2

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng
Vợ cả của ông Xã trưởng đã qua đời cách đây được ba hôm. Đám tang của bà diễn ra trên khắp mọi con đường nẻo xóm, tiếng khóc than, tiếng gọi í ới của bên hai nhà nội ngoại đi theo quan tài vang vọng rợn ngợp khắp cả một vùng. Đó là một đám tang lớn. Từ thuở cha sanh mẹ đẻ tới giờ, đây ắt có lẽ là một cái đám tang long trọng và đầy đủ lễ nghĩa nhất mà người trong xã này từng gặp.

Quan tài bằng gỗ quý, dù che vải lụa, ngay tới đồ tang mà ông Xã trưởng mặc cũng không phải là loại thường. Con gái của hai người là cô hai Thanh cứ bám gót theo chiếc quan tài của mẹ mà khóc lên khóc xuống, khiến ai nấy nhìn vào cũng xót ruột đứt gan. Vợ cả ông Xã mất, mà người ta nghe nói là do bà ta bị bệnh lao, chạy từ thuốc Tây đến thuốc Đông mà vẫn không chữa khỏi. Thời gian chẩn bệnh và phát bệnh chỉ vỏn vẹn trong vòng một năm, rồi sau đó mới chết.

"Má ơi, má đừng bỏ con mà má. Má ơi má."

Thanh cầm tấm di ảnh cũ kĩ ố vàng của bà cả trên tay, cô dẫn đầu đoàn đám tang đi phía sau, gương mặt mếu máo không ngừng bật khóc.

Vì nhà không có con trai nối dõi nên người cầm gậy dẫn đường chính là ông Xã. Mặt ông đã đờ đi vì ba hôm diễn ra đám không ngủ, bọng mắt thâm đen, ngay tới dáng đi của ông cũng chao đảo không tài nào vững nổi.

Tiếng kèn, ba lần hồi trống báo hiệu rằng đã đến giờ động thổ. Bốn người cầm dây thừng buộc chặt vào nắp quan tài rồi từ từ hạ xuống cái huyệt sâu đã được đào sẵn. Ngay vào lúc xẻng đã lấp từng bọn đất đầu tiên lên, Thanh cầm di ảnh của má mình mà nhào xuống.

"Má ơi, đừng bỏ con. Má ơi."

May mắn đã có hai người đờn ông phía sau kịp thời chộp tay cô lại, chớ chậm trễ một chút thì Thanh đã lao xuống huyệt luôn rồi. Cô ra sức vùng vẫy khỏi hai người họ, cổ họng rống lên gào thét gọi má.

"Má! Má!"

Tấm di ảnh của bà cả rơi xuống đất, mặt trước của tấm hình do không có kính che nên đã bị đất bùn nhão làm dơ đi một mảng lớn. Nhìn từng lần xúc xẻng xúc đất lấp lên quan tài, Thanh lại thấy cả bầu trời xung quanh mình như tối đen như mực.

Cô mất má rồi, má cô chết rồi. Cô phải chịu cảnh mồ côi mẹ khi chỉ mới có hai mươi mốt tuổi. Nước mắt Thanh chảy ròng chảy rã, ban đầu cô còn sức la hét, nhưng dần dần tiếng la ấy nhỏ lại theo từng thớ đất dày. Thanh tận mắt thấy cái huyệt sâu hoằm kia giờ đây đã được phẳng đất hoàn toàn. Chiếc quan tài đã nằm dưới đó, chôn theo luôn tâm trí của cô nữa.

"Cô hai, mình đứng dậy thôi."

Được một đứa hầu trong nhà đỡ lên thì Thanh mới có đủ sức để đối diện với mọi chuyện. Dẫu biết rằng sinh lão bệnh tử ở ngay đó, nhưng hễ nghĩ tới cảnh sau này không có mẹ bên cạnh như bao người khác, nước mắt cô lại cứ liên tục rỉ ra.

