Chương 82: Về Vấn Đề Con Trẻ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng
Chúng tôi trở về cung khi mùa sen ở hồ Thủy Tinh đang vào lúc rực rỡ nhất. Người chồng siêng năng cần mẫn của tôi vừa trở về còn chưa kịp nghỉ ngơi lấy sức thì sớm đã bị quần thần vây lấy không thể thoát thân, tôi cũng không thể giữ anh ấy bên cạnh suốt mười hai canh giờ được. Đôi lúc tôi cảm thấy dù chịu gian khổ ở bên ngoài trông chúng tôi còn giống một đôi vợ chồng hơn chốn cung cấm này nữa.

Tôi nằm trên thuyền nhỏ dưới đám sen cạnh bờ hồ Thủy Tinh, phía trên là hàng dương liễu phủ bóng xuống mặt hồ, lấy một chiếc lá sen úp lên mặt để che nắng. Ban ngày ở Thăng Long trời nắng như đổ lửa, dù chỉ mặc giao lĩnh khoác ngoài nhưng vẫn không tránh khỏi cảnh đầu choáng mắt hoa.

Đang thiu thiu ngủ bất chợt thuyền tròng trành một cái, mở mắt đã thấy Trần Khâm đứng dưới thuyền từ lúc nào. Tay anh ta đang giật cần câu, trên dây câu là một con cá chép lớn vảy bạc óng ánh dưới nắng chang chang.

Trần Khâm liếc mắt nhìn tôi, nửa cười nửa không nói:

"Nếu như tôi không trực tiếp trông thấy Quốc Chẩn từ trong bụng em chui ra sợ là cũng không xác định được nó là con của em đấy! Thằng bé suýt nữa thì bị con cá này lôi xuống hồ rồi!"

Lúc này tôi mới sực nhớ ra bên cạnh mình vẫn còn thằng bé Quốc Chẩn, con cá to như vậy đớp mồi mà thằng nhóc này vẫn yên lặng một mình chịu đựng mà không gọi tôi.

Ngẫm nghĩ lại con mình trước giờ chẳng những không ngốc mà còn rất thông minh hiểu chuyện, chẳng lẽ hiểu chuyện quá nên thành ra có hơi hiền lành quá chăng?

Trần Khâm vốn dĩ có thành kiến với tôi về việc nuôi dạy Quốc Chẩn, tuy giờ anh ta không đề cập tới nữa nhưng trong lòng ắt hẳn vẫn mang gút mắt khó nói ra, hiện xem ra gút mắt lại càng ngày càng rối như tơ vò.

Tôi cố dùng giọng điệu hiền từ nhất có thể của một người mẹ, hỏi nó:

"Tại sao Quốc Chẩn không gọi mẹ?"

Quả nhiên thằng bé ngoan ngoãn đáp:

"Mẹ mệt mỏi lâu ngày, con không muốn đánh thức mẹ."

Tôi cau mày nhìn Trần Khâm, đã thấy anh ta ôm nó vào lòng, dịu giọng nói:

"Sau này nếu thấy khó chịu cứ nói ra, đừng cố chịu đựng một mình."

Này này cái giọng điệu ngọt ngào như đường mật này anh ta còn chưa dùng qua với tôi đâu.

Về khoản này thì nhóc Thuyên và Quốc Chẩn mang tính cách trái ngược. Thằng nhóc Thuyên vốn bản tính lém lỉnh ranh ma, tuy rằng vẫn biết chừng mực nhưng việc gì nên tiến thì tiến nên lùi thì vẫn biết lùi, riêng Quốc Chẩn thì lại hiểu chuyện quá mức.

Thông thường những đứa trẻ hiểu chuyện quá sẽ chịu thiệt thòi, xem ra là từ lúc tôi răn dạy nó một lần đã hình thành nên bản tính sợ sệt của con trẻ.

Nhưng như vậy cũng tốt, nhóc Thuyên rất có phong thái của kẻ làm vua, còn Quốc Chẩn mang bản tính của một trung thần. Tôi tin chắc nhóc Thuyên sẽ tin yêu em mình, còn Quốc Chẩn sẽ hết lòng phò vua giúp nước.

