Tội ác theo quan niệm của Fyodor Dostoevsky

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Giả sử không có Thiên Chúa và cũng chẳng có sự bất diệt của linh hồn. Vậy bây giờ hãy nói cho tôi biết, tại sao tôi lại phải sống công chính và làm điều thiện trong khi chết là hết? [...] Và nếu như vậy, sao tôi lại không đi cắt cổ người khác, ăn trộm hay cướp bóc gì đó, miễn sao khéo léo và nhanh nhẹn để khỏi bị tóm là được?"

-Fyodor Dostoevsky-

Nhà văn kiệt xuất của nước Nga đã nói như vậy trong một bức thư gửi cho N. L. Ozmidov vào năm 1878. Lòng thành kính của ông dành cho Thiên Chúa có lẽ đã giúp Asagiri tạo nên một Fyodor của BSD luôn cho rằng bản thân chỉ là "tùy tùng" của Chúa, và nhiệm vụ của anh đó là gột rửa mọi tội lỗi trên đời này, nói cách khác, là sự tồn tại của các siêu năng lực gia. Thật là một lí tưởng cứu rỗi thế giới vặn vẹo.

Không dài dòng nữa, cùng tôi phân tích quan niệm về tội ác của Fyodor Dostoevsky thôi.

Biểu hiện và chủ thể của tội ác

Theo văn hào Fyodor Dostoevsky, cái ác không chỉ biểu hiện thành hành động bên ngoài mà còn manh nha trong từng ý niệm, từng dòng suy nghĩ.

Những điều này được thể hiện rõ trong Tội ác và Trừng phạt. Giữa quán nước công cộng, người sinh viên ngang nhiên bày tỏ quan điểm lệch lạc: "Tớ sẵn lòng giết phăng mụ già kia để cướp lấy của cải và tớ cam đoan với cậu là lương tâm tớ sẽ không mảy may cắn rứt". Khi những người nghèo khó đang khổ sở chống chọi với đói nghèo, vị linh mục vẫn thản nhiên khuyên dạy: "Chúa rất từ bi, hãy hy vọng vào sự cứu giúp của đấng vô cùng". Khi những người nghèo lên án Chúa đã bỏ rơi họ, không cứu họ, vị linh mục liền gán ghép hành vi bất kính của họ là tội lỗi, là bất kính.

Ngoài ra, cái ác được biểu hiện dưới dạng những ý niệm, suy nghĩ. Nhân vật chính Raxcolnicov thường chìm trong suy nghĩ giết người là việc quan trọng cần phải thực hiện "thẳng tay, triệt để, sao cho có thể thu xếp thật ổn sự nghiệp sau này và bước vào một con đường mới, một cuộc sống tự lập". Theo nhà văn, môi trường sống chính là sự phóng chiếu của tâm thức. Do vậy, một khi tâm tưởng đã nghĩ đến việc giết người, kẻ ác không thể nào có được cuộc sống an ổn hay thành đạt.

"Tội ác là suy nghĩ. Tội ác là hít thở. Hắn đã được giải thoát khỏi thứ đó (tội ác)."

"Loài người ngu si đến tội lỗi. Dẫu biết rằng bản thân đang bị thao túng, chúng vẫn không thể ngừng chém giết lẫn nhau. Phải có người nào thanh tẩy tất cả tội lỗi đó."

Có vẻ mọi việc dần được liên kết rồi nhỉ. Giống như vị văn hào kiệt xuất của nước Nga, nhân vật Fyodor cho rằng con người là vật chứa của tội ác. Tội ác ẩn mình trong mọi ngóc ngách, từ suy nghĩ cho đến hành động. Ví dụ như trong arc Cannibalism chẳng hạn, dù biết rõ chủ mưu là một ai khác và kẻ đó đã bày nên một bàn cờ rồi ép tất cả mọi người hành xử như những quân tốt, ADA và PM vẫn quay ra cắn xé nhau đó thôi.

