28

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng
"Ôm đầu gối một cành tre

Thở than ngày bé chẳng hay duyên trời

Thân ai khi lớn rã rời

Thân ai phải chịu phận đời long đong?"

"Ai chịu phận đời long đong vậy Thanh?"

Thanh ló mắt ra khỏi cuốn sách đang ụp lên mặt mình, cô vuốt ve tóc nàng và đáp.

"Đờn bà."

Nguyên buông mảnh vải đang thêu dở dang xuống đùi, nàng tựa đầu vào vai Thanh, tay víu chặt lấy tà áo.

"Sao đờn bà lại phải chịu phận đời long đong?"

"Do cổ hủ."

"Cổ hủ là gì á?"

"Giống như bà nội tôi đó."

Nước mắt Nguyên bỗng rơi xuống mấy giọt làm nóng hổi cả bàn tay. Nàng biết rồi, nhưng có cái chuyện chi xảy ra làm nàng không thể nói được những gì mà nàng muốn nói. Chuyện là hồi qua nàng có nghe Thanh nói chuyện với ông Xã, ông bắt cô phải lên Sài Gòn đặng học cái trường gì đó, khi nào lấy được bằng Thành chung mới được về. Thanh phản đối gay gắt, cô với ông đã có một trận cãi vã tới long trời lở đất, tới mức tụi gia đinh ở nhà sau đứa nào cũng nghe rõ mồn một những lời to tiếng ấy. Nguyên không ngoại lệ. Nàng muốn ra khuyên Thanh đừng cãi với ông nữa, Thanh là phận con cái, ông Xã là bậc cha mẹ, cha mẹ đặt đâu thì con ngồi đấy, chớ mà chem chẽm cái miệng như thế thì chẳng hay ho chút nào.

Nhưng đến lúc Nguyên định vào cản thì nàng mới nhớ ra là bản thân nàng chả có cái quyền gì trong nhà này cả. Nàng khó xử lắm, mà nàng thương Thanh lắm. Nàng biết Thanh không muốn lên Sài Gòn cũng là có cái lí của nó. Thanh sợ Thanh đi rồi, dưới này bà hội lại sang nhà quấy phá nàng, làm những trò dơ bẩn như tháng trước nữa thì lấy ai bênh nàng cho được. Vậy là Thanh lấy hết sức bình sinh của mình ra đặng cãi một trận thật lớn với ông Xã, nhưng cũng thành công cốc. Hành lí ông đã sai Bình xếp sẵn cho Thanh rồi, chỉ cần đợi sang tuần nữa là đi thôi.

"Khóc à? Sao lại khóc?"

Lòng Thanh thắt chặt lại khi nhìn thấy Nguyên khóc tới đỏ mặt đỏ mày, cô kéo Nguyên sát lại bên mình, hai lòng bàn tay cô ôm trọn lấy hai má nàng rồi từ từ vuốt xuống bả vai. Nguyên đưa tay nắm lấy tay Thanh, nàng nấc lên và ngẩng mặt nhìn cô.

"Cô lên Sài Gòn rồi..."

Thanh trầm ngâm.

"Ừ, tôi lên Sài Gòn."

"Cô ở nhà với tôi được không? Tôi cần cô lắm."

Thanh bật cười. Nguyên cần gì ở cô kia chớ? Một đứa con gái chỉ đi lên Sài Gòn học thôi mà dưới quê cũng có người phải cần nữa sao? Đúng rồi, Nguyên cần cô thật. Không có Thanh bên cạnh, Nguyên không đủ sức để chống chọi lại với mấy lời cay nghiệt từ ông bà hội đồng, càng không thể tránh né được những chuyện giường chiếu với ông Xã. Nàng sợ lắm, rủi lỡ Thanh đi rồi, Thanh bỏ nàng ở đây mình ên, có chuyện chi xảy ra thì chắc nàng chết giống như tháng trước mất.

Ngay lúc này, Thanh chợt im lặng và chăm chú nhìn thật lâu vào đôi mắt đang là một bể nước khổ của Nguyên. Cô nhận ra từ trong đáy mắt ấy là vô vàn lời cầu xin từ nàng, cầu xin rằng cô đừng lên Sài Gòn nữa. Nguyên không cần phải nói chi hết, cô hiểu rồi, cô hiểu trong lòng nàng đang nghĩ những gì rồi. Thanh coi Nguyên là bạn, chắc chắn mọi tâm tư tình cảm gì đó của nàng, tất tần tật cô đều thấu hết. Nhưng sao bữa nay nó lạ lắm. Không những Thanh thấy lạ đâu, chính Nguyên cũng thấy lạ giống cô nữa.

