Phiên ngoại 3

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng
Phiên ngoại:  Ngai như sơn thượng tuyết, hiểu  nhược vân gian nguyệt(*)

(*)Trích từ bài thơ <Bạch đầu ngâm> của nhà thơ Trác Văn Quân. Trong bài thơ có đoạn:

Ngai như sơn thượng tuyết,
Hiểu nhược vân gian nguyệt.
Văn quân hữu lưỡng ý,
Cố lai tương quyết tuyệt.
Kim nhật đấu tửu hội,
Minh đán câu thuỷ đầu.
Tiệp điệp ngự câu thượng,
Câu thuỷ đông tây lưu.

Dịch thơ:

Trắng như tuyết trên núi,
Sáng tựa trăng giữa mây.
Nghe lòng chàng hai ý,
Thiếp đành đoạn tình này.
Hôm nay chén sum họp,
Đầu sông tiễn sớm mai.
Lững thững theo dòng nước,
Nước mãi chảy đông tây.
(Điệp luyến hoa@thivien)


Bình minh đến sớm trên trấn Nghi Thuỷ, ánh nắng ban mai chiếu lên những đỉnh núi phủ đầy tuyết, trông hùng vĩ như thần cảnh, cho dù là những người dân dậy sớm chăn thả ngựa hay những chú bò Tây Tạng và ngựa hoang đang quẫy đuôi hứng khởi, tất cả đều dừng chân cùng nhìn về nơi xa, như trong một cuộc hành hương.

Đây là núi Thần Nữ Phong của Bắc Nô, cao không thể chạm tới, người Bắc Nô đều coi nó như là một ngọn núi thánh.

Sát Cát cất một bao quần áo vào trong ngực, đợi sau khi tia nắng quét một lượt khắp các ngóc ngách vùng sông núi dân dã, mới thu hồi ánh mắt, đưa tay lau vào mặt rồi mới tiếp tục bước đi. Một người chăn cừu ngồi bên đống lửa đang cầm sữa dê nóng trông thấy, chào hỏi cậu. “Sát Cát, lại đi đưa cơm cho cái gã Nam Man kia à?”

Sát Cát vẫy tay với hắn, cũng không dừng bước.

“Chắc là sư phụ thức dậy rồi, nếu thức dậy mà không có điểm tâm để ăn, sư phụ sẽ đói lắm”

Sư phụ cậu là người Hán, năm đó đi đánh trận, được mẹ cậu moi ra từ trong cát. Mẹ cậu cũng là người Hán, gả cho đại phu duy nhất của trấn Nghi Thủy này, thấy sư phụ mặc kim giáp trên người liền biết là binh lính đánh trận trên tiền tuyến, thế là mang y về nhà.

Sư phụ ở trong nhà hơn nửa năm, sau khi tỉnh dậy, người cũng không còn tỉnh táo nữa, hỏi y cái gì y cũng không biết, ngay cả tên mình cũng không nói nên lời, thế là người ở đây đều gọi y là Nam Man. Mấy chữ này vốn là dùng để mắng người, nhưng có lẽ là ở trấn Nghi Thủy vừa có người Hán và cả người Bắc Nô, mọi người chung sống hòa thuận với nhau đã bao nhiêu đời nay rồi, nên cũng không cảm thấy có gì là không ổn, chỉ thuận miệng gọi thế thôi.

Nam Man lại rất xinh đẹp, còn xinh đẹp hơn mấy phần so với cô nương xinh đẹp nhất ở trấn Nghi Thủy này, nhưng mà người cũng lạnh lùng, ngoài Sát Cát và người nhà của cậu ra thì y không thích nói chuyện với bất kỳ ai khác. Cũng may dù y trầm mặc ít nói, nhưng lại là người tốt, đàn dê của nhà Nạp Y Thố đầu thôn nửa đêm hay bị sói hoang cắn chết, cũng chính Nam Man đã giết sói hoang, còn giúp gia đình củng cố hàng rào. Thế nên sau khi thương thế của Nam Man tốt lên, người dân ở trấn Nghi Thủy mới hợp lực giúp y xây một ngôi nhà nhỏ dưới chân núi tuyết.

