21. Một tiếng "mình"

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng
- Anh hai! Lẹ lên đi anh! Xe ngựa tới rồi kìa!

Ba Bân hớt hải chạy lộc xộc ra trước cổng nhà bà Tư Loan, tay thì kéo kéo Hai Huỳnh đi cho lẹ, chú Sáu Bình thì dìu má mình đi tòn tèn theo sau lưng.

- Bây coi đó... nó nôn về lợi bển chưa kìa... mụ nội cha nó... qua thăm ngoại nó mới có hai ngày mà làm như đi hai năm vậy đó!

Chú Bình cười khì, được cái tính chú giống má chú, hiền hậu dễ thương, chú nói:

- Mấy đứa nhỏ nó hổng có thích người già, tụi nó còn bạn bè, nôn về bển là đúng rồi má.

- Bạn bè cái nỗi gì? Nó nôn về chơi với thằng An thì có!

- Thằng An hả? Con nhà ai vậy má?

Đôi mắt nhăn nheo vết chân chim của bà Loan híp lại vui vẻ khi bà nhắc tới tên của thằng cháu "hờ", bà nói, giọng hớn hở:

- Con nhà ai thì đâu có cần biết! Hổng ấy giờ là con nhà mình, bây thấy có được hông?

Chú Bình ngẩn tò te khó hiểu khi nghe lời nói của bà Loan, chưa kịp hỏi tới thì Bân lúc này đã ngồi yên trên xe ngựa cứ í ới vô trong giục chú nhanh nhanh leo lên, chú đành thở hắt ra một cái bỏ ngang câu chuyện, quay sang nắm tay bà Loan nói:

- Thôi con xin phép má con về bển, má thằng Huỳnh hồi hổm có dặn con qua thăm má xong về bển chỉ biểu chi đó, sáng mơi chắc con lên ghe quành lợi gánh hát luôn... con xin má thứ lỗi cho thằng con bất hiếu hổng ở lại chung cái Tết với má nghen má... mồng một Tết mà bỏ gánh chèo queo vậy thì con hổng có nỡ, má thương con má đừng có suy nghĩ nhiều thêm bệnh nghen... má ở lợi đây ráng giữ gìn sức khoẻ, đợi dăm bữa nửa tháng nữa con vòng hết lục tỉnh rồi con về lợi, tới chừng đó con đem mấy thứ đặc sản về cho má ăn... má hứa khoẻ cho con yên tâm đặng con đi, được hông má?

Trông thấy thằng con trai cưng mà bà luôn nhớ thương bấy lâu nay tiếng trước tiếng sau một mực hiếu thảo, bà Loan mắt rơm rớm lệ nhưng cũng không thể ngăn nó đi theo cái nghiệp của mình, bà nói, một câu thôi mà cũng đủ làm chú Bình rớt nước mắt:

- Cha mày... hồi nào giờ má có giận bây chi đâu mà bây kể lể... sợ bây đi miết rồi tới hồi về đây tao còn có nắm đất, má hứa khoẻ thì được chớ ông trời dắt má đi hồi nào sao má hay hả con?

Rồi như sợ chú Bình bịn rịn quá mà không nỡ lòng rời xa, bà Loan nói tiếp, ngần mắt lưng tròng cố ngăn cho không rơi giọt lệ:

- Nhưng nghiệp bây chọn thì bây phải trả, bây đi đi... má ở đây cầu xin cửu quyền phù hộ cho bây, bây cũng ráng xin ông tổ nghề cho gia đình mình bình an nghen Bình... nhất là hai thằng cháu trai của bây, ráng cầu cho tụi nó hạnh phúc yên vui, như vậy là má đặng khoẻ rồi thằng Sáu... đi ra ngoài làm ăn bao nhiêu năm vậy chớ trong mắt má bây lúc nào cũng nhỏ xíu hết, chịu hổng nổi cực khổ thì về lợi với má, má lo cho con... có gì thì đánh tin về liền cho má hay, đừng có chịu đựng một mình rồi sanh tâm bệnh, ở đây còn có má với chị bây, thương má thì ráng giữ sức khoẻ coi chừng đau yếu là má vui rồi... yên tâm đi đi, má ở đây còn con Tịnh, yên tâm đi nghen con...