Đám tang dần thưa người đi sau khi lễ động thổ đã hoàn thành, chỉ còn sót lại lát đát mấy ông khiêng quan tài và gia đình nội ngoại. Thanh ngồi thừ ra trên một cái gò đất dưới gốc phượng, mặt cô thẫn thờ, người lấm đầy dơ bẩn và hốc mắt đỏ cay. Cô nhìn cha mình đang cẩn trọng nhận tiền phúng điếu của bà nội và bà ngoại, hai người, một người đối với cái chết của má cô mà nói lại tỏ ra thảnh thơi vô cùng, người còn lại thì khóc chẳng thấy rõ mắt đâu. Thanh ngồi đó nhưng chẳng suy nghĩ gì nhiều, cổ họng khô khốc cũng chẳng buồn uống nước.

"Dạ, con xin nhận."

Ông Xã cầm một sấp bạc rủng rỉnh trên tay, cúi đầu mà lạy má vợ của mình.

"Thôi con cũng đừng quá đau buồn. Sống chết có số, con Liễu chết cũng như là sự giải thoát cho nó khỏi bệnh tật."

"Dạ má."

Ông cũng chỉ biết cúi đầu, dóng tai lên nghe những gì mà má vợ căn dặn. Vợ mất rồi, gia đình bên vợ cũng chẳng còn nghĩa lí gì với ông nữa. Thứ liên kết giữa ông với người vợ quá cố của mình lúc này chỉ còn mỗi Thanh mà thôi. Khi chiếc xe kéo đến để đưa má vợ rời khỏi nghĩa trang thì cũng là lúc nhà bà Liễu với nhà ông Xã không còn thông gia gì với nhau nữa. Ông dường như biết được mọi thứ, hướng đôi mắt vô hồn của mình nhìn về phía chiếc xe kéo đến khi nó đi khuất hẳn.

"Tang xong rồi, bây định để tang đến bao giờ?"

Ông đặt cây gậy tựa vào thân cây cổ thụ bên cạnh và thở dài.

"Tôi để tang bà ta một năm."

Nghe con trai mình định để tang vợ cả tận một năm, bà hội trợn tròn mắt ngạc nhiên, rồi bà lắc đầu kịch liệt như phản đối quyết định này của ông Xã.

"Cái gì mà một năm? Bốn mươi chín ngày thôi, bây không định cưới thêm vợ khác về à?"

Ông Xã buồn rầu nhìn mẹ mình, bụng ông, lòng ông, đầu ông sôi ùng ục và mờ mịt nào là tương lai phía trước, chuyện lấy vợ lẫn luôn chuyện kiếm đứa con trai nối dõi. Ông cầm lại cây gậy trên tay, hướng đầu gậy về phía phần mộ của bà cả được xây đắp cẩu thả khi nãy.

"Tôi để tang một năm là coi như tôn trọng bà ta hết mực rồi. Má biểu tôi để tang bốn mươi chín ngày rồi đi cưới vợ mới, thiên hạ nhìn vào sẽ nói gì về tôi đây?"

Đối với bà hội, những lời nói mà ông Xã đang thốt ra chẳng có cái tình cái nghĩa gì cả. Nhà bà có mỗi ông Xã là cháu đích tôn, bà vẫn mong muốn sau này đứa cháu đầu tiên của bà sẽ là con trai, một đứa cháu trai bụ bẫm đặng tương lai có thể thờ phụng hương khói tổ tiên cho chu toàn. Nhưng ai có ngờ đâu khi Liễu về, Liễu lại sanh ra một con vịt trời, thà rằng vịt trời ăn xong rồi bay, đằng nay đã hăm mấy rồi mà Thanh vẫn chưa chịu đồng ý bất kì một mối nào. Có phải nuôi lớn thì tốn cơm tốn gạo không?

Con gái đẻ ra là con người ta, bà hội không đuổi Thanh ra khỏi nhà đã là may phước lắm rồi.

"Bây tính như vậy, thì thử hỏi khi nào má mới con cháu trai đây? Má đã gần tám chục, hay bây định tới khi má chết thì mới có cháu?"

Trong cơn hoảng loạn, ông Xã không muốn vì những điều này mà phải tội bất hiếu điều tiếng với người nhà mình. Ông chống gậy lướt ngang qua mặt bà hội, tiến về phía chỗ Thanh đang ngồi mặc cho bà ở phía sau rống lên câu chửi.

