Junshiho Dem Trang Ram 3

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng
Nắng chiều soi xuống vành vật nơi trần thế, mặt nước sông lấp lánh ánh vàng hệt như tấm lụa mềm được đính lên thật nhiều hạt kim tuyến. Tuấn Khuê và Sử Phàm lại tìm một nơi bóng mát rồi tựa lưng mình lên thân cây rộng lớn, lại dành cho nhau những cái khoác vai và những cái tựa đầu thật nhẹ. Họ cứ vậy mà lặng im, không ai nói với ai một lời nào. Lặng im để cảm nhận mùi của sông, mùi của hoa lá, mùi của cây cối, mùi của vệt nắng vương trên vai áo. Trái ngược với mặt sông phẳng lặng không một gợn sóng là hai cõi lòng rối bời bởi những lời vừa vô tình nghe được từ cuộc tám chuyện của của cô Nguyệt nhà hàng xóm với mẹ của Tuấn Khuê và mẹ của Sử Phàm.

"Riêng tôi là tôi thấy cái việc con trai yêu con trai nó chả ra làm sao, thế mà bọn trên thành phố chúng nó vẫn mặc kệ được mới tài chứ. Đàn ông là phải yêu phụ nữ, sau này phải kết hôn rồi sinh con đẻ cái mà nối dõi tông đường chứ hai thằng đực rựa với nhau thì làm ra trò trống gì. Mà này, hai bà cũng về xem hai thằng con trai nhà hai bà xem thế nào đi, chứ tôi thấy chúng nó cứ ôm ấp nhau là tôi ngứa mắt lắm. Cẩn thận chúng nó yêu nhau thì có mà chết dở đấy."

"Cái bà này hay thật, cứ nói nhăng nói cuội toàn cái gì không đâu."

"Này tôi nói cho cái mặt bà biết, chúng nó thân với nhau từ bé, chúng nó quý nhau nên ôm nhau thôi thì đã sao. Bà đừng có mà ăn nói luyên thuyên."

"Được rồi cứ không tin con này đi. Rồi có ngày chúng nó yêu nhau thật rồi lúc đấy mới chết nhá."

"Thôi bà đi về nhà bà đi. Cứ suốt ngày xía mũi vào chuyện của người khác rồi bịa đặt đủ điều. Bà cứ thế rồi bọn trẻ con nó cười cho."

Giọng điệu của mụ nổi tiếng chua ngoa nhất làng, đã vậy còn hay đi soi mói đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Tuy rằng nhiều khi mụ ta hay nói phét những chuyện đâu đâu, nhiều lần mấy đứa nhỏ bị đòn oan hay gia đình lục đục nội bộ đều vì mấy lời nói của mụ nhưng chỉ hi hữu có lần này là mụ nói đúng. Tuấn Khuê và Sử Phàm quả thực là có yêu nhau nhưng nỗi sợ bố mẹ bị người ta nói là đồ không biết dạy con, bị họ hàng làng xóm khinh bỉ và sợ cả việc bản thân bị nói là bất hiếu, không biết nghĩ cho bố mẹ. Bởi vậy nên Sử Phàm chưa dám trở thành người yêu của Tuấn Khuê và Tuấn Khuê cũng chưa dám thưa chuyện với bố mẹ hai bên gia đình.

Đời người ai cũng có quyền được yêu nhưng cớ sao tình yêu giữa hai người cùng giới lại bị xã hội hắt hủi đến vậy.

"Tuấn Khuê, Sử Phàm, sao trời nắng chang chang thế này mà hai đứa không ở nhà ngủ lại còn ra đây làm cái gì đấy?"

Cả hai giật mình thon thót khi bất ngờ bị gọi tên. Cụ Tứ chẳng biết từ khi nào đã chống gậy đứng ngay sau lưng họ.

"Con... con chào cụ Tứ. Bọn con ra đây chơi thôi ạ?" Tuấn Khuê lắp bắp chào hỏi cụ.

"Bọn trẻ con trốn bố mẹ ra đường chơi thì tôi còn nghe được chứ hai cậu thanh niên lớn tướng thế này rồi thì chơi bời gì nữa. Thế mới bị bố mẹ mắng hay lại làm sao?"

"Đâu ạ, bọn con ngồi nói chuyện với nhau thôi mà." Sử Phàm trả lời, mắt vẫn cúi gằm xuống đất, né tránh sự dò xét của cụ Tứ.

"Mặt mũi lại ỉu xìu như bánh đa ngâm nước thế kia mà vẫn còn chối được. Có chuyện gì thì kể đi xem nào?"

"Bọn con chỉ ngồi nói chuyện bình thường thôi, không có gì đâu ạ."

"Này, tôi đẻ ra trước các cậu gần cả đời người rồi. Chẳng nhẽ bao nhiêu tâm tư của lớp trẻ các cậu tôi lại nhìn không ra."

"Thôi ạ. Nói ra chuyện này xong bọn con sợ..."

"Sợ làm sao. Thanh niên trai tráng từng ấy tuổi đầu rồi thì còn sợ cái gì nữa?"

"Chuyện này có hơi... hơi khó nói ạ."

"Cứ việc nói ra, không phải sợ. Các cậu xem, tôi từ trước đến giờ giải quyết bao nhiêu chuyện lớn nhỏ trong làng, thậm chí ngày xưa tôi còn chẳng màng gian khổ mà xung phong ra chiến trường. Chút vấn đề nho nhỏ của hai cậu chẳng là cái đinh gì cả."

Trước giờ cụ Tứ vẫn luôn là người đáng tin cậy, bất kể là người già hay trẻ nhỏ đều khẳng định điều đó. Tất nhiên những người tin tưởng cụ bao gồm cả Tuấn Khuê và Sử Phàm. Người ta vẫn thường hay bảo với nhau rằng hẳn là kiếp trước cụ Tứ đã từng giữ chức quan án xử kiện nên bất kể việc gì, chuyện từ đầu làng đến cuối xóm nếu cần sự giúp đỡ là cụ sẽ xét xử sao cho hợp tình hợp lý nhất có thể.

"Vậy cụ Tứ cho con hỏi, cụ nghĩ sao về tình yêu giữa hai người con trai với nhau ạ?" Tuấn Khuê sau một hồi đắn đo cũng quyết định đặt hết niềm tin vào cụ, và một khi linh cảm mách bảo thì khả năng cao sẽ không bao giờ sai.

Cụ Tứ nghe xong câu hỏi có chút bất ngờ, rồi khi quan sát nét mặt của cả Tuấn Khuê lẫn Sử Phàm, hình như cụ đã mơ hồ đoán ra được điều gì đó.

"Thấy bình thường, chẳng việc gì sất. Tất cả chúng ta đều là con người, mà đã là con người thì ai cũng có quyền được mưu cầu hạnh phúc. Một khi tình yêu đã tìm được hai đối tượng để kết nối họ lại với nhau thì thứ nó để tâm không phải tuổi tác, cũng chẳng phải giới tính mà là mối lương duyên. Biết nhà thơ Xuân Diệu chứ?

"Dạ biết ạ." Cả hai đồng thanh nói

"Ông ấy là nhà thơ đồng tính đầu tiên được ghi nhận trong nền thơ ca Việt Nam. Ngoài nổi tiếng về tài làm thơ thì ông ấy còn nổi tiếng với những mối tình trai. Ban đầu người ta có bàn tán, có người dè bỉu, có người bênh vực nhưng rồi sau này chẳng còn ai nói gì nữa. Bởi họ nhận ra rằng sau khi chiến tranh đã hoàn toàn kết thúc, ngoài mong đất nước phát triển giàu mạnh, đời sống nhân dân no đủ thì người ta còn khát khao về một tình yêu đẹp nữa. Thời đi lính, anh em chúng tôi hầu hết đều thầm thương trộm nhớ một người mà không dám nói bởi vì biết đâu lỡ có tử trận thì người đau lòng nhất là người ở lại. Mà đợi đến khi đất nước hoà bình rồi thì lại không thể tìm được người nữa, họ đã di cư tránh bom đạn hết rồi, cứ vậy mà vĩnh viễn lạc mất nhau."

