phe phẩy cho Quách-Tỉnh ngủ. Đôi mắt nàng lim dim mà trong trí nàng lại hiện ra hình ảnh của thằng bé Dương-Qua với trăm ngàn câu hỏi thắc mắc.

Rõ ràng lúc Âu-dương-Phong đánh hạ Vũ-tam-Thông rơi xuống đất, Dương-Qua đã cùng Quách- Tỉnh nhảy lên mái ngói chứng kiến. Thằng bé lại có mặt lúc các đấu thủ đấu nhau ở trên đống ngói vụn. Hoàng-Dung lại còn nhớ rõ lúc nàng nhảy xuống lỗ hổng để bảo vệ Quách-Tỉnh thì nó cũng có mặt bên cạnh. Nhưng lạ thay, nơi nó đứng cũng không ngoài tầm chưởng lực của Âu-dương-Phong, thế mà sao nó không sợ hãi, mà vì sao Âu-dương-Phong lại không hạ nó? Rồi đến lúc cả đôi vợ chồng bị đả thương sao nó lại biến mất giữa cảnh nhà hư đổ nát để rồi xuất hiện đúng lúc tại nơi đây? Nhưng nỗi thắc mắc nầy Hoàng-Dung một mình tự tìm lấy câu giải đáp, và nhất cử nhất động đều để ý đến Dương-Qua.

Đêm hôm ấy, không có gì lạ xảy ra. Kha-trấn-ác và Dương-Qua cùng nghỉ chung một phóng nhỏ. Vào khoảng nửa đêm, Dương-Qua thức dậy, rón rén mở cửa, nhẹ nhàng bước ra ngoài. Nhìn lại nó thấy Kha-trấn-ác ngủ say trong mỏi mệt, nó leo qua đầu tường, vừa định buông người xuống thì hai con chó trông thấy cất tiếng sủa. Nó đã chuẩn bị trước hai cục xương bò từ bữa ăn chiều, liền quăng ra. Hai con chó được mồi ngon dành nhau tha chạy mất.

Bấy giờ Dương-Qua cẩn thận nhảy xuống. Và sau khi nhìn sao nó hướng về phía tây đi thẳng. Đi được bảy tám dặm đường đến một ngôi cổ miếu, Dương-Qua bước vào đẩy cổng, gọi nhỏ:

- Cha ơi! cha! Con đến đây!

Có tiếng đáp nhỏ của Âu-dương-Phong. Hắn mừng rỡ chạy vào thấy nghĩa phụ của hắn đang nằm dài trước một pho tượng, hơi thở mệt nhọc.

ấy vì Âu-dương-Phong đã có tuổi mà đấu với Quách-Tỉnh một đối thủ anh hùng, nên mất nhiều sức và lâu phục hồi. Còn Quách-Tỉnh trong tuổi thành niên, dẫu mệt nhọc nhưng dễ mau lại sức.

Dương-Qua ngồi một bên, rút trong túi lấy ra mấy chiếc bánh lột vỏ đút vào miệng Âu-dương- Phong.

Lão già ăn xong hỏi:

- Bọn chúng bây giờ ở đâu?

Dương-Qua nhất nhất kể lại đầu đuôi mọi chuyện cho Âu-dương-Phong nghe.

Chắc độc giả thắc mắc tại sao Dương-Qua biết Âu-dương-Phong ngụ nơi cổ miếu mà tìm đến. Nguyên vì khi Dương-Qua cùng vợ chồng Quách-Tỉnh trú ngụ trong khách điếm thì vào khoảng nửa đêm Âu-dương-Phong đến tìm, thăm nghĩa tử.

Tình cờ đêm ấy Vũ-tam-Thông sau khi bị Lý-mạc-Thu đả thương cũng đến trú ngụ cùng một khách điếm. Cả đêm bị vết thương hành, Vũ-tam-Thông không thể nào chợp mắt được. Bỗng nghe tiếng động trên mái nhà, Vũ-tam-Thông ngỡ Lý-mạc-Thu trở lại, nên mặc dù đang đau ông ta cũng đăng


thân lên mái nhà để nghênh chiến.

Chẳng ngờ trên mái nhà không phải là Lý-mạc-Thu mà lại là Âu-dương-Phong, một địch thủ đã từng làm đánh gục Vũ-tam-Thông lúc thiếu thời.

Thật ra, Vũ-tam-Thông không có ý đấu với Âu-dương-Phong trong lúc nầy, nhưng đã gặp tất phải ra tay. Hai bên đánh chưa đầy mười hiệp, Âu-dương-Phong dùng chưởng thuật đánh rơi Vũ-tam-Thông xuống đất. Rồi kế đó là cuộc đấu chiến với vợ chồng Quách-Tỉnh. Mọi việc đều xảy ra trước mắt Dương-Qua cả.

Đến khi cả hai bên đấu thủ đều thọ thương, và nhân giữa cảnh nhà hư bụi đổ, Dương-Qua thấy không ai chú ý đến mình nhân cơ hội đăng thân theo bóng nghĩa phụ.

Lão già ban đầu phi thân quá mau, Dương-Qua theo không kịp nhưng về sau dần dần thương thế trầm trọng, tốc độ giảm dần. Rồi cuối cùng phải nhờ Dương-Qua dìu đi Âu-dương-Phong mới đến được ngôi cổ miếu để ẩn trú.

Dương-Qua tuy còn bé, song trí óc vô cùng minh mẫn. Nó tự bảo rằng nếu nó không trở về với bọn Quách-Tỉnh thì nhất định họ sẽ đi tìm và như thế sẽ làm lộ tung tích của Âu-dương-Phong.

Nghĩ như thế, nó trở ra đường lớn đón chờ nhập bọn để rồi nửa đêm hôm sau nó lại lén đến cổ miếu để thăm viếng Âu-dương-Phong.

Sau khi ăn mấy chiếc bánh, Âu-dương-Phong thấy hơi khỏe, nói với Dương-Qua:

- Tên họ Quách vừa ăn một quả chưởng của ta, trong bảy ngày nữa chưa chắc nó đã bình phục hẳn. Nó chưa bình phục thì vợ nó không thể rời. Như thế cha không sợ chồng nó đến đây. Cha chỉ sợ tên chột mắt thế nào nó cũng tìm đến vì chính tay cha đã sát hại năm anh em chúng nó nhân cơ hội nầy nó đánh trả thù. Tiếc rằng sức khỏe của cha chưa hồi phục được...

Âu-dương-Phong nói đến đây thốt ra một tràng ho làm dứt cả tiếng.

Dương-Qua ngồi bên cạnh đưa tay vuốt ngực nghĩa phụ, và trong óc lay hoay tìm cách đối phó với Kha-trấn-ác.

Được một lúc, hắn lẩm bẩm:

- Tốt lắm! Ta sẽ có kế làm cho lão già mù lòa đến đây phải mang họa.

Nó chạy đến bàn thờ lấy hai chân đèn và chiếc lư hương đổ tro xuống đất bước lại khung cửa ra vào. Nó đóng nhẹ cánh cửa lại, leo lên trên đầu cửa, cột lỏng chiếc lư đồng vào đấy; rồi nhảy xuống tháo hai chân đèn bỏ rải rác ngay ở lối vào.

Bố trí xong, nó leo lên giá chuông nấp ở đấy. Chiếc chuông nầy nặng vào khoảng hai ba ngàn cân treo lủng lẳng trên không buộc vào giá chuông bằng một sợi dây thừng rất thô và chắc.

Dương-Qua vừa leo, lên giá chuông thì bỗng bên ngoài có tiếng vi vút quen thuộc rõ ràng là chiếc thiết trượng của Kha-trấn-ác đang phi thân đến.

Âu-dương-Phong cũng nghe biết địch thủ sắp đến nơi, liền thu hết tàn lực gượng dậy để ứng địch.


Alert | IP Printer-friendly page | Edit | Reply | Reply With Quote | Top

Author dongta

Author Info Member since Nov-22-01:563 posts, 1 feedbacks, 2 points ID/Subject 1. "Tiếp Theo Hồi 6"

Date/Time Jan-12-02, 06:10 PM () Message

In response to message #0

Trong bóng tối lờ mờ cha con Âu-dương-Phong đang chờ đợi phút kinh khủng sắp diễn biến.

Kha-trấn-ác tuy mắt đã loà song trí còn minh mẫn lắm. Lão dự đoán thế nào sau một trận thư hùng với Quách-Tỉnh, Âu-dương-Phong cũng phải kiệt sức, tìm nơi thanh vắng ẩn thân. Mà trong vùng đó chỉ có cổ miếu là chỗ thanh vắng nhất thời theo lời dân hàng xóm cho lão biết. Lão quyết tìm đến nơi để thanh toán mối cựu thù. Vì vậy lão lợi dụng lúc nửa đêm xách thiết trượng ra đi. Trước khi đi, lão khẽ gọi Dương Qua xem hắn còn thức song chẳng thấy Dương-Qua trả lời, lão ngỡ nó đang say sưa giấc điệp nên an lòng dời gót. Lão nhẹ nhàng phi thân qua bức tường, đinh ninh với sức lực mình còn đủ để đương đầu với Âu-dương-Phong một trận tử thù.

Khi đến cổ miếu, lão để ý nghe ngóng xem hơi thở của Âu-dương-Phong trông thương thế nặng nhẹ thế nào.

Rồi lão lần tay đẩy nhẹ tấm cửa. Bỗng "rầm" một tiếng chiếc lư đồng treo lủng lẳng rơi xuống va vào trán lão, khiến trán lão máu me lai láng. Quá tức bực, lão quơ cây thiết trượng múa quanh và lần bước tiến sâu vào.

Thì chân lão đâm phải mấy chiếc chân đèn bỏ lão dưới đất làm cho lão mất thăng bằng lảo đảo. Đến lúc giữ lại được thế quân bình, lão thét lớn:

- Âu-dương-Phong! Hãy sẵn sàng đền tội. Ngày nay mày còn khoác lác nữa chăng? Dứt lời, lão quất mạnh cây thiết trượng nhắm vào lưng Âu-dương-Phong.

Lúc đó, Âu-dương-Phong đã đem hết tàn lực chống lại cây thiết trượng quái ác ấy. Ông ta quyết định làm cho cây thiết trượng dội lên một phen nữa để cả vũ khí và thân mình Kha-trấn-ác phải nẩy ngược lên.


Song cả hai đều tính sai cả. Kha-trấn-ác vì quá hậm hực, quyết trả cựu thù nên đánh xuống quá mạnh làm cho cây thiết trượng trệt sang một bên, không trúng vào Âu-dương-Phong chỉ làm cho khoảng đất bị vỡ tung nhiều mảnh.

Đánh trật một đòn quyết liệt, Kha-trấn-ác giận dữ, múa chiếc thiết trượng vù vù làm cho Âu-dương- Phong phải mệt nhọc né tránh mới thoát khỏi:

Âu-dương-Phong đang trong bệnh hoạn, làm thế nào cự với Kha-trấn-ác lâu dài được. Cuối cùng Âu- dương-Phong mệt sức, để cho thiết trượng đành toạt vào vai máu chảy đầm đìa.

Đáng lẽ những kẻ tầm thường thì một khi thiết trượng đã trúng phải tất tâm hồn mê loạn, song Âu- dương-Phong không hề gì, nội tạng vẫn sảng khoái như thường ấy là nhờ sức nội công của lão đã đến mức siêu việt.

Dương-Qua đứng bên cạnh nhìn thấy nghĩa phụ bị thương tới tấp nó nóng lòng muốn xông vào trợ lực, nhưng xét lại sức lực nó đối với Kha-trấn-ác chẳng khác nào hạt cát trong bãi phù sa, nó đành đấm bụng đứng nhìn vậy.

Kha-trấn-ác đánh trúng Âu-dương-Phong một trượng nhưng thấy Âu-dương-Phong vẫn bình thản, hơi thở vẫn trong tình trạng khỏe khoắn, lấy làm lạ nghĩ thầm:

- Quái lạ! Cây thần trượng của ta chưa bao giờ mất hiệu lực, sao nay đánh trúng Âu-dương-Phong mà hắn vẫn còn đủ sức đương cự được.

Nghĩ như thế, Kha-trấn-ác càng tức giận, vung thiết trượng đánh tới tấp vào đối phương.

Nhưng lạ thay, lão cảm thấy cây thiết trượng của lão như đánh vào tấm đệm lông mềm nhũn. Lão dừng tay nghe ngóng thì thấy hơi thở của Âu-dương-Phong vẫn điều hòa.

Càng tức giận hơn, Kha-trấn-ác quyết tìm đích cho được đầu Âu-dương-Phong bổ xuống.

Nhưng Âu-dương-Phong vốn tay anh hùng trong thiên hạ, đâu dễ gì chịu bỏ thân dưới cây thiết trượng kia, lão vươn mình tới ôm chầm vào mình Kha-trấn-ác. Thế là Kha-trấn-ác không còn cách gì vận dụng cây thiết trượng nữa. Hai bên dằng co nhau.

Kha-trấn-ác chân vừa bị dẫm phải mấy chân đèn nên bị vẹo đứng không vững, bị Âu-dương-Phong vật ngã nhào xuống đất.

Âu-dương-Phong quyết không thả, hai tay ôm chặt lấy bụng Kha-trấn-ác lăn lộn mấy vòng, bỗng tay lão chạm phải một vật cứng.

Thì ra đó là một con dao đồ tể trước kia Trương-kha-Sanh thường dùng vào việc hạ trâu bò tế lễ. Tuy gọi thế, nhưng thật ra Trương-kha-Sanh chưa bao giờ nhúng lưỡi dao đó vào máu súc vật mà chỉ dùng nó để làm vật hộ thân. Khi Trương-kha-Sanh lâm trận ở Mông-cổ dưới thời Đại-Hán bị chết về tay Trần-lập-Phong, thì Kha-trấn-ác lấy làm của mình, và luôn luôn đeo theo mình để làm vật kỷ niệm. Từ đó, Kha-trấn-ác luôn luôn nâng niu con dao chẳng bao giờ lìa, xem như một kẻ thân yêu.

Trong lúc vật lộn cùng Âu-dương-Phong, cán dao ló ra ngoài. Âu-dương-Phong bắt được cơ hội tốt,


chợp lấy cán dao rút ra, và đâm vào bụng Kha-trấn-ác.

Kha-trấn-ác kinh hãi, thóp bụng lại, vận nội công chống cự một tay xô địch thủ ra, một tay tha thiết trượng về đánh bạt lưỡi dao qua một phía, rồi nhắm vào đối thủ múa tới tấp.

Chiếc thiết trượng lần này trúng vào đầu Âu-dương-Phong, song trong lúc hỗn loạn Kha-trấn-ác đã cầm ngược vũ khí nên không gây nguy hiểm gì. Mặc dù thế, đòn đó cũng đã làm cho Âu-dương- Phong hoa mắt, ù tai, chiếc dao đồ tể văng bổng trên không trung bắn trúng vào cái chuông đồng to lớn, phát ra một tiếng ngân chát chúa.

Tiếng chuông ngân dài và lớn làm át cả hơi thở của Âu-dương-Phong, khiến Kha-trấn-ác mất hẳn phương hướng của địch thủ. Ông ta chờ tiếng chuông dứt sẽ tấn công trở lại.

Bấy giờ ánh trăng khuya vừa lên tận giữa miếu, soi rõ hình dạng Kha-trấn-ác đang trong thế đợi chờ vô cùng rùng rợn. Đầu tóc bồm xồm, cặp mắt mù loà không còn sinh khí, quần áo rách tả tơi. Một làn máu đỏ từ trên trán nhểu xuống thấm qua thân áo chảy đến giữa bụng. Lão đợi cho tiếng chuông ngân dứt để tìm nơi có hơi thở của đối phương mà đánh.