"Tiên sư nhà mày, có mỗi cái việc kiếm vợ đẻ con thôi mà cũng phải hết người này tới người khác."

Ông Xã cứ im lặng rồi đi. Không phải ông không thể cưới vợ mới, nhưng bà vợ cả của ông, Liễu của ông chỉ vừa mới chôn chưa được một ngày, làm sao mà ông nỡ lòng nào dứt tình với Liễu được kia chứ. Nói trắng tình ra chỉ có bà Liễu mới sanh được cho ông một mụm con gái trời ban, ông không cần con trai làm gì, ông chỉ cần một đứa con gái thôi.

"Thanh."

Đứng trước mặt Thanh, ông chìa đôi bàn tay khô sạm, to tướng của mình ra với mong muốn đỡ cô đứng dậy. Thanh hoàn hồn nhìn cha mình, không hiểu sao nước mắt vốn đã khô cạn của cô lại lần nữa trào ra.

"Cha ơi, má mất rồi cha ơi."

Ông Xã cắn răng gật đầu. Ông biết rồi, ông biết là vợ ông đã mất rồi. Ông kéo tay cô dậy, dùng cổ tay đưa lên lau vài giọt mồ hôi lấm tấm trên trán cô.

"Cha đưa con về. Mình về thôi."

Nhưng Thanh đã đẩy ông ra, cô như con thiêu thân lao tới bên cạnh nấm mồ của má mình. Thanh gục mặt lên tấm bài vị bằng gỗ được đặt trước mộ, cô đau lòng bật khóc.

"Con xin má, má sống lại với con đi. Má đừng bỏ cha con con nữa."

Đồng thời ngay lúc ấy, bà hội vẫn chưa chịu rời đi. Nhìn đứa cháu gái bất tài vô dụng của mình, bà chẹp cái miệng đỏ lòm đang nhai trầu, nhổ một bã trầu xuống ngay cạnh chân mộ, bà nói.

"Con mẹ mày chết rồi thì mày tự biết thân biết phận đi. Nay mai tao cưới vợ mới cho cha mày."

Thanh nghẹn cứng lại, cô đừ người để cho những lời cay độc của bà nội mình lọt vào tai.

Xưa giờ Thanh cũng biết là bên nhà nội chẳng ưa gì má con cô rồi, vì má cô xuất thân không phải thuộc dạng giàu có gì, chỉ khi cưới ông Xã thì bên nhà bà Liễu mới được hưởng một chút vàng bạc. Nhưng nhận tiền của gia đình Xã trưởng mấy khi là đồng tiền ngon ngọt đâu. Bà nội cô luôn tìm cách hễ có dịp là sẽ bới móc đủ thứ chuyện ra đặng nói, đặng xỉa xói bà ngoại và má cô. Nào là nghèo rớt mồng tơi, nào là không sanh được con trai, đờn bà con gái chỉ biết ăn bám. Vậy nên nhiều lần hồi nhỏ Thanh thấy má ngồi khóc tức tưởi một mình trong buồng, cô cũng đâm ra hận nội lắm, vì nội mà má cô bệnh, vì nội mà tới tận bây giờ Thanh như một người rơm không có tình thương.

"Nội đừng nói má con như vậy."

Thanh ôm ghì tấm bài vị của bà Liễu trong lòng. Trước mắt cô, bà nội mình chẳng khác nào một bà già mập ục và xấu xí hết.

"Tao nói là nói thế nào? Mày cãi à? Thằng Xã đâu, mày xem con gái mày này."

Bà hội la lên rồi ngồi thụp xuống, giả vờ ôm lấy tim và thở hồng hộc. Bà vờ như thể một người hát tuồng đang tới đoạn cao trào, vờ như thể Thanh đây đã làm gì khiến bà phải lên máu vậy. Thanh không thèm nhìn nội mình nữa, cô quay mặt đi nhưng bên tai thì đã nghe thấy tiếng bước chân của cha.

