Bac Chien Ghet Thanh Yeu Hoan Chuong 28 Gung Cang Gia Cang Cay

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng
Ám ảnh của những người có vợ bầu là nghe vợ than thèm món này, nói thèm món kia, nhưng mà khi mấy ông chồng mua về thì chỉ ăn có một chút xíu rồi là không ăn nữa. Càng khổ hơn là nhiều người chỉ thèm vào nửa đêm, khi hai vợ chồng đang ngủ ngon giấc.

Tất nhiên, Kiệt cũng là nạn nhân của chuyện chăm sóc vợ bầu.

Bình thường Kiệt không có ở nhà thì Chiến không có thèm món gì đâu. Thậm chí cậu có thể ăn trái cây trừ cơm cả một ngày, đến mức độ dì Mai phải lên tiếng rầy, thì cậu mới tiếc nuối để rỗ trái cây sang một bên và cầm tô cơm lên ăn.

Thế nhưng, khi Kiệt có mặt ở nhà, thì Chiến thèm toàn món độc. Nhất là món bánh đúc mặn.

Cái món này nói là cao sang thì gần như là không phải, nó là một cái món rất chi là bình dân. Chỉ cần cầm mười ngàn đi ra chợ là có thể mua được rồi, nhưng mà Chiến thèm vào lúc nửa đêm thì nó mới là một vấn đề lớn.

Nhìn vợ bầu nằm lăn qua lăn lại, Kiệt đành lên mạng lò mò tìm công thức để làm cho Chiến ăn lót dạ. Chứ bây giờ là 11, 12 giờ đêm lại còn là 23 tháng chạp.

Gần Tết thì ai mà bán mấy món này.

Sau gần nửa tiếng đồng hồ lượn lờ trên google, thì Kiệt cũng kiếm được một cái công thức làm bánh đúc truyền thống. Trùng hợp là anh vét tủ lạnh thì thấy còn đủ đồ làm một khuôn nhỏ, chắc cũng đủ cho Chiến lót cái dạ dày thỏ.

Người xưa có câu 'bầu chướng khí', nhưng mà Kiệt không tin một chút nào. Đến khi Chiến có em bé và anh trở thành ông chồng chăm sóc vợ bầu thì anh mới thấm cái câu đó.

Vì ngay khi Kiệt vừa để dĩa bánh đúc mặn nóng hổi lên bàn, thì Chiến lại phán một câu xanh lè:

- Anh ăn đi. Hết thèm rồi.

Nghe vợ bầu nói xong, Kiệt gần như sụp đổ:

- Hả? Em đừng có giỡn với anh nghe em. Làm bánh đúc mỏi tay lắm á.

Nhìn thấy vẻ mặt khổ sở của ông chồng, Chiến gãi gãi đầu mấy cái rồi cũng cầm đũa lên gắp miếng bánh bỏ vào miệng:

- Thôi để tui ráng ăn. Dù sao cũng là anh bỏ công ra làm cho tui mà.

Thấy vợ bầu ngồi ăn say sưa, Kiệt liền lấy cây quạt lá dừa ngồi quạt dưới chân đuổi muỗi cho Chiến.

Nhìn Kiệt làm trò trẻ con, Chiến không nói gì ngoài việc bĩu môi một cái rồi tiếp tục ăn dĩa bánh đúc, nhưng thỉnh thoảng cậu lại gắp một miếng bánh bỏ vào miệng của anh.

Dì Mai thức dậy đi xuống bếp uống nước, nhìn thấy cảnh tưởng sến rện của Chiến và Kiệt thì bĩu môi một cái, rồi đi vào phòng ngủ tiếp.

Trong lòng dì Mai lúc này là thấy mặt của Chiến in đỏ hai, ba dấu tay rõ lắm rồi.

Hồi trước thì thề thốt các kiểu, bây giờ thì cứ chồng về là làm nũng đòi ăn các kiểu. Trường hợp này người ta kêu là những pha tự vả đi vào lòng đất, còn nói văn minh hơn là nghiệp quật không trượt phát nào.

