Hoc Ky Thu Ba Kanemoto Yoshinori H A I

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Ba đứa chúng tôi cứ cắm đầu cắm cổ như vậy mà chạy, mãi cho đến tận đầu khu chợ vẫn không chịu ngơi nghỉ.

Phải nói rằng nếu như không có những thành tích vô tiền khoáng hậu dài như sớ táo quân trước đây của băng bọn tôi để cho cả cái làng này đều biết đến đích danh của ba đứa, thì tôi cá rằng thông qua những tiếng cười lớn vang lên dồn dập, đã vậy cứ chút lại hòa lẫn với tiếng hú hét ngập mỗi cảnh trời chúng tôi đi qua của hai thằng bạn dở dở ương ương đằng sau lưng tôi, mọi người trong chợ vào lúc ấy tất thảy chắc chắn đều sẽ nghĩ rằng chúng tôi là lũ tâm thần trốn trại và đang hả hê hết sức trước chiến thắng lừng lẫy với bảo vệ của bệnh viện.

Nhưng vì đã quá quen với ba gương mặt mà từ bé đến lớn ngày nào cũng ra chợ, không tí tởn xem các chú các bác chơi đá gà đầu chợ thì cũng đi trầm trồ ngắm mòn con mắt hết quán ăn này đến quán ăn kia ở cuối chợ, làm như thứ cơm ba bữa cha mẹ làm việc quần quật để cho ăn chẳng hề tồn tại, nên gần như ai trông thấy chúng tôi cũng chỉ khẽ tặc lưỡi mà cho qua, hay cùng lắm là những lời mắng yêu mang tính đùa cợt là nhiều.

Dù băng bọn tôi khi cắp chân lên cổ chạy gây ra vô cùng nhiều sự chú ý không cần thiết dẫn đến những lời trách móc thừa thãi của mấy bà bán hàng rong, nhưng may mắn sao nó lại rất nhanh, tất cả sự vật lướt qua ba đứa chúng tôi chỉ như một thước phim quay chậm trong những phim hài Hong Kong vào đầu những thập niên 90.

Chợ họp đầu ba, bốn giờ chiều vẫn đông hơn rất nhiều so với những khung cảnh hoang tàn và xơ xác mà tôi đã tưởng tượng. Vẫn là những tốp bà tốp mẹ chuyên ở nhà nội trợ đứng để xem cá xem tôm, làm cho việc vừa duy trì được tốc độ hiện tại vừa luồn lách trong đám đông của băng tôi chẳng khác những trò chơi điện tử mang tính phiêu lưu mà ba đứa tôi cùng mê đắm. Nhiều người mua đồng nghĩa với việc mặt hàng sẽ vẫn còn ít nhiều sự phong phú, mặc dù gần chiều thì tôi chắc chắn rằng sẽ không thể có nhiều sự lựa chọn như lúc đầu sáng, nhưng những điều ấy không có nghĩa là chúng nhàm chán và tẻ nhạt.

Từ những con cá tươi ngon còn đang nhảy tanh tách trên bàn, cho đến những chiếc nồi lớn thổi ra những làn hơi mang hương thơm ngào ngạt của thịt bò chín trong nước dùng của bún hay phở, không một thứ gì có thể khiến ý chí trong từng bước chạy của thằng Huân, thằng Khuê hay tôi chùn bước, chúng đều sinh động và sắc nét như những bức ảnh chụp qua lăng kính võng mạc truyền vào kho tàng lưu trữ mang tên bộ não bao la.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, như người ta thường nói rằng luôn tồn tại hai mặt của một vấn đề. Và câu chuyện đáng nói ở đây chính là khi tốc độ quá nhanh sẽ dẫn đến hơi nhiều những mâu thuẫn có phần nan giải, như vụ thằng Khuê do đầu và chân cứ mải nghĩ đến chuyện chạy mà suýt nữa thì mất đà lao cả cái thân xác to lớn ấy vào sạp bán cá của bà Hồng nổi tiếng là hung dữ bậc nhất cái thiên hạ. Đã vậy, tâm trạng của bà ấy còn chẳng được bình ổn do bán ế từ sáng đến chiều vẫn chẳng có chút khá khẳm, đã vậy còn bị ăn trộm mất vài con cá con, và cứ thế, nhân chuyện tức giận một sang chuyện tức giận hai, bà ấy dường như đổ hết toàn bộ cơn điên từ mọi mệt nhọc và chán nản vào đầu mấy đứa nhóc vô tội.

