Than Thoai Hy Lap Nu Than Demete 1 Va Nang Perxephon 2

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng
[(1) Déméter, thần thoại La Mã: Cérès
(2) Perséphone, thần thoại La Mã: Proserpine]

Trong thế giới thần thánh, nữ thần Đêmêtê tuy không có sức mạnh và quyền thế lớn lao như Dớt, Hêra, Pôdêiđông, Hađex nhưng lại được người xưa hết sức trọng vọng, sùng kính. Có lẽ sau vị thần Thợ Rèn Hêphaixtôx thì Đêmêtê là vị thần không gây cho người trần thế một tai họa nào, mà lại còn ban cho họ biết bao nhiêu là phúc lợi. Cũng phải nhắc đến nữ thần Hexchia cho khỏi bất công. Nàng cũng không hề gieo một tai họa nào xuống cho những người trần thế song nàng cũng không đem lại cho họ những phúc lợi lớn lao. Nàng là vị thần của bếp lửa gia đình.

Đêmêtê là con của Tităng Crônôx và Tităng Rêa. Nàng là một nữ thần Đất. Nàng ban cho đất đai sự phì nhiêu để mùa màng được tươi tốt, cây cối được sai quả. Vì thế Đêmêtê thường được gọi là nữ thần Lúa Mì. Hạt lúa mì từ khi gieo xuống đất, có nảy mầm được hay không, bông lúa có chắc, có mẩy không... đó là công việc của người làm ruộng cũng như của nữ thần Đêmêtê lo toan, săn sóc. Nữ thần Đêmêtê có một người con gái duy nhất tên là Perxêphôn, một người con gái duy nhất nhưng cũng là người con gái đẹp nhất trong số các thiếu nữ con cái của các vị thần. Đó là con Đêmêtê với Dớt. Chuyện người con gái của Đêmêtê là nàng Perxêphôn bị thần Hađex bắt cóc đưa xuống dưới âm phủ làm vợ, đã gây nên bao đau khổ cho Đêmêtê và bao rối loạn cho đời sống thiên đình và người trần thế. May thay cuối cùng nhờ đấng chí tôn, chí kính, chí công minh Dớt phân xử, cho nên mọi việc mới trở lại hài hòa, êm thấm. Chuyện xảy ra như sau:

