Vnf Don Long 03 12 Bong Bong Thoi Gian

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng
"Này Bình, sau này anh có muốn du hành thời gian không?"

Thằng Tài bất chợt hỏi tôi câu đó, khi hai đứa đang đứng cạnh nhau ngắm mưa thiên thạch rơi phía sau hàng cây bên rìa thị trấn. Chiếc kim ngắn nơi mặt đồng hồ thằng Tài đeo trên tay vừa chỉ đúng số sáu. Sáu giờ chiều, cái giờ bình thường mọi người sẽ quây quần quanh mâm cơm tối, ấy mà xung quanh chúng tôi đám đông vẫn chưa có dấu hiệu gì sẽ vãn bớt cả.

"Tao cũng không biết nữa," tôi nhún vai, nhìn một tảng thiên thạch to bằng cả căn nhà của tôi bừng bừng cháy và lao băng băng qua bầu trời. "Nhưng tao chắc chắn sẽ không tin tưởng vào cỗ máy thời gian, ít nhất là cho đến khi có ít nhất vài trăm người leo lên đó rồi trở về an toàn. Chứ bây giờ mọi thứ còn đang thử nghiệm, biết đâu cái máy đó lại dở chứng bất chợt," tôi khoát tay một vòng xung quanh, "như này nè, là không còn đường về nhà luôn."

"Em cũng nghĩ vậy," thằng Tài gật đầu, mắt vẫn dán vào tảng thiên thạch khổng lồ vừa dộng đánh uỳnh xuống bình nguyên xa xa. Mặt đất phía đó rung chuyển dữ dội, có thể nhìn rõ những lớp đất đá nát vụn và bắn tung lên không trung. Không chỉ mấy đứa trẻ con xung quanh chúng tôi, rất nhiều người lớn mới chạy đến chỗ này cũng sợ hãi giật lùi lại.

Nhưng thằng Tài chỉ đứng yên, hồi hộp chờ đợi.

Sóng xung kích truyền đến hàng cây bên rìa thị trấn thì tắt ngấm. Chúng tôi, những con người đứng phía sau hàng cây, và cả những ngôi nhà, những con đường, trường học, công viên, tòa nhà ủy ban - tất cả vẫn bình an vô sự.

"Về thôi nhỉ," tôi khoác tay qua vai Tài. "Về ăn cơm không mẹ mày lại rầy rà. Tối nay nếu mày muốn, mình lại ra đây xem tiếp." Ban nãy thằng Tài có nghe lỏm mấy ông chú ở Bộ Khoa học Công nghệ nói chuyện với nhau, lúc được mẹ nó nhờ chở đồ ăn sang cho họ. Cơn mưa thiên thạch này sẽ còn kéo dài đến nửa đêm. Nếu muốn, chúng tôi hoàn toàn có thể mang đồ ăn lẫn sách vở ra đây ngồi, coi như một chuyến dã ngoại trái khoáy.

"Ừ, về thôi," Tài cũng rướn người khoác tay qua vai tôi, dù điệu bộ có vẻ hơi tiếc rẻ. Nó ngoái đầu lại phía sau, ánh mắt không giấu nổi vẻ thích thú. "Hồi hai đứa mình còn nhỏ, nào có mơ được nhìn ngắm cảnh tượng nào xịn như vậy đâu chứ."

-----

Chuyện bắt đầu vào ba ngày trước. À không, nếu để kể lại đầu đuôi ngọn ngành thì chắc hẳn nó đã manh nha từ lâu lắm rồi. Nhưng với đám chúng tôi, cũng như tất cả mọi người trong thị trấn, tất cả chỉ mới bắt đầu từ ba ngày trước.

Buổi sáng hôm ấy, khi thầy giáo dạy Văn đang thao thao giảng bài thì thằng Xuân Kiên chạy hồng hộc đến trước cửa lớp trong tình trạng không thể nào nhếch nhác hơn: cả người nó ướt nhép, từ mái tóc thường ngày vẫn được rẽ mái thẳng thớm đến bộ đồng phục mà chúng tôi biết chắc rằng ngày nào nó cũng dậy sớm để là lượt phẳng phiu. Chỉ có chiếc ba lô nó đang cầm trên tay là có vẻ vẫn bình thường, nhưng nội cái cảnh tượng nước từ trên tóc và quần áo nó rỏ xuống sàn nhà tong tỏng là đủ khiến lớp tôi nhốn nháo lên rồi.

