Đề 63: Phân tích Kiều Ở Lầu Ngưng Bích

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng
Mở bài:

Số kiếp ở đâu mà lận đận

Sắc tài cho lắm cũng lôi thôi

Cành hoa vườn Thúy duyên còn bén

Ngọn nước sông Tiền nợ chẳng xuôi

(Tống vịnh Kiều)

Đã hai thế kỷ trôi qua nhưng tấm lòng của cụ Nguyễn Du vẫn luôn được chúng ta nâng niu và quý trọng. Đó là tiếng lòng Tố Như lắng đọng, hoà lệ thành thơ – những vần thơ được trau chuốt từ trong tâm tưởng – những tiếng kêu xé lòng làm xót xa khách phòng văn. Là thi sĩ, ai chẳng muốn cất ngòi bút ca ngợi cái đẹp, cái hữu tình, cái thơ mộng, nhưng hiện thực phơi bày trước mắt là mũi dao oan nghiệt khiến trái tim đa cảm phải cất tiếng đau thương. Trong ngàn vạn tiếng nấc nghẹn ngào về thân phận người phụ nữ, Truyện Kiều bật lên như tiếng thét hoảng hốt, vô vọng giữa đêm trường phong kiến đầy những tủi nhục, đắng cay. Nổi bật trên đó chính là một dấu lặng trầm buồn trong số kiếp của phận gái hồng nhan. "Kiều ở lầu ngưng bích" chính là tiếng thét vô vọng của nàng Kiều trước xã hội bỉ ổi xấu xa.

Thân bài:

Đoạn thơ này được xem là kiểu mẫu của lối thơ tả cảnh ngụ tình trong văn chương cổ điển. Để diễn tả tâm trạng Kiều, Nguyễn Du đã sử dụng bút pháp tả cảnh ngụ tình, "tình trong cảnh ấy, cảnh trong tình này" để khắc họa tâm trạng của Kiều lúc bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích. Trong nỗi đau thân phận con người, từ một cô gái "Êm đềm trướng rủ màn che", bão giông cuộc đời đưa đẩy nàng đến chốn bùn nhơ. Vì chữ hiếu Kiều đành dứt tình với Kim Trọng, bỏ lại câu thề nguyền non nước chưa trọn, theo Mã Giám Sinh về Lâm Tri. Tưởng rằng mọi sự khổ đau đã lên tới đỉnh điểm, chẳng còn gì để nàng phải mất nữa, ấy vậy mà ông trời vẫn đùa giỡn với số phận của con người. Sóng gió xảy đến với cô trong 15 năm lưu lạc, sống trầm luân trong kiếp đoạn trường. Tự tử chẳng thành, Kiều bị Tú Bà đưa về lầu Ngưng Bích trong cảnh "Ngây thơ chẳng biết là danh phận gì?". Làm con như lời mụ hứa kén chồng tử tế chăng? Hay là một tù nhân bị giam lỏng? Bước chân đầu tiên đi vào cuộc đời của nàng sau chông chênh như cảnh "Vó câu khấp khểnh, bánh xe gập ghềnh". Đoạn trích là một màn độc thoại nội tâm, một khúc tự tình của Kiều trên bước đường lưu lạc.

Sáu câu đầu mở ra một loạt không gian nghệ thuật và một tâm trạng nghệ thuật đồng hiện. Hiện tại trống vắng, tương lai mờ mịt, Nguyễn Du đã khắc họa ngoại cảnh qua tâm cảnh ngổn ngang:

Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân,

Vẻ non xa, tấm trăng gần ở chung.

