Lai Sinh Chi Nhat Nguyen Vi Phu Phu Nhu So Chuong 51 Ngoai Truyen Tam Tu Cua Chieu Minh Vuong

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng
Cho tới năm 1284...

Phụng Dương liều mạng cứu ta khi thuyền bị địch mai phục.

Khoảnh khắc nàng dùng tấm mộc để đỡ tên cho ta rồi ngồi sụp xuống vì run sợ, ta liền cảm giác đau đớn và vô cùng tức giận. Nhưng thế sự nguy cấp, ta cũng chẳng có thời gian nán lại để an ủi nàng. Ta gấp gáp phân phó Đạo Tái ở lại bảo vệ Phụng Dương và các em, rồi phi nước đại ra ngoài.

Thống lĩnh dưới trướng nhìn thấy ta xuất hiện thì lập tức quỳ xuống bẩm báo toàn bộ sự việc, cuối cùng hắn dập đầu tạ tội: "Dạ bẩm Thượng tướng ! Là thuộc hạ sơ sểnh nên đã để quân ta đã bị địch tấn công đột ngột. Xin Thượng tướng trách phạt."

"Đủ rồi!" Bấy giờ ta giận dữ lắm, nhưng đành kiềm chế lại.

Đường đường là thống lĩnh trên vạn quân mà lại không nắm được tình hình chiến sự. Hiện giờ Hưng Đạo đang bị quân Nguyên tấn công ở Vạn Kiếp. Khi chu sư đều tan vỡ, ý Hưng Đạo muốn theo đường núi rút lui, nhưng tên gia nô Yết Kiêu không sợ chết, một lòng chờ Hưng Đạo về bến Bãi, mới dám rời đi. Khắp nơi ai chả biết chuyện này.

Thử hỏi, nếu như binh lực của Hưng Đạo bị hao tổn, y liệu còn có tâm tư mà chia quân đón ta? Ấy vậy là kẻ này lại cả tin suýt đón địch lên thuyền.

Ta nghĩ một chút, liền bày binh bố trận, ra lệnh cho hắn chỉ huy đội hình chiến đấu. Trong tình thế nước sôi lửa bỏng, xử phạt hắn chỉ khiến cho lòng quân thêm hoang mang. Tốt nhất là ta nên noi theo Hưng Đạo, khoan dung để thu được lòng trung của hắn.

Bàn về quân địch, bọn chúng khá là hung hãn, nhưng số lượng không đông, lại không phải là quân tinh nhuệ. Nay ta đi thuyền lớn, chúng đi thuyền nhỏ. Ta gặp thế khó trong việc di chuyển, lại bị chúng tấn công trước, đành rơi vào thế bị động, không còn cách nào để xoay sở tình thế, ngoài việc giết chết tên cầm đầu, nhanh chóng làm suy sụp tinh thần chiến đấu của quân giặc.

Ta vừa cầm kiếm, liều mạng chém đầu quân địch, cũng đảo mắt tìm kẻ cầm đầu của chúng trong đám đông. Rồi đột nhiên, chàng thiếu niên mặc áo giao lĩnh màu lam lướt qua tầm mắt ta. Nếu là thường tình, khi thấy dáng vẻ quyết liệt đương đầu với giặc của Đạo Tái, ta rất sẽ vui mừng. Nhưng giờ ta không thể nào cười nổi. Ta và cậu đấu lưng vào nhau. Giữa những tiếng đao kiếm to như sấm, ta hét lên:

"Sao con lại ở đây?"

Đạo Tái lo lắng, tâu: "Là mẹ kêu con ra hỗ trợ cha."

Mấy lời này làm ta giận mất cả lý trí.

Thiệt tình bây giờ ta rất muốn lay vai Phụng Dương và hỏi: rốt cuộc là nàng có võ công thần sầu, hay là thần thánh có thể cải tử hoàn sinh? Ban nãy nàng khờ khạo đỡ tên ta cho đủ, giờ lại làm càn, cho rằng bản thân không cần người bảo vệ.

Nàng....

Rốt cuộc nàng nghĩ gì trong đầu?

"Chờ dẹp được đám thích khách này, ta sẽ xử trí con."

Đạo Tái chưa kịp lên tiếng, ta đã lao tới quyết đấu với tên thích khách trước mặt. Mỗi khi có một người chết nằm xuống đất, thuyền rung lên rất mạnh.

