Phan Tich Van Hoc 11 Chuong Trinh Moi Phan Tich Doan Trich Trao Duyen Cua Nguyen Du 1

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng
Phân tích đoạn trích "Trao Duyên " của Nguyễn Du
Bài làm

Bánh xe thời gian vẫn chưa khắc nào ngừng quay và dòng chảy văn học Việt Nam vẫn đang vận hành theo cách mà nó vốn phải như vậy, ấy thế mà Truyện Kiều vẫn luôn được đánh giá là một viên ngọc toàn bích, "bám rễ sinh sôi" trong tâm tưởng của người Việt Nam qua nhiều thế hệ, phải chăng chính hai chữ "thương người" của Nguyễn Du đã làm nên tất cả? Nói như Mộc Liên Đường Chủ Nhân: "Nguyễn Du viết Kiều như có máu rỏ lên đầu ngọn bút, nước mắt thấm qua từng trang giấy." Quả thật vậy, câu nói ấy chẳng hề sai khi đến với đoạn trích Trao Duyên - một đoạn trích được đánh giá là đoạn trích lâm ly nhất trong tác phẩm Truyện Kiều. Bằng hết thảy sự đồng cảm, thương cảm, xót xa, khổ đau cho nỗi bất hạnh của con người, đoạn trích đã vang lên khát vọng về hạnh phúc, về tình yêu. Để từ đó thắp lên giá trị nhân đạo sâu sắc. 

     Đoạn trích "Trao Duyên" nằm trong phần "Gia biến và lưu lạc" từ câu 723 đến câu 756 trong tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du. Khi biến cố gia đình bất chợt xảy đến - chịu oan uổng, cha và em trai bị bắt, chứng kiến cảnh người thân phải chịu hình đánh đập, Thúy Kiều đã phải hy sinh mối tình với Kim Trọng để bán mình chuộc cha. Đợi khi chuyện gia đình đã ổn thỏa, trước ngày lên kiệu hoa, Thúy Kiều thức trắng đêm nghĩ về thân phận, về tình yêu và đau đớn cho mối duyên phận vừa chớm nở đã phải lụi tàn, để rồi cuối cùng: 

 "Hở môi ra cũng thẹn thùng

Để lòng thì phụ tấm lòng với ai." 

    Thúy Kiều đã quyết định trao mối duyên giữa mình với Kim Trọng lại cho Thúy Vân, nhờ em nối tiếp nhân duyên, trả nghĩa ân tình cho Kim Trọng.

"Cậy em, em có chịu lời

Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa."

