Phần thứ nhất - Chương 4: So This Is Love (Ilene Woods) (1)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chương 4: So This Is Love (Ilene Woods)

Đêm hôm trước, tôi lại nằm mơ về cái lần đầu tiên trong đời mình ngồi chải tóc cho mẹ. Sáng ngày hôm ấy, ở Kyushu đã xảy ra trận bão tuyết dữ dội nhất trong lịch sử, khiến cho tất cả mọi thứ trên hòn đảo miền Nam chìm trong một màu trắng xóa. Tình trạng thời tiết tồi tệ như thế này tất nhiên là gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc lưu thông trong khu vực, bao gồm cả thị trấn quê hương của tôi và Takaya. Tôi ngồi nhìn đồng hồ trong phòng khách kiểu Nhật mà trong lòng cảm thấy trống rỗng. Dù lịch hẹn với nhân viên nhà tang lễ là 7 giờ 30 nhưng tới tận 8 giờ 15 thì tôi mới nhận được một cuộc gọi thông báo là xe của bọn họ đang bị chết máy ở làng du lịch suối nước nóng dưới chân núi. Sau cuộc gọi đó, tôi cứ bần thần hết nhìn đồng hồ rồi lại nhìn cái thân hình gầy gò nhỏ bé của mẹ gần như chìm trong tấm áo kimono trắng rộng có họa tiết hoa cúc vàng thêu nổi quanh ống tay áo. Ước gì trong cuộc đời mình, mẹ tôi cũng một lần được bảo bọc trong một khối tình yêu to lớn và mềm mại như thế thì tốt biết bao. Bất ngờ và rất đỗi đường đột, một thứ cảm xúc không thể gọi tên thôi thúc tôi cầm lấy chiếc lược bằng gỗ đàn hương trong khay đồ lễ để chải tóc cho mẹ. Một cách vô cùng thành kính, tôi nâng nhẹ mái tóc mẹ lên rồi đưa những đường lược hết sức dịu dàng. Suối tóc mẹ chảy tràn trên bàn tay trái của tôi. Tóc mẹ dài, đen óng và lúc này thấm đẫm mùi trầm hương. Bên ngoài, tuyết không ngừng rơi và gió thì cứ rít lên từng hồi đau đớn, nhưng ngồi chải tóc cho mẹ thế này lại khiến tâm hồn tôi cảm thấy bình yên đến lạ. Chợt nhớ ra phía trước nhà có trồng một cây hoa trà, tôi liền vội vàng chạy ra bên ngoài. Cây hoa bị gió dữ đày đọa, hoa rơi đầy trên hành lang. Tôi chọn lấy bông hoa màu sắc không quá rực rỡ rồi mang tới cài lên tóc mẹ. Khoảng chừng bốn mươi lăm phút sau, tôi loáng thoáng nghe thấy tiếng bấm chuông dè dặt. Cuối cùng thì nhân viên nhà tang lễ cũng đã đến. Một người đàn ông tóc đã điểm bạc bước vào trước, vừa luôn miệng xin lỗi vừa dùng khăn tay thấm mồ hôi lấm tấm trên trán dù ngoài trời lạnh cắt da cắt thịt. Đi cùng ông ta là một cậu thanh niên trẻ măng, cao ráo, khoác áo dạ màu lông chuột cứ cố né tránh ánh mắt tôi. Tôi đoán cậu thanh niên chính là người đã bấm chuông cửa nhờ vào cái điệu bộ lúng túng, ngập ngừng mãi mới có thể cất tiếng chào trong lúc chà mạnh hai bàn tay vào với nhau. Ah, đường sống mũi của cậu ta trông thật giống với Takaya.

Tôi lịch sự cúi chào đáp lại rồi chỉ đường cho họ vào phòng trong. Một thoáng ngỡ ngàng hiện lên trên gương mặt cả hai người họ khi thấy mái tóc người đã khuất được chải chuốt và búi lại gọn gàng, lại còn cài thêm trên đó một đóa hoa trà.