Dương-Qua lanh trí, biết rõ sự chờ đợi của lão già, liền lách mình đến lượm con dao rồi thoăn thoắt trèo lên giá chướng lấy cán dao gõ mạnh vào.

Tiếng chuông này chưa dứt đã tiếp đến tiếng chuông khác, khiến cho Kha-trấn-ác hoang mang không thể nào tìm hiểu vị trí của đối thủ.

Tức giận Kha-trấn-ác một lần nữa, múa thiết trượng vù vù. Thiết trượng càng múa bao nhiêu thì Dương-Qua càng đánh chuông bấy nhiêu. Tiếng chuông kêu vang tai, nhức óc.

Cuối cùng, Kha-trấn-ác không chịu nổi tiếng chuông dùng tay để nghe ngóng. Và cũng nhớ thế, Âu-dương-Phong có đủ thì giờ để tìm cách đối phó.

Những tiếng chuông bất thường kia nếu đã giúp cho Âu-dương-Phong tránh được cây thiết trượng của Kha-trấn-ác thì nó lại cho Âu-dương-Phong mối sợ hãi.

Bởi vì trong đêm vắng, tiếng chuông ngân liên hồi, nếu vợ chồng Quách-Tỉnh hay được đến tiếp cứu thì tánh mạng Âu-dương-Phong khó bảo toàn. Như thế mối nguy cơ lại còn trầm trọng hơn.

Âu-dương-Phong nghĩ nên đào tẩu là hơn, bèn lui chân về phía hậu viện.

Kha-trấn-ác tuy mù lòa cũng rất tinh anh, biết rằng đối phương có thể lợi dụng lúc ông ta dừng tay để thoát thân, nên thiết trượng bất thần vụt về phía hậu môn một cái.

Đang bước lui, bị đòn thiết trượng, Âu-dương-Phong lúng túng phải né sang một bên, và gây ra tiếng động.

Thế là Kha-trấn-ác lại có dịp theo dõi đối thủ. Lão hét lớn:

- à! Tao biết mày sống dai. Nhưng lần nầy, mày phải tuyệt mạng! Dẫu mày có còn sống sót đi nữa cũng phải chịu tàn tật như tao.


Nói xong, tiến đến hậu môn, Âu-dương-Phong phải thụt lùi núp vào giá chuông. Và Kha-trấn-ác cố đuổi theo không bỏ. Hai người vờn nhau chạy xung quanh giá chuông như hai đứa bé chơi cái trò chơi đuổi bắt.

Dương-Qua đứng trên nhìn xuống thấy tình thế đoán biết nếu cuộc đuổi bắt này kéo dài thì nhất định nghĩa phụ nó phải kiệt sức, và không thể nào thoát khỏi tay Kha-trấn-ác.

Một ý kiến đột phá trong trí óc thằng bé tinh khôn. Nó ra hiệu cho nghĩa phụ nó phải thay đổi chiến thuật và thoát ra khỏi phạm vi của chiếc chuông. Nhưng Âu-dương-Phong đang chú mục vào Kha- trấn-ác, không để ý đến dấu hiệu của Dương-Qua.

Dương-Qua không biết làm sao, mà cũng chẳng dám lên tiếng liền leo ra phía ngoài có ánh trăng chiếu vào. Nó lấy tay ra hiệu Bóng đen của nó nhờ ánh trăng phản chiếu đã làm cho Âu-dương- Phong lưu ý.

Thấy bóng tay thằng bé khoát qua khoát lại, Âu-dương-Phong tưởng nghĩa tử có dụng ý bảo mau rời bỏ ngôi miếu, liền lập tức vụt chạy về phía tiền điện.

Kha-trấn-ác rất thính tai. Lúc bấy giờ chuông hết ngân, mọi vật im phăng phắc nên hướng chân của Âu-dương-Phong lão nghe rõ mồn một.

Lão mừng thầm vì địch thủ đã bước vào tử lộ.

Thật vậy, Âu-dương-Phong thoát ra phía tiền điện chỉ là mớ thoát ra khỏi điện chứ làm sao có lối thông ra đường.

Kha-trấn-ác trầm tỉnh và thận trọng hướng tai theo tiền điện, nhất định lần nầy đối thủ không bao giờ có thể thoát thân.

Trong lúc đó, Dương-Qua lẹ làng cởi hài ra, đi chân không, bò nhẹ về phía hậu điện, rồi bất thình lình đạp xuống đất một tiếng thật mạnh như tiếng động của một người chạy. Kha-trấn-ác ngạc nhiên không hiểu sao cả. Rõ ràng tai lão nghe có tiếng người ở hậu điện, và cũng rõ tai lão vừa nghe tiếng người chạy ra phía tiền điện.

Trong lúc Kha-trấn-ác đang trừ trù suy nghĩ, đứng ngay dưới chiếc chuông thì Dương-Qua nhẹ nhàng nhón chân bước vào, leo lên giá chuông dùng chiếc dao đồ tể cắt sợi dây thừng buộc chuông. Chiếc dây thừng cứng quá, mặc dù dao rất bén nhưng úp ngay đầu Kha-trấn-ác.

May thay! Kha-trấn-ác lúc đó chống ngược cây thiết trượng cản hướng về chiếc chuông, nên chuông rơi nhờ thiết trượng không trúng đầu. Chiếc chuông chạm phải thiết trượng vang lên một tiếng rơi lật nghiêng sang một phía, úp Kha-trấn-ác vào trong. Thất kinh, Kha-trấn-ác bò ra khỏi chuông nhưng vừa ra khỏi chưa kịp đứng dậy thì cây thiết trượng chịu không nổi trọng lượng của chiếc chuông nên gãy làm đôi, và đè một nửa cây thiết trượng dưới đất.

Cũng may, nếu cây thiết trượng gãy lúc nãy thì tánh mạng Kha-trấn-ác đã quy thiên rồi.

Chẳng hiểu rõ sự việc ra sao. Kha-trấn-ác nghĩ rằng trong điện hẳn có một con quái vật theo phá


phách ông ta.

Nghĩ thế, lão chỉ còn có cách tạm lánh mình rồi sẽ tính. Lão bò lần ra phía ngoài và tẩu thoát.

Đứng phía ngoài điện nhìn vào thấy Kha-trấn-ác thoát chết Âu-dương-Phong chép miệng nói:

- Thật đáng tiếc! Thật đáng tiếc!

Dương-Qua lúc đó mới bò lần từ trên giá chuông xuống, mừng rỡ chạy đến bên Âu-dương-Phong nói:

- Cha ơi! Lão mù đó nhất định không dám đến đây nữa đâu. Cha cứ lo tịnh dưỡng tâm thần. Âu-dương-Phong lắc đầu nói:

- Không đâu con ạ! Cha với nó có mối thù sâu như biển cả. Chẳng qua vì mất thiết trượng nên nó tạm lánh để tìm phương kế, sớm muộn gì nó cũng trở lại. Hễ còn chút hơi thở là nó còn phải trả thù. Dương-Qua nói:

- Hay là cha con ta xa lánh nơi này, tạm tránh những nguy cơ dồn dập. Âu-dương-Phong buồn bã, nói:

- Không được! Hiện giờ cha mang thương nặng gần kiệt sức không thể nào chạy đi đâu xa được. Dương-Qua hỏi:

- Thế thì chúng ta phải làm sao để tránh sự trả thù của lão già mù lòa kia?

Âu-dương-Phong suy nghĩ một hồi, đưa mắt nhìn chiếc chuông, nằm nghiêng trên nửa cây thiết trượng, nói với Dương-Qua:

- Còn có cách này! Cha sẽ chen mình vào trong chiếc chuông con ở ngoài nắm cây thiết trượng xeo lên cho chiếc chuông úp cha vào trong. Như thế rất bảo đảm. Cha sẽ tránh được bàn tay của hắn. Dương-Qua hỏi:

- Thế rồi lúc muốn ra cha làm sao ra được? Vả lại lúc cha đói bụng con làm sao chuyền đồ ăn vào? Âu-dương-Phong trả lời:

- Con đừng lo! Cha chỉ cần được yên ổn ngồi trong chuông độ bảy ngày đêm, không cần ăn uống gì cả, cha sẽ lấy ngay lại được sức lực như xưa. Chừng đó, chẳng những cha đẩy hỏng chiếc chuông lên một cách dễ dàng mà còn đủ sức để đương đầu với bọn chúng nữa. Cha chỉ sợ có một điều rủi Kha- trấn-ác đến đây giở chuông lên thì thiệt mạng.

Dương-Qua nói:

- Lão già ấy cũng đang trong thương thế rất nặng, làm gì mà phá nổi chiếc đại đồng chung. Nhưng thôi, con sẽ làm theo ý cha để cầu may.

Âu-dương-Phong liền bước đến ngồi gần bên chuông Dương-Qua cột dây vào đầu thiết trượng hè hụi một hồi, nhờ sức của Âu-dương-Phong phụ vào mới lật úp chiếc chuông lại được. Âu-dương-Phong ngồi gọn vào trong.


Dương-Qua kêu nghĩa phụ mấy tiếng không nghe Âu-dương-Phong lên tiếng hắn biết nghĩa phụ hắn đã được an toàn liền quay gót ra đi.

Nhưng vừa đến cửa, nó lại nẩy ra một ý kiến. Nó quay vào điện lấy con dao rạch máu độc ở vết thương hoà một ít nước xung quanh chiếc đại đồng chung, nó tin chắc bất cứ một người nào rờ tới chiếc chuông đó sẽ bị nhiễm độc của Xích-luyện thần chưởng.

Thi hành xong diệu kế. Dương-Qua băng mình chạy một mạch về khách điếm. Nó chỉ sợ Kha-trấn- ác về trước biết được sự vắng mặt của nó thì nguy.

Nhưng về đến nơi, thấy cánh cửa sau khách điếm còn mở rộng, Kha-trấn-ác chưa về. Thế là nó an tâm vào phòng leo lên giường đắp mền giả ngủ để chờ nghe động tịnh. Lòng nó băn khoăn tự hỏi chẳng biết vì đâu lão già mù lòa đó đến bây giờ vẫn chưa về đến.

Cho đến gần sáng thì có tiếng gõ cửa. Dương-Qua làm như người vừa mới ngủ thức dậy, mở cửa ngạc nhiên thấy Kha-trấn-ác trong một trạng thái vô cùng bi đát, đầu tóc lão bơ phờ, quần áo lam lũ, mặt mày đầy máu đứng giữa ngưỡng cửa đưa hai tay ra như muốn quờ quạng một cái gì đã mất.

Thấy hai bàn tay của lão đã bị thâm đen, Dương-Qua khi ấy đã trở lại cổ miếu và đã thử lật chiếc chuông lên để hạ nốt Âu-dương-Phong, nhưng thằng bé làm bộ không biết gì, la lớn:

- Trời ơi! Ông làm sao thế hở ông? Sao hai bàn tay của ông đen thâm như vậy? Chết rồi! Ông lại bị mò phải kim độc của Lý-mạc-Thu rồi!

Vợ chồng Quách-Tỉnh nghe lạ chạy đến, thấy thế ngạc nhiên, ông lo lắng, hỏi:

- Thưa sư phụ! Sư phụ vì sao lại thế!

Kha-trấn-ác lắc đầu buồn rầu không trả lời.

Hoàng-Dung chợt thấy hai bàn tay thâm đen của lão, kinh ngạc nói:

- ái chà! Lại con nữ tặc Lý-mạc-Thu nữa rồi! Dứt lời, nàng hướng về phía Quách-Tỉnh, nói:

- Anh chưa được khỏe hẳn, vậy cứ để một mình em đi tìm nó mà rửa hận! Em sẽ cùng nó sống mái một phen anh nhé!

Nói xong nàng thoăn thoắt ra đi. Kha-trấn-ác vội lên tiếng gọi lại:

- Không phải con nữ tặc Lý-mạc-Thu. Hoàng-Dung dừng bước, quay đầu lại hỏi:

- Thưa sư phụ! vậy nó là ai? Kha-trấn-ác trầm ngâm im lặng.

Quách-Tỉnh và Hoàng-Dung đã thừa hiểu tâm trạng của Kha-trấn-ác. Ông lão không bao giờ chịu nói tên kẻ chiến thắng mình.

Với một quá khứ oai hùng vẻ vang, dọc ngang trong chốn giang hồ làm sao người hiệp sĩ già nầy


không có dòng máu tự trọng. Khổ nỗi ngày nay trước sức yếu thân tàn, bệnh tật. Kha-trấn-ác hết thảm bại trước Lý-mạc-Thu lại đến Âu-dương-Phong. Vợ chồng Quách-Tỉnh biết thế không dám hỏi nữa. Mà có hỏi đến đâu, câu trả lời cũng chẳng bao giờ đến, chỉ khiêu lên lòng bực tức đau buồn của Kha-trấn-ác mà thôi.

Vợ chồng Quách-Tỉnh đinh ninh rằng lão vừa bị nhục trước một kẻ vô danh tiểu tốt nào đó. Hoàng-Dung tỏ ý đưa mọi người trở lại Đào-hoa đảo để có dịp dưỡng bệnh, rồi mình sẽ ra đi tìm kiếm Xích-luyện tiên tử.

Quách-Tỉnh thấy sư phụ mình trọng bệnh như thế này nên cũng bằng lòng. Thế là đoàn người thuê thuyền tiến thẳng về đảo Đào-hoa.

Chiều hôm ấy họ neo thuyền ở một ven biển để thổi cơm.

Quách-Phù nguyên đã giận thái độ của Dương-Qua nên suốt cả ngày đường không hề chuyện vãn. Khi thuyền đậu, Quách-Phù ngồi một mình nhìn ra cửa thuyền ngắm cảnh trên bờ, chợt ngó thấy dưới gốc cây thùy liễu có hai đứa bé đang ngồi khóc.

Nhìn kỹ, nó nhận ra đó là Vũ-tu-Văn và Vũ-đôn-Nhu hai đứa con trai của Vũ-tam-Thông và Vũ-đại- Nương.

Quách-Phù cất tiếng gọi:

- Kìa! Các anh làm gì đấy?

Tu-Văn nín khóc, nhìn Quách-Phù đáp:

- Tao đang khóc, mày không thấy sao mà hỏi. Quách-Phù hỏi:

- Vì sao lại khóc? Bị mẹ đánh chăng? Vũ-tu-Văn đáp lời trong nước mắt:

- Mẹ tao mất rồi còn đâu mà đánh.

Hoàng-Dung rõ được tông tích hai đứa bé, ngạc nhiên nhảy vội lên bờ, nhìn thấy chúng ngồi bên cạnh thây Vũ-tam-nương. Người thiếu phụ nầy thân thể đều bầm đen, đúng là đã chết vì bất độc của Xích-Luyện thần chưởng.

Hoàng-Dung ôm hai đứa bé hỏi lại sự tình, và hỏi thăm tin tức của Vũ-tam-Thông. Đôn-Nhu thưa:

- Cháu chẳng biết cha cháu hiện giờ trôi dạt nơi đâu. Tu-Văn nói:

- Cha cháu thấy mẹ cháu mất trí óc đã điên dại lại càng trở nên hỗn loạn. Chúng cháu gọi thế nào cha cháu cũng bỏ đi, và hiện giờ chẳng biết đi đâu.

Dứt lời, cả hai đứa bé đều nổi lên khóc một lượt. Hoàng-Dung hỏi:


- Hai cháu có đói không?

