Markhyuck Giot Xuan Trong Tranh Mai Hien Nha 01 Phong Khong Kin Gio

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng
Hưởng đóng nắp bút lại, chẳng mấy chốc mà đã chấm xong bài kiểm tra giữa kì cho lũ trẻ. Đông về rồi, lại là cái rét đăm đăm cắt sâu vào da vào thịt. Trời đông hanh đến nỗi anh nghe được cả tiếng gió mùa nứt nẻ trong không khí, kèm theo tiếng vỡ vụn buồn tủi như thể nó biết con người không hề yêu thương cái buốt cái giá của mình.

Đề thi giữa kì phần làm văn môn Tiếng Việt rất ngắn gọn, "Hãy tả mùa mà em yêu thích nhất trong năm". Và như anh cùng mùa đông cô đơn đã đoán được từ trước, chẳng có đứa trẻ nào lại đem lòng yêu mến cái rét căm căm này cả. Chúng đều tả về mùa xuân căng tràn sức sống, mùa hạ êm ái ở quê nhà và mùa thu tựu trường cùng bầu trời xanh bát ngát; chúng hoàn toàn bỏ quên một mùa đông ấm áp bếp lửa hồng, chúng chỉ biết ghét bỏ những đợt gió mùa cắt da cắt thịt. Thương thay cho mùa đông, mùa đông gom tất cả những con người nhỏ bé trên thế gian lại với nhau để họ cùng quây quần bên chậu than nhỏ ấm cúng - và rồi nó lại buồn chán đủng đỉnh một mình trên từng góc phố xác xơ, nơi mà một chiếc lá sắp lìa cành cũng không thèm đoái hoài đến nó.

Anh cô đơn như mùa đông, bàn tay lạnh và tính tình rắn rỏi, người ta cứ như vậy mà né tránh Hưởng như né tránh một mùa đông chỉ mang lại cho họ những cơn rùng mình ớn lạnh. Ra trường được năm năm, Hưởng cuối cùng cũng được nhận lớp chủ nhiệm đầu tiên, song đồng lương nhà giáo ít ỏi vẫn chỉ đủ để anh tiếp tục thuê căn trọ chung chủ từ thời đại học. Thành phố nay đã mở rộng hơn rồi, bạn bè cùng khóa năm đó người thì về quê dạy học, người thì quẳng hết bút mực phấn trắng mà làm kinh doanh; Hưởng bám trụ lại thành phố với dự định sẽ học lên thạc sĩ và trở thành một nhà giáo mẫu mực, thầm ôm hi vọng một ngày có thể trở thành hiệu trưởng ngôi trường của riêng mình.

Nhưng giống như mùa xuân thì hoa lá phải đâm chồi nảy lộc, mùa hạ thì ánh nắng mặt trời phải chói chang; làm người muốn công thành danh toại thì phải "tham" chút đỉnh. Tham công tiếc việc để người ta còn biết mình dày công nỗ lực, tham lương tham lậu để người ta còn biết mình "khôn"; cứ thế rồi nếu không "tham" thì người ta sẽ mặc định người này cả đời chỉ có thể mãi an phận mà không có số làm điều to tát. Anh chỉ dám tham công tiếc việc chứ không dám tham những điều không tưởng khác, trên đời này chẳng lẽ lại không có người đi lên chỉ dựa vào năng lực của chính mình? Hưởng không tin vào việc chuyện gì xảy ra trên đời cũng tại số, nhưng anh cũng không muốn bản thân trở thành một người quá đỗi an phận trong mắt người khác.

Trong số những "người khác" kể trên thì con trai chủ trọ là ví dụ điển hình nhất, điển hình đến độ lần nào nghĩ đến Hưởng cũng thấy đau đầu và sầu não thay cho con đường sự nghiệp phía trước của mình.

"Thầy Hưởng ơi, mẹ tôi nướng ngô cho thầy", vừa nghĩ đến mà người ta đã í ới ngoài cửa, bây giờ anh mà mở cửa ra thì câu chuyện sẽ không chỉ xoay quanh ngô nướng mà còn liên quan đến cả con đường công danh sự nghiệp của mình.

Nhưng chẳng lẽ lại không mở cửa, thầy Hưởng đâu phải người không biết đường ứng xử như vậy. Ngày nào đi đi về về cũng cố gắng tránh mặt con trai nhà họ, mà đã ở chung nhà thì đâu tránh được mấy lần, Hưởng có ngồi yên một chỗ thì người ta cũng lóc cóc lên tìm mình bắt chuyện thôi. Thở dài một hơi cho có lệ, Hưởng chỉ đành uể oải đứng dậy mở cửa phòng.

"Mất công cậu Hách quá, cậu gọi tôi xuống ăn là được rồi."

