Quyen Ket Phien Ngoai Thuong Tien Tuu Duong Tuu Khanh Chuong 213 Bien Cuc

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng
Lương Thôi Sơn không mặc quan bào, bận chiếc áo không tay cổ chéo khoác bên ngoài một tấm áo da dê cũ, chân đi đôi giày vải xanh. Trông hắn khác một trời một vực với "Sùng Thâm đại nhân" trong những lời đồn thổi khắp phố phường, bởi vì cả ngày phơi mặt bên ngoài nên da đã sạm đen. Tay trông chẳng giống tay cầm bút mà giống tay cầm cuốc hơn. Lúc hắn đứng dưới ngọn đèn lồng ở trạm dịch nghênh đón Khổng Tưu với Sầm Dũ, Sầm Dũ suýt nhầm hắn với tạp dịch.

"Sao Sùng Thâm lại thành thế này?" Sầm Dũ sửng sốt.

Lương Thôi Sơn dẫn bọn họ lên lầu, đợi bọn họ ngồi xuống mới mở lời: "Nói ra thì dài lắm, hai vị đại nhân đã chịu tới, hạ quan thực sự chết trăm lần cũng chẳng hối tiếc!" hắn vừa nói vừa khom lưng hành một lễ dài với Tiết Tu Trác, "hôm nay đại nhân cứu ta từ nước sôi lửa bỏng, ân tình này, hạ quan sẽ không bao giờ quên!"

Tiết Tu Trác lấy khăn ấm trong phòng lau tay, ngồi xuống một bên, chỉ nói: "Chuyện cấp bách, ngươi nói cho hai thầy trước đi đã."

"Chuyện gì vậy," Khổng Tưu nhìn Lương Thôi Sơn một lượt, "tính đúng ra thì ngày kia ngươi mới về Khuất đô chứ."

"Phía sau hối thúc, hạ quan không dám bê trễ. Chẳng giấu gì đại nhân, bộ đồ này cũng là để che giấu tai mắt người khác." Lương Thôi Sơn vừa nói vừa móc cuốn sổ trong ngực áo ra, khẽ khàng đặt vào tay Sầm Dũ, "Đại nhân đốc tra kiểm chứng sổ sách hàng năm của bộ Hộ, cuốn sổ này đã từng thấy qua rồi, ngài thử xem xem."

Sầm Dũ mở sổ ra đọc một hồi lâu, ngập ngừng: "Đây chẳng phải là sổ sách thành Thuyên đưa cho bộ Hộ đợt đầu năm sao?"

"Đúng thế, chính là sổ sách của Hách Liên hầu thành Thuyên, hồi đầu năm đã được giao cho bộ Hộ thẩm lý chung với sổ sách của bảy thành còn lại, do Đô sát viện phụ tá kiểm chứng để điều tra rõ ràng thuế má và chi tiêu của bọn họ, lúc đó thì chưa có vấn đề." Lương Thôi Sơn nói đến đây, lại móc thêm một cuốn sổ khác từ trong ngực ra, "Còn đây là của hạ quan chỉnh lý lại mấy hôm nay."

Sầm Dũ mới dợm thấy dòng đầu tiên đã biến sắc, hỏi Lương Thôi Sơn: "Cuốn này làm sao mà ngươi chỉnh lý ra được?"

Vẻ mặt Lương Thôi Sơn hết sức nghiêm trọng, sắp xếp lại suy nghĩ giây lát mới đáp: "Tháng trước Thái hậu hạ chỉ, Phan thị lang muốn hạ quan phụ tá Đại lý tự điều tra sổ sách của thành Đan, nhưng lúc đó hạ quan vẫn đang ở Quyết Tây, cùng Giang đại nhân thẩm lý thuế muối của mười ba thành, đang đến thành Dung rồi."