Và điều thú vị rằng, Fyodor khẳng định "AI ĐÓ phải thanh tẩy tội lỗi cho bọn chúng", chứ không phải một thế lực trên cao nào cả. Đối chiếu với quan niệm của văn hào Fyodor, ông khẳng định sinh mạng của mỗi người không thuộc quyền phán xét của Thượng đế. Do vậy, thật sai lầm khi tự cho mình quyền thay Chúa để phân xử người này được sống, người kia phải chết. Thêm vào đó, kết quả của hành động ác không bao giờ là sự tốt đẹp, mà chắc chắn là sự trừng phạt. Bên cạnh sự trừng phạt từ pháp luật nhà nước, người tạo ác còn nhận lãnh sự trừng phạt vô hình từ tòa án lương tâm. Sau cùng, văn hào khẳng định giết người khác cũng chính là tự giết chết bản thân mình, vì ngay khi giết người khác, kẻ giết người đã mất luôn tính người.

Cũng tức là nói, có thể lí do Fyodor của BSD đã tự nhận lấy danh xưng "tùy tùng của Chúa" để trừng phạt các kẻ tội đồ là vì bản thân Chúa không thể phân xử bất cứ ai được. Nhưng chẳng phải điều này lại đối lập với lập luận của văn hào sao, "thật sai lầm khi tự cho mình quyền thay Chúa để phân xử người này được sống, người kia phải chết/kết quả của hành động ác không bao giờ là sự tốt đẹp, mà chắc chắn là sự trừng phạt"?

"Ta sẽ dùng cuốn sách đó để kiến tạo một thế giới không có tội lỗi của các siêu năng lực gia."

Diễn giải câu nói này: tất cả các siêu năng lực gia đều gánh trên vai tội ác. Đồng nghĩa với việc chính Fyodor, một siêu năng lực gia với năng lực "Tội ác và Trừng phạt", đang tự nhận rằng bản thân cũng có tội, và anh cũng sẽ không thể được dung thứ khỏi hình phạt cuối cùng ấy.

(Nói thẳng ra là Fyodor tự cắm deathflag lên đầu luôn chứ không cần Asagiri)

Khi giải thích như thế này thì mọi chuyện lại hợp lí đến kì lạ rồi nhỉ. Vì Fyodor đã mang trên vai tội ác "tự ý định đoạt sống chết của người khác", nên chắc chắn sẽ có bản án thích đáng dành riêng cho anh thôi.

(Tự dưng nghĩ nếu ending của BSD là siêu năng lực gia ngỏm sạch còn người thường thì mất trí nhớ về sự tồn tại của siêu năng lực, nghe cũng ☠️☠️☠️)

Phương thức diệt trừ tội ác

Văn hào Fyodor Dostoevsky nêu ra hai điều cần thực hiện để đối trị cái ác.

• Con người cần quay trở về với Chúa - Chúa bên trong tâm hồn và Chúa bên ngoài.
• Con người cần can đảm đối diện đau khổ sau khi đã tạo ác và quyết tâm chuộc tội.

Quay trở về với Chúa đồng nghĩa thực hành những lời Chúa dạy về tình thương, tình bác ái. Con người cần yêu thương chính mình và yêu thương tha nhân chân thành. Bằng tình yêu thương rộng mở, vô điều kiện, cái ác trong con người sẽ giảm xuống hoặc không còn có cơ hội phát khởi.

Trong trường hợp đã tạo ác, con người cần can đảm nhận lãnh đau khổ từ sự trừng phạt của lương tâm. Hình phạt từ sự giày vò lương tâm đáng sợ hơn so với sự trừng phạt bên ngoài của pháp luật nhà nước. Văn hào khẳng định "cần phải nhận lấy khổ nhục để chuộc tội... hãy đau khổ... đau khổ là một việc lớn lao". Một khi chấp nhận sự trừng phạt từ lương tâm, chịu đựng được sự giày vò về tội ác đã tạo, tâm hồn kẻ tạo ác có cơ hội được gột rửa bớt tội lỗi.

Sau khi giết bà Aliona, Raxcolnicov luôn sống trong giằng xé, giày vò từ tinh thần đến thể xác. Quyết định nhận lãnh đau khổ từ tội giết người là cách duy nhất để Raxcolnicov được cứu rỗi. Chỉ khi can đảm thú nhận tội ác, can đảm chịu đau khổ trong tâm hồn, hình phạt với kẻ tạo ác mới thật sự có giá trị. Khi "tất cả những nỗi thống khổ của dĩ vãng ấy là cái gì? Tất cả, ngay cả tội ác của chàng, ngay cả cuộc xét xử và án đày của chàng, giờ đây chàng có cảm giác như đó là những sự kiện gì bề ngoài, xa lạ, thậm chí không liên quan gì đến chàng nữa", Raxcolnicov vui mừng nhận ra tâm hồn tự do dù thân đang bị giam nhốt trong nhà tù Siberia.

