Nhung Cau Chuyen Nhan Gian That Cach Dazai Osamu Tre Xua

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Nhân gian thất cách - Dazai Osamu | Trẻ xưa.....

Mưa. Những cơn mưa đến từ cõi lòng người. Mưa không buồn, không lạnh. Mưa là một tấm màn che tuyệt vời. Mưa xóa nhòa tôi, khỏa lấp tôi và vây lấy tôi. Ngay cả khi buốt giá nhất, tôi vẫn cần mưa như một người bạn thay tôi trôi theo những dòng cảm xúc. Tôi giấu mình dưới mưa như cách Yozo giấu mình dưới vai diễn của một tên hề. Thế nên, chẳng lạ gì khi tôi đã rung động với nhân vật ấy trong "Nhân gian thất cách" của Dazai Osamu.

Tôi mua quyển "Nhân gian thất cách" khi nào tôi chẳng nhớ rõ, chừng như là một ngày mùa hạ hai - ba năm trước. Nhưng, tôi vừa đọc được vài trang thì buông, thuở ấy tôi quá tăm tối để tiếp nhận thêm nguồn năng lượng từ quyển sách. Mãi cho đến mùa xuân tàn năm ngoái, tôi ngâm mình trong bể nước và chìm vào những trang sách của Dazai.

Tác phẩm khiến tôi có nhiều điều muốn nói, song lại khiến tôi rơi vào ngổn ngang suy nghĩ chẳng thốt nên lời. Lần này, có lẽ tôi chỉ nói một góc độ nhỏ nào đó thôi. Tôi có nhắc đến những tình tiết trong tác phẩm nên mọi người nhớ cân nhắc trước khi đọc nếu không muốn bị spoil.

"Tôi không dự tưởng được cuộc sống của một con người." Đó là cách Yozo bắt đầu câu chuyện của mình. Anh sống trong một thế giới "điên rồ" và "hợm hĩnh", nơi mà gia đình là một sự xa cách và lạnh nhạt, nơi gia nhân lộng quyền xâm phạm thân thể anh, nơi anh phải đóng vai một kẻ pha trò mua vui.

Anh ghê sợ con người. Anh không hiểu con người.

Tôi cũng thế.

Tôi đi tìm câu trả lời.

Khác với mọi sinh vật khác có thể tập tành sinh tồn trong một khoảng thời gian khá ngắn sau khi được sinh ra, con người thì cần được nuôi dưỡng trong một thời gian dài và qua nhiều quá trình. Và, cây cầu nối đầu tiên của đứa trẻ sơ sinh với xã hội, với thế giới này là gia đình. Ba mẹ chính là những "kẻ khác" đầu tiên gieo vào đứa trẻ lời nói, trao cho đứa trẻ những nhận thức đầu về nơi nó mới được gửi đến. Tôi đọc được ở quyển "Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ" của Đặng Hoàng Giang về thí nghiệm "Tình huống lạ" (thập niên 1960) của nhà tâm lý học Mary Ainsworth dựa trên nền tảng những nghiên cứu của John Bowlby. Nội dung thí nghiệm là để người mẹ mang theo đứa con trên dưới một tuổi của mình vào một căn phòng có nhiều đồ chơi và một người lạ. Ở cạnh trẻ một lúc, người mẹ sẽ rời đi, để đứa trẻ ở đó. Sau khoảng thời gian ngắn, người mẹ sẽ trở lại.