Nhà được xây cách xa nơi mọi người ở, lại thường có xuất hiện thú dữ, ngay cả những người chăn trâu, chăn ngựa cũng không mấy ai bước chân đến đó. Nhưng Nam Man vẫn cứ khăng khăng muốn chọn nơi đó, nói là được ngắm núi tuyết mới có thể cảm thấy an tâm được. Thật kỳ lạ, ai cũng không hiểu nổi y đang nghĩ gì.


Lúc đầu, mẹ Sát Cát không yên lòng, thường bảo Sát Cát mang bột mì và rau xanh đến cho y, kết quả là không lâu sau đã nghe nói y nướng bánh mì làm cháy cả nhà, lúc chui ra khỏi đám cháy, cả người y đầy bụi đất trông giống hệt người rừng. Không còn cách nào khác, mẹ Sát Cát đành phải thường nấu cơm để Sát Cát mang đến cho y, miễn cho y trên chiến trường còn không chết mà lại bị chết đói thế này.

Bữa cơm này cũng không phải là ăn không, thấy Nam Man giỏi công phu, nhất là bắn tên, nên cậu đã tự làm cung tên và bái y làm sư phụ. Nam Man là bắt người tay ngắn, cắn người miệng mềm, nên liền nhận lời. Mỗi lần Sát Cát đưa cơm tới, y liền tiện tay chỉ dẫn cậu một phen, tiểu tử này lại học cũng ra hình ra dáng lắm.

Theo lý thì giờ đây thiên hạ đã thái bình, hẳn là sẽ không cần đi đánh trận, hàng xóm liền bảo cậu có học cái này cũng không có chỗ dùng. Nhưng thấy Sát Cát rất cố chấp, nhất là vị sư phụ xinh đẹp này lại vô cùng cẩn thận ôn nhu với cậu, mẹ thỉnh thoảng còn đánh đòn cậu, nhưng sư phụ thì không như thế, dù cậu có làm sai chuyện gì, sự phụ đều không bao giờ lớn tiếng, lại còn nướng cá cho cậu ăn nữa. Mặc dù sư phụ không hề biết làm cá, gan cá ăn vào đắng muốn chết, nhưng sư phụ đối với cậu rất tốt, nên cậu cũng rất thích chạy đến chỗ sư phụ.




Không nhớ rõ đã qua bao mùa xuân, thu nóng lạnh, Sát Cát từ bảy, tám tuổi nay đã lớn tầm mười hai, mười ba, thành đứa nhóc cao lớn nhất trấn Nghi Thủy rồi. Hài tử trưởng thành phải giúp gia đình giữ ngựa, nhưng sư phụ lại muốn cậu đọc sách, nói rằng đọc sách để có tri thức, hiểu lễ nghĩa, cả đời mới không mãi ngây thơ không biết gì được. Cậu không hiểu mấy đạo lý mà sư phụ nói với cậu, cũng chỉ là quen nghe lời sư phụ, sư phụ đối tốt với cậu là khiến cậu rất vui rồi, thế nên khi những hài tử khác phóng ngựa trên thảo nguyên mặc sức vui chơi, chỉ có cậu vẫn vùi đầu vào từng chồng Kinh Thi và Luận ngữ cao cao mà sư phụ viết tay trên mã ni(*) cho cậu.

(*)Mã ni: là những tảng đá được khắc kinh văn Phật giáo hay những câu phúc, châm ngôn, tuệ nhãn, hay các loại đồ án… của người Tạng, thường thấy ở dọc đường lên Cửu Trại Câu.

Người trong trấn nói, cậu thường ở chung với tên Nam Man kia nên cư xử cũng biến thành kì quái, suốt ngày không chịu làm việc đàng hoàng, sau này chỉ có thiệt thòi thôi. Nhưng Sát Cát lại không thèm để ý mấy lời này, ngày nào cậu cũng đọc rất to, cố ý át đi tiếng hát mục ca vang vọng từ xa xa của những người khác.






Sau đó, lại có một người xứ khác đến, dẫn theo một đứa bé tầm bảy, tám tuổi, đứng lặng im nghe cậu đọc bài ‘Cát sinh’(*)

(*) Nằm trong bộ tổng tập thơ ca đầu tiên của Trung Quốc: ‘Kinh Thi’. Học giả hiện đại cho rằng đây là bài thơ thương nhớ người vợ đã mất, nhân vật trữ tình trong bài thơ nhớ nhung người đã mất, tưởng tượng người kia ngủ một mình tại nơi thâm sơn cùng cốc, vừa nghĩ đến việc từ đây mình phải một mình đối mặt với những ngày tháng lạnh lẽo cô đơn, duy chỉ có sau khi chết đi nằm cùng một huyệt với người kia mới chính là nơi mình thuộc về.

