Sơn Hà Tại

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng
Tác giả : Phương Uyên

Truyện viết về lưỡng triều hoàng hậu Dương Vân Nga
Diễn biến truyện dựa vào chính sử nhưng xin đừng đánh đồng truyện và chính sử

---

“Nín đi thôi, nín đi thôi
Một vai gánh vác cả đôi sơn hà"[2]

Đêm đông lạnh.

Gió phất phơ lay bức rèm tạo thành những hình bóng kỳ dị in trên vách, trong căn phòng im lặng như tờ chỉ vang lên tiếng nấc nghẹn ngào giữa cơn mơ của vị công chúa có vết sẹo dài trên má. Ta đưa tay định chạm lên gương mặt còn vương nét thơ ngây ấy, bàn tay bỗng dừng lại giữa khoảng không, run rẩy. Ký ức của cái hôm Phất Kim hạ giá về với Ngô Nhật Khánh hiện lên rõ mồn một trong đầu.

- Mẫu hậu biết không, chàng ấy là họ hàng với Ngô Tiên Chúa[3], đã tinh thông kim cổ lại có tài thao lược. – Nàng công chúa tuổi vừa đôi tám thèn thẹn kể về người phò mã mới được ban hôn.

Nhìn đôi má ửng hồng của nàng khi đó, ta chẳng nỡ nói rằng từ ngày đầu mẹ của Nhật Khánh nhập cung, được phong hoàng hậu rồi đến chào ta, đôi mắt sắt lẻm của người đàn bà ấy đã làm ta cảm thấy không an lòng. Lấy em gái của một sứ quân làm vợ, lại gả con gái về làm dâu nhà họ… đến hôm nay, người có nghĩ quyết định ấy là sai lầm không, bệ hạ…?!

Phất Kim lấy Nhật Khánh khi nhan sắc rạng rỡ như trăng rằm, ngờ đâu chỉ sau một chuyến kinh lý về Ái Châu cùng tướng công lại phải mang vết sẹo suốt đời. Khi chúng ta đón nàng trở về, máu không ngừng chảy, công chúa nửa tỉnh nửa mê:

- Mẫu hậu… Nhật Khánh làm phản… con… con không ngăn được… chàng ấy… hắn ta vẫn luôn mang thù hận trong lòng…[4]

Nhan sắc của Phất Kim không làm cho Nhật Khánh chùn tay. Nghĩa vợ chồng không bù đắp được nỗi thù mất đi lãnh thổ.

Phất Kim ốm liệt giường nửa tháng trời. Công chúa mê man mấy ngày, hoàng đế cứ thôi việc triều chính là ở cạnh mấy ngày, lo lắng không yên. Tuy ngoài mặt vẫn giữ vẻ lạnh lùng nhưng ta hiểu rõ trong lòng người đương nổi phong ba, chỉ mong Thập đạo tướng quân sớm truy bắt được hắn mang về xẻ thịt lột da, trả hận cho đứa con yêu quý của người. Đừng nói là bệ hạ, dù ta không phải mẹ ruột của Phất Kim nhưng đã nhìn nàng ấy lớn lên, nghe tiếng “mẫu hậu” phát ra bao nhiêu lần từ đôi môi đẹp như cánh hoa đào kia, bản thân ta bây giờ cũng chỉ hận không thể ngay lập tức cầm dao đâm thẳng vào tim Ngô Nhật Khánh từng nhát từng nhát một.

Thuốc thang suốt một tháng ròng, tâm tư công chúa đã dần trở nên trầm lặng. Phất Kim thật là một đứa trẻ ngoan, vết thương vẫn còn đau đã gượng cười, pha trò chọc cho ta và hoàng đế yên lòng. Ta mang Đinh Toàn đến chơi đùa để nàng khuây khỏa, nàng mang hết tình yêu thương trong tim mình đặt lên người cậu con trai vừa lên năm của ta, chăm sóc như em ruột.

Một hôm nọ, khi xong buổi chầu và đang cùng ta dùng bữa, người ngẩng lên nhìn thẳng vào mắt ta khẽ hỏi:

- Nếu có một ngày Hậu rơi vào tình cảnh của Phất Kim, phải lựa chọn giữa tình yêu và đại nghiệp, Hậu sẽ thế nào?!

Ta hơi ngỡ ngàng trước câu hỏi mang nhiều thường tình nhi nữ của vị hoàng đế từng được tôn xưng là Vạn Thắng Vương, nhìn thật lâu vào đôi mắt sáng lúc nào cũng như rực lửa ấy, mãi sau mới mỉm cười, đưa tay chạm lấy bàn tay rắn rỏi đang nắm chặt để trên bàn, khẽ quỳ xuống cạnh chân người:

- Thiếp chọn ngài.

Hoàng đế không có vẻ gì bất ngờ trước câu trả lời của ta, người là đất nước, đất nước là người, ta có gì phải đắn đo?!

Người nâng ta đứng dậy, ngồi xuống bên người, lại nhìn sâu tận đáy lòng ta:

- Hậu sẽ coi trọng quốc gia, hay chọn giữ lấy núi sông?!

Lúc ấy, ta không rõ ý người, cũng không biết nên đáp thế nào, đành cúi mặt nói ra lời chân thành nhất:

- Thiếp chọn theo ngài, lý tưởng của ngài chính là giấc mơ của thiếp.

***

Ngày Hoa Lư gióng lên hồi chuông tang tóc, ta chỉ có một mình… Ta như người mất trí vội chạy đến lầu Vọng Nguyệt, nơi Phất Kim đang đưa Đinh Toàn dạo chơi… Con ta đây rồi… còn ai đang nằm sóng xoãi, máu me ướt đẫm thế kia?!

- Mẫu hậu… - Con trai ta thét đến lạc giọng, chạy đến ôm gối ta nức nở. – Công chúa vừa nghe tin phụ vương băng hà thì đã… đã…

- “Phụ vương băng hà”… con đang nói lung tung gì thế? Phụ vương con vẫn đang vui yến tiệc với thái tử ở hoa viên…

- Mẫu hậu…!!! – Gương mặt con trẻ nhìn ta thảng thốt. – Tiếng chuông đại tang lúc nãy, mẫu hậu từng dạy con chỉ dùng để báo tin hoàng đế băng hà mà!

Boong… boong… boong…

Từng hồi chuông vang lên trong đầu ta như sấm dậy.

Hoàng đế băng hà.