Bà gầm lên những tiếng chửi rủa kinh khủng và điêu ngoa nhất mà một con người bình thường có thể nghĩ ra, trong đó dĩ nhiên là để chửi bọn tôi, bà nghiến răng kèn kẹt rồi gằn giọng lên quát tháo như thể muốn cho cả cái chợ đông này nghĩ rằng chúng tôi chính là những con mèo hoang ở đầu đường xó chợ miệng đã ngậm mấy con cá quý hóa của bà mà chạy đi mất hồi sáng. May sao lúc đó không có ai đến hỏi mua bà Hồng cá để nhờ bà ấy cắt khúc, không thì đến người tài trí như tôi cũng sẽ chẳng dự đoán được trong ba đứa, đứa nào sẽ bị con dao to tướng chuyên mổ cá huyền thoại của bà chăm sóc.

Nhưng thế thì rủi cho bà Hồng vì chúng tôi không quay lại nghe sỉ vả mà ngược lại, càng nghe thấy những tiếng chửi thánh thót như chim hót của bà ấy, chúng tôi càng cắm đầu mà chạy đi thật xa, chẳng mấy chốc, khu chợ nhộn nhịp đã chỉ còn là những bóng mờ của khung cảnh đằng sau, trước mắt chúng tôi giờ đây chỉ là hình ảnh căn nhà lớn nhất trong cả cái làng Vân này và vốn nổi tiếng cùng một cây xoài ngọt quả đã gắn liền với tuổi thơ của không biết bao nhiêu đứa trẻ trong khu.

Căn nhà tình thương mến thương của ông Hoàng, người chủ đã già nua còn trái nết vô cùng với biệt danh thân thuộc Diêm Vương trần gian mà lũ trẻ nghịch ngợm trong xóm như ba đứa tôi hay gọi. Bởi nếu đang hái trộm xoài mà ông ấy phát hiện ra thì chỉ có nước là đi chầu Diêm Vương, mà vậy đã là đỡ hơn nhiều phần so với câu chuyện ngày nhỏ, nơi bắp đùi tôi suýt thì đã được ghé thăm qua bởi hai hàm răng nhọn hoắt đầy dãi nhớt của con Mực hung tợn hết phần thiên hạ vì chủ nhân nó thả xích cho đuổi trộm. May mà giờ Diêm Vương thì cũng đã đi, gác cổng chuyên nghiệp của cây xoài cũng đã nối gót đi theo, chứ nếu gặp lại nó sau bao năm xa cách rửa tay gác kiếm, có khi ba đứa chúng tôi lại được biết xem phòng của bệnh viện xã có đẹp hay không.

"Mẹ ơi, mệt quá." - thằng Khuê thốt lên vài tiếng đầy rệu rã.

Cái đích sáng ngời đã ở ngay trước mắt nhưng cả ba đứa chúng tôi lại đồng loạt ngã khuỵu xuống bức tường bên ngoài nhà ông Hoàng ngay khi ngưng chạy, thở lấy thở để, tất thảy như muốn gắng gượng nắm lấy chút không khí cuối cùng sau một cuộc chạy đua không chủ đích mang tính chất nhiều sự điên rồ và lắm những gian truân vừa rồi.

Đúng ra nhà của ông Hoàng cũng thuộc vào dạng giàu có bậc nhất cái vùng này, dường như chỉ cần nhìn vào cái lối kiến trúc đặc biệt của biệt thự xoài là sẽ hiểu được ngay gia cảnh của chủ vườn nó ghê gớm đến độ nào. Nghe mọi người xung quanh đồn thổi nhỏ là ngày mới về thị trấn, ông Hoàng đã không tiếc tiền thuê cả một kiến trúc sư người Pháp chính gốc bay sang Việt Nam chỉ để một xây nhà cho thật đúng ý mình, và công nhận, căn nhà dù cho bao nhiêu năm trôi qua vẫn thực sự là ngôi nhà trong mơ của không biết bao nhiêu đứa nhỏ trong xóm, trong đó có cả ba đứa chúng tôi. Ai mà lại chẳng mê mẩn những khung cửa sổ hình vòm cổ kính, từng mái ngói màu đỏ tươi hay khu sân trước rộng lớn thênh thang mang một màu hồng thắm thiết của bụi hoa giấy mỗi khi mùa hè sang. Nhưng tất nhiên ước mơ lớn nhất của mọi đứa trẻ trong khu với nhà ông Hoàng vẫn chỉ là cây xoài to mà ông nuôi vừa lấy quả vừa lấy bóng mát cho khoảng sân, chứ những đứa nhóc mới ba bốn tuổi đầu thì đâu ai là thần đồng để có nhận thức coi trọng kiểu nhà hay người xây, như tôi ngày ấy còn tưởng Hoa Kỳ với Mỹ là hai nước khác nhau, hay Tuscani là tên một quốc gia thay vì một thị trấn tại Ý.