Cát sinh mông sở,
Liêm man vu thự (dã).
Dư mỹ vong thử.
Thuỳ dữ độc xử ?

Dịch thơ:

Cây sở dây sắn phủ lên,
Mọc lan đồng nội cỏ liêm ra ngoài.
Chồng ta không ở đây hoài,
Cùng ai cô độc đoạ đày ta đây?

(Bản dịch của Lưu Trọng Nhàn@thivien)

Nghe cậu đọc xong câu này, người xứ khác đột nhiên mở miệng hỏi: “Nhóc con, bài thơ này không nên đọc như vậy”

Sát Cát cảm thấy kỳ lạ, nhiều năm qua, ngoài sư phụ ra, không ai khác dạy cậu đọc sách, thế nên cậu không thèm để ý đến người khác, hất cằm lên.

“Sao ta lại phải nghe ngươi nói chứ!”

Người xứ khác mỉm cười. “Ý nghĩa của bài thơ này là thê tử đi đến nơi chôn xương của trượng phu mình ngoài sa trường, tưởng nhớ lại người chồng đã mất, nghĩ đến cây sở kia còn có cây sắn phủ lên, người chồng đã mất của mình thì lại không còn tung tích. Ngươi lại đọc bài thơ này hùng dũng như hành khúc thế kia, không phải sai thì là gì?”

Vẻ ngoài người này nho nhã, vừa nhìn đã biết là đến từ Trung Nguyên, người Trung Nguyên đọc nhiều sách nên hiểu biết nhiều hơn cậu, Sát Cát nhìn hắn lại không khỏi chột dạ. Nhưng cậu lại sĩ diện, dù trong lòng chịu phục nhưng ngoài miệng vẫn cứng. “Ngươi nói cái gì chứ? Ta không thèm tin ngươi đâu, ta chỉ tin sư phụ ta thôi!”

“Sư phụ ngươi là ai?”

“Sư phụ ta…”, Sát Cát nói nửa câu đột nhiên im bặt, thật sự cậu cũng không biết nên giới thiệu sư phụ cậu với người khác thế nào. Cậu không biết tên sư phụ, gọi thẳng là Nam Man lại thành không tôn trọng, nên vô cùng khó xử.

Người xứ khác nhìn cậu xoắn xít đến độ đỏ mặt tía tai, càng cảm thấy buồn cười. “Ngay cả tên sư phụ còn không nói được, thế mà còn ở đây già mồm với ta”

Sát Cát tức giận đứng lên, vỗ vỗ cái mông đầy cỏ dại. “Ngươi là ai mà xứng biết tên sư phụ ta? Sư phụ ta rất lợi hại đó! Giương cung mười dặm cũng có thể bắn trúng hai mắt của ngươi luôn!”

Người xứ khác nghe cậu nói thế cũng chỉ mỉm cười. “Ta không tin, ta đã gặp qua người có tiễn pháp tinh diệu nhất trên đời này rồi, ai cũng không bằng được”

Sát Cát ghét nhất là nghe người khác nói sư phụ mình không tốt, nhất thời tức giận không chịu được, liền kéo tay người xứ khác đi gặp sư phụ cậu, bảo rằng để cho hắn thấy chút sự đời. Người xứ khác cũng không hề tức giận, thảnh thơi nhàn nhã đi theo sau cậu, trái lại đứa bé trai hắn mang theo thấy cái gì cũng mới mẻ, chạy lon ton theo cậu hỏi cái này cái kia, hận không thể hỏi thăm tất cả mọi thứ trên đường mà bé trông thấy.

Sát Cát bị làm phiền khó chịu, thật vất vả mới bắt được đứa bé, thở phì phò hỏi bé. “Vậy ngươi từ đâu tới?”

“Ta?”, tiểu hài quay đầu nhìn cha bé. “Cha, chúng ta từ đâu đến?”

Cha bé chắp tay sau lưng, giữa núi rừng hoang sơ lại lộ ra phong thái uy nghiêm không gì sánh kịp, hắn khẽ mỉm cười, trầm giọng nói. “Từ Giang Nam”

“Giang Nam á? Ta biết nè, sư phụ đã dạy ta đọc thơ rồi, Nhật xuất giang hoa hồng thắng hoả, Xuân lai giang thuỷ lục như lam(*), có phải không?”