Hai đứa bé nghe hỏi mới nhớ lại rằng suốt ngày hôm ấy chúng nó chưa ăn một vật gì trong miệng. Chúng thôi khóc và vật dần xuống.

Hoàng-Dung thương tình đưa chúng nó xuống thuyền bảo phụ thuyền dọn cơm, và cả đoàn cùng chung ăn uống.

Ăn xong, Hoàng Dung lo quan quách chôn cất Vũ-tam-nương tử tế, rối sáng hôm sau lại nhổ sào nhắm đảo Đào-hoa xuôi sông.

Kim Dung

Thần Điêu Đại Hiệp

Hồi 7

Bốn trẻ đồng môn

Chẳng bao lâu thuyền cặp bến đảo Đào-hoa. Trong suốt cuộc hành trình, Quách-Tỉnh nhờ Hoàng- Dung săn sóc nên thương tích thuyên giảm khá nhiều, vả lại được một thời gian nghỉ ngơi sức lực chàng bình phục như xưa.

Vợ chồng Quách-Tỉnh không lúc nào quên nghĩ đến Âu-dương-Phong. Họ lấy làm lạ chẳng biết tại sao đã mười năm qua ông lão anh hùng nầy vẫn còn giữ được sức lực tài năng và phong độ tự thuở nào, mặc dù tuổi đã về chiều. Thì ra con người kỳ dị ấy bất chấp cả thời gian.

Đó là vợ chồng Quách-Tỉnh chưa chứng kiến vụ phục thù của Kha-trấn-ác đối với Âu-dương-Phong nơi cổ miếu. Nếu họ thấy trận phục thù đó họ còn ngạc nhiên sức dẻo dai của Âu-dương-Phong hơn nữa. Sáng hôm ấy, sau khi bàn bạc cùng nhau, Quách-Tỉnh và Hoàng-Dung gọi Dương-Qua vào cật vấn về sự việc quá khứ. Dương-Qua đang cùng con bé Quách-Phù bắt dế, nghe kêu nó đã đoán biết là nó sắp trả lời những câu hỏi khó khăn nên đã dự ý trước.

Nguyễn Dương-Qua cùng người mẹ là Trần-nam-Ngân trước đây sống về nghề bắt rắn nơi chân núi Trường-Lĩnh. Nghề bắt rắn vốn không phải là nghề kiếm ăn dư giả, nhưng cũng nhàn hạ. Ban đêm họ chỉ vất vả mấy tiếng đồng hồ lục lạo ở các ven rừng ở bờ bụi may ra cũng đủ độ nhật trong một ngày.

Đối với Trần Thị, nghề nghiệp và sinh kế không quan trọng bằng việc giáo dục con. Ngày nào cũng như ngày nào, người mẹ kiên trinh ấy quyết tâm rèn luyện cho con mình mong trở thành người lý tưởng.

Những lời giáo huấn môn phong trước đây đã vun đúc vào cho Dương-Qua một tâm tánh phong nhã. Trần thị lại đem những ngón sở trường trong vũ thuật mà bà đã góp nhặt trên bước phiêu lưu giang


hồ để truyền lại cho Dương-Qua, đứa con duy nhất của bà.

Từ khi Dương-Qua trí khôn mới bắt đầu thành hình đã tỏ ra thông minh đáo để. Nó học đâu nhớ đó. Không một quyển sách nào, một lời giáo huấn nào của từ mẫu răn dạy mà nó không thuộc làu. Đến như việc bắt rắn, nó chẳng học tập gì cả, cứ hàng đêm xách đèn theo mẹ, ấy thế mà mới vừa lên tám nó đã có nhiều kế hoạch bắt rắn thông thạo hơn người mẹ là khác.

Những lúc cùng nhau lặn lội dưới chân Trường-sơn để theo dấu vết những con rắn, người mẹ thường kể cho Dương-Qua nghe là trên đời này chỉ có một người, hay đúng hơn là một danh nhân lấy việc nuôi rắn để mưu đồ việc lớn. Danh nhân ấy có thể sai khiến được rắn thành hàng ngũ, lập thành trận thế và điều khiển theo binh pháp. Danh nhân ấy hiện trú ẩn nơi Bạch-đà-Sơn.

Câu chuyện nầy làm cho Dương-Qua lưu ý và thích thú nhất. Có nhiều lúc Dương-Qua mơ ước được thành danh nhân đó, nên nó tự mình bắt rắn huấn luyện theo mơ tưởng.

Lần lần Dương-Qua nuôi được một đoàn rắn tinh khôn, biết nghe theo mệnh lệnh của nó.

Tuy nhiên, nó vẫn chưa thỏa, ước mong sao một ngày nào đó nó gặp được vị danh nhân để có thể sai khiến theo phép thuật danh truyền.

Mẹ con sống với nhau được mười năm thì một hôm người mẹ rủi ro bị rắn độc cắn, trong người quên mang theo thuốc giải độc nên ngất lịm, nằm mê mang dưới chân núi. Dương-Qua vội chạy về nhà lấy thuốc giải độc, nhưng đến nơi, nọc độc đã thấm vào tim, người mẹ chỉ còn là một cái xác không hồn. Còn biết làm sao hơn, Dương-Qua khóc lóc một hồi rồi đành nuốt hờn chốt cất người mẹ, trở về sống cô đơn nơi chân núi với túp lều tranh trên đồi, nó chỉ còn một con chim hồng và đàn rắn làm bạn.

Song lẽ, đã mất mẹ, người mẹ yêu dấu kia, nó còn thiết gì căn lều ở chân núi Trường Lĩnh nữa, một hôm nó bỏ nhà đem con chim nhỏ và đàn rắn đi phiêu bạt đó đây, hi vọng hão huyền sẽ được gặp vị danh nhân Bạch-Đà-Sơn để học thuật luyện rắn.

Chẳng ngờ bước phiêu lưu, tình cờ đã đưa đẩy nó gặp gỡ Lý-mạc-Thu để mất cả chim hồng và đàn rắn khôn, và thân nó bây giờ chỉ trơ trọi một mình không biết đâu nương tựa...

Bao nhiêu câu chuyện về dĩ vãng nó đem kể lại cho vợ chồng Quách-Tỉnh nghe.

Nghe đến đây, Hoàng-Dung căm tức Lý-mạc-Thu đã sát hại con chim hồng mà chính con chim ấy trước đây Hoàng-Dung đã từng nâng niu.

Tiếp đó, Hoàng-Dung lại cật vấn đến việc Dương-Qua ở đâu lúc Vũ-tam-Thông và Âu-dương-Phong đấu nhau. Làm sao Dương-Qua lại quen biết Âu-dương-Phong và Âu-dương-Phong là ai.

Dương-Qua cảm biết Hoàng-Dung là kẻ linh lợi, một kẽ hở nhỏ cũng đủ để Hoàng-Dung thấu hiểu sự tình và khai thác hành tung nên nó một mực tỏ ra rất thản nhiên, một mực tỏ ra thành khẩn để lập lại những điều mà nó đã sắp đặt trước. Thỉnh thoảng nó kể những mẩu chuyện xen vào ăn khớp với người nầy người kia để đánh trống lảng.

Nghe thằng bé kể lời lẽ tự nhiên, sự việc hợp tình hợp lý, lại tuổi tác nó còn nhỏ bé. Hoàng-Dung


thật khó lòng nghi ngờ. Tuy nhiên, nàng cũng khó mà tin cậy trước cái vẻ tinh khôn của nó.

- Cháu ngoan lắm! Thôi cháu hãy ra ngoài chơi với anh em họ Vũ đi. Dương-Qua ra khỏi phòng, Quách-Tỉnh và Hoàng-Dung tiếp tục bàn bạc. Quách-Tỉnh nói:

- Này em Dung! Chắc em hiểu rõ lòng anh. Ngày nay anh gặp được cháu Dương-Qua anh tưởng như cuộc hội ngộ trời cho thật lấy làm vui sướng.

Nguyên vì thuở trước ông thân sinh Quách-Tỉnh cùng ông nội Dương-Qua là đôi bạn chí thiết. Bấy giờ nhân hai người vợ cùng có thai, đôi bạn thân bèn uớc hẹn cùng nhau, hễ sanh đồng trai thì cho chúng làm anh em, đồng sinh gái thì cho chúng làm chị em, nếu sanh một trai một gái thì cho chúng làm vợ chồng. Sau đó mỗi người vợ đều sinh mỗi người một trai. Bởi vậy Dương-Khang và Quách- Tỉnh theo lời nguyện ước của song thân kết làm anh em, xem nhau như ruột thịt mặc dù khác họ.

Về sau Dương-Khang vì mạo nhận giặc cướp làm cho cha già bị chết thê thảm ở miếu Thiết-Phương Gia-hưng-vương. Từ đó Quách-Tỉnh buồn bã thương nhớ không nguôi. Nay tình cờ gặp đặng Dương-Qua, con của người anh em, Quách-Tỉnh xiết bao mừng rỡ.

Hoàng-Dung tuy hiểu rõ tình ý của chồng, song không muốn chồng mình đem tình cảm đối với Dương-Qua như thế, và ngại rằng với Dương-Qua như thế, và ngại rằng với lời ước hẹn của phụ thân, Quách-Tỉnh sẽ buộc gả con bé Quách-Phù cho Dương-Qua mà lòng nàng không thích.

Hoàng-Dung bảo:

- Như thế em không bằng lòng. Quách-Tỉnh ngạc nhiên nhìn vợ, hỏi:

- Em không bằng lòng điều gì? Hoàng-Dung đáp:

- Điều rất đơn giản là em không muốn gả Quách-Phù cho Dương-Qua, con một tên tướng cướp. Quách-Tỉnh nói:

- Dẫu em cho nó có thành tích bất hảo đi nữa cũng nên nghĩ đến lời thề ước của tiều nhân. Vả lại Dương-Qua diện mạo khôi ngô, cử chỉ linh lợi, tư cách thông minh. Nếu chúng ta gia công rèn luyện chắc chắn sau này tương lai phải vẻ vang tươi sáng.

Hoàng-Dung lắc đầu, nói:

- Em chỉ ngại nó quá thông minh mà hỏng. Quách-Tỉnh mỉm cười, nói:

- Thế sao em cũng thông minh và lanh lợi mà không hỏng. Có gì phải e ngại? Hoàng-Dung cũng mỉm cười:

- Nhưng em nhờ gặp được người chồng tuấn kiệt như anh. Quách-Tỉnh nhún vai nói:


- Nhưng sao em chắc rằng Dương-Qua không phải là người chồng lý tưởng của Quách-Phù? Biết đâu khi lớn lên Quách-Phù lặn lội đó đây mà không sao tìm được người chồng thông minh tuấn kiệt như Dương-Qua.

Hoàng-Dung bỉm môi, nói:

- Chà quí quá!

Sau mấy câu trò đùa, Quách-Tỉnh nghiêm trang nói:

- Lúc sinh tiền thân phụ thường nhắc với anh rằng khi Dương-thúc-Tâm lâm chung, thúc phụ tỏ ý hy vọng anh có thể giữ trọn lời thề. Nếu nay anh không săn sóc Dương-Qua coi như con đẻ thì anh đã phụ lòng thân sinh, và chữ hiếu anh không làm tròn, mà chữ nghĩa cũng chẳng đầy đủ.

Dứt lời, Quách-Tỉnh buông tiếng thở dài.

Tiếng thở dài đầy tình cảm và nhơn nghĩa đã làm cho tâm hồn lẫn lý trí Hoàng-Dung phải dao động. Hoàng-Dung hạ thấp giọng nói:

- Em nói thế chứ đôi trẻ còn nhỏ đã gấp gì định đoạt. Ngày sau, nếu Dương-Qua quả là người tốt thì anh muốn thế nào em xin nghe theo thế ấy, không có gì làm cho anh băn khoăn.

Quách-Tỉnh liền đứng dậy, hai tay chấp lại trịnh trọng nói:

- Đa tạ nương tử bằng lòng bỉ nhân vô cùng cảm kích.

Hoàng-Dung cũng thủ lễ, chấp tay bái chồng, trịnh trọng thưa:

- Thưa phu quân! Thiếp bằng lòng trong tương lai, nếu Dương-Qua là người tốt. Quách-Tỉnh nghiêm trang, nói với giọng cương quyết:

- Dương-Khang, cha của Dương-Qua sống trong Vương-phủ Kim-quốc có thể có những điểm hư hỏng, nhưng Dương-Qua nếu đã được giáo dục trên đảo Đào-hoa không có lý gì lại không trở nên một chàng trai tuấn kiệt! Điều đó em khỏi lo!

Hoàng-Dung mỉm cười nói sang câu chuyện khác, không bàn luận đến việc Dương-Qua nữa. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên xét qua đôi tâm hồn non trẻ của Dương-Qua và Quách-Phù.

Ban đầu, lúc mới gặp nhau, cô bé Quách-Phù vốn có ác cảm với Dương-Qua, không chịu làm bạn với nhau. Nhưng trẻ thơ dễ quên, chẳng bao lâu Quách-Phù lại rủ Dương-Qua đi bắt dế ngoài khuê viên. Và bao nhiêu hiềm khích đều quên hết.

Lúc Dương-Qua bị Hoàng-Dung gọi vào chất vấn. Quách-Phù ngồi đợi mãi một lúc mới thấy Dương-Qua trở ra.

Dương-Qua nghe trong lùm cây có tiếng nói xì xào liền đưa mắt nhìn vào, thấy anh em họ Vũ ra đấy tự bao giờ, và cũng đang cùng với Quách-Phù bắt dế. Vũ-đôn-Nhu tay xách một chiếc lồng tre nhỏ, Quách-Phù bưng một cái thẩu lớn, cả hai đang lum khum nhìn xuống một tảng đá, nơi đấy Tu-Văn đang ra sức lật lên một vừng đất.

Vừng đất vừa lật lên, một con dế rất lớn nhảy phóc ra, Tu-Văn hối hả đuổi theo chụp.


Quách-Phù mừng rỡ, reo lên:

- A! Dế lớn quá! Anh bắt cho em nhé!

Tu-Văn cẩn thận cầm con dế trao cho Quách-Phù, nói:

- Con dế này đẹp lắm, xin biếu cô nương.

Quách-Phù cầm lấy, mở nắp thần bỏ vào. Qua làn thủy tinh con dế quả có một thân hình vô cùng đẹp đẽ. Màu vàng sẫm, đầu vuông, càng lớn, vế to, chắc chắn nó là một cự tướng trong làng dế.

Vũ-tu-Văn nói:

- Dế này phải gọi là vô địch đại tướng quân. Rồi Tu-Văn quay lại nói với Dương-Qua.

Nầy Dương huynh! Số dế của Dương huynh bắt được có con nào địch lại với con nầy chăng. Nếu có, đem ra đấu một trận thư hùng cho biết sức.

Dương-Qua thấy Tu-Văn có vẻ khiêu khích, tỏ ý bất bình nhưng không nói gì cả, lấy giỏ dế của mình ra, lựa một con lớn nhất, hùng dũng nhất thả vào bồn đấu.

Con dế lớn màu vàng sẫm thấy bóng địch thủ liền gáy lên một tiếng, giương hai càng múa râu lên trời trong dáng điệu rất dũng mãnh.

Qua một lúc, nó tung hai chiếc đùi đá lại vào con dế của Dương-Qua một đòn làm cho con dế của Dương-Qua khiếp quá, quay đầu bỏ chạy.

Quách-Phù vỗ tay reo mừng với sự đắc thắng của con dế mình. Dương-Qua bực tức, nói:

- Như thế dân đã thắng! Còn nhiều con dế khác nữa chứ!

