Tan Man Nhung Nam Thang Cap Hai

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng
Viết cho những ngày tháng cuối cùng còn là học sinh cấp hai...

---

Năm nay tôi là học sinh cuối cấp. Chỉ là cuối cấp hai thôi, tôi còn những ba năm ở cấp ba trước khi bước lên Đại học, vậy nhưng đối với bốn năm đã trải qua ở cấp hai này, không thể nào nói rằng tôi không buồn, không tiếc khi phải xa trường, xa bạn bè.

Bốn năm cấp hai trải qua nghe có vẻ rất dài nhưng khi ngoảnh đầu lại, sau lưng chỉ còn là những mảng kí ức tuyệt đẹp của tuổi học trò. Còn là học sinh của trường, ai ai cũng ngỡ " Còn tận ba năm học ở đây... Còn tận hai năm học ở đây.. Còn một năm nữa ở đây. " để rồi đến bây giờ ngỡ ngàng " bốn năm cứ thế mà đã qua rồi sao ", có lẽ cũng đã muộn.

Bốn năm cấp hai, tôi không khỏi cảm ơn Tạo hóa, cảm ơn trời vì đã cho tôi có được những ngày tháng thanh xuân đẹp đẽ đến như vậy. Bốn năm cấp hai, tôi không khỏi cảm ơn cha mẹ vì đã vất vả làm việc cho tôi được đến trường, đến lớp. Bốn năm cấp hai, tôi không khỏi cảm ơn những người thầy cô đã lên lớp đều đặn, dẫu cho mệt mỏi với giáo án hay chấm những bài kiểm tra chất chồng, thầy cô vẫn đứng lớp giảng dạy, truyền đạt cho chúng tôi những bài học và kiến thức mới. Bốn năm cấp hai, tôi không khỏi đặc biệt cảm ơn những người bạn đã cùng bên cạnh và trải qua năm tháng học trò này, họ chính là những người anh em thân thiết, là người cùng tôi sẻ chia, cùng tạo cho nhau những tiếng cười và lặng yên bên những nỗi buồn của nhau.

Tuổi 12 là độ tuổi giao thoa giữa cấp một và cấp hai. Bước qua một cấp học khác liền cảm thấy như mình đã lớn hẳn lên. Là độ tuổi còn trong sáng, đối với thầy cô vẫn còn cảm thấy sợ, đối với những người bạn vẫn còn tử tế gọi nhau mấy tiếng " ông - tui, bà - tui " vì cảm thấy gọi nhau bằng " mày - tao " thật có chút gì đó lưu manh. Đi học chỉnh tề, quần áo sáng sủa, sau giờ ra chơi chỉ cần thấy khăn quàng bị lệch hay vạt áo bị bung ra liền hấp tấp sửa sang, chỉnh đốn vì sợ bị giám thị bắt. Những giờ sinh hoạt dưới cờ đứng thẳng người hát quốc ca vang vọng cùng với những người bạn khác. Lần đầu bị giáo viên la mắng trước lớp liền cảm thấy tủi thân và hai mắt đã cay sè. Khi ấy chỉ cần chơi rượt bắt, la hét gọi tên nhau giữa sân trường, từng mảng áo ướt đẫm dưới cái nắng buổi chiều, khanh khách cười mà chạy đuổi nhau cũng là điều viên mãn tuyệt vời. Những góc khuất của trường vẫn chưa hề hay biết, những dãy hành lang luôn bị đồn đại là có ma, nhà vệ sinh vào buổi tối trở thành nơi cấm địa không ai dám mon men lại gần. Đối với trường còn thấy sợ, thấy lạ lẫm nhiều điều. Chẳng dám phạm lỗi bao giờ, cũng chẳng dám đối xử tồi tệ với người bạn của mình vì sợ họ buồn. Chúng ta ai cũng đều ngây ngô, đối với nhau chân thành nên khi bị quay lưng thì liền hụt hẫng đến đau lòng, khóc thổn thức và bất chấp hình tượng. Đối với người bạn khác giới chung lớp bắt đầu cảm thấy rung động qua những lần rượt bắt nhau trên sân, những cuộc cãi vã trẻ con với tâm niệm " càng hay chọc ghẹo, gây chú ý thì càng thích nhau ". Ngồi chung trong một lớp, chỉ cần nghe gọi đến tên người ấy là tim đập thình thịch, miệng không tự chủ mà nhếch thành đường cong. Tiếng cười trong veo và giòn giã đó, những lần đi lướt qua nhau không dám nhìn vào mắt đối phương, cái nắm tay vụng trộm đầu đời đó hay cả những tiếng trêu ghẹo của bạn bè, lần đầu nhận những con điểm không - phải - 10 dẫu có đánh đổi bằng bất cứ thứ gì cũng muốn thử trải nghiệm trở lại một ngày từng là học sinh lớp sáu như thế nào.