"Kìa Thanh."

Là đờn ông trụ cột của dòng họ, ông Xã cũng đành bất lực trước tính cách quá ngỗ nghịch của Thanh. Ông ân cần đỡ bà hội đứng dậy, nhìn con mình và má mình, ông lại thấy mâu thuẫn quá.

"Con xin lỗi bà nội đi."

Dù biết rằng Thanh không làm gì bà nhưng theo đạo nhà, ông Xã vẫn nghiêm khắc răn dạy con. Thanh miễn cưỡng rời bỏ tấm bài vị của má và đứng lên, nhưng cô không xin lỗi. Người không sai thì không phải cắc cớ gì phải hạ mình hết.

"Con đi về đây."

Nói xong, cô ngoảnh đi một mạch rời khỏi nghĩa trang, chỉ để lại người cha đứng tuổi đang mệt mỏi và một người bà đang cay độc buông lời chì chiết.

"Trời đất ngó xuống đây mà xem. Xem có bất công không cơ chứ. Đúng là lũ vịt trời, đúng là loại đờn bà trắc nết."

Từng câu chửi của bà hội lớn đến mức mà người dân đi thăm viếng bên ngoài cũng có thể nghe thấy. Ông Xã nhiều lần khuyên bà hãy bình tĩnh lại, rồi có gì về nhà ông sẽ dạy dỗ lại con sau. Nhưng bà nhất quyết không chịu, bà đòi ông phải từ mặt Thanh, trả Thanh về với bên ngoại. Bà muốn có cháu trai chớ không muốn một đứa cháu gái ăn bám. Bà khóc lóc với con trai, thật sự chẳng còn ra cái thể thống gì nữa.

"Má à, thôi, hay để tôi kêu sớp phơ đưa má về nghen?"

"Bây mặc má ở đó. Má nói cho bây biết, trong vòng hai tuần sau mà bây không cưới thêm vợ, má nhảy sông tự vẫn cho bây vừa lòng."

Bà hội dậm chân xuống đất, hằn hộc đẩy ông Xã ra.

Trong đầu ông bây giờ rối quá. Bà bắt tìm vợ trong vòng hai tuần, ông tìm sao được. Vả lại cưới về rồi ông có thương yêu gì con gái người ta đâu.

"Má đừng làm khó tôi để phải tôi mang tội bất hiếu."

Bà láo liên trề môi khinh chê con trai mình.

"Bây không có cháu trai nối dõi đã là bất hiếu rồi. Cưới đi, cưới ai về mà không được, còn bằng không thì trả con Thanh về bên đó."

Ông Xã thở dài thêm một hơi nữa, rồi ông giơ tay ngoắt sớp phơ đang đậu xe ở bãi đất gần đó đến. Đợi tới khi sớp phơ tấp xe vào, ông mới cẩn thận đỡ bà hội ngồi vào trong.

"Rồi rồi, má hãy về nhà trước đi. Tôi liệu chuyện xong sẽ sang thưa với má."

Bà hội đanh mặt ra thấy rõ, nhưng vì trời cũng đã muộn nên bà cũng không thể nói thêm được gì nữa. Bà lệnh cho sớp phơ kéo màn che lên, trước khi màn che được kéo quá mặt, bà đã kịp cầm tay con mình và lên tiếng.

"Má chờ tin bây."

Khi đã dặn dò xong xuôi, xe chở bà hội đã bắt đầu lăn bánh rời khỏi nghĩa trang. Bây giờ xung quanh chỉ còn lại ông Xã, ông đứng đó như trời trồng, phân vân rối rắm không biết nên liệu chuyện thế nào cho phải. Ông biết cưới vợ ở đâu đây? Chẳng lẽ đụng ai lại cưới người đó. Không được, như thế thì bậy lắm, bậy bạ lắm.