"Tôi cũng cần cô mà."

"Hay cô cho tôi lên trển với cô được không?"

Thanh không trả lời Nguyên, cô lấy chỉ ra và giúp nàng xỏ vào kim, sau đó ghim vào mảnh vải đang thêu dở dang trên đùi nàng.

"Thanh..."

"Tôi xin cô mà, cho tôi theo với."

Nguyên nài nỉ Thanh mà gần như muốn xé nát ruột gan cô ra vậy. Thanh chẳng dám nhìn thẳng vào mắt nàng nữa, cô sợ mình sẽ không nỡ, nhưng nàng thì vẫn kiên nhẫn ngồi đó tỏ lời với cô, rằng nàng muốn cô dẫn mình theo lên Sài Gòn ở. Nguyên nói hết lời mà Thanh có chịu nghe đâu, cô bị điếc rồi. Ừ, cô điếc rồi nên mới không thèm nghe nàng, nàng hờn cô ghê lắm.

"Môi đã đỡ hơn chưa?"

Nhưng tới khi Thanh mở miệng trả lời thì cô lại không trả lời đúng với ý nàng, ngược lại cô còn dịu dàng sờ lên môi dưới của nàng. Nguyên nuốt nước miếng khan, nàng mím môi và hỏi.

"Cô cho tôi theo nha?"

"Ở nhà đi, tôi đi một năm tôi về."

Một năm lận à...

"Một...một năm?"

Nguyên lớ ngớ.

Thanh nói thật sao? Thanh đi tận một năm mới về cơ á? Trong suốt một năm đó, nàng phải sống thế nào, sống làm sao, rồi phải sống với ai đây chớ? Nước mắt Nguyên vừa nãy chưa nín được bao lâu giờ lại phải rỉ ra, nàng nắm thật chặt đôi bàn tay ấm nóng của Thanh, bấu lấy nó mà lòng đau như cắt.

"Không Thanh ơi, đừng mà, cô đừng đi lâu như vậy..."

Nguyên hoảng loạn đòi nhào tới ôm Thanh, cô để cho nàng ôm, bây giờ nàng muốn làm gì cô cũng được. Cô không thể cãi lại ông Xã, càng không muốn vì sự bướng bỉnh của mình mà sau này lại ảnh hưởng xấu tới Nguyên. Lần này cô để nàng ôm được mấy giấy thì đẩy nàng ra, lấy tay áo nhẹ nhàng lau nước mắt cho nàng.

"Nín, hai ngày nữa là tôi đi rồi, đừng lấy nước mắt mà tiễn tôi."

"Tôi sợ lắm, Thanh ơi, không có cô bên cạnh, tôi biết phải làm thế nào bây giờ?"

"Mình là bạn của nhau, cô gặp chuyện chi bất trắc thì tự khắc tôi sẽ biết thôi."

Nguyên cúi đầu nhìn mảnh khăn thêu mà nửa tháng trước nàng định thêu tặng Thanh, bây giờ khăn còn thêu chưa xong mà Thanh đã xa nàng rồi.

"Đừng có lo nữa, Thanh của cô giỏi lắm, tôi hứa là tôi sẽ không bị làm sao đâu."

Nhưng Thanh nào biết là đừng có nói trước, bước sẽ không qua, mà có khi đợt này Thanh đi, phải còn rất rất lâu nữa cô mới được gặp lại nàng. Tự dưng Nguyên có linh cảm không lành, nàng thấp thỏm lo sợ điều gì đó xấu sắp tới với Thanh, nhưng nàng không biết đó là điều chi hết.

"Để coi coi, hay tôi kêu Bình đi chợ, nấu món gì ngon đặng tôi với cô ăn. Chịu không?"