Trông theo ánh nhìn xa xăm, vô định của cụ Tứ, Sử Phàm và Tuấn Khuê chẳng biết nên nói gì thêm vì hẳn là trong lòng cụ đang trĩu nặng biết bao tâm tình. Thực ra chuyện bỏ lỡ người mình thương không phải là chuyện của cụ Tứ mà là của những người đồng đội, anh em tri kỉ đã từng cùng cụ đi chinh chiến trên khắp các mặt trận từ Nam ra Bắc, và bởi các cụ hiểu nhau như hiểu chính bản thân mình nên tất thảy nỗi nhớ tiếc tiếc của đồng đội, cụ đều thấu được hết.

"Mà... tôi khuyên hai cậu một câu chân thành thế này thôi. Nếu thật sự đem lòng yêu thương nhau, bất kể giang sơn đổi thay thì tình cảm vẫn vẹn nguyên như thuở ban đầu, thật sự cảm thấy bản thân mình mong muốn được cùng người kia yêu đương hay thậm chí là chung sống với nhau thì tốt hơn hết là nên thẳng thắn mà bày tỏ. Bây giờ các cậu còn trẻ, còn được tự do, thoải mái mà yêu nhau chứ một mai đây khi đã qua tuổi ba mươi rồi, cưới vợ khó mà tìm cách ổn định cuộc sống cũng khó. Tuổi trẻ chẳng mấy mà trôi qua, một đi sẽ không bao giờ ngoảnh đầu nhìn lại nên đừng tiếc, đừng sợ bất cứ điều gì cả. Hãy yêu khi còn có thể, đừng để sau này bỏ lỡ nhau để rồi tiếc cả một đời. Nhớ chưa?"

"Nhưng cụ Tứ... bọn con có yêu nhau đâu ạ."

"Thôi, chẳng cần phải giấu. Tôi lại chả đọc các cậu như một cuốn sách."

"Khi nãy tụi con có nghe cô Nguyệt nói chuyện với mẹ tụi con, cô ấy bảo con trai mà yêu con trai chả ra làm sao hết vì đàn ông phải yêu phụ nữ."

"Ôi dào ơi, cái mụ Nguyệt đấy có bao giờ ăn nói tử tế được câu nào đâu. Già đầu rồi nhưng tính tình chua ngoa, hay đi hớt chuyện nhà người khác, trẻ con nó còn khinh cho nữa là. Cứ kệ mụ ấy, đến tôi đáng tuổi ông mụ ta mà tôi còn chẳng sống cổ hủ như thế. Hai cậu cứ về nhà suy nghĩ cho kĩ rồi thưa chuyện với bố mẹ đi. Tốt nhất vẫn là tự mình nói còn hơn là để bố mẹ hai cậu biết chuyện từ người ngoài."

"Vâng ạ, tụi con cảm ơn cụ." Sử Phàm và Tuấn Khuê lễ phép cúi người.

"Mà sao trưa nắng thế này mà cụ không ở nhà nghỉ ngơi ạ?"

"Tôi ra đây câu mấy con cá để tối về nấu. Chiều nay tôi ra đình làng để họp ngày mai tổ chức trung thu cho bọn trẻ con rồi. Các chú ấy bảo tôi tuổi già rồi thì thôi ở nhà nghỉ ngơi cho khỏe nhưng một ngày không đi đó đi đây là người tôi nó bứt rứt lắm. Tôi cứ đi xem xét tình hình ra làm sao rồi tổ chức cho chúng nó cái tết trung thu trọn vẹn nhất, giữ gìn những truyền thống tốt đẹp của cha ông ta để lại. Chúng nó chẳng mấy nữa mà lớn, cũng lên thành phố học hành rồi lập nghiệp như hai cậu, tôi cũng chẳng mấy mà xuống lỗ. Trời cho sống ngày nào thì tận hưởng ngày đấy."

Đến bây giờ thì Tuấn Khuê và Sử Phàm càng thấu được lí do tại vì sao mà đám trẻ trong làng lại yêu quý cụ đến thế. Những người lần đầu nghe tuổi của cụ cũng trố mắt trầm trồ vì cụ đã ngoài chín mươi mà vẫn còn khoẻ mạnh. Chiếc lưng gánh vác bao tiêu điều khốn quẫn từ thuở còn thơ nay đã còng đi đôi phần, chiếc gậy sờn cũ in dấu mốc của thời gian đã trở thành người bạn tri kỷ còn lại duy nhất của cụ. Hàng ngày cụ vẫn giữ thói quan dậy sớm tập thể dục, mọi việc cụ làm đều nhanh nhẹn, dứt khoát, tươm tất đúng chuẩn hình tượng người lính cụ Hồ. Trên tường nhà cụ treo biết bao nhiêu là huân chương kháng chiến - thứ mà dám trẻ luôn nhắc đến đầu tiên mỗi khi có ai đó hỏi về cụ. Bởi hiện tại con cháu của cụ đều đã có gia đình và cuộc sống riêng nên cụ không muốn làm phiền tới họ, cụ chỉ muốn sống một mình thế này thôi, có mấy đứa bé trong làng ngày nào cũng sang chơi với cụ cho vui nhà vui cửa. Ngay cả những lần gửi tiền về cụ đều từ chối không nhận vì tiền lương hưu đã đủ để cụ sống qua một tháng. Con cháu của cụ chỉ có mấy dịp lễ mới tranh thủ về một lần, quây quần thành đàn, đông vui, nhộn nhịp.

Hình ảnh đẹp nhất chốn làng quê này mà Tuấn Khuê và Sử Phàm từng chứng kiến ấy là vào một buổi chiều của những ngày đầu năm mới, cụ Tứ từ bệnh viện trở về nhà với đàn con cháu tay xách nách mang ít quần áo, đồ ăn thức uống và thuốc thang của cụ. Đám trẻ trông thấy cụ ở đầu làng đã chạy ùa ra mừng, chúng nó quây thành một vòng tròn, ôm cụ chặt cứng. Nắng xuân vương trên vai áo khiến cụ Tứ như một vị đại hiệp toả ra ánh hào quang khi bước ra từ chiến trường đổ nát. Và thực tế đối với chúng nó, cụ Tứ chính là một vị anh hùng đời thực, cụ vừa là người có công với cách mạng, vừa là người mà chúng nó vô cùng kính mến. Cụ Tứ cho chúng nó vài cái bánh, dăm cái kẹo mỗi lần thắp hương xong, cho chúng nó nghe rất nhiều về những năm tháng chiến tranh, cho chúng nó sự yêu thương và cảm giác được bảo vệ, che chở. Và chúng nó đối xử với cụ chẳng khác nào người thân trong gia đình.

Lần này thì cả Tuấn Khuê và Sử Phàm đều biết rằng bản thân không phải là người duy nhất trong làng mất ngủ vào một đêm trăng thanh gió mát, cái thời tiết biết cách chiều lòng người mà đáng lí ra họ sẽ đắm chìm vào cõi mộng mơ từ đời tám hoánh rồi. Nghĩ về đoạn tình cảm trắc trở bởi vấp phải những định kiến lạc hậu, nghĩ về cuộc trò chuyện của bà cô Nguyệt và hai người mẹ, rồi cuối cùng nghĩ về lời của cụ Tứ. Trình tự đó cứ lặp đi lặp lại như một vòng tuần hoàn không hồi kết trong suốt nhiều tiếng đồng hồ liên tục.

Cả hai đều rõ rằng mình chẳng còn là những đứa trẻ mới lớn tập tành làm quen với cuộc sống của người lớn, chẳng còn mang theo những dại khờ, ngây ngô khi mới chạm đến tình yêu và cũng chẳng còn những non nớt trong suy nghĩ. Chuyện tình cảm vốn dĩ chẳng cần phải suy nghĩ quá nhiều đến mệt não như vậy nhưng đây là giữa hai người đồng giới, mà đã là đồng giới thì xã hội này làm sao có thể dễ dàng chấp nhận khi đại đa số con người thời ấy vẫn sống trong sự cổ hủ của thế hệ trước.