Cậu Hách là một người vừa dễ gần lại vui tính, chẳng qua đôi khi cậu bị dễ gần quá đà. Cái gì nhiều quá thì cũng không tốt, nhưng cả cái xóm này có lẽ chỉ có mỗi Hưởng mới nghĩ vậy về cậu Hách thôi - chứ có vẻ như Hách đi đến đâu là lại được người ta quý đến đó.

Thật tình thì tính tình hào sảng của Hách cũng không có gì là xấu xa, chỉ là Hưởng không thích người nói nhiều, đã nói nhiều lại còn bắt mình phải đáp lại nhiều gấp đôi. Mấy bận anh cũng định chuyển trọ qua chỗ khác, ở chung chủ hơi bất tiện vì lễ Tết phụ huynh lẫn học sinh đến rất nhiều. Cân đo đong đếm thiệt hơn rồi lại thôi, tiền lương nhà giáo chẳng được mấy đồng, chủ nhà lại đối xử với mình rất tốt; ở từ thời đại học đến tận bây giờ nên cũng có chút gọi là tình cảm gắn bó, đâu phải nói chuyển là chuyển được ngay.

"Gọi thầy rồi thầy có bao giờ chịu xuống đâu? Cái ăn cũng phải đem đến tận miệng."

Hách được mở cửa liền tự nhiên bước vào phòng, đi thẳng một đường đến bàn làm việc mà đặt đĩa ngô lên đó - phải làm vậy chứ, không làm thì cậu còn lạ gì tính thầy Hưởng nữa, thầy lại chối không ăn ngay.

Ở chung một nhà đã lâu, Hưởng vì thế mà không lấy làm khó chịu với hành động tự nhiên của cậu Hách. Có khó chịu thì cũng chỉ khó chịu khi cậu Hách nói nhiều thôi rồi, vừa nói nhiều lại còn tự nhiên như thể anh em máu mủ ruột thịt mà không thèm kiêng dè giới hạn. Đặt đĩa ngô xuống rồi bàn rồi lại đặt mông mình xuống giường, Hưởng biết ngay là đời nào cậu Hách vào phòng mình mà lại ra ngay.

"Sáng nay cậu Phong dọn đồ về quê rồi, thầy cân nhắc gợi ý của tôi chưa?"

Cậu Phong ở phòng đối diện phòng anh, năm nay mới tốt nghiệp đại học, làm việc một thời gian thấy không hợp thành phố lớn nên định khăn gói về quê. Tháng trước khi biết chuyện cậu Phong sẽ trả phòng, cậu Hách đã liên tục lên phòng Hưởng than vãn rằng cậu không muốn cha cho thêm người khác thuê trọ nữa, ở nhà đông người bất tiện biết bao nhiêu.

Chà chà, nghe cậu Hách than vậy thì Hưởng cũng thấy hơi ngại, dẫu sao mình cũng thuê trọ ở đây gần một thập kỷ rồi, không biết cậu Hách có thấy bất tiện không. Mà tính tình thẳng thắn như cậu Hách thì chắc là không thấy vậy đâu, thấy vậy thì cậu đã bô bô trước mặt anh mấy hồi rồi ấy chứ. Hách bảo hay là anh thuê phòng trống kia làm phòng dạy thêm đi, anh có thêm thu nhập còn Hách thì đỡ phải chịu cảnh ngột ngạt sống chung với người lạ.

Làm sao mà được, dù cậu Hách bảo sẽ giảm tiền thuê chỉ còn một nửa nhưng chẳng phải như thế lại càng bất tiện hơn cho cậu Hách đấy sao? Làm phòng dạy thêm rồi đám học trò cứ đến đến về về, không những phiền cậu Hách mà phiền tất cả những thành viên trong gia đình người ta nữa.

"Cảm ơn cậu Hách. Sở không cho dạy thêm, tôi không dạy."

"Ôi ôi, tôi đã bảo với thầy biết bao nhiêu lần rồi! Thiên hạ người ta mở lớp dạy thêm ầm ầm ra đấy, đã có ông giáo nào bị Sở túm cổ đâu? Tôi chỉ quen ở chung nhà với thầy thôi, cha tôi cho thêm người nữa thuê là tôi thấy ngột ngạt lắm!"

Cậu Hách ngửa cổ ra than vãn, ngửa một hồi thì mất đà ngã phịch xuống giường thầy Hưởng.

Ngã xuống đấy rồi thì tiện vắt hai chân lên giường nằm luôn, dụi đầu vào gối tự nhiên như ở phòng mình.

Hưởng không muốn nói tiếp về chuyện thuê phòng nữa, bèn quen tính cậu Hách mà đẩy câu chuyện sang hướng khác:

"Thế thì cậu giục cô Thục lấy chồng sớm sớm, biết đâu cô Thục lấy chồng sinh con rồi thì hai bác không cho thuê nữa."