Nói xong, Dương-Qua đưa ra một con dế khác thả vào bồn nhưng ba lần đều bị thất bại. Lần nào dế của Dương-Qua cũng bị con dế màu sậm kia cắn đá tơi bời sứt cánh, cong càng, bể bụng.

Dương-Qua bị chạm tự ái, nói lớn:

- Thôi, tôi chẳng thèm chơi dế nữa đâu.

Đoạn nó bỏ đi. Nhưng nó vừa bước được mấy bước. Tu-Văn lắng tai nghe trong lùm cây có tiếng đổ rào, thanh âm nghe kỳ lạ. Vũ-đôn-Nhu vỗ tay nói:

- Trong bụi nầy chắc còn có một con dế oai hùng không kém.

Rồi nó chạy đến phanh phui bụi cây để thu hồi, nhưng vừa vạch lùm cây, nó bỗng kinh hãi la lớn nhảy ra đằng sau:

- Ôi chao! Con rắn!

Dương-Qua nghe là rắn liền nhảy đến thì quả nhiên đó là một con rắn độc, thân mình điểm hoa mai có khoanh tròn dưới bụi cây, đầu ngóc cao và lưỡi lè ra trông dáng điệu hung hăng lắm!

Như đã biết Dương-Qua vốn sống về nghề bắt rắn cho nên nó không hoảng hốt như mấy đứa trẻ kia, bình tĩnh tiến sát vào một tay phe phẩy trước đầu rắn, một tay đập dưới đất.


Con rắn hấp tấp mổ vào tay Dương-Qua chưa trúng đích thì đã bị bàn tay kia của Dương-Qua tóm vào cổ quật xuống đất chết tươi.

Bọn trẻ khen tài Dương-Qua và đang xúm nhau nhìn xác con rắn thì bỗng nghe có tiếng dế reo. Rồi một con dế nhỏ từ dưới xác con rắn bò ra, thân mình nó xấu xí đến kỳ dị, màu đen như thân, đôi cánh chẳng có một đốm hoa nào tô điểm.

Quách-Phù nhìn Dương-Qua cợt đùa nói:

- Kìa Dương huynh! Con dế của Dương huynh đó sao chẳng bắt. Dương-Qua phật ý, song cũng đáp lời:

- Vâng! Thì tôi sửa soạn bắt nó đây.

Dứt lời, Dương-Qua cúi xuống bắt lấy con dế và thả vào chiếc bồn thủy tinh của Quách-Phù:

Lạ thay, con dế lớn màu đỏ sậm, vừa trông thấy con dế đen liền nép mình khiếp sợ. Dế đen tiến đến tới đâu là dế đỏ sậm thụt lui đến đó.

Đối với các con dế khác, dế lớn oai hùng, vểnh râu múa càng như thế mà với con dế đen nhỏ nầy thì lại tỏ ra khiếp nhược chạy tròn theo hình bồn thủy tinh.

Chưa đủ, để tỏ ra nhục nhã hơn nữa, con dế lớn muốn thoát ra ngoài bồn. Nhưng đâu có được với con dế nhỏ. Nó búng mình nhảy theo cắn ngay vào bụng, dùng hai càng bật mạnh. Chỉ một đòn thôi, con dế lớn đã vỡ bụng chết ngay.

Thật ra cuộc đấu này không có gì kỳ lạ. Phàm loài dế có những loại sống trong hang của các loài vật khác thường hay nhiễm lấy màu sắc và độc tính của những loại đồng cư. Chẳng hạn như dế cùng sống với cóc người ta gọi là dế cóc thì cánh có lốm đốm hoa: dế cùng sống với rắn thì gọi là dế rắn. Dế này nhiễm độc, cắn vào vật nào thì vật ấy chết tươi. Nhưng chỉ có giữa loài dế mới phân biệt được.

on dế Dương-Qua vừa bắt chính là loại dế rắn.

Quách-Phù thấy dế lớn chết, tỏ vẻ không vui, suy nghĩ một hồi rồi nói với Dương-Qua:

- Anh cho em xin con dế "tiểu hắc quỉ" nầy nhé!

Tiểu hắc quỉ là Quách-Phù muốn ám chỉ con dế vừa nhỏ vừa đen nhưng độc ác. Dương-Qua được dịp kiêu hãnh đáp:

- Cô nương xin làm gì con vật xấu xí này! Sao cô nương lại nguyền rủa nó là tiểu hắc quỉ? Quách-Phù bị chạm tự ái bĩu môi nói:

- Không cho thì thôi! Coi bộ quí lắm đấy.

Dứt lời, Quách-Phù lật úp chiếc bồn xuống, trút con dế đen ra ngoài đất rồi lấy chân chà nát. Dương-Qua thấy thế nổi giận mặt đỏ phừng phừng, đưa tay tát vào con bé một cái nên thân.

Bị cái tát bất ngờ, Quách-Phù xửng vững mặt mày. Cô ta đứng trân chưa kịp suy xét xem có nên khóc hay nên không thì Vũ-tu-Văn đã tiến đến sừng sộ:


- Đồ vũ phu! Sao lại đánh người ta.

Dứt lời Tu-Văn đấm vào bụng Dương-Qua một thôi.

Vũ-tu-Văn vốn được người mẹ cố công rèn luyện nên đánh rất đúng cách. Dương-Qua bị đánh bất ngờ, đau quá đưa tay thoi lại. Nhưng Tu-Văn né kịp sang bên rồi thuận để đánh tới.

Dương-Qua nhảy chồm lên, quyết cùng Tu-Văn một trận kịch chiến. Khốn thay lúc đó Đôn-Nhu cũng chạy đến kịp đưa chân khoèo vào chân Dương-Qua làm cho Dương-Qua té nhào dưới đất. Vũ- tu-Văn liền nhảy phóc vào người Dương-Qua, gối lên bụng, hai đầu gối kẹp vào hông. Rồi hai anh em họ Vũ thi nhau dùng cả bốn tay thoi Dương-Qua tới tấp.

Dương-Qua tuy lớn tuổi hơn anh em họ Vũ, song không thể một mình đương cự cả hai. Phần thì võ nghệ Dương-Qua cũng chẳng luyện tập là bao lại ở trong thế bị động nên không dư sức vận dụng nội công để chiụ những đòn tán loạn đó.

Hai anh em họ Vũ thắng thế vừa cười vừa thói vào Dương-Qua bình bịch. Nhưng tuyệt nhiên, chúng không dám động đến mặt mày sợ vợ chồng Quách-Phù biết được thì khốn.

Quách-Phù thấy anh em họ Vũ đánh Dương-Qua ban đầu lấy làm đắc ý. Nhưng sau thấy Dương-Qua đau đớn quá cũng động lòng và lo ngại.

Tuy nhiên, cô bé này rờ lên mặt cảm thấy dấu tay của Dương-Qua còn nóng rát trên vừng má, tức giận nói với anh em Tu-Văn:

- Cứ đánh nữa đi! Đánh nữa đi!

Hai anh em họ Vũ nghe lời cổ võ của Quách-Phù lại càng hăng lên nữa, ráng sức thoi thật mạnh vào người Dương-Qua.

Dương-Qua bị kẹt dưới sức nặng của Tu-Văn vê hai đầu gối đau đớn, không thể nào vùng vẫy được, đành nằm im thiêm thiếp chịu đựng những quả đấm liên hồi.

Đến lúc hắn nghe tiếng Quách-Phù cổ võ, bảo anh em Tu-Văn đánh nữa, hắn lẩm bẩm:

- A! Con bé này độc ác thật. Rồi sau này mày sẽ biết tay tao.

Trong lúc đó hai anh em Vũ-tu-Văn thi nhau đánh vào người nó như đánh vào một bị gạo. Dương- Qua quá đau đớn, co rút người lại, hai tay quờ quạng dưới đất. Bỗng tay nó vướng phải một vật gì lạnh buốt. Thì ra đó là xác con rắn chết lúc nãy.

Một ý kiến nảy nở trong óc, Dương-Qua nắm lấy đầu con rắn vung lên. Hai anh em Vũ-tu-Văn thất kinh, ngỡ con rắn sống lại, vội bỏ Dương-Qua kéo nhau chạy.

Thừa thế, Dương-Qua tung người dậy, đánh vào mũi Vũ-tu-Văn một đòn rất hiểm độc, rồi bỏ chạy. Vũ-tu-Văn bị trúng phải, máu mũi vọt ra lai láng. Hai anh em tức giận băng mình đuổi theo Dương- Qua. Quách-Phù cũng hăng máu, chạy theo rất gấp, miệng la lớn:

- Bắt nó cho được! Hãy bắt nó cho được!

Dương-Qua chạy một hồi quay đầu lại thấy Tu-Văn mặt mày quần áo đều nhuộm máu. Biết rằng nếu


anh em họ Vũ đuổi kịp ắt nó không thoát được hiểm nghèo. Nó liền nhắm hướng về phía đồi núi chạy một mạch.

Vũ-tu-Văn tay bị đánh trúng mãi song thương tích không lấy gì làm nhục. Nó chỉ tức giận Dương- Qua đã làm nhục nó trước mặt Quách-Phù mà thôi.

Thấy bị đuổi quá gấp, Dương-Qua liền leo lên đồi núi. Vốn quen sống với đồi núi, Dương-Qua trèo núi rất nhanh. Chẳng mấy chốc nó leo lên tận đỉnh.

ác hại thay, đỉnh núi ấy phía bên kia dốc đứng thẳng, nếu vượt qua sẽ bị lăn nhào xuống nát thây. Tình trạng ấy khiến Dương-Qua bối rối quay đầu nhìn anh em họ Vũ đang lần mò đuổi đến.

Nó chỉ vào đỉnh núi la lớn:

- Nầy nầy! Nếu chúng mày tiến lên một bước nữa ta nhảy qua bên kia đấy!

Anh em Vũ-tu-Văn nhìn thấy dốc núi ghê sợ, hoang mang không biết có nên đuổi theo nó nữa chăng. Qua một hồi suy tính, Vũ-tu-Văn cương quyết nói lớn:

- Mày muốn nát xương thì nhảy qua đó. Chúng tao đâu thèm quan tâm đến sinh mạng mày. Dứt lời hai anh em họ Vũ ra sức đuổi nó.

Thấy không thể hăm dọa được anh em Tu-Văn. Dương-Qua phân vân không biết xử trí cách nào, thì chợt nó trông thấy gần đấy có một tảng đá lắc lư bên sườn núi tựa hồ như chỉ dựa vào một điểm tựa mong manh.

Dương-Qua chạy đến định núp mình vào tảng đá. Nhưng tay nó vừa mò tới thì tảng đá bỗng sụt xuống lăn theo sườn núi phát ra những tiếng ầm ầm như sấm, đất bụi tung lên mịt mù, trông rất khủng khiếp.

Tảng đá lăn xuống đúng vào chỗ anh em họ Vũ.

Vũ-tu-Văn và Vũ-đôn-Nhu hồn vía không còn, mặt mày xanh nhợt không còn biết tránh đi đâu, chỉ chờ tảng đá lăn xuống nghiền nát mà thôi.

Trong lúc nguy hiểm, bỗng hai anh em Tu-Văn cảm thấy như mình bay lơ lửng trên không và thoát dần ra khỏi đám bụi mờ.

Thì ra, hai con thần ưng chẳng biết từ đâu đến cứu đứa bé thoát cơn nguy khốn. Hai con thần ưng đưa hai đứa bé thẳng ra bể khơi.

Hoàng-Dung đang ngồi trong nhà bỗng nghe một tiếng ầm kinh dị, rồi tiếp đến tiếng kêu của thần ưng. Nàng đoán có việc chẳng lành, liền vụt chạy ra ngoài, thấy cát bụi bay mịt trời ở nơi sườn núi. Lại thấy Quách-Phù đang ẩn mình trong hốc đá. Nàng hốt hoảng chạy đến ôm chầm lấy con, đưa ra khỏi chỗ hiểm nghèo.

Hai con thần ưng thấy Hoàng-Dung liền hạ xuống bỏ hai anh em họ Vũ trên đất và thốt ra những tiếng kêu như muốn tường trình công việc vừa xảy ra.

Hoàng-Dung ôm lấy đứa con gái hỏi:


- Việc gì như thế?

Quách-Phù ngả đầu vào lòng mẹ, sụt sùi kể lại câu chuyện nào Dương-Qua tát vào mặt nó, nào Dương-Qua thoi vào người Tu-Văn vọt máu, nào Dương-Qua xô đá định giết anh em họ Vũ. Con bé đề cao việc anh em họ Vũ, bênh vực nó, tuyệt nhiên không hề nói đến lỗi lầm của anh em họ Vũ đối với Dương-Qua.

Nghe kể, Hoàng-Dung sửng sốt không nói nên lời.

Alert | IP Printer-friendly page | Edit | Reply | Reply With Quote | Top

Author dongta

Author Info Member since Nov-22-01:562 posts, 1 feedbacks, 2 points ID/Subject 1. "Tiếp Theo Hồi 7"

Date/Time Jan-12-02, 06:07 PM () Message

In response to message #0

Bấy giờ Quách-Tỉnh cũng chạy đến xem thấy cơ sự trước mắt lấy làm kinh ngạc, lo ngại vì sợ Dương-Qua trốn mất nên chạy đi tìm.

Quách-Tỉnh đi lùng một hồi lâu trong chân núi chẳng thấy bóng Dương-Qua đâu, liền đưa tay lên miệng làm loa, rống lên một tiếng như sấm động.

- Dương-Qua ơi! Dương-Qua ơi!

Tiếng kêu dội ra hàng chục dặm, nhưng rồi dư âm cũng chìm đắm trong tĩnh mịch của núi rừng, không có một lời hồi đáp.

Ngỡ là Dương-Qua có thể vượt biển bơi vào đất liền, nên Quách-Tỉnh dùng thuyền bơi quanh đảo. Nhưng rồi cũng vô hiệu. Trời tối dần, màn đêm bao phủ cảnh vật, Quách-Tỉnh phải trở về với một mối buồn man mác.

Nguyên lúc Dương-Qua vừa đụng vào tảng đá, tảng đá vừa lăn xuống thì nó cũng mất thăng bằng rơi xuống một cái hốc lớn. Kế đó nó thấy đôi thần ưng cắp anh em họ Vũ, rồi đến Hoàng-Dung xuất hiện, nó ái ngại trong lòng, nghĩ rằng nếu nó trở về thế nào việc chẳng lành cũng xảy ra. Nó liền tìm một khe đá kín đáo hơn lẩn trốn.


Bỗng nó nghe tiếng Quách-Tỉnh gọi, nhưng nó chẳng đáp lại, nép mình nằm im thin thít đến nỗi dẫu Quách-Tỉnh có đến gần cũng không thể nào trông thấy.

Rồi nó ngủ thiếp đi từ lúc nào không biết. Đến khi thức dậy, nó thấy bốn bề quạnh vắng, màn đêm bao phủ mịt mùng, chỉ còn nghe tiếng côn trùng rỉ rả trong canh khuya.

Nó cảm thấy bụng nó đói như cào, nó lần bước ra ngoài khe đá. Gió lạnh lùa vào mặt, ánh sao vàng nhấp nhánh đầy nỗi cô đơn.

Nhìn xuống chân núi về phía trang trại, nó thấy ánh đèn còn leo lét qua các khe cửa. Một vài bóng đen thấp thoáng trong sân, nó tưởng tượng đến một khung cảnh ấm êm trong gia đình với Quách. Vừa đói cơm vừa khát nước, vừa thèm thuồng cái cảnh đoàn viên, nó muốn quay về sống chung với họ Quách, nhưng nó lại sợ. Hoàng-Dung, một con người lanh lợi thông minh không có một điều gì có thể qua mắt được. Nó trù trừ suy tính mãi. Nhưng rồi cuối cùng nó thích cảnh tự do, không muốn đem vào người nó một ràng buộc nào.