Trái với Raxcolnicov, Svidrigailov trong Tội ác và Trừng phạt đã quyết định tự tử vì không đủ can đảm đối mặt với con quỷ dâm dục, trâng tráo, đồi bại ghê tởm bên trong tâm hồn đã thúc đẩy anh ta làm ác.

Diễn giải như thế này thì lại thấy hiểu hơn về lí do tại sao Fyodor lại chấp niệm với một thế giới không có tội lỗi của các siêu năng lực gia như vậy, ngay cả khi phải hiến dâng sinh mạng của chính mình. Có mấy ai trên đời này thật sự can đảm đối mặt với tội ác do bản thân gây ra rồi tìm cách chuộc lỗi? Bọn họ chưa tìm cách đùn đẩy trách nhiệm hoặc giá hoạ cho người khác đã là tốt đẹp lắm rồi.

Vì vậy, Fyodor nghĩ rằng cách duy nhất còn lại để thanh tẩy hết tội lỗi của tội nhân chỉ có thông qua việc đưa linh hồn bọn bọ quay về với Chúa.

Chiếu theo những gì tôi vừa phân tích, các hành động của Fyodor lại trở nên hợp lí đến bất ngờ. Anh đã ban cho Karma sự cứu rỗi tuyệt đối - giải phóng linh hồn khỏi "ách tội lỗi" (yoke of sin). Và nhìn kìa, Karma cũng nhận ra điều đó, thậm chí còn hài lòng với bản án mình nhận được cơ!

Trong Kinh Thánh, hình ảnh "cái ách" cũng từng xuất hiện trong câu:

28:47
Bởi trong lúc dư dật mọi điều, ngươi không vui lòng lạc ý phục sự Giê-hô-va Ðức Chúa Trời ngươi,
28:48
cho nên trong lúc đói khát, trong lúc trần truồng, và thiếu thốn mọi điều, ngươi sẽ hầu việc kẻ thù nghịch mà Ðức Giê-hô-va sai đến đánh ngươi; họ sẽ tra ách sắt trên cổ ngươi, cho đến chừng nào tiêu diệt ngươi.

-Deuteronomy 28-

Về mặt nghĩa đen, cái ách là một khúc gỗ uốn (hay đẽo) cong máng vào cổ con trâu con bò hay con ngựa để kéo cày hay kéo xe. Để cái ách nằm yên một chỗ trên cổ con vật, người ta buộc nó vào một sợi dây chạy vòng qua phía dưới họng của nó. Khi cổ con vật bị cái ách khung lại như thế nó bị kiềm chế và người chủ sẽ dễ dàng điều khiển nó. Chính vì thế mà theo nghĩa bóng, cái ách ám chỉ sự nô lệ, sự lệ thuộc như khi chúng ta nói "sống dưới ách đô hộ của người nước ngoài". Vậy nên, khi Fyodor nói "cởi bỏ ách tội lỗi", điều này tương đương với "được tự do và giải thoát khỏi tội lỗi", khá tương tự với một đoạn trong Kinh Thánh:

9:3
(9:2) Chúa đã làm cho dân nầy thêm nhiều; và thêm sự vui cho họ. Mọi người đều vui mừng trước mặt Chúa, như vui mừng trong ngày mùa gặt, như người ta reo vui trong lúc chia của cướp.

9:4
(9:3) Vì Chúa đã bẻ cái ách họ mang, cái roi đánh trên vai họ, cái gậy của kẻ hà hiếp, như trong ngày của Ma-đi-an.
-Isaiah 9-

"Hình phạt đuối nước phù hợp với một tùy tùng của Chúa như tôi đấy, nhưng sức khoẻ của tôi yếu lắm, bị cảm một cái là hết chịu nổi rồi. Nên tôi sẽ ban cho các người bản án tương tự. Mong rằng lúc này đây, các người sẽ không được vỗ về trong vòng tay bao la của Chúa."