Vào một buổi đẹp trời, nữ thần Perxêphôn cùng với các chị em, những tiên nữ Nanhphơ dạo chơi trên đồng nội. Vui chân, các nàng kéo nhau đến thung lũng Nida đầy hoa thơm cỏ lạ ở vùng Mêgar. Thật ít có nơi nào lại có một khung cảnh thần tiên như nơi này: đủ các loại hoa, muôn sắc hoa đua nhau mọc, đua nhau khoe vẻ đẹp và hương thơm của mình. Từng đàn bướm trôi bồng bềnh từ cụm hoa này sang cụm hoa khác. Ong mật lớp lớp đi đi, về về trong tiếng ca yêu đời và cần mẫn. Các tiên nữ đua nhau đuổi bướm hái hoa. Nàng Perxêphôn, người con gái yêu dấu của nữ thần Đêmêtê vĩ đại, say sưa vui chơi cùng chị em. Nàng có biết đâu số phận của nàng đã được Dớt định đoạt. Thần Hađex, vị thần của thế giới âm phủ, phàn nàn với Dớt về cái thế giới mình phải đảm đương, cai quản. Toàn là những bóng hình vật vờ, những linh hồn đã thoát khỏi thể xác, buồn rầu, khóc than! Biết lấy ai làm vợ? Những thiếu nữ sống trong cung điện Ôlanhpơ và những vị thần sống ở trong các ngôi đền thờ của người trần thế chẳng ai muốn lấy một người chồng - dù có là một vị thần quyền thế, được cai quản cả một thế giới - quanh năm suốt đời sống ở dưới âm ty, địa ngục. Dớt quả thật trước những lời khiếu nại của người anh ruột cũng khó nghĩ. Không lo cho Hađex một người vợ để hắn yên tâm cai quản cái thế giới mà mình đã phân chia thì cũng phiền. Hắn mà bỏ đi, trở về Ôlanhpơ hay lên trần sống với loài người thì đảo lộn hết mọi trật tự. Cuối cùng thần Dớt thỏa thuận với Hađex cho Hađex bắt Perxêphôn về làm vợ. Và sự việc đã diễn ra chỉ trong nháy mắt, bởi vì từ khi được thần Dớt ưng chuẩn, Hađex ngày đêm theo dõi từng bước đi của Perxêphôn. Được biết Perxêphôn cùng bạn bè đang say sưa vui chơi trong thung lũng đầy hoa thơm cỏ lạ, thần Hađex tức tốc đến ngay gặp nữ thần Đất Gaia vĩ đại, xin nữ thần cho mọc lên ở chỗ Perxêphôn đang vui chơi một bông hoa cực kỳ đẹp đẽ và thơm ngát. Nữ thần Đất Gaia làm theo lời thỉnh cầu của Hađex. Perxêphôn đang vui chơi bỗng ngửi thấy hương thơm ngào ngạt từ một cây hoa nom rất lạ, xưa nay nàng chưa từng trông thấy. Nàng đi đến gần và đưa tay ra vin cành hoa xuống ngắt. Bỗng nàng thấy người hẫng đi một cái như khi sa chân xuống một vũng lội. Thần Hađex đã làm cho đất nứt ra ở dưới chân nàng. Và nàng rơi xuống lòng đất đen trong vòng tay của Hađex. Perxêphôn chỉ kịp thét lên một tiếng kinh hoàng. Mặt đất nứt lại khép kín vào, lành lặn như cũ. Thần Hađex bế Perxêphôn lên cỗ xe ngựa của mình, cỗ xe có những con ngựa đen bóng nhưng từ bánh xe cho đến càng xe đều bằng vàng sáng chói hay bằng đồng đỏ rực. Và chỉ trong nháy mắt cỗ xe đã đưa nàng Perxêphôn về cung điện của thần Hađex. Thế là thần Hađex được một người vợ và nữ thần Đêmêtê mất cô con gái yêu dấu, xinh đẹp.
Tiếng thét kinh hoàng của Perxêphôn dội vang đến tận trời cao. Ở cung điện Ôlanhpơ nữ thần Đêmêtê nghe thấy tiếng thét ấy. Cả núi cao, rừng sâu, biển rộng nhắc lại tiếng thét ấy như muốn bảo cho Đêmêtê biết chuyện chẳng lành đã xảy ra với nàng. Nghe tiếng thét của con, Đêmêtê rụng rời cả chân tay. Nàng vội vã rời ngay cung điện Ôlanhpơ xuống trần tìm con. Như một con đại bàng, giống chim bay nhanh nhất trong các loài chim, Đêmêtê từ trời cao lướt xuống, đi tìm con khắp mặt biển rộng, khắp mặt đất đai, khắp các ngọn núi cao, khắp các cánh rừng sâu. Nàng gọi con đến khản hơi, mất tiếng: "Per...xê phôn!'' "Per... xê... phôn!" Nhưng đáp lại tiếng gọi của nàng chỉ là những tiếng "Per... xê... phôn!" vang vọng, buồn thảm. Đêmêtê đi tìm con suốt chín ngày, chín đêm. Chín ngày không ăn, chín đêm không ngủ và cũng không tắm gội chải đầu, chải tóc khiến cho thân hình nàng tiều tụy, hao mòn. Chín ngày không ăn, chín đêm không ngủ, Đêmêtê cứ đi lang thang hết nơi này đến nơi khác gọi con, kêu gào than khóc vật vã.

Nàng hỏi rừng cây, rừng cây lắc đầu trả lời không biết. Nàng hỏi núi cao, núi cao cũng ngơ ngác không biết nói gì. Nàng hỏi biển khơi thì biển khơi trả lời nàng bằng những tiếng thở dài thương cảm. Còn đất đen thì im lặng nhìn nàng, thấm khô những dòng nước mắt xót xa, đau khổ của nàng đang lã chã tuôn rơi. Cả đến những tiên nữ Nanhphơ cùng dạo chơi với Perxêphôn buổi sáng đẹp trời hôm ấy cũng không biết gì hơn ngoài việc nghe thấy tiếng thét kinh hoàng của Perxêphôn. Chín ngày chín đêm như thế... Đêmêtê với tấm lòng của một người mẹ chẳng quản ngại vất vả gian lao đã đi tìm đứa con gái yêu dấu, độc nhất của mình. Sang ngày thứ mười, khi cỗ xe của thần Mặt trời Hêliôx đã bỏ lại sau lưng biển khơi không sinh nở, thì thần Hêliôx động mối từ tâm bèn gọi Đêmêtê lại và kể cho nàng biết đầu đuôi câu chuyện vừa qua. Bởi vì không có chuyện gì xảy ra ở trên mặt đất này mà không lọt vào con mắt của vị thần Mặt trời. Chẳng ai giấu giếm được điều gì với vị thần có cỗ xe vàng chói lọi này. (Chính Hêliôx đã mách cho vị thần Thợ Rèn chân thọt biết, cô vợ Aphrôđitơ của anh ta hay đi ngang về tắt với thần Arex).

