Liễu Yêu Lộ Kỳ 4: Phương Đông và Phương Tây

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng
Liễu Yêu Lộ Kỳ 4: PHƯƠNG ĐÔNG VÀ PHƯƠNG TÂY

Đồng Hoa luôn sắp xếp cho Tiểu Yêu những sở thích, lựa chọn và hoàn cảnh là hai thứ.

Một tượng trưng cho Tương Liễu.

Một tượng trưng cho Đồ Sơn Cảnh.

Nàng thích hai màu trắng và xanh lục. Trắng là Tương Liễu, xanh là Đồ Sơn Cảnh.

Lúc vô thức từng xếp hình mặt trăng và bông hoa. Hoặc trong đêm ngồi trong vườn hoa thẫn thờ ngắm trăng sáng. Trăng là Tương Liễu, hoa là Đồ Sơn Cảnh.

Câu chuyện Rắn, Cáo và Tiểu Lục. Rắn là Tương Liễu, Cáo là Đồ Sơn Cảnh.

Những thứ đại diện và mang tính chất ám chỉ xuyên suốt toàn bộ câu chuyện này, tuyệt đối không được lẫn lộn, dù đôi lúc nó sẽ bị Đồng Hoa tráo trở gây mơ hồ để giấu giếm sự thực. Ví dụ như ánh trăng, nhưng ánh trăng nào là Tương Liễu, ánh trăng nào là nguỵ tạo gây nhầm lẫn. Ví dụ như gọi tên một người, nhưng hành động lại hướng về nơi nào biểu hiện.

Có một chi tiết xuyên suốt toàn bộ câu chuyện, đàn cài vào toàn bộ các tuyến nhân vật và sự việc, chính là hai vùng phương hướng: Phương Đông và Phương Tây.

Khung cảnh phía Tây luôn là cuộc sống nhân gian, chiến tranh, thị phi và đau khổ “thuộc về vận mệnh”. Khung cảnh phía Đông luôn là thiên nhiên tuyệt mỹ, an ổn “mang nghĩa chữa lành”.

Tác giả luôn đặt Đồ Sơn Cảnh vào phía Tây. Luôn đặt Tương Liễu ở phía Đông.

Tây và Đông là biểu hiện cho hai vị trí, hai trạng thái cảm xúc, tinh thần và những quyết định trong cuộc đời của hai nhân vật này.

Tây và Đông, cũng tượng trưng cho Đau khổ và Hạnh phúc; Hiện thực và Mộng tưởng; Vấp ngã và Hy vọng.

Có thể nhìn vào những chi tiết nhỏ này để thấy được diễn biến cuộc đời của các nhân vật và điềm báo cho các sự kiện. Tất cả các trường đoạn khi các nhân vật được đặt ở phương hướng Tây, cuộc đời họ và những người liên quan đều không tránh khỏi bi kịch.

Tuy gia tộc Đồ Sơn trải dài khắp đại hoang, nhưng khi miêu tả kỹ, Đồng Hoa cũng cố ý tả nó nằm ở phía tây, ví dụ như khu buôn bán của Đồ Sơn gia nằm mé Tây của trấn Thanh Thủy.

Trái với nó là phía biển Đông giáp với thị trấn Thanh Thủy, quê hương của Tương Liễu.

Toàn bộ vùng thị trấn Thanh Thủy mà Tiểu Lục sống nằm ở cực đông của Hiên Viên, giáp biển.

Nhưng Hồi Xuân Đường lại nằm ở phía Tây thị trấn Thanh Thủy. Phía đông của nó là sông nước, biển cả. Trên con phố phía tây này, cuộc sống của người dân Thanh Thủy vô cùng khốc liệt, mạnh được yếu thua. Cuộc sống của Văn Tiểu Lục, thực ra cũng không dễ dàng.

Tại trấn Thanh Thủy cũng là nơi Đồ Sơn Cảnh gặp nạn mất mạng. Trôi trên biển về đông thì được Tương Liễu cứu.

Chiến tranh khi xưa khiến Bạch đế không đến đón Tiểu Yêu về nhà được cũng nằm ở miền tây.