Thầy giáo không nói gì, chỉ bảo nó chạy xuống phòng y tế xin cái khăn lau khô người, trước khi quay lại với bài giảng. Nhưng sự tập trung của đám học trò chúng tôi đối với mớ thao tác lập luận so sánh trên bảng đã theo thằng Xuân Kiên bay biến hết ra ngoài cửa lớp. Mười lăm phút sau, Xuân Kiên ngượng ngùng quay lại, ngoan ngoãn lôi sách vở ra học bài như thể chưa có chuyện gì xảy ra, mặc cho gần ba chục ánh mắt đang đổ dồn về chỗ nó. Chỉ tới khi tiếng trống hết tiết vang lên và thầy giáo vừa lắc đầu ngán ngẩm vừa ôm cặp rảo bước ra ngoài, nó mới buông bút và thở ra một câu:

"Tao vừa chết hụt, bọn mày ạ."

Cả đám nhao nhao:

"Vãi chưởng!"

"Kể xem nào!"

"Sợ thế, mày làm sao đấy?"

"Tao bị rơi xuống hồ. Một cái hồ rộng khoảng vài mét thôi, không hiểu từ đâu hiện lên ngay giữa đường, và tao rơi ngay xuống đó." Xuân Kiên nuốt nước bọt, gương mặt dường như vẫn chưa hết bàng hoàng. Những lời nó kể nghe như chuyện đùa, nhưng nhìn biểu cảm của nó thì chẳng ai có thể nghĩ như vậy. "Nước hồ mặn. Tao uống mấy ngụm nước rồi tao biết. Tao ném được cặp sách lên bờ, nhưng xe đạp của tao thì không cách nào kéo lên nữa..."

Nhưng nó chưa kịp kể hết đầu đuôi thì sự chú ý của tất cả đã phải dồn sang chỗ khác. Một tiếng gầm chân thật và vô cùng khủng khiếp, không khác gì âm thanh của bầy hổ chúng tôi vẫn xem trên TV nhưng nhân lên gấp chục lần, vang rền nơi sân sau của trường học, và chúng tôi cuống cuồng nhao đến bên cửa sổ, đứa thì cúi người luồn lách qua các dãy ghế, đứa thì nhảy qua những dãy bàn, ai nấy đều tìm kiếm một cái nhìn ra sân sau rõ rệt nhất.

Rốt cục cả đám đều phải thất vọng, bởi khung cảnh nơi ấy vẫn chẳng khác gì mọi ngày: vẫn là trảng cỏ xanh chúng tôi vẫn thường rủ nhau chơi đá bóng, vẫn là hàng liễu rủ mềm mại, vẫn là những lối đi rải sỏi quanh co. Dẫu vậy, khi chúng tôi nhìn sang cửa sổ lớp bên và thấy đám học trò lớp Mười cũng đang chen chúc nhau với vẻ mặt ngơ ngác chẳng khác gì mình, chúng tôi biết chắc âm thanh vừa rồi không phải chỉ là tưởng tượng ra. Thằng Tài, một trong những cái đầu lố nhố bên đó, đưa tay vẫy tôi nhiệt tình, và sau khi đã có được sự chú ý của tôi nó hất đầu xuống sân sau rồi khẽ nhíu mày, chừng như đang ra ý hỏi, anh có biết chuyện gì đang xảy ra không?

Tôi lắc đầu, tao chịu mày ơi.

Sau tiết Văn là tiết Hóa, môn học mà cả lớp chúng tôi đều sợ, phần nhiều vì giáo viên phụ trách môn này nổi tiếng là khó tính nhất trường tôi, người mỗi giờ kiểm tra bài cũ trôi qua đều để lại lớp tôi dăm ba con điểm kém cùng những lời răn đe trách móc nặng nề. Trống vào tiết vừa vang lên, chúng tôi tiếc rẻ trở về chỗ ngồi, bày sách vở ra bàn học nghiêm chỉnh, nín thở chờ cô bước vào.

Và cô không vào. Chúng tôi liếc đồng hồ, bắt đầu thấy hoang mang. Cô lần đầu đến lớp muộn? Một, ba, năm, bảy phút trôi qua...

Một cái bóng xuất hiện trước cửa lớp. Nhưng không phải cô giáo dạy Hóa. Mà là cô Trang, người phụ trách y tế ở trường chúng tôi.

"Tiết Hóa hôm nay các em được nghỉ, cô giáo có việc đột xuất nên không đến trường được." Cả đám chưa kịp reo hò thì đã bị ánh mắt nghiêm khắc của cô Trang làm cho im thin thít. Cô đảo mắt một vòng quanh lớp, rồi cất tiếng hỏi, "Xuân Kiên đâu nhỉ?"

Xuân Kiên lấm lét giơ tay, "Em đây ạ."

"Em đi với cô một lúc nhé."