Sử Phàm cốt vẫn là sợ sự dị nghị của chính người nhà mình và cả xã hội này nên mới phải từ chối Tuấn Khuê để bản thân có thêm thời gian suy nghĩ. Nói đúng ra thì đây chẳng phải lần đầu tiên Sử Phàm suy xét đến chuyện này nhưng khi ấy Tuấn Khuê chưa tỏ tình với em, còn bây giờ những điều mà em nghĩ nó sẽ chỉ xảy ra trong tưởng tượng của mình đều đã và sắp trở thành sự thật. Sử Phàm hiểu nếu em quay đầu bỏ chốn khỏi tình yêu sẽ chỉ gieo thêm đau khổ vào hai trái tim vốn đã chịu nhiều tổn thương, em hiểu cả việc chốn tránh nỗi sợ hãi của bản thân cũng không phải cách giải quyết thoả đáng. Và hơn hết, em không muốn bị gắn lên mình một chữ "hèn" bởi dù sao cũng là đấng nam nhi, cả gia đình em gánh vác được chứ chẳng cần nói đến chút chuyện còn còn của bản thân. Chi bằng thẳng thắn nói ra một lần còn hơn cả đời phải sống chui rúc trong vỏ bọc mạnh mẽ quá đỗi hào nhoáng mà mình tạo ra để đối phó với xã hội.

Tuấn Khuê sau khi thành công khiến Sử Phàm thừa nhận em cũng yêu mình thì tâm tình phấn khởi hơn hẳn mấy đêm vừa qua, chỉ còn duy nhất một nỗi sợ vẫn luôn canh cánh trong lòng anh, ấy là sợ vấp phải sự cấm cản của hai bên gia đình. Nhưng dù sao cũng đem toàn bộ sự can đảm theo lời tỏ bày của mình với Sử Phàm, Tuấn Khuê có muốn cũng chẳng thể quay đầu tìm đường chạy thoát khỏi nỗi sợ ấy nữa. Thà rằng đối đầu trực tiếp với nó còn hơn phải sống trong hối tiếc đến hết phần đời còn lại.














Ngay từ sáng sớm, đám trẻ trong làng đã phấn khích hết cả lên, chúng nó mong trời mau mau tối để được ra đình làng xem múa lân, được đi phá cỗ, được phát cho những túi bánh kẹo với muôn màu muôn sắc. Chẳng mấy khi chúng nó thích được đến trường như vậy, hôm nay các trường đều tổ chức trung thu cho học sinh nên chúng nó đều vô cùng náo nức đến trường, chẳng cần bố mẹ phải hò hét đủ thứ kiểu như thường ngày.

Cả ngôi làng như phủ lên tấm vài lụa mềm mang một gam màu trầm ấm đầy hoài cổ của thủ đô Hà Nội. Mùa thu - mùa lá rụng. Chỉ cần một cơn gió thoảng qua cũng khiến nơi làng quê mộc mạc, đơn sơ trở thành một bức tranh phong cảnh đẹp đến nao lòng bởi những chiếc lá đua nhau trút xuống, không nặng nề như những những hạt mưa mà bồng bềnh, nhẹ nhàng như những chiếc lông vũ. Những tấm thảm trải dài trên vỉa hè không được may lên từ vải mà được dệt lên từ lá, bỗng thấy nơi đây thật thơ mộng và dịu dàng biết bao. Nắng vàng vương trên cành cây khô, vương trên những nhành lúa chín, vương trên mái tóc người thương, vương trên những chiếc xe chở hoa, chở theo cả mùa thu của Hà Nội.

Còn đây tấm chân tình đằm thắm, ta trót trao nhau vào một chiều thu đầy nắng. Lá vàng đậu trên vai, mảnh tình đậu trong tim.

Lớp trẻ trong làng vẫn thường truyền tai nhau rằng nếu một cặp đôi cùng nhau đi xem múa lân, sau đó cùng nhau ngắm trăng tròn đêm hôm rằm thì cặp đôi đó sẽ có một kết quả viên mãn, trọn vẹn như vầng trăng sáng kia. Nhưng ấy là những cặp đôi nam nữ bình thường khác còn với hai người đồng giới thì Tuấn Khuê không chắc và cũng không biết rồi mối tình sẽ đi đâu về đâu, dẫu sao anh vẫn muốn thử một lần cho biết bởi cũng chẳng mất thứ gì cả. Thực ra Tuấn Khuê không tin vào những lời đồn ấy cho lắm nhưng tới khi tận mắt nhìn thấy những cặp đôi đã từng thử và thành công, Tuấn Khuê lại hết mực năn nỉ Sử Phàm cùng mình đi chơi trung thu tối nay. Sau lần tỏ tình thất bại, giữa cả hai tồn tại một khoảng cách, nó không đủ lớn để khiến họ phải xa cách nhưng đôi khi khó xử là điều chẳng thể tránh khỏi. Vậy nên khi Sử Phàm đã phải đắn đo một hồi lâu, cuối cùng vẫn là phải chào thua trước độ kiên trì thuyết phục của Tuấn Khuê nên đành gật đầu đồng ý.

Mới hơn bảy giờ tối mà đình làng đã đông như là hội, chủ yếu là đám trẻ con, mấy cô cậu thanh thiếu niên vẫn tuổi ham vui và các phụ huynh đi theo để trông con. Trông theo từng ánh mắt mong đợi, từng nét mặt phấn khích khi chờ đợi những tiết mục văn nghệ mà đặc biệt hơn cả là được nhìn thấy chị Hằng Nga cùng chú Cuội và đội múa lân. Tuấn Khuê và Sử Phàm thấy sao mà hoài niệm quá, ngày xưa họ cũng từng háo hức như vậy, hồn nhiên như vậy. Thời gian quả thực là tàn khốc bởi khi nó qua đi rồi thì sẽ chẳng nán lại đợi chờ bất kì ai phía sau cả, đến khi ta ngoảnh đầu nhìn về quá khứ mới phải ngạc nhiên mà thốt lên rằng "thời gian trôi nhanh quá". Mới ngày nào còn hí hửng khoe nhau từng cái bánh, cái kẹo trong túi quà, cho nhau xem những chiếc lồng đèn hay những chiếc mặt nạ được bố mẹ sắm cho dù biết khi trung thu đã qua rồi thì những thứ đồ chơi ấy chẳng còn nguyên vẹn được nữa.

Tuy Tuấn Khuê không phải kiểu người thích giao tiếp xã hội, không có cho mình quá nhiều mối quen biết nhưng tiếng lành đồn xa thành ra gần như cả làng đều biết đến anh. Có vài người gặp Tuấn Khuê liền đi tới chào hỏi và lần nào anh cũng ngớ người mất vài giây vì những người này anh chưa từng gặp lần nào nhưng với bản tính thân thiện,anh vẫn lịch sự đáp lời họ bằng tất cả vốn kiến thức giao tiếp xã hội sau một năm học xa nhà mà anh tích lũy được. Tới khi không còn ai hỏi thăm xã giao nữa cũng là lúc chương trình văn nghệ đêm trung thu bắt đầu.

"Năm sau về quê em cũng sẽ được mọi người hỏi thăm vậy đấy, chuẩn bị tinh thần từ bây giờ đi là vừa."

Sử Phàm nghe xong cũng chỉ biết cười bởi đúng thật là bản thân em cần phải giao tiếp với mọi người nhiều hơn, nhất là khi mà chỉ còn vài ngày nữa thôi em sẽ chính thức bước chân vào môi trường đại học và cũng là lần đầu tiên em xa nhà.

