Triet Troi Oi La Troi Nghien Cuu Cac Cap Pham Tru

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng
7.Trình bày nội dung và ý nghĩa của việc nghiên cứu các cặp phạm trù: nguyên nhân - kết quả; tất nhiên - ngẫu nhiên; nội dung - hình thức; bản chất - hiện tượng.
Trả lời:
Nguyên nhân - kết quả
Khái niệm
- Nguyên nhân là phạm trù chỉ sự tác động lẫn nhau giữa các mặt trong một sự vật hoặc giữa các sự vật với nhau, gây ra một biến đổi nhất định nào đó.
- Kết quả là phạm trù chỉ những biến đổi xuất hiện do tác động lẫn nhau giữa các mặt trong một sự vật hoặc giữa các sự vật với nhau gây ra.
Mối liên hệ
- Phép biện chứng duy vật khẳng định mối liên hệ nhân quả có tính khách quan, tính phổ biến, tính tất yếu.

+ Tính khách quan thể hiện ở chỗ: mối liên hệ nhân quả là cái vốn có của bản thân sự vật, không phụ thuộc vào ý thức của con người. Dù con người có biết hay không biết, thì các sự vật vẫn tác động lẫn nhau và sự tác động đó tất yếu gây nên biến đổi nhất định.
+ Tính phổ biến thể hiện ở chỗ: mọi sự vật, hiện tượng trong tự nhiên và trong xã hội đều có nguyên nhân nhất định gây ra. Không có hiện tượng nào không có nguyên nhân, chỉ có điều là nguyên nhân đó đã được nhận thức hay chưa mà thôi.
+ Tính tất yếu thể hiện ở chỗ: cùng một nguyên nhân nhất định, trong những điều kiện giống nhau sẽ gây ra kết quả như nhau.

Quan hệ biện chứng giữa nguyên nhân và kết quả

+ Nguyên nhân sinh ra kết quả, xuất hiện trước kết quả. (cần phân biệt quan hệ nhân quả với quan hệ kế tiếp về mặt thời gian. Ví dụ: mùa đông rồi đến mùa hè, thấy chớp rồi mới nghe sấm..thì mùa đông không phải nguyên nhân của mùa hè, chớp không phải nguyên nhân của sấm. Cần phân biệt rõ giữa nguyên nhân và kết quả có mối quan hệ sản sinh ra nhau)
+ Nguyên nhân và kết quả có thể thay đổi vị trí cho nhau (Ví dụ: trình độ dân trí thấp do kinh tế kém phát triển, ít đầu tư cho giáo dục. Nhưng dân trí thấp lại là nhân tố cản trở việc áp dụng tiến bộ khoa học - kĩ thuật vào sản xuất, vì vậy lại kìm hãm sản xuất phát triển).

Ý nghĩa của việc nghiên cứu

+ Muốn tìm nguyên nhân phải tìm trong thế giới hiện thực, trong bản thân các sự vật, hiện tượng tồn tại trong thế giới vật chất chứ không được tưởng tượng từ trong đầu óc của con người, tách rời thế giới hiện thực.
+ Vì nguyên nhân luôn có trước kết quả, muốn tìm nguyên nhân cần tìm trong những sự kiện những mối liên hệ xảy ra trước khi hiện tượng đó xuất hiện.
+ Một kết quả có thể do nhiều nguyên nhân sinh ra. Những nguyên nhân này đóng vai trò khác nhau với việc hình thành kết quả. Vì vậy trong hoạt động thực tiễn cần phân loại các nguyên nhân, tìm ra nguyên nhân cơ bản, nguyên nhân chủ yếu, nguyên nhân bên trong, nguyên nhân bên ngoài, nguyên nhân chủ quan, nguyên nhân khách quan..từ đó có biện pháp thích hợp tạo điền kiện cho nguyên nhân có tác động đến hoạt động tạo kết quả như mong muốn.
+ Kết quả có tác động trở lại nguyên nhân. Vì vậy trong hoạt động thực tiễn cần phải khai thác, tận dụng các kết quả đã đạt được để tạo điều kiện thúc dẩy nguyên nhân phát huy tác dụng, nhằm đạt mục đích cao hơn