Thanh nghĩ nếu như còn nhắc tới chuyện này thì thể nào lát nữa nàng cũng khóc um trời lên cho xem. Thế là cô nhanh trí đánh trống lảng sang chuyện khác, cái chuyện ăn uống của Nguyên luôn là chuyện mà Thanh hay đề cập tới lắm. Cô nhớ cách đây hai ba tuần gì đó, môi Nguyên vẫn còn đau và còn tứa máu mỗi lần ăn phải đồ cay hay đồ mặn, cơn đau môi làm nàng chán ăn, thậm chí còn bỏ ăn luôn. Thanh vì sợ Nguyên mất sức nên cô có sai Bình làm mấy món nguội mà ít mặn, ít cay lại cho nàng dùng, nhưng nàng cũng bỏ nốt. Hết cách, Thanh mới nghĩ ra chiêu là mỗi lần nàng ăn, cô sẽ nắm môi dưới của nàng kéo ra, đặng cho thức ăn không dính vào môi, mà môi cũng đỡ đau hơn nữa. Cách này coi bộ hơi cồng kềnh xíu, nhưng được cái nó cũng giúp Nguyên ăn uống lại được bình thường, không cần phải mỗi bữa cơm là mỗi tô canh chan nước mắt nữa.

Mà mỗi lần Thanh chơi chiêu đó là Bình luôn đứng kế bên, nhiều khi nó bụm miệng nín cười vì sự trẻ con của bà hai, cũng có khi thấy Thanh với Nguyên chăm sóc nhau kĩ quá làm nó đâm ra phát ngại. Dù gì Thanh cũng chưa có mối duyên nào, hành xử với đờn bà kiểu đó coi chừng người ta tưởng...rồi lại chê đầy ra, tới lúc đó nghót nghét ba chục mà chưa đẻ được con chắc đội thúng ra đường mà sống.

"Tôi chưa có đói."

"Giờ cũng đã trưa, cô phải ăn gì đi chớ."

Thanh ngước nhìn đồng hồ, kim giờ với kim phút đã chỉ đúng một đường thẳng rồi còn đâu.

"Nhưng tôi..."

Thấy Nguyên cứ nhổm lên rồi ngồi xuống, cô lại không biết nàng trông cái gì. Thanh nhìn theo hướng mắt của nàng, mà nàng thì đang ngó ra ngoài cổng. Chắc nàng sợ ông Xã về mà thấy cảnh mẹ kế con chồng tình tang tang tính thân thiết với nhau kiểu này, có khi ông lấy đó làm khó chịu cũng nên. Còn nhớ lúc Nguyên bị bà hội chơi xấu, sang ngày hôm sau nàng sốt một trận linh đình, nhưng được dăm ba bữa im im thì ông Xã cũng chỉ tới hỏi thăm nàng duy nhất một lần rồi lại thôi. Kể từ đó trở đi, Nguyên biết thân biết phận, nàng biết ý ông, cũng không còn dám ngủ chung buồng với ông nữa mà lại chuyển ra ngủ trên tấm phản đặt ngoài sảnh. Mặc dù ngủ chỗ đó đau lưng thiệt, nhưng ít ra nàng cũng khỏi mang cái tiếng là làm xấu mặt chồng, vì cái bộ dạng lúc bị chuốc thuốc của nàng đã khiến ông có một phen thất kinh hồn vía rồi còn đâu nữa.

"Cha tôi lên tỉnh có công chuyện, tối mới về."

"Tôi không ăn cơm đâu. Cô cho tôi vào buồng nằm một chút được không?"

Thanh gật đầu.

"Ừ, vào đắp mền ngủ tí cho khoẻ đã. Cơm thì để chiều tôi kêu Bình nấu cũng được."

  Nguyên gượng cười, nàng cất hết kim chỉ vào hộp, nhón chân đặt cái hộp trên đầu tủ rồi vào buồng Thanh mà nằm.

**

"Cho tôi bình trà đi."

Ông Xã đi tới quán nước ngoài đầu làng nghỉ ngơi sau khi vừa có một chuyến lên tỉnh giải quyết công chuyện. Ông chọn ngồi ở cái bàn khuất hơn so với ngoài đường, mà đúng chỗ đó chỉ kê độc nhất mỗi một cái bàn với cái ghế con thôi. Bà hàng nước bưng trà và ít trái cây ra cho ông, nhìn vào nét mặt u sầu của ông Xã, bà tò mò quá nên mới đánh bạo hỏi thăm.

"Ái chà, sao bà thấy ông buồn dữ đa?"

Ông lột trái quýt, bỏ một múi vào miệng, chẹp chẹp mấy cái lấy vị và thở dài ngao ngán.

"Tôi thấy chán quá bà ạ."

"Chuyện chi sao? Hồi sớm bà có nghe bên ông bá hộ nói, chắc là chuyện làng mình hở?"

"Không, tôi không chán chuyện đó."

Ông cứ úp úp mở mở như thế làm bà bán hàng cũng nóng ruột theo. Bà bèn đi lại bàn khác lấy thêm cái ghế nữa rồi ngồi xuống đối diện ông Xã, gặn hỏi.