Trong làng vẫn còn nhiều chú bác vẫn còn khá trẻ tuổi, chưa kết hôn hoặc đã có gia đình nhưng vì muốn giữ gìn những kỉ niệm quý giá của tuổi thơ cho con cháu nên tự lập một đội múa lân với nhau. Ngoài những đầu lân với giá thành lên đến vài triệu ở ngoài cửa hàng ra đi họ còn tự tay làm những chiếc đầu lân với đủ kiểu dáng, đủ sắc màu. Người ta vẫn thường hay nói rằng cánh mày râu thường không khéo tay nên việc vẽ vời không phải sở trường của họ nhưng với các chú bác trong đội múa lân của làng thì chẳng có gì là không thể. Từ công đoạn chẻ cây nứa thành những lát dài và mỏng vừa đủ, đến tạo khung, rồi lót giấy, thậm chí là cả vẽ màu và gắn thêm đèn trang trí. Dẫu biết những chiếc đầu lân đó đến cuối đêm rằm sẽ bị đốt đi như một cách đưa tiễn những sự xui xẻo bay đi mất nhưng các chú các bác vẫn chẳng màng thời gian, công sức để tạo niềm vui cho con cháu. Và đám trẻ trong làng luôn lấy đó làm tự hào để đi khoe với bạn bè trong trường lớp.

Còn nhớ những ngày thuở bé, chiều chiều đi học về đã vội làm bài tập, ăn cơm sớm để tối xin phép bố mẹ cho đi xem múa lân với chúng bạn. Chỉ cần nghe tiếng trống cùng thứ âm thanh vang xa do đôi chũm choẹ tạo nên mới văng vẳng quanh đây là đám trẻ chạy oà ra, kéo nhau đi tìm đội múa lân. Cả một đoàn người, từ những đứa chỉ mới vài tháng tuổi đến những vị phu huynh đã ngót nghét 40 tuổi cứ vậy mà nối đuôi nhau thành một hàng dài đi theo đội qua khắp các nẻo đường, từ làng này sang làng khác mà chẳng biết mỏi là gì. Ai cũng từng một thời háo hức như thế, hồn nhiên như thế, Tuấn Khuê và Sử Phàm cũng đã từng như thế và dường như họ vẫn có chung thứ xúc cảm với đám trẻ trong làng, chỉ có điều hiện tại cả hai đều đã trở thành những người trưởng thành.

Cũng thời điểm này năm ngoái, Tuấn Khuê vẫn còn là chàng sinh viên năm nhất còn chân ướt chân ráo lên thành phố để thích nghi với cuộc sống sinh viên xa nhà. Mùa trung thu đó, Tuấn Khuê tuy vướng bận hàng tá bài tập trên lớp nhưng vẫn cố hoàn thiện thật nhanh để đi chơi cùng hai cậu bạn chung phòng trọ. Đúng thật là không khí nơi thành thị nhộn nhịp hơn, đường xá đông người qua lại hơn nhưng Tuấn Khuê vẫn cảm nhận thấy nơi đây đúng thật chẳng vui bằng quê mình. Bởi lẽ nhịp sống của con người nơi đây sao mà vội vã quá, anh thích được thong thả dạo chơi khắp làng trên xóm dưới hơn là phải tranh thủ khoảng thời gian rảnh rỗi vô cùng hiếm hoi để lên phố hít vội chút không khí trung thu cho đỡ nhớ tuổi thơ. Mà nói đúng hơn, Tuấn Khuê yêu cái cảm giác được nắm chặt lấy bàn tay nhỏ của Sử Phàm rồi dắt em đi chơi từ khi trời vừa chập tối đến tận khi đội múa lân kết thúc hành trình của mình, yêu cả những khắc anh tìm một chỗ đứng gần những người đang hết vì nghệ thuật lại vừa đảm bảo khoảng cách an toàn giữa em và những chiếc côn lửa. Hay nói theo một cách dễ hiểu rằng những kỉ niệm giữa anh và em, Tuấn Khuê đều yêu hết tất thảy.

Những chiếc côn thắp lên đốm lửa hồng soi sáng cả đình làng, thu hút bao ánh nhìn si mê, gói ghém cả những hồn nhiên của tuổi ấu thơ. Những đốm lửa nhen nhóm bao khát khao, bao hi vọng và hoài bão trong tâm hồn đám trẻ. Tuấn Khuê và Sử Phàm đều cảm nhận thấy rằng dường như những đốm lửa hồng đang không ngừng quay vòng trên không trung kia đã thắp lên cả những tia hi vọng về một kết quả viên mãn cho tấm chân tình mà mình trót trao.

Khi mà đám trẻ phải nói lời tạm biệt tới chị Hằng và chú Cuội cũng là khi mà những buổi tối rong chơi trên khắp các con đường làng đến những nơi ngõ nhỏ kết thúc và tất cả lại quay về nhịp sống bình thường. Sự tiếc nuối đều hoạ rõ trong ánh mắt và cả những nét biểu tình trên gương mặt đám trẻ, thậm chí có những đứa quyết ngồi lỳ ở đó không muốn về nhưng rồi cũng bị vài lời doạ dẫm về ma quỷ mà vội chạy đi mất.

Tuấn Khuê vì muốn níu giữ những nét thu cuối cùng nơi làng mạc thanh bình nên anh ngỏ lời muốn cùng Sử Phàm đi ngắm trăng trên ngọn đồi ngay gần những ruộng đồng rộng bao la mùa lúa chín. Anh thành thục khoác lấy bờ vai gầy, để mái đầu nhỏ dựa vào mình, khẽ tựa lên đỉnh đầu thoang thoảng hương hoa nhài của người nhỏ hơn. Vầng trăng soi sáng cả nhân gian, đổ lên bóng hình hai cậu thanh niên trẻ, đính lên tròng mắt họ những vì sao đêm lấp lánh. Nhưng đối với Tuấn Khuê, Sử Phàm mới chính là vì tinh tú vô giá, rực rỡ nhất để anh trân quý, ngắm nhìn cả đời.

"Vậy là chúng ta đều đã trở thành người lớn hết rồi nhỉ? Có nhiều điều khiến anh cảm thấy nuối tiếc nhưng một khi thời gian đã nói lời tạm biệt rồi thì chúng ta chẳng còn cách nào níu giữ được. Hiện tại có một điều mà không bao giờ muốn bản thân sẽ hối hận mỗi khi nghĩ về, ấy là mong muốn có được em."

Sử Phàm thấy cõi lòng mình thổn thức, trái tim khẽ rung lên vài nhịp. Dù đây chẳng phải lần đầu lắng nghe tâm tình của Tuấn Khuê nhưng trong khung cảnh này, những lời nói ấy lại lãng mạn hơn bao giờ hết. Cả không gian và cảnh vật dường như đều đang thuận theo họ mà vẽ nên bức tranh đẹp đến nao lòng. Tuấn Khuê đổi sang tư thế ngồi đối diện với Sử Phàm lại một lần nữa nắm lấy đôi bàn tay nhỏ, nhìn sâu vào con ngươi đen nháy hệt như cái lần anh tỏ tình em vào buổi chiều của hai ngày trước đó.

"Anh để đêm rằm nói hộ lòng mình, anh mong tình mình trọn vẹn và đủ đầy như vầng trăng tròn sáng tỏ trên trời cao. Và em ơi, sao mình không gạt bỏ đi hết những định kiến ngoài kia, tình cảm đâu phải là thứ lệ thuộc vào những người chẳng hề có một chút liên quan. Anh yêu em không ngôn từ nào có thể tả xiết được, anh chỉ muốn ta được đường đường chính chính ở bên nhau như bao cặp tình nhân khác, được gọi nhau hai tiếng "mình ơi", có đàn con thơ quây quần khi về già."

"Anh ơi, em sợ phụ lòng bố mẹ. Chuyện hai đứa con trai yêu nhau vẫn còn là thứ gì đó quá khó để xã hội chấp thuận. Em đâu thể mong cầu chi nhiều."

"Anh ước gì ta cứ mãi bình yên bên nhau như lúc này. Không còn thứ định kiến cổ hủ nào làm hại được chúng ta, không còn ai coi chúng ta như những kẻ bệnh hoạn cần được khai trừ, không còn ai dành cho chúng ta những lời lẽ mang đầy tính miệt thị. Thực ra anh cũng có chung một nỗi sợ như em, đó là sợ bị bố mẹ cấm cản, bị họ hàng ruồng bỏ, bị mọi người xung quanh buông lời dèm pha. Nhưng tiểu Phàm, anh nghĩ chạy chốn khỏi nỗi sợ của bản thân không phải là cách tốt nhất."