Thái tử Đinh Liễn cũng bị đầu độc chết.

Tên đại nội họ Đỗ bị bắt gặp tại hoa viên, chém không cần tra hỏi.

Còn ta là ai?! Chồng của ta đâu ?! Tại sao ta lại ở nơi này…

***

- Cờ lau tập trận ?! – Ta phá lên cười khi thị nữ kể lại chuyện vừa nghe được trong dân gian. – Ý ngươi là người được xưng Vạn Thắng Vương đang hàng phục các sứ quân mấy tháng qua vốn chỉ là một kẻ chăn trâu?!

- Vâng ạ. Họ còn bảo rằng… - Ả thị nữ lắm mồm mọi khi của ta hôm nay bỗng dưng rụt rè không dám nói. – … bảo rằng sứ quân sẽ gả người cho hắn để cầu hòa.

Chén chè trên tay ta rơi xuống đất, ta trợn mắt nhìn làm ả sợ chết khiếp rồi bỏ đi một mạch đến chỗ anh trai, đặt câu hỏi không hề lễ độ :

- Anh muốn gả em cho tên chăn trâu đó thật sao?!

Người anh sứ quân của ta hơi giận dữ, nắm tay khẽ đấm xuống mặt bàn:

- Em muốn cả nhà ta và tất cả người dân đều bỏ mạng hay muốn làm hoàng hậu ?!

- Lấy tên chăn trâu đó rồi em sẽ thành hoàng hậu chăn trâu, có gì vinh hạnh, em thà chết… - Cái bướng bỉnh ngông cuồng của cô gái trẻ luôn được anh trai yêu chiều và người dân kính nể khiến ý nghĩ duy nhất trong đầu ta là phản đối cuộc hôn nhân này bằng mọi giá.

- Nhưng ta không muốn chết, cả nhà cũng không ai muốn chết, em muốn chết thì đợi hôn lễ xong rồi hãy chết. – Người anh trai nóng nảy của ta cắt ngang câu chuyện.

Ta mang nỗi ấm ức trong lòng, tìm đủ mọi cách để thoát khỏi hôn sự, kể cả khi mẹ ta khóc lóc khuyên nhủ lẫn van xin, kể cả lúc anh trai giam ta lại và sai người canh giữ. Thậm chí, ta còn muốn làm liều đợi hắn ta đến doanh trại rồi ám sát, cùng lắm là chết cả.

Không ngờ hắn không đến doanh trại của ta, mà cho người mời ta cùng anh trai sang doanh trại hắn. Đứng trước mặt ta là một gã đàn ông rắn rỏi, nước da nâu bóng, chắc là do lúc nhỏ chăn trâu cả ngày. Nếu không kể đến phòng vệ lớp trong lớp ngoài bao quanh doanh trại, chỉ riêng ánh mắt sắc lạnh và giọng nói trầm trầm của gã cũng đủ khiến người anh hữu dũng vô mưu của ta e ngại.

Ta ngồi cạnh bên, gã bàn luận với anh trai mà không nhìn ta lấy một lần. Bỗng dưng bên ngoài có tiếng khóc tỉ tê, gã vội đứng dậy cáo lỗi rồi bước nhanh ra cửa. Ta tò mò ra xem thử thì thấy gã đang dỗ dành một cô bé con chỉ hơn mười tuổi:

- Phất Kim ngoan, đừng khóc, nói cha biết kẻ nào dám bắt nạt con?! – Giọng nói dịu dàng này khác hẳn chất giọng trầm trầm vang rền khi nãy.

- Con muốn tìm mẹ nhưng bọn họ đều nói mẹ đi xa lắm rồi, không tìm được!

Gã ôm chặt cô bé vào lòng kiên nhẫn dỗ dành, giống hệt như cha ta ngày xưa mỗi lần ta giận dỗi.

- Phất Kim ngoan, mẹ của con đã đi đến… à đi tìm tiên ông để xin thuốc trường sinh, sống mãi với cha con mình. Sau khi trở về mẹ sẽ trẻ trung xinh đẹp hơn xưa bội phần. Con nhìn xem, có phải mẹ đã về không?!

Cánh tay gã-chăn-trâu chỉ về phía ta đang há hốc mồm vì kinh ngạc.

- Mẹ! Mẹ đây rồi! Mẹ đừng bỏ con nữa nha! – Cô gái nhỏ chạy đến ôm lấy ta khóc lóc thảm thiết, hai cánh tay bé xíu quấn lấy cổ ta không rời, thân hình nhỏ bé cứ run lên trong cơn nấc khiến ta thấy mắt mình cũng cay cay.

- Mẹ của con bé mới mất tháng trước. Con bé không chịu theo ai trong số những người vợ còn lại của ta, nên đi đâu ta cũng phải mang theo, không ngờ nó vừa gặp đã quấn lấy cô...

Ta liếc ngang, nhếch mép cười:

- Ngài có mấy hoàng hậu chăn trâu rồi, ngài cờ-lau-tập-trận.

- Ba. Một người vừa mất, còn hai. – Gã không hề để ý nét mỉa mai trong lời nói của ta, chỉ chăm chú vào tiếng khóc đang nhỏ dần của cô bé.

Nếu như ta lợi dụng cô bé con này để tiếp cận, sau đó ám sát hắn, có phải là rất dễ dàng không nhỉ? Vô số suy nghĩ bật ra trong đầu khiến ta không khỏi nở nụ cười đắc ý, gật gật đầu, không hề để tâm đến những lời gã kia đang nói, mãi về sau mới nhận ra:

- Ta đã lỡ bảo với Phất Kim cô là mẹ của nó, nên chẳng còn cách nào khác, cô làm hoàng hậu chăn trâu cùng ta nhé.

***

“Tại sao nàng mãi không chịu mở lòng đón nhận ta?”

“Sao hôm gặp đầu tiên, ngài không nhìn thiếp lấy một lần?”

“Ta đang bàn việc quân cơ, không thể bị xao nhãng được.”

“Sao ngài có nhiều hoàng hậu như vậy?”

“Mẹ của Phất Kim là vợ ta từ thuở hàn vi. Những người còn lại đều là khi ta chinh phạt, các sứ quân gả cho để cầu thân. Còn nàng… là do Phất Kim lựa chọn.”

“Chỉ có công chúa chọn thiếp thôi sao?”

“Nếu không, ta lấy cớ gì để cưới được nàng?”