"Thầy nói chuyện cứ bị buồn cười nhỉ, cái Thục nhà tôi cha mẹ nói còn không nghe, đời nào nó nghe tôi! Cái thằng hôm qua chở nó về nhà là thằng thứ tư trong tháng rồi đấy! Than ôi, mẹ tôi đi chợ là lại nghe người ta xì xào bàn tán về con gái cưng, tối nào cũng chửi nó ầm ầm lên đấy thôi!"

"Cô Thục còn trẻ, tranh thủ thời gian mà yêu đương nhiều tí cho có trải nghiệm", ấy là Hưởng nói thật; còn trẻ thì phải tranh thủ mặn nồng sâu đậm với người thương, sau này chỉ cần có tí tuổi là đã chẳng có tâm trạng mà yêu với đương nữa.

Hách nghe vậy mà không bằng lòng, ngẩng đầu dậy phê bình thầy Hưởng:

"Thầy thấy nó năm ngày bảy bữa lại đổi một thằng như thế mà xem được à? Thầy cũng phải phê bình nó chứ, thầy bênh nó như thế lỡ mai mốt nó chửa hoang thì sao?"

"Ấy cậu Hách, sao cậu lại nói cô Thục như vậy? Cô Thục thường ngày rất biết đường ăn nói, xử sự cũng nền nếp vô cùng; cậu phải có niềm tin vào cô Thục chứ?" Hưởng đứng lâu mỏi chân thì cũng đặt đít xuống giường, còn thuận tay đẩy chân Hách vào một tí để có thêm chỗ ngồi.

Hai người như anh em cùng một mẹ đẻ ra, Hách cũng không lấy làm ngại mà thoải mái gác chân nọ lên đầu gối chân kia, bàn chân phe phẩy ngay trên vai Hưởng. Thầy Hưởng lúc nào cũng nghĩ xấu cho cậu, cứ cho rằng là cậu nghĩ xấu cái Thục miết. Ôi, thì là bởi vì anh em ruột thịt nên cậu mới lo lắng cho nó đấy thôi; không thì cậu đã chẳng buồn bỏ mấy chuyện linh tinh này vào mắt.

"Tất nhiên là tôi tin cái Thục. Tôi chỉ không tin mấy thằng cặp kè nó!"

"Vậy cậu cũng phải tin cô Thục sẽ biết đường ứng xử với người ta, không bị người ta lừa mà cũng không đi lừa người ta", thầy Hưởng lúc nào cũng chỉ biết bênh cái Thục mà vặn vẹo lời cậu Hách.

Cậu Hách nghe thì giận lắm, Hưởng thuê trọ nhà mình đã ngót nghét mười năm, mấy bận cậu còn định xin cha đừng thu tiền trọ của thầy nữa; ấy thế mà trong mắt Hưởng cậu Hách vẫn chỉ là người ngoài. À thì đúng là người ngoài thật, vì hai người có máu mủ ruột rà gì đâu - nhưng ở cùng nhà lâu như vậy thì ít nhất cũng phải xem nhau là người cùng nhà (theo nghĩa đen) chứ! Thầy Hưởng mà không giữ khoảng cách thân sơ rõ ràng như thế thì cha cậu đã miễn tiền trọ từ lâu rồi chứ cần gì đến cậu xin.

Mà thôi, cậu Hách chỉ biết thở dài thườn thượt. Nhà cậu là hai căn liền kề, căn gia đình cậu ở là căn bốn tầng, căn hai tầng kế bên thì một tầng cho thầy Hưởng cùng cậu Phong thuê, một tầng mẹ tận dụng làm sạp tạp hóa nhỏ. Tầng hai của hai căn thông nhau, phòng cậu Hách vừa hay lại ở tầng hai nên thi thoảng cậu cũng thấy phiền hà lắm; quen mỗi hơi thầy Hưởng chứ người khác vào thuê là cậu lại thấy bí bách. Nay cậu Phong về quê rồi, cậu lại nhớ đến lời cha nói năm năm trước - là thời gian đầu thầy Hưởng mới tốt nghiệp đi làm thì chi bằng miễn tiền trọ cho thầy, mai này thầy lấy vợ thì hẵng thu tiền thuê tiếp.

Đấy, ai mà biết thầy Hưởng năm năm rồi chưa lấy vợ nhưng vẫn ra giọng khuyên cái Thục nhà cậu tranh thủ tuổi trẻ mà yêu với chả đương. Từ hồi Hưởng mới lên đây học đại học, từ hồi mà cậu còn gọi người ta là anh thay vì thầy - cậu nhớ không nhầm thì Hưởng chưa cặp kè cô nào, mà cũng chưa có cô nào từng đến đây tìm thầy Hưởng cả. Cha mẹ cậu tốt bụng lo toan cho thầy Hưởng như con cái trong nhà vậy, hẳn mấy lần giới thiệu mối yêu đương cho thầy Hưởng chứ ít ỏi gì cho cam. Miếng gì ngon cũng mang lên mời tận họng, cậu Hách toàn phải rón rén trốn mấy người thuê phòng còn lại để mang đồ lên cho thầy Hưởng, ấy thế mà trong mắt thầy Hưởng thì gia đình cậu vẫn là người ngoài.