Lớn thêm một tuổi - tuổi 13, lại càng cảm thấy như mình đã trưởng thành, quãng thời gian " trẻ trâu " của năm lớp sáu chỉ là quá khứ, ngoảnh lại nhìn cảm thấy có chút xấu hổ " vì sao hồi ấy mình lại trẻ trâu đến thế ? " Bạn bè bắt đầu gọi nhau mấy tiếng " mày - tao " sau một năm lớp sáu đã chơi thân. Những lần đầu tiên được trải qua cảm giác nghịch ngợm tuổi học sinh là như thế nào. Lần đầu tiên viết bảng kiểm điểm sợ hãi và buồn bã thế nào khi nghĩ đến việc phải đưa cho phụ huynh kí. Lần đầu tiên ăn vội miếng bánh tráng chỉ trộn với muối tôm cay sè và vắt tắc vào cũng cảm thấy đây đích thực là món sơn hào hải vị tuyệt mĩ nhất thế giới. Lần đầu tiên không thể gượng nổi trước tiết học buổi chiều có gió hiu hiu cùng giọng nói đều đều của thầy cô trên bục giảng, có cố gắng đến mấy thì mi mắt cũng díp lại và mặt bàn trở thành nơi gửi gắm những giấc mơ bay bổng. Lần đầu tiên cùng người bạn cùng bàn chơi cờ caro, khoanh số, nối từ trong những tiết học chán ngán. Lần đầu tiên vụng về trộn bánh tráng trong tiết học, tiếng giấy nylon sột soạt cùng với hương muối ớt tỏa vào không khí để rồi bọn bạn xung quanh giương ra con mắt " không cho tao ăn thì tao sẽ mách cô, mách thầy. "  Lần đầu tiên chạm nhẹ môi vào má người bạn khác giới, cơ mặt chỉ muốn nóng lên rồi nổ tung vì quá xấu hổ. Lần đầu tiên nhận phải một con điểm trung bình - điểm 5, điểm 6 vì không chịu nhồi nhét những con chữ vào đầu để làm bài kiểm tra. Lần đầu tiên bước sang những ngưỡng cửa mới trong các môn học - bắt đầu viết văn nghị luận thay vì là những con chữ miêu tả hay biểu cảm đầy non nớt, trẻ con ; bắt đầu dùng đến thước ê - ke, compa hay các dụng cụ phức tạp hơn để vẽ tam giác, chứng minh tam giác bằng nhau qua hình vẽ chằng chịt, góc này cùng cạnh kia nhìn mãi cũng không ra cách làm ; bắt đầu học về cơ thể, nội tạng của động vật thay vì là thụ phấn đơn giản giữa thực vật với nhau. Những lần đầu tiên học điều mới, những lần đầu tiên phạm sai lầm, những lần đầu tiên nghịch ngợm vừa mang cảm giác thích thú, vui vẻ vừa sợ hãi và run rẩy giấu diếm để không bị bắt quả tang. Cũng là lần đầu nhận phải danh hiệu học sinh khá, khóc lóc sướt mướt và tự trách bản thân quá ngu đần, lười biếng để rồi hôm sau đến trường gặp lũ yêu tinh cùng lớp lại cười hề hề, lại nghịch phá và bỏ lại những ưu sầu, lời hứa với bản thân " không được nghịch phá nữa " mà hùa vào tiếng cười giòn của bọn bạn chung lớp. Không gì quý giá bằng những trải nghiệm lần đầu tiên, rụt rè, e dè và sợ hãi.