Biết chuyện, nữ thần Đêmêtê vô cùng căm tức thần Dớt... Nàng không trở về thế giới Ôlanhpơ để đảm đương công việc của mình nữa. Nàng, từ nay trở đi sẽ sống mai danh ẩn tích dưới trần, trong thế giới của những người trần đoản mệnh. Nàng thay hình đổi dạng thành một bà già mặc áo đen và cứ thế đi lang thang hết nơi này đến nơi khác. Và cho đến một ngày kia nàng đặt chân tới Êlơdix(3). Sau một chặng đường dài, mệt mỏi, Đêmêtê tới ngồi xuống một phiến đá bên đường, nghỉ cho lại sức, bên cạnh một giếng nước. Chẳng một người trần nào lại có thể nhận ra bà cụ già mặc áo dài đen này là nữ thần Đêmêtê kính yêu của họ. Người ta chỉ có thể nói, đây là một bà lão hành khất hay một bà cụ già trông trẻ hoặc làm quản gia cho một nhà nào.

[(3) Eleusis, một khu vực đồng bằng Attích cạnh Aten]

Trong lúc Đêmêtê ngồi nghỉ thì từ đâu bốn cô thiếu nữ đi tới giếng nước. Bốn cô nom xinh xắn và chẳng hơn nhau bao tuổi. Nhìn thấy một cụ già mệt mỏi ngồi nghỉ, các cô liền chạy tới hỏi thăm.

- Cụ ơi! Cụ đi đâu mà có một mình thế này? Cụ không sợ thú dữ và những kẻ ác tâm hay sao? Hay cụ đi đâu với các anh các chị ấy nhưng vì một lẽ gì đó bị lạc đường? Hay cụ không còn con cái để giúp đỡ cụ trong lúc tuổi già này? Ôi! Thần Dớt và các vị thần bất tê đã đem lại cho loài người biết bao điều tốt đẹp sao chẳng ban cho tuổi già sức khỏe và sự ấm no để an ủi loài người đoản mệnh khốn khổ chúng ta.
Đêmêtê cất bàn tay run rẩy lên, nắm lấy tay một thiếu nữ, trả lời:

-Cảm ơn các con đã thương tuổi già? Các con đã hỏi thì già này kể cho các con rõ cảnh ngộ của già thật không may. Gia đình và các con cháu của già đều bị lũ cướp biển bắt. Chúng đem bán mỗi người một nơi. May thay đến lần chúng đem già đi bán thì già trốn thoát được. Và bây giờ già lạc bước tới đây. Xin các con hãy vì thần Dớt và các vị thần bất tử giúp đỡ già trong cơn hoạn nạn. Ở đô thị này, ở xứ sở này; già chẳng quen biết một ai, chẳng có ai là người thân thích. Cầu xin các vị thần Cực lạc ban cho những thiếu nữ tốt bụng như các con một người chồng xứng đáng, tài đức vẹn toàn
Các thiếu nữ nghe Đêmêtê kể xong, ai nấy đều mủi lòng thương cảm. Họ nói với cụ già:

-Cụ ơi, xin cụ cứ yên tâm! Khách lạ và những người sa cơ lỡ bước là do thần Dớt đưa lại cho loài người chúng ta để thử thách trái tim của những người trần đoản mệnh. Xứ sở này và đô thị này xưa nay vẫn đón tiếp những người xa lạ với tấm lòng nhân hậu và quý khách. Chúng con xin mời cụ về nhà chúng con. Nhưng xin cụ hãy chờ cho một lát để chúng con về nhà xin phép cha mẹ.