Bốn bề bát ngát xa trông,

Cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia

Đó là một khung cảnh thiên nhiên vắng lặng, không một bóng người, không một tâm hồn thân thuộc, bầu bạn, trong dư vị đau khổ, tủi nhục vừa trải qua da diết. Có ai hiểu nỗi lòng nàng trong cảnh huống này? Nhìn một dáng núi xa, ngắm một vầng trăng gần, nàng cảm thấy đó là bè bạn. Nhưng những người bạn không lời này đâu có an ủi, chia sẻ được nỗi buồn đang chất ngất trong lòng nàng? Tất cả mọi khổ đau buồn tủi ấy được kết đọng lại trong hai từ "Khóa xuân". Nhiều nhà nghiên cứu khi chú thích hai từ "khoá xuân" đã viện dẫn điển cố trong câu thơ của Đỗ Mục: "Đồng Tước xuân tâm tỏa nhị Kiều". Nhưng có lẽ không cần lời diễn giải hay chú thích nào khác thì bản thân hai từ thuần Việt "khoá xuân" tự nó đã diễn tả đầy đủ ý nghĩa sâu xa của tứ thơ. Sự cô đơn trống trãi bao vây bào mòn trong tâm can Thuý Kiều, nếu không phải là nhốt kín nàng thì còn là gì nữa! Sức sống mơn mởn, phơi phới tuổi xuân – lứa tuổi đẹp nhất của đời người – của một trang tuyệt sắc giai nhân bị những bàn tay hung bạo bóp nghẹt.

Cả một không gian trải rộng trong cảm giác cô đơn hiu quạnh, những bãi cát vàng nhấp nhô uốn lượn, bụi hồng dàn trải mênh mông kéo nhau mất hút vào vô tận. Nghệ thuật tả cảnh ngụ tình độc đáo để khắc họa cái bi kịch trong nội tâm nhân vật. Thiên nhiên tưởng thoáng đãng nên thơ ấy trở nên ngổn ngang trăm mối tơ vò trong tâm trạng của nàng. Nguyễn Du đã thể hiện tâm trạng rối bời ấy qua các từ "nọ – kia", "xa – gần" cứ đan quyện vào nhau để khắc hoạ tâm cảnh nhân vật.

Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu,

Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.

(Nguyễn Du)

Không gian càng mênh mông tăm tối, mịt mù càng làm cho tâm trạng Thúy Kiều trở nên thê lương bi đát hơn bao giờ hết. Một cuộc sống bị giam cầm tù đày cả về tâm hồn, lẫn thể xác.

"Bẽ bàng mây sớm đèn khuya

Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng"

Hai từ "bẽ bàng" đã lột tả được mọi sự ê chề, đau đớn của Thúy Kiều, khi cô vừa bị Mã Giám Sinh lừa tình, rồi lại còn bị bán vào lầu xanh. Vừa thất tiết vừa tủi nhục, vừa oán hận, vừa thê thương. Tâm trạng tủi hổ vì sự ngu dốt, mê muội tin nhầm người của nàng đã được hai từ "bẽ bàng" nói hộ. Mộng Liên Đường chủ nhân nhận xét: Nguyễn Du viết Truyện Kiều như có máu rỏ lên đầu ngọn bút nước mắt thấm qua tờ giấy. Mối tình đầu vừa chớm nở đã vội tàn mà sao chữ tình kia cứ đeo đẳng không sao đứt rời dù trước mắt nàng chỉ thấy cảnh mà vắng bóng người. Thế nhưng hình bóng chàng Kim vẫn cứ hiện về trong ký ức:

Tưởng người dưới nguyệt chén đồng,

Tin sương luống những rày trông mai chờ.

Tại sao tâm trí Kiều lại hướng về Kim Trọng đầu tiên mà không phải là cha mẹ? Nếu có ai vì điều này mà trách Kiều là bất hiếu thì thật là chưa hiểu nàng. Kiều hướng đến chàng Kim trước nhất vì vầng trăng trực diện đang gợi lòng người nhớ về cảnh cũ của đêm thề nguyền. Chính cảnh ấy đã gợi lòng người thiếu nữ nhớ về tình yêu. Hơn nữa, Kiều đã bán mình chuộc cha nên đối với song thân, cảm giác tội lỗi đã vơi đi ít nhiều. Còn đối với Kim Trọng, Kiều là người bội ước, là kẻ phá vỡ lời thề sắt son hôm nào. Điều đó khiến trái tim thiếu nữ lần đầu sống trong tình yêu luôn khắc khoải hình bóng tình nhân: "Tưởng người dưới nguyệt chén đồng". Nỗi niềm nhớ thương da diết hoà cùng bức tranh cảnh càng khiến cho lòng người đau đớn khôn khuây. Càng đau vì nhớ người, vì sự khắc khoải ngóng trông của người yêu, Kiều càng cảm thương cho thân phận "bẽ bàng" của mình:

Bên trời góc bể bơ vơ,

Tấm son gột rửa bao giờ cho phai

Lời thơ là lời độc thoại nội tâm. Thật vậy! Suốt những năm tháng lưu lạc, Kiều không bao giờ nguôi thương nhớ Kim Trọng. Khi bán mình chuộc cha, nàng đã thốt lên:

Ơi Kim lang! Hỡi Kim lang,

Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây.

ngay cả khi về với người anh hùng Từ Hải, sau bao năm luân lạc, nàng vẫn "Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng".