“Em Nga, nàng đau lắm không? Cắn chặt vai ta…”

“Em Nga, cố lên, con của chúng ta sắp chào đời.”

“Hoàng hậu chăn trâu của ta, nàng giỏi lắm, chúng ta đã có một chú nghé rất khỏe mạnh.”

“Ta sẽ không bao giờ lập Toàn làm thái tử. Ta muốn nó và hậu mãi mãi hồn nhiên bộc trực, đừng bao giờ tranh quyền đoạt lợi như mẹ của Hạng Lang và Đinh Liệt. Ta muốn giữ lại cho nàng khoảng trời trong trẻo nhất.”

Khoảng trời ấy của ta, có ngài, có Phất Kim, có Toàn, có tiếng sáo của ngài, có cánh diều của con…

Ta nhỏ hơn ngài mười bốn tuổi, ngài vẫn luôn là chồng, là anh, là người cha đã nuông chiều, dạy bảo ta từng chút một. Ta từ một cô công chúa của sứ quân ngang ngược hoang dã, từ lúc theo ngài, học lễ nghĩa, học khí độ, học dịu dàng, trở thành một người nữ tính đến mức bản thân không ngờ được. Ngài từ đứa trẻ chăn trâu trở thành Đại Thắng Minh Hoàng đế, từ một người áo vải trở thành vị quân vương lập quốc, một tay dựng vương triều. Từ hôm ấy, ta vẫn luôn đi theo ngài đấy, sao lần này ngài không cho ta theo với.

“Mẫu hậu, có ai chết chồng mà cười vui vẻ như con không? Ngô Nhật Khánh chết rồi! Kẻ phản bội ấy chết rồi!”

Tiếng cười lanh lảnh của Phất Kim hôm ấy vang lên bên tai ta nghe nhói buốt.

Có ai chết chồng… mà cười vui vẻ… Có không?! Bệ hạ mất rồi… bị người ta ám sát… Vạn Thắng Vương trăm trận trăm thắng cuối cùng lại bại bởi mấy giọt độc dược, ngài nói có nực cười không, bệ hạ… Bệ hạ!

Trong căn phòng vắng, ta nghe tiếng cười của chính mình vọng về, khô khốc.

“Mang dao trong người để vào tân phòng với vua là tội chết đấy, nàng biết không?”

“Ta mang theo định ám sát ngài mà.”

“Nàng nỡ?!”

Ánh nến hắt lên lưỡi dao loang loáng một màu lạnh lẽo, ta áp vào da thịt, chỉ một chút thôi, sẽ không đau, từ ngày đầu chưa gặp mặt ta đã có ý định cùng chết với ngài mà…

- Mẫu hậu!! – Tiếng thét của Toàn làm ta bừng tỉnh. – Phụ vương băng hà, công chúa cũng mất rồi, mẫu hậu đừng bỏ Toàn lại một mình….

Ta run run ôm con trẻ vào lòng, cắn chặt môi đến lúc nghe mằn mặn nơi đầu lưỡi, không biết là máu hay nước mắt. Trong cơn vô thức, ta ru con như ngày nào còn có người ngồi cạnh đong đưa võng…

“Chàng đi cho thiếp theo cùng

Đói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp cam…”

***

- Thái hậu, gần đây có nhiều lời qua tiếng lại, họ nói Phó Vương lợi dụng Hoàng đế còn nhỏ tuổi, muốn chiếm quyền lực để triều đình đổi họ.

Ta nhìn Đinh Điền bằng đôi mắt khép hờ, nhếch miệng cười:

- Vậy, theo ý của Ngoại thích, ta phải làm sao?

- Thái hậu, thần nghĩ người nên thận trọng, tự mình quyết định những việc lớn nhỏ trong triều…

Chiếc quạt trên tay ta cắt ngang lời của hắn, ta quay sang nhìn vị Hoàng đế mới lên năm, nửa âu yếm nửa xót thương :

- Tiên đế băng hà, mẹ con ta cô nhi góa phụ, may còn có ba ngài cùng ta chống đỡ để xã tắc khỏi đảo điên. Ngài và Định Quốc Công cùng Tiên đế lớn lên, từng khóc từng cười, cùng nhau giành lấy cơ đồ, Phó Vương năm xưa khi còn là Thập đạo tướng quân có công cứu chủ, cả bốn người từng cùng nhau vào sinh ra tử, cớ sao giờ lại sinh sự nghi ngờ? Phải chăng là có thể cùng hoạn nạn nhưng không thể cùng hưởng vinh hoa?

- Thái hậu… - Vị Ngoại thích kêu lên thảng thốt.

- Ta chỉ hy vọng các ngài có thể đồng lòng hợp sức phò trợ mẹ con ta cho đến ngày bệ hạ vững vàng trên ngai vị. Các ngài muốn quyền lực ta cho quyền lực, muốn địa vị ta cho địa vị, có thể hiên ngang đi vào cung điện của ta để bàn chính sự mà không cần cho người tấu bẩm. Ưu ái ta dành cho các ngài có kém gì Phó Vương?

- Thái hậu, xin hãy nghe thần nói. – Vị tướng ngang tuổi với chồng ta bỗng lộ vẻ ấm ức không thể giãi bày. – Thần chỉ sợ Phó Vương lộng quyền, có ý đồ với ngai vị, muốn đổi nhà Đinh thành nhà Lê thì bệ hạ và người nguy mất!

Ánh mắt ta nhìn thẳng Đinh Điền:

- Ngài dựa vào đâu mà bảo rằng Phó Vương có ý đồ, ngài có bằng chứng gì không?