Phía Tây Bắc của thị trấn Thanh Thủy, luôn có quân đội Hiên Viên chiếm giữ. Nếu chi tiết chuyện có thêm phía Bắc xen vào thì ắt sự việc sẽ có liên quan đến Tiểu Yêu và Tương Liễu. Vì nhánh quân đội này năm đó đã chặn đường rừng nơi Tương Liễu có thể đến, và bắt Tiểu Lục thành Tiểu Yêu trở về Cao Tân.

Nơi mà Đồ Sơn Cảnh chỉ điểm cho Chuyên Húc đến là thành Chỉ Ấp, cũng nằm ở phía tây. Ở đây sau này xảy ra vô số đấu tranh, thị phi. Đối lập với Chỉ Ấp, ở phía Đông được bao bọc bởi bức bình phong thiên nhiên Đan Hà.

Thanh Khâu, gia tộc Đồ Sơn bên cạnh Chỉ Ấp cũng ở phía Tây. Tại gia tộc Đồ Sơn cũng xảy ra lắm thị phi và nội chiến gia tộc.

Cao Tân ở Đông Nam, cố hương của Tiểu Yêu có sông Tương Thủy 🙂. Nơi này có nhiều sông ngòi, đô thành cũng dựa theo dòng nước mà xây nên. Đây cũng chính là lý do từ bé Tiểu Yêu đã thích ngắm nhìn sông nước, bơi lội rất giỏi. Chỗ nàng hay đến chơi ngày bé ngoài điện Tử Hinh nơi mẹ ở, còn lại duy nhất chỉ có Y Thanh Viên, Tiểu Yêu thường đến đó nghịch nước. Thường cứ nơi nào được miêu tả có nhiều sông nước, thiên nhiên trù phú, có người nàng thương, thì đều là thời điểm Tiểu Yêu hạnh phúc. Chỉ khác ở chỗ xưa có sông Tương Thủy, có người Tương Liễu, có mẹ. Sau này thì không có gì, cũng không còn ai. Sau khi trở về Cao Tân, Tiểu Yêu chưa từng một lần dám bước chân vào Y Thanh Viên lần nữa, bởi lúc này Y Thanh Viên không còn mẹ. Cũng không ngắm sông Tương Thủy nữa, bởi Tương Thuỷ bây giờ không có gia đình, không có cha mẹ ở bên. Duy chỉ có biển là nơi duy nhất nàng vẫn muốn trở lại, dù không còn Tương Liễu.

Năm xưa khi Chuyên Húc muốn lên ngôi, phía Tây cũng luôn là một trong những nơi khó thuần phục, cai trị nhất. Chuyên Húc lúc thành Vương, khi rời đô qua lại ở hai nơi, ngoài Chỉ Ấp ở phía Tây là cung điện chính ra, thì Hiên Viên, nơi cung điện mà hắn từng ở cũng nằm ở phía Tây, thường hay gọi là Tây Thượng Viên hoặc Tây cung. Có thể nói, tác giả đã ám chỉ cho thấy cuộc sống vương quyền của Chuyên Húc trên đỉnh Tử Kim, sẽ là chốn đấu tranh, thị phi nhất, không yên bình nhất sau này. Sự vụ của Chuyên Húc đầu tiên khi rời đô, cũng nằm ở phía tây.

Khi Tiểu Yêu mới trở về Cao Tân, bắt đầu từ thời điểm nàng nhận lời hẹn ước mười lăm năm với Đồ Sơn Cảnh. Tác giả bắt đầu luôn miêu tả nàng khi ở bên cạnh Đồ Sơn Cảnh trong nắng chiều ngả về Tây.

Chuyên Húc và A Niệm cũng vậy. Cứ chi tiết nào ám chỉ phương hướng này, ắt nơi ấy có sóng gió, đau khổ thuộc về vận mệnh. Đừng nghĩ Đồng Hoa chỉ tả cảnh cho vui, điều này liên tục được lặp đi lặp lại một cách rất có chủ ý.

Sau này lúc nàng chèo thuyền tìm xác Đồ Sơn Cảnh, Đồng Hoa cũng miêu tả khung cảnh đó trong nắng chiều ngả về tây.

Lúc Tiểu Yêu chuẩn bị váy cho hôn lễ, cũng sử dụng phục sức kết hợp của miền Tây. Sau đó là nhận tin Cảnh mất tích. Trong giai đoạn hôn lễ này, có ít nhất ba lần được miêu tả trong bóng chiều đổ về tây. Phương hướng này luôn được gắn liền với Đồ Sơn Cảnh và Tiểu Yêu.