Dưới cái nóng oi ả đang tỏa ra thứ nắng chói chang mà tôi nghĩ sẽ đủ đun sôi nước luộc trứng gà của mùa hè, cả phần người lẫn phần áo của hai thằng bạn tôi như vừa mới tắm mình trong suối mồ hôi mát lành, đã vậy nắng lại còn rọi thẳng vào mặt của cả thằng Huân lẫn thằng Khuê, như thể nắng chiếu vào hai quả táo tàu, làm cho khuôn mặt của cả hai đứa tạo ra một thứ biểu cảm nhăn nhó hết cả phần đứa bạn còn lại, chính là tôi.

Dù bộ não đang thuyết phục bản thân nghĩ rằng trông mình sẽ không kinh khủng như chúng bạn, nhưng sự tỉnh táo của tôi đủ để cảm nhận được khuôn mặt lấm tấm những mồ hôi mặn chát cùng mái tóc ngắn đã dính bết đi nhiều phần vì đã tung bay qua quá nhiều những tình huống và bối cảnh khác nhau chỉ trong một thời gian ngắn ngủi. Nắng dĩ nhiên sẽ không tha cho bất cứ mục tiêu nào đã nằm trong vị trí ngắm, tôi thì chẳng phải là một ngoại lệ gì đó thật đặc biệt nên chuyện màu nắng vàng tơ có lẫn chút mật xuyên qua kẽ hở của bàn tay đang giơ lên để khai sáng cho khuôn mặt đã nóng như một chảo lửa của tôi là điều hết sức bình thường.

Nghĩ lại mới thấy, trông lúc đó ba đứa tôi thật quá sức thảm bại trên chiến trường khốc liệt dưới sự tàn bạo của quân đội Mặt Trời ra sao.

Thằng Huân là đứa đứng dậy đầu tiên sau khoảng vài phút trong địa ngục như đang cố gắng bắt lấy từng hơi thở, nó đứng lừng lững như cái cột trụ gỗ to bằng vòng tay một người ôm không xuể trong chùa, dưới chân nó là hai đứa bạn ngồi dặt dẹo đang cố bám lấy một thứ gì đó gọi là điểm tựa. Sự quả cảm của Chí Huân trước những tấn công dồn dập của kẻ thù chẳng khác nào một cơn gió mạnh mẽ thổi qua lá cờ khởi nghĩa tung bay phấp phới trên bầu trời xanh cao, nó như thiêu đốt tôi, khơi dậy lại trong tâm trí tôi và thằng Khuê một thứ cảm xúc mãnh liệt, một lý tưởng sống vốn đã bị chôn vùi kể từ khi ba đứa lên cấp ba, nhưng nó gần không thể bị khuất phục bởi bất kỳ thứ hạ phàm nào trên đời, đó chính là cái cảm giác ngọt ngào và ngon lành tràn vào đầu lưỡi được ẩn trong từng thớ xoài tươi mát vừa hái trộm từ trên cây xuống, ý chí quyết tâm có được xoài đã được chúng tôi nuôi nấng xây dựng từng chút từ hồi mới năm tuổi.

Tôi đứng phắt dậy, kéo theo đó là cả cái bản mặt khó ưa của thằng Khuê. Bất chợt có chút động tĩnh phát ra từ phía trong sân nhà khiến chúng tôi nhất thời giật mình thon thót, ba đứa như một bản năng đã được rèn giũa, ngay lập tức cúi xuống nấp bên cạnh tường ngoài. Ba cái đầu như thể đang được xếp chồng vô cùng ngăn nắp khẽ thò ra để đôi tai chuyên nghiệp có thể hoạt động hết công sức mà nghe ngóng.

