Yeu Do Y Troi Ngoai Truyen

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng
Rất nhiều người không hiểu vì sao tôi lại thích đi dạy, bao gồm bạn bè, người thân và cả bố mẹ của tôi nữa. Thành thật mà nói, tôi thậm chí còn không biết điều đó bắt đầu từ khi nào. Tôi nói với họ rằng, trong một phút bốc đồng, tôi đã tới Liên đoàn thanh niên đăng ký nhưng không một ai tin. Mẹ còn tưởng tôi bị bồ đá, bị kích động nên đã an ủi một cách ẩn ý hoặc công khai. Tất nhiên, tôi thật sự thấy buồn cười và rất xúc động. Cuối cùng, chỉ có bố là hiểu tôi. Ông bảo, đàn ông nên ra ngoài mở mang kiến thức nhiều hơn, tìm hiểu thế giới rộng lớn và đóng góp phần nào đó cho xã hội.

Đúng vậy, sau khi đến đây, tôi đã nghĩ như thế. Tôi muốn đóng góp cho xã hội, sử dụng phương thức trực tiếp để chứng minh tôi đã đọc rất nhiều sách không chỉ cho bản thân mà còn hữu dụng cả với những người khác. Đó là ước nguyện ban đầu tôi hưởng ứng lời kêu gọi đến dạy học ở nơi vùng sâu núi thẳm này.

Mặc dù, trước đây tôi đã từng xem trên tivi và các phương tiện truyền thông khác về mức độ nghèo khó của những vùng đói khổ, trong lòng cũng đã có những chuẩn bị cơ bản. Nhưng khi đã ổn định cuộc sống, tôi không khỏi bàng hoàng trước sự nghèo nàn và đơn sơ ở đây. Nói thế nào nhỉ? Ngoại trừ không nhiều lắm những vùng đất hoàng thổ, còn lại giống y trong phim <Không Thiếu Một Em> của đạo diễn Trương Nghệ Mưu.Trường học đổ nát, bảng đen giập vỡ, bàn ghế xiêu vẹo và một đám trẻ thơ ngây ngô nghê. Tôi nghe nói ngôi trường tiểu học trên núi này đã ngừng dạy hai năm nay vì không có giáo viên, để đến được ngôi trường tiểu học gần nhất trên núi, người lớn phải đi mất hai tiếng. Đối với bọn trẻ, dành thời gian đi học là lãng phí, cho nên trẻ con trên núi đều không đến trường. Khi tôi tới, các em rất vui, người núi trên núi rất vui và các đồng chí lãnh đạo của thị trấn cũng rất vui. Tôi hơi xấu hổ trước vẻ nhiệt tình của họ, bởi tôi chỉ định hỗ trợ giảng dạy trong một năm rưỡi. Nhưng trưởng khoa Dương nói, chỉ cần tôi đến, dù một ngày cũng tốt. Chỉ vì câu nói đó, tôi cảm thấy mình đã không đến vô ích.

Bởi vì tôi không học chuyên ngành sư phạm, bằng thái độ có trách nhiệm với học sinh, tôi đã nghiêm túc chuẩn bị trước tất cả các bài học cho một học kỳ và nhờ trưởng khoa Dương xem qua. Trưởng khoa Dương bảo không cần xem, chỉ cần tôi dạy tốt kiến thức cơ bản như đọc viết tính toán là được. Còn dạy thế nào là quyền của tôi. Tôi gượng cười, kiểu quyền hành này quả là vô cùng áp lực. Tôi đành nhờ cô em họ đang học Sư phạm gửi cho ít sách tham khảo, coi như vừa dạy vừa học, vừa học vừa dạy.

