Linh Nam Chich Quai Liet Truyen Chuong 11 Ly Ong Trong

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chương 11: Truyện Lý Ông Trọng

Cuối đời Hùng Vương có người tên Lý Thân, huyện Từ Liêm, đất Giao Chỉ (1). Khi đẻ ra rất to lớn, cao đến 2 trượng 3 thước, tính tình hung hãn, phạm tội giết người, tội ác đáng chết, Hùng Vương tiếc mà không nỡ giết đi.

Đình Chèm, thờ Lý Ông Trọng ở xã Thụy Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội 

Đến đời An Dương Vương, Tần Thủy Hoàng muốn đem quân sang đánh nước ta, An Dương Vương bèn đem Lý Thân tiến dâng cho nhà Tần. Thủy Hoàng mừng lắm, phong cho làm chức Tư Lệ Hiệu Úy. Khi Thủy Hoàng đã lấy được thiên hạ, sai Lý Thân đem quân giữ đất Lâm Thao, Hung Nô không dám xâm phạm cửa ải. Thủy Hoàng phong Lý làm Phụ Tín Hầu, cho trở về nước. Về sau, Hung Nô lại sang xâm phạm cửa ải. Thủy Hoàng nhớ tới Lý Thân, sai sứ người sang triệu về. Lý Thân không chịu đi, trốn vào rừng núi. Vua Tần trách quở, An Dương Vương tìm mãi không được, nói dối là Lý đã chết vì bệnh tả. Tần sai sứ sang khám. An Dương Vương bèn nấu cháo đổ xuống đất để làm chứng cứ. Vua Tần đòi mang xác sang, Lý Thân bất đắc dĩ phải tự vẫn. An Dương Vương sai lấy thủy ngân bôi lên xác rồi đem nộp vua Tần. Thủy Hoàng rất thương tiếc, mới đúc tượng đồng, đặt hiệu là Ông Trọng, đem dựng ở ngoài cửa Tư Mã, đất Hàm Dương. Trong bụng tượng chứa mấy chục người để lay cho tượng cử động. Hung Nô trông thấy tưởng là quan Hiệu Úy còn sống, không dám đến gần cửa ải.

Tới đời Đường, Triệu Xương sang làm quan Đô Hộ đất Giao Châu, đêm mộng thấy cùng Lý Thân giảng sách Xuân Thu, Tả Truyện. Vì thế nên hỏi thăm nhà cũ, lập đền thờ cúng. Đến lúc Cao Biền dẹp giặc Nam Chiếu, Lý hiển linh cứu trợ, Cao Biền bèn sửa sang lại đền miếu, tạc gỗ làm tượng, gọi là đền Lý Hiệu Úy, nay gần bên sông lớn, thuộc xã Bố Nhi, huyện Từ Liêm (2), cách phía tây kinh thành khoảng 50 dặm, (Bố Nhi nay là xã Thụy Hương).
Mỗi năm giữa mùa xuân đều có tế lễ (3).

Chú thích:

1) Bản A 2914 chép: có người ở xã Thụy Hương, huyện Từ Liêm, nay là huyện Từ Liêm đất Giao Chỉ, gần bên sông lớn.
2) Bản HV 486 chép: thuộc xã Bố Hiện, bản A 2914 chép: thuộc xã Thuỵ Hương
3) Bản A 2914 còn có đoạn: Đến năm thứ nhất đời Trùng Hưng (Dịch giả: tức năm 1285, đời vua Trần Nhân Tông) được sắc phong làm Uy Mãnh, năm thứ 4 phong thêm làm Anh Liệt. Năm thứ 21 đời Hưng Long (Dịch giả: tức năm 1313 đời vua Trần Anh Tông) sắc phong làm Phụ Tín. Bản A 2914 không có hàng chữ “Mỗi năm giữa mùa xuân đều có tế lễ”.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenFun.Vip