Dứt lời bà Loan liền hối thúc đẩy đẩy chú Bình đi ra ngoài xe ngựa với anh em Huỳnh, làm như bà sợ đứng một hồi nữa bà không còn kiềm nổi mà bật khóc, cũng sợ chú Bình áy náy trong lòng mà ôm nỗi niềm.

Ngay từ đầu cho con mình đi theo gánh hát thì bà Loan đã biết rõ Sáu Bình đã không còn là đứa con của riêng mình nữa rồi. Bà không thể ích kỷ giữ chú lại nơi đây, vì kể từ ngày chú bỏ lại cơ ngơi, chú đã thuộc về một nơi khác.

Bây giờ chú là con của ông tổ nghề sân khấu, là cháu của khắp miệt xứ xa mà chú đi qua, là anh là em của dân làng lục tỉnh, đời phong ba là rày đây mai đó.

Vó ngựa cuối cùng cũng vang tiếng tung hoành, trong lòng bà Loan thương xót nhìn chuyến xe đưa đứa con mình lần nữa đi xa, lần này đi không biết khi nào chú sẽ về lại thăm quê, sự vò võ chờ mong là thứ luôn làm bà Loan buồn lòng mỗi khi đêm về cô đơn lẻ bóng.

Bà chỉ còn có hai đứa con là còn có thể cậy nhờ, nhưng một đứa thì lòng dạ hiểm sâu không biết khi nào sẽ rước vào quả đắng, một đứa thì biệt tích xứ lạ mấy năm trời mới thấy được dáng hình. Đời bà cũng chẳng còn bấy nhiêu mà trông với chả đợi, có khi lần sau chú Sáu về lại, bà đã nằm sâu dưới ba tấc đất mà mặc cho lũ côn trùng xâu xé tứ chi.

Dù thế nhưng bà vẫn không bao giờ có suy nghĩ sẽ ngăn cản chú về lại với gánh hát, vì khi ngăn không cho con người ta được sống cuộc sống của chính mình là thứ ác nghiệt nhất, là thứ giết người từ tận trong linh hồn, là thứ nhẫn tâm để xác thân người ta mục rữa trong cuộc sống được ấn định.

Dù là con hay là cháu, bà vẫn mong gia đình bà ai nấy cũng đều được sống cuộc sống của riêng mình.

Chuyến xe ngựa đi cũng chừng lâu mới về lại được xóm Đập, ngồi trên xe mà Bân cứ ríu ra ríu rít không ngừng. Chú Bình và Huỳnh chỉ biết ngồi cười, trong lòng ai nấy cũng thấy vui lây cái sự phấn khởi chẳng biết do đâu từ nơi cậu.

- Chú ơi chú, đợt này chú về rồi chừng nào chú đi nữa vậy chú?

- Ngày mơi chú mày đi rồi, ở lợi đây nghe mày chí choé quài nhức óc, đi lẹ đặng thảnh thơi cái đầu!

Chú Bình nói xong thì bật cười lên ha hả, Huỳnh ngồi kế bên cũng cười ké, chỉ có Bân là xụ mặt, nhưng sau đó cậu liền quay trở lại nét hồn nhiên mà nói tiếp:

- Hay là mơi chú dắt con theo luôn đi! Con muốn theo chú vô gánh hát lâu rồi, sẵn dịp này chú giúp con thưa chuyện với má con nha? Cho con đi theo chú nha? Nha chú!

Huỳnh nghe tới đây thì liền tắt nụ cười, cậu quảnh qua nhìn chú Bình liền, chú thì cứ tưởng Bân đương giỡn, cũng vẫn cười khà khà mà nói:

- Trời! Bây có biết ca hông mà đòi theo gánh? Chú hổng có nhận người làm đầy tớ đâu nghen! Mà dẫu có làm đầy tớ bây cũng hổng có được, cái thân nhỏ xíu vầy mà bưng bê cái gì nổi cho cam hả bây? Vô trỏng rồi suốt ngày la ó tao nhức cái đầu thêm, nuôi bây mắc công tốn gạo tao nữa!

Bân nghe chú Bình coi thường mình mà trong lòng tức tối, cậu la sang sảng:

- Con vô làm kép chánh chớ đầy tớ gì hả chú? Con ca hay lắm đó, chú đừng có giỡn chơi nghen!

