Plot 24. Mạn phép không đề tên

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng
Tôi có cảm giác thầy Hằng của chúng tôi chưa bao giờ vui. Trong đôi mắt thầy luôn chất chứa một nỗi buồn sâu thẳm. Nó kín đáo và tế nhị đến mức không dễ gì lộ ra, nhưng rõ ràng thầy không bao giờ giỏi trong việc che dấu cảm xúc của mình.

Thầy Hằng là thầy giáo duy nhất ở trong làng, nghe nói trước đó thầy là một anh lính thuộc bộ phận tình báo, nhưng sau này vì vết thương ở chân mà rời ngũ về quê dạy học. Nhờ thầy mà đám trẻ trong làng biết chữ, cũng chẳng thu một xu, một cắc bạc nào của chúng nó. Hoạ may chúng cho thầy mấy củ khoai thì thầy nhận. Buổi sáng thầy đi bán ở chợ, chiều tối về dạy học. Cây nạng và cái chân què không cho phép thầy ra nương, ra rẫy. Thầy Hằng từng đùa rằng nếu có sức thì một mình thầy cày mấy sào ruộng luôn ấy chứ, tiếc là thời trẻ của thầy qua rồi.

Tôi không phải đứa sáng dạ gì cho cam, nhưng tôi vẫn luôn cố gắng hết sức để học được chữ nào hay chữ đấy. Tôi không muốn phụ lòng thầy, không muốn phụ lòng người thầy dịu dàng đã mang cái băng cát xét từ tỉnh về cho tôi. Mùa đông đến cái chân của thầy lại trở chứng, thịt thà co quắp lại, teo riết. Tôi không thể phụ tấm lòng của một người thầy đã mặc cái chân đau của mình để dạy bảo từng tí từng li cho tôi được.

Thầy Hằng không thường xuyên kể về quá khứ của thầy. Thầy bảo nó đáng sợ lắm, toàn súng đạn bom mìn thôi, có gì đâu mà đáng nghe, vậy mà tôi nằng nặc đòi nghe cho bằng được, với tôi những chiến sĩ như thầy là những người anh dũng và cao quý nhất trần đời. Đôi lúc, tôi từng ước mình sẽ trở thành người quả cảm như thầy vậy.

Một lần nọ, trong lúc giúp thầy dọn dẹp đồ đạc, tôi tìm thấy một bức ảnh được kẹp giữa những trang sách đã ố màu. Là nó bị rơi ra nên chứ không phải tôi tự ý tọc mạch đâu nhé. Bức ảnh chụp năm người lính đang choàng vai nhau cùng cười cùng nói vui vẻ. Tôi có thể nhận ra thầy tôi lúc còn trẻ, ừm, hồi đó thầy Hằng của chúng tôi đẹp trai phết. Thầy của chúng tôi vốn nhỏ con, chụp chung với các anh chị chiến sĩ cao lêu nghêu trông chẳng khác gì gà lạc giữa bầy vịt.

Từng có một thời thầy tôi đã nở một nụ cười rất hạnh phúc.

Dù chỉ là một cái cong môi rất khẽ nhưng tôi biết, quãng thời gian tòng ngũ là một trong những đoạn thời gian đẹp nhất của thầy.

Trái tim tôi chợt nghẹn lại. Đúng lúc ấy, thầy Hằng đã về. Thầy thấy tôi với bức ảnh trên tay thì không khỏi thở dài, dường như thầy biết cái ngày này sẽ đến và thầy không giữ mọi thứ được lâu. Thầy chống cây nạng, khệ nệ tiến về phía bên này. Tôi vội chạy đến, lòng thấp thỏm âu lo.

"Bảy muốn nghe chuyện ngày xưa của thầy đúng không?"

"Dạ thôi thầy ơi, em chỉ tình cờ thấy bức ảnh bị rơi thôi chứ không cố ý đâu thầy. Thầy, thầy lại đây ngồi nghỉ đi. Em đi pha nước cho thầy nhé!?"

Nói rồi, tôi chạy lăng xăng như một chú sóc nhỏ.

Thầy Hằng chậm rãi rót cho mình một chén nước lá vối, từ từ nhấm nháp từng ngụm với một ánh nhìn xa xăm. Tôi rón rén ngồi bên cạnh thầy, toàn thân căng cứng.

Giọng thầy tôi ấm áp như bát khoai mì tôi mới hấp hồi sáng. Tôi luôn thích nghe thầy kể chuyện, những lời thầy kể luôn có một sức hấp dẫn khó tả thành lời, là vì thầy tôi luôn nói những lời chân thực chăng? Tôi không rõ nữa.