Những thiếu nữ nói xong, chạy vội lại giếng múc đầy nước vào bình rồi đội về nhà. Một lát sau họ trở lại đón cụ già. Mêtanira (Métanira), mẹ của các thiếu nữ, là vợ của nhà vua Kêlêôx (Céléos) trị vì ở mảnh đất Êlơdix đã đón tiếp Đêmêtê với tất cả tấm lòng quý người, trọng khách, kính già yêu trẻ vốn là truyền thống thiêng liêng bất di bất dịch của con dân Hy Lạp. Đêmêtê theo chân các thiếu nữ vào nhà Mêtanira và cậu con trai luôn bám bên mẹ đã đứng đón sẵn ở cửa. Theo bước chân Đêmêtê một luồng ánh sáng ùa vào nhà làm cho căn nhà bỗng bừng sáng lên như một buổi rạng đông đưa ánh nắng rọi vào. Mêtanira cảm thấy kính phục và chen lẫn chút ít sợ hãi. Nàng tự bảo: "Các con ta đã đón về nhà một bà già không phải người bình thường. Có thể cụ là một vị thần cao cả ở chốn Ôlanhpơ xuống để thử thách trái tim của những người trần thế...". Mêtanira kính cẩn mời Đêmêtê ngồi vào chỗ sang trọng nhất, nhưng nữ thần khước từ. Nữ thần cũng không dùng mật ong pha rượu vang do các nữ tỳ dâng mà chỉ uống nước lúa mạch pha với vài giọt bạc hà. Đó là thứ nước giải khát của những thợ gặt vào ngày mùa. Cơn khát đã nguôi, nữ thần Đêmêtê đưa tay ra đón lấy đứa bé trong lòng Mêtanira. Nữ thần ôm đứa bé vào lòng và tỏ ý muốn xin được làm người nhũ mẫu, chăm nom, nuôi nấng đứa bé. Nữ thần nuôi đứa bé, chú Đêmôphông rất khéo tay. Chú bé lớn lên như thổi khiến cho đôi vợ chồng Kêlêôx, Mêtanira rất vui lòng. Họ có biết đâu trong khi ấp ủ đứa bé, nữ thần Đêmêtê đã truyền cho nó hơi thở bất tử thiêng liêng của mình. Ban ngày Đêmêtê nuôi đứa bé bằng những thức ăn thần, những thức ăn có chất bất tử nuôi các vị thần cho được bất tử. Còn ban đêm, Đêmêtê chờ cho mọi người trong nhà ngủ say, nàng lấy tã lót quấn chặt đứa bé lại và đưa nó vào nung trong một lò lửa rực hồng để làm cho nó siêu thoát hết chất người trần tục, đoản mệnh. Mêtanira để ý thấy đêm nào Đêmêtê cũng hí húi làm gì, bèn rình xem. Trông thấy Đêmêtê đặt con mình vào trong lò lửa, nàng sợ quá, thét lên. Đêmêtê giật mình, kéo đứa bé ra khỏi lò lửa, giận dỗi, quăng nó xuống đất:

- Người thật là đồ ngốc! Hỏng việc của ta rồi. Ta muốn ban cho đứa bé này sự bất tử để nó có thể sánh ngang với các bậc thần thánh. Chỉ có tôi luyện như thế thì nó mới trở thành người gươm đâm chẳng thủng, dao chém không sờn. Ta là nữ thần Đêmêtê vĩ đại, người ban cho đất đai sự phì nhiêu, cho mùa lúa được đẫy hạt. Chính ta đem lại niềm vui sướng, lòng hy vọng vào tương lai cho những người trần thế và các vị thần.

Thế là Đêmêtê không che giấu tung tích của mình dưới hình dạng một bà già nữa. Nàng trở lại một nữ thần uy nghiêm với mái tóe vàng rượi như những bông lúa chín. Một luồng ánh sáng rực rỡ từ thân thể nữ thần tỏa ra ngời ngợi. Còn từ mái tóc của nữ thần tỏa ra hương thơm ngào ngạt.

Kêlêôx, Mêtanira và con cái cùng với gia nhân thấy vậy đều không ai bảo ai, kính cẩn quỳ xuống trước mặt nữ thần, lòng đầy kinh dị. Nữ thần phán truyền cho mọi người biết, nếu con dân xứ này muốn được hưởng ân huệ của nữ thần, đất đai phì nhiêu, mùa màng tươi tốt, thì phải xây ngay một ngôi đền lớn để thờ phụng nữ thần.