Tuổi 14 - đích thực đã trở thành anh ba, chị ba của trường. Thông thạo địa lý, tinh thông thầy cô, tuyệt chiêu che giấu tội lỗi tinh tường, vụng trộm và lén lút đã trở thành bản năng. Đối với mọi thầy cô đều đã biết cách luồn lách, ứng biến, khi cần nhu nhược thì lập tức biến thành một con thỏ con năn nỉ, hối lỗi, khi muốn tỏ ra bảnh chọe thì lập tức hóa sói, trở thành một đại boss siêu ngầu kênh mặt lên với sự đời. Những trò nghịch có lẽ không còn lạ lẫm gì nữa, thậm chí đã đạt đến hàng điêu luyện và bành trướng, phô trương hơn. Thoạt nghe qua những cuộc nói chuyện giữa những người bạn với nhau, chưa kịp nhìn lại còn tưởng là cuộc nói chuyện giữa những đại ca xã hội đen, dân chơi quậy phá. Danh từ động vật, tính từ chửi thề trở thành câu cửa miệng với nhau. Không còn gọi nhau là tên mà trở thành " ê con chó, thằng phò ". Và khốn nạn hơn tất cả chính là đã sơ suất để lộ tên bố mẹ trong những năm học trước đó, để rồi mỗi ngày đến trường đều được gọi bằng tên bố mẹ, vừa chột dạ nhưng lại là trò vui muôn thuở. Đối với thầy cô cũng đã biết suy nghĩ, chín chắn hơn, mặc dù nghịch phá nhưng vẫn hoàn tâm hối cải, tuy rằng tự ái cao ngút trời mây vẫn cố bướng bỉnh đến cùng nhưng trong thâm tâm thì lại đắng nghét vì trót làm thầy cô buồn. Tuổi 14 đích thực là quãng thời gian nổi loạn nhất của đời học sinh. Bài vở bê bối, điểm trên trung bình cũng đủ để mở tiệc ăn mừng, đạt được danh hiệu học sinh giỏi thì lập tức tế bái thần phật, cảm tạ trời đất. Bữa ăn chính trong ngày dường như là (chục) bịch bánh tráng mua vội ngoài căn tin để đem vào lớp cùng ăn với bạn bè cho có hội. Một ly nước ngọt được mua về từ số tiền lẻ đi vay mượn khắp nơi, một cái ống hút đưa cho chục đứa uống, uống hết nước thì chuyển sang nhai đá. Đại công tử, tiểu thư khuê các trong lòng cha mẹ ở nhà thì khi đến trường cũng hóa thành kẻ ăn xin mặt dày đi mượn tiền, đại lưu manh chửi bới, chơi những trò không thể mất dạy hơn. Chủ đề nói chuyện luôn là những chủ đề nhạy cảm, cấm kị mà người lớn có lẽ còn chưa hiểu tường tận bằng học sinh lớp tám. Bất cứ từ ngữ hay câu nói vô tư nào thoảng qua cũng trở thành lời nói sặc mùi ám muội, lũ bạn không khỏi cười ồ lên với nhau. Lớn cũng chưa lớn hẳn, nhưng hiển nhiên cũng đã biết nhận thức và bước qua những suy nghĩ bồng bột, trẻ con. Khi chơi đùa, quậy phá thì chẳng khác gì những con thú sổng chuồng, cười như điên và quằn quại vì những trò đùa. Vậy nhưng chỉ cần một đứa nào đó im ắng, buồn rầu thì xung quanh lập tức bật chế độ trầm tính, hiểu đời. Những lời khuyên đầy sự trải đời, những cái vỗ vai đầy cảm thông hay thậm chí là vài lời nói chẳng hiểu mô tê gì nhưng nghe có vẻ sâu lắng và hết sức triết lí. Gọi tắt là " lúc vui thì như một lũ chó điên, còn lúc buồn thì như những bậc hiền nhân sầu đời. " Tình cảm lênh đênh, lần đầu cũng đã hiểu cảm giác đơn phương, đau buồn vì tình cảm là như thế nào. Có lẽ là lần đầu biết khóc vì người mà mình rất yêu thương, trân trọng. Khi trải qua những tổn thương đầu đời thì bạn bè bên cạnh cùng ta vượt qua lại khiến ta càng trân quý, gắn bó hơn. Cũng có lẽ bao nhiêu chuyện ập đến khiến ta ngộp thở, căng thẳng và áp lực, mệt mỏi và muốn buông xuôi tất cả, nhưng còn bạn bè ở bên, còn những người anh em thân thiết, ta lại gắng gượng và họ nâng đỡ cùng ta vượt qua.