Ôi, mùa đông này còn không lạnh bằng thầy, bắp ngô trên bàn chẳng thấy bốc khói nghi ngút nữa nhưng có khi còn ấm hơn cả trái tim nhạt nhẽo của thầy Hưởng.

"Không nói chuyện với thầy nữa, thầy ăn ngô đi kẻo lạnh."

"Lần sau cậu cứ gọi tôi xuống đi, bắt cậu mang lên đây tội cậu quá."

"Tội gì mà tội, là thầy không thích tôi nói chuyện với thầy thì có", Hách không hài lòng mà nguýt một câu như vậy, "Thầy tưởng mấy lần mang đồ ngon lên cho thầy mà dễ à? Nhà thì hai người thuê mà mẹ tôi làm cái gì cũng chỉ làm thêm một phần, mấy bận tôi rón rén mang đồ lên cho thầy mà chỉ sợ mếch lòng người khác thôi!"

Chuyện này là chuyện có thật, có lần Hách vắng nhà nên mẹ cậu bảo thằng Hải mang mực nướng lên cho thầy Hưởng. Thằng Hải còn nhỏ, tính tình cũng không lanh lợi bằng anh trai, lanh chanh mời thầy thế nào mà để khách thuê ở phòng đối diện biết được; thành ra từ đó về sau lần nào khách với chủ đụng mặt nhau, mặt vị khách đó cũng sượng trân vô cùng - sượng trân đến độ người hoạt ngôn như Hách cũng không bắt chuyện nổi. Ấy thế là từ đó trở về sau nhiệm vụ đưa đồ ngon lên cho thầy Hưởng được cậu Hách đảm nhiệm; lúc nhà còn có thêm người thuê thì chỉ gõ cửa bảo "thầy ơi tôi Hách đây", lúc trọ trống người thì mới đường hoàng đứng ngoài cửa gọi thật to là mẹ mang đồ cho thầy.

Hưởng biết chứ, chuyện này sao anh lại không biết được. Nhưng cũng bởi vì bác gái làm như vậy nên anh mới thấy ngại đó, thời bác trai chưa nghỉ hưu cũng suốt ngày được biếu quà ngon, hai bác cứ để dành một phần nhỏ cho anh, bảo anh không ngại làm sao được! Tiền thuê trọ một tháng thì có mấy đồng, hai bác chẳng qua thấy phí căn nhà không ai ở nên mới mang cho thuê thôi. Thế mà cái gì ngon cũng đem lên chia cho anh, thế này thì tiền thuê nhà cũng lỗ sạch.

"Tôi nào có ghét nói chuyện với cậu Hách", thật ra là có một chút, nhưng ở trong nhà này thì cậu Hách to hơn tôi.

Nói thế thì ai mà tin nổi, Hách ta biết xưa giờ Hưởng đâu có ưng mình. Chẳng qua cậu đây mang tiếng là con trai chủ nhà nên thầy Hưởng mới một điều nhịn chín điều lành; bằng không thì với tính cách khô cứng của Hưởng, cậu Hách đã bị ăn chửi không biết bao nhiêu lần rồi. Thầy Hưởng là người như thế nào? Là người mà nhân ngày hai mươi tháng mười một phụ huynh lỡ bỏ phong bì hơi nhiều mà thầy đã chửi um hết cả lên, cha cậu nghe thấy còn phải khen thầm một câu thằng này đã nghèo mà còn bày đặt sống ngay thẳng. May mà người ta còn có chút nể mình vì là phận ăn nhờ ở đậu ấy chứ, không thì Hách đây đã sớm bị thầy Hưởng cho nín họng rồi!

Dù sao đấy cũng chỉ là câu chuyện nếu - thì mà thôi, trong một thực tại không có nếu - thì thì cậu Hách vô cùng tự hào với khả năng trêu chọc thầy Hưởng của mình:

"Thế tối nay tôi ngủ lại đây nhá? Phòng tôi không kín gió tí nào, lạnh chết đi được."

Người ta vừa dứt câu thì Hưởng đã quay đầu sang nhìn, một ngọn gió đông hiểu lòng người bỗng nhiên vô tình tạt vào xấp giấy thi lao xao - như thể muốn nhắc nhở cậu Hách rằng phòng của ông giáo trẻ này cũng chẳng kín gió gì đâu. Coi như mùa đông cũng đã có một chút nỗ lực không đáng kể để giúp thầy Hưởng đuổi cậu Hách ra khỏi phòng, nhưng than ôi cậu Hách là người không thể nói lý lẽ, có một ngọn gió yếu ớt phong phanh kia thì làm được gì cậu Hách.

