Longfic Nay Moi Biet Ngay Do La Sai Hieucrishuy Anh Ve Ket Soi Se To

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng
Phan Lê Vy Thanh vốn là cậu Ba con của ông phú hộ nức tiếng tại làng Phú Gia. Chàng ta từ nhỏ sinh ra đã ngậm thìa vàng, uống chai bạc, mảnh đất mà chàng sinh sống bao la, trù phú, bạt ngàn vô số. Dăm bảy miếng đất cò bay mỏi cánh, lúa trổ đòng đòng nhìn mướt mắt kia cũng là của điền chủ họ Phan ấy. Thuở thiếu thời, Vy Thanh được đến trường học về nho giáo, tam cang ngũ thường, chàng sớm đã cách ly hoàn toàn với những trò chơi giản đơn của bạn bè đồng trang lứa. Cuộc sống chàng ảm đạm trôi qua mỗi ngày, không chút dông tố, thuận lợi một cách đáng sợ.

Tuy nhiên, Vy Thanh bỗng gặp một cố sự tại năm chàng ta vừa mới qua khỏi ngưỡng vũ chước chi niên.

Hôm đó, trên đường gia nhân đánh xe về nhà không may gặp một đám đạo tặc chặn đường. Người hầu gia môn không khống chế được tình hình, một số người bị thương. Vy Thanh vốn là người không quen dùng bạo lực nên nhìn những cảnh đâm chém giữa ban ngày có chút hoảng sợ, phải một mình tháo chạy, băng qua ba cánh đồng mạ mới gieo.

Khi đó là buổi trưa, mọi nhà đều đánh một giấc ngắn trước khi vác cuốc làm đồng. Nhà dân cách khá xa khu đất công nên dù Vy Thanh có hét khản cổ cũng không có ai chạy đến tức thì. Đám thổ phỉ nhìn thấy trang sức trên người chàng, lại nghe đồn chàng là con trai của phú hộ giàu có bèn nảy sinh lòng tham, bám sát tới cùng.

Vy Thanh mẩm chắc hôm đó là ngày tận thế của mình rồi nhưng không ngờ, bỗng đâu xuất hiện một cậu con trai trạc tuổi, nước da hơi ngăm, dáng dấp khoẻ khoắn như những tên nông dân làm thuê cho cha chàng đi tới.

Người con trai đó kéo Vy Thanh đứng đằng sau mình, vênh khuôn mặt hiên ngang, nhìn chòng chọc đám tặc nhân hung tợn.

Một đám người đô con, cậu ta lại nhỏ bé vô cùng, hai thái cực hoàn toàn khác nhau. Mặc dù so với Vy Thanh, cậu con trai đó dường như có thể dễ dàng ôm gọn chàng vào lòng và đủ để chàng coi cậu là một cái khiên che chắn hoàn hảo nhưng so với bọn họ, cậu nhóc chỉ là một đứa bé, không hơn cũng không kém.

Vy Thanh thảng thốt nắm vạt áo cậu con trai, thập thò đứng ở phía sau. Bọn đạo tặc nghênh ngang quát tháo.

"Thằng kia, liệu hồn thì tránh ra cho tao!".

Vy Thanh càng hốt hoảng bấu chặt cậu con trai hơn nữa, khoé môi chàng mấp máy, "Bọn chúng cao to, đáng sợ lắm, chúng ta chạy đi báo với người lớn đi."

Ấy nhưng, người con trai đứng chở che phía trước không hề động đậy. Vy Thanh chỉ thấy cậu chớp chớp mắt. Hàng lông mi cong vút như cánh quạt khẽ lay động, sống mũi cao, viền môi nhỏ nhắn ửng đỏ theo nắng gắt.

"Tôi sẽ chạy, nhưng không phải là một mình!".

Không để cho bọn chúng kịp thời ý thức được mọi chuyện thì cậu ta đã xông xáo nắm lấy bàn tay thon thả của chàng chạy vụt đi.

Cậu con trai kia hì hục chạy phía trước, Vy Thanh bị động chạy theo sau. Khoảnh khắc đó, mặc dù tồng ngồng dưới cái ánh nắng chói chang quện mùi rạ mới, chàng công tử họ Phan đột nhiên cảm thấy lồng ngực mình rạo rực, tựa hồ như có một cái trống lớn, không ngừng vỗ lùng bùng trong lồng ngực, đem những tình cảm nhỏ nhặt ươm mầm phát triển.

Thể lực chàng yếu hơn mọi người nên lúc nào cũng bị ba phương bốn hướng xì xào bảo là thằng đàn bà. Mà, kẻ có tiền như chàng không mấy quan tâm, chỉ là hôm nay phải chạy quãng đường dài như thế, Vy Thanh thật sự trụ không nổi, thở hồng hộc không ngừng.

Trong cơn nắng lửa, hai đứa trẻ băng băng qua mấy sào ruộng vẫn không có lấy một hộ gia đình để nhờ giúp đỡ. Vy Thanh thở hổn hển, chàng bấu chặt cánh tay ân nhân, sắc mặt trắng bệch.

"Trời ơi, mặt bậu trắng hết rồi!". Cậu con trai hốt hoảng, động tác cuống cuồng lau mồ hôi cho chàng, "Bậu ráng lên, còn dăm bước nữa đến nhà đây rồi. Nhà đây có cha là thợ khắc, cha giỏi xua đuổi mấy tên cường hào đó lắm, bậu không lo bị mấy tên to khoẻ kia áp bức đâu."

Vy Thanh trong lòng thầm cười trừ. Cậu ta có lẽ không biết, một khi chàng nói ra thân thế của mình, bọn kia có khi sợ chạy mất dép. Danh tiếng ông phú hộ Cả trong làng lừng lẫy như vậy, từ buôn thương đến văn võ, cử nhân đều được cha chàng chỉ bảo vài lần. Huống chi, cậu con trai này chẳng qua chỉ là một đứa bé giống như chàng, nói không chừng mong manh hơn chàng chăng?

Thế nhưng, Vy Thanh đã lầm.

Cậu con trai ấy lém lĩnh hơn chàng nghĩ, rất linh hoạt và khoẻ mạnh. Cậu ta vừa dứt lời, không biết lấy sức lực ở đâu mà nhấc bổng chàng lên, đặt trên lưng, ba chân bốn cẳng chạy vọt về con đường mòn dẫn vào vườn tre xanh mát.

Gió đìu hiu thổi, tre già ươm thơm, toả ngào ngạt mùi búp măng non mềm mại. Lối đi ngoằn ngoèo khúc khuỷu, lại sâu tít tắp, chia ra rất nhiều lối mở khác nhau. Vy Thanh đung đưa trên lưng người lạ, có chút bực bội.

"Thả xuống đi."

Chàng yêu cầu, vậy mà đối phương không những không nghe mà còn tăng tốc. Thấp thoáng, trong đôi mắt trong veo, hồn nhiên của Vy Thanh hiện lên hình ảnh ngôi nhà bằng trúc dựng lên, bên cạnh là cái xưởng được chế tác từ những sản phẩm tre và trúc.

Cậu con trai hối hả vọt vào trong nhà, vừa chạy vừa la oai oái.

"Cha ơi, má ơi, giúp con với!".

Cậu con trai hối hả đặt Vy Thanh xuống, mồm liến thoắng nói với ông chú to con xuất hiện ở lối đi ngược lại.

"Cha, bạn này bị bọn cường hào ức hiếp, cha ra làm dữ đuổi chúng đi."

Cậu ta có vẻ rất hăng hái, tuổi đời còn nhỏ nhưng tính tình lại hung hăng bạo loạn như vậy, Vy Thanh lén tặc lưỡi, chàng co rúm người, đứng nép ở xó nhà lạ.

Người đàn ông được cậu gọi là cha kia mang hình hài thô kệch, nước da màu đồng rắn rỏi, gương mặt không cười, mắt lúc nào cũng híp thành một đường cong queo. Trên người ông ta mặc một bộ đồ công nhân tạm bợ, quần đùi quân nhân, cổ vắt khăn hì hục lau mồ hôi.