Nó trở lại khe đá đánh một giấc ngon lành cho đến sáng.

Ngày hôm sau, nó vẫn nằm trong khe đá, không dám ló mặt ra ngoài, vì nó biết Quách-Tỉnh thế nào cũng đang đi tìm kiếm.

Rồi đến lúc chiều tối, nó lại lần ra ngoài, nhìn cảnh tấp nập vui vẻ của trang trại như muốn khêu gợi lòng khát khao của nó. Tuy nhiên, nó hình dung nét mặt nghi ngờ của Hoàng-Dung và dáng điệu nham hiểm của Quách-Phù, nhất định nó không trở về.

Sống trong tình trạng đó hai ngày thì người nó lả đi vì đói khát, nó nhất định phải tìm phương sống. Nó liền trèo qua bên kia đỉnh núi mò đến một con suối bắt nhái ở hai bên bờ cỏ đánh lửa nướng ăn. Nhưng khi đánh lửa nó lại sợ vô tình chỉ nơi trú ẩn mình cho Quách-Tỉnh, nên nó rất cẩn thận. Trước khi mẹ nó thường nói những lúc cần thiết phải thổi lửa mà không muốn lên khói thì phải dùng những que củi thật khô, bóc hết vỏ. Trường hợp nó xét thấy cần cẩn thận hơn, nó chỉ dùng hai lõm cây khô để tránh khói.

Đang ăn mấy con nhái nướng ngon lanh, bỗng nó nghe bên sườn núi có tiếng rắn kêu. Nó rón rén bước ra xem, thì ra một con rắn đang oanh hùng với một con cóc. Con rắn hổ phóng cổ lên bằng nắm tay, đầu dựng đứng toan áp đảo con cóc vàng.

Cóc ta lấm la lấm lét, chú mục nhìn theo đầu rắn, hai chân trước ghì xuống đất, hai chân sau tọa lạc trong thế sẵn sàng tung bắn.

Bỗng con rắn hổ đâm vào thân cóc. Nhưng cóc không nao núng ngẩng cao đầu lên để nghênh địch. Và khi rắn xông vào thì cóc đã phì một đám bọt trắng làm cho rắn tối mặt mày. Rắn liền cuộn tròn thân hình trong thế thủ, nhưng hình như độc cóc nơi bọt trắng bắt đầu thấm dần vào mồm mép của rắn, nên rắn dần dần cảm thấy suy yếu, cuối cùng tự xét mình không đủ sức đương cự, liền bỏ cóc lẩn tránh vào bụi cây.


Đắc thắng, cóc kêu lên mấy tiếng giống như là tiếng kêu của Tây-độc Âu-dương-Phong lúc đánh thế võ "hàm mổ công" vậy. (Hàm mổ có nghĩa là con cóc, con nhái).

Dương-Qua kinh ngạc, tự hỏi:

- Phải chăng Tây-độc Âu-dương-Phong đã quan sát lối tấn công kỳ dị của loài cóc để sáng tạo ra thế võ "hàm mổ công".

Đang suy nghĩ, bỗng từ sườn đồi có tiếng gọi của Quách-Tỉnh, tiếng gọi nghe thiết tha và cảm mến. Tuy nhiên, Dương-Qua tự nghĩ rằng Quách-Tỉnh là người thù của nghĩa phụ nó, nếu nó trở về với Quách-Tỉnh không khỏi bị đánh tan xương.

Nghĩ thế nó trở vào khe đá trốn. Nó vật mình nằm xuống phiến đá, bỗng nó thấy từ bên ngoài, Âu- dương-Phong rón rén bước vào, vỗ nhẹ vào đầu nó, nói:

- Cha trở lại tìm con! Từ nay không còn gì ngăn cách cha con ta nữa. Cha tiếp tục dạy con võ nghệ để sau này lớn lên con sẽ là một hiệp sĩ vô địch trong thiên hạ.

Nói xong, Âu-dương-Phong dựng nó đứng dậy, và hai cha con moi người thủ thế trên phiến đá như hai võ sĩ đang hờm đấu với nhau.

Lạ thay, Dương-Qua nhận thấy lần này Âu-dương-Phong không có một lời chỉ dẫn về mỗi động tác của chân tay, mà cứ nhìn nó với cặp mắt đầy sát khí rồi liên hồi tấn công vào nó như đang tấn công một địch thủ chân chính. Nó có cảm giác như nó đang đương đầu với một địch thủ và nó thầm bảo có lẽ lần này nghĩa phụ nó đã áp dụng một phương pháp giáo dục thực tiễn hơn chăng.

Bỗng lão già hô lên những tiếng "ngoạp, ngoạp" chấn động cả khe núi khiến cho nó nhớ lại cuộc đấu hồi nãy giữa cóc và rắn.

Vì đãng trí nên thiếu đề phòng nó bị một quả chưởng thôi sơn của Âu-dương-Phong đánh trúng làm cho nó bật ngửa trên phiến đá đau điếng cả người. Nó lấy tay ôm mặt suýt xoa, nhưng vừa ôm mặt thì bỗng nó tỉnh dậy, đưa mắt nhìn bốn phía, không thấy Âu-dương-Phong đâu cả. Nó mỉm cười biết rằng nó vừa qua một giấc mộng.

Nó bước ra khỏi khe đá, leo xuống núi để tìm thức ăn thì bắt đầu từ trong một lùm cây tiếng rống của Quách-Tỉnh vang lên:

Dương-Qua! Dương-Qua!

Nó bối rối định vụt chạy, nhưng không còn kịp nữa, chân nó lính quýnh vấp vào một tảng đá ngã xuống và Quách-Tỉnh nhảy đến ôm chầm nó vào mình.

Dương-Qua nhắm mắt lại, tưởng rằng Quách-Tỉnh sẽ nổi giận đánh cho nó một trận nên thân. Nhưng không, Quách-Tỉnh vẫn thiết tha, dịu giọng nói:

- Cháu Qua! Sao cháu dại dột muốn bỏ chú mà đi?

Lại thấy nó lả người đi vì đói, Quách-Tỉnh liền vác nó lên đem về trang trại.

Mọi người thấy Dương-Qua trong tình trạng hôn mê liền ra công săn sóc, nào thuốc men, nào hoa


quả. Tuyệt nhiên không một ai đả động đến những sự việc vừa qua. Chẳng mấy bữa, Dương-Qua được bình phục sức lực như xưa.

Vào một bữa ngày lành tháng tốt. Quách-Tỉnh cho thiết lập hương án ở sảnh đường, thỉnh bài vị của Lục-quái Giang-nam, mời sư phụ Kha-trấn-ác đứng làm chủ lễ và tập họp cả gia đình lẫn gia nhân chứng kiến.

Quách-Tỉnh và Hoàng-Dung mỗi người trịnh trọng đứng vào hai bên bàn án, còn bên trẻ Quách-Phù, Vũ-tu-Văn. Vũ-đôn-Nhu và Dương-Qua gọn gàng trong bốn bộ y phục hiệp sĩ quỳ sát trước hương án Lục-quái Giang-Nam.

Giữa bầu không khí trang nghiêm của sảnh đường, tiếng chiêng trống nổi lên vang dội. Mọi người im phăng phắc.

Chiêng trống vừa dứt, Quách-Tỉnh bước ra, hướng về bức di-họa của Lục-quái bái mấy bái rồi thưa với Kha-trấn-ác:

- Thưa sư phụ, hôm nay con là Quách-Tỉnh, xin phép sư phụ được nhận bốn trẻ môn đệ của võ phái Giang-Nam chúng ta. Tre già măng mọc là lẽ đương nhiên của tạo hoá. Song trong vườn võ nghệ, măng non cần phải được uốn nắn để lúc thành tre mới hữu dụng.

Đoạn, Quách-Tỉnh quay về phía bốn môn đệ nói:

- Quách-Phù, Vũ-tu-Văn, Vũ-đôn-Nhu, Dương-Qua, các con hãy bái lạy di-họa của Lục-quái Giang- nam đi. Trước linh hồn của sáu vị anh hùng quá cố, và trước sự chứng kiến của sư phụ ta, các con hãy thề trở nên những môn đồ xứng đáng, và hãy xem nhau như ruột thịt.

Lời nói nghiêm trang, đầy thiện chí của Quách-Tỉnh vừa dứt thì bốn trẻ cùng một lúc cung kính lạy trước hương án, rồi lần lượt xá Kha-trấn-ác, Quách-Tỉnh rồi đến Hoàng-Dung.

Cuộc lễ xong, Quách-Phù níu áo mẹ nũng nịu:

- Lúc nãy trước bàn thờ vì trang nghiêm quá con không dám nói chứ bắt con kết nghĩa với Dương- Qua con không bằng lòng đâu.

Hoàng-Dung đang suy nghĩ lời nói của con, chưa kịp trả lời thì Quách-Tỉnh đã quắc mắt nói:

- Con không được tỏ ra bội ước như vậy! Phàm trong môn phái nhà ta, lời thề là trọng. Tính mạng có thể mất chứ danh dự nhất định không thể để mờ phai. Nhất là lời thề trước Thất-quái Giang-nam, sáu chết một còn, lại càng quan trọng lắm. Ta nay còn phải trọng lời thề mà khắc cốt ghi lòng.

Đoạn hướng về mọi người, Quách-Tỉnh nói tiếp:

- Tính tôi, công phu vũ nghệ học hỏi cũng có thể gọi là khá nhiều, ngoài căn bản do Thất hiệp truyền thụ, tôi đã từng thao luyện vũ pháp nội công của phái đoàn Toàn-Chân và của Tâm-Đại-Tông Đông- Nam-Bắc. Nhưng để bắt đầu, tôi xin truyền dạy cho môn đệ những ngón vỡ lòng mà Kha-sư-phụ đã truyền giáo cho tôi.


Trong lúc Quách-Tỉnh nói, Hoàng Dung để ý vẻ mặt trầm ngâm của Dương-Qua, và nhớ lại hành tung khả nghi của đứa bé nầy, bụng bảo dạ:

- Cha thằng bé nầy thực ra không phải ta giết, nhưng việc đó ngoài ta ra có ai biết được. Ai cũng nghĩ rằng ta đã sát hại cha nó. Mà nếu mọi người đều nói như vậy thì nó không thể nghĩ khác đi được. Nay Quách-Tỉnh lại đem những bí quyết của môn phái mà truyền dạy tất sau này đi học. Chi bằng...

Nghĩ đến đây, Hoàng-Dung liền nói với chồng:

- Anh ạ! Em nghĩ rằng một mình anh phụ giáo cho cả thì sẽ quá vất vả. Xin anh giao Dương-Qua để em thay anh giáo dục.

Quách-Tỉnh chưa kịp đáp lời vợ, Kha-trấn-ác tán thành nói:

- Như vậy, rất phải! Thế thì hai con đua nhau dạy bảo để ta xem đồ đệ nào mau tiến bộ hơn. Quách-Tỉnh vẫn thường công nhận vợ thông minh lanh lợi hơn mình, nếu Dương-Qua được vợ chỉ giáo thì thấy không trở ngại, liền nói:

- Tốt lắm! Em sẽ giúp anh trong việc đào tạo chúng nó. Hoàng-Dung nói:

- Phàm trong nguyên tắc dạy dỗ điều cầu yếu là phải liên tục và duy nhất. Vậy thiết tưởng chúng ta phải qui định một nhiệm vụ hẳn hoi. Người nào phụ trách môn đồ nào phải chịu trách nhiệm môn đồ ấy. Anh không cần lo cho Dương-Qua, ngược lại em cũng không cần để ý đến ba đứa trẻ kia. Mỗi đứa bé có một khả năng, tâm trạng và hoàn cảnh đặc biệt. Thế thì việc giáo dục không thể đem áp dụng một phương pháp giống nhau.

Quách-Tỉnh vô tâm, không hiểu được dụng ý của vợ, trả lời:

- Điều đó có gì mà phải phân trần.

Hoàng-Dung liền gọi Dương-Qua lại bảo:

- Qua nhi! Hãy theo ta vào đây.

Dương-Qua tuy còn nhỏ tuổi song đã có đủ thông minh để suy luận. Nó hiểu phần nào dụng tâm của Hoàng-Dung song nó vẫn có ác cảm với ba đứa trẻ kia, không muốn cùng chung tập luyện, nó hoan hỉ được một mình một trường theo thọ giáo với Hoàng-Dung.

Hoàng-Dung bắt nó vào thư phòng, đặt nó ngồi trước một án thư, rồi lấy ra mấy quyển sách cũ kỹ, giảng:

- Từ nay mặc dù theo cuộc lễ chính thức vừa qua, thân phụ của con là Quách-Tỉnh, song ta được ủy thác để chăm sóc giáo dục con, con phải vâng lời ta dạy bảo. Điều trước tiên con phải biết dưới sư phụ của con lại có bảy sư phụ danh truyền là Thất-quái Giang-nam, Kha-Công là đại-sư, còn nhị sư là Châu-Thông có văn tài đặc biệt. Vậy ta giảng cho con nghe những tuyệt tài trong văn chương của Châu-Công.


Dứt lời, nàng giở quyển thư cổ ra đọc:

- Vở viết: học nhi thời tập chi, bất diệt diệt hồ? Thư bảng tự viễn phương lai, bất diệt lạc hồ. Đó là hai câu rút trong Luân ngữ.

Dương-Qua nghe đọc lấy làm kỳ quái, nó thầm bảo:

- Tại sao bảo nó thọ giáo vũ nghiệp mà lại đem mang văn chương ra giảng dạy? Tuy nhiên, nó chẳng dám nói gì cả cứ cắm đầu suy nghĩ.

Suốt mấy ngày liền, Hoàng-Dung cứ đem sách ra giảng tuyệt nhiên không đả động gì đến võ nghệ, hết sách này đến sách khác.

Một hôm, sau buổi học, Dương Qua lững thững dạo gót ra ngoài. Cảnh trí núi rừng trùng trùng điệp điệp, hồ rộng mênh mang nó chạnh lòng nhớ đến nghĩa phụ, người độc nhất đã cứu vãn tâm hồn nó một mối cảm giác thân yêu.

Để giải buồn, nó đảo thân qua lại, dùng hai tay cắm đầu xuống đất, chổng chân ngược lên trời, bắt chước theo lối đi của Âu-dương-Phong thuở nọ. Rồi nó ôn lại ngón võ "Hàm-mô Công" mà Âu- dương-Phong đã truyền dạy lỡ dở từ dạo nào. Nó cũng chua chân, chong tay, cong mình, y hệt điệu bộ của Tây-độc Âu-dương-Phong. Nó vận dụng các bắp thịt rồi cũng tung người lên với những tiếng kêu "ngoạp, ngoạp".

Mồ hôi nó toát ra như tắm, và cảm thấy trong người thanh sảng, nhẹ nhàng. Nó có cảm giác như đã tìm ra bí quyết của ngón võ đó.

Thế là ngay từ lúc hôm ấy, cứ mỗi chiều lúc mãn học, nó ra ven đồi, giữa cảnh rừng nước bao la, ôn luyện võ nghệ, vừa bồi dưỡng thể chất vừa giải thoát linh hồn.

Ngày tháng êm đềm trôi trên đảo Đào-hoa, Hoàng-Dung cứ một mực dạy cho nó về kinh nghĩa. Hết Luận-ngữ đến Manh-tư rồi đến Trung-dung. Thằng bé tỏ ra thông minh đáo để, nó nhớ làu làu bất kỳ kinh sách nào đã dạy.