Mấy hôm sau, Lương Thôi Sơn ở ngay trạm dịch nhận được thiệp bái của quan đốc lương Quyết Tây, lúc đang làm việc dở tay thì hắn không để ý, vậy mà vị quan đốc lương này lại nhân thể để lại cho Lương Thôi Sơn một chút "quà mọn", đến lúc Lương Thôi Sơn mở ra mới phát hiện trong đó là vàng trắng.

"Quyết Tây thông với đường thủy của thành Địch và Hà châu, quan đốc lương có nhiệm vụ quản lý lương vụ và thủy vận ở đó, ấy là một công việc béo bở, thế nhưng vì hạ quan đang ở trong ti bố chính của Quyết Tây, có bố chính sứ Giang Thanh Sơn tổng quản, cho nên không dám rút dây động rừng."

Chức quan đốc lương có vài điểm tương đồng với chức vị của Lương Thôi Sơn, chỉ là quyền hạn không lớn bằng hắn kiêm nhiệm cả hai địa phương thôi, dẫu vậy lại tương đối có sức ảnh hưởng ở Quyết Tây. Lương Thôi Sơn không dám rút dây động rừng, là bởi lúc đó, hắn nghi người này là do Giang Thanh Sơn bày mưu đến đút lót.

Lương Thôi Sơn rất thận trọng, hắn quả thực đã phải trải qua vô vàn truân chuyên để có được ngày xuất đầu, bởi vậy mới hết mực cẩn thận trên chốn quan trường. Hắn vừa muốn làm một năng thần, lại vừa muốn bảo toàn tính mạng, Quyết Tây là địa bàn của Giang Thanh Sơn, nếu hắn mà lập tức trình tấu vạch tội vị quan đốc lương này, có khi tấu chương còn chưa ra nổi Quyết Tây đã bị giữ lại rồi ấy chứ. Chưa kể năm Hàm Đức thứ tư Giang Thanh Sơn còn mở kho phát lương, một mình cáng đáng khiến triều đình bàng hoàng, được kính yêu ở toàn bộ mười ba thành Quyết Tây, chỉ riêng thế đã đủ thấy Lương Thôi Sơn chẳng có phần thắng nếu đối đầu với hắn, huống hồ ai tinh mắt đều thừa biết, Giang Thanh Sơn là thanh đao của Tiết Tu Trác.

"Hạ quan trăn trở rất lâu ở trạm dịch, vàng thì tất nhiên không thể nhận rồi, thế nhưng bạ gửi về cũng lại sợ chôn xuống mầm họa." Lương Thôi Sơn nói tới đó thì liếc nhìn Tiết Tu Trác, "Vả lại thanh danh của Giang Thanh Sơn đại nhân ở bên ngoài, hạ quan cộng tác với ngài ấy đã lâu, cũng đã hiểu phần nào con người ngài ấy. Bởi vậy hạ quan mới dứt khoát triệu quan đốc lương kia đến."

Đây là binh dùng chiêu hiểm, Lương Thôi Sơn không dám động bừa, nên phải tìm kiếm những dấu vết khác từ cái lỗ hổng này, chí ít hắn phải xác minh được rằng, người đứng sau lưng quan đốc lương đến tột cùng không phải Giang Thanh Sơn.

"Thuế vụ thủy vận của mười ba thành đều qua tay quan đốc lương, lấy được tiền không phải chuyện khó," Khổng Tưu nói, "thế nhưng ngự sử mà Đô sát viện phái xuống cũng theo dõi sát sao sổ sách, tàu thuyền lai lịch đều rõ ràng, hắn luồn lách kiểu gì được?"

"Đó cũng chính là chỗ mà hạ quan nghi ngờ," Lương Thôi Sơn nói, "hạ quan giả vờ không dám, bảo quan đốc lương mang vàng về đi, hắn mới bảo, vàng này sạch lắm, không phải đồ của Quyết Tây đâu."

"Hắn quản thủy vận, nếu mà không phải đồ của Quyết Tây," Sầm Dũ đóng sổ lại, "vậy thì chính là..."