Và cuối cùng, cho những ngày tháng đã trôi qua, trải qua biết bao nhiêu câu chuyện, bao nhiêu niềm vui, bao nhiêu nỗi sợ hãi, cũng là bao nhiêu nỗi buồn, ưu sầu và cả những giọt nước mắt, chúng ta trưởng thành hơn và trở thành anh chị cả của trường - tuổi 15 tươi đẹp, ý nghĩa. Tính tình dường như đã biết tiết chế lại. Không còn ương ngạnh, bướng bỉnh, hư hỏng như năm trước nhưng cũng không lạ lẫm gì với các trò nghịch dại vì đơn giản đã từng trải qua tất cả. Vẫn rất khốn nạn và chơi đểu nhau, vẫn quá quen với những lời trách mắng hay việc vào sổ đầu bài cũng không dằn vặt, đau khổ như những năm trước. Đặc biệt là sự thay đổi từ trong suy nghĩ, lần đầu chúng ta đứng trước tương lai của chính chúng ta, lần đầu được tự trải nghiệm cảm giác quyết định một việc gì đó trong cuộc đời mình - chọn nguyện vọng để bước vào cấp ba. Xác định mục tiêu rồi, mỗi người đều hối hả với bài tập, kiến thức, hiểu được tầm quan trọng của việc học, hiểu được tầm quan trọng về con đường mà mình chọn mai sau. Những trò vui tạm gác lại, thay vào đó là cảm giác tiếc nuối. Tiếc vì biết bao kỉ niệm đẹp đã sắp xa, tiếc vì không còn được gặp những gương mặt mà mình đã nhìn suốt bốn năm trời, tiếc vì đã cố gắng ngoan ngoãn mà không thử cảm giác phạm lỗi một lần, tiếc vì đã không tham gia hoạt động một cách tích cực, tiếc vì đã bỏ lỡ quá nhiều cơ hội bày tỏ sự biết ơn với thầy cô, tiếc vì đã ngắm nhìn người mình yêu thương từ xa mà không dũng cảm tiến đến bày tỏ, tiếc vì đã để mối quan hệ với người mình từng yêu thương rơi vào bế tắc đến không thể cứu vãn, tiếc vì đã không nhìn ra được vẻ đẹp của trường, của những con người nơi đây sớm hơn. Dẫu rằng chúng ta đã từng chơi hết mình, cũng học hết sức, nhưng vẫn cảm thấy tiếc vì mình chưa sống hết mình một lần với tuổi trẻ. Trường trở thành nơi chốn đẹp nhất, trở thành một tòa thương thành trong chính trái tim mỗi người, trở thành ngôi nhà mà mỗi ngày mình đều đến. Từng phiến lá, viên gạch cũng đều ẩn chứa những kỉ niệm đã cùng bạn bè trải qua. Học sinh lớp chín - đặc biệt lại càng yêu trường hơn, dường như mỗi ngày đều muốn đi một vòng sân trường, ghi nhớ từng góc sân, từng dãy hành lang đến khắc cốt ghi tâm. Mong muốn thời gian cứ kéo dài mãi, mãi khoác trên mình bộ đồng phục mà mình đã mặc suốt bốn năm, mãi đi con đường đến trường mà mình nhắm mắt cũng có thể đi được. Chỉ nghĩ đến việc tất thảy đều sẽ trở thành hồi ức thì không thể nào cười vui được nữa. Hối hả viết những dòng trạng thái, hối hả chụp lại những tấm ảnh của trường để Facebook làm nơi lưu giữ, " ngày này năm sau " có thể được nhắc nhở mình nhớ đến ngôi trường này. Học sinh lớp chín mang trong lòng tâm niệm " làm tất cả để không phải uổng phí hay không phải hối hận khi ra trường. " Đối với những người bạn, đã nói những câu chuyện về dự định tương lai, về sự chia xa, những chia sẻ hoàn toàn thật lòng và cuộc nói chuyện với nhau không còn đùa giỡn, cười cợt. Đối với người mình yêu thương, đã tranh thủ đi cùng nhau từng phút, nhớ đến nhau từng lúc, làm mọi cách để giữ cho mối quan hệ luôn ấm áp, bớt đi những cãi vã cỏn con, những ghen tuông vụn vặt vì thời gian bên nhau không còn lâu nữa. Đối với những người thầy cô, chúng ta biết yêu thương và trân trọng họ hơn, thể hiện cả sự biết ơn và tình cảm của mình đối với công lao của họ bằng cách cố gắng học, học vì tương lai mà cũng vì những người xung quanh. Đối với ngôi trường, mỗi ngày đều dành ra những khoảng lặng mà ngắm nhìn, không ngừng cảm ơn, cũng không ngừng hồi tưởng và trân trọng khoảnh khắc còn được ngồi ở băng ghế đá này, dưới tán phượng vĩ đã nở hoa thắp lửa hè cả một vùng trời, còn được mang danh " học sinh cấp hai ".

Từng cái bàn, từng chiếc ghế, từng góc sân, từng món đồ hay hương vị, âm thanh quen thuộc của trường, tuổi 15 tôi luôn cất giữ. Tuổi 15 chẳng ai sợ con đường phía trước, chỉ sợ những hồi ức đằng sau khiến ai cũng phải tiếc nuối, đau lòng khi rời xa. Vì bốn năm cấp hai quá đẹp đẽ, vì những người bạn quá đỗi chân thành, vì những kí ức quá thiêng liêng, ai cũng sợ sẽ mất đi, sợ không còn được là một phần trong đó nữa.

Thật lòng, thật lòng cảm ơn những ngày tháng tươi đẹp này. Thật lòng, thật lòng mãi mãi nhớ đến bốn năm cấp hai đi suốt cả đời cũng chẳng bao giờ có được tình cảm chân thành, đáng trân trọng, những hồi ức thiêng liêng đến thế.

" Năm tháng vội vã, chẳng vì ai mà dừng lại. "

21/05/2016

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenFun.Vip