Tiểu Lục năm xưa cứu Cảnh ở bờ sông Tây Hà thị trấn Thanh Thủy cũng thuộc phía Tây. Nhưng nếu đi men theo con sông này, bơi ra sông Thanh Thủy, nước sẽ đổ ra Đông Hải. Năm xưa nàng chạy vượt sông, chạy ra khỏi Thanh Thuỷ, vào rừng hẹn gặp Tương Liễu, hoặc lúc đuổi theo Phỉ Phỉ gặp Tương Liễu, đều là vùng nằm ở phía đông.

Thành Hiên Viên nằm ở vùng phía Tây, cũng là nơi xảy ra nhiều sự kiện. Lúc Tiểu Yêu theo Chuyên Húc về Hiên Viên, nơi này được miêu tả là nhiều hoang mạc, ít sông ngòi và khô hạn. Chỗ nào đã nằm ở phương Tây lại vắng bóng thiên nhiên, cũng xảy ra nhiều biến cố lớn cho bất cứ nhân vật nào ở đó. Càng nghĩ càng thấy lo cho Chuyên Húc sau này. 🙂 Vì đây cũng là nơi ngoài Thần Nông ra Chuyên Húc thường lui tới sau khi xưng Vương. 🙂

Mọi gian khổ và đấu tranh đều được Đồng Hoa dồn hết vào phía Tây.

Những nỗi lòng và kiếp nạn của Tiểu Yêu, được tác giả đặt ở vùng Tây Bắc hoặc phương Bắc. Tây là tác động của mệnh + Bắc xúc cảm của chính bản thân. Nếu thấy phương Bắc xuất hiện trong cuộc đời Tiểu Yêu, chắc chắn có liên quan đến Tương Liễu.

Phía Đông gắn với Tương Liễu luôn là hạnh phúc và chữa lành, trộn thêm phía Bắc là đại diện cho đau khổ, yêu thương. Ngoài biển Đông ra cực Bắc cũng là nơi Tương Liễu từng sinh sống.

Năm xưa Tương Liễu vội vã cưỡi Mao Cầu bay nhanh về phía Tây Bắc cứu người, chính là nơi thị phi khiến Tiểu Yêu đổ máu ở Mai Viên.

Nơi Tiểu Yêu gian khổ tìm được băng phách để làm quả cầu băng tinh, chính là nằm ở đỉnh núi tuyết vùng Tây Bắc.

Mà khối băng tinh này, được hình thành cũng rất đặc biệt, trên đời có một không hai, trong suốt, tinh khiết, cực độc cũng băng lạnh xuyên tim thấu xương. Rất giống hình tượng Tương Liễu.

Sau khi làm xong, quả cầu hoàn toàn được chuyển về vùng cực Bắc ngàn năm tuyết phủ. Thời gian giấu trong núi tuyết là bốn năm.

Số 4, đại diện cho Tương Liễu.

Tiểu Lục nuôi cổ 4 năm để "giết" Tương Liễu.

Tương Liễu lấy máu đầu tim 444 lần.

Lúc gặp Tương Liễu, Tiểu Yêu 400 tuổi.

Hai chữ "hận ngài", Tiểu Yêu cũng nhắc 4 lần.

Thực ra, Tương Liễu cũng có thể đã mất 4 mạng vì Tiểu Yêu. Tuy nhiên đây chỉ là suy đoán. Vì thực tế nguyên tác, Đồng Hoa luôn phẩy bút phớt qua mọi đau khổ của Tương Liễu. Giống như chỉ nằm nhắm mắt rồi mở mắt một cái là xong, hoặc chỉ được nhắc lại, kể lại một cách qua loa, hời hợt.

Lần thứ nhất là cứu mạng 37 năm trong biển.

Lần 2 là giết Phòng Phong Bội cho Tiểu Yêu hết hy vọng. (hoặc đoạn cứu Tiểu Yêu tự tử)

Lần 3 là cứu mạng lang quân nàng vì nàng.

Lần 4 là giải cổ tình nhân cho Tiểu Yêu.

Với phong cách của Đồng Hoa, thì 4 mạng này có thể tính là hợp lý. Tuy nhiên đây chỉ là phỏng đoán dựa theo thiết lập cố định lên nhân vật của Đồng Hoa.