- Thái hậu. – Ngoại thích cúi rạp người. – Ngày Tiên đế và Thái tử bị người ta ngộ độc, chúng thần cùng chạy đến hoa viên thì chỉ thấy tên cận thần họ Đỗ đang run rẩy quỳ mọp. Chúng thần chưa kịp tra hỏi, Thập đạo tướng quân khi ấy đã cho người trói lại mang đi…

Tiếng nói của vị tướng dạn dày bỗng trở nên nức nở:

- Những gì chúng thần nghe được chỉ là… chỉ là tên họ Đỗ kia nằm mơ thấy sao trời rơi vào miệng, tin rằng mình được làm vua nên mới ra tay hạ độc… Những điều này quá hoang đường, nhưng Thập đạo tướng quân không hề tra hỏi, bảo là chém ngay tên họ Đỗ để làm yên lòng dân chúng…

Ký ức về cái ngày kinh hoàng ấy tái hiện trong đầu, ta đưa tay áp vào tai mình để ngăn Đinh Điền gợi lại những điều có thể khiến ta suy sụp. Răng cắn chặt vào môi đến khi trong miệng thoảng vị máu tanh, ta nói gằn từng tiếng một:

- Lúc ấy tình hình hỗn loạn, mọi người nghi kỵ lẫn nhau, đó là cách duy nhất để sự việc lắng xuống, ta tin các ngài cũng đồng tình, nếu không sao lại không hề phản đối để cứu lấy cái mạng chó của tên họ Đỗ?! Chồng ta chết, con ta mất cha, ta còn gạt nỗi đau để tiếp tục gìn giữ cái giang sơn thống nhất này, bởi vì nó là công sức cả đời Tiên đế giữ gìn, sao các ngài không hiểu?! Nói về nghi kỵ… ta đã tin dùng các ngài nghĩa là không nghi ngờ nữa. Muốn nghi, ta có thể nói ngài và Định Quốc Công Nguyễn Bặc xưa kia phò Thái tử Hạng Lang – chính là con của người đàn bà họ Hoàng, là mẹ của Ngô Nhật Khánh. Hạng Lang bị Thái tử Đinh Liễn công khai giết chết, Ngô Nhật Khánh mang quân làm phản, rồi Thái tử bị người ta hạ độc, các ngài sao có thể thoát khỏi nghi can?!

- Thái hậu!! – Đinh Điền kêu lên một tiếng đớn đau rồi quỳ sụp xuống. – Lòng tân trung của thần dành cho Tiên đế có đất trời chứng giám…

- Ngài nghi ngờ Phó Vương ám sát Tiên đế, liệu có nghi ngờ cả ta muốn giết Thái tử để giành ngôi cho bệ hạ bây giờ? Ngài không muốn giang sơn này đổi họ, phải chăng muốn nhắc cho ta nhớ rằng ngài cũng họ Đinh?!

Mỗi một lời chất vấn của ta, Đinh Điền đều cúi rạp người, lắc đầu nguầy nguậy. Đến những tiếng cuối cùng, hắn ta dừng hẳn lại, hướng về chiếc ghế năm xưa Tiên đế hay ngồi để bàn quốc sự, quỳ thật kính cẩn, rồi dùng hết sức mình bái lạy, tiếng sọ người nện trên nền đá vang lên khô khốc. Đinh Điền đứng thẳng người đối diện ta, trên trán máu không ngừng chảy:

- Thái hậu đã chẳng tin thần, thần chỉ còn cách dùng hành động để chứng minh. - Nói rồi, quay lưng đi mất.

Ta nhìn theo bóng lưng Đinh Điền, thả người phịch xuống ghế, không còn chút sức lực nào. Thị nữ đã lui hết ra ngoài, Toàn bước đến trước mặt, quỳ xuống ôm gối ta, ta xoa đầu con trẻ, nhè nhẹ thở dài.

Ta không chết được, thì phải tìm cách để mẹ con ta đều được sống. Hơn ai hết, ta là người muốn tìm ra kẻ đã ám sát chồng ta, muốn tự tay đâm chết hắn, nỗi hận còn lớn hơn nhiều lần mối thù với Ngô Nhật Khánh năm xưa. Nhưng ta không làm được lúc này. Thế và lực của mẹ con ta đều chưa đủ để tự bảo vệ mình, nói gì đến việc đòi lại công bằng. Ta đã nén được nỗi đau chết chồng, lẽ nào lại không thể kìm nén oán thù, nhẫn nhịn vài năm?!

Giữa ba người Lê Hoàn, Đinh Điền, Nguyễn Bặc, ta đều ít nhiều nghi kỵ. Đúng như Đinh Điền nói, Lê Hoàn là người có mối hiềm nghi lớn nhất, nhưng cũng là người đang có thế lực mạnh nhất bây giờ, ta chỉ đành ngọt ngào nhỏ nhẹ lấy lòng, dùng sự dịu dàng của ta khiến hắn tin cậy. Đinh Điền và Nguyễn Bặc tuy là bậc trung thần, ta có thể giữ nguyên đạo chủ - tớ mà đối đãi, nhưng thời thế bây giờ, ta chẳng thể đặt trọn lòng tin vào ai được nữa. Giữ hai phe ở thế cân bằng là cách duy nhất để mẹ con ta được bình yên.

- Bẩm Thái hậu, Phó Vương xin vào yết kiến. – Thị nữ khẽ khàng bẩm báo.

- Mời ngài ấy vào đây.

Đinh Toàn trở lại tư thế đường hoàng, ta cũng soi mình vào gương, lau đi giọt lệ đang đọng nơi khóe mắt.

Hắn bước vào, cúi đầu hành lễ, ta cũng khẽ gật đầu đáp lại. Ngoại trừ ở chính điện lúc thiết triều, những lần mẹ con ta ở tẩm cung, hắn đều cho người báo tin rất đường hoàng.

- Thái hậu, việc Ngô Nhật Khánh mang quân cầu viện Chiêm Thành đã được dàn xếp ổn thỏa. Tang sự của công chúa Phất Kim cũng đã chu toàn rồi, xin người yên tâm.

Nói đoạn, hắn cho người mang đến một chậu hoa quỳnh.

- Năm xưa, thần nghe dân gian có tiếng đồn rằng hoa quỳnh ở vùng sông Bôi trong một đêm đã bị thiêu trụi cả, chỉ vì dám tranh đua với nhan sắc của Dương Hoàng hậu. Nhiều năm đã trôi qua, chắc là cô em gái của sứ quân năm ấy cũng thôi ngạo nghễ, trải nhiều đau thương, thần hy vọng chậu hoa quỳnh này có thể giúp người nhớ lại chính mình của năm xưa, mong người chân cứng đá mềm.

Không đợi ta nói gì, hắn cho người mang chậu hoa đặt ở góc phòng, cúi chào rồi ra về. Hắn đi khỏi rồi, Toàn tò mò đến nhìn chậu hoa, ngơ ngác hỏi:

- Mẫu hậu, con không hiểu ý của Phó Vương.

Ta đưa tay vuốt tóc con thơ, nhàn nhạt ý cười:

- Năm đó ta vừa theo phụ vương con, được xưng tụng là thiếu nữ đẹp nhất kinh thành. Trong một lần ngài đưa ta trở về cố hương mở tiệc, hoa quỳnh nở rộ khiến mọi người chú ý. Năm đó ta kiêu ngạo, vì một loài hoa được chú ý hơn mình mà có chút phiền lòng. Phụ vương con vì cưng chiều nên đã cho người đốt sạch, để ta lại làm bông hoa rực rỡ nhất hoàng cung.