Ngày hôm sau Kêlêôx triệu tập thần dân, truyền đạt lại nguyện vọng của nữ thần Đêmêtê vĩ đại. Mọi người đều hào hứng bắt tay ngay vào việc và chẳng bao lâu đã làm xong một ngôi đền đẹp đẽ, uy nghiêm. Nữ thần Đêmêtê từ đó trấn tại ngôi đền và chế định ra các tập tục, hội lễ cho người dân Êlơdix. Tuy nhiên nàng cũng không sao nguôi được nỗi nhớ thương người con gái yêu dấu, độc nhất của mình, nàng Perxêphôn xinh đẹp bị thần Hađex bắt xuống âm phủ làm vợ. Cũng từ khi Đêmêtê trấn tại ngôi đền, hòn đá nữ thần ngồi khi giả dạng làm một bà già tới Êlơdix được gọi tên là ''hòn đá đau thương'' và giếng nước cạnh đó được gọi tên là ''giếng con gái''.
Lại nói về việc nữ thần Đêmêtê rời bỏ đỉnh Ôlanhpơ, sống mai danh ẩn tích ở vùng Êlơdix. Thần Dớt khi tính toán, thu xếp cho Hađex lấy Perxêphôn hẳn đã không lường trước đến cái hậu quả ghê gớm xảy ra đối với thế giới thần linh và thế giới loài người. Từ khi nữ thần Đêmêtê mất con, bỏ công việc đi tìm con và không trở về Ôlanhpơ nữa, đất đai trở nên cằn cỗi, mùa màng thất bát. Cỏ xanh trên đồng không mọc, hạt gieo xuống không nảy mẩm, mưa không thuận, gió không hòa, đất rắn chắc lại đến nỗi một đôi bò kéo không đi nổi một đường cày. Nạn đói từng bước từng bước đến, nay giết hết gia đình này, mai giết hết làng xóm khác, không có cách gì ngăn chặn được. Nước lụt thì còn dời nhà lên đồi cao, cháy nhà thì còn đem nước đến dập, tưới vào lửa cho tắt, nhưng còn đói thì không biết tìm cách gì cứu chữa. Chỉ có cách trông chờ vào vụ sau được mùa. Nhưng lấy gì ăn để trông chờ. Và biết bao người đã chết trước khi vụ sau đến. Tình cảnh thật cảm thương hết chỗ nói. Người đói, nên chăng ai nghĩ đến việc cúng lễ, hiến tế các vị thần. Các thần vì thế cũng lâm vào cảnh túng thiếu các lễ vật, đói các lễ vật! Tiếng than khóc, oán trách các vị thần bay thấu tận trời xanh, thần Dớt, đấng phụ vương của loài người không thể nhắm mắt trước tình cảnh loài người có nguy cơ diệt vong. Thần ra lệnh triệu tập các chư vị thần linh đến họp để tìm nguyên nhân của tai họa và tìm cách giải trừ tai họa. Sau khi nghe các thần tường trình, thần Dớt thấy cần phái ngay nữ thần Irix xuống tìm gặp Đêmêtê, thuyết phục Đêmêtê trở lại thế giới Ôlanhpơ đảm đương công việc. Nhưng Irix đành chịu thất bại ra về. Nhiều vị thần khác nữa, nhận lệnh Dớt xuống Êlơdix thuyết phục Đêmêtê; nhưng chẳng sao lay chuyển được nàng. Đêmêtê một mực trả lời, chừng nào mà Perxêphôn còn bị Hađex giam giữ dưới âm ty, địa ngục thì chừng ấy nàng còn để cho đất đai khô cằn, hạt không nảy mầm lúa không đâm bông, cây không sinh trái, hoa không kết quả. Chừng nào mà Perxêphôn chưa trở về với nàng, thì đồng cỏ biến thành sỏi đá, mọi mầm non nụ xanh của cây cối đều thui chột, rồi đến chút lá xanh cũng thành héo úa, chút mạch nước ngầm trong lòng đất cũng kiệt khô. Mặt đất phì nhiêu sẽ thôi không sinh nở và u sầu như một người mẹ mất con. Thần Dớt chỉ còn cách, và lúc này chỉ còn cách ấy là thượng sách, cử viên truyền lệnh tin cẩn và không chậm trễ xuống vương quốc của Hađex, ban bố quyết định của hội nghị các thần, buộc Hađex phải trả Perxêphôn về cho Đêmêtê
Vị thần truyền lệnh tin yêu của Dớt, với đôi dép có cánh đi nhanh hơn ý nghĩ, vượt qua thế giới âm u của Hađex vào cung điện. Chàng thấy Perxêphôn ngồi cạnh Hađex mặt buồn rười rượi. Chàng kính cẩn cúi chào vị thần cai quản thế giới của những vong hồn và tuyên đọc lệnh của hội nghị thiên đình do đích thân thần Dớt điều hành, ban bố. Vừa nghe xong Perxêphôn mặt rạng rỡ hẳn lên. Nàng đứng ngay dậy và chuẩn bị lên đường. Thần Hađex tuy trong bụng không vui nhưng biết không thể nào cưỡng lại lệnh của thần Dớt được, cho nên cũng phải đứng dậy lo chuyện tiễn Perxêphôn. Tuy nhiên Hađex không thể chịu mất hẳn Perxêphôn. Đoán biết ý định của Dớt là muốn trả hẳn Perxêphôn lại Đêmêtê nên Hađex rắp tâm phá. Thần trân trọng dâng mời Perxêphôn ăn một quả cựu trước khi từ biệt, Perxêphôn vô tình nhận quả cựu và bửa ra ăn mấy hạt. Hermex trông thấy nhưng không kịp can ngăn. Thần Dớt đã dặn Hermex, Perxêphôn chỉ có thể trở về sống vĩnh viễn bên Đêmêtê với điều kiện là trong quãng ngày ở dưới thế giới âm cung nàng không ăn một chút gì. Nhưng bây giờ nàng ăn rồi, biết làm thế nào? Dù sao thì cũng phải đưa nàng về thế giới dương gian với mẹ nàng

