Chi Pheo Nam Cao Qua Trinh Thuc Tinh Cua Chi Pheo

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng
Nhân vật Thị Nở được Nam Cao đưa vào tác phẩm "Chí Phèo" trong hình ảnh của một người con gái xấu xí, ngẩn ngơ và ế chồng, mũi thị vừa to, vừa ngắn vừa đỏ, vừa sần sùi như vỏ cam sành, lúc thì bành ra lúc lại dị xuống, cái môi của thị nứt nẻ như bờ ruộng ngày đại hạn, lại còn xám ngoách như thịt con trâu chết, Thị còn sinh ra trong một gia đình có ba đời mắc bệnh hủi. Việc để cho nhân vật Thị Nở xuất hiện trong tác phẩm để cứu vớt linh hồn của Chí Phèo trong "con quỷ dữ" là một biểu hiện về giá trị nhân đạo trong sáng tác của Nam Cao.

Cuộc gặp gỡ định mệnh giữa Chí Phèo và Thị Nở diễn ra vào lúc đêm khuya, trăng thanh gió mát. Nơi bờ sông ấy- gần túp lều của Chí Phèo, bên gốc cây chuối- chứng nhân cho mối tình của Chí Phèo và Thị Nở. Đó cũng là lúc Thị Nở đi gánh nước và ngủ quên bên bờ sông.

Chí Phèo bấy giờ đã mất hết nhân hình và nhân tính, đã trở thành "con quỷ dữ" của làng Vũ Đại, Chí bị mọi người xa lánh, kì thị, Chí bị loại ra khỏi cộng đồng của những người lương thiện. Đêm hôm ấy, dưới ánh trăng vằng vặc, Chí và Thị đã ăn nằm với nhau như vợ chồng, cũng đêm ấy, Chí Phèo bị ốm. Thị Nở đã dìu Chí vào trong lều, đắp cho hắn manh chiếu rồi ra về.

Nếu như trong suốt thời gian làm tay sai cho Bá Kiến, Chí Phèo đã mất đi hoàn toàn nhận thức, ý thức về thời gian, về không gian, về cơ thể, về đời sống tâm hồn của mình, thì giờ đây, sau một đêm gặp gỡ Thị Nở, sau một trận ốm, những ý thức ấy đã dần dần hồi sinh theo chiều hướng rất tích cực.

Đầu tiên, Chí Phèo đã có nhận thức về thời gian và không gian xung quanh mình: "Khi Chí Phèo mở mắt thì trời đã sáng lâu. Mặt trời chắc đã lên cao, và nắng bên ngoài chắc là rực rỡ". Với những câu văn lặp cấu trúc ngữ pháp, tác giả cho chúng ta hình dung về một Chí Phèo đang lắng nghe âm thanh của cuộc sống bằng tất cả tâm hồn rộng mở của mình. Chí Phèo đoán, trời đã sáng. Chí Phèo cảm nhận tiết trời đang rất đẹp vì âm thanh của những tiếng chim. Đó là nguồn cảm xúc tích cực, cho biết trong lòng Chí Phèo đang rất vui dù nơi Chí Phèo ngồi đối lập hoàn toàn với cuộc sống ở bên ngoài.

Sau giây phút mơ hồ, thì Chí Phèo đã hoàn toàn tỉnh. Hắn thấy lòng mình bâng khuâng. Hắn nhận thấy tín hiệu thay đổi của cơ thể: "miệng đắng, người thì bủn rủn, chân tay không buồn nhấc". Trong sự mệt mỏi nơi thể xác ấy, Chí Phèo bỗng rùng mình khi nghĩ đến rượu- hắn sợ rượu y như người ốm sợ cơm. Nỗi sợ ấy chứng tỏ hình hài con người đã quay trở lại trong hình hài "con quỷ dữ" trước đó.

Giữa lúc Chí đang sợ rượu thì âm thanh cuộc sống dồn dập dội vào tâm hồn của Chí. Đầu tiên, Chí nghe thấy tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ, hay kì thực là lòng Chí đang vui, tiếp theo là tiếng anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá và tiếng nói chuyện của những người đi chợ về. Âm thanh ấy hôm nao chả có- là âm thanh cuộc sống giản dị, đời thường; nhưng hôm nay, hắn mới thực sự thấm thía. Niềm vui len lỏi chảy vào trong huyết quản, nhưng thoáng cái lại buồn ngay:

"-Vải hôm nay bán mấy?

-Kém ba xu, dì ạ!

-Thế thì còn ăn thua gì!

-Có khéo co mới được một tấm năm xu.

-Thật thế đấy. Nhưng chẳng lẽ rằng lại chơi..."

Chí buồn là bởi câu chuyện kia đã nhắc nhở cho Chí một cái gì rất xa xôi. Chí nhớ có một thời, mình ao ước có một gia đình nhỏ, chồng cày thuê cuốc mướn, vợ thì se tơ dệt vải. Khấm khá thì mua con lợn, hay mua dăm ba sào ruộng để làm. Ước mơ bé nhỏ ấy, ai mà không thực hiện được? Ấy vậy mà riêng Chí thì không. Đây chính là nguyên nhân khiến lòng Chí thiết tha buồn.