Chiếc xe đi được tầm mười lăm phút thì đã về được tới nhà hội đồng. Bà hội nâng tà áo dài bước xuống và cởi khăn phủ lên đầu cho đỡ nắng, rồi bà từ tốn đi vào trong sảnh. Ông hội già yếu đang ngồi trên bộ tràng kỷ đặng nhâm nhi chén thuốc Bắc trị chứng đau bụng của mình, trông ông ốm yếu, tiều tuỵ hết sức. Vừa nhìn thấy bà về, ông đã lật đật bỏ chén thuốc xuống, cầm ống điếu dài bỏ vào miệng, rít một hơi thật sâu.

"Đám tang sao rồi?"

Bà hội ngồi xuống ở phía đối diện, ném chiếc khăn lụa trên đầu xuống, bà đáp.

"Thì bên sui gia chỉ gởi phúng điếu có hai bạc chớ sao."

Ông hội phả ra một làn khói trắng mờ, ông nhướng mày nhìn bà đang có vẻ như cáu có, mà chính ông cũng cau có theo.

"Đúng là cái ngữ ăn bám. Tao nuôi con cháu tụi bây đến thế mà chỉ phúng điếu cho nhà chồng hai bạc."

"Hỏi ra thì nói năm này mất mùa, nhà hết gạo nên không đi đổi bạc được. Ối dào, nghe có tởm không."

Ông bỏ điếu cày xuống xong sau đó quệt một miếng trầu đã tiêm để trên tráp.

"Rồi bà có mở lời đưa con Thanh về nhà ngoại không?"

Bà tặt lưỡi, bắt chéo chân để trên ghế với cái gương mặt chán chường vô cùng.

"Có nói, nhưng thằng con trai của ông không chịu để nó sang bên ngoại."

Nghe vậy, ông hội đập mạnh tay xuống bàn một cái rầm.

"Cha chả, nó còn muốn giữ lại con Thanh mần chi?"

"Ai mà biết đâu nó. Tôi nói rồi, để tôi đích thân tìm vợ cho nó xem sao. Chớ nó cũng gần năm chục, sợ không ai cưới đó thôi."

"Không ai cưới thì ép cưới. Nhà ta có tiền, sợ gì."

Nói đến đây, bỗng dưng trong đầu ông hội lại nghĩ ra điều gì đó. Ông mở to mắt nhìn về phía vợ, nhổ bã trầu vào bình, vuốt hai bên mép để lồ lộ ra nước trầu đỏ lòm như máu.

"Hay ta ép con Nguyên?"

"Nguyên nào?"

Ông hội vỗ tay lên đùi.

"Con Nguyên nhà bà Lộ. Nó mới mười chín, còn trẻ thì chắc đẻ được."

"À, con Nguyên. Cha má nó thiếu nợ nhà ta tận hai mươi tám đồng bạc. Cha chả, bắt nó về làm vợ thằng con mình đặng trừ nợ, coi bộ sáng suốt quá chứ."

Đến đây, hai ông bà nhìn nhau cười đắc chí lắm. Vậy là họ đã tìm được vợ cho con trai mình. Con Nguyên, mười chín tuổi với cái hy vọng và quan niệm là còn trẻ sẽ đẻ được nhiều. Dù cho Nguyên và ông Xã cách nhau tận ba chục tuổi, nhưng đối với họ thì có hề gì. Vợ trẻ chồng già, có như vậy thì gái mới nên nết và chồng mới có uy được.

"Thằng Lùn, mày qua nhà bà Lộ đưa bà ta và con Nguyên về đây. Nói rằng hai ông bà có chuyện muốn nói."

Lùn đứng phía sau phẫy quạt cho bà, nó nghe lệnh vội tức tốc đi ngay.

"Chuyến này coi bộ nhà mình có cháu trai rồi đa."

Bà hội tít mắt nhìn ông hội đang loay hoay sửa lại cái ống điếu.

"Hồi hôm tôi có đi xem bói, thầy bói nói số thằng Lợi là phải cưới vợ nhỏ hơn, càng nhỏ càng tốt."

"Đó, vậy mà hồi xưa nó lại đi cưới một con đờn bà chỉ thua nó có hai tuổi. Nếu như cưới đúng người thì chắc bây giờ tôi với ông đã có cháu ẵm bồng rồi."

"Phải, bà nói chí lí."