"Mọi chuyện không dễ dàng vậy đâu anh à. Xã hội này thật sự đáng sợ lắm, họ cứ mãi sống trong những định kiến cổ hủ, họ sẵn sàng nói ra tất cả những câu từ khó nghe nhất và thậm chí tới khi con người ta chẳng còn trên trần gian nữa, họ vẫn không hề buông tha. Nhưng đó chưa phải tất cả, điều khiến em sợ nhất vẫn là bố mẹ em sẽ ra sao nếu biết chuyện giữa chúng ta tồn tại thứ tình cảm này."

"Anh đã từng nói rằng chỉ cần tin tưởng vào bản thân và tin tưởng và tình cảm của chúng ta, chỉ cần tình yêu ấy đủ lớn và đủ niềm tin thì mọi khó khăn chúng ta đều có thể cùng nhau bước tiếp. Gần đây anh đã có cho mình một niềm tin mới, đó là tin rằng dù có ra sao đi nữa thì bố mẹ chắc chắn sẽ hiểu cho chúng ta, chỉ cần hai đứa mình cố gắng sống tốt để chứng minh cho họ thấy rằng chúng ta chẳng thua kém bất kì cặp đôi nào khác ở ngoài kia. Anh chắc chắn không sớm thì muộn, bố mẹ sẽ thấu cảm và chấp nhận thôi. Tiểu Phàm, em yêu anh đúng chứ?"

"Phải, em thực sự rất yêu anh."

Sử Phàm ngay lập tức khẳng định chắc nịch khiến những niềm tin trong Tuấn Khuê như được củng cố thêm nhiều phần vững trãi, cảm tưởng như bao nỗi sợ kia sắp bay biến theo ngọn gió giữa đêm thu.

"Em có tin anh không?"

"Em tin anh, thậm chí còn hơn cả tin bản thân mình."

"Em có tin tình cảm mà đôi mình trao nhau không?"

"Em tin, bất kể có trải qua bao nốt nhạc thăng trầm trong bản nhạc viết về cuộc sống, em vẫn chắc chắn người em muốn cùng chung sống đến mãi về sau này chỉ có duy nhất mình anh mà thôi."

"Vậy theo anh, sáng mai mình cùng thưa chuyện với bố mẹ. Chúng ta sẽ cùng đối đầu với nỗi sợ lớn nhất, chứng minh cho họ thấy rằng tình yêu đồng giới chẳng phải thứ bệnh ghê tởm, rằng chúng ta cũng có quyền được yêu, rằng chúng ta sẽ vẫn sống tốt trong xã hội đầy rẫy những bất công. Có được không em?"

Bao nhiêu câu Tuấn Khuê hỏi Sử Phàm cũng là bây nhiêu lần em tự hỏi ngược lại chính mình. Tình yêu sâu đậm, ánh mắt chân thành, niềm tin vững chắc là điều mà Sử Phàm cảm nhận được rõ nhất ở Tuấn Khuê lúc này. Lớp vỏ kiên cố mà em dày công xây dựng lên nhằm che giấu nỗi sợ dường như đang dần được phá vỡ. Trong những bước đường khôn lớn, thành công của Tuấn Khuê đều in dấu chân của Sử Phàm và ngược lại, vậy nên chẳng lấy làm bất ngờ khi mà Sử Phàm tin tưởng Tuấn Khuê hơn bất kì ai trên đời mà bao gồm cả chính bản thân mình. Lời nói ấy như một thứ ma lực không tên khiến em cứ vậy mà bị cuốn vào, trong phút chốc đã buông bỏ, gạt phăng những nỗi sợ sang một bên rồi khoác lên mình tấm áo giáp tâm lý vững vàng, cứng rắn nhất có thể. Những khi trước vì sợ tình yêu kịp chớm nở mà đã vội bị dập tắt nên Sử Phàm đắn đo suy nghĩ mãi, em chẳng dám mạo hiểm quá nhiều vì một việc chưa xác định rõ ràng tỉ lệ thành công của nó nhưng chính lời nói hết mực chân thành, kiên định của Tuấn Khuê khiến em nhận ra rằng mình không thể đánh mất tình yêu này chỉ vì không dám đương đầu với nỗi sợ.

Câu hỏi muôn thuở "bên tình, bên nghĩa, bên nào nặng hơn?" đã gây ra ít nhiều những cuộc đấu tranh tâm lý vô cùng căng thẳng và kéo dài suốt bao nhiêu tháng ngày. Cả Tuấn Khuê và Sử Phàm đều đã trưởng thành, đều đã nhận thức được rằng mình cần phải khiến cho bố mẹ tự hào, nở mày nở mặt với họ hàng, làng xóm. Nhưng nếu ngay cả đến nỗi sợ của bản thân mà còn quay đầu bỏ chạy thì e rằng những việc lớn lao hơn nữa đều chẳng thể làm được bởi cứ hễ nghĩ tới hai chữ "thất bại" lại dè chừng, lùi bước. Không thể lúc nào cũng sống mãi trong vùng an toàn mà mình tự vạch ra.

Tuấn Khuê biết Sử Phàm đang cần thêm thời gian để suy nghĩ nên anh chẳng dám thúc giục. Thưa chuyện với bố mẹ hai bên gia đình là điều mà cả hai sẽ phải cùng nhau thực hiện, không sớm thì muộn. Ải phụ huynh luôn là cửa ải khó nhằn nhất, bất kể là chuyện nhỏ như việc xin đi chơi hay chuyện đại sự như thẳng thắn công khai với bố mẹ rằng mình là người đồng tính. Tâm lý của Tuấn Khuê có phần vững vàng hơn Sử Phàm nên anh luôn biết cách đợi chờ đến khi em đủ bản lĩnh để làm việc mình cần làm, và chính điều ấy lại càng khiến em tin tưởng vào anh hơn ai hết. Lại thêm một cuộc đấu tranh tâm lý gay gắt xảy ra trong đầu, Sử Phàm suy xét một hồi, cuối cùng xâu chuỗi lại mọi thứ mới dám gật đầu đồng ý. Giờ đây khi Sử Phàm đã sẵn sàng cùng anh về thưa chuyện với đấng sinh thành thì anh chẳng còn gì để sợ nữa, bất chấp mọi thứ có ra sao thì anh vẫn nguyện chiến đấu đến cùng để chứng minh thứ tình cảm này chẳng có gì đáng để bị xã hội ghê tởm cả.

Đêm nay lại là một đêm mất ngủ với cả Tuấn Khuê và Sử Phàm. Dẫu có soạn ra cả trăm cách nói hay dám đương đầu đủ thứ kết quả có thể xảy ra, cả hai vẫn chẳng thể nào không run rẩy khi trời thì ngày một sáng dần và thời gian cũng ngày một trôi đi, điều đó đồng nghĩa với việc cả hai chẳng còn quá nhiều thời gian để gói ghém lại tất thảy nỗi sợ của mình để rồi quẳng xuống một cái hố thật sâu. Lại là hai giờ sáng, khoảng thời điểm mà mí mắt đã gồng gánh đến mỏi nhừ, nặng trĩu thì đôi tình nhân trẻ mới quyết định buông xuôi tất cả mà chìm vào giấc mộng dài.











Bỗng nhiên hôm nay bố mẹ Sử Phàm lại nổi hứng mời cả gia đình Tuấn Khuê sang ăn cơm, cậu vàng dường như hiểu ý, sủa lên vài tiếng đòi đi theo. Vậy là chẳng mấy chốc mà nhà Sử Phàm rộn vang tiếng nói cười khác hẳn mọi khi, cậu vàng. Đến khi ăn uống đã xong xuôi, Tuấn Khuê ghé vào tai Sử Phàm hỏi nhỏ một câu để xem em đã thực sự sẵn sàng chưa. Nếu nói không sợ thì chắc chắn là nói dối bởi đôi bàn tay nhỏ đang run lên từng đợt, nhưng chuyện gì đến cũng phải đến, em chẳng thể tránh né được mãi. Khẽ xoa lưng em như một lời trấn an, anh hít vào một hơi thật sâu để tự điều chỉnh lại bản thân, cố gắng bình tĩnh nhất có thể trước khi giông bão kéo đến.