- Ca hay hả? Đâu đâu? Bây ca đoạn cho chú nghe thử coi! Được là chú đuổi thằng kép chánh múc bây liền, hổng có nói giỡn đâu à nghen!

- Thiệt hả chú? Vậy để con ca cho chú nghe ha!

Chú Bình vẫn cười tà tà, cũng tỏ vẻ chăm chú lóng nghe. Vậy mà khi Bân vừa dứt tiếng ca xong mấy câu trích trong tuồng Kim Vân Kiều thì chú tự nhiên cứng đơ, miệng tắt ngay nụ cười, thay vào đó là sự trầm mặc.

- Sao chú? Thấy con ca có hay hông?

- Ờ... ờ... hay...

Bân khoái chí.

- Vậy là chú cho con làm kép chánh rồi phớ hôn? Ca vầy mà hổng ưng nữa là con chịu chú luôn ớ!

Một vẻ khó xử hiện lên trên gương mặt cứng còng của chú Bình, bất giác chú liếc sang ngó Huỳnh, thấy cậu Hai tự lúc nào cũng đã đưa ánh mắt rối rắm ngó mình, lúc này chú mới quảnh lại nhìn vô Bân vẫn còn đương hớn hở, chú hơi e dè mà hỏi:

- Bộ... bây muốn theo gánh hát thiệt hả?

- Dạ! Con muốn theo chú từ hồi còn nhỏ lận đó! Anh hai cũng biết nữa, chỉ có má con là chưa biết thôi!

Đột nhiên trong đầu chú Bình tua lại khoảng thời gian trước kia lúc chú xin Hai Tịnh cho lập gánh hát, đôi môi khô khốc đắng chát còn chưa kịp trả lời Bân sao cho cậu khỏi thất vọng, đột nhiên Bân hướng ánh mắt ra phía sau lưng chú Bình và Huỳnh mà nở nụ cười tươi rói. Xe vừa lúc cũng lộc cộc dừng nhịp, Bân lập tức leo xuống khỏi xe, lật đật tới mức không thèm cầm giỏ đồ theo, vậy mà lại không quên quẳng lại cho hai người còn yên vị một câu vui vẻ:

- Vậy nghen chú! Con đi trước đây! Chú nhớ vô nói với má là con theo chú nghen! Nhớ nghen chú!

Nói xong cậu ba chân bốn cẳng chạy thẳng về hướng cổng nhà, chú Bình và Huỳnh cũng theo quán tính quảnh đầu lại ngó theo, đã thấy Bân đứng lại nói mấy câu gì đó với An đương chờ sẵn tự khi nào, xong xách tay nó chạy siết ra phía chuồng trâu sau vườn, mặt mày An coi bộ không được vui gì mấy.

Hai Tịnh lúc này ngồi trên ghế tràng kỷ trong gian nhà chính nhìn ra đã thấy hết, ấy mà bà cũng không buồn can ngăn, vẫn ung dung thưởng thức chén trà sen, ánh mắt thư thả dễ chịu không sao giấu được.

Bà thà để An và Bân túm tụm lại lần cuối cùng chứ bà không tính được đường nói với Bân sao cho cậu không nổi xung thiên khi biết An đã bị bà cho ra khỏi nhà và đi theo gánh hát, bởi vậy bà mới dựa dẫm vào cái ân tình và rào trước bắt An phải tự đi nói với Bân cho cậu không phiền lòng, mặc kệ cậu có chịu hay không thì An nó cũng phải đi, chỉ cần là An tự tìm cách nói, vậy thì trong mắt Bân bà sẽ vẫn là một người mẹ mẫu mực nhân từ.

Chắc có lẽ mãi về sau Bân và An cũng sẽ chẳng bao giờ biết được chú Sáu Bình được kêu về đây cốt yếu chẳng phải là để thăm mẹ, ông trời xui khiến sao cho bà Tư Loan đổ bệnh ngay đúng lúc Hai Tịnh cần lý do để tống cổ An đi, vậy là bà chỉ được dịp hè vô để gọi chú về, chứ chuyện thăm hỏi thì đâu có gì là đáng trong mắt Hai Tịnh để mà phải mắc công đi dò la tin tức của chú Bình làm chi cho nhọc?