Thật ra Hoàng-Dung vốn có thành kiến với văn nghiệp cho nên nàng quan niệm rằng văn chương chẳng qua là món để đầu độc tư tưởng con người. Dẫu có thông minh trí tuệ đến đâu cũng chẳng làm được điều gì gọi là anh hùng trong thiên hạ.

Với quan niệm đó, Hoàng-Dung đem áp dụng để ngăn cản bước tiến về võ nghệ của Dương-Qua. Khi dạy đến Tứ-thư. Ngũ kinh, Hoàng Dung đã sửa soạn cho thằng bé một tương lai nhìn vũ trụ qua những câu "Tứ viết".

Tuy nhiên, với sức thông minh của nó, Hoàng Dung cũng đã nhiều lần kinh ngạc, tự bảo:

- Nếu trau dồi nó trong vũ nghiệp, thằng bé sau này hẳn trở nên bậc phi thường.

Còn Dương-Qua, lại có quan niệm khác. Nó bất chấp phân biệt quan niệm văn chương hay vũ thuật, nó chỉ ước lượng việc cần thiết đối với nó là phải đối phó với Hoàng-Dung. Nó nghĩ ngợi phương pháp giáo dục của Hoàng-Dung và lúc nào nó cũng cho Hoàng-Dung đối xử với nó đầy ác ý.


Nó hoài tưởng đến Âu-dương-Phong, một người thân nhất trên đời mà nó còn tin tưởng được.

Vậy để đối phó với pháp thuật Hoàng-Dung nó nghĩ một cách đơn giản là chỉ việc dùng pháp thuật của Âu-dương-Phong là có thể chống đối nổi.

Nó không hiểu rằng trong giới hảo hán đương thời môn phái của Âu-dương-Phong cũng như môn phái của Bạch đà Sơn không được xem là chính thống. Những lối phi hành lộn ngược những thế võ Hàm mô công chẳng qua là những tà thuật mà hiệp sĩ chính thống ai cũng xem như trái với võ đạo. Một chiều, sau khi xem xong quyển Tả truyện, Dương-Qua rời khỏi thư phòng, rảo bước về phía ven biển với ý nghĩ mong ước được thoát ly khỏi hải đảo. Nó nhìn đàn hạc trắng bay bổng lên cao, thèm thuồng mọi cái tự do trong cuộc sống. Nó mới được có đôi cánh như con chim hạc để bay đi tìm nghĩa phụ.

Bỗng đằng sau nó có những tiếng hô và những tiếng thở. Nó nấp sau mỏm đá nhìn qua kẽ lá, thấy Quách-Tỉnh đang kiên nhẫn dạy hai anh em họ Vũ một miếng võ gia truyền.

Thật ra, quan sát kỹ lối biểu diễn của Quách-Tỉnh thì miếng võ này tuy lợi hại nhưng không đến nỗi học tập khó khăn lắm. Thế mà hai anh em họ Vũ tập đi, tập lại năm lần bảy lượt vẫn chưa đạt được ý muốn của Quách-Tỉnh.

Dương-Qua than:

- Nếu sư phụ trực tiếp dạy mình như thế thì mình đã tiến bộ biết bao. Hai đứa bé ngu xuẩn nầy tại sao lại may mắn gặp được vũ sư lỗi lạc dường ấy.

Nó tiếc cho nó! Nó tiếc không được trực tiếp thọ giáo với Quách-Tỉnh. Nhưng một ý nghĩ bỗng đột xuất:

- Vì sao mình lại không học lén? Nếu trong trường văn chương đã có kẻ học lén mà trở nên thánh hiền thì trong võ thuật mình lại không thể học lén để thành hiệp sĩ sao?

Nghĩ như thế, nó rời khỏi nơi ẩn núp, cởi trần ngay ra và biểu diễn lại ngón võ của Quách Tỉnh đã dạy cho hai anh em họ Vũ.

Rồi từ đấy mỗi chiều, sau khi rời khỏi thư phòng nó lại bôn ba đến nơi ven rừng để học lén.

Một hôm, nó ham tập luyện nhiều quá nên trong người mỏi mệt nó nằm trên một phiến đá cheo leo nơi bãi biển, ngủ thiếp đi lúc nào không hay biết.

Bỗng có tiếng sắt chan chát từ mé biển vọng lên làm nó giật mình tỉnh giấc. Nó nhìn nơi phát ra tiếng động thì thấy có một chiếc thuyền vừa cập bến, đang thả neo.

Bấy giờ trời đang tối mịt, nó phải vận dụng nhỡn quang mới trông thấy hai người ăn mặc rất gọn ghẽ, mắt đăm đăm quan sát tứ phía rồi nhảy lên bờ. Cả hai bò sát trên mặt đất, hướng về trang trại. Dương-Qua cho đó là hai tên đạo tặc, lấy làm tội nghiệp cho chúng đã dại dột dấn thân vào tử địa. Thật vậy, Đào-hoa đảo là một sào huyệt hiểm trở mà không có kẻ nào có thể lọt vào nếu không có người hướng dẫn. Nó thở dài, tiếc cho hai mạng người sắp rơi vào tay Hoàng-Dung.


Nó lại nhìn sang phía khác và ngạc nhiên nhận thấy dưới gốc cây thúy liễu có bóng một thiếu nữ vận y phục màu trắng đang đảo thân di động. Thiếu nữ ấy dùng tay dí ngược đầu xuống đất. Thì ra đó là cô bé Quách-Phù. Có lẽ nó trộm thấy Dương-Qua tập luyện nên cố tình bắt chước chăng?

Hai tên lạ mặt bò dần tới. Và trong lúc Quách-Phù đang chú tâm lo giữ thăng bằng cho thân hình đảo ngược, hai tên kia bất thình lình áp đến Quách-Phù trói gô lại, đứa bịt mồm đứa nắm tay lôi xuống mé biển.

Dương-Qua sửng sốt, chưa biết phải nên hành động thế nào cho có hiệu quả. Nó chờ xem hai tên lạ mặt kia có những hành động gì.

Hai tên lạ mặt đặt Quách-Phù trong một lùm cây, trói gô chân tay nó lại, lấy áo nhét mồm, rồi tiếp tục hướng về phía trang trại. Chúng tiến rất nhanh và tỏ vẻ thông thạo như những người đã từng lui tới vậy.

Tuy nhiên, chốc chốc chúng dừng lại, tụm dần vào nhau để bàn bạc những gì không rõ. Dương-Qua tự nghĩ:

- Nếu kêu cứu chắc gì Quách-Tỉnh đã ra kịp, trong lúc đó chúng có thể thủ tiêu mất con bé Quách- Phù thì còn gì.

Trong lúc suy tính nó nhìn con thuyền, nhìn mặt biển, với ý nghĩ thoát ly đột phát trong óc nó. Có lẽ đây là cơ hội ngàn năm một thuở giúp cho nó thoát thân.

Thế là nó bỏ hẳn ý định phát giác hai tên lạ mặt. Nó chạy xuống biển với ý định lấy trộm chiếc thuyền để vượt biển ra khơi, vào đất liền.

Nhưng lúc nó chạy gần đến chiếc thuyền thì bỗng trong khoang thuyền có tiếng lách tách. Rồi cửa khoang mở một người nhảy lên bờ...

Nó nép mình quan sát sự thể. Hai tên lạ mặt lúc này trở lại, đứa đi trước dáo dáo xem chừng, đưa đi sau vác Quách-Phù lên vai lểnh mểnh dò từng bước một.

Nhưng lạ thay! Nó lại trông thấy một đứa thứ ba! mà đứa thứ ba nầy chắc chắn không phải là đồng bọn, vì nó đang nép mình ẩn núp để quan sát như Dương-Qua, đặc biệt hơn nữa đôi mắt nó chăm chăm gờm vào hai kẻ lạ mặt.

Đợi cho người lạ mặt thứ nhất tiến đến gần, người thứ ba nhảy chồm ra, đưa tay thoi vào hông rất mạnh. Người lạ thứ nhất ngất xỉu xuống bãi cát không kịp la lên một tiếng và tên đi sau vác Quách- Phù cũng không kịp trông thấy nữa.

Người lạ mặt thứ hai đem Quách-Phù đặt vào khoang thuyền xong, không thấy bạn đồng hành đâu, lấy làm lạ lên tiếng hỏi:

- Kìa lão đại! Lão đại còn làm gì nữa mà chưa vào thuyền.

Tên sát nhân vừa rồi vẫn núp bên cạnh Dương-Qua giả giọng khàn khàn đáp:

- Thật kỳ quái! Thật kỳ quái!


Tên lạ mặt thứ hai ngạc nhiên bỏ Quách-Phù dưới thuyền lên khoang thuyền nhảy nhanh về phía có tiếng nói.

Thừa dịp đó, Dương-Qua nép mình bò ra phía mé biển, lao lên khoang thuyền, nấp vào bên kia ẩn thân.

Từ chỗ núp Dương-Qua lắng tai nghe những tiếng thình thịch. Nó đoán chắc rằng tên sát nhân ban nãy đã hạ thủ luôn người lạ mặt thứ hai nữa rồi.

Thật vậy, chỉ chốc lát một người co chân nhảy vào thuyền. Người đó là Dương-Qua nhận đúng là người đã núp bên nó và đã sát hại người lạ mặt đi đầu lúc nãy.

Tuy nhiên, bây giờ người ấy mặt mày lấm tấm máu, quần áo tả tơi, dáng điệu trông dễ sợ làm sao! Dương-Qua liền vận dụng thế võ Hàm-mô-công, thân hình cong rúm, chân tay co quắp, miệng kêu lên mấy tiếng "ngoạp! ngoạp" rồi tung người đâm bổ vào bụng tên sát nhân.

Bất ngờ bị trúng phải một thế võ sức nặng ngàn cân, tên sát nhân văng bổng người lên, rơi xuống biển.

Dương-Qua thở khì một tiếng nó không ngờ thế võ nó rèn luyện lâu nay lại đưa đến một kết quả khả quan như vậy.

Chưa kịp mừng, Dương-Qua đã nghe tiếng Quách-Tỉnh bất thần hỏi.

- Qua nhi! Con học thế vó Hàm-mô-công ở đâu thế? Có phải Âu-dương-Phong đã truyền dạy cho con chăng? Lão ta bây giờ ở đâu.

Dương-Qua ngẩng đầu lên thấy Quách-Tỉnh và Hoàng-Dung đồng nhảy xuống thuyền cùng một lúc. Rồi không đợi nó trả lời, Quách-Tỉnh nhảy vội xuống nước vời lên sát nhân lên, rồi la lớn:

- Em Dung ơi! Đây là bạn của ta mà!

Tên sát nhân miệng trào máu, vừa tức giận nắm lấy Dương-Qua hét lên:

- Tại thằng ranh con nầy sanh chuyện.

Bàn tay Hoàng-Dung nắm vào như xé thịt. Dương-Qua cảm thấy đau nhói cả người, nhưng nó nhất định cắn răng chịu đau không rên rỉ.

Quách-Tỉnh đến bãi cát nhìn mặt hai xác chết thấy trong túi áo một tên có bản đồ Đào-hoa đảo liền kêu Hoàng-Dung, nói:

- Em Dung, hãy đến xem cái nầy!

Lúc đó Hoàng Dung mới thả Dương-Qua ra, nhảy đến bên Quách-Tỉnh cùng xem bản họa đồ.

Hai vợ chồng bàn luận trông có vẻ quan trọng lắm. Một hồi lâu, Kha-trấn-ác đến. Cả ba cùng tiếp tục thảo luận.

Khi mọi người như đã thảo luận xong, cùng nhau về phía Dương-Qua, làm cho Dương-Qua có cảm giác bối rối lạ lùng. Nó đưa tay chỉ vào khoang thuyền nói:

- Thưa sư phụ, Quách-Phù đang bị chúng nó trói bỏ nơi đây.


Mọi người xúm lại cởi trói cho Quách-Phù và thấy Quách-Phù không bị thương tích gì nên rất hoan hỉ.

Trên đường về, Quách-Tỉnh bảo Dương-Qua:

- Này Qua nhé! Con không thể ở yên trên đảo này được. Ta phải đưa con đến Trùng-Dương-cung ở Chung-Nam-Sơn để tìm giáo chủ của phái Toàn-Chân mà xin thọ giáo võ nghệ mới được.

Dương-Qua nghe nói biết đó là kết quả cuộc bàn bạc quan trọng của vợ chồng Quách-Tỉnh vừa rồi. Nó im lìm nghe theo chẳng dám thưa hỏi gì cả.

Kim Dung

Thần Điêu Đại Hiệp

Hồi 8

Chung nam sơn - Toàn chân phái

Hôm sau, gặp ngày lành tháng tốt. Quách-Tỉnh và Dương-Qua chuẩn bị vàng bạc, hành lý giã từ mọi người rồi dùng thuyền hướng về phía bờ biển Triết-Giang. Đến bờ, Quách-Tỉnh mua hai con ngựa tốt và dong duổi theo đường bộ, ngày đi đêm nghỉ, trực chỉ đến miền Bắc.

Dương-Qua từ tấm bé đến giờ chưa hề cỡi ngựa, song nhờ có gan dạ và lanh lợi nên chẳng mấy chốc đã quen thuộc với lối di chuyển mới lạ này. Một thời gian, hai người vượt sông Hoàng-Hà vào địa phận Thiểm-Tây. Bấy giờ nhà Đại-kim bị quân Mông-cổ tiêu diệt, cho nên đất Trung-hoa từ sông Hoàng-hà trở về phía Bắc thiên hạ đều thuộc về Mông-cổ.

Ngày xưa, lúc thiếu thời, Quách-Tỉnh đã từng làm Nguyên-soái trong quân ngũ của nhà Mông, từng quen biết khá nhiều nhân vật trong sắc dân nầy nên Quách-Tỉnh sợ lộ tông tích bèn đổi con tuấn mã, cỡi con lừa và cải trang làm một nông dân để bạn bè cũ không thể nhận diện khi đi ngang qua các bộ. Dương-Qua rất bực mình lối cải trang nầy, vì, nó không muốn sống theo lối giả tạo, mất cái phong cách tự nhiên. Tuy vậy, nó không dám làm phật ý Quách-Tỉnh nên cũng mặc áo vải thô quần cộc, cỡi con lừa cái đi chậm chạp như rùa.

Nhưng rồi hai người cũng lần mò đến Phàn-xuyên.

Phàn-xuyên được khai canh khi nhà Hán quốc do công lao của đại tướng Phân-Hợi. Vì vậy sau nầy dân cư gọi vùng đất nầy như thế để kỷ niệm người gây dựng đầu tiên.

Đất Phàn-xuyên màu mỡ phì nhiêu, dân cư đông đúc, hai bên bờ sông dâu xanh trùng điệp, ruộng vườn tươi tốt, cây trái tươi mùa, cảnh trí chẳng khác gì nơi Giang-nam, khiến Dương-Qua mang máng nhớ đến Đào-hoa-đảo.

Thật ra Dương-Qua sống ở đảo Đào-hoa chưa được bao lâu, và tâm trạng cũng không ổn định. Tuy


nhiên, không thể vì lòng người thắc mắc mà không cảm mến đến cỏ cây. Cái đẹp của đảo Đào-hoa không thể không làm cho lòng Dương-Qua quyến luyến.

Dương-Qua thỏ thẻ với Quách-Tỉnh:

- Thưa chú, sao cảnh sắc ở đây lại giống hệt cảnh đảo Đào-hoa của chúng ta nhỉ!