Hai ông bà cứ ngồi nói chuyện về cái vấn đề cưới xin sắp tới của con trai họ, về việc nên ép cưới thế nào, sính lễ nhiều hay ít và phải tổ chức trong bao lâu. Vì suy cho cùng, cái vụ ép cưới này thì bên nhà Nguyên trước sau gì cũng chịu thiệt. Nhà Nguyên là nhà nông, ruộng lúa mùa cày không đủ để nuôi ba miệng ăn trong nhà chớ huống chi cưới chồng.

Dù nghèo nhưng Nguyên lại nổi tiếng xinh đẹp, có duyên, giọng nói nhẹ nhàng rất dễ thu hút mấy cánh con trai khác. Cha má Nguyên thì cũng không quan trọng mấy cái việc cưới hỏi, nên đờn bà con gái ở đây mười sáu tuổi đã có chồng, mười bảy tuổi đã đẻ con, Nguyên thì mười chín rồi nhưng vẫn chưa có đám nào thăm hỏi. Người ta ngại nhà Nguyên nghèo quá, sợ cưới về rồi phải lo cho nhà vợ chớ không chi hết.

"Dạ bẩm ông bà, bà Lộ đã tới rồi."

Lùn đứng bên ngoài bậc thềm, phía sau nó là bà Lộ già đang cầm một cái nón lá rách tơi, và cô con gái của bà, Nguyên thập thò đứng sau lưng mẹ.

"Hai má con vô đây đặng bà hỏi chuyện."

Bà Lộ rón rén bước vào. Đứng trước cổng nhà giàu, hai má con bà không khỏi hoa mắt trước những đồ vật có giá trị, khắc rồng khắc phượng tỉ mỉ ở đây. Bà đứng khép nép trước ông bà hội, vái lạy vài cái rồi hỏi.

"Thưa, ông bà cho gọi nhà con."

Bà hội cười và chỉ vào gương mặt khắc khổ của người đờn bà, nói.

"Số tiền hai mươi tám đồng bạc, nhà mày định khi nào thì trả?"

Bà Lộ áy náy, sợ hãi khi nghe chủ nhắc tới món nợ truyền kiếp của gia đình. Bà vắt nón lá trên tay, đáp.

"Thưa...con thưa bà..."

"Có phải không có tiền trả đúng không?"

Bà hội làm bộ giở giọng ân cần, nhưng thật ra bà đã tính cả rồi.

Những người nông dân bần cùng như bà Lộ đây đều cảm thấy sợ hãi trước mấy câu hỏi về tiền nợ. Vì nhà bà vay nợ nhiều quá, nhiều đến mức hai vợ chồng và đứa con gái nai lưng ra làm, nhịn ăn nhịn mặc nhưng cũng không đủ để trả.

"Dạ, bà thong thả cho con đến sang năm được không ạ?"

Bà hội nhếch mép trước sự tủi hổ của bà Lộ, bà tiếp tục.

"Nợ nó đẻ ra lời, chúng mày biết không?"

"Dạ, nhà con biết. Nhưng..."

"Không có nhưng nhị gì cả. Bây giờ ông bà đang cần số tiền ấy, vợ chồng chúng mày có trả hay không?"

Bà Lộ càng lúng túng hơn, đến mức chân tay già yếu của bà run lên cầm cập. Nguyên nhìn mẹ mình khổ sở như vầy, nàng cũng không thể đành lòng im lặng được nữa.

"Thưa bà, xin bà cho chúng con sang năm sau. Năm sau chúng con sẽ trả hết số nợ cho ông bà."

Giọng nói mềm ấm của Nguyên cất lên khiến ông bà hội đều hài lòng nhìn nhau. Bà rót trà rồi uống, uống xong lại hỏi.

"Mày là Nguyên?"

Nguyên gật đầu.

"Dạ vâng."

"Mày nói rõ họ tên bà nghe xem."

Nguyên khó hiểu nhìn bà hội, nhưng nàng không dám hỏi lại, càng không dám chối từ. Nguyên khoanh hai tay lại, nàng ấp úng thưa.