Toàn tròn xoe mắt nhìn ta, không dám hỏi gì thêm.

Ngón tay ta dừng lại trên cuống lá xanh thẫm, nhớ lại từng chút ngọt ngào khi ta còn được ở bên người. Lê Hoàn, hắn là muốn khiến ta chân cứng đá mềm, hay muốn ta chết chìm trong ký ức?!

“Nếu có một ngày phải lựa chọn giữa tình riêng và đại nghiệp, Hậu sẽ chọn quốc gia hay là giữ lấy núi sông?”

“Thiếp chọn ngài. Lý tưởng của ngài chính là giấc mơ của thiếp.”

***

Đinh Điền, Nguyễn Bặc xua quân làm phản, tiến về kinh đô muốn giết chết Lê Hoàn.

Thế cân bằng mà ta khó khăn lắm mới tạo ra được, trong một phút chốc bị chính lời nghi kỵ nông nỗi của ta làm cho vỡ nát.

Trận này, nếu Lê Hoàn thắng, thế lực của hắn càng lớn mạnh hơn. Nếu Đinh Điền và Nguyễn Bặc tiến được về kinh, tính mạnh của mẹ con ta cũng khó bảo toàn.

Ta chỉ đành chọn con đường có lợi cho mình hơn cả.

Sửa sang xiêm áo đến gặp Lê Hoàn, ta dùng những lời đầy tin cậy:

- Tang lễ Tiên đế còn chưa mãn, bọn Đinh Điền, Nguyễn Bặc đã dấy quân tạo phản. Thân làm Thái hậu lại không thể đứng ra bình ổn, ta hổ thẹn nhờ cậy Phó Vương bình định phản loạn, giữ vững nền hòa bình cho đất nước.

Ngày tin thắng trận báo về, ta ngồi trong phòng một mình, thấy ngọn lửa mà Lê Hoàn dùng để đốt cháy chiến thuyền của Đinh Điền rừng rực cháy trước mắt ta. Nào công hầu khanh tướng, nào một thời ngang dọc lẫy lừng, cùng chồng ta thanh gươm yên ngựa… Ngài tạo phản có phải vì dòng họ của chồng ta, vì ngai vàng của con ta?! Ngài bước vào con đường đó có phải bởi vì ta không tin ngài nữa?! Ngài xuống suối vàng gặp Tiên đế, có kể tội ta tư thông với Lê Hoàn, hai tay dâng triều đình cho kẻ họ Lê?!

Lê Hoàn trở về gặp ta, không có chút tự hào nào của người mới dẹp yên nội loạn. Hắn chỉ nói một câu: “Đã làm xong việc mà người giao phó”, rồi đi.

Ánh mắt đỏ ngầu và cái lạnh run người bao quanh hắn khi ấy, giống hệt lúc ta vô tình bắt gặp hắn đứng trước lăng mộ Tiên đế trước đó không lâu.

***

Thế lực của Lê Hoàn hiện tại đã có thể một tay che trời, thậm chí có thủ tiêu mẹ con ta để giành ngôi hẳn là cũng không ai dám lên tiếng phản đối nửa lời.

Nhưng hắn vẫn lễ độ, khiêm cung, làm đúng vai trò của một Phó Vương.

Mặc cho lời đồn ngày càng lớn rằng binh sĩ ủng hộ Lê Hoàn, mặc cho người đời râm ran chê cười ta là vị Thái hậu thất tiết, mộ phần Tiên đế chưa xanh cỏ đã tư thông cùng người khác.

Phía Bắc biên giới, Giao châu lục lộ thủy lộ chuyển vận sứ Hầu Nhân Bảo dẫn quân tiến vào xâm lược Đại Cồ Việt.

Giữa lúc triều đình đang bàn kế hoạch chống giặc, Tướng quân Phạm Cự Lạng mặc áo trận đi thẳng vào Nội phủ, dõng dạc từng lời:

- Thưởng người có công, giết kẻ trái lệnh là phép sáng để thi hành việc quân. Nay chúa thượng còn trẻ thơ, chúng ta dẫu hết sức liều chết để chặn giặc ngoài, may có chút công lao, thì có ai biết cho? Chi bằng trước hãy tôn lập ông Thập đạo làm Thiên tử, sau đó sẽ xuất quân.

Cả điện đồng lòng hô “Vạn tuế”.

Ta nhìn vào sắc mặt không biến đổi của Lê Hoàn, mọi thứ nghi ngờ từ trước đến nay đều trở nên hết sức rõ ràng.

Giết chết Tiên đế và Thái tử, tiêu diệt kẻ trung thần.

Chu đáo quan tâm để Thái hậu ta mang cái danh thất tiết.

Trong lúc lửa bỏng dầu sôi, cho kẻ dưới trướng tung hô tôn mình làm Hoàng đế.

Thập đạo tướng quân – Phó Vương – ngài đã hao tâm tổn sức bao lâu để dựng lên vở kịch này?!

***

“Bệ hạ, ngài dẹp loạn các sứ quân vì muốn làm vua, hay thực sự nghĩ cho dân cho nước.”

“Ta lúc đầu chỉ muốn thỏa chí làm trai, muốn có danh với núi sông. Sau khi có được quyền lực rồi, trong tay nắm lấy sinh tử của muôn người, mới bắt đầu cảm thấy trách nhiệm của mình.”

“Ngài yêu Đại Cồ Việt không?”

“Khi nàng cảm nhận được nụ cười của những đứa trẻ chăn trâu, nét duyên của cô thôn nữ, ánh mắt hy vọng của những cụ già, tất cả đều phụ thuộc vào một câu nói của nàng, nàng sẽ hiểu thế nào là yêu nước.”

“Nếu có một ngày phải lựa chọn giữa tình riêng và đại nghiệp, Hậu sẽ chọn quốc gia hay là giữ lấy núi sông?”

Đến bây giờ ta mới hiểu, quốc gia và non sông có đôi khi không là một.

Quốc gia là quyền lực của một nhà một họ, còn non sông là của muôn người.

***

Cả đại điện đang chờ xem phản ứng của ta và hắn. Chúng ta chỉ mặt đối mặt nhìn nhau, không nói một lời nào.

