Lai Sinh Chi Nhat Nguyen Vi Phu Phu Nhu So Chuong 53 Nguy Hiem O Thanh Thang Long 2

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng
Tôi thẫn thờ ngẩng đầu lên, thấy mấy tên bặm trợn đã rút đao kiếm từ bên hông ra khỏi vỏ. Dưới ánh tịch dương, chúng đứng ngược nắng, nhìn thứ ánh sáng le lói hắt từ mũi kiếm thì cười khà khà như một đám quỷ khát máu. Khi ấy, vai tôi trĩu nặng như bị nhấn chìm vào bể sâu tuyệt vọng.

"Xoẹt"

Từng nhát đao được chém xuống, máu phun ra nhiều như vòi rồng. Tiếng khóc lóc, rên rỉ thảm thiết của những người xung quanh lọt vào tai tôi đáng sợ hơn cả thanh âm khi lợn bị chọc tiết. Hai đứa nhỏ nhà tôi cũng khóc lóc ầm ĩ, tôi lết cả người đến gần chúng, cố trườn người lên hôn vào trán các con trấn an.

Miếng ngọc bội tôi đang đeo cổ người rơi ra khỏi vạt áo. Ba chữ Chiêu Minh Vương khắc trên ngọc bội cũng cứa vào lòng tôi những hối tiếc muộn màng.

Cuộc đời vốn ngắn ngủi, không ai là có thể tránh khỏi sinh lão, bệnh, tử. Tôi không sợ cái chết, nhưng lòng còn đầy tiếc nuối. Tôi thương các con tôi còn nhỏ, chưa kịp nhìn thấy thế giới rộng lớn đã phải ra đi. Và còn, Trần Quang Khải...

Kiếp này.... là tôi thất hứa...

Thôi thì hẹn chàng kiếp sau ta gặp nhau.

Một tên người Nguyên tiến đến chỗ tôi, hắn đá vào vai tôi, ép tôi nằm ngang người. Hắn nhìn tôi chăm chú như thể hắn là chủ tiệm cầm đồ đang xem xét liệu đây có phải vàng thật hay không. Vai tôi rất đau, nên tôi chẳng còn tâm trạng để phỏng đoán xem hắn đang nghĩ gì, chỉ nhắm mắt lại và chờ cái chết. Đột nhiên, hắn giơ tay lên ra hiệu với đồng bọn: "Khoan đã."

Những tên đang cầm đao kiếm hơi sững sờ rồi dừng lại, tức giận quát lên:

"Phạm Lãi! Ngươi còn lằng nhằng cái gì nữa."

Trong rừng có thú dữ.

"Đúng đấy! Nhanh tay lên không thì ta sẽ phải ở trong rừng đêm nay đấy."

Xung quanh bắt đầu rộ lên những tiếng lầm bầm.

Người đàn ông tên Phạm Lãi kia tiến đến bên chỉ huy của hắn thì thầm to nhỏ. Tên chỉ huy lườm Phạm Lãi một cái, nhưng xem ra vẫn tán thành với kiến nghị của hắn, nên nói:

"Không giết nữa. Trói cổ bọn chúng về thành cho ta."

Tôi chưa kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra thì đã bị lôi xệch đứng dậy.

Cả đoàn người nay chỉ còn phân nửa, chủ yếu là phụ nữ và lác đác một vài tên đàn ông. Chúng tôi bị trói tay lại, đi thành hàng, giữa người trước và sau có một sợi dây thừng mối lại. Canh chừng chúng tôi có khoảng năm tên lính đang đi bộ. Hễ thấy ai chậm trễ là chúng liền bực bội dùng roi da quất vào lưng người đó chửi bới.

Phía trước có mấy tên chỉ huy đang cưỡi ngựa, phía sau chúng chất hàng tá lương thảo và gấm vóc... vừa cướp được lên xe bò. Đi sau tôi là Xuân Huyên đang địu Thụy Hữu trước ngực, đi trước tôi là Quang Đạo.

Quang Đạo phải đi bộ cả một đoạn đường dài, từ bé con chưa từng phải chịu khổ như vậy, nhìn gương mặt méo xệch của con mà tôi vô cùng đau xót. Tôi lo con sẽ khóc và chọc tức bọn lính canh.

