Menh Kiep Soi Chi Do Xiii Gia Dinh

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Đợi chờ là cái giá của hạnh phúc"

***

Sáng sớm tinh mơ, lúc mặt trời chưa đứng bóng, không khí mùa hạ đã tràn ngập khắp Hạ Long, tô khung mây một màu xanh dương trong trẻo. Vùng đất thiêng nơi rồng ngủ say dưới tầng biển bạt ngàn đã bật dậy sức sống mới, không quá phô trương nhưng lúc nào cũng kiêu hãnh.

Tôi mở cửa sổ đón những tia nắng dịu ngọt đầu tiên trong ngày. Mặt biển lấp lánh hạt sáng như phủ một lớp kim tuyến, đứng từ ban công có thể cảm nhận được cái uyển chuyển trong chuyển động của từng con sóng, vô cùng tinh tế.

Nhìn đồng hồ điểm mới hơn sáu giờ mà bên dưới đã rộn tiếng cười đùa, tiếng bếp xì xèo. Tôi xuống nhà, nghe cả giọng bé Thỏ và chị Bình đang tíu tít bên bếp lửa riu riu thơm mùi thịt kho; mẹ thì đang quét sân, cạnh có ba đang tưới mấy chậu kiểng, mỗi người một việc.

- Cậu Ninh xuống mẹ ơi!

Tôi bồng bé Thỏ lên, hít vào má mềm từng cú liên hồi:

- Nào, hôm nay dịp gì mà con dậy sớm thế? Dậy trước bé Nhím luôn!

Thỏ nhìn mẹ em, miệng chúm chím cười:

- Mẹ với bà ngoại nói... hôm nay sẽ làm tiệc cho cậu Ninh.

- Tiệc á?

Chị Bình bê nồi trứng cút vừa luộc còn nóng hổi đặt lên bàn. Mùi thơm nhàn nhạt của trứng xộc thẳng vào mũi, bụng tôi vỗ trống:

- Cả nhà định làm tiệc thật ạ? - Tôi hỏi chị.

- Tiệc gì đâu, vốn chỉ muốn làm cho em một bữa thịnh soạn sau bao ngày ăn uống chán chê trên Hà Nội thôi. - Chị phủi tay, ngồi vào ghế - Này, hai cậu cháu lại đây phụ bóc trứng đi.

Nghe đến phụ làm việc, Thỏ nửa muốn nửa không. Con bé đòi tôi thả xuống rồi chạy lên lầu, vẻ mặt nghịch ngợm:

- Con lên với em nha mẹ.

- Xem Nhím dậy chưa hộ mẹ nhá?

- Dạ - Chất giọng trong trẻo kéo nhựa ra, dần nhỏ lại rồi tắt hẳn.

Thỏ lên lầu rồi. Ở đây chỉ còn tôi với bả ngồi lột trứng. Bả nhìn tôi một dọc, trong lời nói pha chút chăm chọc:

- Hôm nay cũng có người dậy sớm quá đó.

- Không phải dậy sớm đâu, bình thường cả nhà đi vắng em ngủ đến trưa đấy thôi.

- Phải không? Hay do hôm nay lại có hẹn đi đâu đó nên mới chịu dậy?

Tôi cúi mặt nhìn nồi trứng cút, suy nghĩ vu vơ rồi lại nhìn ra sân, có ba mẹ đang đứng ngoài đấy. Trong đầu tôi thoáng một chút bồi hồi:

- Chắc là không đi chị ạ.

- Thế á? Không rủ Dương sang chơi.

Tôi nhìn bả, bán tín bán nghi hỏi:

- Chị muốn Dương qua mình chơi đến vậy luôn?

Bả cười nhếch, vừa nói vừa nom ra ngoài sân trông có vẻ lén lút:

- Không phải hai đứa thân nhau lắm à? - Bả hạ thấp giọng - Mà này, hai đứa mày có gì với nhau không đó?

Tôi sượng người, hai tai nóng ran:

- Nào! Sao chị lại hỏi thế?

- Thì hỏi chút! Chị cũng không nghĩ chú mày sẽ như vậy... - Bỗng bả trầm ngâm rồi lại nói tiếp, giọng đượm chút tâm tư - ...nhưng dù có là vậy đi chăng nữa, thì thế thôi, nhỉ?

Tôi cứng họng, tay bấu víu vào nhau nên lột phạm vào lòng trứng, nhân vỡ ra bám vào móng tay vàng tươi. Bả vốn khéo tay, điềm nhiên bóc quả nào trông cũng tròn xoe đầy đặn. Chả bù cho tôi, cứ lúi húi bóc quả nào cũng xấu tệ, méo mó, lồi lõm. Tôi than trong bất lực:

- Khổ thật đấy, bóc cái này khó quá.