   Chẳng phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Du được gọi với danh xưng "bậc thầy sử dụng ngôn từ", bằng chất liệu ngôn từ đời thường, qua lăng kính nghệ thuật cùng bàn tay tài hoa của mình, Nguyễn Du đã chọn lọc và sử dụng những từ ngữ hết sức ý tứ. Từ "cậy", "chịu lời", "lạy- thưa" được sử dụng vô cùng  đắt giá. Từ "cậy" được đưa lên đầu câu mang nét nghĩa chính là nhờ ai giúp đỡ điều gì, có sự tương đồng về nghĩa với từ "nhờ", song bên cạnh nét nghĩa chính, từ "cậy" còn mang nhiều nét nghĩa hàm ẩn. Là sự gửi gắm, tin tưởng trong từ "tin cậy", là sự trông mong hy vọng tha thiết trong từ "trông cậy". Xét về âm điệu từ "cậy" là thanh trắc tạo nên êm điệu nặng nề, gợi sự quằn quại, đau đớn, vật vã trong nội tâm Thúy Kiều. Trong khi từ "nhờ" là thanh bằng đã phần nào làm giảm đi khả năng thể hiện nội tâm đau đớn của nhân vật. Qua đó ta thấy được sự tin tưởng gần như tuyệt đối của Thúy Kiều dành cho Thúy Vân, coi Vân như người có thể nhờ cậy đến phút cuối cùng. Cũng là một trường hợp sử dụng từ ngữ đặc sắc, ta bắt gặp từ "chịu lời". Vì điều gì trong hai từ có cùng sự tương đồng về nghĩa là "nhận lời" Nguyễn Du lại chọn "chịu lời" trong câu thơ của mình? Bởi "nhận lời" tức là đồng ý với tâm thái thoải mái và tự nguyện, trong khi "chịu lời" lại mang nghĩa là nài ép, bắt buộc, không nguyện ý cũng phải nhận. Cho thấy Thúy Kiều đã rất hiểu cho tình thế, cảm xúc và nỗi lòng của Thúy Vân, hiểu nếu "chịu lời" Vân sẽ phải hứng chịu những thiệt thòi ra sao. Càng tài tình hơn là Thúy Kiều bằng lòng quỳ  lạy, thưa gửi với chính em của mình. Trong xã hội phong kiến mang nhiều lễ giáo vô cùng chặt chẽ lúc bấy giờ, lạy - thưa chỉ là cử chỉ của người bề dưới đối với người bề trên, trong khi Thúy Kiều là chị lại  "lạy" - "thưa" với Thúy Vân - em của mình. Điều đó mang đến sự nghịch lý, trái với nguyên tắc đương thời. Nhưng từ cái phi lý ấy lại chuyển thành hợp lý khi sử dụng trong quan hệ giữa ân nhân, người ban ơn với kẻ chịu ơn. Thúy Kiều coi Thúy Vân là ân nhân của mình, điều đó thể hiện sự tôn trọng trước những điều Thúy Vân sẽ làm cho mình, nàng có lòng tin và tin chắc rằng Thúy Vân sẽ không thể từ chối. Bằng những từ ngữ hết sức tinh tế và cẩn trọng, chỉ hai câu thơ ngắn ngủi, Kiều đã đặt Vân vào một tình thế khó lòng khước từ, qua đó ta phần nào thấy được sự thông minh, suy nghĩ sâu sắc cặn kẽ của người con gái tài sắc vẹn toàn. 

Không để Vân có cơ hội từ chối, đến những câu thơ tiếp ta thấy sự dứt khoát, rõ ràng và vắn tắt, thể hiện qua các lý lẽ trao duyên của Thúy Kiều. 

"Giữa đường đứt gánh tương tư

Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em!"

Tình yêu luôn bắt đầu bằng nỗi tương tư, mong nhớ. Có ai từng thương, từng yêu lại chẳng từng tương tư đôi lần? Nhưng "gánh tương tư " ấy lại được nối với vế trước là "Giữa đường đứt gánh" tác giả sử dụng thành ngữ quen thuộc nói về mối tình đang chớm nở bỗng chốc phải lụi tàn, ta thấy ở trong đó ẩn chứa cả sự tiếc nuối, đau đớn cho một mối tình dở dang không trọn vẹn. Khắc họa rõ nét tình cảnh bất lực mà Kiều phải chịu. Mọi việc Kiều chỉ đánh phó thác cho em gánh, ở đây dùng chỉ nối mối tơ duyên. Có câu: 

" 'Nguyệt lão' se tơ tình mong đợi

Tơ hồng kết đôi, nối chữ 'duyên'."

Tình duyên có đẹp, tình cảm có mặn nồng đến đâu thì đối với Thúy Vân có liên quan chăng? Khi tơ duyên này đã đứt, đối với Thúy Vân, Kiều hiểu rằng đó chỉ là một mối tơ thừa. Nhưng rồi, hai từ "mặc em" được cất lên, Kiều hiểu Vân phải chịu thiệt thòi là thế nhưng chỉ đành phó thác hết thảy lại cho em. Bốn câu thơ ẩn chứa trong đó là giọng thơ mang sự nài nỉ, sự ủy thác cùng trông cậy của Kiều giống như một sợi dây vô hình buộc chặt lấy Vân, đưa Vân vào tình thế khó lòng từ chối. 