Nhưng khi vào cuộc mới thấy dạy học trên núi thật dễ. Học sinh ngây thơ quá, mình giảng sao thì nghe vậy. Tất nhiên, cũng có những đứa trẻ nghịch ngợm không nghiêm túc, tôi chỉ cần tốn chút sức chơi đùa cùng, bọn chúng liền ngoan ngoãn nghe theo. Xem ra, dạy ba mươi đứa trẻ từ bảy đến mười một tuổi dễ đối phó hơn đám em họ năm ba của tôi. Dạy bọn trẻ thành phố khó khăn hơn rất nhiều.

Không khí trên núi cũng rất tốt, tôi nghĩ, ở đây tôi có thể trải nghiệm mối quan hệ hài hoà giữa con người và thiên nhiên. Mọi nhánh cây ngọn cỏ đều tràn trề sức sống, giống như con người trên núi vậy. Tôi thực sự rất quý mến con người nơi đây. Họ rất thực tế và chân thật. Dù không giàu có nhưng rất hào phóng. Để cảm ơn đã dạy dỗ con của họ, nhiều phụ huynh đã tặng đồ cho tôi – Mà không biết đất nước đã cung cấp tiền sinh hoạt phí cho những sinh viên như tôi – Ví dụ, chục cái bắp ngô, dăm quả trứng gà, một túi khoai lang... Mặc dù, những thứ ấy không đáng tiền nhưng rất khó để có được tấm lòng đó. Nhất là khi mức thu nhập bình quân đầu người hàng năm ở đây không quá 600 tệ.

Tôi thích giảng dạy ở đây và cố gắng dạy học một cách khoa học nhất có thể. Tôi hy vọng nếu mình rời đi, những phương pháp học tập tôi để lại sẽ tạo tiền đề cho những đứa trẻ tự học. Sau cùng, kiến thức thực sự có thể thay đổi số phận của chúng, có thêm một chút kiến thức, có thêm một cơ hội để thoát nghèo.

Sau học kỳ 1, tôi không về quê ở Bắc Kinh, nhưng dưới góc nhìn của một du khách, tôi thấy cách người dân miền núi đón Tết rất thú vị. Họ đi mất một ngày đường chỉ để chúc Tết cô dì chú bác ở xa nơi nào đó, với chút quà lễ là hai cây măng đông. Ở đây, tấm lòng quan trọng hơn tất cả và là thứ thiếu thốn nhất ở thành phố chúng ta.

Tôi cũng mang cặp rượu đế đi chúc Tết trưởng khoa Dương. Trưởng khoa Dương vui lắm, kéo tôi uống rượu tới nửa đêm, rồi líu lưỡi dặn tôi cẩn thận đừng tham gia chuyện của người miền núi. Bởi hầu hết người sống trên núi đều mua vợ. Tôi rất sốc, không dám kể mình đã đến thăm nhà từng học sinh. Nhưng theo như tôi thấy, bản thân chưa phát hiện ra ai là người bị mua. Phụ nữ miền núi rất cần cù, chất phác và cam chịu, không ai phàn nàn gì với tôi. Tôi cảm ơn lòng tốt của trưởng khoa Dương, nói sẽ chú ý hơn.

Cuộc sống trên núi trôi qua thật nhanh, đến kỳ nghỉ hè, không chịu được các cuộc gọi thúc giục của mẹ, tôi đành quay về Bắc Kinh. Giữa cảnh đêm hoa lệ của Bắc Kinh, tôi nhớ đến vùng núi tăm tối, nằm trăn trở mất ngủ trên chính chiếc giường của mình. Mẹ tôi thấy sai lầm nên đành thả tôi đi. Trở lại vùng núi, tôi được hít thở không khí trong lành, cứ ngỡ đây là nhà mình.