Thí nghiệm đã chỉ ra những nhóm hành vi khác nhau ở trẻ. Nhóm thứ nhất, những đứa trẻ có sự phát triển tâm lý khỏe mạnh và được cho là có một liên kết vững vàng với người chăm sóc chúng. Chúng cởi mở và khám phá mọi thứ trong căn phòng, mạnh dạn tương tác với người lạ khi có người mẹ ở cạnh. Tuy lúc người mẹ rời đi, đứa trẻ có rơi vào căng thẳng và hoảng loạn, nhưng chúng lấy lại sự cân bằng rất nhanh. Điều này cho thấy người chăm sóc đã tạo cho trẻ một niềm tin vững chắc về tình yêu vô điều kiện của họ và luôn có một nơi trú ẩn "an toàn" dành cho trẻ. Nhóm thứ hai, những đứa trẻ cũng có sự tìm hiểu với những món đồ chơi xung quanh và người lạ, nhưng khi người mẹ rời đi, chúng không bị kích động và khi người mẹ trở lại, chúng cũng không có nhiều cảm xúc bận tâm, và còn cố không để mẹ bế mình lên. Những đứa trẻ hiểu sự biểu đạt ý muốn của mình là vô ích và chúng dùng thái độ dửng dưng để đối phó với trạng thái bị bỏ rơi và chối từ về cảm xúc. Điều này làm chúng ở một trạng thái "an toàn" để không bị người chăm sóc đẩy ra xa thêm nữa. Đây là hệ quả của một quá trình chăm sóc xa cách và lạnh lẽo.Và nhiều nhóm những đứa trẻ khác nữa... Nó cho thấy kết quả của một chuỗi hành vi từ người chăm sóc dành cho đứa trẻ và nó ảnh hưởng đến cả việc đứa trẻ ấy tiếp xúc với xã hội sau này và định hình tâm lý trẻ.

Yozo phải sống trong một gia đình quá lạnh đạm, nơi mà bữa ăn cũng là một việc nặng nề. Anh phải làm cho người cha của mình vui lòng, phải tỏ ra là một đứa trẻ ngây thơ vô tư thích chiếc mặt nạ sư tử hơn là sách. Hay anh phải cố làm một đứa trẻ lố lăng, hay anh phải giấu giếm hành vi tồi tệ gia nhân đã làm với mình. Những tổn thương này đã lặp đi lặp lại cả tuổi thơ anh. Nó đã làm đứt gãy trong anh những mối liên kết với người khác và để lại những tổn thương sâu sắc. Người ta vẫn cho rằng trẻ nhỏ mau quên, nhưng thực chất những chuyện xảy ra ở những năm tháng đầu đời của đứa trẻ sẽ luôn ám ảnh nó đến hết cuộc đời và đôi khi định hình cả cách trưởng thành của đứa trẻ ấy. "Người chăm sóc" của Yozo trao cho anh những bất an suốt năm tháng đầu đời của mình.

Yozo liên tục sống trong lo sợ và xem mình như một kẻ đầy tội lỗi. Anh đã bỏ quên mất cảm giác thuở ngây thơ mê đắm trò cầu vượt ở ga tàu. Anh vẽ bản thân trong một bức tự họa như một bóng ma "khủng khiếp". Khi lớn dần, anh càng có xu hướng "ngược đãi" chính mình, anh buông bỏ bản thân, sa đà vào việc uống rượu, lên giường với những "nữ tiếp viên", bỏ học và những hành động đi tìm cái chết... Bao đêm dài anh mất ngủ và con tim khô cằn của anh thiếu thốn tình thương vô cùng.

Những vết thương như một cỗ máy khổng lồ, nó ép anh như ép một loại quả bầm tím đến độ không còn một giọt nước. Anh khát khô tình cảm, uống lấy uống để những giây phút "nhẹ nhàng" hiếm hoi mà anh có: khi có một người bạn đã phát hiện ra "bản chất" của anh, hay khi anh có những giấc ngủ say bên bầu ngực của gái lầu xanh...

Anh nhắc đến hạnh phúc, một từ anh cho là "đao to búa lớn" một lần duy nhất khi ngủ với người vợ tù lừa đảo. Anh đã từng được chào đón như một thành viên trong gia đình từ mẹ con Shizuko. Anh từng mơ về một tương lai bình yên khi đến được với cô nàng xuân thì thuần khiết Yoshiko. Thế rồi những ánh sáng nhỏ nhoi trong cuộc đời anh cạn dần sự ấm áp, trả cho anh những bị kịch nối tiếp nhau. Nó khiến anh nhìn hạnh phúc như một thứ xa xăm và bỏng mắt. Anh cảm thấy dằn vặt khi "dám" mơ tưởng đến hạnh phúc và quẩn quanh câu hỏi về niềm tin với con người.

Tuổi thơ của anh cần được chữa lành. Chỉ có thế ảnh mới thoát khỏi cảm giác tội lỗi khi sinh ra đã là con người.

Tôi đã giống anh. Tôi chẳng thể chia sẻ nỗi lòng này cùng ai. Tôi câm như hến và sợ người ta bước vào sâu trong mình.