Đến khoảng chừng giờ tuất (19h-21h), chúng tôi cũng ra khỏi rừng, bọn người Nguyên có vẻ thấm mệt. Chúng dừng lại, chói chúng tôi quanh một gốc cây và đốt lửa ở ven đường. Vừa lúc này, Quang Đạo không thể chịu nổi nữa, con khóc òa lên. Đám lính canh đã cạn kiệt sức lực, giờ chúng nghe tiếng trẻ con khóc nháo thì điên tiết:

"Ầm ĩ quá!"

"Giết hết đám trẻ con đi."

Hai tên lính hét lên, nhưng chẳng có ai đứng dậy. Dường như tất cả đã uể oải đến nỗi không muốn làm gì ngoài việc động đũa ăn cơm. Tên Phạm Lãnh kia lại một lần nữa xuất hiện, mặt hắn lạnh hơn tiền, hắn dùng dao cắt miếng vải trên cổ Xuân Huyên ra, hai tay xách Quang Đạo và Thụy Hữu lên.

Quang Đạo sợ hãi gọi: "Mẹ ơi!"

Tôi và Xuân Huyên hốt hoảng, nằm xuống chân hắn cầu xin: "Xin ông! Xin ông tha cho bọn trẻ."

"Con cầu... xin... ông."

Phạm Lãnh dường như bị điếc, hắn không hề phản ứng lại dù một chút. Hắn sải bước tới bên bờ sông, bóng dáng khuất dần sau màn đêm.

Tôi khóc, mà cả người đang bị trói nên không làm gì được: "Con ơi..."

Trời độ ấy tăm tối, dù đã căng mắt nhưng tôi chẳng thể thấy hắn đang làm gì. Lát sau tôi nghe thấy tiếng bọn trẻ la hét, và hai tiếng "bùm"rất lớn.

Trái tim tôi ngừng đập. Cổ họng tôi bị thiêu cháy bởi nỗi đau mất con, đến nỗi khóc cũng không thành tiếng, mà chỉ phát ra những tiếng rên rỉ âm ỉ. Tôi đổ người về phía trước như một xác chết. Xuân Huyên ngồi bên cạnh, nước mắt ngắn nước mắt dài cầu xin bằng giọng rất nhỏ:

"Phu nhân! Xin người bớt đau buồn"

Bên tai tôi như có con ong bay qua, tôi không nghe thấy Xuân Huyên nói gì, chỉ nghe thấy được hai giọng nói ở bên kia.

"Ngươi giết bọn trẻ con rồi chứ?"

"Ta vứt chúng xuống sông rồi."

Thanh âm thứ hai hình như của người tên là Phạm Lãnh.

Tôi quay đầu về phía phát ra thanh âm, cùng lúc đó hắn cũng nhìn về phía tôi. Lạ lẫm là hắn lại gật đầu với tôi một cái, tựa như muốn tôi an tâm. Bấy giờ trong đầu tôi chất đầy thù hận, không còn đủ minh mẫn để hiểu ý nghĩa của hành động đó, tôi chỉ ước mình có võ nghệ để trả thù cho con tôi.

Năm ngày tiếp đó, chúng tôi bị áp giải về thành Thăng Long. Suốt đường đi, mấy lần tôi làm trễ nãi việc của bọn người Nguyên, lần nào chúng cũng thiếu nhẫn lại, tính giết tôi quách đi cho xong. Nhưng chẳng hiểu sao tên Phạm Lãi kia luôn xuất hiện đúng lúc đó, thế là tôi may mắn thoát nạn.

***

Trong cuộc chiến lần thứ nhất năm 1258, quân Nguyên tính thâu tóm Đại Việt nhanh gọn trong vòng một tháng, nên lúc sang nước ta, chúng không đem theo lương thực. Nào ngờ, khi chúng kéo đến thành Thăng Long, quân ta thực hiện kế "thanh dã", đốt hết kho lương, kho cỏ ngựa và cho người chạy nạn ra khỏi thành. Quân Mông Nguyên sau khi chiếm được Thăng Long, nhưng bị giam cầm ở đây trong một thời gian dài. Chúng rơi vào tình trạng thiếu lương, lại không quen thủy thổ, quân lính đau ốm nhiều...