Không quá khó để tìm được tên đầu đàn của địch trong đám đông. Hắn nổi bật với tướng mặt bặm trợn và một vết thẹo lớn trên mặt. Võ công của hắn khá áp đảo so với quân dưới trướng ta. Dường như hắn nhận ra ánh mắt ta đang quan sát hắn chăm chú. Ngay lập tức hắn nhếch mép cười khinh khỉnh và tiến về phía này như có một nam châm đang hấp dẫn hắn. Theo từng bước chân, những giọt máu trên mặt hắn chảy xuống đất, trông vô cùng tàn bạo.

Khoảnh khắc tiếp theo, âm thanh va chạm của kiếm giao vào nhau vô cùng đinh tai nhức óc. Ta và hắn cầm vũ khí bằng cả hai tay, vì thể trạng của chúng ta ngang ngửa nhau. Tên mặt thẹo tính ra đòn trước. Hắn thu một tay lại, nên sức ta mạnh hơn, hắn hơi chao đảo lùi về sau, nhưng bù lại hắn có một tay tự do, liền hung hăng đấm vào mặt ta. Ta ngã về phía sau, cảm giác đau đớn ở bên miệng khiến ta rùng mình và đặc biệt hưng phấn.

"Được lắm!"

Nhân lúc đó, tên mặt thẹo toan cầm đao chém thẳng vào người ta, nhưng ta ngồi trên nền đất, cũng chớp thời cơ hòng chặt chân hắn.

Thành hay bại đều nằm ở tốc độ.

Cả hai vung thanh kiếm nhanh như một tia chớp. Khi hắn đưa kiếm từ trái qua phải, cơ thể ta cũng mềm dẻo như con rắn, luồn qua phải, tính tránh đi đòn tấn công của đối thủ. Nhát kiếm của tên mặt thẹo chỉ chém soạt qua vai nên ta dù bị thương nhưng không nguy hiểm tới tính mạng.

Sự kích động khiến cảm giác khát máu trong ta trào dâng, động tác của ta vì thế cũng tàn nhẫn gấp bội. Mắt ta sáng lên, ngay tức khắc chặt đứt chân phải của tên mặt thẹo. Hắn hét lên đau đớn và không thể đứng vững, đổ xuống như dạ. Ta chớp thời cơ đứng dậy, quét kiếm qua thẳng cổ hắn.

Đầu hắn rơi ra như một con xúc xắc bị văng khỏi bàn, máu bắn tung tóe lên mặt, chảy xuống bên môi ta. Ta ngửi thấy mùi tanh qua khứu giác thì liền nở nụ cười thỏa mãn, cảm giác thế nào ta cũng giống như là ma vương đến từ địa ngục.

Thấy được cảnh đó, có người hét toáng lên: "Tướng địch đã chết."

Lòng quân ngay lập tức dao động. Nhuệ khí của địch cũng giảm dần.

Tuy mất thời gian, nhưng việc tiêu diệt toán địch bây giờ không còn là chuyện khó.

Khoảng gần một canh giờ sau, quân ta dành được thắng lợi. Ta cho gọi tên thống lĩnh cùng các phó tướng lại, giao phó cho họ việc dập lửa và chăm sóc các binh sĩ. Bọn họ nhận nhiệm vụ xong, ta ngay tắp lự xuống dưới khoang thuyền tìm Phụng Dương.

Thuyền này có một khoang được thiết kế cho việc ẩn náu, ta cá là nàng đang trông Thụy Hữu ở đó. Ta đi vào phòng mình, rồi mở mật thất ra.

Có một thầy lang theo sau ta, hắn tính gọi ta lại để cầm máu vết thương giúp ta, nhưng ta không cần, chỉ dặn hắn:

"Đi theo ta xuống xem vết thương cho phu nhân."

Hắn khom lưng đáp lại: "Dạ vâng!"

Ta vừa xuất hiện, tên lang trung liền coi sóc vết thương giúp nàng. Hắn bảo Phụng Dương nhắm mắt lại, nhưng nàng chẳng tập trung, liên tục đưa mắt nhìn ta. Rồi đột nhiên, Phụng Dương đột ngột đứng dậy, bàn tay giơ ra nhưng không nỡ chạm vào vết thương trên cánh tay ta:

"Chàng không sao chứ?"