(*)Xuất xứ từ bài thơ ‘Ức Giang Nam kỳ 1’ của nhà thơ Bạch Cư Dị:

Giang Nam hảo,
Phong cảnh cựu tằng am.
Nhật xuất giang hoa hồng thắng hoả,
Xuân lai giang thuỷ lục như lam,
Năng bất ức Giang Nam.

Dịch thơ:
Giang Nam đẹp
Phong cảnh đã từng am
Ánh nắng hoa sông hồng tựa lửa
Chiều xuân sông nước biếc như chàm
Há chẳng nhớ Giang Nam

(Bản dịch của Nguyễn Chí Viễn@thivien)

“Đúng, còn gì nữa không?”

“Còn có ‘tiếp thiên liên diệp vô cùng bích, ánh nhật hà hoa biệt dạng hồng’(*)”

(*) Trích từ bài thơ ‘Hiểu xuất Tĩnh Từ tự tống Lâm Tử Phương’  của nhà thơ Dương Vạn Lý đời Tống(1127-1206)

Tất cánh Tây Hồ lục nguyệt trung,
Phong quang bất dữ tứ thì đồng.
Tiếp thiên liên diệp vô cùng bích,
Ánh nhật hà hoa biệt dạng hồng.

dịch thơ:

Bát ngát Hồ Tây cảnh hạ trông
Mùa sen khác với mọi mùa không
Liền trời sắc lá xanh xanh ngắt
Nắng chiếu màu hoa thẫm lạ lùng

(Bản dịch của Tùng Văn@thivien)


“Còn nữa không?”

"Còn có lai nhật ỷ song tiền, hàn mai trứ hoa vị’(*), giang nam vô sở hữu, liêu tặng nhất chi xuân(**)...”

(*)Trích từ bài thơ ‘Tạp thi kỳ 1’ của nhà thơ Vương Duy(699-759)

Quân tự cố hương lai,
Ưng tri cố hương sự.
Lai nhật ỷ song tiền,
Hàn mai trước hoa vị?

Dịch thơ:

Anh từ quê nhà tới,
Chắc biết rõ chuyện xưa.
Cây mai trước cửa sổ
Đông lạnh nở hoa chưa?

(Bản dịch của Nguyễn Văn Nam@thivien)

(**)Trích từ bài thơ ‘Tặng Phạm Diệp’ của nhà thơ Lục Khải(?-504)

Chiết mai phùng dịch sứ,
Ký dữ Lũng Đầu nhân.
Giang Nam vô sở hữu,
Liêu tặng nhất chi xuân.

Dịch thơ:

Bẻ mai gặp sứ giả
Gởi Lũng Đầu bạn thân.
Giang Nam không chi cả
Xin tặng một cành xuân.

(Bản dịch của Nguyễn Phước Hậu@thivien)

Sát Cát thuộc rất nhiều bài thơ, người xứ khác nghe xong cũng không khỏi gật đầu tán thưởng.

“Xem ra sư phụ ngươi dạy ngươi không ít”

Sát Cát nghe người khác khen sư phụ câu liền vui vẻ vô cùng, chiếc đuôi nhỏ phía sau hận không thể vểnh cả lên trời. “Đương nhiên rồi, dù sư phụ ta không nhớ được chuyện lúc trước, nhưng người rất lợi hại đó!”

Nói rồi cậu lại hỏi, “Giang Nam đẹp như vậy, sao các người lại tới đây?”

Đứa bé kia còn không đợi cha nó mở miệng đã cướp lời. “Tới tìm phụ thân ta!”

“Phụ thân nhóc ở đâu?”

“Ta cũng không biết…”, bé con cúi đầu xuống, có hơi ủ rũ. “Chúng ta tìm người lâu thật lâu rồi, nhưng vẫn không tìm được”

Người xứ khác nghe thế liền tiến lên kéo bé vào lòng, xoa đầu bé. “Sẽ tìm được mà, Tiểu Cửu Nhi, phụ thân không nỡ bỏ con đâu, một ngày nào đó chúng ta sẽ tìm được thôi”

Hai người đã đi qua vùng núi non ở Đông Bắc, cũng đã thấy qua những chùm hoa cẩm tú xứ Giang Nam, Lĩnh Nam núi non hiểm trở, Ba Thục mưa đêm rả rích, sông núi kiều diễm ở Điền Tàng, đất vàng bao la hùng vĩ khu Mạc Bắc… Họ đã đi qua từng tấc đất ở giang sơn Đại Tĩnh này, nhưng vẫn không tìm được người kia.