Tất nhiên - ngẫu nhiên
Khái niệm
- Tất nhiên là phạm trù chỉ cái do những nguyên nhân cơ bản bên trong của kết cấu vật chất quyết định và trong những điều kiện nhất định nó phải xảy ra như thế chứ không thể khác được.
- Ngẫu nhiên là phạm trù chỉ cái không do mối liên hệ bản chất, bên trong kết cấu vật chất, bên trong sự vật quyết định mà do các nhân tố bên ngoài, do sự kết hợp nhiều hoàn cảnh bên ngoài quyết định. Do đó, nó có thể xuất hiện, có thể không xuất hiện, có thể xuất hiện thế này, có thể xuất hiện khác đi.
Mối quan hệ biện chứng giữa tất nhiên và ngẫu nhiên
- Tất nhiên và ngẫu nhiên đều tồn tại khách quan, độc lập với ý thức của con người và đều có vị trí nhất định đối với sự phát triển của sự vật.
- Tất nhiên và ngẫu nhiên đều tồn tại, nhưng chúng không tồn tại biệt lập dưới dạng thuần túy cũng như không có cái ngẫu nhiên thuần túy.
- Tất nhiên và ngẫu nhiên có thể chuyển hóa cho nhau. Chúng không nằm yên ở trạng thái cũ mà thay đổi cùng với sự thay đổi của sự vật và trong những điều kiện nhất định tất nhiên có thể chuyển hóa thành ngẫu nhiên và ngược lại.(Ví dụ: việc trao đổi vật này lấy vật khác trong xã hội nguyên thủy lúc đầu chỉ là ngẫu nhiên, nhưng về sau sản phẩm dư thừa, thì việc trao đổi sản phẩm trở nên thường xuyên hơn và biến thành một hiện tượng tất yếu của xã hội)
Ý nghĩa của việc nghiên cứu
- Trong hoạt động thực tiễn chúng ta phải dựa vào cái tất nhiên, mà không thể dựa vào cái ngẫu nhiên. Nhưng cũng không thể bỏ qua hoàn toàn cái ngẫu nhiên, chúng có ảnh hưởng đến sự phát triển của sự vật, đôi khi còn rất sâu sắc. Do vậy ngoài phương án chính, cần có phương án dự phòng để chủ động đáp ứng những biến cố ngẫu nhiên có thể xảy ra.
- Vì cái tất nhiên không tồn tại thuần túy mà bộc lộ qua vô vàn cái ngẫu nhiên. Nên muốn nhận thức được cái tất nhiên phải thông qua việc nghiên cứu, phân tích, so sánh rất nhiều cái ngẫu nhiên, để tìm ra "cái chung tất yếu".
Nội dung - Hình thức
Khái niệm
- Nội dung là phạm trù chỉ tổng hợp tất cả những mặt, những yếu tố, những quá trình tạo nên sự vật.
- Hình thức là phạm trù chỉ phương thức tồn tại và phát triển của sự vật, là hệ thống các mối liên hệ tương đối bền vững giữa các yếu tố của sự vật đó.
Mối quan hệ biện chứng giữa nội dung và hình thức
- Nội dung và hình thức luôn gắn bó với nhau trong một thể thống nhất. Không có hình thức nào tồn tại thuần túy không chứa đựng nội dung, ngược lại cũng không có nội dung nào lại không tồn tại trong một hình thức xác định. Nội dung nào hình thức đó. Nhưng không phải vì thế mà lúc nào nội dung và hình thức cũng phù hợp với nhau. Một nội dung trong quá trình phát triển có thể có nhiều hình thức thể hiện, ngược lại, một hình thức có thể thể hiện nhiều nội dung các nhau.
- Nội dung giữ vai trò quyết định đối với hình thức trong quá trình vận động phát triển của sự vật.
- Hình thức cũng có tác động trở lại đối với nội dung. Nếu phù hợp với nội dung thì hình thức sẽ tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy nội dung phát triển; nếu không sẽ ngăn cản, kìm hãm sự phát triển của nội dung.
Ý nghĩa của việc nghiên cứu
- Trong nhận thức không được tách rời tuyệt đối hóa giữa nội dung và hình thức. Đặc biệt chống chủ nghĩa hình thức.
- Trong hoạt động thực tiễn cải tạo xã hội cần phải chủ động sử dụng nhiều hình thức khác nhau, đáp ứng với yêu cầu thực tiễn của hoạt động cách mạng trong những giai đoạn khác nhau.
- Phải thường xuyên đối chiếu giữa nội dung và hình thức và làm cho hình thức phù hợp với nội dung để thúc đẩy nội dung phát triển.
Bản chất - Hiện tượng
Khái niệm
- Bản chất là phạm trù chỉ sự tổng hợp tất cả những mặt, những mối liên hệ tất nhiên, tương đối ổn định bên trong sự vật, quy định sự vận động và phát triển của sự vật.
- Hiện tượng là phạm trù chỉ sự biểu hiện ra "bên ngoài" của bản chất.
Ví dụ: Bản chất của một nguyên tố hóa học là mối liên hệ giữa hạt nhân và electron, còn những tính chất hóa học của nguyên tố đó khi tương tác với các nguyên tố khác là hiện tượng thể hiện ra bên ngoài của mối liên kết giữa giữa hạt nhân và electron.
Quan hệ biện chứng giữa bản chất và hiện tượng
- Chủ nghĩa duy vật biện chứng không chỉ thừa nhận sự tồn tại khách quan của bản chất và hiện tượng, mà còn cho rằng, giữa bản chất và hiện tượng có quan hệ biện chứng vừa thống nhất gắn bó chặt chẽ với nhau, vừa mâu thuẫn đối lập nhau.