Sang học kỳ thứ ba, tôi đột nhiên phát hiện ra rằng những gì trưởng khoa Dương nói là đúng. Bởi vì, một em học sinh tên là Vương Tiểu Bình có bức vẽ tay Doremon. Cậu bé nói là của thím mình vẽ. Tôi xem qua thấy nét vẽ không tệ nhưng hình ảnh rất đơn giản và tất nhiên không đẹp bằng nguyên tác. Dựa theo hiểu biết của tôi về người dân miền núi, họ không có quá nhiều cơ hội để tìm hiểu về Doremon, điều này vô ích với cuộc sống. Vì vậy, lời giải thích duy nhất, thím của Vương Tiểu Bình là người vợ được chú của cậu bé mua về. Tôi nhớ lời của trưởng khoa Dương và không hỏi nhiều nữa. Tôi nhớ hai lần đến nhà Vương Tiểu Bình đều không gặp thím của cậu bé. Tôi cũng chưa bao giờ trông thấy chú của Vương Tiểu Bình, chẳng phải người chú ấy sống cùng nhà với cậu bé ư? Bất luận thế nào, xem ra học kỳ này tôi không dám tới thăm gia đình học sinh. Vì hiện tượng này là vấn đề khó khăn đối với tôi. Nhất là khi tôi hiểu nguyên nhân việc mua bán nhân khẩu là do sự nghèo khó không thể giải quyết của người dân miền núi. Tôi cảm thấy nếu không giải quyết được ổn thoả vấn đề hôn nhân của họ thì tốt hơn hết đừng phá hỏng hiện trạng của họ.

Vào một buổi chiều mùa đông, cuối cùng tôi cũng gặp được thím của Vương Tiểu Bình. Một phụ nữ trẻ tuổi rất xinh đẹp, mặc dù bụng to và mặc trang phục giống như những phụ nữ khác trên núi nhưng khí chất thể hiện là một cô gái được giáo dục tốt từ tính nết đến cách cư xử. Cô ấy nhìn tôi, không nói gì nhiều nhưng tôi biết cô ấy muốn tôi giúp đỡ. Bởi vì ánh mắt của cô ấy đang nói: "Hãy đưa tôi ra khỏi đây." Bên cạnh cô ấy là một người đàn ông miền núi trẻ tuổi. Anh ta rất lo lắng và thận trọng khi cô ấy nói chuyện với tôi. Tôi không dám ở lại lâu, không dám nhìn vào đôi mắt to đẹp ấy, chạy trối chết.

Kể từ hôm đó, tôi cảm thấy rất mâu thuẫn và đau khổ. Tôi biết buôn người là một chuyện, tận mắt chứng kiến nạn nhân của nạn buôn người lại là chuyện khác. Thấy cô gái trẻ trung xinh xắn gặp khó khăn đau khổ, tôi nên giúp hay là không đây? Tôi tra hỏi lương tâm. Tôi ở đây là để làm người có ích cho xã hội, nếu lúc này tôi buông tay bỏ mặc thì tôi có phải là người hữu dụng nữa không? Đối với xã hội, người có ích chẳng phải là người không sợ khó và có tinh thần chính nghĩa sao? Hay đây là cơ hội để tôi làm anh hùng cứu mỹ nhân.

Cuối cùng, tôi quyết tâm đến nhà Vương Tiểu Bình lần nữa để tìm hiểu. Cô gái ấy đã gửi một tin nhắn qua tranh của Vương Tiểu Bình: XIN HÃY CỨU TÔI!

Đương nhiên, không phải trực tiếp như vậy trên mặt giấy. Cô ấy sử dụng một loại mật khẩu: những kẻ ti tiện nhảy múa. Đây là mật mã mà thám tử người Anh Sherlock Holmes từng giải trong truyện "Những hình nhân nhảy múa" nằm trong bộ "Sherlock Holmes toàn tập" tôi có trong tay. Sáu nhân vật phản diện nhảy múa đại diện cho sáu chữ cái HELP ME, được cô gái cẩn thận vẽ trong bức tranh, nếu không nhìn kỹ còn tưởng đó là viền hoa. Tôi thừa nhận, kể từ hôm ấy, tôi chú ý hơn đến những bức tranh của Vương Tiểu Bình. Tôi lo lắng, không biết gia đình của Vương Tiểu Bình có biết chuyện không. Nhưng thấy cô ấy liên tục gửi tin nhắn, tôi nghĩ có lẽ họ không để ý.