Trong nỗi buồn thiết tha ấy, Chí- lần đầu tiên đã có định lượng về thời gian cuộc đời mình. Hắn thấy hắn già rồi mà vẫn còn cô độc. Khi nghĩ về tuổi tác, Chí có phần bất ngờ và hoảng hốt: "Hắn đã già rồi hay sao?", "Có lí nào như thế được?". Hắn hiểu, hắn đã bước sang cái dốc bên kia của cuộc đời. Ở tuổi này, không phải phù hợp cho việc lập gia thất. Không chỉ định lượng thời gian của cuộc đời, mà phút giây này, Chí còn lắng nghe cơ thể của mình. Chí hiểu, một người chưa từng ốm như hắn, mà bây giờ lần đầu tiên ốm, chứng tỏ cơ thể đã hư hỏng nhiều- nó là một cơn mưa gió cuối thu cho biết trời gió rét, nay mùa đông đã đến. Chí Phèo bỗng sợ tuổi già, sợ đói rét, ốm đau và cô độc. Trong bao nhiêu nỗi sợ ấy, thì cô độc là điều khiến Chí sợ nhất.

Sợ cô độc, suy cho cùng đó chính là khao khát được nhập hòa, khao khát được sống trong xã hội bằng phẳng của những người lương thiện. Về bản chất, đó là khát khao muốn được hoàn lương, là quá trình thức tỉnh khá diệu kì trong tâm hồn của Chí.

Và ngay giữa lúc Chí Phèo đang sợ đói rét, ốm đau, cô độc, thì cũng là lúc Thị Nở vào. Thị Nở đến, cắp một cái rổ, trong đó có nồi gì đậy vung. Mùi khói bốc lên thơm nức, cho Chí Phèo hiểu và hắn rất ngạc nhiên. Sở dĩ, Chí ngạc nhiên vì đây là lần thứ nhất, có một người đàn bà dám xuất hiện trong căn lều của Chí, vả lại, người đàn bà ấy lại mang đồ ăn sang cho Chí. Sau ngạc nhiên, Chí thấy lòng mình xúc động, mắt hình như ươn ướt. Đó là giọt nước mắt hiếm hoi nơi người đàn ông đã phải chịu biết bao đọa đày. Giọt nước mắt ấy vỡ ra nơi đáy mắt, đủ biết con người ta sung sướng và tủi thân đến nhường nào. Việc Thị Nở cho cháo khiến Chí Phèo liên tưởng đến cuộc đời dài dặc của mình trước đó. Chí Phèo nhớ đến bà Ba- cái con quỷ cái hay bắt Chí bóp chân. Bà ta chỉ lợi dụng Chí, chứ chẳng yêu đương gì. Thế nên khi nghĩ về Thị Nở, Chí Phèo càng trân trọng hơn.

Khi được Thị Nở múc bát cháo hành cho ăn, lòng Chí bâng khuâng. "Bâng khuâng" là cảm xúc vui buồn lẫn lộn cũng với sự ăn năn. Có lẽ lúc ấy, Chí Phèo đã rất hối hận về những tội ác mà mình đã gây ra trong giai đoạn làm tay sai cho Bá Kiến. Lúc ấy, Chí cảm nhận mùi cháo hành mới thơm làm sao, chỉ khói vào mũi thôi cũng đủ thấy người nhẹ nhõm. Bát cháo không đơn thuần là món ăn giải cảm, mà đó là hương vị của tình người, nên nó khiến Chí phải suy nghĩ rất nhiều.

Ăn hết một bát Cháo, Thị Nở lại múc thêm cho Chí bát nữa. Người Chí đổ ra bao nhiêu mồ hôi, cả tâm hồn lẫn thân xác đều cảm thấy rất thư thái và nhẹ nhàng. Khi Thị Nở nhìn hắn, lắc đầu và thương hại, hắn thấy lòng mình dịu êm, hắn muốn làm nũng với Thị như với mẹ. Hắn thấy cuộc đời bình yên như em bé trong vòng tay chăm sóc, yêu thương của gia đình. Khi ấy, mọi hành động, ánh mắt của Chí rất hiền, không còn dáng dấp của kẻ vẫn đập đầu, rạch mặt và ăn vạ.

Bằng trái tim nhân đạo của mình, nhà văn Nam Cao đã phát hiện và trân trọng bản chất tốt đẹp của con người ngày thường bị vùi lấp. Chí đã có dấu hiệu tích cực của sự hoàn lương: "Trời ơi! Hắn thèm lương thiện, hắn muốn làm hòa với mọi người biết bao!". Khát khao cháy bỏng ấy của Chí đã được tiếp thêm sức mạng bằng nụ cười của Thị Nở khiến Chí thấy nhẹ người. Trong Chí tràn đầy niềm tin tưởng và hy vọng, Chí nghĩ Thị Nở sẽ mở đường cho mình, Thị sẽ là cây cầu, nối hắn với xã hội những người lương thiện.

Để sớm được quay về với xã hội của những người lương thiện, Chí đã tỏ tình với Thị Nở, vì Chí biết, tình yêu rất diệu kì: "Giá cứ thế này mãi thì thích nhỉ?", "Hay là mình sang đây ở với tớ một nhà cho vui".

Lời tỏ tình ấy tuy không lãng mạn nhưng rất chân thành, giản dị, chan chứa niềm tin và nỗi khát khao của Chí Phèo được hoàn lương. Thị Nở lườm hắn- đó là sự đồng ý của một người phụ nữ xấu xí, nhưng cũng đủ khiến lòng Chí rất vui. Chí cười khanh khách.

Như vậy, ở đoạn văn trên, nhà văn Nam Cao đã thành công trong việc miêu tả tâm lí nhân vật, ngòi bút của ông đã đi sâu vào trong từng ngõ ngách của đời sống tâm hồn con người, nhằm khẳng định: "Bản chất lương thiện và khát khao hạnh phúc là những điều tốt đẹp luôn thường trực trong tâm hồn của những người nông dân mà không gì có thể dập tắt được. Nó có thể tạm thời bị che khuất, đến khi có cơ hội, nó lại bùng lên mạnh mẽ". Đoạn văn trên là tiêu biểu cho sự hồi sinh diệu kì nhất trong tâm hồn của Chí Phèo.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenFun.Vip