"Tao tưởng là nhà không còn ai thì mày mới dám rủ băng đi ăn trộm chứ, hả thằng này?" - Tôi nói thầm cho hai đứa kia nghe thấy, giơ tay lên cốc vào đầu thằng Huân một cái, nó kêu khẽ như thé lên một tiếng đau, làm cho Tuấn Khuê buộc phải nhanh nhanh chóng chóng giữ miệng nó lại khi lọt vào mắt của cả đám là bóng dáng của một ai đó mở cổng từ phía trong.

Cánh cổng mở ra, điều đầu tiên thu hút từng đôi mắt của chúng tôi là hình thái bước đi uyển chuyển của một người phụ nữ, tôi đoán chắc cô ấy cũng tầm tuổi trung niên khi những dấu ấn thời gian quanh đôi mắt buồn sâu thăm thẳm dường như là không thể không nhận ra. Cùng với một chiếc mũ được thiết kế phỏng theo quý tộc Anh màu tím đậm dài che gần nửa khuôn mặt và chiếc đầm đồng màu bằng vải nhung, người phụ nữ ấy tạo cho tôi thứ cảm giác rất lạ, như thể tôi chỉ là một công nhân nghèo khó hay một họa sĩ lang thang lần đầu chập chững bước vào khoang hạng nhấy đầy sang trọng của con tàu Titanic mộng mơ nhưng nhuốm màu bi ai chết chóc đến không ngờ. Đúng là chỉ một người phụ nữ với vầng hào quang ở tầng lớp trên so với chúng tôi mới có thể làm bà chủ của ngôi nhà được dồn không biết bao nhiêu là mồ hôi và công sức từ đôi bàn tay ông Hoàng.

Người phụ nữ ấy quay lưng lại, nhẹ nhàng lấy từ trong túi xách tay một chiếc chìa khóa, khẽ khóa cổng một cách đầy thanh lịch trước khi bước đi. Chí Huân quay xuống nhìn tôi, hiểu ý, tôi nháy mắt nhẹ với nó một cái rồi lại quay xuống nhìn Tuấn Khuê, ba đứa chúng tôi nhếch mép cười cợt đầy gian xảo một lúc rồi mới bắt đầu đứng lên thực hiện kế hoạch tác chiến đầy công phu đã được chúng tôi từng bước vạch ra đầy nghệ thuật, mang tên "Để mặc cho trời tính".

"Tao chắc chắn là trong nhà không còn ai nữa rồi, nhưng mà giờ thì mình làm gì?" - Thằng Khuê nhỏm dậy, nom trông như một thằng trộm chưa có kinh nghiệm thử việc, nó cứ nhón chân rồi lấp ló mãi để nhìn trộm qua bức tường nhà, mặt nó thì đầy một rổ khả nghi khi cứ hớt ha hớt hải, mồ hôi lấm tấm chảy trên vầng trán rộng, thấm đẫm một phần cổ áo của nó.

Thằng Huân đứng người lại vài giây, hai con mắt thì cứ ráo riết nhìn trên nhìn dưới rồi dọc theo hướng đông tây, nó đăm chiêu suy nghĩ một lúc rồi bất chợt như trong bộ não vừa mới chạy qua một tia điện, nó búng tay trước mặt hai đứa chúng tôi với một điệu cười đầy nham hiểm, tựa như trong đầu nó sau vài bước chạy thoăn thoắt của kim giây trên đồng hồ đã vạch ra cả một kế hoạch vĩ đại để đột nhập phòng giáo viên ăn cắp đề thi cuối năm.

"Tao đã có kế, bây giờ sẽ có hai đứa to cao lực lưỡng mắt tinh khôn hơn người đứng trông ở dưới, trong khi đứa nhỏ và nhanh nhất còn lại sẽ leo qua bờ tường rồi bám vào cành cây xoài. Nếu hai đứa kia thấy có động tĩnh gì thì ngay lập tức hô to báo lên đứa kia đu cành chạy thoát."