Thầy Hưởng không nặng không nhẹ từ từ nhấc mông đứng dậy, dứt khoát một tay mở cửa còn tay còn lại làm động tác tiễn khách lịch thiệp vô cùng (hoặc giống như cách mấy anh lễ tân khách sạn mở cửa mời khách vào phòng vậy, nhưng thầy Hưởng chỉ dùng động tác này khi đuổi cậu Hách ra khỏi phòng mình mà thôi - bởi từ trước đến nay đã bao giờ Hưởng ta chủ động mời cậu Hách vào phòng đâu mà, toàn là cậu Hách tự xông vào vì dẫu sao đây cũng là nhà cậu):

"Tôi bảo tôi không ghét nói chuyện với cậu chứ tôi đâu có bảo tôi không ghét ngủ chung giường với cậu?"

Thầy Hưởng là như vậy đấy, giới hạn của thầy rõ ràng lắm, đố ai mà động được vào. Đã làm nghề giáo lương ba cọc ba đồng mà tính cách còn không mềm mỏng một chút nào, Hách cho rằng thầy Hưởng còn giữ nguyên cái tính này thì chắc còn lâu mới lấy được vợ, cha cậu nên nhập hộ khẩu cho thầy Hưởng luôn đi. Lại phải nói lại vấn đề ở cùng nhà tận chín năm rồi nhưng thầy Hưởng vẫn lạnh nhạt với gia đình cậu vô cùng - ý cậu không nói là thầy Hưởng không biết đường ứng xử, ý là thầy Hưởng giữ khoảng cách kinh khủng quá - cậu mới thấy cha mẹ mình dễ tình và bao dung quá độ. Bao giờ cái hộ khẩu nhà này về tay cậu, cậu đuổi thầy Hưởng ra khỏi nhà ngay.

Bắp ngô thơm nức mùi bơ cùng tương ớt gia công tại nhà của mẹ cậu đang bị mùa đông ướp lạnh mà nằm lặng thinh trên bàn, thoi thóp thở ra những hơi ấm cuối cùng bên cạnh tập bài kiểm tra đầy mực đỏ của bọn trẻ. Giờ mình mà về ngay thì thầy Hưởng sẽ chê ngô lạnh mà không ăn nữa. Cậu Hách thủng thẳng bước đến cầm đĩa ngô lên, không vội ra khỏi phòng mà phải làm mình làm mẩy thêm hồi nữa:

"Ôi ôi, giờ thì thầy lại không thèm nể mặt tôi nữa à?"

"Cậu ngủ toàn gác chân lên cổ tôi, tôi suýt chết ngạt mấy lần rồi."

Cái này là Hưởng nói thật chứ không phải vẽ chuyện linh tinh mà vu oan cho người ta. Nói gác chân lên cổ là còn nói giảm nói tránh rồi đấy chứ, cậu Hách ngủ xấu đến độ chổng đít vào mặt anh còn được nữa cơ mà. Mùa hè mát mẻ thì còn tạm bỏ qua, đông đến phòng anh không kín gió, cậu Hách xoay ngang xoay ngược như thế này thì có đắp mười cái chăn cũng lạnh.

"Thế thầy ăn sạch bắp ngô này đi rồi tôi về."

"..."

Lần nào mà chẳng như lần nào, có ăn hết cả lõi thì cậu Hách cũng ngủ lại thôi.

Nhưng Hưởng vẫn ăn. Ăn để cậu Hách quên đi chuyện rủ anh thuê lại phòng đối diện mà mở lớp học thêm. Vòng qua vòng lại chẳng qua cũng chỉ để cậu Hách quên đi chuyện mình muốn nói. Chắc là ngày mai, ngày mốt, ngày mốt nữa cậu Hách vẫn sẽ tiếp tục đem chuyện này đến rỉ tai anh thôi; đằng nào thì anh cũng không có ý định đó, có rỉ tai bao nhiêu cũng vô dụng - nhưng cậu Hách bớt nói nhiều thì anh bớt đau đầu.

Ngô thành phố không ngọt bằng ngô dưới quê anh, đấy là sự thật. Mấy năm nay siêu thị nông sản toàn bán giống ngô ngọt nước ngoài, ăn đúng là có vị ngọt nhưng không phải cái vị sạch sẽ tự nhiên mà hồi ở quê anh thường được ăn. Đồ của chủ nhà ưu ái nướng cho thì ai lại đi chê, Hưởng chỉ âm thầm phán xét vì lúc nào cậu Hách cũng cậy nhà cậu cho anh đồ ăn ngon thì anh phải cho cậu ngủ ké một bữa (dù phòng cậu còn rộng hơn phòng anh hơn mười mét vuông).