"Sẵn tiện hai bên gia đình có mặt gần như đông đủ ở đây rồi thì bọn con có lời muốn nói."

Tuấn Khuê và Sử Phàm đột nhiên quỳ xuống trước sự bất ngờ của cả nhà.

"Bọn con xin lỗi nhưng mà bọn con yêu nhau, không phải đơn thuần là tình cảm giữa hai người anh em thân thiết mà là tình cảm lứa đôi. Bọn con biết chuyện này sẽ khiến cả nhà bất ngờ và chẳng thể chấp nhận được nhưng bọn con cũng không thể giấu diếm được mãi, thà rằng nói ra hết còn hơn phải hối hận suốt đời. Bọn con muốn tự mình nói ra chứ không để bố mẹ và cô chú nghe được từ một người nào khác."

Vừa kết thúc lời nói, một tiếng "chát" đầy oan trái xé nát cả tâm can, vang vọng khắp căn nhà. Nhưng chẳng hiểu sao Tuấn Khuê lại không thấy đau, có lẽ cái suy nghĩ "đây là điều mà mình phải chịu" đã cắt đứt dây thần kinh cảm giác của anh. Sử Phàm nghe thấy tiếng con tim mình như bị ai lấy dao rạch một đường thật sâu, đau đớn đến không nói lên lời nhưng chẳng thể làm được gì.

"Mày vừa nói gì cơ, mày yêu thằng Sử Phàm á? Mày có thực sự tỉnh táo không đấy hả Tuấn Khuê?"

"Con hoàn toàn tỉnh táo và con biết con đang làm gì thưa bố."

"Ăn nói hàm hồ. Mày đúng là cái thằng mất dạy. Mày nhìn lại mày xem, trước giờ tao có để mày thiếu thốn thứ gì không? Tao nuôi mày ăn học đàng hoàng tử tế như thế để giờ mày đi yêu một thằng con trai à. Hai thằng đực rựa yêu nhau mày xem có ra cái thể thống gì không? Tại sao mày lại có cái thứ suy nghĩ bệnh hoạn như thế, hả?"

"Chúng mày yêu nhau như thế rồi hàng xóm láng giềng, họ hàng gần xa người ta biết, người ta chửi rủa rồi tao biết giấu mặt vào đâu cho hết nhục đây hả?"

"Nhưng mình đâu thể sống mãi với cái định kiến cổ hủ ấy được đâu ạ. Con mong bố chấp nhận tình cảm của bọn con."

Bố Sử Phàm định lao đến tát em một cái nhưng mẹ Sử Phàm đã kịp thời ngăn cản. Thằng Khôi thấy hai anh bị mắng như thế, nó đứng giang rộng hai tay như muốn bảo vệ hai người anh của nó. Cậu vàng trông thấy vậy cũng đứng ra che chắn cho cậu chủ của nó, ánh mắt nó sắc lẹm, sủa lên mấy tiếng thật to như thể một lời cảnh cáo.

"Mày lại còn bênh chúng nó. Chẳng nhẽ mày cũng bệnh hoạn như nó à?"

"Con xin bố với chú đừng đánh hai anh."

"Tao mà chấp nhận cho hai đứa chúng mày yêu nhau thì mặt mũi này tao biết để đâu. Người ta sẽ nói tao là không biết dạy con nên con tao mới có cái suy nghĩ bệnh hoạn, ghê tởm như thế. Tao không biết mày sống trên thành phố, người ở đấy họ như nào mà để mày có cái tư tưởng lệch lạc như thế. Không thể chấp nhận được."

"Đàn ông là phải yêu đương với phụ nữ, cưới nhau rồi sinh con đẻ cái mà nối dõi tông đường chứ hai thằng con trai mà yêu nhau thì làm gì còn ai tiếp nối nữa. Tao cứ tưởng chúng mày ngoan hiền thế nào, bõ công tao nuôi dạy từng ấy năm trời."

"Thôi mình ơi, đừng mắng con nó nữa. Để hàng xóm mà nghe thấy thì lại không hay đâu."

"Thôi hai anh em mau đi làm đi, kẻo muộn giờ."

"Cứ quỳ ở đấy, đừng hòng mà đứng dậy. Quỳ cho đến khi nào nhận ra cái sai của mình thì thôi. Không biết tao đẻ ra cái thứ gì nữa."

"Hai bà cũng đừng có mà bao che cho chúng nó. Đúng là con hư tại mẹ. Cứ chiều cho lắm vào để hỏng cả người ra."

Đến khi bóng dáng hai người cha khuất dần, hai mẹ mới dám lại gần hỏi han. Phận làm dâu đâu dám cãi chồng dù chỉ là nửa lời, có thương con đến mấy cũng chẳng thể đứng ra bênh vực con.

"Thôi đứng lên đi con, khi nào bố về rồi quỳ cũng được."

"Mẹ cứ để bọn con quỳ, bọn con muốn chứng minh cho bố và chú thấy rằng tình cảm của bọn con không có gì là sai trái cả."

"Con xin lỗi mẹ, xin lỗi cô nhiều lắm ạ. Hai người có giận bọn con không?"

"Dù có giận đến mấy thì hai đứa vẫn là con của mẹ, là cháu của cô. Người làm mẹ sao có thể đành lòng nhìn con mình đau khổ vì không được ở cạnh người mình thương cho được."

Mẹ Sử Phàm quỳ xuống, khẽ xoa bên má đỏ ửng của Tuấn Khuê sau cú tát ban nãy, lấy ra chiếc khăn mùi xoa từ trong túi áo bà ba màu nâu của bùn đất đã sờn cũ theo năm tháng, lau đi những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán hai cậu thanh niên trẻ. Mẹ Tuấn Khuê xoa lấy đầu của cả Khuê và Phàm, ánh mắt bà chan chứa những nỗi niềm xót xa. Dù con có thế nào thì vẫn là con của mẹ, giận thì tuy giận mà thương cũng thật nhiều. Lương tâm của một người làm mẹ không cho phép hai bà bỏ mặc còn mình khi chúng gặp khó khăn và ngay lúc này đây, Tuấn Khuê và Sử Phàm thấy thương mẹ mình hơn bao giờ hết.

"Thôi, giờ mẹ cũng phải đi làm rồi. Hai đứa chịu khó một chút, rồi mọi chuyện sẽ qua cả thôi."

"Mẹ không thể giúp được gì cho hai đứa cả, mẹ sợ chính mình sẽ làm mọi thứ phức tạp hơn. Chỉ biết cầu sao cho ông trời thương hai đứa với, để hai đứa chịu khổ thế này mẹ cũng đau lòng lắm."

"Sắp đến giờ đi học rồi, em phải ở nhà soạn sách vở đây. Có gì em sẽ giúp hai anh thuyết phục bố và chú. Chắc là đến tối nay rồi họ sẽ nguôi giận thôi."

"Tuấn Khôi, cảm ơn em nhiều lắm vì đã hiểu cho bọn anh."

"Vâng, em biết là để nói ra chuyện này chắc hẳn hai anh đã dũng cảm lắm và điều đó khiến em ngưỡng mộ và tự hào vì em có hai người anh tuyệt vời như thế. Em chẳng có gì phải xấu hổ cả."

"Em đúng là một đứa trẻ hiểu chuyện."

"Dạ. Mà thôi em đi đây ạ, hai anh cố gắng lên nhé. Em để con vàng ở đây trông nhà giúp hai anh."

Tuấn Khôi được nuôi dưỡng và lớn lên với đầy đủ tình yêu thương, nó được dạy cho cách yêu thương mọi người xung quanh. Ngay từ khi dậy thì, nó bắt đầu trở nên nhạy cảm hơn với cuộc sống xung quanh, nó để ý nhiều hơn đến những việc xảy ra ngay gần nó và việc đó bao gồm cả tình cảm mà Tuấn Khuê và Sử Phàm dành cho nhau. Nó đã sớm nhận ra rồi nhưng sợ hai anh khó xử nên nó không dám hỏi. Đối với nó, ai cũng có quyền được yêu đương bình đẳng như nhau cả bởi quyền mưu cầu hạnh phúc là quyền tất yếu của mỗi con người. Chính vì thế nên khi biết tin hai anh yêu nhau, nó chẳng bất ngờ gì mấy mà nó chỉ sợ hai bên gia đình cấm cản. Tuy hai anh em có hay chí choé với nhau nhưng từ khi nó nhận thức được mọi chuyện, nó thấy thương anh trai nó nhiều hơn là ghét.