Tôi trốn trong vỏ bọc. Tìm những món ăn vội vàng để lấp đầy tinh thần. Tôi luôn bước đi một mình và nó trở thành thói quen của tôi tự bao giờ. Tôi đã gặp vô vàn khó khăn khi muốn kết nối với người khác. Mỗi lần tham gia các hoạt động nhóm, mọi người luôn yêu cầu tôi cởi mở và trò chuyện nhiều hơn, nhưng tôi làm không được. Não tôi chẳng cho tôi một câu chuyện nào cả, và cơn ớn lạnh thì cứ xâm chiếm tôi. Tôi chạy trốn.

Tôi bước đi như một kẻ tội đồ của quá khứ. Tôi muốn rời khỏi nhà mình.

Thế giới của tôi là một màu đã phai.

Thế nên, gặp những con người thực sự tử tế, tôi đã muốn bỏ chạy. Nó khiến tôi cảm thấy bỏng người. Tôi trân trọng họ, đồng thời tôi sợ những điều tốt đẹp ấy sẽ vụt đi mất. Tôi chẳng biết mình phải làm gì cả.

Tôi đã đi tìm câu trả lời.

Tôi luôn đi tìm câu trả lời.

Nhưng, tôi đã quên mất việc mình cần làm nhất - cho phép bản thân được "cứu rỗi". Giống như Yozo, sự cứu rỗi in đậm bên trong đầu tôi, nhưng tôi chỉ nghĩ tôi sẽ làm điều đó cho ai khác chứ không phải là chính mình.

Tôi cũng muốn được giúp đỡ. Để như thế tôi cần phải sẵn sàng để được giúp cái đã, như Gojo Satoru trong Jujutsu Kaisen nói một cách bất lực: "Em chỉ có thể cứu được những người đã sẵn sàng để được cứu."

Một đứa trẻ bị tổn thương, chúng có thể sẽ bước trong đêm đen như cách "Bạch dạ hành" của Higashino Keigo ám ảnh tôi nhiều ngày nay. Và tổn thương sẽ nối tiếp tổn thương, nó sẽ nhân rộng ra xung quanh. Sai lầm lại nối tiếp sai lầm.

Tổn thương là một điều tất yếu trong cuộc sống, và chẳng có một chốn nào không tồn tại tổn thương cả. Có những tổn thương như cách chúng ta đôi khi vẫn hay bị vấp té khi đi bên đường hay vô tình để dao cứa vào tay. Và có những tổn thương lớn lao mãi không hết chảy máu. Chúng đều cần thời gian để chữa lành. Nhưng, tổn thương ở tinh thần không thể nhìn thấy nên ta dường như chẳng biết rằng, ta đau ở đâu.

Không phải ai cũng biết cách mô tả về vết thương của chính mình. Người lớn có thế giới cũng riêng họ và những gì họ làm là một hệ lụy của những tổn thương nhiều đời trước. Họ không có câu trả lời cho họ. Tôi thì chỉ có thể cố gắng không nối tiếp tổn thương ấy cho những đứa trẻ sau này. Những đứa trẻ luôn muốn kết nối với người chăm sóc mình, nhưng một số người lớn luôn cố đẩy chúng ra xa. Cho đến một ngày nào đó, mối quan hệ giữa hai bên không thể cứu vãn được nữa.

Tôi ghét người lớn, tôi ghét cả việc phải lớn lên. Nhưng thực tế thì tôi vẫn cứ lớn, vẫn cứ phải đi. Có một khoảng thời gian, những bài văn của tôi luôn nói về mưa. Điều đó từng làm giáo viên bồi dưỡng tôi không vừa lòng, cô muốn tôi đa dạng hơn, nếu cứ thế thì một màu quá. Tôi cũng hiểu, nhưng tôi loay hoay không biết cách nào để thay đổi. Vì dạo ấy trong tôi chỉ có mưa thôi. Thế rồi khi tôi rời đi, tôi không nhắc đến mưa nhiều nữa. Đến bây giờ, cơn nóng khi mùa hạ dần đến, mưa ùa về trong tôi.

Tôi chỉ muốn thoát khỏi vở bi kịch của chính tôi.

_____

15/3/2022. Chỉ là chút vu vơ về tác phẩm tôi thích nhất, là góc nhìn riêng mình thôi. Mọi người đọc cho vui là được rồi.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenFun.Vip