Thật ra hồi xưa anh không mê mùa đông nhiều đến vậy đâu, anh chào mùa về một cách bình thường và hiển nhiên vô cùng, mùa về hay mùa đi thì cũng chẳng khác những giai đoạn thay đổi thời tiết khác trong năm là bao. So với thích thì anh nghĩ từ ngữ phù hợp hơn để miêu tả cảm xúc của mình dành cho mùa đông lại là "thương hại", anh thương hại vì mùa đông bị nhiều người xa lánh; và như một lẽ thường thì những người trong đầu có nhiều văn với vở sẽ duy diễn ra bảy bảy bốn chín lý do để thuyết phục người khác yêu thương mùa đông - mặc cho sự thật chắc gì anh đã yêu nó nhiều đến độ sướt mướt vì nó. Nhưng cũng phải thừa nhận rằng từ khi anh lên đây ở trọ, mùa đông đã trở nên dễ chịu vô cùng: ngô nóng, khoai nóng, sắn nóng luôn có sẵn và miễn phí; rất nhiều thứ nóng hổi khác và cả một bên giường ấm áp nữa.

Phải rồi, lợi dụng cái lạnh tàn ác không nương tay của mùa đông, một tuần cậu Hách phải qua phòng anh ngủ đến mấy lần. Nhiều thì cả tuần mà ít thì bốn bữa, đâu phải anh không đuổi đâu - ngày nào anh cũng đuổi - nhưng đuổi không nổi; thứ nhất là không ai làm lại lý lẽ của cậu Hách, mà thứ hai là anh đang ở trọ nhà cậu Hách cơ mà. Có cái miệng để nói thẳng nói thật không thích ngủ chung giường với cậu Hách là gan đã to lắm rồi, cũng bởi vì tính cậu Hách chẳng mấy khi để bụng nên anh mới dám nói vậy, bằng không thì ngay từ đầu đã không có chuyện cậu Hách được ngủ chung giường với anh.

Nghe mâu thuẫn nhỉ? Nhưng không mâu thuẫn một tẹo nào.

Là bởi vì tính tình cậu Hách hào sảng, nói trước quên sau, chuyện gì cũng không để bụng nên thầy Hưởng nhà ta mới lần này hết lần khác mắt nhắm mắt mở cho cậu Hách ngủ cùng ấy chứ. Chứ tính cậu mà xét nét thêm tí nữa mà xem, ngay từ đầu thầy đã thẳng thừng mà tuyên bố "không", không có nể nang nề hà gì nữa hết.

"Từ từ thôi thầy, hóc ngô thì biết phải làm sao?"

"Cậu Hách yên tâm, chỉ có con nít mới hóc ngô."

Nhưng mà thầy Hưởng hóc ngô.

Hóc lúc nào không hóc mà lại hóc ngay sau khi thủng thẳng tuyên bố rằng chỉ có con nít thì mới hóc ngô.

Chưa gì đã thấy anh giáo trẻ ho sù sụ, Hách chưa kịp cười tiếp thì đã hoảng gần chết, hai tay lóng ngóng mấy hồi rồi cũng vỗ một phát thật to vào lưng Hưởng. Ngô hóc trong họng đâu chưa thấy bay ra nhưng phổi thầy ta đã văng xa trăm dặm mất rồi.

"Đừng... khụ khụ... khẹc khẹc... đừng vỗ... khẹc khẹc... lưng tôi nữa! Khụ... khụ... khẹc! Tôi... khụ khụ... tự giải khẹc khẹc... quyết!"

"Để tôi hộ thầy một tay đi, thầy còn ho nữa là tiến hóa lùi thành khỉ bây giờ", và tay cậu Hách lại tiếp tục nhiệt tình vũ điệu cồng chiêng Tây Nguyên sau lưng thầy Hưởng.

Không biết là nhờ công cậu Hách ra sức bảo tồn văn hóa cồng chiêng hay là do thầy Hưởng tiến hóa lùi thành công, ho được già nửa phút thì hai hạt ngô oan nghiệt đã bị trục xuất khỏi cổ họng thầy. Tất nhiên cậu Hách sẽ nhận rằng đấy là công của cậu, và trước khi nhận công thì cậu phải trêu thầy nhà mình một câu cái đã:

"Thầy Hưởng đúng là đầy đức hi sinh, hóc hạt ngô thay phần con nít để các em nhỏ không vô duyên vô cớ bị tắc thở."

Dĩ nhiên Hưởng không buồn trả lời, ngượng chín cả mặt rồi thì có mở miệng nói càn lại càng ngượng hơn. Bây giờ bác gái mà đem thêm vài bắp ngô quét bơ lên đây nữa thì cái mặt anh nướng được ngon lành đấy, chấp luôn cả cửa sổ mở toang cho gió lạnh tạt vào. Trước tình huống đầy xấu hổ này thì anh chỉ muốn đuổi cậu Hách về phòng đi cho nó lành, mỗi tội sợ mở miệng ra thì cậu Hách lại bảo anh thẹn quá hóa giận.