Trong lúc hai nhân viên nhà tang lễ đang trang điểm và thay quần áo cho mẹ thì tôi cố gắng liên lạc bên sư thầy hành lễ. Chuông điện thoại vừa đổ đến tiếng thứ hai thì từ đầu dây bên kia vọng tới giọng nói yếu ớt, buồn bã của sư thầy thông báo với tôi rằng chiếc xe của chùa có thể sẽ không tới kịp giờ buổi tang lễ bắt đầu do có một vụ sạt lở nghiêm trọng xảy ra ở sườn núi phía Bắc, ngay gần khu vực suối "Hoa mơ". Tôi chẳng thể làm gì khác ngoài nói câu: "Xin thầy hãy bảo trọng", rồi lập tức ba chân bốn cẳng, đội gió tuyết, chạy đến nhà của Tooda-san, một thầy tu đã hoàn tục để theo đuổi sự nghiệp kinh doanh rượu Nhật. Nhìn thấy bộ dạng ướt sũng và nghe những lời trần tình của tôi, ông tỏ vẻ thương xót rồi lật đật cùng vợ đi vào phòng trong tìm tấm áo cà sa cũ. Gia đình họ tử tế đến mức người con cả của ông Tooda còn lấy chiếc xe bán tải để chở tôi và cha anh ấy đi, mặc dù tôi đã khăng khăng rằng mình có thể cuốc bộ về được. Ông Tooda ngồi cùng tôi ở ghế sau để nói những lời tâm tình an ủi. Đây là lần đầu tiên tôi ngửi thấy mùi nước xả vải tỏa ra từ một bộ quần áo tu hành thay vì mùi nhang khói.

Buổi tang lễ bắt đầu muộn hơn so với dự kiến chừng mười lăm phút. Tooda-san giúp tôi bày biện đồ lễ trên bàn thờ rồi đọc kinh siêu độ cho mẹ tôi. Không từ ngữ nào có thể diễn tả được lòng cảm kích của tôi dành cho ông lúc ấy. Sau khi mọi sự đã xong xuôi mĩ mãn, tôi có biếu ông Tooda một phong bì mỏng gọi là tiền trà nước cùng một hộp bánh "Take no kodomo" cho đám trẻ ở nhà nhưng ông một mực từ chối. Tôi phải năn nỉ i ôi một thôi một hồi thì ông Tooda mới miễn cưỡng cầm hộp bánh đem về.

Cũng vì lý do thời tiết quá đỗi khắc nghiệt nên khách viếng cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Không thể trách cứ gì họ được bởi toàn bộ hệ thống tàu hỏa và máy bay đến Kyushu đều tê liệt cả. Thế nên, đến gần cuối ngày rồi mà chỉ có vài người hàng xóm sống xung quanh, một cô bạn thân thời cấp ba, và "người tình số hai mươi tư" của mẹ tôi là tới kịp để tiễn đưa linh hồn bà về trời. Mẹ tôi có tất thảy bốn mươi ba nhân tình trong suốt cả cuộc đời bà. Tuy nhiên, hôm nay chỉ có đúng một người duy nhất đến đưa tang.

"Người tình số hai mươi tư" của mẹ tôi lớn tôi bảy tuổi và mang tên một loài hoa thanh nhã. Lúc đang quen mẹ tôi thì anh ta vẫn còn là một sinh viên khoa Ngôn ngữ có niềm đam mê nhiếp ảnh. Tôi thì vừa mới tốt nghiệp sơ trung, cứ rảnh ra một chút lại ôm đàn hát nghêu ngao. Và mười bốn năm sau, khi mà cả hai có dịp hội ngộ trong giấc mơ ký ức này thì tôi đã trở thành một ông chú văn phòng rệu rã và thảm hại. Trái ngược hoàn toàn với tôi, người đàn ông kia thì trông vẫn hết sức phong độ. Đồng thời, anh còn sở hữu cả một phòng triển lãm ở Roppongi. Tôi đã từng có dịp ghé qua đó một lần. Hình như hôm ấy là ngày 5 tháng 5 vì người ta tặng bánh wagashi hình cá chép cho khách tham quan. Ảnh anh ta chụp rất có thần. Từ ngày xưa tôi đã cảm thấy rõ ràng ở anh ta cảm quan nghệ thuật vượt trội. Mỗi tấm ảnh đều như đang kể cho người chiêm ngưỡng nó câu chuyện của riêng mình. Trong số hơn ba mươi tấm ảnh được trưng bày ở đó thì tôi đặc biệt ấn tượng với một tấm ảnh được lồng khung đen có tên là "Khúc nguyện hồn của Salieri"("Salieri's requiem") Tấm hình ấy chụp một người con trai nhỏ thó, lọt thỏm trong một chiếc áo bông dày (có vẻ như là) màu xanh quân đội. Chiếc khăn quàng sọc vàng đen quấn hờ hững trên cổ. Dù khuôn mặt anh ta trẻ măng nhưng mái tóc thì gần như đã bạc trắng cả. Hai tay anh ta ôm chặt một cái hộp gỗ hình vuông. Tôi đã từng nhìn thấy vật tương tự như thế trong một cuốn sách giới thiệu văn hóa địa phương khu vực Hokkaido. Nó là hộp dùng để đựng tro cốt theo tục lệ của người dân sống tại một ngôi làng nhỏ heo hút nằm ở phía Tây tỉnh Hakone. Người con trai ấy đứng giữa trời đêm tuyết rơi lất phất, đầu nghiêng nghiêng, mắt khép hờ, hai tay ghì chặt hộp tro cốt bằng gỗ vào lòng. Tuyết dưới chân anh ta phản chiếu ảnh đèn đường lóng lánh sắc kim tuyến khiến cho cảnh tượng càng thêm phần huyền ảo. Người con trai trong bức ảnh trông như thế sắp sửa tan biến đi vậy.