Có lẽ ngay ngày mai là có thể tìm thấy người ấy, hoặc cũng có thể mãi mãi không tìm được, khóe mắt người xứ khác hơi ửng hồng, trông có chút đáng thương.

Sát Cát không đành lòng, hỏi. “Vậy nếu ở đây cũng không tìm thấy thì sao?”

“Vậy thì lại đi nơi khác tìm thôi, nơi này là nơi lúc trước phụ thân nó muốn đến nhất, ta mang đứa bé này đến đây một chuyến, cũng không tính là quá thất vọng rồi”

Hắn vừa nói vừa chỉ ngọn núi tuyết xa xa. “Đó có phải là Thần Nữ Phong của các người không?”

“Đúng thế, sư phụ ta ở ngay dưới chân núi Thần Nữ Phong kia”, Sát Cát vừa nói vừa tăng tốc. “Sắp tới rồi, nhanh lên đi, lát nữa là sư phụ lại ra chân núi ngắm mặt trời lặn đấy!”

Lúc cậu đang nói, dưới chân núi xa xa xuất hiện một thân ảnh đơn bạc, đám mây vàng ấm áp của trời chiều tựa như vương vấn trên vai người nam tử một mình dắt ngựa đi hòa vào ánh sáng.

“Sư phụ—-”

Sát Cát hét lớn gọi y lại, người kia liền dừng bước, chậm rãi quay đầu.



Tiểu Cửu Nhi mở to hai mắt khi thấy rõ khuôn mặt y, chạy như điên về phía y, vùi đầu vào ngực y, khóc đến tê tâm liệt phế. “Phụ thân—”

Sư phụ cậu bị một đứa bé nhảy lên ôm chầm lấy khiến cho giật nảy mình, vô thức cúi người đỡ lấy bé, không để bé ngã, đưa tay ấn lên cái đầu bù xù của bé, ấn bé vào lòng. Nước mắt nước mũi của bé con quệt vào cả người y, rõ ràng sư phụ là một người thích sạch sẽ, nhưng giờ đây lại không hề ngại bẩn.

Sát Cát sững sờ, không hiểu đây là tình huống gì, lúc lấy lại tinh thần, người xứ khác cao lớn kia đã không thấy tăm hơi, nhìn lại đã thấy hắn đang đi về phía sư phụ cậu hệt như người mất hồn. Sát Cát vội vàng đuổi theo bước chân hắn, nhìn dáng vẻ mơ mơ hồ hồ của sư phụ cậu, vội vàng định giải thích. “Sư phụ, hai người này là—”

“Em tên gọi là gì?”, người xứ khác đứng trước mặt sư phụ cậu, hai mắt sáng ngời lấp lánh như những vì sao, ngắt lời cậu.

Sư phụ cậu cũng nhìn hắn, không khỏi nhíu mày.

“Em còn nhớ rõ tên em không?”

Người xứ khác lại hỏi, giọng nói có phần run rẩy.

“Ta…”

Sư phụ lặng im, đôi mắt vẫn nhìn chằm chằm vào người xứ khác, hai hàng lông mày nhíu càng chặt hơn, dường như đang cố lục lọi sâu trong ký ức đã bị y giấu đi nhiều năm trước, thế nhưng vẫn không tìm thấy được gì, hệt như tia sáng chảy trượt ra khỏi lòng bàn tay, y nghĩ đến đau đầu vẫn không thể nào nhớ nổi.

Có lẽ người xứ khác thấy y khó chịu như vậy, vội vàng nắm chặt lấy cổ tay đang đỡ trán của y. “Nghĩ không được thì đừng nghĩ nữa”

Sư phụ lắc lắc đầu, im lặng một lúc lâu, cuối cùng ngẩng đầu nhìn về phía hắn, khóe miệng mơ hồ hiện lên tia ấm áp.















“Ta tên gọi là Tiểu Hoa”






 






 

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenFun.Vip