Đây không còn là chuyện sống chết của ta và Hoàng đế, mà còn là sinh tử của rất nhiều người.

Nếu ta đớn hèn bại trận nhường ngôi, ta và con trai sẽ cùng tự sát.

Nếu ta kiên cường quyết giữ lại triều đại của họ Đinh, rất nhiều trung thần nghĩa sĩ sẽ cùng chết với ta, giữa lúc quân Tống vẫn đang lăm le xâm chiếm sơn hà.

Ta đã hại chết hai trung thần Nguyễn Bặc và Đinh Điền, liệu có cần thiết chất thêm xác người trên con đường đưa ta xuống suối vàng?!

Nếu để mất quốc gia này, Tiên đế, người có tha thứ cho Vân Nga không?! Nếu cả hậu duệ cuối cùng cũng không còn, tổ tiên người có oán hận ta không?!

Ta cắn chặt răng cố giữ mình không gục ngã, trong tay đã cầm sẵn con dao nhỏ mà ta luôn giữ bên người, sẽ rất nhanh đưa hai mẹ con ta thoát khỏi tình cảnh khó xử này.

Bỗng một tiếng nói trầm trầm vang lên bên tai ta như sấm dậy:

- Thái hậu, người có đồng ý trở thành Hoàng hậu của ta không?!

Hắn đứng trước mặt ta, không để lộ chút cảm xúc gì.

Cả cung điện im lặng như tờ, không có cả một tiếng thở khẽ. Đây là kết cục mà không ai ngờ tới.

Giữa những lựa chọn dẫn ta đến nhiều cái chết khác nhau, hắn đưa cho ta một con đường sống duy nhất, nhưng là sống trong nhục nhã.

Trở thành Hoàng hậu của Lê Hoàn là gánh vào người cái danh thất tiết ô nhục, ngàn đời không rửa sạch. Là mang tội với họ Đinh mang cơ đồ trao vào tay kẻ khác.

Nhưng là cách để mẹ con ta tiếp tục sống, và những người trung thần già nua kia tiếp tục sống, tiếp tục làm trung thần vì dân vì nước.

Là cách để non sông này vẫn liền một cõi, cùng nhau chống giặc.

“Nếu có một ngày phải lựa chọn giữa tình riêng và đại nghiệp, Hậu sẽ chọn quốc gia hay là giữ lấy núi sông?”

“Thiếp chọn ngài. Lý tưởng của ngài chính là giấc mơ của thiếp.”

***

Đêm tân hôn của ta và Hoàng đế mới, không có hoa giăng rực rỡ, không có tiệc rượu chúc mừng. Chỉ có ta ngồi ở gian phòng được bày trí tươm tất, như cái xác không hồn, tay vẫn nắm chặt con dao nhỏ.

Ta không thể giết Lê Hoàn, đất nước này cần có hắn để ngăn bọn xâm lược.

Ta đã đồng ý làm Hoàng hậu của hắn rồi, long bào cũng đã trao trên điện, như vậy dù ta sống tiếp hay không, con ta giờ là Vệ Vương cũng sẽ được an toàn.

Cửa phòng bật mở, đây là lần thứ ba ta thấy dáng vẻ này của hắn, khác chăng là hắn đã ngà ngà say.

Ánh nhìn của hắn dán chặt vào bàn tay đang nắm của ta, đưa bàn tay to lớn của hắn nhanh chóng bắt lấy, lưỡi dao nhỏ đâm sâu vào tay hắn, máu nhỏ xuống thành từng giọt. Mắt hắn vằn lên những tia đỏ ngầu như máu:

- Hoàng hậu, nàng đừng tưởng ta không dám giết Vệ Vương. Nếu nàng dám tự sát, hắn cũng đừng hòng sống.

Ta nhìn hắn đầy oán hận, ngươi giết chồng ta, cướp ngôi của con ta, ép ta đến nước này, ngay cả ta muốn chết ngươi cũng không cho. Cuối cùng ta đã nợ gì ngươi?!

Con dao trên tay ta rơi xuống đất, máu của hắn đọng trên giường thành một vệt đỏ tươi.

Hắn xoay người bước ra khỏi phòng, trước khi đóng sập cửa lại ở sau lưng còn để lại một câu hỏi nhẹ như gió thoảng:

- Nếu tôi nói tôi không giết chồng nàng, nàng có tin không…?!

***

Kinh thành Hoa Lư ngày tin chiến thắng đưa về rực rỡ cờ hoa. Mái đình nhỏ cạnh dòng sông được trang trí rực rỡ để ta đón người thắng trận trở về.

Ả thị nữ theo hầu ta bấy lâu, từ căm ghét đến giờ đã dần cảm phục Lê Hoàn, không ngừng ca ngợi:

- Lệnh bà biết không, khắp kinh thành hiện giờ không ngừng ca ngợi bệ hạ có tài thao lược, lại được thần linh ủng hộ. Đến bọn trẻ con cũng thuộc làu bài thơ đã vang lên ở đền hai ông Trương Hống – Trương Hát bên sông Như Nguyệt làm bọn giặc Tống sợ run người. Con đi đâu cũng nghe là “Nam quốc sơn hà, Nam đế cư. Tiệt nhiên… tiệt nhiên không biết tại ai cư…”.

Ta phì cười, tâm trạng ủ dột có khá hơn đôi chút, từ tốn đọc tiếp bài thơ đã vọng khắp đất nước những ngày qua:

- “Nam quốc sơn hà, Nam đế cư

Tiệt nhiên định phận tại thiên thư

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm

Nhữ đẳng hành khang thủ bại hư”

Người thị nữ cười tít mắt, lại tất tả bày trí nào hoa nào màn, khiến mái đình rực rỡ y hệt tân phòng. Ả còn nhìn ra dãy núi ẩn hiện xa xa, liếng thoắng:

- Lệnh bà, con nghe người ta nói dãy trường sơn kia là do những con rồng cảm thương người vợ chờ chồng nên kéo nhau đi tìm, tìm ra đến tận biển đông[5]. Hiện giờ con lại thấy chúng giống như đang dẫn đường cho đức vua trở về với lệnh bà.

Ta nhếch mép cười, nỗi cay đắng trong lòng lại trào dâng. Ta cũng từng là góa phụ ôm con mỏi mắt trông đợi người chồng đã mất, giờ lại ở đây đón đợi “chồng” sau…

Lê Hoàn từ kẻ chiếm ngôi khiến lời ra tiếng vào, giờ đã thành anh hùng mà cả dân tộc suy tôn.