"Tại sao lại là Salieri nhỉ?"

Tôi thầm hỏi khi cứ đứng bất động trước bức ảnh đó gần hai mươi phút đồng hồ. Và đến tận bây giờ, câu hỏi ấy vẫn cứ lẩn quẩn mãi trong đầu tôi.

"Tại sao lại là Salieri?"

Trở lại với giấc mơ của mình, sau khi tôi tiễn Tooda-san cùng mấy bậc trưởng bối ra cửa thì có tiếng chân bước đi rất nhẹ trên mặt sàn đã cũ. Tôi ngẩng đầu lên nhìn thì lập tức bắt gặp ngay "người tình số hai mươi bốn" của mẹ tôi đang tiến về phía mình với một nụ cười thật hiền trên môi.

"Lâu quá rồi mới gặp lại em."

Chất giọng trầm ấm của anh ta chẳng thay đổi gì mặc cho mười bốn năm trường đã vùn vụt trôi qua.

Người đàn ông ấy cùng tôi ngồi ngoài hành lang, bên cạnh bụi hoa trà.Tôi rút thuốc lá ra hút cho cơ thể ấm lên một chút. Anh nhìn thấy thế lập tức xin ngay một điếu.

"Cho anh một điếu nhé."

Giọng nói của anh phảng phất chút gì đó nũng nịu kiểu trẻ con và điều đó hoàn toàn không làm tôi thấy khó chịu chút nào cả.

Tôi dùng bật lửa châm điếu thuốc của mình xong thì kề sát phần đầu đang cháy đỏ rực bên mình vào phần đầu điếu thuốc hãy còn trinh nguyên của anh. Hai người chúng tôi co ro trong những tấm áo khoác dạ đắt tiền, cùng phả khói thuốc vào bầu không khí lạnh tê tái trước mặt. Bỗng dưng, do chợt nhớ đến thắc mắc năm xưa vẫn chưa có lời giải đáp nên tôi buộc miệng hỏi luôn, gần như hoàn toàn vô thức:

"Tại sao lại là Salieri?"

Anh quay sang nhìn tôi rất lâu, khiến tôi thoáng xấu hổ phải quay đi. Tôi còn làm bộ đang ngắm nhìn cây bồ công anh vẫn đang kiên cường chống chọi với thời tiết khắc nghiệt.

"Anh lúc nào cũng dễ phải lòng các nạn nhân." Anh cười buồn, nói. "Đặc biệt là những người bị miệng lưỡi thế gian biến thành tội đồ. Chẳng phải người ta đã từng nói là những lời dối trá chỉ cần được lặp đi lặp lại hàng trăm hàng nghìn lần thì một lúc nào đó sẽ trở thành sự thật hay sao? Và tới lúc đó thì chính nạn nhân cũng bắt đầu tin rằng mình là một kẻ xấu xa."

Tôi định hỏi thêm là liệu anh đang nói về Salieri hay người con trai trong bức ảnh năm xưa nhưng lại sợ bản thân biến thành kẻ tò mò tọc mạch trong mắt người đàn ông mang tên một loài hoa ấy nên đành thôi. Nụ cười hồn hậu của anh lúc đó là một trong những hình ảnh mà tới cuối cuộc đời mình, tôi cũng sẽ chẳng bao giờ quên được. Chúng tôi ngồi hút xong điếu thuốc cũng là lúc xe của nhà tang lễ tới đỗ ngay trước cổng. Anh cùng tôi khiêng quan tài mẹ ra xe và khi anh định quay lưng bỏ đi thì tôi níu lấy vạt áo anh, run rẩy đề nghị anh tới đài hóa thân cùng với mình. Không một chút do dự, anh leo lên xe, ngồi bên cạnh và kéo tôi tựa vào vai anh. Chúng tôi truyền dòng nhiệt lạ lẫm từ cơ thể mình sang cho đối phương.