"Kế hoạch nghe cũng ổn áp đấy..." - Tôi gật đầu vài cái cho sự nỗ lực hoạt động não đáng khích lệ của thằng Huân. "Nhưng ai sẽ là người leo lên?"

Hai đứa kia cũng tay sờ cằm, gật đầu như muốn bắt chước theo điệu bộ ban nãy của tôi, sau vài giây chúng bỗng quay sang nhìn nhau, rồi như thần giao cách cảm, như đất mẹ thiêng liêng mách bảo tâm hồn chúng, cả hai đứa cùng nhìn chằm chằm vào đứa con gái duy nhất trong băng dưới khuôn mặt đầy sự khó hiểu xen chút bất ngờ của tôi.

Vậy là chúng nó quyết định cùng nhau đùn đẩy sang cho tôi, thủ lĩnh hờ chuyên dùng não đi mưu mô chứ ít khi động tay chân của băng đầu trộm đuôi cướp bản thiếu kinh phí này trọng trách cao cả nhất và nguy hiểm nhất trong kế hoạch ăn trộm.

Ban đầu, tôi như sửng cồ hết cả lên, phát điên lên với hai đứa bội bạc tình nghĩa ngay trước mặt, sự bùng nổ về mặt cảm xúc ấy dường như không khác mấy với khoảnh khắc cái lưng của cầu thủ Sasi Kumar bên Singapore đã phá vỡ toàn bộ khí thế cổ vũ nồng nhiệt của một đứa nhóc mới lên cấp hai như tôi trong trận chung kết Tiger Cup năm 1998, tôi đập bàn, đập ghế, dãy dụa như một con tôm tươi trên sàn nhà dường như để ăn vạ cho đội nhà một bàn thắng san đều tỉ số sau khi bàn thắng duy nhất trong trận được ghi ở phút thứ bảy mươi mốt. Sự tức giận và bất lực không nói thành lời ấy như trào dâng lên đến cả cổ họng của tôi mỗi giây tôi nhìn chúng, những người bạn thân từ thuở còn cởi chuồng tắm mưa mà tôi luôn đặt niềm tin tưởng nhất lại dám đẩy bạn mình vào chỗ chết một cách oan nghiệt như vậy.

Nhưng sau một lúc lâu chúng khuyên bảo giảng giải, mặc dù đa phần trong số lời ấy là trù cho tôi lần đầu leo cây cao sẽ vấp chân ngã đập đầu, tôi cuối cùng cũng đành phải chịu chấp nhận lấy cái số phận hẩm hiu của mình mà bắt đầu từng bước leo lên tường nhà ông Hoàng, tôi tự nhủ là người đứng đầu, tôi cũng cần có trách nhiệm với những đàn em ăn tàn phá hại của mình, như một con sói đầu đàn luôn đi trước bầy của nó. Đứng từ trên nhìn xuống, bóng dáng khệnh khạng ngó trước dòm sau của hai thằng bạn chết giẫm vẫn khiến tôi phải phụt cười nhẹ trước khi đối mắt với thử thách lớn nhất cuộc đời chỉ sau bài kiểm tra cuối kỳ và kiểm tra miệng môn hóa, leo cây cao.

Cây xoài của ông Hoàng kỳ lạ hơn bất cứ cây xoài nào khác mà tôi đã từng gặp, nó mọc rủ cành san sát với bờ tường, nên việc bám từ đó mà leo lên cũng chẳng phải việc gì quá đỗi khó khăn, trừ khi quân đội kiến lửa từ bên trong thân cây bò ra và bắt đầu tấn công mối nguy hiểm đang rình rập những viên ngọc vàng trên cành cây, thì đó là đích thực là một thảm hoạ đúng hoàn toàn với định nghĩa trong cuốn từ điển Tiếng Việt. Nhưng ngoài điều kinh khủng đó ra, một chuyện khác còn quan trọng hơn cả chính là việc tôi chưa bao giờ phải leo một cái cây nào cao một cách bất bình thường như vậy, dù một vài cây ở quê ngoại tôi đã trèo thử và ngã gãy hai răng cửa, may sao chúng chỉ là răng sữa. Dẫu vậy, khi tôi càng nản lòng thì những trái xoài thơm dịu mát kia như càng chín ngọt hơn dưới màu nắng vàng nâu, nó thôi thúc tôi, tạo ra cho tôi một thứ sức mạnh chẳng biết từ đâu đến để chạm vào và thưởng thức nó.