"Phu nhân! Xin người hãy ngồi xuống."

Phụng Dương dường như không nghe thấy, nàng vẫn cố chấp nhìn ta.

Cơn tức giận trong ta dường như phun trào, ta kêu tất cả những người không liên quan lui xuống. Chỉ còn ta với nàng ở trong phòng, ta ngay lập tức nói ra những lời cay độc:

"Ai cho phép nàng ra lệnh cho Đạo Tái ra ngoài?"

"Từ khi nào nàng đã khinh nhờn lời nói của ta đến vậy?"

Phụng Dương lắc đầu phủ nhận: "Thiếp không có ý đó, thiếp là vì nghĩ cho đại cuộc nên mới đưa ra quyết sách như vậy."

"Đại cuộc?" Ta chợt cảm thấy nực cười.

Phụng Dương luôn miệng nói sẽ không yêu ta, nhưng lại không màng nguy hiểm tính mạng để bảo vệ ta. Tại sao nàng nhất định phải khiến ta rung động lần nữa?

Ta hỏi: "Nàng thì hiểu thế nào là đại cuộc?"

Nàng không hiểu. Với ta, sự có mặt của nàng trong cuộc đời là một điều đặc biệt quan trọng. Ta thừa nhận, suốt thời gian qua, ta đã không thể ngừng yêu nàng dù chỉ là trong khoảnh khắc. Thế nên, giây phút tận mắt nhìn thấy nàng bị thương, nó còn đau đớn hơn cả việc ta bị chém một nhát ở cánh tay.

Ta gần như hét lên: "Ai cần nàng cứu ta?"

Phụng Dương dường như bị sốc trước thái độ vô ơn của ta, nàng khóc trong phẫn uất: "Đúng! Ta không hiểu thế nào là đại cuộc."

"Ta vốn là kẻ ngốc, nên mới nghĩ cho chàng. Ta vốn là kẻ ngốc nên mới thích chàng."

Sau ngần ấy chuyện, nàng thực sự thích ta?

"Chàng mắng ta vì ta ngốc. Được thôi! Sau này ta nhất định sẽ không thích chàng nữa, sống chết của chàng..."

Khi Phụng Dương tính cắt đứt mối quan hệ giữa hai ta. Ta không tài nào chấp nhận nổi.

Tưởng có một chậu than đổ vào lòng, ta bị phỏng. Sự sợ hãi khi mất nàng khiến ta vội lao tới, giữ lấy nàng. Ta thực sự không thể chịu nổi cái cảnh ta và nàng chiến tranh lạnh. Ta yêu Phụng Dương, và nếu như nàng cũng yêu ta. Lần này ta sẽ mặc kệ hết thảy, mặc cho nỗi bất an và sự mặc cảm của nàng, ta nhất quyết sẽ nắm tay nàng không buông, cùng nàng đi đến hết chặng hành trình.

Cuối cùng, ta cũng buông Phụng Dương ra, cụng trán ta vào trán nàng. Ta có thể nhìn rõ sự ấm ức trong đôi mắt đen tuyền gần ngay trước mặt. Bằng cả tấm lòng chân thành, ta gọi tên nàng:

"Hai chúng ta cũng đã lớn tuổi, cũng đã cùng nhau sống hết gần một đời người."

"Mấy chục năm trước, ta nói thích nàng. Nàng không tin, vì nghĩ rằng đó chỉ là cảm xúc nhất thời."

"Ta..." Phụng Dương tính chen ngang.

Ta đưa tay ngắt lời nàng: "Hãy để ta nói hết."

Nàng nhẹ nhàng gật đầu.

"Nhưng bây giờ, hơn chục năm sau, ta vẫn muốn nói ta thương nàng. Liệu nàng đã tin chưa?"

Trong không gian yên tĩnh, đột nhiên có một tên lính tráng hớt hải chạy vào. Hắn quỳ xuống, tay dâng lên mật thư, nói: "Dạ bẩm Thượng tướng! Ngài có thư từ bệ hạ gửi tới."

Cả ta và Phụng Dương đều giật mình. Ta quay người, nhận lấy thư và mở ra. Lần này quả nhiên là tin thật.