Kiệt không để ý ánh mắt hả hê của dì Mai khi thấy Chiến bị nghiệp quật, nên anh đã cầm con tôm lên lột vỏ cho Chiến:

- Ăn tôm cho có đủ chất. Bác sĩ nói con có nguy cơ thiếu canxi á.

Chiến nghiên đầu né con tôm:

- Buổi tối hông dám ăn. Anh ăn đi.

Kiệt vẫn kiên trì đưa con tôm đến gần miệng của Chiến:

- Một con thôi. Có một con đâu có làm lâu tiêu đâu.

Nghe Kiệt nói vậy, Chiến miễn cưỡng há miệng ngậm con tôm vào miệng, nhưng mà cậu không cảm nhận được một chút gì gọi là ngon. Thậm chí, cậu còn thấy mấy món ăn đắc tiền này còn thua cả cái món bánh bèo lon bia mà anh mới mua hồi sáng cho cậu ăn nhiều.

Sau khi xử xong dĩa bánh đúc, Chiến đứng lên đi súc miệng và đi vào trong phòng trùm mền ngủ, để cho Kiệt dọn dẹp chén dĩa một mình với hai cái chân bị mũi chích sưng tấy.

Thèm đồ ăn lúc nửa đêm chưa được gọi là đỉnh cao hành chồng của Chiến đâu, mà màn hành cao cấp hơn là khi ở giữa lòng thành phố Long Xuyên, lại còn là ngay những ngày gần Tết. Cậu thèm một loại trái, ai nghe tới tên cũng phải xách dép chạy cho thiệt lẹ.

Loại trái đó mang tên là trái Ô Môi.

Tên thì nghe rất tây, ăn vào thì rất ngọt và bùi, hạt thì có thể nấu chè. Nhưng mà cái mùi của nó được ông bà ngày xưa ví là mùi phân em bé bị xón.

Nghe Chiến nói xong, Kiệt phải tranh thủ chợ còn bán, mới chạy đi tìm mua trái Ô Môi cho vợ bầu. Nhưng mà anh kiếm từ đầu chợ tới cuối chợ, mà vẫn không thấy có một người bán.

Đang lúc không biết làm sao, thì Kiệt nhìn thấy có một cụ bà chừng bảy mươi tuổi ngồi gần sạp rau có bán trái Ô Môi. Vậy là anh tấp vào mua bốn trái đem về vạt hai bên cho Chiến ăn giải sầu.

Tuy Kiệt thương vợ, nhưng mà anh vẫn không tài nào chịu nổi cái mùi hôi của trái Ô Môi. Nên anh nhân lúc Chiến đang ngồi ăn say sưa, thì mới xách chổi, nùi lau đi quét dọn nhà cửa chuẩn bị đón Tết.

Mấy năm trước mỗi khi tới Tết, là Chiến cũng quần vo ống vận cầm chổi, cầm khăn đi lau dọn ba cái hốc kẹt trong nhà. Nhưng mà khi mang bầu là cậu bị cấm đụng vào bất cứ thứ gì mang tính chất ảnh hưởng đến đứa nhỏ. Thành thử ra, là cậu phải chấp nhận cái cảnh ngồi một chỗ để người này người kia cơm bưng nước rót đến tận miệng.

Trong xã hội có ba người cần được chăm sóc kỹ lưỡng. Đó là trẻ nhỏ, người già và người mang thai.

Chiến có mặt trong danh sách, nên phải được ưu tiên chăm sóc kỹ lưỡng.

Thấy Kiệt bận dọn dẹp, mà ly sữa bầu thì ở ngay trên bàn. Nên Chiến mới leo xuống đi đến lấy ly sữa uống. Nhưng mà tay cậu còn chưa được chạm vào cái ly, thì bị anh phát hiện và anh bắt cậu ngồi im một chỗ.

Nhìn thấy ly sữa trước mặt chỉ cần với tay là lấy được, Chiến bèn lên tiếng năn nỉ Kiệt:

- Em chỉ muốn lấy ly sữa thôi mà. Với tay một cái là lấy được liền, chứ có đi đâu xa đâu mà anh sợ.