+ Sự thống nhất giữa bản chất và hiện tượng:
Thể hiện ở chỗ: Bản chất luôn luôn được bộc lộ qua hiện tượng, còn hiện tượng cũng là sự biểu hiện của bản chất ở mức độ nhất định. Không có bản chất nào tồn tại thuần túy ngoài hiện tượng; đồng thời cũng không có hiện tượng nào hoàn toàn không biểu hiện bản chất. (V.I.Lênin viết: "Bản chất hiện ra. Hiện tượng là có tính bản chất" - V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1981, t.29, tr.268)
Còn thể hiện ở chỗ bản chất và hiện tượng về căn bản là phù hợp nhau. Bản chất nào thì có hiện tượng ấy, bản chất khác nhau sẽ bộc lộ ở những hiện tượng khác nhau. Bản chất thay đổi thì hiện tượng biểu hiện nó cũng quay đổi theo. Khi bản chất biến mất thì hiện tượng biểu hiện nó cũng mất theo.

+ Tính mâu thuẫn của sự thống nhất giữa bản chất và hiện tượng:
Bộc lộ qua: Bản chất phản ánh cái chung, cái tất yếu, quyết định sự tồn tại và phát triển của sự vật, còn hiện tượng phản ánh cái riêng, cái cá biệt. Bản chất thì tương đối ổn định, ít biến đổi, nhưng hiện tượng lại thường xuyên biến đổi. (V.I.Lênin viết: "Cái không bản chất, cái bề ngoài, cái trên mặt, thường biến mất, không bám "chắc", không "ngồi vững" bằng "bản chất"")
Còn thể hiện ở chỗ, bản chất là mặt bên trong ẩn giấu sâu xa của hiện thực khách quan; còn hiện tượng là mặt bên ngoài của hiện thực khách quan đó. Bản chất không được biểu lộ hoàn toàn ở một hiện tượng và biểu hiện ở rất nhiều hiện tượng khác nhau. Hiện tượng không biểu hiện hoàn toàn bản chất mà chỉ biểu hiện một khía cạnh của bản chất, biểu hiện bản chất dưới hình thức đã biến đổi, nhiều khi xuên tạc bản chất.

Ý nghĩa việc nghiên cứu
- Muốn nhận thức bản chất của sự vật phải đi từ những sự vật, hiện tượng, quá trình thực tế. Phải phân tích, tổng hợp sự biến đổi của nhiều hiện tượng, nhất là những hiện tượng điển hình mới hiểu rõ được bản chất của sự vật.
- Vì bản chất là cái tất nhiên, tương đối ổn định, còn hiện tượng là cái không ổn định, không quyết định sự vận động phát triển của sự vật. Nên nhận thức không chỉ dừng lại ở hiện tượng mà phải tiến đến nhận thức được bản chất của sự vật.
- Trong hoạt động thực tiễn, phải dựa vào bản chất của sự vật để xác định phương thức hoạt động cải tạo sự vật không được dựa vào hiện tượng.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenFun.Vip