"Bẩm bà, con tên An Nguyên, Bùi An Nguyên. Năm nay con mười chín tuổi."

Bà hội lẩm bẩm trong miệng.

"Bùi An Nguyên, tên đẹp, tên đẹp. Sao cha má mày tên xấu mà mày tên đẹp thế?"

"Thưa bà, tía má con nói đặt vậy đặng sau này đời con khá khẩm hơn, không phải chân lấm tay bùn nữa."

Ông hội phá lên cười giòn.

"Cha chả, con mẹ thằng tía mày đã làm thuê, thì suốt đời mày cũng chỉ có làm thuê thôi. Ở đó mà mơ với mộng."

"Vậy giờ mày có muốn khá hơn không?"

Hai mắt Nguyên tròn xoe nhìn bà hội, nàng ngẩng ra và không hiểu những gì mà bà vừa nói với mình.

"Dạ...ý bà là..."

"Bây giờ mày cưới con trai tao thì tao sẽ giảm nửa số nợ cho nhà mày. Tức là hai mươi tám đồng xuống còn mười bốn đồng."

Nguyên nghe vậy thì sợ hãi. Nàng quay sang nhìn má mình thì cũng thấy bà đang hoang mang lung lắm.

"Dạ bà ơi, con...con không dám."

"Ái chà, bà đã có lòng như vậy, cho mày cưới con trai bà đã là phúc đức lắm. Mày còn đòi gì à?"

Nhưng Nguyên không đòi gì hết, nàng không muốn cưới chồng, lại không muốn gả cho một người đờn ông đáng tuổi cha mình.

"Con lạy bà, con van bà. Hay bà để con ở đợ cho nhà bà, chớ bà đừng ép con cưới ông Xã."

Bà Lộ cũng không kiềm được nỗi xót xa mà nhào đến ôm lấy con. Chẳng lẽ vì mấy chục đồng bạc, vợ chồng bà suốt đời làm cũng không trả nổi hay sao?

"Trời ơi, bà ơi, bà đừng bắt con con đi mà tội nghiệp. Vợ chồng con sẽ làm việc đặng trả nợ cho bà mà."

Đứng trước cảnh tượng mẹ ôm con khóc, bà hội vẫn không có một chút gì gọi là động lòng. Bà chễm chệ đặt hai tay lên thành ghế, quơ quơ đôi guốc của mình trước mặt Nguyên, khinh khỉnh nói.

"Mày không muốn thì bà cũng bắt mày phải muốn. Tiền bà, bà không thể chậm trễ đâu. Mày về làm dâu nhà bà, có khi còn sướng hơn ở với con mẹ mày."

"Con...bà ơi. Con van bà, con lạy bà."

Bà hội bỗng đứng dậy đi về phía Nguyên. Nàng sợ quá vội lùi về sau vài bước nhưng vẫn không thoát khỏi bàn tay độc ác của bà hội. Bà nắm cằm nàng, bóp má nàng, ngắm qua ngắm lại rồi đúc ra một câu nói.

"Dáng con này coi bộ đẻ được đó đa."

"Tôi nói bà rồi. Tướng tá nó thế này thì thể nào cũng đẻ ra quý tử."

Bà hội liếc nhìn Nguyên.

"Bây đâu, lôi con này xuống nhốt vào kho củi, đợi khi nào có lệnh của bà mới được thả ra."

Nhốt vào kho củi? Nguyên lập tức đẩy bà hội ra và lao đến nắm tay má mình hòng chạy trốn. Nhưng lính đã đứng nhẵn hết ngoài sân với dây trói trên tay, nàng hết đường thoát rồi.

"Con lạy bà, con van bà. Con hứa sẽ trả nợ hết cho ông bà mà."

Từng giọt nước mắt rơi lã chã trên má Nguyên, nó nóng hổi và bất lực.

"Láo, má con mày láo. Bây đánh con nhỏ đó hai mươi hèo rồi mới nhốt lại. Nếu mày cứ trưng cái bộ mặt đó với nhà bà, chẳng những nợ không giảm mà mày còn bị ép làm dâu đó con đĩ."

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenFun.Vip