Vì không gian giữa các bức tranh có hạn, cô ấy chỉ có thể để lại tin nhắn không quá bảy nhân vật phản diện nhảy múa cùng một lúc. Vì vậy, đã hơn mười ngày trôi qua kể từ khi tôi xác nhận không có thông tin mới nào đến. Tôi đã dịch và xắp xếp lại tin nhắn cô ấy gửi như sau:

"Cứu tôi với!"

"Cứu tôi với!"

"Tả Thiên"

"Tả Chí Công."

"1390731 ****."

Có vẻ như cô ấy cho tôi biết tên riêng cũng như danh tính của người nhà cùng phương thức liên lạc. Đáng tiếc, ở trên núi điện thoại di động của tôi không có sóng. Tôi đành đợi tới lúc rời khỏi đây giúp cô liên hệ. Tôi rất muốn trả lời cô ấy bằng tin nhắn "OK" qua bức tranh nhưng sợ đánh rắn động cỏ nên đành từ bỏ.

Thế là, tôi sắp xếp bài kiểm tra cuối kỳ sớm hơn dự định, thu xếp hành lý, rời Đại Sơn trong sự bịn rịn của rất nhiều học sinh. Tôi đã nghĩ mình sẽ rơi nước mắt trong buổi liên hoan chia tay, nhưng vì nghĩ đến cô gái ấy, tôi gần như không thể chờ đợi nhảy lên chiếc xe trưởng khoa Dương tới đón. Sau khi trải qua các cuộc họp cảm ơn, chia tay của ban giáo dục hết cấp này đến cấp khác, cuối cùng tôi cũng được ở một mình, bấm số điện thoại kia. Nhưng quái lạ, điện thoại liên tục thông báo "thuê bao tạm thời không liên lạc được." Không lẽ, cô gái tên Tả Thiên cho tôi sai số? Không thể. Hay là tôi đã dịch không chuẩn? Khi nghĩ rằng một sai lầm nhỏ của mình có thể làm mất mạng một thiếu nữ, tôi liền toát mồ hôi lạnh. Nhưng lúc này đã trên đường tới Thành Đô, tạm thời không còn cách quay lại. Tôi không bỏ cuộc, tiếp tục bấm số đó. Di động không được, tôi đổi sang máy bàn, điện thoại công cộng nhưng vẫn không thể liên lạc. Tôi chịu thua nhưng không cam lòng, vì vậy, trên tuyến tàu hoả đi Bắc Kinh, tôi đã để lại lời nhắn: "Tôi biết tung tích của cô Tả Thiên. Hãy liên lạc lại cho tôi."

Ngay sau đó, có cuộc gọi đến. Đó là một người đàn ông, nhận mình là Tả Chí Công, bố của Tả Thiên. Ông bình tĩnh, háo hức hỏi tôi tin tức. Tôi kể cho ông ấy tất cả những gì mình biết một cách khách quan nhất có thể, đặc biệt là tình huống Tả Thiên đang mang thai. Đầu bên kia điện thoại trầm mặc một hồi, tiếp theo ông nói: "Cảm ơn." hy vọng được gặp tôi để cảm tạ. Tuy hiểu ý nhưng tôi không cần liền nhã nhặn từ chối lòng tốt của ông ấy. Ông ấy còn nói thêm, tôi có thể gọi cho ông ấy nếu gặp khó khăn. Tôi nói đùa, trước đó tôi không thể gọi được cho ông ấy. Ông ấy trả lời do ông ấy thường chặn những số lạ. Tôi mỉm cười, xem ra Tả Chí Công là người quyền cao chức trọng. Tuy sau này tôi không bao giờ liên lạc lại với Tả Chí Công nhưng thi thoảng tôi không khỏi thắc mắc về diễn biến tiếp theo.