Cỗ xe vàng do những con ngựa đen bóng của thần Hađex đã sẵn sàng. Hađex bùi ngùi từ biệt Perxêphôn. Thần cầu xin nàng tha thứ cho chuyện cũ và thông cảm với nỗi lòng của thần. Thần mong rằng nàng hãy xóa bỏ cái ý nghĩ khinh rẻ, kinh tởm đối với một vị vua đầy quyền thế cai quản thế giới âm cung. Hermex giật cương, vung roi. Cỗ xe vàng lao vút đi. Từ dưới lòng đất tối tăm bay lên thế giới loài người tràn đầy ánh sáng, thần Hermex đánh xe chạy thẳng về ngôi đền của Đêmêtê ở Êlơdix. Cỗ xe dừng lại, Perxêphôn mừng rỡ cảm động đến nỗi quên cả cảm ơn thần Hermex, bước vội xuống xe. Nữ thần Đêmêtê đứng ngóng con từ trên một sườn núi cao lao xuống, chạy đến trước con giang rộng vòng tay. Perxêphôn sà vào lòng mẹ, sung sướng kêu lên: Mẹ!. Mẹ!... Hai mẹ con đều trào nước mắt vì sung sướng mừng vui. Suốt ngày hôm đó hai mẹ con kể cho nhau nghe biết bao nhiêu chuyện. Khi Perxêphôn kể cho mẹ biết, mình đã được thần Hađex mời ăn những hạt lựu thì Đêmêtê khóc và kêu lên:

- Thôi hỏng rồi! Con ơi! Như thế con chẳng được ở luôn bên mẹ đâu. Thế nào thần Dớt cũng cho người xuống đòi mẹ phải trả con về với Hađex. Bởi vì hạt lựu là sự tượng trưng cho một cuộc sống hôn nhân chính thức, không thể gì chia rẽ.

Quả như vậy, chỉ một lát sau, thần Dớt phái một người truyền lệnh mới, đặc biệt. Đó là nữ thần Rêa, người mẹ kính yêu của Dớt và các vị thần linh, xuống trước ngôi đền của Đêmêtê nói với Đêmêtê những lời dịu ngọt sau đây:

Hỡi con gái ta, lại đây, thần Dớt công minh khẩn cầu con
Khẩn cầu con trở về cung điện Ôlanhpơ
Trở về sống với các thần
Con sẽ được suy tôn, trọng vọn
Con đã gặp lại Perxêphôn, đứa con của ước mong, hy vọng.
Perxêphôn sẽ an ủi đời con.
Mỗi năm khi xuân đến, đông tàn
Perxêphôn sẽ an ủi cho con giảm bớt nỗi lo âu, vất vả.
Bởi vì vương quốc của bóng đen, vật vờ u ám
Chẳng được phép giữ nàng trọn vẹn cả năm
Hađex chỉ được một phần ba thời gian,
Còn lại Perxêphôn sẽ sống với con và những vị thần cực lạc
Con hãy đem lại hòa bình và hạnh phúc
Con hãy đem lại ấm no và cuộc sống cho những người trần.

Đêmêtê không thể từ chối dù nàng biết đây chỉ là những lời an ủi, khích lệ nàng để nàng chấp nhận việc mỗi năm Perxêphôn phải xa nàng bốn tháng để xương sống dưới thế giới của những người chết. Nhưng thôi dù sao Perxêphôn vẫn là của nàng, không thể mất vĩnh viễn vào tay thần Hađex. Hơn nữa dù sao loài người vẫn đang ngày đêm mong đợi nàng, nàng đối với bọ là vị nữ thần nhân hậu và phúc đức. Cảnh hoang tàn, đồng hoang ruộng hóa, làng xóm tiêu điều đã khiến nàng xúc động bùi ngùi, thương cảm và quả thật nàng cũng không ngờ đến cái hậu quả gớm ghê như thế. Đêmêtê trở lại thế giới Ôlanhpơ và bắt tay vào công việc quen thuộc của mình: những cánh đồng xanh tươi trở lại, vườn cây lại sai quả, hoa lại nở tưng bừng khắp rừng núi đồng quê, đất đai trở lại màu mỡ. Cuộc sống từ khi đó như đổi sắc thay da, vạn vật, muôn loài từ thiên nhiên cho đến loài người giống vật, như bừng tỉnh lại khi nữ thần Đêmêtê gặp lại người con gái yêu dấu Perxêphôn hay khi nữ thần Perxêphôn trở lại dương gian với người mẹ thân thiết Đêmêtê.