Bây giờ chỉ cần nói thêm với chú Bình mấy câu để An không bao giờ về lại được xóm này cho tới khi bà bắt được Bân yên bề gia thất, tới lúc đó mọi chuyện êm đẹp, cái tình cảm trái khuấy này cũng sẽ lụi tàn dần theo tháng năm. Mọi thứ sẽ ngủ yên, bà cũng sẽ không còn phải thấp thỏm mà đêm dài lắm mộng, gia đạo cứ vậy mà lại bình an, rồi trong nhà sẽ nô nức tiếng cười trẻ thơ của cháu bà và cả tiếng rộn ràng của những đứa con dâu hiền thảo.

Hai Tịnh vừa phẩy cây quạt vừa nhẹ mỉm cười tự khen lấy bản thân, chắc do bà ăn ở có nhân đức nên ông trời lúc nào cũng về phe, hở tí ra là đều có ổng phù trợ cho êm chuyện. Thật không uổng công mấy bận bà bỏ tiền ra làm phước cho lũ dân đen nghèo hèn, hay ra tiền cúng cho đình miếu ngoài đầu làng, phước phần của bà chắc hẳn là rất cao dầy, thiệt là trời cao có mắt nhìn người đặng phù hộ.

Đêm vậy mà xuống rất mau, mấy chốc đã vào canh một, trăng bữa nay bị áng mây làm lu mờ, cảnh vật cũng tịch mịch u tối nên không khí cũng vì thế mà ảm đạm buồn thảm. Vẫn như mọi ngày con đò vẫn cứ chòng chành đong đưa sóng nước nhỏ, vẫn là hai bóng người in hằn trên mặt sông êm ái, ấy vậy mà lòng dạ bữa nay đã không còn hợp ý đồng tâm.

Bân thì vẫn cứ cười nói như lệ thường, nhưng An thì đã khác.

- Ờ...

- Hả?

Bân đương kể dở cái câu chuyện đời xưa mà hồi sáng cậu nghe bà Loan kể lại, thấy An lên tiếng cậu liền chưng hửng quảnh qua dòm nó, tức thời trái tim cậu chợt thót nhẹ một cái, mắt An từ khi nào đã lóng lánh ẩm ương.

- An... sao vậy? Tui kể chuyện cười chớ có kể chuyện buồn đâu? Sao mắt mấy người đỏ quá vậy?

Thấy Bân lo lắng cho mình, An vội dụi mắt hòng lau đi những dòng lệ đương trực tuôn, nó cay đắng nói, từng chữ thốt ra là từng cơn quặn đau từ tận sâu trong dạ.

- Ờ... hổng có gì đâu... tại tui... tại tui mừng á...

- Mừng hả? Có chuyện chi mà mấy người mừng vậy? Kể nghe đi!

Nhìn thấy nụ cười rạng rỡ chờ mong của Bân mà trái tim An ương lên nhức nhói. Nó nhìn cậu, đôi môi ráng gượng ra một nét cười méo mó thể như rằng nó thực sự đương mừng. Ánh mắt buồn thảm của nó cũng sâu thẳm ngó kĩ cậu hơn như muốn ghi nhớ hết từng góc cạnh trên gương mặt mỹ miều, chỉ có cậu là còn vô tư tới mức khiến người ta đau lòng, cứ ngồi đó mà cười nghệch ra, ngoan ngoãn lóng nghe như thể thực sự đương chờ nó kể một câu chuyện vui nào đó.

- Tui... tui trả xong nợ rồi...

Bân thoáng khựng người, môi cười cũng sượng lại, nhưng ngay sau đó cậu lại hồ hởi, ấy vậy mà trong giọng nói đã có chút run run.

- Vậy... hả? Vậy thì tốt quá! Vậy là sau này mấy người được trả công rồi, má tui có nói trả cho mấy người bao nhiêu một năm hông?

An đắng cay quảnh đầu đi chỗ khác, phần vì nó sợ nó không thể kiềm nổi nữa mà bật khóc, phần vì nó chẳng thể nhìn thẳng vào mắt Bân thêm một giây nào.

- Tui...

- Sao?

- Tui... chắc... chắc tui hổng có ở lại đây nữa đâu...

Không gian chợt im ắng, Bân lúc này đã tắt ngúm nụ cười, cậu đơ ra một chốc, xong lại gấp gáp nói:

- Sao vậy? Hổng lẽ má tui hổng cho mấy người ở nữa hả? Hay má tui...