Nghe Chiến nói xong, Kiệt với tay lấy ly sữa đưa cho cậu:

- Em muốn lấy cái gì thì nói đi, anh lấy cho. Chứ đang bầu bì, mà nhà thì xà bông không. Lỡ có gì nguy hiểm lắm.

Chiến bĩu môi một cái dài thượt:

- Có bầu chứ đâu phải là ông này bà kia đâu trời.

Kiệt vừa lau cái salon gỗ mun vừa trả lời:

- Ba tháng đầu nguy hiểm lắm, với lại em là vợ anh, thì cái chuyện anh chăm sóc cho em là cái chuyện bình thường. Bởi vậy ai cười thì người đó hở mười cái răng. Thoải mái đi.

Chiến định lên tiếng bật lại Kiệt, thì đúng lúc dì Mai đi chợ về tới nghe thấy câu trả lời của anh. Vậy là dì chốt thêm một câu theo phe con rể tương lai:

- Nó nói đúng chứ có sai đâu. Ba tháng đầu nó nguy hiểm lắm hông có giỡn được đâu. Bởi vậy, mày ngồi một chỗ cho yên nhà lợi nước đi con.

Nghe dì Mai nói xong, Chiến bĩu môi một cái dài thượt rồi ngồi im ăn trái cây và chân gà ngâm sả tắc. Nhưng mà cậu lại cảm thấy chân gà hôm nay không ngon như ngày hôm qua.

Với Chiến mà nói được đi tới đi lui trong nhà làm việc này việc kia mới thực sự là một niềm vui trong việc chăm sóc thai. Vậy mà trong nhà không một ai hiểu cho cậu. Đành lòng bắt cậu ngồi một chỗ nhìn.

Mất gần cả nửa ngày trời, Kiệt cũng hoàn thành công việc dọn nhà đón Tết và sau khi anh chùi rửa, đánh bóng xong bộ lư đồng, thì anh đi vào phòng thu dọn quần áo để sáng ngày mai đi về Đồng Tháp đón tết với bác Hưng.

Thấy Kiệt không đón Tết cùng hai mẹ con, Chiến ngồi trên sập gỗ xụ mặt nhìn anh dẫn xe ra khỏi nhà, trên xe móc đủ thứ đồ:

- Chừng nào anh qua?

Kiệt vừa móc mấy bọc đồ lên xe vừa trả lời:

- Anh được nghỉ tới mùng 10 mới đi làm được. Chắc mùng 7, hoặc mùng 8 là anh qua. Có thèm gì hông? Bữa qua anh đem cho.

Chiến im lặng một hồi rồi gật đầu:

- Thèm chùm giuột đâm muối ớt ăn với cơm nguội. Bầu thì bầu chứ thèm ăn món độc không à.

Nghe Chiến nói xong, Kiệt giật mình:

- Trời đất. Em ăn vậy sao có sức? Em ráng suy nghĩ coi có muốn ăn gì khác hông?

Chiến đảo mắt suy nghĩ một hồi rồi gật đầu cái bụp:

- Hột vị dữa.

Nghe Chiến nói xong, Kiệt chỉ biết thở dài rồi gật đầu hứa với vợ bầu. Nhưng mà trong đầu anh lúc này là một câu hỏi to đùng chạy ngang.

Trong ba tháng đầu của thai kỳ, em bé cần rất nhiều chất dinh dưỡng, nhưng mà Chiến lại thèm ăn những món độc lạ như vậy. Kiệt lo lắng cứ như thế này mãi, thì tới ngày sinh làm sao mà cậu chịu nổi.

Vừa về tới đầu ngõ, Kiệt thấy bác Hưng đang ngồi trong sân tỉa cây thì anh mới lên tiếng hỏi:

- Ủa ba! Quét bàn thờ má chưa?

Bác ba vừa tỉa mấy nhánh mai vừa trả lời:

- Tao quét dọn rồi hết rồi. Còn có cặp chân đèn lư hương là chờ mày về lau chùi thôi. Rồi mày về đây đón Tết với tao, vợ mày nó đang có bầu rồi sao.

