LUDWIG van BEETHOVEN - Symphony No. 6 F-major, Op. 68, Pastoral

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng
GIAO HƯỞNG ĐỒNG QUÊ

Ông (Beethoven) coi nhẹ thứ âm nhạc chương trình tầm thường thiếu chất lượng bên trong - điều này hiển thị khá rõ trong các bản thảo ông đã thực hiện cho tác phẩm này, khi ông gắng tìm cách đúng đắn để đặt tiêu đề cho từng chương và bảo vệ lý do mình làm như vậy. Theo đó, các đoạn tốc ký của tác giả bao gồm những nhận xét như: "Tiêu đề là để người nghe khám phá các tình huống"; "Mỗi hành động vẽ tranh bằng âm điệu, ngay sau khi được đẩy quá xa ; khí nhạc sẽ mất đi sức mạnh của nó"; và "Toàn bộ sẽ được hiểu cả khi không có mô tả, vì nó là cảm nhận hơn là vẽ tranh bằng âm điệu". Những lời cuối cùng của ghi chép này đã trở thành cơ sở cho nhan đề tác phẩm, như được tìm thấy trong một phân phổ đầu tiên của bè violin: "Sinfonia Pastorella/ Pastoral-Sinfonie/ oder/ Erinnerung an das Landleben/ Mehr Ausdruck der Empfindung als Mahlerei"; nghĩa là: "Giao hưởng Đồng quê hay những ký ức về đời sống thôn quê/ Tác phẩm biểu hiện cảm xúc hơn là bức tranh bằng âm thanh".

Thế nhưng dường như tất cả sự bối rối về việc dùng các tiêu đề và những rủi ro của việc vẽ tranh bằng âm điệu đã không ngăn cản Beethoven đặt tiêu đề cụ thể cho từng chương nhạc, thiết lập cả tác phẩm thành truyện kể, khẽ đan cài những trải nghiệm thôn quê, hoặc gom vô số tín hiệu thanh âm từ tự nhiên và con người trong tạo hóa: tiếng chim ca (được gọi tên cụ thể trong tổng phổ ở chương chậm); cơn bão làm gián đoạn điệu vũ của người nông dân; và các nhạc công nơi thôn quê đã được gợi nhắc được lên trong chương I, chương Scherzo và chương kết.

Cách tổ chức tác phẩm có khuôn khổ lớn hơn thường lệ và các tiêu đề chương nhạc như sau:

1. Allegro ma non troppo, "Erwachen heiterer Empfindungen bei der Ankunft auf dem Lande"
("Sự bừng tỉnh của cảm xúc tươi vui khi về tới thôn quê").

2. Andante molto moto, "Scene am Bach"
("Cảnh bên suối").

3. Allegro, "Lustiges Zusammensein derLandleute"
("Cuộc họp mặt vui vẻ của dân làng").

4. Allegro, "Gewitter. Sturm"
("Giông tố. Bão táp").

5. Allegretto, "Hirtengesang. Frohe und dankbareGefühle nach dem Sturm"
("Bài ca mục đồng. Cảm giác hạnh phúc và biết ơn sau giông bão").

Câu chuyện ngầm gợi ra trải nghiệm của một nhân vật chính tưởng tượng, hay người quan sát giữa thiên nhiên. Trong chương I, vì bị thành thị bó buộc, anh ta vùng thoát về vùng thôn quê và hân hoan trong sự phong phú và kỳ quan nơi này. Như trong Giao hưởng số 5, chương I là nền tảng chủ yếu cho tất cả những chương sau đó, lạ thường là chương đầu bản số 6 gần như có cùng độ dài và sự đối xứng tỉ lệ về hình thức như chương I của Giao hưởng số 5: phần trình bày,phần phát triển và phần tái hiện gần như y hệt về thời lượng, và chúng được tiếp nối bằng một đoạn coda đáng kể. Ấn tượng hơn nữa là về dẫn ý hòa âm[...]. Và trong coda, một trong những điều gây bất ngờ nhất của Beethoven xuất hiện: sau một vài cadenza gián đoạn gợi về kết mà ý nhạc vẫn tiếp tục bè, kèn clarinet bắt vào một đoạn solo với ý tưởng chủ đề mới, gợi ra trong tâm trí người nghe hình ảnh một nhạc công kèn hơi thôn quê - như một nhạc công thổi sáo mới, dẫn dắt dàn nhạc đến kết thúc chương. Đó là một nét duyên hóm hỉnh nhẹ nhàng là một trong rất nhiều pha ứng đối hài hước ở Beethoven và thường xuất hiện vào những khoảnh khắc quan trọng trong tác phẩm từ giai đoạn này cho tới cuối đời.