Thế là thầy Hưởng không buồn đuổi. Là không buồn đuổi chứ không phải không dám đuổi, hai ngữ cảnh này khác nhau hoàn toàn và thầy Hưởng là một người rất có mặt mũi (câu này chỉ là để nhắc lại và nhấn mạnh dành cho ai chưa biết - vì Hưởng đây đã không chấp cậu Hách nữa rồi - không chấp chứ không phải chấp không nổi, vả lại làm như kiểu đây là lần đầu tiên cậu Hách mò sang đây ngủ chung giường không bằng).

Thật ra thì Hưởng có thể nhân lúc cậu Hách xuống nhà cất đĩa mà khóa trái phòng, lát nữa cậu Hách lên gõ cửa thì cứ bơ đi không mở là được. Mà thôi ăn ngô nướng bơ hóc hạt suýt chết thế là đủ rồi, thầy Hưởng nhà ta không nỡ để cậu Hách vét nốt phần bơ còn lại của mình nữa. Anh lại lục cục dọn mấy tập bài kiểm tra vào cặp táp như mọi ngày, giáo viên tiểu học gần như phải dạy gần hết tất cả các môn nên lần nào dọn đồ anh cũng cẩn thận tỉ mỉ lắm.

Nhắc đến cẩn thận tỉ mỉ, giá như lúc nãy chịu nhai ngô cẩn thận tỉ mỉ hơn. Hưởng đúng là anh giáo nhà quê chính hiệu, sinh ra ở nhà quê, lớn lên ở nhà quê, được đi làm ở thành phố nhưng vẫn rơi vào những tình huống nhà quê đến lạ.

Cậu Hách cất đồ nhanh lắm, chưa đầy năm phút đã nhảy tọt lên phòng anh rồi, còn ngoan ngoãn đóng chặt cửa lại - và khóa trong - như mọi lần - dù Hưởng chẳng biết phải khóa trong để làm gì. Hồi mới học năm hai, đã có lần thầy Hưởng chủ động rủ cậu Hách đến rạp chiếu bóng xem một bộ phim mới nổi chỉ vì trong bộ phim đó có cảnh tử vong do hỏa hoạn trong phòng kín. Ôi, chính vì thế nên cậu Hách mới đánh giá thấp khả năng giáo dục của thầy Hưởng biết bao, còn cho rằng người như Hưởng sẽ không bao giờ có thể trở thành một ông giáo đáng kính.

Ít ra thì hiện tại Hưởng cũng đã trở thành một ông giáo (thi thoảng có) đeo kính, như vậy cũng tạm được rồi; đeo kính sẽ giúp mấy ông giáo bà giáo trở nên đáng tin cậy hơn - mà chỉ cần đáng tin cậy là sẽ có ngày trở thành đáng kính.

"Cái áo rách tôi đưa thầy để thầy nhét khe cửa sổ đâu rồi?" Hách mò một vòng khắp phòng không thấy đồ thì mới hỏi.

"Hết mùa đông năm ngoái là tôi vứt rồi."

Cậu Hách không hài lòng nhưng cũng giả bộ làm động tác kéo áo lên:

"Thế để tôi xé cái áo này thành cái áo rách mà nhét."

Đừng tưởng thế mà đùa, hồi xưa cậu Hách làm thật rồi đấy; "toạc" một phát làm sinh viên năm tốt cấp trung ương Lê Minh Hưởng hết cả hồn vì sợ mang tiếng bạo hành chủ nhà trong phòng kín.

"Mới đầu mùa thôi mà, gió về lạnh mấy hôm đầu thôi rồi mấy hôm sau đỡ hẳn."

"Không phải là đỡ hẳn, mà là lúc đó thì thầy quen với cái lạnh rồi." Cậu Hách lục tung phòng thầy Hưởng lên, cuối cùng cũng tìm thấy một cái áo ba lỗ đã ngả màu cháo lòng trong góc tủ sâu. "Nhàu thế này rồi mà thầy còn mặc được à?"

"...". Thầy Hưởng chỉ biết thở dài. "Vậy cũng được, cậu lấy cái đó mà nhét."

Bình thường nếu cậu Hách không đòi qua ngủ chung thì thầy Hưởng đâu có rảnh tay mà nhét khe cửa. Phòng anh không kín gió, mà hình như là phòng cậu Hách cũng không kín gió nốt; anh không rõ vì ở đây gần mười năm rồi nhưng anh chưa vào phòng cậu Hách lúc đông về bao giờ. Thi thoảng trời hè mà oi bức quá thì cậu Hách sẽ nằng nặc đòi anh sang phòng cậu nằm điều hòa, tất nhiên mới đầu anh từ chối ngay tắp lự - vì bạn trọ vẫn phải nằm há mỏ trong cái lò luyện đan đối diện, anh cũng muốn giữ thể diện cho cậu Hách nên mới không sang. Cơ mà ở trọ gần cả thập kỷ rồi thì chối mãi thế quái nào được, rốt cuộc vẫn có vài lần anh bị cậu Hách cặp nách vác sang thôi.