Vy Thanh thoáng nhăn mày khi khoang mũi ngửi được mùi cơ thể không được thơm tho cho lắm.

Cái mùi của dân nghèo tầm thường luôn nồng khiến Vy Thanh xanh mặt.

"Có sao không?".

Cổ họng Vy Thanh cào cấu, có cái gì đó nhờn nhợn lên, cứ như thể vài ba lần đếm là mọi kinh tởm đều móc từ ruột ói ra ngoài. Cậu con trai "tốt bụng" kia nhanh nhẹn vuốt lưng chàng, dịu dàng trấn tĩnh.

"Người gì yếu nhớt hà, thôi hãy ngồi nghỉ một lát." Cậu ta hướng về người đàn ông bặm trợn kia, hỏi phỗng, "Cha, nào đuổi?".

Người đàn ông đó bình tĩnh cực kỳ, ông ta liếc sang Vy Thanh, cái nhìn sắc lẹm khiến chàng rợn tóc gáy. Ông ta nói, giọng hơi rên rỉ, "Yên tâm, chúng không mò đến được."

"Con tái mét rồi, để dì pha chút trà gừng nha."

Vy Thanh còn chưa kịp điều hoà lại thì âm thanh sốt ruột của một người phụ nữ khác làm cho chàng giật bắn mình.

Vy Thanh cứ luôn ôm ngực, co rút một chỗ thật khiến người ta khó xử. Thậm chí ngay khi mẹ của ân nhân cứu mạng mình tận tình mang nước ra, Vy Thanh còn trong trạng thái trời trồng.

Chàng ái ngại đón nhận ly trà gừng do người phụ nữ mang ra, trong lòng nơm nớp lo sợ hàng trăm kịch bản bị hạ độc. Không lâu sau đó, cậu con trai trạc tuổi cất lời, thanh điệu trẻ thơ hồn nhiên an ủi.

"Không sao rồi, mẹ tôi không làm gì bậu đâu, gia đình tôi cũng không phải bọn ác."

Lạ thật, Vy thanh từ đấy dần dà tự nhiên hơn. Chàng liếc nhìn khung cảnh xung quanh một lát, chậm rãi đưa loại nước ấm nóng kia vào người, mãi sau khi chàng ý thức được hành động này của mình là gì thì thứ nước uống êm bụng kia đã hoàn toàn trôi xuống dạ dày.

Vy Thanh đành ngồi yên, dưới không khí căng thẳng diễn ra, chàng lúng túng nói, "Xin lỗi, bạn tên là...?".

Đối tượng nhắm đến chính là cậu con trai ngang nhiên lôi chàng một mạch phi tới căn nhà mát mẻ này. Đứa bé xấp xỉ mười tuổi đầu cười hở lợi, khoác tay hô lớn tên mình.

"Trần Minh Hiếu."

Vy Thanh ồ nhẹ. Khoảnh khắc đó, cậu Ba như bị sự tự tin và nụ cười kiêu hãnh của Hiếu thu hút. Chàng ngẩn người, môi mấp máy muốn nói gì đó rồi e thẹn nuốt vào lòng.

Hiếu cũng tò mò, em nghiêng đầu, khom lưng nhìn chằm chằm Vy Thanh.

"Bậu tên gì? Ở đâu chạy xuống vùng này?".

Vy Thanh mở miệng, toan định trả lời thì bên ngoài có hàng tá âm thanh xáo trộn vọng đến.

Thấp thoáng, như tìm được người thân của mình trong mớ âm thanh lộn xộn đó, Vy Thanh như một cỗ máy cày, tăng tốc ra cửa.

Quả nhiên, âm thanh đến từ người hầu của Phan gia. Một tốp người soàn soạt kéo đến khu rừng trúc xanh mướt, kẻ lùng người bới, hú hét gọi "cậu Ba cậu Ba". Vy Thanh lon ton chạy đi, trong sự chứng kiến của gia đình Hiếu.

"A Siêu!".

Từ đôi môi nhỏ xinh, đỏ mọng, Vy Thanh bỗng kêu lên. Rất nhanh, trong tốp người cao ráo, hùng hồn nọ có một tên đi lên, khom xuống và bế bồng Vy Thanh nhấc lên. Vẻ mặt của chàng và người thanh niên đó không hề đối chọi kịch liệt mà rất hoà thuận, tụ họp một chỗ, họ cười rất tươi.

"May quá, tìm được cậu rồi."

Người thanh niên đó trút một hơi thở dài nặng trĩu, sau đó siết chặt cậu Ba trong tay, nâng niu như báu vật.

Phát hiện Vy Thanh xuất phát từ ngôi nhà tranh sâu trong khúc quanh, A Siêu liền cau mày.

Để chàng đứng vững, A Siêu ngoảnh đầu về phía gia đình Hiếu trịnh trọng, "Hai ông bà có phải đã bảo vệ cậu tôi thoát khỏi nanh vuốt của bọn cường hào?".

A Siêu giơ tay, lòng bàn tay úp lên ngực trái như mấy tên lính Pháp hay cúi đầu hành lễ, giọng nói anh ta nghe cũng thật quy tắc làm gia đình Hiếu có chút căng thẳng. Cha má cậu đồng loạt trả lời, "Không dám nhận công là bảo vệ, chỉ là nếu cậu bé đến với gia đình tôi có lẽ là do cái duyên."

A Siêu mỉm cười, "Để đền ơn, chúng tôi biếu ông bà ít tiền."

Nhưng ngay lập tức, cha của Hiếu phản ứng gay gắt, "Không phải chúng tôi chê bai, mà đây chỉ là chút việc nhỏ, ra tay nghĩa hiệp lại là thằng con tôi. Nó còn bé quá đâu hiểu gì. Hành động trả ơn đối với nó cũng xa xỉ. Gia đình chúng tôi biết ơn vì các anh có lòng nhưng xin các anh thu hồi cho, tránh khiến chúng tôi ăn ngủ không yên."

A Siêu lắc đầu, "Gia đình ông đã có công, gia nô chúng tôi nếu không tìm được cậu Ba không biết sẽ ăn nói thế nào. Dù là người thẳng ngay cũng xin ông nhận chút quà biếu, coi như là cho cái công trông coi cậu chủ."

Trái với lời nói mềm mỏng và sự mê hoặc của tiền tài, cha của Hiếu vẫn cứng rắn như khúc gỗ, hoàn toàn từ chối trước A Siêu. Vy Thanh sực nghĩ ra, vội kéo kéo vạt áo A Siêu, nói nhỏ, "A Siêu đừng ép họ." Sau đó quay qua Hiếu đang ngơ ngác, chàng cười rộ, "Sau này tôi tới chơi nha? Gia đình bạn không cần ngại vì nếu không có lệnh, họ sẽ không đưa tiền ra nữa."

Ánh mắt trong sáng, hồn nhiên của một đứa trẻ mười ba tuổi lại là tâm điểm thu hút mọi ánh nhìn, kể cả Minh Hiếu dù rằng cậu chỉ là đứa không hiểu chuyện đời và không biết rung động là gì nhưng lại giàu lòng bác ái. Cậu nhoẻn miệng, cười thật tươi.

Khoảnh khắc đó, cứ như là định mệnh ấy.


Chẳng mấy chốc đã trôi qua mười năm, cậu Ba của phú hộ làng Phú Gia đã trở thành một thiếu niên tuấn tú, thông minh giỏi giang. Nhiều cô gái trong làng thầm thương trộm nhớ chàng, nhưng khi nghĩ đến thân phận con nhà gia giáo, nổi danh là cửa nhà khó lọt, nẻo đường khó qua kia thì tất cả các cô gái đều buồn bã, chỉ dám từ xa mà ngắm nhìn.