Đến chương chậm, sân khấu chuyển sang "cảnh bên suối". Chương nhạc nổi tiếng với sự mô phỏng các loài chim xuất hiện trong Coda - sơn ca (sáo flute), chim cút (oboe), và chim cu (hai clarinet) - tất cả đều được đề tên trong tổng phổ, ở từng vị trí mà Beethoven đã lưu ý nhấn mạnh cho người chép nhạc trong bản thảo viết tay. Những tiếng chim gọi bầy của thiên nhiên đó cũng gần tương tự trong các tiểu khúc cadenza của các ca sỹ solo, quả thực đó là những đặc tả tiếng chim rất rõ ngay từ đầu chương nhạc. Lắng nghe toàn bộ chương chậm và nghe những tiếng láy rền của các bề violin ở quãng cao như những tiếng chim, ta hình dung được cảnh bờ suối nơi thôn dã trong tâm trí. Trong lúc mường tượng, chúng ta nhận ra rằng chuyển động nhịp nhàng theo chùm ba của dàn dây ở bè trầm ngay từ đầu đại diện cho chuyển động của dòng suối; rằng những tiếng chim xuất hiện vào những khoảnh khắc bè violin 1 láy rền những nốt Si trong chương nhạc; và rằng sự kết hợp đó gợi tả khoảng cách giữa dòng suối dưới mặt đất với lũ chim trên cao bằng âm nhạc, khi lũ chim đang hót láy, bay ra vào với cây cối hai bên mọc bờ suối. Mối quan hệ không gian giữa con suối dưới mặt đất và lũ chim phía trên không chỉ là một bức tranh tưởng tượng, nó thể hiện rất tự nhiên bằng khoảng tách biệt về âm vực giữa các nhạc cụ quãng âm trầm (cello và contrabass) với các nhạc cụ quãng âm cao (violin)." Các yếu tố được chọn để mô tả cảnh bên suối dường như rất bình thường này tạo thành các thành phần tương ứng nhằm kịch tinh hóa các quãng âm, tăng mức độ khái quát, thêm không gian âm thanh. Đây là cách mà Beethoven thường sử dụng trong nhiều tác phẩm trừu tượng, không mang tính sắp đặt theo chương trình của mình trong giai đoạn này. Trường hợp của chương nhạc này, các thủ pháp này giúp tích hợp tính chương trình với cấu trúc, đúng như chúng ta cảm nhận bằng trực giác.

Toàn bộ cách biểu đạt vừa nêu cũng tương ứng với cả khuôn khổ lớn, và cả cao trào về cuối chương nhạc. Trong phác thảo ban đầu năm 1804, Beethoven có thể đã có ý tưởng về việc làm cho sự phát triển của dòng suối tương quan với sự mở rộng về quãng âm của toàn bộ chương nhạc. Ở đó, ông đã viết một chủ đề ở nhịp 12/8 miêu tả chuyển động của dòng suối, với lời chú giải "je grösser der Bach je tiefer der Tor" ("Suối càng rộng thì tiếng suối càng trầm"). Nhận xét này là ví dụ cho thấy sự liên hệ giữa hình ảnh thị giác và quãng âm âm nhạc: tại đây từ "grösser" với nghĩa "càng rộng" hẳn cũng có nghĩa "càng lớn hơn và "càng sâu hơn" - như dòng suối, đạt được sức mạnh và bề rộng khi nó chảy trên hành trình và gần đến lúc trở thành một dòng sông, cũng trở nên sâu hơn. Độ sâu lớn hơn của nó tương ứng với đích tới của cao trào âm nhạc có quãng âm rộng hơn, từ đáy lên tới đỉnh [từ âm trầm nhất lên âm cao nhất]; âm lượng lớn hơn; tận dụng toàn bộ dàn nhạc ở mức độ phô bày hết cỡ; và tạo ra cao trào chương nhạc lúc gần về cuối. Cao trào lớn trong chương nhạc có hình thức gần như sonata khá phức tạp này xuất hiện tại lúc bắt đầu phần tái hiện, nơi điệu thức âm chủ Si giáng trưởng quay lại sau những chuyến du ngoạn qua các lần chuyển giọng của phần phát triển. Giờ đây dòng suối đã trở thành dòng sông, bầy chim tụ họp đông vui hơn và hót láy sôi nổi hơn; toàn bộ cảnh quan âm thanh đã mở rộng đến bốn quãng tám và cuối cùng sẽ mở rộng hơn nữa khi có sự tham gia của các sáo flute.

Khung cảnh từ đây chuyển sang một cuộc tụ tập của những người dân quê điển hình của Breughel (1525/1530 - 1569: danh họa Phục hưng người Hà Lan nổi tiếng với các bức tranh vẽ phong cảnh và nông dân). Âm điệu của chương III được thiết lập bằng việc Beethoven sử dụng thuật ngữ lustig - nghĩa là một đám đông "vui vẻ" và sôi nổi, có tinh thần tập thể nhộn nhịp đặc trưng của một phần scherzo. Mở đầu là chủ đề có âm hình đi xuống ở điệu Pha trưởng, sau đó được cân bằng ngay lập tức bằng chủ đề tương phản với nó ở giọng Rê trưởng. [...]
Đột nhiên có cơn bão đến gần, từ cường độ piano ở các bè cello và bass, rồi nhanh chóng bùng nổ thành một cơn cuồng nộ fortissimo bao trùm cảnh quan. Cơn bão mang tới lần sử dụng điệu thứ đầu tiên trong toàn tác phẩm, và chúng ta nhận ra rằng Beethoven đã để dành điệu thứ cho cơn bão [...]. Cuối cùng, người nghe tới điểm ổn định trên giọng Đô trưởng, nơi chúng ta chỉ còn nghe thấy một câu thánh ca. Yếu tố tâm linh được gợi lên ở đó vừa như bất chợt vừa như đã có hữu ý từ trước - trong một phác thảo Beethoven đã viết: "Herr, wir danken Dir" ("Thưa Chúa, chúng con tạ ơn Người").

Và giờ đây là chương kết đẹp nhất và thanh bình nhất trong số các chương kết giao hưởng, "Bài ca mục đồng", được để hiệu "Cảm giác hạnh phúc và biết ơn sau giông bão". "Lòng biết ơn" được cho là xúc cảm của người dân quê nhưng cũng là của lý tưởng trong người nghe, tác nhân vật tưởng tượng đã được nhắc tới trong chương I. Do đó, ông cũng chứng kiến trạng thái yên bình trở lại theo vòng tuần hoàn trong chuyến du ngoạn thiên nhiên.

----
Tranh: Thu hoạch - Pieter Bruegel già (De oogst - Pieter Bruegel de Oude).


Bạn đang đọc truyện trên: TruyenFun.Vip