Mấy tiếng "đảo Đào-hoa của chúng ta" làm cho Quách-Tỉnh nhận rõ lòng chân thành của Dương- Qua. Thì ra, Quách-Tỉnh có cảm giác như mình đã ngộ nhận rằng Dương-Qua chỉ muốn rời đảo vì bực bội lối sinh hoạt ở đây, theo sự nhận xét của Quách-Tỉnh trước đây.

Cảm động, Quách-Tỉnh dịu dàng nói:

- Này Qua nhi! Từ đây đến Nam-Chung-Sơn chẳng còn bao xa nữa và cảnh sắc cũng đẹp đẽ chẳng kém đảo Đào-hoa. Đến đấy con phải rán học tập cho thành tài. ít năm nữa sẽ về đoàn tụ với chúng ta. Dương-Qua lắc đầu ra chiều không tin tưởng nói:

- Con chắc phải vĩnh viễn chia lìa không bao giờ có thể trở lại được. Qua một đoạn đường, Quách-Tỉnh đắn đo một lúc rồi hỏi:

- Có phải con không bằng lòng thím con chăng? Dương-Qua nhanh nhẩu đáp:

- ấy chết! Xin chú chớ dạy thế. Con có bao giờ dám vô lễ? Con chỉ sợ thím không bằng lòng con mà thôi.

Quách-Tỉnh lại yên lặng tiến bước. Trong bụi đường chỉ nghe tiếng vó lừa nện trên sỏi đá.

Trưa hôm đó, hai người đến trước một tòa cổ miếu. Cả hai đều xuống lừa buộc vào gốc cây rồi cùng nhau vào miếu.

Họ bước vào nhà trai (phòng ăn) xin mỗi người một bát cơm chay rồi bưng ra ngoài gốc dương liễu ngồi ăn ngon lành.

Trong miếu có hơn bảy tám vị tăng đang ngồi ăn uống, nhưng thấy dáng điệu quê mùa của Dương- Qua và Quách-Tỉnh nên để ý nhìn chừng.

Đang ăn, Quách-Tỉnh chợt thấy phía sau một gốc tùng có một tấm bia đá để lộ ra hai chữ "Trường- Xuân".

Trường-Xuân chính là ký hiệu của Khưu-xứ-Cơ, vị giáo chủ phái Toàn-Chân, người cầm cân nảy mực cho vũ-phụ chính thống được thiên hạ nghiêng mình chiêm ngưỡng và được khắp trong giới vũ- lâm khâm phục.

Quách-Tỉnh mừng rỡ bỏ bát đũa xuống, chạy đến gốc tùng để xem những gì của Giáo chủ Toàn- Chân đã ghi tạc vào tấm bia kia.

Thì ra trên tấm bia đó chỉ có một bài thơ, ngụ ý thương dân mến nước, buồn cho dân tình phải ta thán cách đây mươi năm về nạn can qua.

Quách-Tỉnh chẳng ngờ vị chân nhân của phái Toàn-Chân lại cũng biết rung cảm trước cái khổ đau


của nhân loại.

Quách-Tỉnh vô cùng hân hoan, nhiều hy vọng tràn ngập cõi lòng vì tin tưởng rằng Dương-Qua nếu được ký thác vào một tài năng có đức độ như Trường-Xuân Khưu-xứ-Cơ thì tương lai sẽ hữu dụng. Dương-Qua thấy Quách-Tỉnh bỏ ăn, trầm ngâm suy nghĩ trước tấm bia, liền hỏi:

- Thưa chú, bài thơ nầy có gì mà làm cho chú phải bận tâm. Quách-Tỉnh đáp:

- Bài thơ này do Khưu-tổ-sư phái Toàn-Chân sáng tác. Khưu-tổ-sư lại là sư phụ của cha con ngày trước. Cha con là người đệ tử được Khưu-tổ-sư đẹp ý nhất. Chú tin rằng lúc con đến với Khưu-tổ-sư, hình ảnh của con sẽ làm cho Tổ-sư nhớ tới tình sư đệ của cha con mà chăm sóc cho con. Con chỉ cần cố gắng học tập là mai sau được rạng rỡ.

Dương-Qua nghe nhắc đến cha mình vội hỏi:

- Thưa chú, chú có thể cho con biết sự việc nầy chăng? Quách-Tỉnh trả lời:

- Được! Con muốn gì cứ hỏi. Ngoài tình sư phụ còn là nghĩa kim hằng, giữa chú với con có gì mà ái ngại.

Dương-Qua nghiêm nghị thưa:

- Thưa chú, chú có biết cha cháu như thế nào chăng?

Câu hỏi đột ngột của Dương-Qua làm cho Quách-Tỉnh lúng túng, nhớ lại sự kiện xảy ra trước kia ở Thiết-Thương miếu, toàn thân Quách-Tỉnh run lên.

Dương-Qua hỏi tiếp:

- Thưa chú, ai là người đã sát hại cha con?

Đến đây, Quách-Tỉnh không thể chịu nổi sự nghi ngờ chính đáng của Dương-Qua. Tuy Quách-Tỉnh là người điềm đạm hay nhịn nhục, nhưng mấy câu hỏi dồn dập đã làm cho Quách-Tỉnh điên người. Quách-Tỉnh mặt biến sắc, vung tay đấm mạnh vào tấm bia đá, hét:

- Ai dạy cháu ăn nói hồ đồ như thế?

Trong cơn giận, Quách-Tỉnh không để ý tự nhiên vận dụng toàn thể chưởng lực tập trung vào cái đấm tay làm cho tấm bia đá tan nát ra từng mảnh, văng tung tóe.

Thấy mặt mày giận dữ của Quách-Tỉnh, Dương-Qua ôn tồn nói:

- Thưa chú, có lẽ cháu nghe lầm, từ nay cháu không dám hồ đồ như thế nữa, xin chú rộng lòng bỏ qua.

Vốn sẵn có cảm tình với Dương-Qua từ lâu, cái giận của Quách-Tỉnh chẳng qua trong phút chốc trắc ẩn trong lòng, nên khi nghe Dương-Qua hối lỗi, Quách-Tỉnh tỏ ra quảng đại bao dung, mặt mày tươi tắn nhìn Dương-Qua trong tình thương mến như trước.

Giữa lúc đó có tiếng thầm thì sau lưng, Quách-Tỉnh quay lại thì thấy hai vị đạo sĩ trạc tuổi trung


niên, đang chăm chú nhìn vào chiếc bia vỡ, và trao đổi với nhau những lời không ai nghe rõ.

Quách-Tỉnh xét thấy dáng điệu hai vị đạo sư nầy có vẻ hiên ngang biết ngay họ thuộc vào phái võ biền, và tài năng cũng không phải tầm thường. Từ đây đến Chung-Nam-Sơn không bao xa, hai người nầy có thể là những nhân vật của Trùng-Dương cung và cũng rất có thể họ là hai người trong bảy vị đệ tử trứ danh của phái Toàn-Chân.

Thật ra, từ ngày Quách-Tỉnh trở về đảo Đào-hoa đến nay thời gian thấm thoát trôi, Quách-Tỉnh không hề liên lạc với phái Toàn-Chân. Bởi vậy các môn đệ đương thời làm sao Quách-Tỉnh quen biết được. Vả lại danh tiếng phái Toàn-Chân bay khắp bốn phương thu hút nhiều anh hùng hào kiệt đến thụ giáo.

Biết vậy, Quách-Tỉnh nghĩ rằng chưa vội làm quen với môn đệ, điều cần thiết là phải đến yết kiến Khưu-tổ-sư trước đã.

Tuy nhiên hiện nay Quách-Tỉnh cũng chưa biết Khưu-tổ-sư tọa vị nơi nào, mà dẫu có biết cũng không dễ gì được xin yết kiến. Quách-Tỉnh lại nghĩ rằng tốt hơn nên dò lần theo chơn hai vị đạo sư này mà đi tìm Khưu-tổ-sư mới được.

Nghĩ như thế, Quách-Tỉnh rời bỏ cổ miếu, dắt Dương-Qua lần bước theo hai vị đạo sư.

Hai vị nầy đi mau thoăn thoắt, Quách-Tỉnh và Dương-Qua vừa ra khỏi cổng thì họ đã đi xa miếu hàng chục dặm đường, hình người chỉ còn thấy li ti như hai cái chấm nhỏ trên con đường trắng xóa bò quanh sườn núi. Họ cặm cụi đi chẳng hề quan tâm nhìn lại phía sau.

Sợ mất hút hai bóng người, Quách-Tỉnh liền cặp nách Dương-Qua phi thân đuổi theo. Chỉ một lúc, Quách-Tỉnh đã theo kịp đến sát cạnh và cất tiếng lễ phép thưa:

- Xin nhị vị hãy dừng chân cho chúng tôi hỏi một lời.

Tiếng nói của Quách-Tỉnh vang vang, thế mà hai đạo sư vẫn như không nghe gì cả, cứ tiếp tục đi mãi.

Quách-Tỉnh lấy làm lạ nghĩ thầm:

- Có lẽ hai người nầy điếc chăng?

Nghĩ như thế, Quách-Tỉnh nhanh chân hơn nữa, bắn mình vượt đến trước hai đạo sư, rồi bất thần đứng lại, thả Dương-Qua xuống đất, chắp tay thi lễ và nói:

Thưa nhị vị, tôi xin phép được thưa truyện cùng nhị vị.

Hai đạo sư dừng chân, trố mắt nhìn Quách-Tỉnh một hồi như để tìm tòi nhận xét, rồi cất tiếng hỏi:

- Người muốn gì?

Quách-Tỉnh lễ phép thưa:

- Thưa nhị vị, tôi vốn là người quen biết của Khưu chân nhân, mong được bái vết vị đạo trưởng ấy. Xin phiền nhị vị giúp cho tôi được gặp gỡ.

Hai vị đạo sư một người cao mà ốm, một người mập mạp mà lùn.


Người mập và lùn cười nhạt nói:

- Ngươi có việc của ngươi, chúng ta có việc của chúng ta. Hãy tránh ra đừng cản trở vô ích. Nói chưa dứt lời, đạo sư ấy đưa tay đấm vào bụng Quách-Tỉnh.

Quách-Tỉnh không kịp tránh né, thì người đạo sư cao và ốm cũng lại đánh bồi thêm một đấm vào mạng mỡ của Quách-Tỉnh nữa.

Thật ra, hai cú đấm đó Quách-Tỉnh không lạ lùng gì cả. Đã là đồ đệ của môn phái Toàn-Chân còn lạ gì cặp song chưởng "Đại-quang-môn". Tuy nhiên, Quách-Tỉnh không đề phòng là vì những đồ đệ của phái Toàn-Chân không bao giờ thì thố cặp song chưởng đó một cách hạ lưu đến thế.

Cặp song chưởng "Đại-quang-môn" phái Toàn-Chân chỉ dùng trong trường hợp tự vệ, hoặc trong lúc lâm nguy hay cứu người khác bị áp bức.

Thật ra Quách-Tỉnh không lầm rằng mình đã dự đoán hai đạo sư đó là người của Trùng-Dương cung, thuộc hạ của Khưu-chân-nhân, song chẳng biết vì sao hai đạo sư lại có hành động dị kỳ như vậy.

Người của Trùng-Dương cung sao lại có hành động như thế bao giờ? Hoặc giả hai vị nầy lầm lẫn, hoặc giả họ muốn thử thách Quách-Tỉnh chăng?

Quách-Tỉnh nghĩ thế và không né những quả thôi sơn của hai vị đạo tăng.

Vừa hứng chịu những quả đấm, Quách-Tỉnh vừa lặng thinh, nín thở để đo lường chưởng lực của hai đạo tăng đến mức nào.

Chưởng lực khá mạnh tỏa đều chạy khắp trên cơ thể Quách-Tỉnh. Tuy nhiên, Quách-Tỉnh không hề biến sắc, trạng thái vẫn bình thường.

Qua những đòn chưởng độc hiểm, mà Quách-Tỉnh vẫn thư thái, hai vị đạo tăng thấy thế kinh ngạc. Họ lạ lùng vì thấy một ngón võ thông truyền của phái Toàn-Chân mà họ phải dày công tập luyện hơn hai mươi năm nay, bỗng nhiên không còn hiệu lực trước một kẻ lạ mặt. Như thế kẻ đó nếu không phải là tay ma quái thì cũng vào loại tà đạo.

Hai vị đạo tăng bắt đầu nao núng. Có lẽ họ vì tự ái của môn phái hơn là vì đố kỵ cá nhân. Cả hai nổi giận, vận tăng chưởng lực đánh nhầu vào Quách-Tỉnh. Bốn chân họ đá tung lên một lượt.

Quách-Tỉnh vẫn yên lặng chịu đựng, không phản ứng và lạ lùng tự bảo:

- Thất tử Toàn-Chân là những vị điềm đạm, tác phong bao giờ cũng ôn hòa, cớ sao bây giờ trở nên táo bạo như thế. Hay là sau mười năm say sưa trong ngưỡng mộ của thiên hạ, nay chính thống đã bắt đầu biến thể?

Quách-Tỉnh nhắm mắt, nghe qua tiếng chân đá cũng biết hai đạo sư đang dùng ngón võ "san ương ngọc liên hoàn"

Thấy ngón võ nầy cũng không hiệu quả nữa, hai vị đạo sư toát mồ hôi, nhìn Quách-Tỉnh vẫn đang bình thản suy nghĩ.

Họ liếc nhìn nhau thầm bảo:


- Thật là kỳ quái! hắn là người hay là quái vật! nếu là người thì thuộc phái võ siêu đẳng nào đây? Thật ra, nếu về lãnh vực tinh thần, con người đã đạt được trạng thái thánh-linh bằng cách tham thiền nhập định để chế ngự những gì bên ngoài đột nhập, thì trong lãnh vực võ nghệ người ta cũng có thể dùng thái độ vô vi để đương đầu với đối thủ vì vô vi của võ nghệ không khác gì cái vô vi của Lão- Trạng. Nhìn bên ngoài tưởng là thụ động, nhưng kỳ thực bên trong lại vô cùng tích cực.

Quách-Tỉnh vốn đã sống nhiều năm dưới trường Trung-dương-Cung, đã nắm vững cái uyên thâm của võ pháp Toàn-Chân, cho nên đã quá hiểu tác động của mỗi thế võ đối với thân lực và tinh thần của người bị đánh. Quách-Tỉnh thông suốt những đường gân sớ thịt nào phải chịu đựng, cho nên khi địch thủ ra tay. Quách-Tỉnh có thể không cần chống đỡ, chỉ việc tập trung thần lực để vận động gân cốt là thừa sức phản công, mà con làm cho địch thủ phải bị ảnh hưởng nữa.

Do đó, hai vị đạo tăng qua một hồi đấm đá, cảm thấy đau đớn cả mình mẩy. Họ nhìn nhau tự thú nỗi bất lực của mình trước sự nhẫn nhục phi thường của Quách-Tỉnh. Họ đứng ngay người không biết phải xử trí ra sao.

Dương-Qua từ lúc nãy đã chứng kiến thái độ hung hăng của hai vị đạo sư, bây giờ trước thái độ nhường nhịn quá sức của Quách-Tỉnh nó không chịu được, nổi nóng cất tiếng mắng:

- Đồ súc sinh! Sao dám vô lẽ phạm đến sư phụ ta?