Cậu vàng như thể hiểu được tiếng người, nó ngoan ngoãn ngồi đối diện với hai cậu chủ. Nó sống với hai người từ khi mới lọt lòng mẹ, chính Tuấn Khuê và Sử là người tìm ra nó và đưa nó về nhà, bởi vậy nên nó tuyệt đối trung thành với những người đã cưu mang mình. Khi thấy hai người gặp khó khăn, nó luôn sẵn sàng đứng ra giúp đỡ bất kể là chuyện gì. Chưa bao giờ ánh mắt nó bi thương đến thế, thậm chí còn hơn cả lúc khi bị bệnh đến ăn uống cũng khó khăn lắm mới làm được.

Cả phần chân bắt đầu mỏi nhừ đi, thậm chí Tuấn Khuê và Sử Phàm còn cảm nhận thấy chân mình như bị hàng ngàn mũi kim châm chích vào, tê dại đến mất dần cảm giác. Đường đường là một đấng nam nhi, nói được thì ắt sẽ làm được. Bởi vậy nên đôi tình nhân trẻ vẫn nhất quyết quỳ dưới nền xi măng lạnh ngắt, mặc cho thời gian dần trôi, mặc cho đôi chân như muốn rụng rời ra khỏi cơ thể. Cả Tuấn Khuê lẫn Sử Phàm đều không biết nên nói gì lúc này, thỉnh thoảng hỏi han nhau vài câu ân cần rồi lại thôi, bởi lẽ dòng cảm xúc hỗn tạp đang đè nén mọi câu, cắt đứt mạch suy nghĩ.

Đúng là tình yêu đồng giới không sai, mà sai ở đây là cặp đôi ấy được sinh ra nhầm thời. Ở cái thời đại mà con người ta vẫn cứ mang nặng những định kiến xưa cũ theo mình thì việc này quả thực rất khó để xã hội chấp nhận. Có những người cứ phải sống mãi trong vỏ bọc của bản thân, giấu giếm đi bao tình cảm của mình chỉ vì không muốn bị người đời miệt thị, ghê tởm đến cả khi không còn trên cõi người này nữa. Hay thậm chí có những người chẳng thể chịu nổi cái thứ được mang tên "định kiến" nên đã quyết định nói lời chào với thế gian. Những con người ấy mới thật bất hạnh làm sao. Trên đời này không tồn tại sự công bằng tuyệt đối, đó là điều mà không ai có thể chối cãi được, nhưng không công bằng tới mức mà ngay cả việc yêu cũng bị dị nghị, bị coi là bệnh hoạn thì hẳn là ông trời đã quá tàn nhẫn rồi. Cớ vì sao mà nhân sinh lại nhiều trắc trở đến thế, khiến con người đau khổ hết lần này tới lần khác. Bản thân những người đồng tính vốn đã thiệt thòi, xã hội này lại càng khiến họ phải chịu nhiều đau thương.

Ánh chiều tà vương lại nơi trần thế, đoàn công nhân lũ lượt ra về sau một ngày làm việc năng suất. Bố Tuấn Khuê và bố Sử Phàm đôn đáo chạy việc nên tạm thời quên đi mất cơn giận ban trưa. Trong khi thu xếp lại mấy đôi giày để chuyển vào kho, hai ông vô tình nghe được cuộc hội thoại của một vài người đồng nghiệp trong tổ. Vốn hai ông không định nghe nhưng vì họ nói có hơi to hơn mức cần thiết thành ra không thể không nghe thấy. Người đó thuật lại những gì mà anh còn trai kể về cuộc sống sinh viên, nghe qua thì cũng chẳng khác là bao so với cuộc sống của Tuấn Khuê ở trên thành phố. Nhưng tới lúc nghe đến đoạn bạn đại học của con trai người đó quyên sinh vì bị gia đình hắt hủi, từ mặt khi yêu một người đồng giới, hai ông ngớ người mất một hồi lâu rồi chợt nhớ đến Tuấn Khuê và Sử Phàm vẫn đang phải quỳ ở nhà. Chẳng nghĩ được gì nhiều, hai ông vội phóng xe về nhà vì sợ con mình nghĩ quẩn rồi hành động dại dột, và nếu chuyện đó có thật sự xảy ra thì hai ông sẽ phải sống trong nỗi ân hận,dày vò đến hết cả cuộc đời.

"Tôi không ngờ là hai anh vẫn quỳ được đến giờ này cơ đấy."

Tuấn Khuê và Sử Phàm vẫn lặng thinh không đáp, nói đúng là ra chẳng biết nên trả lời sao cho phải. Hai ông bố về đến nhà thấy con mình vẫn giữ nguyên tư thế quỳ như khi nãy, lửa giận trong lòng cũng đã nguôi ngoai đi phần nào, thậm chí còn cảm thấy an tâm vì hai đứa vẫn bình an vô sự. Hai mẹ cùng thằng Khôi và cậu vàng đứng bên ghế, không dám hó hé nửa lời.

"Sao hai anh cứ phải cố chấp đến mức này thế hả?"

"Vì bọn con yêu nhau thật lòng thưa bố." Sử Phàm lên tiếng trước khiến Tuấn Khuê có chút bất ngờ bởi trước giờ Tuấn Khuê đã quen với việc mình là người mở lời trước thay vì để em làm điều đó.

"Chúng con chỉ xin được hai người chấp nhận cho chúng con được ở bên nhau thôi còn người ngoài nói gì thì kệ họ. Không có nỗi đau nào bằng nỗi đau bị chính người nhà ruồng bỏ đâu ạ."

Nói rồi vành mắt Tuấn Khuê đỏ dần, khoé mắt đọng lại tầng nước mỏng nhưng chỉ cần một cái chớp mắt sẽ lập tức trở thành giọt nước lăn dài trên má. Bố Khuê thấy vậy, trong lòng bỗng trào dâng nỗi xót xa. Trước giờ Tuấn Khuê không phải người dễ khóc, dù có bị đánh cho một trận thật đau cũng chẳng rơi lấy một giọt. Ấy vậy mà giờ còn chưa động tay động chân, chỉ mới mắng mỏ mấy câu đã thấy cậu con trai cả lưng tròng nước mắt, dù có cứng rắn đến mấy cũng chẳng nỡ làm điều gì tổn thương đến con. Hầu như người bố nào cũng là kiểu ngoài mặt tỏ ra thờ ơ, không có lấy một chút quan tâm nhưng thấy con mình đau hay khóc cũng lo sốt vó cả lên, bố Tuấn Khuê thì chẳng phải là ngoại lệ. Nhưng vì tính cách ông là thế, không muốn thể hiện quá nhiều cảm xúc ra ngoài nên lúc nào người ta cũng thấy ông tỏ ra nghiêm khắc đến đáng sợ.

"Tôi phải như thế nào thì hai anh mới chịu rời xa nhau? Sao cứ lao vào cái thứ bệnh hoạn này thế hả?"

"Bố ơi, bọn con cũng đã khổ tâm lắm mới đến được với nhau. Chuyện tình này có lẽ cả đời con cũng chẳng thể buông bỏ được. Nếu bố mẹ là người cho con sự sống thì Sử Phàm chính là động lực sống của con. Mỗi khoảng thời gian trôi qua trong cuộc sống của con đều có sự hiện diện của em ấy, chúng con bên nhau ngay cả những lúc khó khăn nhất, thậm chí là cả khi chẳng có gì trong tay. Giờ mà bắt còn phải từ bỏ thì còn sao có thể làm được đây bố."