Vào ngày Quốc khánh năm sau, các đồng nghiệp trong công ty rủ tôi tới Trương Gia Giới, Hồ Nam du lịch. Tôi nhân cơ hội ở lại Trường Sa để xem Tả Thiên đã trở về nhà chưa. Tình hình giống như những gì tôi dự đoán. Không ngờ Tả Thiên trở về thành phố lại xinh đẹp và thời thượng đến vậy, nhìn không ra hình ảnh một cô gái từng sống nghèo túng trên núi, một cô gái đã trở thành mẹ. Một cô gái quyến rũ như vậy, sẽ buồn biết bao nếu mất đi. Tôi chợt nhận ra, mình chưa bao giờ suy xét tình cảm của người đàn ông đã mua Tả Thiên. Được rồi mất, có lẽ đau hơn là chưa từng có. Tôi có khiến người khác bi thương trong quá trình giải cứu không?

Gia đình Tả Thiên rất muốn cảm tạ một lần nữa, và tôi khó có thể từ chối. Sau khi trở về Bắc Kinh, mặc cảm với người đàn ông miền núi tội nghiệp đó khiến tôi không thể yên tâm làm việc. Tôi đành xin nghỉ phép, giải thích sự tình với bố mẹ rồi quay trở lại vùng núi.

Trưởng khoa Dương vừa ngạc nhiên vừa vui mừng, nhiệt tình tiếp đãi tôi. Không đợi tôi hỏi, anh liền thao thao bất tuyệt kể, sau khi tôi đi, anh ấy đã tìm một học sinh trung học tạm thời đến dạy thay, cuối cùng vẫn duy trì được ngôi trường. Sau đó, anh hỏi tôi có định quay lại dạy không. Nhìn dáng vẻ của anh ấy, có lẽ không ai biết chuyện chính tôi là người đã giúp đỡ Tả Thiên. Chia tay trưởng khoa Dương, tôi đến trường nhìn lén một lượt rồi tới nhà của Vương Tiểu Bình. Mọi việc vẫn bình thường, không thấy được ảnh hưởng của việc Tả Thiên rời đi. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Nếu người đàn ông mua Tả Thiên tìm được người vợ khác, tôi sẽ hoàn toàn yên tâm. Nhưng tôi không dám hỏi. Tôi ở lại thị trấn dưới núi hai ngày và gặp một vài phụ huynh học sinh. Mọi người đều rất nhiệt tình, điều đó gợi lên khao khát của tôi đối với Đại Sơn. Có lẽ tôi thực sự có thể đến dạy thêm một hai năm nữa.

Lúc đang đứng đợi ở bến xe thì bỗng có người lao tới đấm vào mặt khiến tôi thấy hoa cả mắt, chưa kịp tỉnh táo thì lại bị trúng bụng, đau đến nỗi không thể kêu thành tiếng. Sau đó, một đám người vây quanh chân đấm tay đá khiến tôi suýt ngất xỉu. Trưởng khoa Dương chưa đi được bao xa liền quay lại kéo đám người ra hỏi lý do. Một người trả lời bằng tiếng địa phương, trưởng khoa Dương lập tức hỏi tôi: "Cậu mật báo cho người nhà của vợ người ta hả?" Thì ra là thế, chính là người mua Tả Thiên đã đến tìm tôi tính sổ. Tôi không nói gì, trưởng khoa Dương thở dài, xoay người nói mấy câu. Một thanh niên cao lớn đẩy trưởng khoa Dương ra, mặt mũi u ám hỏi: "Là anh, đúng không? Anh báo cho người nhà của Thiên Thiên biết cô ấy ở đây đúng không?" Tôi ngẩng lên nhìn, mang máng đây chính là người đàn ông mua Tả Thiên, chỉ có điều so với lần gặp trước, anh ta gầy hơn nhiều, dáng vẻ đầy bạo lực.