Vy Thanh tuy tuổi còn trẻ đã tốt nghiệp xong khoá học dành cho các bậc tri thức, gom góp đủ kiến thức nho giáo, Khổng Tử là điều chàng bây giờ ngẫm lại cũng phải thán phục mình. Chàng bắt đầu nối nghiệp cha, buổi đầu ra khảo vườn sào, chịu gánh một phần công vụ sổ sách giúp thầy trong những ngày lưng mỏi mắt kém.

Tháng ngày lãng đãng lướt qua, tự bao giờ Phan Lê Vy Thanh cũng chẳng còn ấn tượng với cái người từng cứu mình năm đó. Chàng ta chóng quên những buổi trưa hè cố tình trốn ngủ, chạy bạt mạng vào con đường khúc khuỷu quanh co, rợp bóng tre xanh, quên luôn cả hình bóng thân thương phảng phất mùi sả gừng mộc mạc. Phan Lê Vy Thanh đã quên một mối chân tình ngày ấy từng đam mê theo đuổi. Chàng ta lớn lên trong sự bảo bọc của thầy, có một cô em nhỏ nhắn, xinh xắn với lối tư duy mới mẻ. Chàng ta cứ như vậy, ăn sung mặc sướng, chờ bình minh lên qua rặng dừa cao ngất. Đôi mắt chàng cơ hồ chưa vướng bụi trần ai, long lanh như sương, sáng dịu như trăng.


Ngày bốn tháng chín năm Mậu Tuất, nhằm mùng một âm lịch, trời se lạnh, chính gia của dòng họ Phan bỗng ầm ĩ.

"Bây đâu, đứa nào gọi cậu Ba lên ông bảo!".

Ông Cả cau mày, miệng chóp chép phun xác trà. Thế nhưng, đáp lại ông chỉ là khoảng không gian im ắng rùng mình - thứ mà đáng ra trong Phan gia chẳng bao giờ được phép xảy ra.

Ông phú hộ thoáng điếng người, dập tách trà hoa lài thơm phức, gằn giọng, "Thằng Tư Còm đâu?!".

Sau nhà vang lên tiếng lạch cạch rồi tiếng bước chân vội vã. Chủ nhân cái tên Tư Còm hớt hải lau mồ hôi, chân khép khúm núm.

"Dạ, ông kêu gì con?". Tư Còm cúi đầu, không dám nhìn thẳng ông phú hộ.

Sở dĩ gọi nó là Tư Còm vì nó suốt ngày khúm núm khệ nệ riết cái lưng khom hẳn đi, thành thử đi đứng phải cúi xuống mới quen.

"Cậu Ba mày đâu rồi?".

Tư Còm giật bắn, nó nuốt nước miếng ừng ực, cái người nhỏ thó gầy còm y như cái tên càng lúc càng co lại. Nó lắp bắp, "Dạ, dạ... Con không biết."

Đối phương tức giận, ông đập mạnh bàn trà, "Mày là đứa chuyên gác cửa, ai ra ai vô đều phải qua con mắt mày, vậy mà dám cãi chày cãi cối?!".

Tư Còm lắc đầu nguầy nguậy, nó quỳ xuống, đầu gối tuy đau vẫn ráng thanh minh xin ông bớt tội, "Bẩm ông, con nói... Chuyện là hồi sáng cậu Ba có ra ngoài với A Siêu."

"Sao mày không cản nó lại?".

"Ông ơi, con thân làm công, sao đủ miệng mồm mà cản?".

Tư Còm ngước mắt van xin, trông chẳng đẹp đẽ gì khi hai con mắt nó lồi hẳn ra ngoài.

Ông Cả chậc lưỡi, "Thế cậu có nói gì không?".

"Dạ, cậu nói ra ngoài chợ tham khảo tư liệu gì đó."

Phú hộ hừ mũi, khuôn mặt nhăn nhó không hề thay đổi, "Nó làm gì tốt tính vậy? Mẩm chắc ham chơi thôi."

"Kìa thầy."

Ông Cả vừa dứt câu, sau lưng bỗng truyền tới giọng nữ trong trẻo, hồn nhiên. Dần dần, giọng nữ ngọt ngào kia xuất hiện với nhan sắc mỹ miều, kiều mị và sắc sảo. Cô gái ấy nhún vai, nhí nhảnh bước tới xoa bóp cổ vai ông Phan.

"Thầy cũng biết anh Ba là người kén cá chọn canh. Nếu mà anh tốt tính đột xuất, thầy phải mừng chứ."

Phan Lê Thuý Anh - cô Út của phú hộ. Mặc dù cùng trong một trứng đẻ ra nhưng kể ra cô luôn trội hơn so với Vy Thanh về mọi mặt.

Đó là sự thật, cô không chối bỏ nó và chính Vy Thanh cũng thừa nhận. Chỉ là cô Út không chọn con đường, tiếp nối cơ nghiệp của cha như anh mình mà tiếp tục theo học ngành Y, bởi cô tin vào khoa học và những lý giải rõ ràng có căn nguyên.

Thuý Anh cũng có lối ăn mặc sang trọng và khác với người trong nhà. Huyết áp ông Phan từng bị cô làm tăng đột biến khi lần đầu tiên ông nhìn thấy con gái mặc bộ đầm y tá. Dù nó dài tới nửa bắp chân nhưng bởi vì nó không giống áo tứ thân và không nền nã như áo dài truyền thống nên thầy cô vô cùng tức giận.

Quay trở lại với câu chuyện anh trai, cô út là người luôn cảm thông với anh. Sở dĩ ông Cả luôn lo lắng không phải vì Vy Thanh tính nết ham vui mà là sức khỏe chàng ở mức yếu, cơ thể mảnh khảnh là minh chứng xác thực nhất. Thuý Anh vậy mà khoẻ hơn, dầm mưa dãi nắng không thành vấn đề nhưng Vy Thanh thì ngược lại. Trái gió một cái, chàng liền ho xù xụ. Thuý Anh nhiều lần chẩn trị, rốt cuộc kết luận do cơ địa nên không thể làm gì hơn.

"Đành là vậy nhưng phải nói một tiếng." Ông gõ gõ đùi, "Thầy định bảo nó sang nhà Năm Hồng - nhỏ thuê đất mình trồng cau trồng trầu đó, coi hối tiền thuê chứ nửa năm mà có động tĩnh gì đâu."

"Thầy ơi, dì Năm đó không phải chồng vừa mất sao?".

Thuý Anh hầu trà cho thầy, sau đó mới từ tốn phục vụ cho mình.

Ông Cả gật gù. Thuý Anh sửng sốt, "Dầu sao dì ấy trở thành goá phụ, thầy nên thông cảm cho gia cảnh người ta."

"Tính ra cảm thông đó chứ mà nghe nói nó bán trầu ở chợ cũng khá, tự bắt mấy tay thương cho ba cái vụ bán vàng mã nên phất lên nhanh chóng, vậy mà không hiểu sao lại cứ ì ạch tiền nong với mình."

Thuý Anh bặm môi, rút cuộc trong cái đầu bé nhỏ còn hồn nhiên vô tư lự cũng không hiểu nổi nguyên cớ do đâu mà ở thế giới người lớn thật phức tạp, đến mức ngột ngạt khiến cô không thể thở nổi, cũng không dám nhúng tay vào.

Một buổi sáng ảm đạm của Phan gia trôi qua như áng mây bồng bềnh như kẹo bông gòn phiêu dạt trên nền trời xanh biếc...


"Cậu Ba, chờ tôi với!".

Âm thanh rệu rã đầy chật vật của A Siêu cất lên.

Mặc dù được xem là người thân cận và là "bảo kê" của Vy Thanh, thế nhưng anh chàng này lại không theo kịp thân chủ của mình trên phố huyện, đành kêu í ới một cách thảm thương.

"A Siêu, nếu không nhanh lên sẽ bị người ta mua mất!".

Vy Thanh sốt sắng nắm lấy cánh tay của A Siêu, giục anh đi.