Alert | IP Printer-friendly page | Edit | Reply | Reply With Quote | Top

Author dongta

Author Info Member since Nov-22-01:561 posts, 1 feedbacks, 2 points ID/Subject 1. "Tiếp Theo Hồi 8"

Date/Time Jan-12-02, 06:03 PM () Message

In response to message #0

Quách-Tỉnh thấy thế liền đứng phắt dậy, quắc mắt nhìn cháu, nói:

- Qua Nhi! Chớ nên vô lễ, hãy đến bái chào nhị vị đạo sư!

Hai vị đạo sư không kịp đợi cho Quách-Tỉnh dứt lời, họ bất thần rút kiếm ra khỏi vỏ, người lùn và người mập đâm vào Dương-Qua, người cao và ốm chém vào Quách-Tỉnh.


Trước thế võ bất ngờ và nguy hiểm, Quách-Tỉnh xét thấy cần phải đối phó để cứu nguy cho Dương- Qua, nên lẹ tay dây nhẹ vào chuỗi kiếm của đạo sư ốm, chưa kịp chém tới đã văng ra một bên đánh tạt vào lưỡi kiếm của đạo sư lùn. Và cả hai thanh trường kiếm chạm nhau nẩy lửa, rồi đồng rơi xuống đất.

Đó là thủ pháp sở trường "dĩ địch công địch" mà Quách-Tỉnh thường dùng trong trường hợp một mình phải chống với nhiều đối thủ.

Hai vị đạo tăng thấy tài nghệ phi thường của Quách-Tỉnh hoảng hốt, hú lên một tiếng rồi bỏ chạy. Tiếng hú trầm bổng như biện tù và.

Quách-Tỉnh biết hai người đã dùng đến pháp thuật vận dụng phi kiếm, chàng không lo cho mình mà chỉ lo cho Dương-Qua. Chàng bối rối vì phải quyết định phương pháp trong nháy mắt mới mong kịp thời đối phó với bí pháp ấy.

Cái khó của Quách-Tỉnh là vừa phải bảo vệ sinh mạng cho Dương-Qua, vừa phải làm sao thủ lê với đối thủ mà chàng cho họ là môn đệ của Toàn-Chân.

Quách-Tỉnh tự bảo:

- Đây là bí thuật khai mào cho trân Thiên-cung Bắc-đẩu, nhưng họ chỉ có hai người thì làm sao có thể hoàn tất được kiếm phép thượng thặng này? Nên mình đối phó thì tánh mạng hai vị đạo tăng ấy lâm nguy, còn không đối phó thì tánh mạng Dương-Qua là khó toàn vẹn.

Cuối cùng Quách-Tỉnh nghĩ tốt hơn là tạm thời ôm Dương-Qua vào lòng, tập trung chưởng lực cho tỏa ra xung quanh để bảo vệ hai người, đồng thời cố gắng thuyết phục họ.

Quách-Tỉnh nói:

- Thưa nhị vị, tôi vốn là cố tri của Khưu chân nhân nhị vị hãy lơi tay để tôi có lời thưa gởi. Vị đạo sư ốm nói:

- Dẫu nhà ngươi có là cố nhân hay cố tri của Mã chân nhân đi nữa cũng chẳng ích gì. Quách-Tỉnh một mực lễ phép thưa:

- Thưa nhị vị, chính Mã chân nhân cũng là người truyền dạy võ nghệ cho tôi. Vị đạo sư lùn nói:

- Thôi thôi! Chúng ta không muốn lắm lời! Có lẽ nhà ngươi cũng cho sư tổ Trùng-Dương là cố nhân của nhà ngươi nốt.

Trong lúc đó, hai lưỡi kiếm bay đến vèo vèo, lượn xung quanh mình Quách-Tỉnh và Dương-Qua, bào quang chói rực. Nhưng tuyệt nhiên không có mãnh lực nào có thể xâm phạm nổi.

Hai vị đạo tăng ngạc nhiên, thu hồi trường kiếm lại nhìn nhau, rồi lớn tiếng mắng:

- Dâm tặc quả nhiên lợi hại! Thôi chúng ta tạm lui gót rồi sẽ liệu.

Quách-Tỉnh xưa nay vốn tánh điềm đạm và kiên nhẫn, ít khi lưu ý đến lời chửi mắng của đối phương. Quách-Tỉnh cho rằng chửi mắng chỉ là hiện tượng điên cuồng của kẻ rối trí trong phút chốc.


Thái độ của Quách-Tỉnh bao giờ cũng tỏ ra người quân tử bất chấp lời cuồng loạn. Tuy nhiên, chẳng hiểu sao hai tiếng "dâm tặc" của hai đạo sư thóa mạ, đã làm cho Quách-Tỉnh mất hẳn tự chủ.

Mặc dù hai đạo sư đã phi thân trốn tránh, Quách-Tỉnh vẫn ôm Dương-Qua đuổi theo cho bằng kịp để hỏi cho ra lẽ mới nghe.

Khi đã phi thân đến trước mặt hai đạo sư Quách-Tỉnh chặn đường, hầm hầm hỏi:

- Các ngươi mắng ta như thế nào hãy thử nói lại nghe?

Đạo sư lùn ra dáng e ngại, song không dám làm thinh, cố giữ vẻ hiên ngang đáp:

- Chúng ta nói ngươi đã từng mơ ước con gái của nhà họ Long. Nay ngươi muốn bén mảng đến Chung-Nam-Sơn để giở trò gì nữa?

Dứt lời, đạo sư lùn sợ Quách-Tỉnh phản ứng, bất thần nên chùn lại bấy bước.

- Ta đã từng mơ tưởng con gái nhà họ Long? Con gái nhà họ Long nhà ai nhỉ? Vì sao ta lại mơ tưởng đứa con gái đó?

Hai vị đạo sư thấy Quách-Tỉnh không hung hăng nữa mà đứng ngây người ra suy nghĩ, liền thừa cơ dùng ngón "Hoàng-chương-pháp" mỗi người thoi vào Quách-Tỉnh mỗi cái rồi phi thân bỏ trốn.

Dương-Qua thấy Quách-Tỉnh nhào xuống đất vội đỡ dậy, và nói:

- Chú ơi! Chú tỉnh lại! Chúng nó đã bỏ chạy hết rồi! Quách-Tỉnh như vừa thoát khỏi cơn mơ, hỏi Dương-Qua:

- Sao? Ta mơ tưởng con gái nhà họ Long? Con gái nhà họ Long là ai vậy cháu? Dương-Qua thủ thỉ nói:

- Chú chớ quan tâm lời nói ấy! Có lẽ hai thằng giặc kia đã nhận lầm chú ra một người nào khác chăng?

Quách-Tỉnh như hiểu ra, bật cười nói:

- à! Chắc có lẽ là thế? Nếu không có cháu, chú đã vì tức mà mất sáng suốt. Có bao giờ cháu nghe nói đến con gái nhà họ Long là ai đâu? Thôi, chúng ta cứ thẳng đường lên núi.

Dương-Qua nhìn thấy hai thanh trường kiếm của hai đạo sư bỏ lại trong lúc hấp tấp phi thân thoát nạn, liền nhặt lên trao cho Quách-Tỉnh xem.

Quách-Tỉnh thấy trên lưỡi kiếm có khắc ba chữ: "Trùng-Dương-Cung" thì gật đầu, tỏ vẻ hân hoan nói:

- Đúng rồi! Chú nhận không lầm. Họ là người của Trùng-Dương-Cung!

Hai người ung dung theo con đường ngoằn ngoèo lên đỉnh núi. Đi một lúc thấy một cái cổng lớn có ghi ba chữ "Cờ quan tự" và con đường trở nên eo hẹp, cong queo, chênh vênh trên sườn đồi.

Bấy giờ trời đã tối, mặt trăng hiện ra giữa lưng đồi. Đứng trên đỉnh núi nhìn quang cảnh thì thấy cực kỳ diễm ảo. ánh trăng trộn sương như ngọc pha châu, cảnh trí rất nên thơ mộng.

Quách-Tỉnh hỏi Dương-Qua:


- Cháu có mệt chăng?

- Cháu chưa mệt. Quách-Tỉnh nói tiếp:

- Thế chúng ta cố gắng leo lên nữa!

Hai người cố sức leo lên một đoạn thì thấy sừng sững trước mặt một phiến đá rất lớn trông như một bà lão đang khom lưng đợi bắt một cái gì.

Dương-Qua cảm thấy ớn lạnh trong người. Nó đang chú ý nghe ngóng thì bỗng đằng sau vang lên một tiếng thét ghê rợn, tiếp theo bốn vị đạo sư xuất hiện.

Mỗi vị đạo sư tay cầm trường kiếm sắp thành hàng một chân lấy lối đi của hai người. Quách-Tỉnh chắp tay lễ phép nói:

- Tại hạ là Quách-Tỉnh từ Đào-hoa đảo đến đây, ước mong được bái yết Khưu-tổ-sư.

Một vị đạo sư tiến lên một bước, một tay cầm cân, một tay nhìn lưỡi kiếm, nửa như để chào, nửa như để thủ thế nhìn Quách-Tỉnh cười nhạt nói:

Quách đại hiệp là kẻ vang danh trong thiên hạ, mà lại là nghĩa lễ của Hoàng lão, chúa đảo Đào-hoa, đâu phải là kẻ thô lỗ xấu xá như nhà ngươi. Thôi đừng mượn danh anh hùng đến đây toan làm việc tà dâm. Hãy lui ra mau kẻo mang họa vào thân.

Quách-Tỉnh tự bảo:

- Sao họ lại nhận xét người ở cái bế ngoài như vậy? Đoạn, chàng lớn tiếng, nói:

- Thưa các ngài! Chính tại hạ là Quách-Tỉnh đây, xin cho tôi được phép diện kiến cùng Khưu chân nhân thì ngươi sẽ rõ hư thật.

Một vị đạo sư khác đáp lời:

- Súc sinh! Mày dám sử dụng đến tà pháp để quấy động Trùng Dương Cung! Đừng có lắm lời vô ích hãy xem kiếm thuật của chúng ta đây.

Trong đêm tối, Quách-Tỉnh nghe rõ ràng là tiếng của một trong hai vị đạo sư lúc ban chiều.

Tiếng nói vừa dứt, nhơ ánh trăng, Quách-Tỉnh thấy đường kiếm loáng bay vù vù, kiếm pháp "Phàn hoa phất liễu" hướng thẳng vào lưng và vai của Quách-Tỉnh để công kích.

Nhìn đường kiếm, Quách-Tỉnh ngạc nhiên, không hiểu sao kiếm pháp lại thay đổi toàn bộ quy củ của môn phái Toàn-Chân lúc trước. Phải chăng sau mười năm không tiếp xúc với Trùng-Dương-Cung vũ thuật của Quách-Tỉnh trở nên lạc hậu đối với sự tiến bộ đương thời chăng?

Quách-Tỉnh vội ôm Dương-Qua vào lòng giữ thanh trường kiếm bất động mà vẫn tránh được những đường tấn công tới tấp của đối thủ.

Bốn mũi kiếm của bốn vị đạo sư đua nhau hướng về tim của hai người. Hình như họ chỉ muốn tấn công ngay vào yếu điểm độc nhất đó mà thôi.


Quách-Tỉnh ôm Dương-Qua vào lòng để tránh, và la lớn:

- Thưa các ngài, tôi đích thị là Quách-Tỉnh đây. Các ngài muốn tôi còn phải nói thế nào nữa để các ngài mới có thể tin được.

Người đạo sư cao và ốm, lên tiếng:

- Ta chỉ nhìn nhận nhà ngươi khi nhà ngươi đoạt được thanh kiếm của ta.

Dứt lời, lão tung kiếm đâm vào bụng Quách-Tỉnh một nhát. ánh trăng vàng rung rinh theo lưỡi kiếm màu bạc.

Quách-Tỉnh liền ném ra một viên đạn nhỏ. Viên đạn trúng vào lưỡi kiếm tóe lửa. Tiếp theo ba tiếng "keng" nữa, bốn lưỡi kiếm đầu lần lượt rơi xuống đất.

Đêm tối, bốn vị đạo sư không rõ Quách-Tỉnh đã dùng vật gì để tung ba lưỡi kiếm đó, họ lấy làm kinh dị nhìn nhau.

Vị đạo sư ốm la lớn:

- Đúng là tên dâm tặc đó lại dùng tà pháp nữa rồi! Anh em, hãy lánh nạn.

Cả bốn đạo sĩ vụt chạy biến mất trong đêm tối, để lại bốn thanh trường kiếm nằm sáng giói dưới đất. Quách-Tỉnh lần này bị nguyền rủa là "dâm tặc" nữa, nhưng chàng không tức giận lồng lộn lên như lần trước, mỉm cười bảo Dương-Qua:

- Cháu hãy nhặt bốn thanh trường kiếm lên. Chú đoán chắc thế nào họ cũng còn trở lại đây nữa. Dương-Qua vâng lời đến nhặt bốn thanh trường kiếm, sắp thành hàng trên một phiến đá, với hai chiếc đã nhặt được trước kia là sáu.

Sáu thanh kiếm nhấp nhánh dưới ánh trăng như sáu vệt dài màu trắng xóa.

Dương-Qua cảm phục tài năng của Quách-Tỉnh đến nỗi không biết phải nói sao cho vừa, liền quỳ xuống, vòng tay thưa:

- Thưa chú, cháu phải nói rằng chú là bậc đệ nhất tài danh trong thiên hạ. Cháu chẳng muốn lên núi theo học với bọn đạo sư khả ố kia, chỉ muốn suốt đời theo chú mà thôi.

Quách-Tỉnh mỉm cười, nói:

- Chính tài năng của chú cũng nhờ ở vị tổ sư Trùng-Dương-Cung rèn đúc. Con chớ nản lòng. Hai người lại lên đường, tiếp tục lên sườn núi.

Bỗng nghe gần đó có tiếng khí giới cọ nhau sang sảng. Rồi từ trong bụi rậm xuất hiện bảy vị đạo sư, người nào cũng lăm le thanh trường kiếm trong tay.

Quách-Tỉnh thấy họ phân ra hai toán, bên tả bốn người, bên hữu ba người dàn theo thế trận "Thiên- Cung Bắc-đẩu".

Điều nghi ngờ đầu tiên mà thành sự thật, Quách-Tỉnh nghĩ rằng muốn thoát khỏi thế trận này không khó lắm, duy chỉ ngại cho Dương-Qua.

Quách-Tỉnh nói nhỏ:


- Cháu tìm nơi nào tạm lánh mình và không cần lo cho tánh mệnh của chú. Thằng bé vốn lanh lợi, bèn giả cách sợ sệt khóc và nói lớn:

- Chú ơi! Ma đó! Cháu sợ lắm? Cháu không dám đi với chú nữa.

Dứt lời, Dương-Qua nhảy lui ra đằng sau, đâm đầu chạy liền vào một bụi rậm.

Quách-Tỉnh khen thầm óc thông minh sáng suốt của Dương-Qua và tiếc rằng tính tình nó không hòa hợp với Hoàng-Dung để có thể trở thành một đồng bọn vô cùng lợi hại.

Vừa khen ngợi cơ xảo của Dương-Qua, Quách-Tỉnh lo phương pháp đối phó với "Thiên-Cung Bắc- đẩu trân".

Trong đêm trăng mờ, bảy vị đạo sư chỉ là bảy chiếc bóng đen lù lù không trông rõ mặt; họ tiến thối liên hoàn đúng theo trận pháp cổ truyền. Bóng đen nào cũng như có tóc dài xõa tận cung, mỗi lần di động là mỗi lần đầu rung rinh như chiếc tàn cây rậm.

Trong bảy bóng đen, một bóng có thân hình mảnh khảnh giống như thân hình của một đạo cô.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenFun.Vip