Ta phục hắn là người cầm quân dũng mãnh, biết ơn hắn đã lần nữa mang lại thái bình, nhưng nỗi oán hận gia tộc vẫn còn đó, mối hoài nghi giết chồng vẫn còn đó, sự uất ức hắn khống chế mẹ con ta vẫn còn đó, ta có thể kính trọng hắn thế nào đây?!

Tất cả những dịu dàng ngọt ngào mà ta bày ra trước mặt hắn, chỉ mong có thể giữ cho con trai ta một cuộc sống yên bình… Không chỉ làm yên lòng hắn, mà còn làm yên lòng những kẻ trung thành với hắn, nghi ngờ mẹ con ta sẽ có ngày tạo phản.

Hắn trở về, ngỡ ngàng nhìn khung cảnh thần tiên được ta bày trí, ngơ ngẩn nhìn người đàn bà góa bụa rực rỡ xiêm y nói câu mừng chiến thắng, tay nâng rượu ngang mày.

Khi tất cả hầu cận đã lui đi hết, hắn nhìn sâu vào mắt ta, ánh nhìn thoáng chút đau thương:

- Tại sao nàng lại làm như vậy?

Ta mỉm cười:

- Ta thay mặt đất nước này tạ ơn ngài, có gì không phải phép sao?!

Hắn đau đớn lắc đầu, nắm chặt vai ta, hơi thở nồng nặc mùi rượu:

- Ta không cần đất nước này ơn nghĩa. Em Nga, ta muốn có nàng.

Hai tiếng “em Nga” của hắn khiến lòng ta chấn động, nước mắt không ngừng chảy.

Đêm ấy, ta không bao giờ còn là người vợ nhỏ bé mà chồng ta hết mực nuông chiều.

Tiếng nhơ của ta lan khắp kinh thành, con sông bên cạnh mái đình hôm ấy bỗng có tên Vân Sàng – là nơi Dương Hoàng hậu đã đặt giường để đón Hoàng đế thắng trận trở về, phượng chạ loan chung[6].

Mặc kệ danh tiết, mặc kệ tiếng đời mai mỉa, mặc kệ đạo nghĩa vợ chồng.

***

Sau đêm ấy, một công chúa chào đời. Hắn vui mừng hỏi ta muốn đặt tên con gái là gì, ta không ngần ngại gọi là Phất Ngân, trong đầu hiện lên rõ mồn một dáng vẻ của Phất Kim ngày trước.

Nói rồi lại hổ thẹn với mình, Phất Kim đã chọn ta làm vợ của người, giờ ta lại lấy tên con đặt cho con gái của kẻ thay lòng, con có oán hận ta không?!

Tháng tháng năm năm, ta sống như chiếc bóng, mọi tâm sức đều dành cho đất nước, là thứ duy nhất chồng ta còn để lại cho ta, thứ duy nhất ta làm được vì người ấy.

Lê Hoàn hết lòng yêu thương Phất Ngân, còn gả con cho Lý Công Uẩn – vị tướng tài ba nhất của mình.

Cùng bàn việc nước, cùng nhìn con trẻ lớn khôn, cùng chăm sóc nhau khi đau ốm, ta vẫn không thể mở lòng, vẫn xem hắn là vị Hoàng đế mà mình cần phục vụ, chẳng phải là người chồng mà ta có thể yêu thương.

Ta không ít lần muốn giết hắn lúc hắn say ngủ giữa đêm để trả thù cho chồng, nhưng rồi lại chùn tay, không dám để nước nhà nổi cơn phong ba thêm lần nữa, sợ nhìn thấy cảnh thây chất đầy đồng. Ta hèn nhát chẳng làm được việc lớn gì, chỉ có thể trả thù bằng cách duy nhất là giữ tấm lòng mình mãi mãi trinh nguyên, dù thân thể đã trở nên nhơ nhuốc.

Hắn đánh Tống rồi đánh Chiêm Thành, mở mang bờ cõi, mỗi khi trở về chỉ lặng lẽ đến tìm ta, ngồi yên uống rượu.

- Càng chinh phạt ta càng hiểu rõ như thế nào là yêu nước, là tự hào về từng tấc giang sơn gấm vóc này.

Nói rồi, hắn đưa tay nắm chặt tay ta, ánh nhìn như thiêu đốt:

- Thật may vì ta có người tri kỷ hiểu được lòng ta…

Ta rụt tay về, rót rượu thêm cho hắn, không đáp nửa lời.

Tháng năm trôi như gió thoảng, khi con ta trở thành một vị vương gia vững chãi, ta cũng chẳng còn luyến tiếc cuộc đời.

Hắn ôm chặt ta trong lòng, bàn tay cứng như sắt nguội:

- Trẫm không cho nàng chết. Trẫm đã từng nói nếu nàng chết, trẫm sẽ giết Vệ Vương.

Những lời này vào tai ta đã không còn ý nào đe dọa, ta nhếch mép cười:

- Ngài không dám làm đâu…

Chút hơi tàn cũng cạn.

Bên tai ta vang lên tiếng thét bi thống như thể con thú rừng bị trọng thương.

***

Ta chết rồi, làm ma không họ, gả đi rồi chẳng phải họ Dương, họ Đinh ta không dám nhận, họ Lê ta lại khước từ, cứ như thế quẩn quanh nơi địa ngục, mãi không được siêu sinh.

Một phán quan gương mặt như quỷ dữ đến tìm ta:

- Ngươi đã quẩn quanh nơi này năm năm rồi, sao vẫn chưa đi?

- Ta không có chốn để về, cũng chẳng biết mình là ai.

Phán quan thở dài, kéo tay ta lôi mạnh đi:

- Xem ra ngươi còn quá nhiều chấp niệm không buông được, thôi thì ta đưa ngươi đi đến nhìn những nơi ngươi chưa từng biết.

Hắn đưa ta về lại Hoa Lư, giờ đây có đến hai điện thờ. Ta thấy một tượng đá tạc hình phụ nữ được khiêng ra từ một đền thờ ở phía xa, đặt ở giữa sân, bị người ta dùng roi đánh rồi lại khiêng đi.[1]

- Ngươi có nhận ra chính mình không? – Phán quan hỏi.

Những lời của hắn làm ta thấy đất trời như đảo điên, hóa ra những gì ta dằn vặt khổ đau suốt cả một đời, vào trong mắt người dân lại thành ra công – tội minh bạch rõ ràng như thế.