Đồ của thành Địch hoặc Hà châu.

"Nhan Hà Như của Hà châu là một tên gian thương quỷ quyệt, năm ngoái hạ quan kê tra thủy vận của Hà châu, gã còn gửi đút lót nữa, thế nhưng gã có trong tay gia tài bạc triệu, chẳng tội gì phải mạo hiểm tiêu tiền từ quỹ nội bộ của triều đình." Lương Thôi Sơn nhắc đến thành Địch thì lại càng thận trọng, "Châu phủ thành Địch hiện tại là con thiếp của Phí thị ở rể Hoa gia, Thái hậu rất xem trọng, thành tích đô sát mấy năm nay đều đạt xuất sắc, hạ quan không dám vô duyên vô cớ cắn bừa người khác, chỉ có thể qua lại với quan đốc lương kia, hy vọng có thể thăm dò được nhiều thông tin hơn."

Hối lộ tức là muốn làm việc, nhất là được ngồi ở vị trí của Lương Thôi Sơn. Thoạt tiên hắn cho rằng tên quan đốc lương đó là người của Giang Thanh Sơn, lý do đút lót là bởi lúc ấy bọn họ đang kê tra thuế muối của Quyết Tây, thế nhưng hắn mau chóng nhận ra chẳng phải, nếu chỗ vàng này không phải đồ của Quyết Tây, vậy điều ấy chứng tỏ người đứng sau lưng quan đốc lương là một người khác, người đó chỉ có thể là đại quan gần với thế gia thành Địch.

Chắc chắn Lương Thôi Sơn sẽ không bảo là Hoa thị thành Địch, bởi vì đó là nhà gốc của Thái hậu, năm xưa Hoa Tư Khiêm rớt đài, cái phủ của Hoa gia mà triều đình tịch thu chỉ là phủ đệ của Hoa Tư Khiêm mà thôi, chưa đến một năm Thái hậu đã Đông sơn tái khởi, hiện giờ lại còn chủ lý chính vụ, Lương Thôi Sơn có gan đến mấy cũng không dám cắn Thái hậu.

Song, Lương Thôi Sơn chỉ cần suy ngẫm một chút về hướng của Khuất đô là có thể hiểu ngay chỗ vàng này dùng để mua thứ gì. Lúc ấy Thái hậu hạ chỉ sai Lương Thôi Sơn đi theo Đại lý tự để tra xét ruộng đất của thành Đan, vậy ai sẽ hoang mang nhất? Phan thị thành Đan sẽ hoang mang nhất.

Đến đây thì Sầm Dũ đã vỡ ra, một vòng tròn lớn như vậy, kỳ thực chính là Hách Liên hầu muốn bảo vệ Phan thị, mượn tay quan đốc lương để hối lộ Lương Thôi Sơn. Quận chúa Chiếu Nguyệt con gái của Hách Liên hầu gả cho con trai Phan thị, con trai thiếp của lão lại gả cho con gái Hoa gia, chỉ có lão là hợp lý nhất, chỉ tội nước cờ này quả thực không hề sáng suốt.

Phan Lận có ơn đề bạt với Lương Thôi Sơn, ân tình ấy ban đầu là được Tiêu Trì Dã mớm cho, song về sau thì xác thực là bởi Lương Thôi Sơn có tài, Phan Lận bằng lòng cho hắn ra mặt. Giả chăng Lương Thôi Sơn mà có chút tư tâm nào, vì phần ân tình này, hắn cũng phải suy nghĩ thấu đáo trước khi làm gì với thành Đan, đây là việc mà hắn không thể từ chối. Nhưng giờ thì hay rồi, Hách Liên hầu cho người đến đút lót, chỉ cần Lương Thôi Sơn không tấu chuyện này lên là coi như đã trả đủ món nợ ân tình của Phan Lận cho hắn, còn về phần mai mốt điều tra sổ sách thành Đan ra sao, hắn khỏi cần bận tâm nữa.