Tướng nhà Nguyên là Toa Đô trước kia đem thuyền chiến ra Quảng Châu, vượt biển sang đánh Chiêm Thành, nhưng đánh không được. Vua nhà Nguyên hạ chiếu cho Toa Đô đi đường bộ, đem quân về phối hợp với quân của Thoát Hoan. Hưng Đạo nghe được tin ấy, xin nhà vua sai ta đem quân vào đóng ở Nghệ An. Việc này cốt để chẹn lối đường xung yếu mà Toa Đô sẽ đi qua.

Tình hình đất nước nay rơi vào nan nguy, ta hiểu đây không phải là lúc bàn chuyện tư tình. Thế nên ta không kịp nghĩ gì, lập tức định ra ngoài gặp kẻ đưa thư.

Ta vừa xoay người, phía sau liền có đôi bàn tay nhỏ kéo lấy góc xiêm y. Phụng Dương không dùng nhiều sức, nhưng ta có cảm giác chân mình như cái trụ nhà, đã đóng sâu xuống nền đất, không tài nào di chuyển.

Ta nhìn vào đôi mắt long lanh và phát hiện ra sự lo lắng đang dày vò nàng. Ta lấy tay vỗ nhẹ ba cái lên mu bàn tay nàng để an ủi, như thể nói rằng...

Ta sẽ không sao.

"Những lời ta nói ban nãy, nàng hãy suy nghĩ thật kĩ. Đợi khi ta thắng trận trở về, nàng cho ta một câu trả lời."

"Thiếp..."

"Nếu như cả hai chúng ta đều có tình ý với nhau, thì đừng làm nhau thêm đau. Nàng nói nàng tự ti về chính mình, nàng sợ ta bị người khác cướp mất. Vậy ta cũng mong nàng, tin vào chính mình, cũng tin vào ta."

"Bây giờ chuyện nước không thể trễ nải, ta phải đi. Nàng hãy cùng những nữ quý tộc khác đi lánh nạn. Ở nơi xa, ta mong nàng và các con luôn an toàn và khỏe mạnh."

Cuối cùng Phụng Dương vì xúc động mà khóc rống lên. Ta không đành, nhưng cũng dứt áo rời đi, sau đó phái một phó tướng theo sau bảo vệ nàng.

***

Đánh trận tại Nghệ An

Cuối tháng giêng 1285, quân Nguyên từ đất Chiêm Thành (đất Quảng Trị ngày nay trở vào) tiến ra phía nam Đại Việt, chúng lần lượt đánh chiếm các châu lộ Bố Chính, Hoan, Diễn và Thanh Hoá. Anh cả Trần Quốc Khang và con thứ là Trần Kiện đang trấn giữ vùng Châu Hoan, Châu ái (Thanh Hoá - Nghệ An). Nhà vua và Hưng Đạo không yên lòng, nên đã điều thêm đạo quân của Nhật Duật vào tăng viện. Khi đạo quân của Nhật Duật chưa vào tới nơi thì Trần Kiện với thuộc hạ là Lê Trắc chạy đi đầu hàng giặc và dẫn đường cho quân giặc tiến đánh Vệ Bố và Phú Tân (thuộc Thanh Hoá), khiến cho mặt trận phía Nam hết sức phức tạp. Toa Đô sai người đưa bọn Trần Kiện về Yên Kinh. Khi đến Lạng Giang, thổ hào ở đấy là Nguyễn Thế Lộc và Nguyễn Lĩnh đánh bọn Trần Kiện ở trại Ma Lục. Gia nô của Hưng Đạo là Nguyễn Địa Lô bắn chết Trần Kiện. Lê Trắc, phải cõng xác Trần Kiện, ở trên mình ngựa, đương đêm chạy trốn, chạy được vài mươi dặm, đến Kheo Ôn, Trắc mới chôn xác Trần Kiện ở đấy.

Sau đó, ta đem quân vào Nghệ An, mới xoay chuyển tình thế, khiến cho quân giặc phải bối rối. Mặc dù vậy, lúc ấy thế giặc quá mạnh, các cánh quân của ta, Nhật Duật, Đạo Tái, và Trần Đức Hiệp đều phải rút lui ra gần biển và giữ các nơi hiểm yếu. Quân của Toa Đô đánh mãi không được, cạn lương, bèn cùng với Ô Mã Nhi dẫn quân xuống thuyền trở ra Bắc. Ta hay tin cho người về Thanh Hóa cấp báo. Vua Nhân Tông cho Nhật Duật cùng Trần Quốc Toản và Nguyễn Khoái đem 5 vạn quân ra đón đánh tại Hàm Tử Quan. Quân Nguyên thua to chết hại rất nhiều.