Cơn bão đã qua đi, để lại những cánh đồng tuyết trắng mênh mông. Tuyết đóng dày đặc khắp nơi, trên mặt đất, trên những cành cây, mái nhà và cả trong trái tim người nữa. Tôi đã luôn có một nguyện ước thầm kín. Đó chính là sẽ chết vào mùa đông rồi sau đó được đem chôn dưới những tầng tuyết trắng. Để rồi khi tuyết tan, tôi sẽ thành một phần của mùa xuân.

"Tang lễ không có lấy một giọt nước mắt nhỉ?"

Người tình của mẹ tôi nói khi cả hai cùng đăm đắm nhìn cột khói bạc mang theo linh hồn của mẹ tôi bay lên trời cao. Anh đã tiễn biệt bà lần cuối với một nụ hôn lên trán và bông hoa mang tên mình dắt vào giữa hai vạt áo kimono của bà.

"Chắc là tại khách viếng ai cũng biết là mẹ em ghét nhất là nhìn thấy người khác khóc."

"Cũng đúng. Cô ấy lúc nào cũng chỉ thích những chuyện vui vẻ thôi mà."

"Em nghĩ là mẹ rất hạnh phúc khi có anh kề cận bên bà trong những giờ phút cuối cùng như thế này. Cảm ơn anh vì điều đó."

Anh chẳng nói gì, chỉ mỉm cười và vuốt nhẹ mái tóc ướt đẫm tuyết của tôi. Tôi im lặng một hồi để soi mình qua đôi con ngươi màu xanh xám rất đặc biệt của anh rồi nói thêm:

"Em ước gì cũng sẽ có anh ở bên cạnh khi em lìa bỏ thế giới này."

"Yên tâm đi, anh sẽ ở bên em mà."

Đêm đó, người đàn ông ấy ở lại với tôi thay vì quay trở về khách sạn của mình. Chúng tôi đã cô đơn đến mức phải cố tin vào lời nói dối của đối phương để có thể ở bên cạnh một ai đó.

Người mà tôi luôn muốn ở bên cạnh, dù là lúc sống hay chết, vẫn sẽ luôn là Takaya, người mà đáng nhẽ phải cùng tôi trở về Kyushu vào ba ngày trước để cùng nhau lo tang sự cho mẹ, nhế nhưng lại buộc phải hủy cả vé máy bay vào phút cuối để ở lại giải quyết vụ bê bối hẹn hò với học trò mình. Không những thế, cha mẹ cậu ta còn phải bay tới Tokyo để giúp con mình không phải ngồi tù. Cũng chính vì lý do đó mà họ không thể có mặt ở buổi tang lễ. Vậy mà mỉa mai thay, dù thế nào đi chăng nữa, tôi vẫn muốn Takaya là người đích thân khâm liệm, rồi sau đó mang tro cốt của tôi rải lên nền tuyết trắng. Dù cho thứ tồn tại giữa chúng tôi có không phải là tình yêu đi chăng nữa thì số mệnh cũng đã cho chúng tôi mang cùng một họ dù chẳng chung một dòng máu. Thậm chí còn mang tôi từ chốn phố thị phồn hoa về cái thị trấn nhỏ ven biển này chỉ để gặp gỡ cậu ta. Tôi chỉ có thể miêu tả về Takaya như một cái gì đó rất đỗi "thiết yếu" trong cuộc đời mình. Như mặt trăng cần có Trái Đất để cứ thế miệt mài với những vòng quay của nó. Nếu mất đi Trái Đất, Mặt Trăng sẽ lệch khỏi quỹ đạo vốn có của mình., rồi sẽ cứ thế trôi vô định về phía cái lỗ đen khổng lồ đang nuốt chửng tất cả mọi thứ.

Tuy vậy, tôi vẫn muốn một lần nữa được yêu ai đó cuồng dại. Yêu đến mức có chết đi cũng thấy cam lòng. Yêu như cách mà "người tình số hai mươi tư" của mẹ tôi đã yêu nạn nhân trong bức ảnh do chính tay anh ta chụp. Người anh yêu tới mức mỗi lần nằm bên mẹ tôi đều nhắc tới trong nước mắt. Tôi lúc ấy đang nằm ngay ngoài bếp, chỉ cách hai người họ đúng một lớp cửa fusuma nên có thể nghe thấy tất cả.

"Vô vọng rồi. Cậu ấy sẽ chẳng bao giờ để em đưa tang cho mình và em sống hay chết thì cậu ấy cũng chẳng quan tâm. Vô vọng thật rồi."

Năm mười sáu tuổi, lần đầu tiên tôi biết thế nào là âm thanh của nỗi tuyệt vọng lên tới cùng cực.

Nhưng đồng thời, đó chính là tình yêu. 

(Còn tiếp)

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenFun.Vip