Kinh Thánh có một đoạn liên quan đến "vòng tay của Chúa" như sau:

50:1
Ðức Giê-hô-va phán như vầy: Chớ nào từ để mà ta đã để mẹ các ngươi ra ở đâu? Ai là người chủ nợ mà ta đã bán các ngươi cho? Nầy, các ngươi bị bán, là tại tội lỗi mình; mẹ các ngươi bị bỏ, là tại sự bội nghịch các ngươi.

50:2
Cớ sao khi ta đến, chẳng thấy có người nào? Cớ sao khi ta gọi, chẳng có ai thưa lại? Tay ta há ngắn quá không chuộc được sao? hay là sức ta không đủ mà cứu được sao? Nầy, ta chỉ nạt một cái thì biển liền cạn. Ta biến sông thành đồng vắng; cá dưới sông vì khan nước phải chết khát, hóa ra hôi thối.
-Isaiah 50-

Đây là cảnh Chúa nói với các giáo đồ về khả năng cứu rỗi nhân loại của Ngài. Dù bọn họ có trở nên suy đồi đến đâu, có phạm tội ác khủng khiếp đến mức nào, vòng tay của Ngài vẫn đủ lớn để bao bọc hết thảy và đem đến cho họ tình thương. Không có ai trên đời này mà Ngài không thể cứu rỗi.

Vì vậy, khi Fyodor nói "các người sẽ không được vỗ về trong vòng tay bao la của Chúa", điều này tương đương với một lời nguyền rủa cho Dazai và Sigma, rằng tội lỗi của họ lớn đến mức vòng tay vĩ đại của Chúa cũng không thể ôm trọn.

(Nói thô thiển theo ngôn ngữ của chúng ta sẽ là "Chúa cũng không cứu được bọn mày đâu, xuống địa ngục hết đi, ai bảo dám dìm ông đây xuống nước")

Thật ra đây không phải lần đầu Fyodor thể hiện sự thâm thúy trong ngôn từ, lúc gặp mặt Mushitaro, anh đã nói như thế này:

"Năng lực "xoá sạch mọi chứng cứ tội ác" của anh, một năng lực giống thần thánh như thế, đáng nhẽ nên được tận dụng nhưng bọn họ lại nhốt anh ở chỗ này."

Như tôi phân tích ở trên, với Fyodor, chỉ có trở về với Chúa thì linh hồn mới được thanh tẩy tội lỗi, nhưng năng lực của Mushitaro lại có thể tẩy sạch mọi chứng cứ tội ác theo đúng nghĩa đen, nên Fyodor gọi nó là "năng lực giống thánh thần" cũng không sai chút nào đâu nhỉ?

=====

Một số bài đăng "phân tích" về Fyodor kiểu: anh ấy không làm gì đáng trách blobla.

Vậy là phân tích dữ chưa hay là ảo tưởng? Đến mức độ này còn không thể gọi là "cảm nhận nhân vật" được luôn. Tại sao cứ phải tẩy trắng nhân vật mình yêu thích làm gì?

Mà không riêng gì Fyodor, nhân vật nào trong BSD cũng dính tình trạng này, chỉ là nhân vật càng có tâm lí phức tạp thì càng bị nhiều.

P/S: tuy Fyodor không mấy bận tâm đến Gogol dù Gogol khá là...ý tôi là nhìn cảnh một người áp bàn tay của một người khác lên mặt nó cứ sao sao. Trên thực tế, xu hướng tính dục thực sự của văn hào Gogol đến nay còn nhiều tranh cãi, một bộ phận học giả cho rằng ông thuộc LGBT+ và nguyên nhân thực sự khiến ông đốt tập bản thảo phần 2 của Những linh hồn chết là bởi ông quá đau khổ khi tình yêu đồng giới của mình không thể được xã hội bấy giờ chấp nhận. Không biết thực hư ra sao, nhưng Gogol chưa từng lập gia đình và ông vẫn còn là trai tân (khụ khụ, tôi chỉ tóm tắt lại những gì báo nước ngoài nói) cho tới khi mất, dù ông là người rất nặng về nhục cảm.

Phần còn lại để các bạn tự đánh giá, nhiệm vụ của tôi chỉ là phân tích thôi.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenFun.Vip