Nếu bốn câu trên là lời mở đầu thì đến những vần thơ tiếp theo, Thúy Kiều mới thực sự nói ra lý do minh bạch: Nàng kể về mối tình giữa mình với Kim Trọng. 

"Kể từ khi gặp chàng Kim, 

Khi ngày quạt ước, khi đêm chén thề."

Nghệ thuật điệp từ được sử dụng trong cả hai câu thơ là chữ "khi": "khi gặp", "khi ngày", "khi đêm" thể hiện việc Kim Trọng và Thúy Kiều đã từng ước nguyện, thề hẹn nhiều lần "Quạt ước", "chén thề". Mối tình của Kim - Kiều bắt đầu từ khi gặp gỡ ở tiết thanh minh, "tình trong như đã mặt ngoài còn e." 

Hay khi Kim Trọng phải trở về Liêu Dương  chịu tang cho chú, hai người phải xa cách suốt ba năm. Trước lời căn dặn của Kim Trọng, Kiều cũng đã chắc nịch đáp rằng: 

"Cùng nhau trót đã nặng lời.

Dẫu thay mái tóc, dám dời lòng tơ.

Quản bao tháng đợi năm chờ,

Nghĩ người ăn gió nằm mưa xót thầm.

Đã nguyền đôi chữ đồng tâm,

Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai.

Còn non còn nước còn dài,

Còn về còn nhớ đến người hôm nay."

Tình yêu sâu đậm là thế, ước hẹn trăm năm là thế nhưng có đau đớn nào bằng khi Kiều đã vi phạm lời thề mà bội ước. Bởi vì biến cố, sóng gió bất ngờ ập đến. 

"Sự đâu sóng gió bất kỳ

Hiếu, tình khôn lẽ hai bề vẹn hai."

Chính nguyên nhân ấy đã dồn Thúy Kiều vào hoàn cảnh vô cùng éo le khi phải đặt chữ tình, chữ hiếu lên cán cân mà đong đếm, lựa chọn. Đây là sự 

tranh đấu gay gắt  giữa lý trí và con tim, lựa chọn nào cũng là đau đớn, là giằng xé tâm can đối với Kiều. "Chữ hiếu chữ tình bên nào nặng hơn?" Cuối cùng Thúy Kiều đã chọn: 

"Thà rằng liều một thân con

Hoa dù rã cánh, lá còn xanh cây." 

Nàng bán mình chuộc cha làm tròn chữ hiếu theo nguyên tắc, lễ giáo phong kiến, cũng là phản lại lời thề hẹn với người yêu. Kiều đã gửi gắm, bộc bạch, trần thuật hết với Vân với sự áy náy, dằn vặt, hối lỗi cùng đau khổ khôn xiết. Hơn thế nữa, Kiều là một nữ tử hiếu thảo, chuẩn mực theo lễ giáo lúc bấy giờ, chính vì vậy trong tình thế tiến thoái lưỡng nan ấy nàng làm sao có thể chỉ nghĩ cho riêng mình, gìn giữ lấy ước hẹn với Chàng Kim mà gạt tình thân - chữ hiếu sang một bên?

Lý lẽ thứ hai là bởi Kiều biết rằng, Vân vẫn còn trẻ sẽ còn có tương lai, còn có cơ hội hạnh phúc.

"Ngày xuân em hãy còn dài

Xót tình máu mủ, thay lời nước non."

Thế nhưng chẳng phải cả Kiều và Vân đều là "ngày xuân xấp xỉ đến tuần cập kê" hay sao? Có lẽ vào thời khắc này, Kiều coi tuổi xuân của mình như đã kết thúc. Kiều đem "tình máu mủ", chị em ruột thịt ra, nhờ Vân "thay lời nước non" - giúp Thúy Kiều trả nợ duyên cho Kim Trọng. 

Để rồi:

"Chị dù thịt nát xương mòn

Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây."

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenFun.Vip