Cứ vậy, như bị cơn thèm ngọt che mắt, chẳng mấy chốc tôi đã nhanh thoăn thoắt như một con thoi dệt vải mà leo lên được tới chùm xoài đầu tiên. Mắt tôi nhìn chằm chằm vào nó, không dám chớp lấy một lần, rồi tôi khẽ đưa tay chạm nhẹ vào làn da màu vàng nâu ngọt một thứ mật, tôi xuýt xoa từng chút một cho cái thứ cảm xúc chiến thắng mà tôi dường như đã lãng quên từ lâu. Nhưng rồi khi nghe thấy tiếng huýt sáo của thằng Khuê thay cho một lời nhắc nhở về thì giờ hiện tại, tôi như được sốc lại tinh thần, nhanh tay vặt cuộng của xoài rồi ngắm chuẩn ném xuống cho chúng nó bắt.

Đúng là trộm mãi rồi nó cũng sẽ thành quen, kể cả có không trộm đã rất lâu đi chăng nữa vẫn sẽ buộc phải cảm thấy quen khi đã bị đặt vào tình huống, chưa bao giờ tôi thấy hai thằng bạn chúa ngốc của mình lại nhanh nhẹn và tinh anh đến như vậy. Gần như bất cứ một quả xoài nào mà tôi ném xuống cho chúng đều không rơi vào bắp tay có mỗi chút cơ mà ngày nào thằng Huân cũng đem khoe thì sẽ rơi vào cánh tay chắc nịch của thằng Khuê. Cả ba đứa hoạt động như một cỗ máy đã được lên dây đúng quy trình vậy, tiến độ công việc ngày càng hiệu quả theo từng giây phút trôi qua, khi cái thân này tôi vẫn đang bám lên cái cây đáng thương.

Đó là cho đến cái khoảnh khắc tai tôi vô tình nghe lẫn trong tiếng cười hềnh hệch của hai tên đại ngốc phía dưới một âm thanh mở cửa từ đằng sau.

Nụ cười trên môi tôi ngay lập tức vụt tắt, người tôi bỗng run lên, tại sao lại có tiếng mở cửa từ đằng sau, chẳng phải thằng Khuê nói là chắc chắn không còn ai ở nhà nữa rồi mà. Huân và Khuê cũng hình như đã cảm nhận được sự bất thường từ phía đứa bạn thân còn lại, chúng dần im bặt rồi nhìn về phía ngôi nhà, mặt chúng có phần biến sắc khi tất cả cùng nghe thấy tiếng bước chân khe khẽ trên nền đất sân trước. Tôi nhắm chặt hai mắt lại, hít một thật sâu rồi cố gắng bằng mọi sự can đảm quay lưng lại trong khi sự sợ hãi như đang nuốt chửng lấy toàn bộ cơ thể tôi, nhưng là một người cầm đầu uy tín, tôi không thể không biết tình hình đã tệ thế nào. Như một sự chấp nhận với thực tại nghiệt ngã rằng rất có thể cả đám sẽ lại bị người chủ mới của căn nhà mang lên phường, tôi mở con ngươi mình thật to đã đón nhận tương lai mù mịt của bản thân.

Nhưng khác với hình ảnh đã tưởng tượng sẵn trong đầu về một ông lão trông giống địa chủ còng lưng chống gậy hay một người đàn ông trung niên chồng của người phụ nữ ban nãy với một vẻ mặt đánh đậm sự giận dữ lên từng tế bào gương mặt, thì trước mắt tôi hiện tại, lại là một cậu trai. Trông cậu ta có lẽ nom bằng tuổi ba đứa chúng tôi, hoặc cao hơn, người cao gầy, mặc một bộ đồ trông cũng có vẻ như là giàu có, tóc mái gần như che hết cả đôi mắt nên cũng chẳng thể nhìn rõ mặt. Cậu trai đó dừng chân gần gốc cây xoài chỗ tôi trèo, và đang ngẩng đầu lên nhìn kẻ trộm nhà cậu ta với một vẻ hơi ngạc nhiên xen lẫn khó hiểu.

"Cậu... đang ăn trộm xoài nhà mình đấy à?"

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenFun.Vip