Một người khác nói chen vào: "A Viễn, dài dòng làm gì, đánh đi." Không biết ai lại đá vào chân của tôi.

Người đàn ông tên là A Viễn cũng hung hăng đá tôi, sau đó kéo cổ áo tôi lên: "Tại sao anh lại quản chuyện của chúng tôi? Tôi và Thiên Thiên thế nào mắc mớ gì tới anh? Tại sao anh lại...?" Anh ta không nói nữa, tiếp tục đánh tôi.

"Ừm...Tả Thiên muốn tôi giúp đỡ cô ấy." Tôi cố gắng mở miệng.

A Viễn dường như càng nổi điên hơn, anh ta đấm tôi một phát nữa rồi ném tôi xuống đất. Chiếc di động của tôi từ trong túi áo rớt ra ngoài. A Viễn lạnh lùng nhìn tôi, nói: "Tôi và Thiên Thiên là vợ chồng, đã có con cái. Anh cho rằng anh là ai mà quan tâm đến chuyện của chúng tôi? Chia rẽ chúng tôi à?"

"Tả Thiên không muốn làm vợ anh, cô ấy muốn về nhà." Biết là không nên nói, nhưng tôi không kiềm chế được.

"Không đúng, cô ấy không muốn về nhà. Là anh, anh xen vào việc của người khác. Muốn xen vào việc của người khác này!" A Viễn vừa nói vừa đạp. Tôi chỉ biết lăn lộn dưới đất, né tránh.

"A Viễn, cậu xem này." Có người gọi anh ta.

"Cái gì?" A Viễn quay đầu lại.

"Hình như anh ta có địa chỉ nhà vợ cậu. Cậu xem, người gửi tin là Tả Chí Công." A Viễn lập tức đi tới. Tôi đoán bọn họ đang cầm di động của tôi để xem.

"Tả Chí Công là ai? Là bố hay là anh trai của Tả Thiên?" A Viễn cầm di động lại hỏi tôi.

Tôi nghĩ không nên gây thêm phiền toái cho Tả Thiên nên im lặng.

Một người đàn ông bước đến, nhìn tôi nói: "Không nói hả?" rồi đột nhiên bẻ ngoặt tay tôi ra sau lưng. Tôi đau không chịu nổi, đành trả lời: "Là bố của Tả Thiên."

"Đây là địa chỉ của Tả Thiên?" A Viễn lại hỏi.

Tôi tiếp tục im lặng, người đàn ông kia liền mạnh tay hơn, tôi không còn cách nào khác ngoài việc gật đầu.

"Xem ra các người vẫn liên lạc với nhau?" Hỏi câu này chính là gã đàn ông bẻ tay tôi.

Tôi đáp: "Chúng tôi gặp nhau vào ngày Quốc khánh."

"Cô ấy..." A Viễn định hỏi gì đó nhưng lại thôi.

"A Viễn, cậu định thế nào?" Người đàn ông kia hỏi.

"Tôi sẽ đi tìm cô ấy." A Viễn lẩm bẩm, liếc tôi một cái: "A Côn, phiền anh trông coi anh ta mấy hôm, đợi tôi đưa Thiên Thiên về rồi nói tiếp."

"Được thôi." Người đàn ông tên là A Côn trả lời.

Tôi bị nhốt lại như tù nhân, điện thoại di động cũng bị họ lấy mất. Sau một tuần, người tên là A Côn lại lôi tôi ra đánh cho một trận. Mãi tôi mới biết, A Viễn không gặp được Tả Thiên. Nhưng cuối cùng bọn họ cũng thả tôi đi nhưng giữ lại chiếc điện thoại, từ đó tôi mất liên lạc với Tả Thiên.

Bốn năm sau, tôi lại một lần nữa hào hứng đến Đại Sơn, ngạc nhiên khi thấy giáo viên của trường tiểu học là Tả Thiên, cô ấy vẫn xinh đẹp như xưa.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenFun.Vip