- Là tui tự đi.

An mím chặt môi, nó không biết biểu cảm của Bân ra sao khi nghe câu nói đó, nó cũng chẳng dám quảnh qua nhìn cậu để làm rõ, bên tai nó giờ chỉ nghe thấy giọng của cậu đã nhỏ đi đáng kể, âm thanh đã có một chút không vững vàng.

- Hổng phải má tui đuổi... hả?

- Ừm.

- Mấy người đi đâu?

- Đi theo gánh hát.

- Gì?

An bấu chặt hai bàn tay vào nhau, dù thế nào nó cũng không thể để Bân ghét mẹ ruột của mình được.

- Tui xin bà lớn rồi, ngày mơi... tui sẽ theo chú Bình vô gánh hát.

Lại một thoáng im lặng, rồi Bân chợt bật lên một tiếng cười.

- Tốt quá! Vậy là má tui chịu rồi hả? Vậy thì mừng là đúng rồi! Mấy người có soạn đồ xong chưa? Hay tối nay vô phụ tui gói ghém quần áo nghen, mơi chắc chú Bình đi sớm lắm á!

Trái tim An lại quặn đau, nhất thời nó câm nín chẳng thể nói thêm được gì.

- Sao hổng trả lời vậy? Tui biết là má thương hai đứa mình mà... má...

- Có... có mình tui thôi... tui đi... mình ên...

Mây lững lờ trôi cuối cùng cũng lẳng lặng buông lơi ánh trăng, soi rõ khuôn mặt Bân thoáng ngẩn ngơ, giọng cậu bấy giờ đã lạc đi, đôi môi khẽ run rẩy.

- Hổng... hổng có tui... hả?

An lại nghiến răng, miệng mồm nó đắng chát, nghe cái giọng nghẹn ứ của Bân mà lòng nó xót xa khôn siết, phải làm sao để nó thôi không phải đớn đau thêm? Từ hôm qua tới giờ nó vẫn tự gào thét với chính bản thân, rằng nó đã làm nên tội tình gì, đã gây ra nghiệp báo gì tày đình, sao ông trời cứ nhẫn tâm đày đoạ nó và cậu như thế?

Nó quảnh qua dòm cậu, rồi phút chốc trái tim nó như chết lặng, ánh mắt va phải nơi giọt lệ đương khẽ khàng lăn dài, trong một giây cả đất trời dường như vừa sụp đổ.

An điếng người, nó biết điều này rồi cũng sẽ xảy ra.

Nhưng dẫu có chuẩn bị tinh thần cứng rắn đến mấy, bây giờ đối diện, nó lại chẳng có đủ can đảm mà buông tay cậu.

Hoặc nói đúng hơn, nó không nỡ.

- Bân... nghe tui nói nè...

An giờ đã quay qua hẳn dòm vào mặt Bân, đối diện với cặp mắt long lên đỏ ké của cậu, nó nắm chặt hai bàn tay đương run rẩy, giọng nó cũng gồng lên rõ ràng hơn, thể như nó muốn đem hết mọi quyết tâm ra ngoài đặng cho cậu có thể thấy rõ.

- Tui đi rồi mấy năm sau tui sẽ theo gánh hát quành về lợi đây. Tới đó tui ráng để dành mớ tiền dằn bụng, về rồi tui rước Bân đi theo tui, tui với Bân lên Sài Gòn xin vô gánh hát khác, Bân có chịu đợi tui hông?

Đôi mắt ẩm ướt của Bân bấy giờ đã có thêm một chút rối ren, cậu run run hỏi:

- Sao... sao mấy người hổng để tui vô xin má đi chung?

- Bà lớn sẽ hổng để Bân đi đâu, bà cho tui đi là tự vì tui xin bà, chứ Bân là con trai của bà, bà hổng chịu để Bân phải đi chịu khổ đâu... Giờ chỉ còn nước tui đi trước kiếm cái lót đường cho tụi mình, chớ giờ Bân vô trỏng xin bà, mọi chuyện khó lòng hơn đó...

Trong một chốc khuôn mặt Bân thoáng nét rối rắm, cậu rời xa hai bàn tay của An đương nắm tay cậu, quảnh lại ngồi thẳng, tay chùi nước mắt còn tay ôm gối thu chân vào ngực, trong lòng phức tạp hoang mang.