Chị cười nhạt, lấy mấy quả trứng loét của tôi để sang chén riêng:

- Bóc trứng cũng là một loại nghệ thuật đấy. Nếu bóc hăng quá, nhanh quá thì dễ phạm thịt bên trong, còn nhát tay quá chậm quá thì dễ sinh chán rồi bỏ. - Hai tay chị vẫn thoăn thoắt lột - Chú mày tính vội vã, làm việc cũng nên để chút tâm tư vào đi, kẻo sau này làm việc bằng cảm tính thì hỏng hết nghe chưa.

Tôi ngoan ngoãn ngồi nghe, im lặng gật đầu. Lắm lúc bả như thế cũng khiến tôi mở mang được tầm mắt.

- Thôi, chú rửa tay rồi sang bên kia tắt bếp hộ chị, sẵn tiện mang chậu nước lạnh cho chị ngâm trứng. À nhớ mang hủ muối ớt nữa.

- Muối ớt? - Tôi với lấy trên đầu tủ - Chị tính ăn gì?

- Ăn thành quả mà chú vừa làm ra ấy - Bả cười.

***

Dương đến nhà tôi lúc gần tám giờ, vừa hay đồ ăn cũng mới lên bàn còn tỏa khói thơm. Em xách theo mấy giỏ quà tặng ba mẹ tôi, cũng không quên phần của mấy đứa cháu nữa. Lúc nào cũng vậy, lần đến là lần quà, hình như em thấy có lỗi khi đến nhà tôi mà chẳng mua quà thì phải?

Trông dáng vẻ nhát chân của Dương, chị Bình dõng tiếng mời em ngồi vào bàn. Trước sự chào đón nhiệt tình của bả, Dương rụt rè nép sau lưng tôi như mọi khi.

- Không lẽ em định xuống bếp chơi với mấy cái nồi à? Ngồi đi chứ. - Tôi nói nhỏ.

Dương kéo ghế ngồi cạnh tôi trong tiếng xì xào của tụi nhỏ. Nhím hỏi Thỏ về sự xuất hiện của cậu Người Lớn. Em nhỏ hơn nên không thường xuyên gặp anh Dương bằng chị mình, lạ cũng phải.

Cả nhà ngồi cùng bàn, ăn cùng mâm, ngỡ là một gia đình, một gia đình ấm áp. Trong đầu tôi cứ nghĩ đến những thứ xa xăm, những chuyện mà trước nay tôi chưa từng nghĩ tới.

"Sau này sẽ là một bàn ăn có mình, có Dương, có ba mẹ mình và ba mẹ của em ấy, có những trưởng thành, những hoan hỉ, miễn là cùng nhau. Một gia đình hạnh phúc. Ôi sao cứ như cổ tích".

Nghĩ rồi lại thôi, tôi nhìn sắc mặt của mẹ có phần thản đạm, liền vội gắp cho bà một miếng thịt nằm trên cùng, chín thơm nhất.

- Cả nhà ta lâu lắm mới được dịp đông đủ thế này. Hôm nay ăn cho thật vui nhé!

Dương thẹn thạo bỏ vào chén vài món nằm ở gần vị trí em thuận tay với tới. Còn những phần đặt gần chỗ ba hay mẹ tôi, em tuyệt nhiên không đụng đến.

Ba tôi thấy Dương cứ một đũa gấp một đũa chần chừ, bèn hỏi:

- Ở đây ăn uống đạm bạc, không biết có hợp khẩu vị của cháu không?

Dương cười nhu hòa:

- Không sao đâu bác ạ. Cháu ăn được. Món nào cũng ngon cả.

Nhím vỗ tay, ngồi phía đối diện mà thích chí cười vô tri:

- Mẹ với bà ngoại cháu nấu đó cậu Dương.

Cả nhà cười nuông chiều. Dương cũng hòa theo dòng chảy mà cong môi cười theo. Mẹ tôi một mình một phía, từ đầu chí cuối điềm nhiên không nói lời nào, bấy giờ mới chịu lên tiếng hỏi:

- Cùng là bạn nhau cả, cháu đã có dự định gì chưa? Dự định gì về ba năm còn lại trên Hà Nội?

Dương chậm rãi đưa đũa lên miệng, miếng thịt nhỏ bé hóa khổng lồ. Em đánh mắt sang tôi, lời nói nhẹ như bông:

- Cháu rồi ạ.

- Thế thì tốt quá. Dù sao thằng Ninh cũng sắp về Hạ Long lập nghiệp rồi. Hai đứa tách nhau ra sống dần cho quen, ông nhỉ? - Mẹ tôi quăng miếng cho ba.