Không chỉ có vậy, Lương Thôi Sơn còn có thể nhân khoản hối lộ này, bí mật tra lại sổ sách của tám thành, đặc biệt chú trọng kiểm tra sổ sách Phí thị thành Thuyên của Hách Liên hầu. Thường nói tra sổ sách thì không ra được tiền, trên thực tế, hễ tàu thuyền hoặc đội buôn đi qua trạm thuế trong vùng, thế gia sẽ lại lập thêm một tầng trạm thuế vô hình nữa ở trong thành của mình. Để được quá cảnh, thương nhân buộc phải nộp một phần thuế riêng cao gấp bội lần cho thế gia. Về sau xuất hiện một kẻ như Nhan Hà Như, gã muốn lấy lại những khoản bạc đã bị khoét mất, bởi vậy bèn thế chân Hề thị, bắt đầu thay thế gia và các quan lớn nhỏ ở địa phương đầu cơ tích trữ đồng sắt muối trong vùng, đi đường vòng để tránh trạm thuế, bởi vậy mới thành lập được tiểu hỗ thị ở Đôn châu.

Sầm Dũ lại mở cuốn sổ đã chỉnh lý của Lương Thôi Sơn ra, choáng váng trước những khoản bạc trong ấy. Bao năm nay bọn họ vật lộn với thế gia ở Khuất đô, liên tiếp hạ bệ vô số những năng thần kiện tướng, ấy vậy hai khoản sổ sách của Hoa Tư Khiêm và Phan Như Quý mà Hải Lương Nghi truy được thời Hàm Đức lại chỉ là một góc của toà núi băng!

Mặc dù thời kỳ hưng thịnh của triều Vĩnh Nghi rất chóng vánh, song chế độ thuế má để lại cho các vùng đã đóng góp phần lớn nhất vào niên thu* của quốc khố. Đại Chu có thể nhanh chóng lụn bại đến nước này chỉ trong mười mấy năm ngắn ngủi, hoàn toàn là vì sổ sách rối loạn, nội bộ bị khoét rỗng, những bạc kia chảy hết vào túi của thế gia.

(*Thu hàng năm.)

Sầm Dũ ngồi chẳng vững, đôi bàn tay cầm sổ của ông run rẩy.

Ngoài bạc thuế ra, còn có cả ruộng đất, Sầm Dũ thậm chí chẳng cần tính kỹ cũng đã có thể mường tượng ra được khoản ấy khủng khiếp đến cỡ nào.

"Năm Hàm Đức Ly Bắc dùng binh, không có quân lương, Tiêu Ký Minh chỉ có thể dựa vào chút lương thực từ quân đồn của Ly Bắc mà giục ngựa xuôi Nam chặn lại kỵ binh Biên Sa." Sầm Dũ thở dồn, run rẩy lật trang, "Khi đó Khải Đông cũng không có quân lương, Lục Quảng Bạch mang của hồi môn của Thích Trúc Âm ra Bắc viện trợ, ruộng đất bao năm nay của Thích Thời Vũ cũng đều để bù cho quân phòng vệ. Còn có năm Thiên Sâm nguyên niên, bộ Thanh Thử đánh đến tận cửa quận Biên, binh của Lục Quảng Bạch ở cửa đói đến mức phải ăn cát vàng!"

Từng lần, từng lần.

Tướng lĩnh Nam Bắc vào đô chính là để xin tiền, Thích Trúc Âm buộc phải lăn lộn với đám vay nặng lãi của Khuất đô, Lục Quảng Bạch năm Hàm Đức thậm chí còn chẳng được thấy mặt Hàm Đức đế. Trong nạn hạn hán Quyết Tây chết mất bao nhiêu người? Giang Thanh Sơn cắn răng mở kho phát lương, mẹ già tám mươi tuổi của hắn còn phải dệt vải trả nợ. Sáu châu Trung Bác cực chẳng đã trống không, Chu Quế, La Mục, Hoắc Khánh buộc phải khom lưng phủ phục trước mặt thổ phỉ.