"Cậu Ba, thứ cậu muốn mua là gì? Bảo tôi ra cửa hàng chuyên đồ Pháp có phải hơn rồi không?".

Vy Thanh nghe tiếng được tiếng không giữa không khí náo nhiệt ở phố, mơ mơ màng màng trả lời, "Hai món hàng làm sao mà giống nhau? Đi thăm thú ở đây không phải dễ chịu hơn sao?".

A Siêu lau mồ hôi trán, "Vậy cuối cùng cậu muốn mua gì?".

Vy Thanh sực nhớ, loay hoay một lúc, chàng láo liếc gấp rút tìm kiếm một cái gì đó giữa lòng chợ búa sầm uất.

Đột nhiên, hai mắt Vy Thanh sáng rực, chàng lí lắc nhảy chân sáo tiến tới sạp hàng gia dụng toàn làm từ tre, nứa, cũng không quên lôi kéo A Siêu đang ngáp dài ngáp vắn đi cùng.

Vy Thanh ngó nghiêng một lát, nơi mà trên kệ vốn được đặt trịnh trọng một cây sáo được đẽo gọt sang trọng mà xinh đẹp. Có điều, hiện tại nơi đó trống hoác, chiếc nệm lẻ loi được cất gọn trong xó.

Chàng thoáng hụt hẫng, ngước lên hỏi ông chủ.

"Cây sáo để trên cao mọi lần kia đâu mất rồi?".

Ông chủ cửa hàng là một lão trung niên mắt mờ, chân run, đối với chuyện nghe người ta nói chuyện đã là một chuyện may mắn trong sự nghiệp mua bán rồi. Ông phì cười, "Hả? Ta mới bán nó vào sẫm trời hôm qua. Cậu Ba, thật tiếc, phải chi cậu đến sớm một chút."

Mi mắt Vy Thanh chùng xuống, cảm xúc của chàng dường như cũng theo đó tệ đi. A Siêu ló đầu nhìn sạp hàng toàn là vật phẩm rẻ tiền, chỉ có cái đặc biệt là được chạm khắc tinh tế và tỉ mỉ hơn so với những cái tạp nham đầu khu chợ mới nổi.

A Siêu khó hiểu, "Cây sáo đó hình dạng bắt mắt lắm đây, mới khiến cậu Ba tôi mới sáng tinh mơ đã vội như tìm vàng kia kìa?".

Thế nhưng trái với thái độ xanh tươi của A Siêu, Vy Thanh mặt mày ủ rũ, "Đó là thứ mà hôm trở về sau chuyến đi sang nhà bá hộ Công, em đã thấy nó. Rõ ràng cũng chỉ là mới trưa hôm qua, nào dè hôm nay không còn nữa."

A Siêu mủi lòng, chợt anh thấy mình ích kỷ quá.

"Cậu Ba...".

A Siêu không cất nổi một lời, anh khuyên Vy Thanh đừng nên buồn bã và rất biết cách đặt ra điều kiện trao đổi, "Chi bằng vầy đi, nếu cậu phấn chấn lên, tôi sẽ dẫn cậu cưỡi ngựa xem cảnh ở hạ lưu làng dưới."

Vy Thanh lập tức có chút động thái, chỉ là nó không quá rầm rộ. Chàng ta chỉ uể oải gật đầu cho có lệ, bước chân trì trệ, thể như còn lưu luyến điều chi.

"Ơ này cậu Ba, cậu Ba ơi!".

Bỗng nhiên, ông lão mắt mờ mở miệng, ngoắc gọi.

Vy Thanh sau khi nghe tin cây sáo bị bán nên tâm trạng không còn hứng khởi như ban đầu, chàng lẳng lặng quay đầu nhìn lại.

"Nếu cậu muốn mua nó như vậy thì tìm người hôm qua tôi bán thử xem."

Ông ấy nheo mắt, chốc chốc lại gãi đầu mò mẫm trí nhớ, sau cùng à lên một tiếng, "Cậu ta trạc tuổi cậu, nghe nói là người làng bên đến đây tham quan. Chắc giờ chưa đi xa đâu, bởi mới hôm qua cậu ấy mới đặt chân tới thôi à."

Nghe lời tường thuật của ông lão, hai mắt của Vy Thanh sáng quắc, chàng thoáng chốc lấy lại nụ cười tươi như hoa, phấn khích hỏi, "Ông biết dung mạo hay tên gọi người đó không? Tên tuổi ra sao?".

Ông lão một lần nữa xoa cằm nhọn, cười khà khà chỉ về một quán bán phở Hà Nội cũ kỹ bên đường, "Đó, là cái cậu mặc áo dài trắng kia kìa."

Vy Thanh nương theo cánh tay run rẩy của ông cụ, xác minh được đối tượng mình cần gặp, chàng ta rối rít cảm ơn sau đó vội vàng lách qua dòng người, lững thững ngồi xuống bên cạnh người thiếu niên khôi ngô kia.

"Xin hỏi, tôi có thể ngồi một lát hay không?".

Vy Thanh ôn tồn. Trong lúc chờ đợi câu trả lời, chàng nhanh nhanh chóng quan sát diện mạo của đối phương.

Nước da trung hoà, đôi mắt sâu hoắm, hàng mày thanh tao lại ngay ngắn, không rậm rạp như những gã đàn ông thô lỗ ngoài chợ chứng tỏ đối phương là người có học thức. Vy Thanh chuyên chú nhìn con ngươi đen tuyền của anh ta, hơi ngẩn ngơ khi phát giác đuôi mắt người nọ hằn sâu một vết gì như sẹo.

Chợt, có tiếng cười khúc khích.

"Anh đã ngồi rồi, không lẽ tôi lại thất lễ chối từ?".

Bây giờ ngẫm lại mới thấy, chính Vy Thanh là người bỏ qua phép tắc tôn ty mà đi một mạch về bàn.

Chàng ái ngại cười trừ.

"Anh có vẻ nôn nóng, bộ có chuyện gì sao?".

Vy Thanh đắn đo. Trong lòng chàng đang rất bối rối, vừa rồi hùng hổ đã đành nhưng hiện tại không hiểu sao câm như hến, đến việc mở miệng thôi cũng cảm thấy khó khăn. Chàng đảo mắt, sốt ruột tìm sự trợ giúp.

Quả nhiên, A Siêu là kẻ hầu trung thành của Phan gia, ngay lập tức xuất hiện một cách hào hùng.

"Cậu Ba tôi muốn hỏi anh về cây sáo mà anh mua từ cửa hàng ông cụ kia lúc xẩm tối."

A Siêu vừa nói vừa phụ hoạ chỉ về cửa tiệm nho nhỏ của ông cụ.

Người thiếu niên khôi ngô tuấn tú mỉm cười, "Hoá ra là vì cây sáo."

Dứt lời, chàng trai trẻ ngoắc tay với gia nô, cây sáo tinh xảo nháy mắt xuất hiện trước mắt Vy Thanh, "Anh có mắt nhìn thật! Khéo thì tôi tặng lại anh?".

Sự hào phóng của người lạ làm Vy Thanh rùng mình, chàng kinh hoảng, "Không được, sáo là do anh bỏ tiền mà có, sao tôi đành lấy đi? Không cần phải miễn cưỡng, anh cứ giữ, xem như là tôi không may mắn."

Chàng lúi húi gập người rời đi nhưng chàng thiếu niên trạc tuổi cứ giương điệu cười nhân nghĩa khiến Vy Thanh khó xử.

"Tôi đâu bảo tặng không anh?".

Vy Thanh nghệch ra, đối phương cười khà khà, "Hữu duyên thiên ý năng tương ngộ, vô duyên đối diện bất tương phùng. Tôi tặng anh sáo, đổi lại anh khao bữa này cho chúng tôi?".

Vy Thanh nhìn lại, cũng chỉ thấy cái bàn vỏn vẹn có đối phương và thằng hầu của anh ta, nghĩ bụng cũng không thể không trò chuyện với người ta, vả lại bản thân không thể khiếm nhã mà chối từ, thế nên Vy Thanh bèn nhận lời.