"Chớ ông buồn cái chi? Bà thấy ông có bao giờ ghé đây uống nước đâu, tự dưng bữa nay lại..."

"Thôi thôi, bà đừng hỏi tôi nữa. Tôi mệt đa."

Bà trề môi. Hỏi thì không thèm nói, cứ thích nói giữa chừng lại ngưng là thế nào? Nhưng nếu ông Xã không muốn nói thì bà cũng chả ép uổng gì cho tốn công. Được một lát không thấy ông nói thêm lời nào, bà đành trở vào trong đun nước pha thêm trà cho khách khác vậy.

Sau khi bà đi rồi, ông Xã ngồi đây cũng im lặng uống cho cạn bình trà. Dĩa trái cây hồi nãy bà bán hàng đem ra, ông chỉ ăn có mỗi trái quýt, còn lại chuối và nhãn ông không thèm đụng vào. Ông chỉ uống trà, lâu lâu lại ngó ra ngoài coi thử người dân họ đang làm gì, có chi để vui không, chung quy lại thì cũng chỉ để cho con mắt ông có cái đặng nhìn mà thôi. Ông uống hết bình trà thì cũng là lúc quán nước của bà đông khách, tiếng nói cười của mấy chú thím đi cuốc về bắt đầu rôm rả hẳn lên, mà nghe mấy tiếng cười đó, trong lòng ông không hiểu sao cũng được vui hơn được bộn phần.

Đang ngồi nhìn người ta giỡn hớt với nhau như vậy thì bỗng từ phía sau có một bàn tay vỗ nhẹ lên vai làm cho ông giật mình. Ông khó chịu buông chung trà xuống và quay đầu lại, ngỡ ngàng thay, cái người vừa rồi gọi ông lại chính là...

"Ông Lợi đó phải không?"

Ông ngơ người liếc nhìn người đờn bà kia từ trên xuống dưới. Bà ta mặc chiếc áo dài màu đen huyền, trên cổ đeo sợi dây chuyền ngọc trai thòng xuống tới ngang ngực, hai bên cổ tay sáng lên mấy cái vòng vàng chói mắt. Ông để ý tóc bà búi gọn cao, chắc trạc tuổi ông thôi, vả lại nét mặt trông qua coi bộ hiền dữ lắm. Nhưng ông không biết đây là ai hết, hoặc có biết mà do ông quên rồi. Ông gật nhẹ đầu để chào bà ta cho có lệ, sau đó hỏi.

"Phải, sao cô biết tên tôi?"

"Lợi không nhớ tôi sao? Tôi, Thu đây mà."

Ông ngẫm trong đầu một hồi cái tên "Thu" mà người đờn bà vừa nói. Thu à...

"Trời đất, hồi xưa tôi với Lợi có học chung ở lớp của thầy Miền đó. Lợi không nhớ sao?"

"À, tôi nhớ rồi. Có phải cô là Thu, Thu cắt tóc giả trai đi học đúng không?"

Ông Xã vỗ tay cái chát và mừng rỡ reo lên.

"Đúng rồi."

Thấy ông Xã đã nhận ra mình, bà Thu nhoẻ miệng ra cười. Bà đặt giỏ xách lên bàn, vén tà áo dài cho gọn lại và ngồi vào chiếc ghế trống đối diện với ông.

"Mấy chục năm qua Thu khác quá, tôi nhận đâu có ra."

"Tôi đi biệt xứ lâu lắm, mới về đây có mấy tháng thôi."

Ông Xã vội gọi bà bán hàng đem ra một cái chung và một dĩa trái cây mới đặng tiếp bà Thu, mặc cho bà đã một mực từ chối và nói là không cần.

Bà Thu nán lại ngồi tán gẫu với ông mấy lời, vì bà thấy coi bộ nãy giờ ông ngồi buồn hiu có một mình à. Cũng phải nhớ lại, đúng là tầm mấy chục năm trước, ông Xã có học chữ ở nhà thầy đồ tên Miền, thời gian đó lớp học chỉ toàn là con trai, con gái ít ai được biết chữ lắm. Nhưng chắc bà Thu là ngoại lệ, vì bà dám cắt tóc, bận đồ con trai đặng lẻn vô học. Ban đầu ông Xã thấy bà, ông tưởng bà là con trai thật nên nhiều khi có rủ bà chơi vật lộn với bắn bi, nhưng càng ngày, ông càng thấy bà chả giống con trai chút nào hết. Hai người lúc bấy giờ cũng tạm gọi là thân thiết, nhưng không biết vì lí do gì mà độ ba tháng sau, không ai còn thấy bà Thu tới lớp thầy đồ Miền học nữa. Sau này mới vỡ lẽ ra là do cha bà đi ra Bắc làm ăn từ hồi bà còn tấm bé, khi đi làm trở về về lại thấy bà cắt tóc mắc đồ con trai nên ông ta tức điên lên, đòi đuổi mẹ con bà ra khỏi nhà ở với cái lí là làm xấu mặt dòng họ nhà ổng.