Đây chính là tiếng khóc nghèo của bộ Hộ.

Sầm Dũ nghiến hận giữa răng môi, ném cuốn sổ lên bàn, nói: "Còn chưa tính cả ruộng đất mà tám thành chiếm đoạt nữa, đây đều là bạc máu..." Ông nói đến đây, giọng khê khản nghẹn ngào, "Các lão truy đến nỗi ấy... Năm Hàm Đức nước đã vong... Còn cứu được sao? Không thể cứu được nữa!"

Trong phòng lặng ngắt, Lương Thôi Sơn cúi đầu bất động, hắn là cọng bèo chẳng gốc chẳng rễ, muốn dò vào sâu hơn thì cần phải có một gốc đại thụ để dựa vào. Hắn quen Giang Thanh Sơn trước, nhờ thế được diện kiến Tiết Tu Trác, sau đó mới gặp được Khổng Tưu và Sầm Dũ. Hắn không nhận vàng của Hách Liên hầu, nhưng giữ trong tay cũng vô dụng, phải có người bảo lãnh, bằng không hắn mà đến thành Đan, chỉ cần không ngụy tạo sổ sách theo ý của Hách Liên hầu là khắc sẽ phải chết, Phan Lận cũng chẳng bảo vệ được hắn.

Khăn Tiết Tu Trác đặt bên cạnh đã lạnh ngắt, hắn nói: "Chuyện này vốn ta nên tránh hiềm, song việc liên quan đến an nguy của Sùng Thâm, liên quan đến cả điều tra ruộng đất của thành Đan, chỉ có thể bàn với hai thầy ở đây thôi." Hắn vừa nói vừa rót trà cho Sầm Dũ và Khổng Tưu, "Hôm nay nghe tin Khải Đông dụng binh, dám chắc bộ Hộ lại từ chối rồi. Sổ sách các nơi nhập nhằng, chỉ sợ sẽ làm trễ nải vụ xuân và quân lương của Khải Đông."

Khổng Tưu rất dè chừng Tiết Tu Trác, Tiết Tu Trác đã chơi một vố quá hiểm từ chuyện trữ quân, lại còn lợi dụng sóng gió Thái học để chèn ép quan viên hàn môn, nay phái thực kiền thế như vũ bão, Khổng Tưu không vui. Bằng trực giáp làm quan nhiều năm ở bộ Hình, ông đoan chắc Tiết Tu Trác tuyệt sẽ không khoanh tay bất lực, mới nói: "Ngươi triệu tập bọn ta đến đây, hẳn không phải chỉ để xem sổ sách chứ."

"Bàn chuyện nào, xong chuyện nấy." Tiết Tu Trác sửa lại danh xưng cho Khổng Tưu, "Lúc nghị sự ở Minh Lý đường, nguyên phụ không hề đặt ra nghi vấn của mình đối với việc đại soái xuất quân đánh bộ Thanh Thử, có lẽ là tán thành đi , song vì vướng quốc khố trống rỗng, bộ Hộ quả tình không gánh vác nổi tiền mua quân lương nên mới không thương nghị đến cùng với Thái hậu."

"Đúng vậy," Khổng Tưu điềm tĩnh hơn hẳn lúc Hải Lương Nghi còn tại, "đại soái xuất quân đánh bộ Thanh Thử lúc này, trông thì giống như dẹp ngoại xâm cho Ly Bắc, nhưng kỳ thực là dẹp ngoại xâm cho Đại Chu. A Mộc Nhĩ lòng lang dạ sói, tổ mà lật thì chẳng trứng nào lành*, giúp Ly Bắc bây giờ chính là giúp Đại Chu."