Cả hai trò chuyện rất lâu, ăn rơ khá nhiều lĩnh vực, Vy Thanh biết được đối phương tên là Lê Thành Dương, người của làng bên tới mua vật liệu về cho công xưởng, lại nghe nói vải ở đây dệt rất mềm và đẹp nên anh ta ghé lại chợ mua vài cây biếu mẹ.

Về phần cây sáo, anh ta cũng tình nguyện nhường lại cho Vy Thanh, chàng có hỏi thì chỉ nhận được nụ cười đôn hậu của hắn, "Coi như quà gặp mặt, chúng ta sẽ còn gặp lại nhau."

Đành vậy.

Vy Thanh thở dài, xoay ống sáo mảnh trong tay, vẻ đượm buồn ẩn hiện trong đôi mắt nhung.


Ánh trăng đã lên cao, khuyết hình lưỡi liềm, màu cũng nhàn nhạt trải xuống nhân gian. Còn nhiều điều huyền ảo lắm mà con người chẳng thể khám phá hoặc nghĩ tới trong màu bạc như vôi của trăng, giống như cuộc gặp gỡ sắp tới vậy, Vy Thanh không mường tượng được sẽ có ngày hôm nay.

Chuyện là trên con đê trở về nhà, Vy Thanh và A Siêu bắt gặp một trận xung đột nảy lửa. Nó diễn ra chóng vánh như cơn mưa đầu mùa và một phần là do bọn bắt cóc không đủ can đảm trước sự chống đối kịch liệt của người anh hùng ra tay hào hiệp nên đã tản đi hết.

"Mầy coi chừng tao nha mậy!".

Giọng nói chát chúa của tên bắt cóc đứa trẻ vang lên, chứa đầy hận thù hăm doạ. Vy Thanh còn đụng phải hắn ngay khi hắn quay lưng đi bỏ về phía ngược lại.

"Không sao rồi." Có âm thanh trầm bổng ngân lên, nghe ấm áp và rất đỗi quen thuộc, "Em ở đâu, anh đưa em về với cha mẹ nha?".

Dưới ánh sáng lờ mờ, Vy Thanh nheo mắt ngoái về phía hai cái bóng, một cao một thấp. Cái bóng thấp sụt sịt khóc oe oe, liên tục vòi tay đòi mẹ. Còn cái bóng cao ráo kia, lại là người chủ động dỗ dành nó.

Có tiếng kêu đau, sau đó là dáng dấp cao lều khều cúi xuống, tay mò mẫm xuống gấu quần. Bầu không khí lãng đãng mơ hồ xen lẫn giọng thanh niên nọ rít khẽ.

Vy Thanh thoáng sững sờ, nhìn đăm đăm về phía trước.

Rồi như có thế lực nào đó xúi quẩy, chàng chầm chậm bước lên, không chút e dè mà tràn đầy hy vọng.

"Cậu Ba, chúng ta mau đi thôi!".

A Siêu liên tục thúc giục Vy Thanh nhưng Vy Thanh chỉ đứng thất thần, bầu má đầm đìa giọt ngọc, hơi thở có phần gấp rút cúi nhìn cậu thanh niên trẻ tuổi đang loay hoay với vết thương toạc máu ở chân.

Ngẩn ngơ một lúc lâu, cổ họng Vy Thanh mới chậm chạp thốt kêu.

"Hiếu? Có phải Trần Minh Hiếu đó không?".

Người đang ngồi bệt bên vệ đường bỗng ngẩng đầu, đôi mắt tinh anh tựa hồ phát quang trong màn đêm u ám. Cậu trai trẻ quan sát chàng một lúc, cuối cùng lại ngó lơ như thể chưa nghe thấy gì, nhăn mặt nhăn mày quệt đi vệt máu dấy ra khỏi hài đinh.

Vy Thanh lấy làm khó hiểu vì biểu hiện vừa rồi. Vốn trong đầu phấn khích vì gặp lại nhau, chàng muốn được cùng Hiếu tung tăng vui đùa như trước. Việc em biến mất năm đó khiến Thanh như đứng trên đống lửa, ngồi trên đống than.

Thật may mắn vì ngày hôm nay lại có thể trùng phùng ở nơi vắng vẻ thế này. Tuy nhiên, nhìn thấy vết thương được Hiếu sơ sài lau sạch làm cõi lòng Vy Thanh nhộn nhạo.

Chàng lập tức cúi người, ngồi lên gót chân của mình, cố gắng giằng lấy cánh tay ngoan cố của ai đó.

Do không hiểu dụng ý của chàng là gì, thiếu niên nọ cáu kỉnh, "Anh làm gì vậy? Điên à?!".

Em nói với vẻ mặt giận dữ, tay nhanh phất đi, vô tình với móng tay dài em đã cào sượt gò má Vy Thanh.

A Siêu chứng kiến được, bất bình xông lên.

"Không sao." Vy Thanh giơ tay ra hiệu, giọng chàng nhỏ dần trong sự tĩnh mịch, "Siêu về trước đi, đưa cô bé này về nhà cẩn thận nữa."

"Còn cậu thì sao?". A Siêu không tránh khỏi kinh ngạc.

"Chẳng bận tâm." Vy Thanh mím môi, "Em tin, em ấy có thể bảo vệ được em."

Chàng vừa nói vừa liếc nhìn Trần Minh Hiếu, mong được em để ý. Tiếc là, Trần Minh Hiếu của hiện tại quá vô tình, chẳng những không nhìn chàng mà còn phun lời thô lỗ, "Ai rỗi mũi chăm lo cho ông anh!".

A Siêu vô cùng phẫn nộ, chỉ muốn nhào đến đấm cho ranh con này một trận no nê. Ấy nhưng, Vy Thanh một lần nữa cất tiếng, lời nói trịnh trọng như lệnh vua, "Siêu, đi đi. Còn nữa, nếu thầy hỏi hãy nói em ở lại nhà anh Luân nha."

Luân là đàn anh thân thiết bên ngoại của Vy Thanh, lai lịch xán lạn, học thức cùng phẩm chất rất tốt lại là người có gia đình nên số lần chàng lấy Luân làm bia đỡ đạn không ít lần.

A Siêu bặm môi, rốt cuộc sau vài phút đấu tranh nội tâm, anh quyết định rời đi. Cầm tay đứa bé gái thả bộ dọc theo bờ ruộng, Siêu vẫn mong mỏi ngoái đầu về sau.

Vy Thanh trở lại với người đối diện, nhìn thấy Hiếu cau có, ruột gan chàng cứ bồi hồi.

"Em đừng quệt đại quệt thí như vậy, vết thương sẽ lở ra và nhiễm trùng đó."

Chàng ân cần quan tâm nhưng đáp lại là âm thanh cục xúc của Trần Minh Hiếu, "Ai là em? Anh nghĩ anh là ai? Đừng xáp vào mà bắt quàng làm họ nha!".

Vy Thanh không ngờ Hiếu lại phản ứng mạnh mẽ như vậy, chàng cố gắng giải thích, "Ôi, không không."

Chàng liếc mắt sang vết thương chảy ròng của em, tim quặn thắt.

Vy Thanh co gối, trong tư thế nửa ngồi nửa quỳ, chàng nhẹ nhàng kéo ống quần Trần Minh Hiếu lên xem xét. Nhưng chẳng may là, vì sự quan tâm vượt mức lần đầu quen biết, chàng đã bị Hiếu tránh như tránh tà. Thậm chí, em còn dùng ngôn từ độc địa để đuổi chàng.

"Thôi đi! Anh tưởng anh là ai? Một công tử sinh ra ngậm thìa vàng, sống xa hoa phung phí? Hay một anh hùng thích ra vẻ thương hại để người khác ngưỡng mộ?".

Hiếu cười lạnh, sự băng giá trên khuôn mặt em khiến Vy thanh rùng mình.