Nhưng, vì Perxêphôn đã trót ăn phải những hạt lựu, nghĩa là nàng đã xác nhận mình là vợ của Hađex bằng một cuộc hôn nhân không thể đoạn tuyệt được vì thế nàng không thể không trở lại thăm chồng, sống với chồng, như sự thu xếp của thần Dớt: một phần ba thời gian của một năm. Mỗi lần Perxêphôn từ giã người mẹ thân yêu ra đi, nữ thần Đêmêtê lại chìm vào trong nỗi thương nhớ, nàng lại mặc đồ đen và từ bỏ công việc của mình ở đỉnh Ôlanhpơ. Và thiên nhiên, cây cỏ vạn vật, muôn loài lại âu sầu, ủ rũ, thương xót cho người ra đi. Cây cối khóc than trong gió, trút những giọt nước mắt úa vàng xuống mặt đất phủ đầy tuyết trắng mênh mông. Sông chẳng còn tươi cười nữa mà buồn bã đến lạnh lùng, lầm lì suốt cả thời gian vắng bóng Perxêphôn
Bốn tháng trôi qua đi và Perxêphôn lại trở về với mẹ. Vạn vật, muôn loài lại vui vẻ, tưng bừng như đổi sắc, thay da... Còn loài người, tất nhiên phải bằng lòng với cách phân xử đó của thần Dớt. Chỉ tiếc rằng Perxêphôn dạo ấy đã trót ăn phải hạt lựu. Nếu như không có chuyện đó hẳn loài người sẽ sung sướng biết bao! Nhưng ngay cả cái chuyện Perxêphôn ăn phải hạt lựu cũng lại và do thần Dớt sắp đặt.
Có người lại kể, Perxêphôn bị Hađex bắt vào lúc nàng đưa tay ra hái bông hoa thủy tiên, đúng là như vậy, hoa thủy tiên chứ không phải một thứ hoa nào khác. Họ lại còn kể, thần Dớt phân xử, Perxêphôn ở với Hađex sáu tháng, còn ở với Đêmêtê sáu tháng.

Thần thoại Đêmêtê và Perxêphôn, chuyện về tình mẹ con tha thiết, gắn bó, phản ánh một cách giải thích của người Hy Lạp cổ xưa về thời tiết và mùa màng. Mùa xuân ấm áp, gắn bó thân thiết với mùa màng như con với mẹ. Đất mẹ Đêmêtê, đất đai đã được cày cấy, đất đai đã được bàn tay con người trồng trọt, có nghĩa là đất đai của mùa màng mà lúa mì là chủ yếu khác với Đất Mẹ Gia vĩ đại là đất nói chung, đất nguyên sơ như một nhân tố khởi thủy của sự sống. Chính cái đất đã được con người biến thành mùa màng ấy gắn bó với thời tiết ấm áp của mùa xuân như mẹ với con. Và khi con xa mẹ, lòng mẹ thương nhớ con da diết, khắc khoải như thế nào thì mùa màng, con người, trông chờ, mong đợi thời tiết ấm áp của mùa xuân cũng da diết, khắc khoải như thế! Gắn bó với cách giải thích Hađex bắt Perxêphôn về thế giới âm cung sáu tháng là mùa thu và mùa đông, người xưa còn suy tưởng: hạt lúa mì bị chôn vùi dưới đất suốt mùa thu và mùa đông chẳng khác chi Perxêphôn bị giam giữ dưới âm phủ. Sáu tháng sau, xuân hè tới, Perxêphôn trở lại với dương gian trong ánh nắng, chói lọi, chan hòa chẳng khác chi hạt lúa mì từ lòng đất vươn lên, từ cõi chết được phục sinh, tái sinh trong niềm chờ đón hân hoan của vạn vật. Đất, mùa màng: Mẹ. Thời tiết thuận lợi, mùa xuân: Con. Trí tưởng tượng của huyền thoại thật là kỳ diệu!