Kiệt vừa đem bộ lư hương, chân đèn ra trước nhà chùi rửa vừa trả lời:

- Nó có má vợ con lo rồi. Mà tự nhiên ba về đây ở chi vậy, ở bên bển với má vợ con cũng được mà.

Bác Hưng thuận miệng trả lời:

- Thì làm mai tụi bây được rồi tao ở bển chi. Tao về đây coi sóc bàn thờ má bây chứ làm cái gì.

Nghe bác Hưng nói xong, Kiệt trợn hai con mắt lên nhìn bác. Lúc này anh mới nhận ra là chuyện của anh và Chiến có gì đó không đúng lắm. Anh cảm giác như mình đang bị bác ba đem bán giảm giá.

Sau khi chùi rửa bộ lư hương, chân đèn và đem lên bàn thờ, Kiệt mới trở ra hỏi bác Hưng mọi chuyện cho rõ ngọn ngành. Lúc này, anh mới khẳng định được là anh và Chiến đang bị hai vị phụ huynh gài hàng.

Nguyên nhân là người lớn trong nhà họ Vương thấy Kiệt đã ba mươi bốn, ba mươi lăm tuổi rồi mà chưa có vợ, nên mọi người quyết định xúi bác Hưng làm mai cho anh. Chứ để lâu năm nữa, là anh thành ông chú ế vợ như ông tám Phòi ở dưới số 20.

Vì quá nôn cháu nội để an ủi lúc về già, nên bác Hưng bắt chước cái phim 'hạnh phúc mong manh' Việt Nam.

Hai ông bà trong phim là rỗ rá cạp lại, cả hai đều có con riêng và trong quá trình ở chung thì hai đứa con có tình cảm với nhau, nhưng vì đứa con gái và mẹ kế có nhiều khúc mắt. Nên chuyện tình của Quỳnh Lan và Mạnh cứ gặp trắc trở suốt, đến cuối cùng hai người vẫn tới được với nhau.

Để thực hiện được cái chiêu đó, bác Hưng phải mò mẫm trên các ứng dụng tìm bạn bốn phương và rồi bác gặp dì Mai chụp hình với Chiến làm avata.

Linh tính mách bảo đây là người sẽ giúp cho Kiệt thoát khỏi cảnh ế vợ, vậy là bác Hưng chọn trò chuyện và nhờ vậy bác mới biết dì Mai cũng có con trai đang tìm Alpha. Nên là sau nhiều ngày nói chuyện và tâm như như hai người bạn thân với nhau, hai ông bà sui quyết định dựng lên một màn 'rỗ rá cạp lại' để tạo cơ hội cho hai đứa con.

Nhưng mà không biết trùng hợp thế nào, mà Kiệt và Chiến lại biết nhau trước. Vậy là bác Hưng và dì Mai liền bắt tay nhau vào chiến dịch làm mai hai người với nhau.

Có điều hai chính chủ gây lộn nhau ghê quá, nên quá trình dẫn đến kết quả nó có hơi chậm so với dự tính của ông tơ Hưng và bà nguyệt Mai.

Nghe xong toàn bộ câu chuyện từ bác Hưng, vẻ mặt của Kiệt liền đơ ra như người ta xịt keo vào mặt:

- Ba nói vậy nghĩa là ba hông có đi bước nữa. Mà là kiếm vợ cho con.

Bác Hưng gật đầu cái bụp:

- Ừ, chứ để mày tự kiếm chắc tới lúc tao đi theo má mày rồi con.

Nghe xong câu khẳng định của bác Hưng, mặt của Kiệt càng đơ hơn nữa. Vì anh không ngờ bác ba lại có thể nghĩ ra một cách lầy lội như vậy để kiếm vợ cho anh, nhưng mà anh cũng cám ơn bác ba.

Nếu bác Hưng không nghĩ ra cách lầy như vậy, thì Kiệt còn lâu lắm mới đem được Chiến về nhà viết tên vào hộ khẩu nhà họ Vương.

Ông bà ngay xưa nói gừng càng già càng cay cấm có sai một chút nào.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenFun.Vip