"Làm sao? Bị thương thế này thì có là gì. Hơn nữa, nhìn bộ dạng của anh, hẳn chưa từng bị thương trầy da tróc vảy hả? Đúng rồi, trên người anh toàn là áo gấm quần là, chắc tiếc của lắm chứ gì."

Vy Thanh ngỡ ngàng. Trần Minh Hiếu mà chàng từng biết là người rất mực đàng hoàng về lễ độ, luôn giữ ý tứ của mình chứ đâu phải dạng thẳng thắn, ngông nghênh thế kia. Nhưng nhìn em chật vật trong sự đau rát, chàng không khỏi xót xa.

Mặc kệ Hiếu có chửi bới, Vy Thanh vẫn kiên trì xé lấy cạp quần của mình. Tiếng roẹt roẹt vang dài, chàng vẫn bình thản như chưa có chuyện gì diễn ra.

Vy Thanh lẳng lặng dùng một nửa miếng vải mình xé ra, thuần thục quấn lại vết thương đang chuẩn bị bước sang giai đoạn lở loét của Hiếu. Thoạt đầu, Hiếu có vẻ khó chịu, liên tục gạt tay Vy Thanh ra nhưng dần dần, em cảm thụ được sự ấm áp từ đôi bàn tay lẫn sự săn sóc nhiệt tình của chàng, thế nên cũng chẳng buồn càm ràm hay gào thét nữa, âm trầm nhìn Vy Thanh băng bó cho mình.

Vy Thanh sau khi hoàn thành, chàng ngẩng đầu, mỉm cười, "Chỉ cần mình muốn, áo gấm quần là cũng có thể trở thành dụng cụ cứu chữa kịp thời."

Chàng dịu dàng nở nụ cười trấn an tinh thần hỗn loạn của Hiếu, có chút hồi hộp khi ngó lên.

Chàng muốn xem biểu hiện của em là gì.

Là cảm kích? Hay vẫn là sự ngạo mạn bất cần đời đó?

Kết quả hình như khả quan hơn những gì chàng nghĩ khi Hiếu ậm ờ nói câu cảm ơn.

"Mà...". Em bỗng nhiên đanh giọng, nét mặt nghiêm trọng hoá, "Tôi phải đi về, anh cũng về nhà mình đi."

Hiếu không phải cố ý xua đuổi đâu nhưng mà trăng đã bắt đầu lên cao, tiếng dế kêu rôm rả hoà giọng với ễnh ương cóc nhái cạnh đồng, chúng nó tấu lên khúc nhạc hân hoan gọi mùa gặt sang, má em ở nhà ắt hẳn rất trông ngóng. Hiếu lại không có cách nào dẻo miệng, chỉ có thể gieo cho Vy Thanh lời xua đuổi đau lòng.

Em chân thấp chân cao đứng dậy, mò theo gốc bằng lăng già đi vào trong con đường tối thui tối mịt.

Bỗng, có bước chân sột soạt sau lưng, Trần Minh Hiếu quay đầu nhìn lại. Giữa không gian đen kịt, đậm đặc như màu mực tàu, thứ duy nhất giúp người nhìn rõ vạn vật đó chính là ánh trăng huyền ảo trên đỉnh đầu.

Ánh sáng lờ mờ xuyên qua kẽ lá bằng lăng, hương thơm ngào ngạt xộc lên cánh mũi, Hiếu thoáng cau mày.

"Anh theo tôi làm gì?".

Giọng Hiếu khàn khàn, em có vẻ không được thoải mái khi Vy Thanh cứ như một cái đuôi, dõi theo không dứt.

Vy Thanh ngẩng đầu, mang gương mặt vô tội nhìn em, "Em thật sự không nhớ anh?".

Trán Minh Hiếu càng thêm cau có, em cục cằn quát, "Nhớ gì? Ai là anh, ai là em với mấy người?".

Em vô tình hơn chàng nghĩ và cũng thật ngốc nghếch khi Vy Thanh cố gắng mềm mỏng với em.

"Năm đó, giữa đồng vắng lặng, thời ấu thơ chúng ta từng rất thân thiết...".

Giọng Vy Thanh nhỏ dần rồi tắt ngấm giữa tiếng dế kêu inh ỏi.

Có cơn gió bấc thổi vù, tốc cả gấu áo dài thượng hạng của chàng, đồng thời như xát muối vào cẳng chân bị trọng thương của Minh Hiếu.

Lạ thay, hiện tượng siêu nhiên này khiến em thắt lòng. Khoang miệng đắng chát, em đắm mình trong tiềm thức bị quên lãng.


"Vậy ra đứa bé nhỏ nhỏ xinh xinh đó là anh à?".

Trần Minh Hiếu tươi cười đi song song với Vy Thanh, em đan tay sau ót, dáng dấp hào sảng, ngửa mặt đối diện với bầu trời rộng lớn.

Vy Thanh lườm em, "Nhỏ nhỏ xinh xinh? Em nói chuyện với người hơn tuổi mình vậy đó hả?".

Trần Minh Hiếu bật cười, trông em có vẻ hả dạ lắm, "Nào có." Em dừng lại một lát, thâm tình trong đáy mắt đột nhiên ứ đầy, "Hiện tại, anh cũng giống ngày đó, vẫn nhỏ con hơn em."

"Thôi đi ông tướng!". Chàng khều tay em, "Do ông cứ oang oang đầu đường xó chợ suốt, tập thói riết thành hư."

"Anh cũng cần học cái thói hư hỏng này chứ, đâu thể lúc nào cũng dùng lời quân tử nói chuyện với kẻ khác mãi."

Hiếu nhìn thẳng, nhưng chốc chốc em lại đánh mắt sang Vy Thanh, ngụ ý cần chàng dạn dĩ hơn nữa.

"Hôm nay cám ơn em đã kịp thời cứu em gái kia."

Vy Thanh mở lời, đánh trống lảng việc mình bị trêu ghẹo.

"Có gì đâu? Hành hiệp trượng nghĩa rồi thành quen thôi." Không biết Hiếu lấy đâu ra sinh lực, tự tin và hồ hởi vô cùng, "Em bé đó ở làng mình hả?".

"Ừ, bây giờ nó đang sống với mẹ nuôi ở khu đất cũ nhà em."

Nhắc tới nhà cửa, Vy Thanh sực nhớ, "Sao mười mấy năm không thấy em với hai bác?".

Chàng dỏng tai lắng nghe câu trả lời của đối phương nên không phát hiện bản thân lạc vào khu mòn sau tít trong đầm và phía chính diện là một mái lều tranh được lợp cẩn thận hai ba lớp mái kiên cố. Nhà tranh được dựng lên cạnh hồ sen, búp sen đã khép nhưng vẫn toả hương thơm ngát, trước sân đựng vài cái khạp để hứng mưa, chứa lại xài dần. Thoang thoảng ngửi được mùi thức ăn nức mũi bay ra, Vy Thanh ngẩn ngơ như đang đi trên mây.

Bất chợt, chàng thấy Hiếu thoăn thoắt mang lại chiếc hài nãy giờ cầm lủng lẳng trong tay, động tác không hề vụng về. Em bình thản bước vào nhà, nháy mắt ra hiệu im lặng với chàng.

Vy Thanh còn chưa thoát khỏi trầm trồ thì cảnh tượng đơn chiếc trước mắt khiến cõi lòng chàng se thắt.

"Má ơi, con về rồi nè!".

"Về rồi đó hả? Nay muộn rứ?".

Ngôi nhà tạm bợ chưa đủ hai mươi mét vuông, trung tâm nhìn thấy một mâm thức ăn đạm bạc chỉ có vài con cá mối chiên lên chấm mắm me và nửa khúc bầu luộc. Trên bàn có hai chén cơm nghi ngút khói, dường như là mới bới xong. Và đàng kia, chính là người phụ nữ chiếm vị trí đặc biệt trong lòng Hiếu.