(*Ý câu này là một người nguy thì sẽ tất cả sẽ nguy theo ấy. Mình không biết tiếng Việt có câu nào tương tự không, again, cầu cao nhân.)

Tiết Tu Trác lấy một cuốn sổ gấp từ trong tay áo ra rồi đẩy tới bên tay Khổng Tưu, nói: "Đây là chi tiêu quân lương Khải Đông ta vừa mới tính đại khái, xuất binh đường dài không thể thuận tiện như quận Biên trú đóng sẵn những năm trước, phí xe lương có thể ngốn hết bạc thuế toàn vùng châu Bạch Mã năm ngoái."

Khổng Tưu xem sổ, nói: "Cứu trợ thiên tai năm ngoái đã tiêu hết một phần bạc, giờ lại sắp sang xuân, vụ xuân của tám thành có suôn sẻ được hay không cũng là một vấn đề lớn. Chừng nào thuế gia còn chưa chịu trả ruộng cho dân, đền bù thuế ruộng, thì nội các hẵng chưa thể phản hồi thỉnh cầu xuất binh của đại soái, ngươi có tính rõ mấy đi nữa cũng là công cốc thôi."

"Nhưng ta lại có cách," Tiết Tu Trác nhìn Khổng Tưu, "quân lương của Khải Đông lần này có thể để Tiết thị đảm nhận."

Vừa dứt lời, không chỉ Khổng Tưu và Sầm Dũ, mà đến cả Lương Thôi Sơn cũng ngỡ ngàng.

Ai cũng biết, Tiết thị thành Tuyền đã bắt đầu lộ thế suy tàn từ thế hệ trước, con cả Tiết Tu Dịch là một tên học đòi thanh cao, suốt ngày bị bọn lừa đảo trên giang hồ lừa nợ tiền khắp nơi, đến bây giờ nhà bọn họ chỉ còn mỗi Tiết Tu Trác là còn có chỗ đứng trên triều đình, Tiết thị đào đâu ra tiền chứ?

Lương Thôi Sơn bỗng sực nghĩ ra, nhớ tới Thẩm Trạch Xuyên, và ngay sau đó là Hề Hồng Hiên.

Khổng Tưu ngờ vực lom mắt nhìn Tiết Tu Trác, nói: "Khoản tiền khổng lồ cỡ ấy, ta thân là thủ phụ nội các viết giấy ghi nợ cho ngươi còn chưa chắc đã đủ mà trả."

"Chỗ bạc này nguyên phụ không cần viết giấy ghi nợ cho ta," Tiết Tu Trác rót trà cho Khổng Tưu, nghiêm nghị nói: "ta chỉ mong nguyên phụ sẽ hợp tác kê tra thuế ruộng tám thành với ta thôi."

Ngọn đèn lồng ngoài trạm dịch đung đưa, gió thổi bay mất tờ cáo thị trên đường. Tiếng sênh nhạc loáng thoáng từ con phố Đông Long ở Khuất đô, vẳng qua nẻo đường dài nơi trạm dịch, bị tường cung cách trở, tan biến dưới tầng tầng mái hiên. Lý Kiếm Đình ở bên trong tường cung đương ngồi cạnh giường, trong hồi chuông gió "leng keng", nhớ lại quãng đời xưa.

Phong Tuyền đang buông màn cho Lý Kiềm Đình, chợt nghe thấy trữ quân hỏi: "Ngươi đeo khuyên tai à?"

Bờ vai Lý Kiếm Đình chìm trong suối tóc đen, nàng nhìn căn tẩm điện thâm u, như đang trả lời thay Phong Tuyền, hoặc trả lời thay chính mình.

"Ta ghét khuyên tai," đôi mắt giống hệt Quang Thành đế của nàng lướt đến Phong Tuyền, chầm chậm cười lên trong bóng tối, "đeo lên giống như gia súc vậy, ai muốn giết thì giết."

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenFun.Vip