Lúc bật điều hòa cũng không khác lúc đông về là bao, cậu Hách lại hì hục nhét khe cửa sổ trước khi đi ngủ. Nhà cậu Hách nói giàu không giàu, nói nghèo không nghèo nhưng cả chục năm rồi mà vẫn không gọi thợ đến thay khung cửa cho kín gió; cậu Hách mới cười giả lả bảo rằng cha mẹ sợ đóng cửa kín quá là đóng hết đường tài lộc, cửa chính dĩ nhiên phải kín chứ cửa sổ phải hở tí để kể cả ngủ tài lộc cũng chui vào nằm dưới gối.

Thầy Hưởng nằm được chín năm rồi nhưng vẫn ít tiền như xưa, buồn. Đã thế từ khi đi làm lại còn nghèo hơn cả hồi sinh viên vừa được cha mẹ chu cấp vừa rủng rỉnh tiền học bổng, buồn nhân đôi. Chưa kể đến việc phòng mình không kín gió nên mỗi lần cậu Hách sang ngủ là đêm dài vừa lạnh vừa ngạt thở, buồn nhân ba.

Thật ra lần đầu tiên cậu Hách mò sang phòng anh ngủ không phải là vì mùa đông lạnh. Bối cảnh cũng là mùa đông nhưng sự việc thì hơi ngã cây (và cậu Hách ngã thật nhưng là ngã từ cửa sổ): cậu Hách đi chơi về muộn, bác gái cầm sẵn roi mây ngồi xem phim trong phòng khách, vừa hay thế nào mà cửa sổ phòng cậu lại khóa. Đời này có cái nhục nào nhục bằng đủ mười tám tuổi rồi mà vẫn bị mẹ đánh roi vì đi chơi về muộn, cậu Hách thà chết vì ngã cây còn hơn chết vì nhục. Đấy, thế là cậu leo cây rồi với sang bậu cửa sổ phòng anh, lấy đà định nhảy vào phòng thì thân thủ Hưởng ta nhạy quá, bụp một phát cậu Hách ngã ngửa.

Trời thương cậu Hách vì cậu chỉ ngã xuống mái tôn.

Có lần đầu đấy thì sẽ có lần hai, lần ba, lần n. Rất may là chỉ duy nhất lần đó cậu Hách phải leo cây đu cửa sổ, mấy lần sau thì cậu cứ đường đường chính chính đi cửa trước - vì cậu gan đâu mà đi chơi đêm về muộn nữa. Đấy cũng là lý do mà mỗi lần nằm xuống là mỗi lần cậu Hách lại hồi tưởng quá khứ mà bắt đầu than thở cha mẹ quá nghiêm khắc với cậu nhưng lại chiều chuộng cô Thục quá đà, cậu đi chơi về khuya thì bị đánh còn cô Thục quẩy đến hai giờ sáng cũng không sao.

"Chắc tại mẹ tôi sợ tôi làm con gái nhà lành to bụng", có lần say rượu cậu Hách đã lèm bèm như thế. Nhưng thầy Hưởng lại nghĩ, đã muốn làm to bụng thì ngày hay đêm đều được hết, kể gì đi muộn về khuya mới to. Nghĩ vậy thôi chứ anh đâu có chấp người say, anh nói thêm câu nữa là cậu Hách lại lên cơn tủi thân vì không được mẹ chiều bằng cô Thục ấy chứ.

"Thế cậu đã đi chơi với gái nhà lành bao giờ chưa", thay vào đó anh đã hỏi như vậy.

Và cậu Hách đáp, "Tôi chơi trai."

"..."

Tóm lại là Hưởng chỉ kịp hồi tưởng đến đó, cậu Hách đã nhét xong chiếc áo ba lỗ cháo lòng vào khe cửa hở, lon ton tắt điện rồi quen đường mò mẫm trong bóng tối mà leo lên giường nằm. Giường đơn nằm hai người hơi chật, hồi xưa anh định thuê đỡ mấy tháng đầu nhập học rồi sẽ tìm người ở ghép; ai ngờ sự kiện leo cây diễn ra - và thế là anh kết luận được rằng chiếc giường này quá nhỏ để nằm hai người, vậy nên anh mới ở trọ một mình đó giờ.

"Thầy ngủ ngon", cậu Hách ngáp, "Tôi mà gác chân lên cổ thầy thì thầy cứ cắn một phát, nhá?"

"Ừ, cậu Hách cũng ngủ ngon."

Nhưng cậu Hách có gác thì thầy Hưởng cũng không có gan mà cắn. Buồn nhân tư.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenFun.Vip