Ba đang từ tốn xơi cơm cũng gật đầu theo. Tôi cười lạnh ngắt, lòng đầy chấp niệm. Dương có lẽ cũng khó xử lắm, em vốn là người nhạy cảm nên mấy lời lẽ kiểu này em hiểu rất nhanh.

Chị Bình ngồi chăm hai đứa nhỏ, dõi mắt theo tôi, ánh mắt đầy thăm dò. Chị nói với mẹ:

- Hai đứa tụi nó vốn thân nhau mà. Mẹ dặn dò cũng thật là kịch tính đó.

- Phải đấy, mẹ cứ khéo lo. - Tôi tiếp lời - Tụi con vậy, muốn tách nhau cũng khó lắm.

Sắc mặt của mẹ lãnh đạm đôi phần. Mẹ thở một hơi vừa đủ dài, như thở những khúc mắc trong lòng mình ra:

- Dương, cháu với Ninh thân đến mức này à?

Dương lén nhìn tôi, hạ hàng mi xuống, nói những câu chữ ấp úng:

- Dạ... vâng ạ.

- Thế cháu có buồn khi Ninh nó về lại Hạ Long không?

Trời ạ! Nếu tôi là Dương tôi cũng chẳng biết đáp lại sao. Tôi vội vã ngắt ngang cuộc trò chuyện:

- Mẹ à, bây giờ chỉ mới vào hạ, còn tận tháng nữa con mới làm lễ tốt nghiệp cơ mà.

Mẹ chấp đũa lên bàn, với lấy chiếc thìa đằng xa vớt canh vào bát, đặt một cái chỗ tôi rồi mới đặt sang chỗ Dương. Cái bát của Dương có phần họa tiết sắc sảo, còn của tôi chỉ đơn thuần là bát canh màu trắng, một trời một vực:

- Thế càng phải nói chứ con. Dương cũng nên có bạn mới. Hai đứa đâu thể lúc nào cũng sát vai nhau mãi.

Dương cúi mặt, không nói lời nào. Bàn ăn im thinh, một bầu không khí áp đảo lồng ngực. Ba tôi hằn giọng vài cái muốn đổi chủ đề:

- Thôi, mẹ nó cho cháu Dương ăn đi.

Nhím với Thỏ nhìn nhau khúc khích cười cái gì đấy rồi cũng hùa vào đổi bầu không khí:

- Bà ngoại... Thỏ với Nhím sẽ ăn hết phần của bà ngoại luôn.

Như ánh trăng soi xuống mặt đường tịch mịch, lúc này cũng xem như là thoát được một nước khó đi. Tôi lén để chân mình chạm chân Dương, lặng thầm trấn an phần hồn đang bị kinh động đến nhòa cả sắc mặt. Trong hoàn cảnh bất đắc dĩ thế này, tôi mới nhận ra mình chẳng làm nên trò gì cho em ấy cả; một đứa vô dụng trong cuộc chơi do chính mình dựng nên.

***

Tản dương, hoàng hôn giăng một chiếc lưới ngũ sắc trầm buồn lên bầu trời Hạ Long vô cùng vô tận. Ngồi trên thềm cát đã hụt đi một ít cũng quá quen thuộc; cảm giác như mới ngày nào vừa qua, thoáng cái mà bốn năm ròng. Tôi với Dương tựa lưng vào nhau ôn lại chút kỉ niệm xưa cũ, chắn chắn rằng xung quanh đây không có người.

- Chuyện ở nhà anh hồi sáng... em đừng để tâm nhé Dương.

Tôi ôn hòa nói vừa đủ nghe. Gió mạnh làm tiếng bật xa vài dặm, không biết có lời nào đến được tai em hay không.

- Em hiểu cho mẹ anh. Em không buồn lòng đâu. - Dương trầm giọng đáp.

- Có thật là em không buồn lòng không? - Tôi gặng hỏi thêm.

Vẫn là thái độ dửng dưng ấy, Dương thản nhiên đáp:

- Chỉ có anh là bất bình thôi, em tiên liệu được chuyện này mà.

"Ra là thế". Tôi thầm nghĩ, hóa ra cậu nhóc đã lường trước được ngày này sao? Tôi vơ lấy một nắm cát mỏng, thả vào gió cho thỏa thú vui bất tri bất giác:

- Làm người cũng muốn được tự do em nhỉ? Tại sao chúng ta phải luôn gò bó bản thân mình vào một cái khuôn làm gì?