- Bân...

- Nói vậy... mấy người đi trước... hả?

An lặng người, ánh mắt Bân có vẻ đã lạnh đi.

An làm sao có thể hiểu được?

Phải.

Người ôm mộng sân khấu từ thuở bé mới chính là cậu, người có hoài bão đi theo gánh hát cũng chính là cậu, vậy mà bây giờ người được đường đường chính chính đi theo đàn ca hát múa lại là nó, người chẳng bao giờ thiết đến hào quang từ những bộ cánh thêu kim tuyến, An làm sao có thể hiểu được tâm tình Bân đương chát đắng ra sao?

Loài người ai cũng có ích kỷ mà thôi, khi người muốn chẳng thể có nhưng người không muốn thì lại có được, một cán cân đem ước mơ và tình yêu lên để cân đo, chẳng có gì hơn ngoài sự bẽ bàng ngang trái.

Một sự bực bội, hoặc nhỏ nhẹ hơn là một sự tủi thân.

Bân cứ ngồi đó im lặng mặc cho An cứ thấp thỏm lâu lâu lại lay nhẹ mình, rồi bất giác trong cơn bàng hoàng cậu liếc ngó nó một cái, tự nhiên cậu lại nhớ tới cây đàn cò.

Phải, cây đàn cò.

Từ nhỏ, lý do cậu cho nó học đàn cò là gì?

Bân lúc này mới trầm vỡ mà nhớ lại những buổi chiều tà, một người ca một người đàn, cây đàn cò vẫn ấp ủ ước mơ cho cậu tới tận bây giờ, sao trong phút chốc cậu lại để sự ích kỷ làm quên đi chính cây đàn mà cậu đã tặng cho nó?

Không có nó, liệu cậu có ai nữa để đàn cho cậu hát từ khi cậu mới bập bẹ biết ca?

Không có nó, ai sẽ cho cậu biết cảm giác hưng phấn khi được cùng một người đồng tâm diễn lại trích tuồng mà cậu yêu thích?

Không có nó, liệu cậu có thực sự muốn vô gánh hát hay không?

Hay không có nó, ước mơ của cậu là gì?

Bân khẽ rùng mình như vừa thoát khỏi cơn mê sảng, cậu quảnh qua dòm lấy người thương đã bao đêm đầu ấp tay gối, mí mắt trực trào lũ lệ, lẽ sống của cậu đương ở đây kia mà?

Nếu không có An hậu phương gảy đàn, cậu đứng trên sân khấu một mình thì cũng có còn ý nghĩa gì nữa?

An đem ước mơ tới cho cậu, vậy mà cậu đã quên mất rồi sao?

Cậu nghĩ tới đây thì dường như đã không còn kiềm được giọt nước mắt, rồi thoáng chốc cậu lại nghĩ tới một thứ nữa, bất giác cậu ào tới ôm chầm lấy người đương kế bên.

Tình yêu của cậu ở đây mà, sao cậu lại quên mất? Người thương của cậu vẫn đương chờ cậu, một câu chấp thuận sẽ đợi từ phía cậu, một lời thề ước để người ta yên tâm mà dạn bước đường xa, mặc cho phong ba sẽ đổ lên tấm lưng tàn vậy mà người vẫn mong cậu sẽ chờ chỉ để giúp cậu thực hiện được ước mơ của chính cậu.

Có hay không cậu đã quên mất, hoặc ngay từ đầu cậu đã chẳng biết, ước mơ của An là gì?

- Bân...

- Nói... nói cho tui biết... ước mơ của mấy người là gì... đi...

Nước mắt An lúc này cũng đã chảy dài trên đôi gò má khô ráp, sự ấm áp từ người nó thương bủa vây lấy cõi lòng đương lạnh lẽo khiến nó chẳng thiết nghĩ gì thêm mà cũng quàng tay qua ôm ghì lấy Bân, tiếng thổn thức xuất phát từ nơi trái tim đau nhức, nó nói, bàn tay vẫn vuốt nhẹ lên ót cậu.

- Ước mơ của tui... chính là mấy người... dẫu sau này tui có mất tất cả... điều tui muốn thấy nhất... cũng chỉ là nụ cười của mấy người thôi...