Xuân Kiên không dám chần chừ, nhanh chóng xếp gọn sách vở rồi đứng dậy đi theo cô, một lần nữa khiến cả lũ đổ dồn ánh mắt đầy dấu hỏi về phía nó. Tự dưng được nghỉ học, lại còn là nghỉ học bộ môn đáng sợ nhất trần đời, nhưng cả đám chẳng lấy gì làm vui vẻ. Từ chuyện của Xuân Kiên đến tiếng gầm mà chúng tôi nghe thấy ở sân sau trường học, đến chuyện cô giáo dạy Hóa bất ngờ không thể đến lớp, đứa nào đứa nấy đều cảm thấy có điều gì đó khác lạ đang diễn ra quanh ngôi trường này.

Và đến buổi trưa hôm đó, trên đường đi học về, chúng tôi được biết rằng trong buổi sáng hôm đó, những chuyện bất thường không chỉ gói gọn trong khuôn viên trường cấp ba của chúng tôi, mà là trên địa bàn cả thị trấn.

Bác Ngoan, tổ trưởng tổ dân phố tôi, sáng nay đã phải hủy kế hoạch ra đầu ngõ viết bảng tin khi thấy một vách núi sừng sững xuất hiện ở sân trước, bít kín lối ra khỏi nhà.

Anh Hoàng Sơn, tức anh - trai - bán - báo - có - nụ - cười - tỏa - nắng, đã phải giành giật đống báo mới bày lên sạp với một con vật mà theo lời anh tả là "lai giữa đà điểu và khủng long", hếch mỏ ngang nhiên chạy giữa đường nhựa như thể đó là sinh quyển của nó vậy.

Chị Thanh Tâm, cán bộ phụ trách hoạt động phong trào cho đám trẻ con trong thị trấn, thì bị một phen hết hồn khi mở cửa nhà kho ở ủy ban nhân dân và thấy một con khỉ con đang thản nhiên xào xáo hét đống giấy tờ trong đó lên. Mười giây sau thì con khỉ con đột ngột biến mất, nhưng căn phòng kho chính thức biến thành một bãi chiến trường.

Khi tôi chia tay thằng Tài trước ngõ nhà nó hôm ấy, nó huých vai tôi bảo, "Ê, anh có cảm giác mọi thứ đang diễn ra rất giống cái phim Chicken Little hồi xưa anh em mình hay xem không?"

Tôi chẳng thể làm gì hơn ngoài việc đồng tình.

-----

Thằng Tài mê phim khoa học viễn tưởng từ bé.

Tôi vẫn còn nhớ cái đầu DVD cũ mà ba của Tài đặt trong phòng khách nhà nó từ xa xửa xa xưa, cùng chồng đĩa phim dày cộp xếp bên trên. Cái chồng đĩa đó, tôi và thằng Tài đã cày không sót một bộ nào, bộ nào bộ nấy đều xem đến thuộc từng câu thoại - cách đây khoảng sáu hay bảy năm, nó và tôi vẫn thỉnh thoảng bật Bill and Ted's Excellent Adventure lên, thay nhau đọc thoại của hai nhân vật chính rồi ôm bụng cười ngặt nghẽo. Thường thì tôi phải đánh đổi những buổi chiều rong chơi bên nhà Tài bằng những trận đòn của bố, nhưng tôi vẫn không cách nào cưỡng lại được lời mời đầy hấp dẫn của nó, khi hai đứa cùng nhau đi bộ từ trường về.

Một trò chơi yêu thích của chúng tôi ngày nhỏ, thường do Tài khởi xướng: chui vào trong chiếc tủ quần áo đặt dưới chân cầu thang nhà Tài, giống như Bill và Ted chui vào trong cái bốt điện thoại du hành thời gian vậy. Nhắm mắt lại, và tưởng tượng chiếc tủ đang đưa mình vun vút ngược dòng thời gian. Hai đứa tôi đã dùng cỗ máy thời gian ấy để quay về kỷ Phấn Trắng xem khủng long bạo chúa. Về năm 179 trước Công Nguyên xem An Dương Vương bắn nỏ thần, nhập tâm đến độ giả bộ chạy theo ngựa của Mị Châu để nhặt cho bằng hết lông ngỗng. Về một ngày hồi Tài năm tuổi để đấm vỡ mặt thằng nhóc đã bắt nạt nó ở lớp mẫu giáo. Chúng tôi nhảy cóc từ niên đại này qua niên đại nọ, chứng kiến bao thăng trầm của thời gian, và, rất nhiều lần, cố gắng tưởng tượng rằng mình có thể chen chân một chút vào lịch sử.

Những ký ức ấy sống lại bên trong tôi khi cùng Tài nằm nhẩn nha nhai bánh mì trên trảng cỏ. Cơn mưa thiên thạch vẫn sáng bừng trên đầu. Đám trẻ con vẫn nghịch ngợm chạy quanh chúng tôi, cười đùa không ngớt, chỉ dừng lại khi có tiếng động lớn từ xa vọng lại.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenFun.Vip