Trận Chương Dương độ...

Lúc bấy giờ đại binh của Thoát Hoan đóng tại Thăng Long, còn chiến thuyền thì đóng ở bến Chương Dương, thuộc địa phận huyện Thượng Phúc. Ta lại nhận được lệnh vua, cùng Trần Quốc Toản và Phạm Ngũ Lão đem quân từ Thanh Hoá đi thuyền vòng đường biển ra đến bến Chương Dương tấn công chiến thuyền của quân Nguyên. Quân Nguyên địch không nổi phải bỏ thuyền lên bờ chạy. Phần lớn chiến thuyền bị quân ta chiếm hoặc đốt.

Trong vòng vài tháng, quân ta liên tục  thắng trận nên khí thế quân sĩ rất mạnh. Ta viết thư cho vua, nhận được lệnh, cùng các chỉ huy quân địa phương phải chiếm được thành Thăng Long.

Bấy giờ ta đang ngồi bàn kế hoạch mai phục địch với Trần Thông, Nguyễn Khả Lạp và Nguyễn Truyền, thì có kẻ hầu tâu Sài Lang đang ở ngoài lều xin yết kiến.

Ta nhăn mày.

Sài Lang? Chẳng phải hắn đang theo sau bảo vệ nàng sao?

"Cho gọi hắn vào!"

Ngay lập tức, Sài Lang từ ngoài bước vào. Gần một năm không thấy mặt, ta hơi sững sờ khi thấy hắn mất đi một tay. Tóc tai hắn rối bời dính đầy rơm rạ, vẻ mặt nhếch nhác này trông giống như vừa thua trận.

Vừa thấy ta, Sài Lang lập tức dập đầu xuống tạ tội: "Dạ bẩm thượng tướng! Là thuộc hạ vô dụng. Trên đường đi lánh nạn, phu nhân, tiểu thiếu gia và tiểu thư đã bị bắt."

Ta dường như chết đứng, vẫn cố chấp hỏi lại: "Là ai bắt?"

Trái tim ta vỡ vụn thành trăm mảnh, ta hét lên khi nỗi sợ chiếm lấy hơi thở, giọng nói của ta trở nên điên cuồng: "Là ai bắt?"

Sài Lang không dám trả lời.

"Ngươi không nghe bổn tướng đang hỏi sao?"

***

Nguồn tư liệu:

1. Đại Việt Sử Ký toàn thư. Soạn giả Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên, v.v...

2. Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục. Soạn giả Quốc Sử Quán Triều Nguyễn.

3. Thông tin về Văn Túc Vương Trần Đạo Tái, đăng trên trang Việt Nam Gia Phả.

4. Kháng chiến chống Mông Nguyên Lần 2 (1285), đăng trên blog Dấu Thiêng Lạc Hồng.

***

Note 1: Trong cuộc kháng chiến chống quân Mông Nguyên lần 2. Bên cạnh các trận đánh nhỏ, Thượng tướng Trần Quang Khải đã chỉ huy ba trận đánh vô cùng tiêu biểu.

1. Trận Nghệ An: Thua trận và phải rút lui.

2. Trận Chương Dương Độ (Trần Quang Khải chỉ huy chính, Phạm Ngũ Lão, Trần Quốc Toản): Quân Nguyên thua, bỏ chạy tan tác, phần lớn các chiến thuyền bị quân ta chiếm hoặc đốt. Bên cạnh trận Hàm Tử, đây là trận đánh quan trọng trong kế hoạch phản công, góp phần giúp quân dân nhà Trần giành được thắng lợi. Tuy nhiên, hầu như rất ít tư liệu ghi về trận đánh này.

3. Giành lại Thăng Long (Chỉ huy quân chủ lực là Trần Quang Khải; cùng Trần Thông, Nguyễn Khả Lạp và Nguyễn Truyền - chỉ huy quân địa phương): Quân Nguyên rút khỏi thành Thăng Long, về đóng ở bờ bắc sông Hồng.

Note 2: Chi tiết Phụng Dương công chúa bị rơi vào tay địch khi đi lánh nạn là giả tưởng, không phải tài liệu trong sách.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenFun.Vip