Nỗi đau nối tiếp nỗi đau. Nhớ về Kim Trọng trong sự xót xa, bẽ bàng, Kiều hướng tới cha mẹ trong nỗi nhớ, niềm thương:

Xót người tựa cửa hôm mai,

Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ?

Sân Lai cách mấy nắng mưa,

Có khi gốc tử đã vừa người ôm.

Nàng đã đi xa biền biệt, lấy ai chăm sóc mẹ cha? Tuy đã cố dứt chữ tình để đền chữ hiếu nhưng nàng vẫn không khỏi băn khoăn, thổn thức khi nghĩ đến cảnh cha yếu mẹ già tựa cửa hôm mai, mòn mỏi đợi con trong vô vọng. Hiếu thảo đến thế thì còn gì bằng. Trong đời, Kiều luôn nghĩ đến người trước khi nghĩ đến mình, đó là lòng nhân ái cao đẹp, là phẩm hạnh người phụ nữ Việt Nam.

Cuối cùng, Kiều nhìn đến cảnh trống trải, xa vắng mà nghĩ đến thân phận mình. Đây là những câu thơ réo rắt bậc nhất về nỗi buồn luân lạc, bơ vơ. Mỗi câu thơ gợi lên một nỗi buồn thảm, hãi hùng lắng sâu trong vô thức:

Buồn trông cửa bể chiều hôm,

Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?

Buồn trông ngọn nước mới sa

Hoa trôi man mác biết là về đâu?

Buồn trông nội cỏ rầu rầu,

Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.

Buồn trông gió cuốn mặt duềnh

Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.

Tám câu thơ mỗi câu gợi ra một nỗi buồn sâu thẳm. Buồn trông là buồn mà nhìn xa, nhưng cũng là buồn mà trông ngóng. Hình như nàng đang đang mong một cánh buồm, nhưng cánh buồm ấy chỉ thấp thoáng xa xa, không rõ như một ước vọng mơ hồ, mỗi lúc một xa. Nàng lại trông ngọn nước mới từ của sông chảy ra biển, ngọn sóng xô đẩy cánh hoa phiêu dạt, không biết về đâu.... Tám câu thơ, câu nào cũng vừa thực vừa hư, vừa là thực cảnh, vừa là tâm cảnh. Toàn hình ảnh là sự vô vọng, dạt trôi của một kiếp người. Đây chính là lúc mà tình cảm của Kiều trở nên mong manh và yếu đuối nhất. Với quan niệm thẩm mĩ truyền thống, Nguyễn Du luôn lấy khung cảnh thiên nhiên làm nền cho sự hoạt động nội tâm của nhân vật. Không gian bao la rợn ngợp, không một bóng người. Thời gian như dồn lại, không biết bao nhiêu buổi sáng buổi chiều lặp lại. Con người trở nên bé nhỏ, bất lực, trơ trọi. Nghệ thuật trùng điệp như kéo dài nỗi buồn vô vọng, vô tận của con người.

Kết bài:

Nhận xét về Thúy Kiều Nguyễn Lộc viết: "Thúy Kiều không còn là con người bình thường mà phải là một nhân cách một thước đo một nguyên lý cuộc sống để mọi giá trị thực hay giả của đời sống đối chiếu với nó hay soi mình vào đó sẽ bộc lộ tất cả những bản chất tuyệt vời cao đẹp hay bỉ ổi xấu xa không thể ngụy trang che dấu được" Hai trăm năm đã đi qua, tiếng thơ Nguyễn Du vẫn vang vọng từ quá khứ vào hiện tại và cả tương lai. Đúng là tiếng thơ ấy yêu thương như tiếng ru của mẹ thân thiết như tiếng gọi của quê hương nghìn năm sau sẽ còn vọng.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenFun.Vip