Dương xoay lưng nhìn tôi, trong đôi mắt sâu thẳm ánh lên những nụ sáng chưa rộ. Em cũng hốt một nắm cát mỏng thả vào gió:

- Có khi vì hai chữ "an toàn" mà người ta thường đánh đồng luôn cả hai chữ "tự do" anh ạ. Nhưng suy cho cùng ai cũng muốn bản thân mình là tốt nhất thôi.

Tôi khẽ gật đầu. Một chiếc vỏ sò màu hồng phấn rơi xuống đất làm tôi phấn khích:

- Này! Cái vỏ sò này nhìn giống cái vỏ sò mấy năm trước em từng dựng lâu đài cát ấy nhỉ? Em xem. - Tôi cầm nó lên đưa tận tay Dương.

- Phải. Giống thế thôi nhưng chắc không phải đâu anh. Cái của tụi mình không biết đang ở đâu dưới đại dương kia rồi.

Tôi bất bình đáp:

- Chắc chắn là nó. Nó đợi chúng ta quay lại và tìm đấy!

Dương lầm lì cuối cùng đã chịu hé môi cười nhưng nụ cười có phần ảm đạm, triền miên. Trông biểu cảm ấy có phần gượng gạo, u uất. Rồi đột nhiên em quay người ra nhìn hoàng hôn, tránh ánh mắt của tôi:

- Em có chuyện này muốn nói với anh, nhưng anh phải hứa với em một chuyện.

Tôi tò mò, rón rén nhích lại gần em hơn:

- Là chuyện gì?

- Hứa với em rằng anh sẽ không nghĩ linh tinh đi.

- Gì đấy? Lại dụ dỗ anh cái gì nữa?

Trong câu bông đùa, tôi cũng pha vào chút suy xét kĩ lưỡng. Hiếm khi Dương nói chuyện giống vậy. Nó khiến tôi thấy bất an.

- Không hứa em không nói. - Dương dứt khoác chốt câu.

- Thôi được, thôi được. Anh hứa.

Sóng đánh dạt vào thềm, thầm chạm vào gót chân hai đứa. Dương mất một lúc đấu tranh tâm lý, tôi cũng thấp thỏm một hồi. Giây phút em nói ra, con sóng ấy như trôi chậm lại:

- Chỉ là suy nghĩ, là suy nghĩ nhất thời của em thôi... nhưng nếu sau này em không còn ở đây, anh cũng đừng đợi em nữa.

...

- Ý em là gì? - Tôi ngẩng người dậy, nét mặt nghiêm trọng - Em định kết thúc mối quan hệ này à?

- Đã bảo đừng nghĩ linh rồi mà. - Dương chẹp môi nhíu cả mày - Đấy chỉ là suy nghĩ của em thôi.

- Nhưng anh không cho em nghĩ như vậy. - Tôi nghiêm túc trả lời - Anh sẽ không để em hay anh phải chờ đối phương hết. Chúng ta đi đâu cũng có nhau.

Dương làm mặt trầm trồ:

- Vậy sao? Anh định bám đuôi theo em trong ba năm lưu lạc hà thành á?

Tôi thu mình lại, làm nét man mác:

- Đương nhiên là không. Nhưng mà... anh sẽ không để mối quan hệ này gặp bất trắc gì đâu. Anh hứa đấy!

Dương mỉm môi cười, chắc chắn không cố ý làm tôi thấy ngại. Em khẽ lắc đầu, chắc bất lực với tôi lắm.

- Nhưng anh cũng phải cảm ơn em.

- Cảm ơn? Sao lại cảm ơn em? - Dương tròn xoe mắt.

- Cảm ơn em vì đã cho anh biết hạnh phúc thực sự là gì.

Tia nắng cuối cùng qua áng mây hồng tắt lịm đi, để lại bờ biển thăm thẳm ngút ngàn. Lời cảm ơn của tôi hóa thành cơn gió, gửi đến đất trời vạn phần chân thành thiết tha.

- Chỉ mong chúng ta của sau này sẽ bình yên như ngày hôm nay vậy, em ha?

Tôi nhìn Dương. Mắt hai đứa đã ngấn lệ tự bao giờ, cảm xúc như vỡ òa ra thành trăm con sóng nhỏ, vỗ nhẹ mà cồn cào.

Có lẽ phía trước mênh mông quá, không có con đường rõ ràng nào để nương lấy mà đi. Cũng chẳng biết hai chữ "sau này" dáng hình ra sao. Tất cả chìm trong ánh chiều tà mờ ảo, trùng điệp, thiên thu.

Hai tay đan vào nhau.

Hai chiếc đầu tựa nhau.

Hai đứa chúng tôi nhìn Mặt Trời lặn.

"Cuối cùng là âm thầm làm mọi thứ, miễn là cùng nhau"







Bạn đang đọc truyện trên: TruyenFun.Vip