Tiếng nấc nghẹn đã vang lên từ phía bờ vai áo nâu sòng giờ đây đã ẩm ướt nước mắt, người Bân đã run rẩy bần bật, cái vuốt tóc của An dường như không còn đủ để an ủi cậu thêm.

Tới tận bây giờ Bân mới tỏ, thì ra, ước mơ của An, chính là được nhìn thấy Bân trong bộ áo đính kim sa sáng rực dưới ánh đèn sân khấu. Vậy mà đáp trả lại tình thương lớn lao đó, trong một thoáng ích kỷ mà cậu đã chần chờ trước sự hy sinh của An. Cậu khóc là vì cậu tự trách lấy bản thân, là vì cậu nói thương nó mà cậu lại chỉ biết nghĩ cho chính mình, sao cậu có thể xứng với tình yêu của nó dành cho cậu đây chứ?

- Hứa với tui... chờ tui... chờ tui quay về rồi tụi mình cùng đi thực hiện ước mơ... đừng có thương ai... ráng chờ tui... nghen... mình?

Một tiếng "mình" thôi mà làm trái tim của Bân như vụn vỡ, cũng đúng thôi vì cậu đã tình nguyện gả cho người ta rồi mà? Xuất giá tòng phu, sao cậu lại quên đi? Cậu đã thương nó tới nhường nào, sao vẫn còn lưỡng lự chi một tiếng chờ cơ chứ?

Chỉ một tiếng "mình", đủ khiến cậu biết rằng từ đây mọi thứ cậu sẽ phó mặc cả cho An, cả tình yêu và sự chờ trông mặc cho sẽ mang tội bất hiếu, cậu vẫn sẽ ngóng đợi nó dẫu rằng con đường mai đây là không thể đoán định.

Giờ cậu mới kịp nhận ra, có lẽ là còn chưa muộn, rằng so với ước mơ, ở bên An vẫn là điều cậu không thể nào thiếu.

Tình cảm này sao có thể đem so sánh với hào quang sân khấu, từ trước tới nay An vốn dĩ chính là hào quang, một thứ ánh sáng kỳ diệu soi rọi cuộc đời Bân, toả nắng ấm áp như vòng tay vì nuối tiếc mà bấy giờ vẫn luôn ôm chặt.

Cậu sẽ chờ, chờ nó quay về đặng cùng nó se lại sợi chỉ uyên ương, còn chuyện ước mơ cao xa, Bân không còn mảy may nặng lòng thêm nữa.

Thì ra, ước mơ thật sự của cậu, vốn dĩ cũng chỉ là "mình".

- Được... tui chờ... mình...

Tết năm đó có lẽ là cái Tết bi sầu nhất từ trước tới nay, khi mùng một Tết người ta ai nấy đều xúng xính đón xuân, riêng chỉ có Bân là tiễn người cậu thương đi về nơi miệt thứ.

Một bước chân đi, không biết bao giờ mới gặp lại.

Chỉ mong lời thề ước sẽ mãi còn nguyên vẹn, rằng ai vẫn giữ mình trông đợi, rằng ai sẽ mau chóng quay về.

Bân vẫn vậy, vẫn đơn giản và vô tư như trước giờ. Người cậu thương chỉ cần nói một tiếng là cậu chờ, người ngăn cách tình yêu và lẽ sống của cậu thì cậu tin lời mà chẳng nghi ngờ hay ghét bỏ.

Chắc có lẽ trong tâm hồn trẻ con của cậu trước giờ vẫn mặc định rằng chỉ cần An còn thương còn vì cậu là cậu sẽ dễ dàng chấp thuận hết mọi điều nó nói, dầu rằng có lúc cậu sẽ ích kỷ hay không bằng lòng, dầu rằng buông tay để nó đi cậu chẳng nhắm được ngày nó về, dầu rằng bản thân cậu ở đây sắp sửa phải đối chọi một mình trước những thứ mà cậu không tài nào lường trước được.

Đơn giản cậu chỉ nghĩ tới, một tương lai thực hiện được ước mơ cùng với nó như nó đã hứa, một cuộc sống sau này mãi có nó ở bên cạnh.

Mùng một Tết, cá chép bỗng tự đập đầu chết tươi.

Ác giả... ác báo...

còn tiếp...

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenFun.Vip