Ánh trăng là biểu tượng của Tương Liễu, nhưng có vài lần tác giả miêu tả Đồ Sơn Cảnh và Tiểu Yêu dưới trăng, nhưng không phải là ngắm trăng, và ánh trăng này luôn nằm bên bờ Tây. Lần đầu Tiểu Lục gặp Đồ Sơn Cảnh cũng là ngày trăng thượng tuần, bên bờ sông trấn Thanh Thủy, tuy trăng trên đầu, nhưng chỉ mang ý nghĩa khung cảnh, không mang nghĩa thưởng thức. Hoặc Đồ Sơn Cảnh chọn ngày tổ chức hôn lễ đều vào ngày trăng rằm, muốn lấy ánh trăng này lấp đi ánh trăng khác. Muốn lấy ánh trăng đằng Tây lấp đi ánh trăng đằng Đông.

Tác giả cũng hay để cho Đồ Sơn Cảnh đứng lẻ loi đơn độc một mình dưới ánh trăng, nhưng không phải là thưởng trăng, thường là vì chờ đợi, hay là vì bị bỏ rơi. Tất cả mọi thời điểm đau khổ bi thương nhất của Đồ Sơn Cảnh đều được miêu tả có ánh trăng soi sáng trên đầu. Khi xuất hiện chi tiết này trong khung đoạn của Đồ Sơn Cảnh, thực ra có nghĩa lòng hắn đang đau khổ. Đừng nhìn nhân vật cười và lời nói nhẹ nhàng, thì có nghĩa họ đang vui vẻ không có tổn thương. Đồ Sơn Cảnh càng về sau càng không rơi nước mắt nữa, những hễ có ánh trăng này soi xuống Đồ Sơn Cảnh, tức lúc đó nhân vật này chắc chắn đang bi thương.

Ánh trăng của Tương Liễu luôn luôn nằm ở vùng phía Đông, dù là trên đất liền, hay là vùng biển khơi.

Tiểu Yêu mỗi lần đau khổ, nhớ thương, đều luôn vô thức hoặc cố ý hướng về phía Đông, hoặc là biển Đông.

Có đôi lúc bạn đừng nghe các nhân vật nói gì, mà hãy chú ý vào những tiểu tiết Đồng Hoa cài cắm trong từng khung cảnh và hành động của nhân vật. Có những thứ không thốt ra lời lại biểu hiện ra rất nhiều câu trả lời nhiều hơn mong đợi.

Nói thêm một chút về quả cầu băng tinh, món quà của Tiểu Yêu. Tiểu Yêu chuyển quả cầu băng tinh qua tuyến vận chuyển của nhà Đồ Sơn. Có nhiều lý thuyết cho rằng Tiểu Yêu tặng quả cầu băng tinh qua nhà Đồ Sơn chủ yếu là để cho Đồ Sơn Cảnh biết. Thực ra thì điều này không cần thiết, bởi nhất cử nhất động của Tiểu Yêu, Đồ Sơn Cảnh đều biết. Nàng chuyển qua tuyến đường nào thì cũng là như vậy. Tiểu Yêu đơn thuần thực sự tin tưởng vào cách làm ăn và uy tín của Đồ Sơn gia. Nàng cẩn thận và chu toàn đến vậy, luôn cố gắng làm tốt nhất mỗi lần gửi quà cho Tương Liễu. Là bởi nơi Tương Liễu nhận, và thân phận của Tương Liễu trong nghĩa quân Thần Nông, vô cùng phức tạp.