Người đàn bà kia già đi nhiều. Trong trí nhớ non nớt của Vy Thanh, bà ấy là một người phụ nữ âm trầm mà chu đáo, luôn thấu hiểu người khác nghĩ gì và chăm sóc kỹ lưỡng cho gia đình thân yêu. Nào ngờ đâu bây giờ bà ấy phai đi nét xuân sắc và tiêu mòn đi nước da trắng hồng mịn màng thủa nào, thay vào đó là những vết đồi mồi và rạn da dưới bọng mắt.

"Giữa đường có đứa bé bị ăn hiếp, con thấy ghét quá nên có đánh nhau một trận."

Hiếu cười hề hề, tựa hồ nụ cười ngây ngô hào phóng ấy không bao giờ tắt. Em ra hiệu cho Vy Thanh đừng lên tiếng, còn mình thì chậm rãi bước từng bước cứng cỏi lên nền đất đá được san phẳng. Âm thanh đều đặn từ đế giày nện xuống, thể như không có vết thương nào cả. Trần Minh Hiếu tươi cười, em lon ton đi đến, vừa phụ má bưng cơm vừa xuýt xoa.

"Con cũng về đúng giờ mà, má cần gì lui cui, lỡ trơn té rồi sao?".

Trong khi đó, người phụ nữ của gia đình có vẻ lụm khụm, bà cười hiền, "Căn nhà này là của chúng ta cất công tạo dựng, mọi ngóc ngách má đều rõ hết."

Thanh im lặng đi theo sau Hiếu, chàng rõ ràng là người tao nhã, không lỉnh kỉnh hùng hổ như Hiếu, bước chân chàng nhẹ tênh như cánh hoa dong riềng rơi rụng nhưng thân mẫu của Hiếu vẫn nghe được.

"Hiếu ơi, con dẫn bạn về à?".

Hiếu hơi khựng lại, em liếc Thanh một cái, ngạc nhiên lẫn khó xử.

Từ khi cha mất, chính em đã rèn được thính giác siêu nhạy để còn bảo vệ người thân. Vừa rồi em còn không nghe thấy động tĩnh gì, vậy mà má của em lại phát giác ra.

Trần Minh Hiếu vội vàng biện bạch, "Chắc là chuột chạy qua kiếm thóc đây mà." Em dắt tay má, thận trọng dìu má ngồi xuống ghế, so lại đũa rồi đưa tận tay bà, "Không có gì quan trọng đâu, chúng ta ăn thôi."

Trước đó, Hiếu rất lịch sự, mặc dù che giấu việc em dẫn bằng hữu về nhà nhưng vẫn rất tận tình mời cơm Vy Thanh.

Vy Thanh cũng không dám ho he miếng nào. Thường ngày chàng thanh cao nhã nhặn, suy cho cùng mỗi bước đi đều khẽ như đêm thu, thế mà hôm nay chàng cực lực điều tiết hoạt động của mình, một phút cũng không dám lơ là.

Chàng không muốn để em khó xử với má và không muốn vì sự xuất hiện của mình khiến cho gia đình nhỏ thêm phần lúng túng. Gia cảnh bọn họ cũng đâu tệ đến cùng cực này. Không biết duyên cớ nào đã đưa đẩy số phận họ đến bến bờ bần cùng như vậy nữa - thâm tâm chàng nghĩ.

Suốt quá trình, Vy Thanh ví như mình vô hình. Chàng lẳng lặng xơi cơm - bữa cơm đạm bạc nhất trong cuộc đời chàng. Vài miếng cá mối không đủ no bụng nhưng Vy Thanh lại chưa từng chê bai bữa cơm này, ngược lại nó làm trái tim của chàng có cái gì xao xuyến, rung động và bồi hồi.

"Hiếu, con bắt đầu nói dối má rồi."

Giọng người phụ nữ trung niên cất lên, pha lẫn âm điệu thỏ thẻ trách hờn. Hiếu vội buông đũa, em sửng sốt, có chút chột dạ, "Má nói gì con không hiểu."

"Xưa nay, con đi với ai đều nói với má hay, không hiểu sao nay lạ lắm." Má em trầm giọng hệt như đang thì thầm, "Má già rồi nhưng tai và mũi còn thính lắm, căn nhà dột nát của mình kiếm đâu ra mùi hương ngào ngạt lại cao quý như vậy hả con?".

Bấy giờ, Hiếu mới tường tỏ mọi chuyện. Thì ra, bà đã biết từ lâu lại không nhẫn tâm quở mắng, có lẽ bà ấy nhẫn nhịn không đặng vì Hiếu bỗng nhiên thay đổi tính nết.

Em xưa nay vốn thật thà mà.

Hiếu hơi nghiêng đầu, lưỡng lự không biết nên giải thích chàng công tử nãy giờ ăn chung mâm với mình như thế nào với má thì bỗng má em dịu giọng.

"Cha con mất rồi, lâu lắm chẳng thấy con giao du với ai. Kể ra cũng mừng, thấy con có bạn, má yên tâm hơn nhiều."

Trần Minh Hiếu đột nhiên thấy cổ họng và khoé mắt ran rát, không hiểu sao đối với Vy Thanh, em lại không có đủ dũng khí để nói với má. Em dằn vặt, tự đấm vào ngực mình không biết bao lần.

Do đâu nhỉ?

Chẳng qua chỉ là bạn bè trong xóm, hơn nữa thì là cách em vài con giáp, hà cớ gì Trần Minh Hiếu phải bận lòng rào trước đoán sau thế này?

Sau đó, má cũng không nói gì thêm, chỉ biết nửa thời gian còn lại gương mặt má rất vui, khoé miệng luôn cong lên bày tỏ sự hài lòng.

Vy Thanh từng có lần muốn huỵch tẹt ra tôn tính của mình lại liên tục bị Hiếu hết lần này tới lần khác ngăn cản. Chàng không còn cách nào khác bèn miễn cưỡng lùa cơm cho xong.


Sau bữa cơm tối, Hiếu nhanh nhẹn dìu má vào phòng ngủ nghỉ. Em lẳng lặng hoàn thành công việc nhà. Vy Thanh ở phía sau, cắn răng đắn đo.

Chàng định giúp em dọn lại bếp nhưng lại không thạo cách dập tàn lửa nên cũng không động đậy. Nhìn Hiếu tỉ mỉ lau bàn ăn gỗ nục, sau đó lần lượt bưng từng cái chén, từng đôi đũa ra ngoài hàng ba, chàng cũng lật đật làm theo.

Dĩ nhiên, nó là giây trước, khi Vy Thanh nghĩ mình sẽ giúp ích được cho Hiếu. Chén dĩa được bưng ra xong xuôi, Hiếu thuần thục ngồi chồm hổm, tay thoăn thoắt múc gầu nước trong lu, rưới một lượt qua đống chén bát. Sau đó, em cầm cục xà bông được làm thủ công bằng bồ hòn chà xát hai tay, thấm qua tấm lưới đánh cá nhỏ, nhanh nhẹn lau chùi chén bát.

Thấy em làm hăng say như thế thành thử khơi gợi khá nhiều lòng hiếu kỳ của Vy Thanh. Chàng ngồi yên, lặng lẽ quan sát.

Tốt, Hiếu không để ý bên này.

Thời cơ tới, Vy Thanh chộp lấy cái chén, lặp lại cách thức mà Hiếu sử dụng, có điều chàng làm rất chậm chạp.

Thật lòng mà nói, Vy Thanh là một quý tử, từ lúc lọt lòng đến nay chàng chưa lần nào đụng vào bất cứ việc nặng nhọc nào, những chuyện bếp núc càng thêm hiếm hoi. Chính vì không giống Hiếu, chàng cầm chén lên, lóng ngóng pha nước rửa bằng bồ hòn.

Chỉ cần một chút là có thể thể hiện tốt trước mặt Hiếu rồi nhưng cái tật vụng về khiến cho chàng phải xấu hổ.