Thầy chỉ tay vào bức ảnh và đọc lần lượt từng cái tên một.

Ở đây là anh Nguyên đội trưởng này, dù hơi lười nhưng được cái thông minh sáng dạ, dù hơi lười nhưng đến khi cần thì đáng tin lắm.

Đây là chị Lưu này, theo lời thầy thì chị Lưu là hoa khôi của toàn tiểu đội đấy. Chị Lưu gỡ bom rất giỏi, mắt quan sát rất tinh tường, nói chung là không có gì để chê.

Bạn thân chị Lưu là một chị nữ thanh niên khác không rõ tên tuổi, người ta chỉ biết chị họ Hồ. Chị đã mất trong một chiến dịch nhắm vào cánh quân phía Đông của địch. Năm nào thầy cũng thắp cho chị cây hương, cúng viếng đầy đủ dù nhà thầy cũng chẳng khá giả gì.

Vì ngoài bản thân chị ấy ra, thầy tôi bảo, chị ấy đã chẳng còn ai là máu mủ ruột rà trên đời này nữa rồi.

"Vậy còn đây thì sao thầy?"

Tôi chỉ vào anh lính tóc dài đang choàng vai bá cổ với thầy tôi.

Khi ấy, tôi đã thấy một tia rung cảm trong mắt thầy. Đôi mắt thầy luôn mang một nỗi buồn đau khôn xiết, và giờ, những kí ức về thuở thanh xuân được gác lại phía sau một lần nữa được thổi bùng lên, khiến cho những vết thương rỉ máu.

"Đây là một người bạn rất quan trọng với thầy."

Một người đã từng cùng vào sinh ra tử.

"Tên của anh ấy là Nhận."

Từng cùng chuyện trò dưới đêm trăng, với một cây ghi ta vác trên vai và một trái tim nóng hơn hòn lửa.

...

Bây giờ ngồi viết lại những dòng này, tôi chợt cảm thấy bồi hồi.

Thầy tôi đã chịu nhiều đau khổ rồi.

Nhưng may thay, ông trời lấy đi một bên chân của thầy tôi, nhưng cũng trả lại cho thầy người mà thầy dành cả tuổi trẻ để chờ.

...

"Thầy ngần này tuổi rồi mà vẫn chưa lấy vợ sao?"

"Tôi như thế này thì ai mà muốn lấy hả chị." Trước câu hỏi của mẹ tôi, thầy chỉ cười trừ. "Hơn nữa tôi cũng không muốn làm trễ nải còn gái nhà người ta. Tôi sống như vậy cũng được rồi."

Tôi biết là cả đời này, trừ người đó ra, thầy sẽ chẳng thể thương một ai khác nữa.

Có lẽ thầy định sẽ sống cô đơn đến già thật.

Với một cái chân đau đến mùa lại trở chứng, với hai cây nạng gỗ.

...

Ngày chiến thắng đến vào năm tôi mười sáu, thầy tôi lúc này đã ba mươi lăm.

Hồi đó trai tráng trong làng đi lính không phải ít, nhiều là đằng khác. Thầy tôi khệ nệ chống nạng ra đón các anh về với mọi người. Thầy không dám lại gần, chỉ dám đứng từ xa điểm từng khuôn mặt một. Thầy nheo mắt lại để nhìn cho kĩ, thầy sợ mình sẽ để sót mất người quan trọng.

Để rồi thở dài.

Cũng đúng, vì đâu chắc người ấy sẽ ghé ngang qua đây đâu. Thời bình người ta về  nơi chôn rau cắt rốn, người ấy đâu biết thầy tôi ở nơi này để mà tìm về đâu.

Trước cảnh đoàn tụ chỉ có thầy tôi vẫn cô đơn với nỗi buồn giấu sau mắt. Tôi theo thầy nhỏ, thầy buồn, tôi cũng buồn theo.

Gió thổi mùi hoa nơi biên ải.

Thổi cả hồn ai tựa mây trời.

"Để em đỡ thầy về nhé."

Thầy tôi gật đầu, đương lúc chúng tôi định dợm bước rời đi, một giọng nói khàn khàn vang lên.

"Hằng."

Ngày ấy trời thu phai màu nắng.

Đôi tay từng nắm...sao đành buông lơi?

#RenHeng.

----------------------

Ngày ấy Nhận về thấy Hằng mất một chân.

Thôi không sao vì tay anh cũng chỉ còn bên phải.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenFun.Vip