Có một chi tiết khá thú vị ở phần nhận quả cầu băng tinh này. Tác giả thường không cho Tương Liễu thổ lộ việc riêng nhiều, đặc biệt là việc quân. Nhưng hầu như những việc xung quanh Tương Liễu thì Tiểu Yêu đều biết. Việc quân cơ là việc mật, nghĩa quân Thần Nông thường hoạt động trong tối. Bàn việc quân cơ cũng phải vào trong kỹ viện hoặc phường hát. Và những nơi này luôn là nơi được cài cắm tai mắt của Chuyên Húc hoặc Tương Liễu. Ngay cả việc riêng như vậy mà Tiểu Yêu cũng biết. Khi chuyển quà cho Tương Liễu, Tiểu Yêu đã nói địa chỉ đích xác là kỹ viện Tây Hoè. Vậy nơi bí mật này, hẳn Tương Liễu đã tiết lộ cho Tiểu Yêu biết, dù nàng ở phe đối địch. Đây không chỉ còn là nơi trao đổi ngầm việc quân, mà còn là nơi trao nhận quà của Tương Liễu, Tiểu Yêu. Những món quà giá trị liên thành, thể hiện tình yêu thương, lại được trao nhận ở nơi tầm thường nhất, và phải che giấu kỹ lưỡng nhất trong vỏ bọc rách rưới nhất. Sự nan khó và bất đắc dĩ này, không cách nào để thổ lộ ra nơi ngoài ánh sáng. Trao đi một món quà giữa hai người đã khổ cùng như vậy, vây bủa bên ngoài là dối trá thị phi. Chuyện tình cảm của bọn họ cũng thế, nhìn ở ngoài luôn là giao dịch đổi trác, lợi dụng tầm thường.

Quả thực Tương Liễu không thể cho Tiểu Yêu một nơi chốn tốt hơn, cũng không thể cho nàng một cuộc đời tốt hơn. Nàng đi theo y ắt sẽ phải ra vào những nơi như kỹ viện, phường hát. Sẽ sống nay đây mai đó lang bạt kỳ hồ, không trốn an cư, về sau cũng không còn người nương tựa.

Món quà này, dù muốn dâng cả trái tim, cũng không có cách nào đón nhận.

Sau này, Tiểu Yêu đi ra biển đông. Tác giả cho nàng đến nơi có nhiều sông nước và thiên nhiên trù phú như vậy. Theo lý lẽ ẩn mật xuyên suốt toàn câu chuyện. Có thể coi là một điềm báo cho cuộc sống vui vẻ trong tương lai, nếu bên cạnh là một người nàng thương.

Tuy nhiên cuộc hành trình mới chỉ bắt đầu. Đồng Hoa không cho nàng đến cái đích đó ngay lập tức.

Mọi người nhớ lúc Tương Liễu giải cổ cho Tiểu Yêu chứ, y ngẩng đầu ngắm mặt trời hừng đông. Bản thân riêng Tương Liễu, duy chỉ có một lần nhận quả cầu băng tinh trên sông Tây Hoè là ở phía tây, lúc đó cảnh tượng mưa giăng phủ sông nước trông vô cùng buồn thảm. Mọi khung cảnh sau này của Tương Liễu luôn được miêu tả ở phía đông.

Cho dù là lúc Tiểu Yêu bắn tên vào Tương Liễu trên hồ Hồ Lô. Đồng Hoa cũng vẫn đặt sự tổn thương hai phía này ở nơi thiên nhiên đẹp đẽ trong vùng sông nước phía đông. Mặc dù có đau khổ, nhưng tình cảm lại đạt được viên mãn.

"Tương Liễu nhìn Tiểu Yêu lần cuối, rồi thúc đại bàng trắng, vút bay về phương Đông, nơi mặt trời sắp lên cao.

Bình minh rực rỡ, hừng đông xán lạn, y bay đi như gió cuốn, áo trắng phần phật trong gió, dáng vẻ ngạo nghễ, bất phàm...".

Cho nên có lẽ sau khi giải cổ tình nhân, lòng Tương Liễu thực sự cũng chẳng còn gánh nặng gì.

Lúc đến là trong bóng chiều hoàng hôn, lúc đi là ánh bình minh rực rỡ.

Lúc Tương Liễu chết, Đồng Hoa cũng đặt y nằm xuống nơi vùng đất biển đông, trên một hòn đảo hoang tàn. Hòn đảo không có sinh linh sinh sống này, chắc hẳn là Tương Liễu đã cố ý lựa chọn chuẩn bị cho mình. Y lựa chọn ở đó, nhìn về phương hướng biển Đông đó, ngoài binh lính phải chết vì chiến tranh vì lập trường, chưa từng tàn sát bất cứ sinh linh vô tội.

#Trường_Tương_Tư #Cửu_Mệnh_Tương_Liễu #Tương_Liễu #长相思相柳

http://wattpad.com/user/cuu999999999
http://truongtuongtu9menhtuonglieu.wordpress.com
https://www.facebook.com/truongtuongtucuumenhtuonglieu

Cửu

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenFun.Vip