Không riêng gì người Hy Lạp cổ mới có cách giải thích nhân bản hóa, nhân tính hóa hiện tượng tự nhiên như vậy. Trong gia tài thần thoại của nhiều dân tộc trên thế giới, theo các nhà thần thoại học, phônclor - học, cũng có cách giải thích những hiện tượng của thiên nhiên với sự suy tưởng như câu chuyện này. Một số nhà nghiên cứu cho rằng tiền thân của huyền thoại Đêmêtê - Perxêphôn, Điônidôx là thần thoại Ôdirix (Osiris) ở Ai Cập. Câu chuyện vắt tắt như sau:

Hai vợ chồng Ôdirix và Idix (Isis) cai quản thế giới thần thánh và loài người ở Ai Cập. Ôdirix đã dạy cho loài người nghề nông. Em ruột Ôdirix là Sét (Seth) giết Ôdirix chặt làm 14 khúc vứt đi khắp bốn phương. Idix cùng với con trai là Hôrux (Horus) sau bao nhiêu năm lang thang, phiêu bạt cuối cùng thu lượm được đầy đủ xác chồng. Nhờ đó Ôdirix được phục sinh, để cai quản vương quốc của những người chết. Còn Hôrux cuối cùng giết chết Sét để trả thù cho cha

Trong thời kỳ Hy Lạp hóa (IV tr.C.N) và thời kỳ đế chế La Mã (III tr.C.N) tôn giáo - thần thoại Ôdirix phát triển khá rộng rãi trong thế giới Hy Lạp. Dựa vào cốt truyện này người ta tổ chức những nghi lễ diễn xuất - tôn giáo thầm kín (mystère)(4) về đoạn Idix và con trai là Hôrux đi tìm xác Ôdirix, về đoạn Ôdirix phục sinh. Trong thời kỳ đế quốc La Mã suy tàn, vào hai thế kỷ đầu của kỷ nguyên chúng ta, tôn giáo - thần thoại Ôdirix phổ biến khắp vùng ven biển Nam Địa Trung Hải. Ý nghĩa tượng trưng của tôn giáo - thần thoại Ôdirix, cái chết và sự tái sinh, phản ánh sự biến chuyển của thời gian, thời tiết, đông tàn, xuân đến, năm cũ đi, năm mới tới, những sức sống mới của tự nhiên lại hồi sinh sau khi chết, dần dần mất đi nhường chỗ cho hình ảnh người vợ của Ôdirix nổi lên hàng đầu. Từ đó, nữ thần Idix được con người ban cho nhiều quyền lực, tài năng, như đã sáng tạo ra chữ viết, là người lập pháp, là người tách đất ra khỏi trời, vạch đường cho các ngôi sao v.v... Và ở đây cũng đã diễn ra một quá trình hỗn đồng(5) tôn giáo - thần thoại, một quá trình phức hợp: một vị thần mới chiến thắng vị thần cũ và đảm nhiệm thêm, ngày càng nhiều thêm những chức năng của các vị thần khác.

[(4) Mystêre, tiếng Hy Lạp: bí ẩn
(5) Synerétisme còn dịch là: hỗn nguyên, nguyên hợp]

Chúng ta kể "lạc đề" một chút sang thần thoại Ai Cập để làm gì? - Đó là để giới thiệu một quy luật chuyển hóa từ tôn giáo - thần thoại về tự nhiên sang tôn giáo - thần thoại về đời sống xã hội, hơn nữa để giới thiệu một trong những ngọn nguồn quan trọng của Thiên Chúa giáo: nỗi đau khổ, cái chết, và sự phục sinh. Dấu ấn của việc thờ cúng nữ thần Idix còn in lại khá đậm nét trong thần thoại Thiên Chúa giáo Hình ảnh Đức Mẹ Đồng Trinh ôm Chúa Hài Đồng Giê-xu trên tay chỉ là sự sao chép lại hình ảnh nữ thần Idix và đứa con trai là Hôrux. Rồi hình ảnh Đức Mẹ Maria ẵm Chúa Giê-xu cưỡi lừa đi lánh nạn để tránh khỏi sự truy lùng của Hêrôđ (Hérode) chẳng khác chi nữ thần Idix phải bế con chạy trốn để thoát khởi sự truy lùng của Sét[6]. Cái chết của Ôdirix cũng mất dần đi ý nghĩa tượng trưng ban đầu. Trong bối cảnh xã hội của những thế kỷ đầu công nguyên, nó dần dần mang ý nghĩa: sự hy sinh để chuộc tội. Còn sự phục sinh của thần Ôdirix trở thành một sự bảo đảm cho hạnh phúc vĩnh hằng trong tương lai.

Tôn giáo - thần thoại Ôdirix và Idix không phải là một hiện tượng đơn nhất của thế giới tôn giáo - thần thoại vùng Đông Nam Địa Trung Hải. Sự khảo sát của các nhà nghiên cứu cho chúng ta biết có nhiều hiện tượng tương tự: Ađônix và Axtarđê (Astardé) ở Xiri, nữ thần Kiben (Cybèle) và Attix (Attis) ở Tiểu Á. Tammux (Tammouz) ở Babilon và...v.v

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenFun.Vip