Thế nên, lần này, dân ta một lần nữa dùng kế "Thanh Dã". Nhưng quân Nguyên giờ cũng thông minh hơn, ngoài việc mang mang theo lương thảo, chúng còn phân phó vài toán quân đi cướp bóc khắp nơi. Toán quân kia chính là có nhiệm vụ vào rừng để truy nùng dân chúng đang trốn chạy.

Lúc vào thành Thăng Long, tôi mới biết chuyện, cũng hiểu được lý do vì sao bọn người Nguyên không giết chúng tôi nữa.

Dân chúng ngoan cường không chịu khuất phục, chủ động đốt lương thảo trước khi quân Nguyên Mông tới. Lương thảo và của cải cướp được ít, thế nên quân Nguyên phải dẫn người về thành làm nô lệ, nếu không sẽ bị bề trên trách phạt.

Ban ngày chúng tôi bị áp giải, phải đi nấu nướng, giặt giũ quần áo cho bọn chúng, đến chiều thì thay nước và cho ngựa ăn. Có những ngày phải làm việc quần quật đến tối muộn, nhiều khi không kịp chợp mắt. Nếu có thời gian nghỉ ngơi, thì hơn chục người chúng tôi sẽ chen chúc trong một phòng giam chật hẹp, xung quanh không có ánh sáng, nền đất chất đầy cỏ khô bị ướt bởi mùi nước tiểu và phân người.

Đến tối nọ, có tên lính canh mở cửa phòng giam và chỉ thẳng vào mặt tôi: "Đi!"

Tôi vùng vằng tính phản kháng thì bị hắn tát cho hai phát.

"Chát!" 

"Công tử!" Xuân Huyên khóc lóc muốn níu tôi lại, nhưng cũng bị hắn đạp cho không thương tiếc:

"Cút ngay!"

Như tôi đã kể, lần này đi lánh nạn tôi đã ăn diện giống như đàn ông. Ban đầu nét mặt của tôi mềm mại giống phái nữ, nên nhiều người đi đường nghi ngờ, ví tôi là kẻ nam không ra nam, nữ không ra nữ. Nhưng sau nhiều ngày bị giam cầm, không tắm rửa thường xuyên, lại phải sống ở những nơi bẩn thỉu, cuối cùng mặt mũi tôi cũng lấm lem và hốc hác, cả người bốc mùi hôi thối. Bấy giờ trong mắt bọn người Nguyên, tôi chính là tên đàn ông bần hàn và ti tiện.

Vân Khê và tì nữ của nàng trưng diện lộng lẫy, nên chẳng may lọt vào mắt xanh của bọn người Nguyên, hằng đêm các nàng phải "phục vụ", "mua vui" cho chúng. Mới hai hôm trước thôi, tôi đã thấy xác nàng nằm trần truồng ở bên giếng nước, trên cơ thể nõn nà giờ đây tràn ngập dấu răng và những vết xanh tím.

Tôi không thích Vân Khê, nhưng bấy giờ tôi cũng xót xa tới mức rơi lệ.

Vì ban ngày phải làm làm việc khổ sai dưới sự trông coi của quân Nguyên, tôi không dám manh động, chỉ lặng lẽ lấy tấm chiếu cũ đắp cho nàng. Mong rằng, kiếp sau các nàng sẽ được siêu thoát.

Tên lính tráng dẫn tôi tới một căn phòng nhỏ, biển hiệu trước cửa bị đập phá nằm úp xuống đất nên tôi không đọc được đây là địa phương nào. Nhưng, chỗ này trông như là nơi ở của hoạn quan.

Trước khi dẫn tôi vào, tên lính tráng tháo thây thừng cho tôi và cười bằng giọng điệu ghê rợn:

"Đêm nay ngươi tha hồ mà sung sướng nhé."

Tên đi theo sau hắn cũng cười rộ lên.

Qua biểu cảm cợt nhả của đối phương, tôi cảm thấy hắn đang mỉa mai một cách lạ lùng. Tôi hơi giật mình, nghĩ: 

Tên Phạm Lãi kia thích đàn ông sao?

Mặt tôi cứ thế xanh lét như tàu lá chuối. 

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenFun.Vip