Cái chén từ trong tay Vy Thanh bỗng trượt khỏi lòng bàn tay chàng, tuột một cách vô lực, cuối cùng rơi loảng choảng xuống đất.

Hiếu hoảng hốt gào lên, "Trời đất, anh không biết làm thì đừng có làm!".

Bị quát vào mặt, Vy Thanh bẽn lẽn cúi đầu, lí nhí, "Anh... anh xin lỗi...".

Hiếu đỡ trán, em cố gắng trấn tĩnh mình, cũng coi như là không muốn để đứa bé trai năm đó bị nét mặt dữ tợn của em làm cho giật run, "Thôi, anh ngồi ở bậu cửa đi, coi chừng đạp miểng chai đó, em quen tay thì để em làm xong sớm."

Vy Thanh gật gà gật gù, trong lòng muốn níu kéo cho chàng được làm nhưng khi nhìn em cau mày lườm nguýt, Vy Thanh lập tức ngoan ngoãn, chỉ đăm đăm dõi theo Hiếu đang phải dọn "chiến tích" mà chàng gây ra.

"Tay anh không bị miểng chai cắt trúng chứ?".

Hiếu hỏi trong khi bản thân cặm cụi hốt miểng chai vào bọc. Vy Thanh lắc đầu, "Không có."

"Hên là má không nghe, chắc thiếp đi rồi." Hiếu nói vu vơ, em vừa làm vừa ngẩng đầu thăm dò, "Không ngờ là cái chén chỉ bị ướt bọt mà anh lại không cầm nổi."

Em nhướng mi, phủi phủi tay, "Em không chê anh đâu. Được anh ghé đã là phước phần của em và má, bể một cái chén cũng đáng mà."

Nói thì nói vậy nhưng Vy Thanh không thể không áy náy. Gia đình em khó khăn, nhà dột cột xiêu che không kín gió, bữa cơm còn tùy thuộc vào vận may và ý trời, vậy mà chàng còn gây khó dễ, nỡ lòng nào không gìn giữ đồ đạc người ta.

Chàng cười đắng.

Đáng làm sao được khi mắt em còn âu lo rằng mai này em phải dậy sớm để phục hồi lại cái chén vừa bể tan tành.

Hiếu gom không sót một mảnh vỡ nào, vội vàng huơ đống bát đũa vào thau nước, lau rửa cẩn thận rồi úp lên cái rổ để trên nắp lu.

Thương em quá mà mình lại không thể làm nên việc, Vy Thanh tự cảm thấy bản thân vô dụng và nhu nhược.

Cuối cùng cũng rửa xong rổ chén, Hiếu phẩy tay cho ráo, giữ nguyên tư thế ngước lên nhìn anh.

Thấy em cứ nhìn hoài, Vy Thanh ái ngại mở lời, "Sao vừa rồi em không nói má về sự hiện diện của anh?".

Hiếu trả lời một cách bình thản, "Không phải em không muốn nói mà là má đã biết cả rồi."

Vy Thanh ngơ ngác, Hiếu nhìn thái độ của anh, bật cười, "Anh cũng nghe rồi đó thôi, kể từ sau khi cha qua đời, anh là người đầu tiên bước chân vào gia đình em."

Bỗng, chàng cảm thấy trái tim mình chệch đi một nhịp, gần như đứng hình khi những lời em nói truyền đạt thật chân thành. Khuôn mặt Hiếu vô tư giãn ra, đuôi mắt hằn nếp nhăn tự tin đối diện với chàng.

Vy Thanh vội chuyển đề tài, chàng sẽ không tiết lộ hành động kia chỉ để che giấu biểu cảm non nớt mới chớm của mình đâu.

"Không thể tin, người đang nói chuyện với anh lúc này với người đã hiên ngang làm xây xẩm đám du côn là cùng một người."

Hiếu thở hắt một hơi, em xoa vai mình, trầm thấp nhớ lại, "Bọn ác ôn đó, cho dù băm thành trăm mảnh thì cũng không thể xoá bỏ được tội ác mà chúng đã làm."

Em có vẻ rất tức giận, tay siết thành nắm đấm.

"Có bần cùng cách mấy nhưng để được sống mà phải mưu hại những đứa bé vô tội thì thật đáng tẩy chay."

Vy Thanh tán thành với lối suy nghĩ của em nhưng không hoàn toàn tán thành với phong cách "anh hùng cứu mỹ nhân" của em, chàng bật thốt, "Em có thể hô hào nhờ người giúp đỡ, đâu cần phải tự mình đương đầu với hiểm nguy làm gì?".

Vy Thanh ngây ngô, chàng không biết thế giới ngoài kia đáng sợ thế nào, trong trí não nhỏ bé luôn tưởng rằng những lý thuyết mà chàng nghiên cứu sẽ áp dụng vào thực tế một cách suôn sẻ.

Nhưng đó chỉ là những giả thuyết, và lý thuyết mộng mơ thì không bao giờ đi đôi với hiện thực phũ phàng. Hiếu không muốn hơn thua với tầng lớp quý tộc làm gì, huống hồ trong trái tim em vốn xem Vy Thanh là một tín ngưỡng mà tín đồ như em cần phải tôn thờ.

Em mỉm cười, lẳng lặng tiến đến, ngồi bên cạnh Vy Thanh ở bậc thềm, ôn tồn nói, "Bọn chúng sẽ lại giở cái trò vừa đánh trống vừa la làng, thừa cơ hội đổ tội ngược lại, mình có mà tức hộc máu."

Hiếu nói với cái vẻ bất bình tụ lại trong người, giọng nói em cứng rắn, trưởng thành rất nhiều so với số tuổi của em. Vy Thanh lắng lòng, bấy giờ mới thấm thía được câu "ra đời mới thấy mình nhỏ bé".

Chàng im thinh, ngây người đờ đẫn.

"Khuya lắt khuya lơ rồi, má em chắc đã say ngủ."

Hiếu bỗng cất lời, em nghiêng đầu, nửa gương mặt xán lạn và tuấn tú của em phô bày dưới ánh trăng nhợt nhạt.

Vy Thanh có chút khẩn trương, ngoái theo hướng của Hiếu vào nhà. Chàng như thú cưng lẽo đẽo sau em, dõi theo em đến tận khi em đi vào căn buồng ọp ẹp của mình.

Hiếu tỉ mỉ dọn lại gối mền. Do nhà nghèo, má và em mỗi người một cái buồng vừa đủ kê một cái sàng mét tư, em nhường má mền êm còn mình đắp lành một cái chăn còn không đủ khuất chân.

Vy Thanh chần chừ một lát rồi mới hô lên, "Em làm gì vậy?".

"Dọn chỗ ngủ cho anh." Hiếu thật thà đáp.

Vy Thanh hoang mang đi tới, nhìn giường chiếu được dàn xếp gọn gàng, đáy lòng chàng thấp thoáng tư vị cảm động, "Vậy còn em?".

Hiếu cười khờ khạo, thân thiện dúi tấm mền vào tay chàng, "Một chỗ gác lưng là đủ cho em rồi. Nào có thể để khách khứa nằm bất tiện được phải không anh?".

Nụ cười em nhu mì, lại luôn tràn đầy sinh khí tuổi trẻ.

Vy Thanh ngẩn người, liên tục từ chối sự tiếp đãi của em.

"Anh đừng cãi em làm gì." Hiếu bỗng hăm he, "Vóc người anh nhỏ thó, là công tử của phú hộ nào đây mà. Để anh nằm ngoài, rồi anh bệnh, em gánh sao đặng trọng tội?".

Biết là mình cãi lý không lại, Vy Thanh lủi thủi cầm lấy mùng mền leo lên giường, trong lòng vẫn còn cảm giác bâng khuâng.

Hiếu đốt một nén nhang trừ muỗi, mọi cử chỉ hành vi đều khiến Vy Thanh cảm động muốn khóc.

oOo

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenFun.Vip