Ông Xã chỉ nghe người ta kể lại bấy nhiêu đó thôi, ông cũng bất ngờ lắm khi phát hiện hoá ra người chơi cùng mình xưa giờ lại là con gái, mà lại còn là gái giả trai nữa chớ. Nhưng thay vì tỏ vẻ ghét uổng như mấy người khác thì ông lại thương. Không biết làm sao nữa, trong lòng ông không ghét nổi bà Thu, mà ông thương cái số phận hẩm hiu của bà quá.

"Ngót nghét cũng phải hơn ba chục năm..."

Ông từ tốn rót nước và đưa sang cho bà. Bà nhận chung nước từ tay ông, uống ực cạn cả một hơi.

"Nhưng sao Thu còn nhớ tôi hay vậy? Tôi đâu giống với hồi nhỏ."

Bà Thu bật cười, rồi bà chồm người nhìn kĩ vào đôi mắt sáng của ông. Nét mặt hiền dịu chẳng khác gì hồi xưa của bà bỗng chốc gợi lại trong đầu ông Xã vô vàn kỉ niệm cũ. Ông nhớ lúc ông mới có mười bốn tuổi, chính gương mặt thanh tú ấy đã khiến ông một thời phải nhớ mãi về câu chuyện giả trai đi học của bà.

"Mắt của Lợi có bao giờ thay đổi đâu."

"Mắt à?"

Ông Xã chỉ vào mắt mình, bà gật đầu.

"Tôi còn nhớ như in cặp mắt của Lợi mà, sao tôi quên được."

"À, ừ...vậy hoá ra Thu nhận ra tôi chỉ vì cặp mắt thôi sao?"

"Chớ còn gì nữa. Tôi cứ tưởng Lợi không còn nhớ tôi, nhưng ai ngờ Lợi vẫn nhớ."

Đôi bàn tay trắng nõn của bà cầm lấy một trái nhãn đưa cho ông Xã, vừa đưa bà vừa nói.

"Tôi đi xa mấy chục năm, chắc Lợi đã có vợ con đuề huề rồi hở?"

Nghe bà nhắc tới chuyện vợ con, tâm trí ông Xã cũng theo cái vỏ nhãn mà vứt ra ngoài đường luôn rồi. Nghĩ tới, ông lại thấy chán.

"Vợ tôi mất sắp được một năm, tôi đang nuôi con một mình."

Nhận ra mình đã gợi cho ông những điều không nên, bà Thu liền nhảy vào mà thay thế bằng một câu hỏi khác.

"Chà, chắc con Lợi lớn bộn rồi đa?"

"Ờ, năm nay nó hăm mốt rồi, ra dáng thiếu nữ lắm đó."

Thiếu nữ, hay là thiếu nữ?

"Cha chả, vậy là con gái hả đa?"

Bà Thu vội thốt lên ngỡ ngàng. Hình như bà cũng biết là ông Xã thích có con gái lắm.

"Con gái. Còn Thu thì sao? Tôi nghĩ đẹp như Thu thì ắt hẳn phải có chồng giàu rồi."

"Không, tôi chưa có chồng."

Ngay lúc này, có một đám lính người Pháp bước vào quán nước làm cắt ngang câu chuyện giữa bà Thu và ông Xã. Nhận thấy hai người cũng không còn chuyện gì để nói với nhau nữa nên ông bèn đứng dậy đi về, sẵn đó cũng trả luôn cả tiền nước cho bà. Nhưng tới khi ông cầm gậy lên chuẩn bị rời đi thì bà Thu có kéo tay ông lại, bà đã dúi vào tay ông trái nhãn còn sót trên dĩa và nói.

"Hôm nào tôi với Lợi gặp nhau đi, chúng ta ôn lại chuyện cũ đôi chút, vì tôi cũng mới về lại Trà Vinh này thôi."

**

Vote vote cho bạn tác giả nào!

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenFun.Vip