"Chỉ cần là hai gia đình biết với nhau vậy thôi, không cần nói cho họ hàng làng xóm cũng được. Chúng con vẫn có thể giấu được, vả lại chúng con cũng không muốn làm mất mặt bố mẹ. Chúng con đã nguyện cùng nhau đối mặt với những lời dèm pha của người đời, giờ chúng con chỉ sợ bị gia đình cấm cản thôi. Chúng con chỉ xin được bố với chú chấp nhận thôi, chúng con nhất định sẽ không khiến ai phải bẽ mặt trước mọi người cả."

Thấy Tuấn Khuê và Sử Phàm nghẹn ngào đôi lời, hai ông cũng bớt giận đi hẳn. Con dù có thế nào thì vẫn là con của mình, dẫu bây giờ có thể chưa hoàn toàn chấp nhận nhưng biết đâu một ngày nào đó thấy hai con công thành danh toại, hạnh phúc bên nhau lại thấy an lòng.

"Đúng là... tôi cũng hết nói nổi hai anh." Bổ Sử Phàm thở dài, bỏ đi xuống sân sau tỏ vẻ chán chường nhưng thực ra trong lòng đã bị những lời vừa rồi của hai đứa con làm cho mềm lòng.

"Đứng dậy về nhà ăn cơm đi. Tối rồi không thấy đói à? Lên thành phố cố mà yêu thương, chăm sóc nhau cho tốt. Còn không sống hạnh phúc được thì đừng hòng vác mặt về đây mà nhìn tôi, lúc đấy đừng hòng gọi tôi là bố." Nói xong bố Tuấn Khuê đi một mạch ra sân, phóng xe về nhà mà chẳng ngoái lại nhìn dù chỉ là một lần.

Khuê và Phàm nghe vậy đều nghệt mặt ra, sau khi thông suốt liền ôm chầm lấy nhau mà khóc. Từ hai, thành bốn rồi cuối cùng là năm con người ôm lấy nhau, vui mừng khôn xiết. Cậu vàng đứng bên cạnh ngoe nguẩy cái đuôi, sủa lên mấy tiếng đầy phấn khởi. Một hồi sau đó Tuấn Khuê và Sử Phàm được đỡ ngồi lên ghế sau nhiều giờ đồng hồ quỳ dưới đất, hai bên đầu gối đã sớm tím bầm, đôi bàn chân tê buốt như mất đi cảm giác.

"Mày cấm đem chuyện này đi bép xép với ai đấy, biết chưa."

"Vâng em biết rồi, anh có cần phải mất lòng tin về em như thế không. Mà... em thấy bố với chú chưa hẳn đã nguôi giận đâu, chẳng qua họ sợ hai anh nghĩ quẩn nên mới chấp nhận thôi. Thấy tuyệt chiêu 'nước mắt cá sấu' của em đỉnh không. Nhưng mà hai anh cứ ở trên đấy lâu lâu rồi hẵng về, khi nào tết nhất hay dịp nghỉ lễ nào dài dài thì mới về thôi. Người ta bảo 'xa thơm gần thối' mà anh, biết đâu hai anh đi lâu như thế rồi bố với chú nguôi giận thì sao. Thôi nói chung là hai anh lên đấy giữ gìn sức khỏe, chăm sóc nhau thật tốt, không cần phải lo mọi người nhớ đâu, chuyện ở nhà giao hết cho em."

Chả là thằng Khôi chẳng biết làm sao mà nghĩ ra được cái chiêu dùng nước mắt để cảm hoá lòng người, thế là nó vừa đi học về đã tí tởn chạy sang định bày mưu tính kế với hai anh nhưng nó vừa chạy vào nhà đã bị Tuấn Khuê mắng cho mấy câu vì tưởng nó đang cười trên nỗi đau của người khác.

"Bọn anh cũng sắp đi hết rồi, ở nhà còn mỗi mình em thôi, thỉnh thoảng sang để ý cô chú giúp anh."

"Dạ, anh Phàm cứ để em."

"Thế Sử Phàm, con đã nói cho thằng Phong biết chưa?"

"Con chưa dám nói với anh ấy."

"Khi nào lên thành phố mà có gặp được nó thì cứ từ từ lựa lời mà nói với nó. Thằng Phong dễ tính hơn bố nhưng mà chuyện này không dễ dàng gì để chấp nhận. Chuyện trong nhà mình thì ai biết cũng phải biết thôi, chẳng giấu giếm được mãi."

"Con xin lỗi vì đã khiến gia đình mình căng thẳng như thế."

"Thôi, lỗi lầm gì. Bây giờ về nhà nghỉ ngơi đã, mai Khuê dẫn em đi làm nốt giấy tờ còn chuẩn bị nhập học nữa, sắp hết tuần tới nơi rồi."

"Vâng, con biết rồi mẹ."

"Bố con về trước rồi, ba mẹ con mình cứ lặng lẽ đi về thôi, nhanh không bố con lại ngứa mắt lên rồi mắng cho một trận nữa thì khổ thân ra. Khôi đỡ anh về đi con."

"Anh đi về đây, có gì anh nhắn cho em sau."

"Dạ."






Ngày rời khỏi chốn làng mạc yên ấm, phụ huynh hai bên gia đình dúi vào tay Tuấn Khuê và Sử Phàm biết bao là đùm to đùm nhỏ, bắt hai người mang hết đống đồ lỉnh kỉnh ấy lên thành phố để tiết kiệm ít tiền mua đồ ăn. Lúc về tay không mà lúc đi thì đồ nhiều đến nỗi chẳng biết nên xách theo làm sao cho hết. Hai ông bố dù bên ngoài chẳng có chút biểu hiện gì là quan tâm nhưng hành động thì lại hết mực cầu toàn, chẳng mấy chốc mà chiếc xe cub của Tuấn Khuê đã treo đầy những thứ đồ được gọi là "quà quê". Hai bà mẹ cứ hết dặn dò việc này đến việc khác, nói liên thoắng mà chẳng biết mỏi miệng, cốt vẫn là lo cho đôi trẻ sống xa nhà vất vả. Thằng Khôi giúp hai anh nó xếp đồ treo lên xe cũng đủ mệt lả cả người, nhìn sang cậu vàng nằm phè phỡn giữa sân nhà bỗng thấy thật chướng mắt. Nó đi ra giả vờ vô tình khua chân trúng mông cậu vàng để cậu ta sủa lên một tiếng. Phải tới tận khi chẳng thể nhìn rõ bóng dáng chiếc xe cub đâu nữa, các vị phụ huynh mới yên tâm đi làm việc của mình.

Mãi về sau này, khi đôi tình nhân trẻ đã ổn định cuộc sống hôn nhân với căn trung cư với đầy đủ và một chú cún nhỏ cho vui nhà vui cửa, Tuấn Khuê và Sử Phàm quyết định đón gia đình dưới quê lên chơi và ngày. Ban đầu hai người định mua nhà để đôi bên gia đình được ở cùng nhau nhưng vì sống ở quê đã quen và nhà thì cũng là do ông bà để lại nên chẳng nỡ bán. Tuấn Khuê hỏi vì sao năm xưa lại đồng ý cho mình và Sử Phàm đến với nhau, hai ông bố ậm ừ một hồi lâu mới dám kể ra hết. Cả nhà nghe xong cố nén nụ cười vào trong, nhưng chẳng được bao lâu rồi cũng bật ra thành tiếng. Sử Phàm nhân cơ hội này mà thú nhận rằng khi đó hai người cũng dùng một chút "tiểu xảo", nào ngờ lại được kết quả hạnh phúc viên mãn. Chuyện gì qua thì cũng đã qua hết cả, chẳng còn gì vướng bạn để mà trách móc. Và quả thực đến lúc này thì hai ông bố đã hoàn toàn chấp nhận việc Tuấn Khuê và Sử Phàm yêu nhau, gạt đi những định kiến cổ hủ của thời xưa cũ để nhường chỗ cho những tư tưởng của thời đại.

Sẽ chẳng còn ai phải sống trong một đời hối hận. Ta sẽ yêu thương nhau tới khi ta chẳng còn trên cõi đời này.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenFun.Vip