- Họ khiêng ta đi đâu thế kia. – Ta thấy giọng mình lạc hẳn đi.

- Họ thờ ngươi nửa năm ở đền vua Đinh, nửa năm ở đền vua Lê, để ngươi được trọn vẹn với hai chồng.

Nước mắt rơi lã chã, ta không còn mặt mũi đến gặp người, lại được thờ cùng người ở một điện sao…

- Nhưng mà… Lê Hoàn… hắn không phải chồng ta…

Phán quan chẳng nói chẳng rằng, đưa ta đến trước lăng mộ của Tiên đế, ta từ lúc thành Hoàng hậu của Lê Hoàn đã chẳng còn dám tự đặt chân đến nơi này, trừ những ngày tế lễ công khai. Phán quan đứng phía sau ta, giọng vẫn đều đều:

- Vua Đinh chẳng hề hận ngươi, thậm chí còn luôn dõi theo ngươi, trước lúc siêu sinh còn nhờ ta nhắn lại rằng ngươi đã làm tốt lắm rồi, cực khổ cho ngươi…

Bấy giờ, ta mới có dũng khí quỳ sụp xuống đất òa lên nức nở:

- Bệ hạ, tha tội cho thiếp…

Rất lâu sau đó, ta ngẩng đầu lên nói với phán quan:

- Ta chẳng còn gì lưu luyến nữa, ngài muốn đưa ta đi siêu thoát hoặc mang xuống địa ngục chịu nhục hình cho những tội lỗi của ta thì cứ dẫn đi.

Vị phán quan bỗng nở nụ cười giễu cợt:

- Chẳng phải vẫn còn một nơi ngươi chưa đến sao? Lăng mộ của Lê Hoàn ở bên kia… - Nói rồi, hắn lấy tay chỉ ra sau núi.

Từ chỗ muốn cự tuyệt ban đầu, ta chợt nhận ra có điều gì đó không đúng lắm:

- Mộ Lê Hoàn, ở phía sau…?! – Ta nhận ra giọng mình đã run run.

- Lúc băng hà, hắn nói rằng trước đây hắn là thuộc hạ của vua Đinh, đến khi chết rồi chỉ dám xin được chôn sau, không dám ngang hàng ở cùng một núi…

Những lời cuối cùng của phán quan nhòa đi trong cơn gió. Trong phút chốc, ta bỗng nhận ra tất cả mọi thứ mà trước giờ ta luôn chối bỏ vì nỗi nghi ngờ quá lớn trong lòng.

Như đôi mắt đỏ ngầu và dáng vẻ cô độc đến bi ai của Lê Hoàn lần ở trước lăng mộ Tiên đế, lần giết Đinh Điền và trong đêm hợp cẩn.

Như chậu hoa quỳnh hắn luôn cho người mang đến mỗi lần ta thấy yếu lòng.

Như tiếng hét thương đau của hắn lúc ta lìa đời và con trai ta tử trận.

Như sự chiều chuộng hắn dành cho Phất Ngân hệt như năm xưa Tiên đế đã chiều ta.

Như ánh mắt van xin của hắn lúc gọi ta hai từ “tri kỷ” mà ta không đáp lại.

Như tiếng “em Nga” ngày hắn gặp ta ở Vân Sàng, ngày ta lâm bồn hắn lo lắng ở cạnh bên không ngừng gọi tên ta.

Như câu hỏi tuyệt vọng mà hắn ngỡ như ta không nghe thấy, cũng không bao giờ muốn đáp:

“Em Nga, nếu tôi nói tôi không giết chồng nàng, nàng có tin không…?!”

HẾT

[1]Lấy ý từ câu “Quốc phá sơn hà tại” (Nước bị tàn phá, núi sông vẫn còn đấy) trong bài Xuân Vọng, Đỗ Phủ.

[2]Tương truyền khi Dương Vân Nga mới sinh ra, bà khóc mãi không dứt. Có một vị đạo sĩ đi ngang nhà đã đọc hai câu thơ này, tức thì bà liền nín bặt.

[3] Chỉ Ngô Quyền.

[4] Theo sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (chính biên, quyển 1, tờ 11):

“Ngô Nhật Khánh là bà con của Ngô Tiên Chúa (tức Ngô Quyền). Trước kia, Ngô Nhật Khánh từng xưng là An Vương, cùng trong số mười hai sứ quân giữ đất tranh hùng. Khi Đinh Tiên Hoàng đánh dẹp được Ngô Nhật Khánh rồi, bèn lập mẹ của hắn làm Hoàng Hậu, hỏi em gái của hắn cho con mình là Nam Việt Vương Đinh Liễn, lại gả công chúa cho hắn nữa, thế mà Ngô Nhật Khánh vẫn không bớt oán hờn. Hắn dẫn vợ là công chúa của Đinh Tiên Hoàng đi trốn. Tới cửa biển Nam Giới (tức là cửa Sót, nằm ở huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh), hắn rút dao bên mình ra, rạch mặt vợ mà kể tội:

- Cha mày đã lừa gạt để ức hiếp mẹ con ta. Ta có đâu lại vì mày mà bỏ qua tội ác của cha mày. Thôi, mày hãy trở về, ta sẽ một thân một mình đi tìm ai có thể cứu được ta đây.

Nói rồi, Ngô Nhật Khánh chạy sang Chiêm Thành. Sau, nghe tin Đinh Tiên Hoàng đã mất, Ngô Nhật Khánh dẫn quân Chiêm Thành, theo đường biển mà vào cướp phá. Chẳng dè, khi quân của chúng đi qua cửa biển Đại Nha và cửa biển Tiểu Khang thì phong ba nổi lên, nhận chìm hết cả thuyền bè, Ngô Nhật Khánh bị chết đuối. Chúa Chàm (tức vua Chiêm Thành) may được thoát nạn, thu nhặt tàn quân mà chạy về”.

[5] Lấy ý từ bài Ai xuôi vạn lý của Lê Thương: “Nên núi non thương tình kéo nhau đi thăm nàng, nằm thành trường sơn vạn lý xuyên nước Nam”.

[6] Lấy ý từ Truyện Kiều của Nguyễn Du:

“Nào người phượng chạ loan chung
Nào người tích lục tham hồng là ai”

[7] Tục lệ ngày hội rước Bà ở Hoa Lư, Ninh Bình.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenFun.Vip