Họ Lý là vì việc anh em tranh giành ngôi báu mà xảy ra rất nhiều vấn nạn, từ loạn tam vương cho đến sự tranh giành giữa Long Xưởng và Long Cán, dần dần đưa nhà Lý vào con đường suy vong. Phải biết những sự sụp đổ của cả một cung điện chính là từ sự mục ruỗng từ bên trong.

Tối đó Quốc Chẩn có món cá hấp bỏ bụng, thằng nhóc Thuyên rất cơ hội chạy sang ăn chực, vừa ăn vừa tấm tắc:

"Đồ ăn của dì Hương nấu ngon nhất. Nửa năm qua suýt nữa là quên mất vị ngon này ra làm sao luôn rồi!"

Thằng bé Quốc Chẩn nghe thế liền nói:

"Chúng ta còn sẵn thịt cá để ăn, còn dân chúng vừa trở về phải ăn gì đây ạ?"

Thằng bé Thuyên tỉnh bơ đáp:

"Em tưởng chỉ có hồ Thủy Tinh là có cá chắc?"

Tôi suýt nữa thì hóc xương.

Đêm nay thằng nhóc Thuyên ở lại ngủ với Quốc Chẩn, tôi mở cửa phòng thấy hai đứa đã ngủ say mới yên tâm đóng cửa trở về, chỉ sợ hai thằng nhóc này mải chơi đến tận khuya sáng không dậy đi học nổi.

Vừa mới trở về đóng cửa phòng, phía sau lưng đã bị một ai đó ôm chặt, hơi nóng phả vào cổ khiến tôi lạnh toát cả người. Tôi quờ quạng trong bóng tối thầm nghĩ chắc cũng có ngày bị dọa chết.

Trần Khâm cắn nhẹ vào cổ tôi một cái:

"Em phải bù cho tôi đấy!"

Tôi đỏ mặt, thầm hiểu anh ta muốn bù cái gì.

Đương nhiên sau đó là một màn điên loan đảo phượng.

Sau mấy tháng đưa quân về hỗ trợ dân chúng khôi phục lại cuộc sống của lúc trước, thì mùa thu tháng tám Trần Khâm cũng bắt đầu công cuộc luận công ban tội.

Tháng chín, đổi niên hiệu là Trùng Hưng năm thứ nhất. Đại xá.

Ngày Mười hai, gia tôn huy hiệu cho các tiên đế và tiên hậu

Mùa đông, tháng Mười, xuống chiếu định hộ khẩu trong nước. Triều thần can là dân vừa lao khổ, định hộ khẩu thực không phải là việc cần kíp. Vua nói:

"Chỉ có thể định hộ khẩu vào lúc này, chẳng nên qua đó mà xem xét hao hụt, điêu tàn của dân ta hay sao?"

Quần thần đều khâm phục.

Bính Tuất, Trùng Hưng năm thứ hai. Mùa xuân, tháng giêng, thả quân Nguyên về nước.

Trần Khâm bận rộn với công việc triều chính, còn ở sau đình chị Trinh cũng phải vất vả lo các công việc cúng kiếng ngày đầu năm. Tôi là một phu nhân nhàn hạ, bỗng nhiên xui xẻo bị vạ lây. Về vấn đề này chị Trinh khá là quyết liệt với tôi, giống như thật sự muốn giao toàn bộ công việc của mình cho tôi vậy.

Năm nay thằng nhóc Thuyên đã lên mười nhưng bản tính ham chơi mãi không sửa được. Tôi tự nhủ giúp người phải giúp cho trót, mình đương nhiên đối với thằng nhóc này càng phải nghiêm khắc hơn.

Nhưng nói đi phải nói lại, thật ra làm vua cũng chẳng vui vẻ gì.

Điển hình như Trần Khâm và cái vị vương nhàn hạ ở phủ Văn, trong khi Trần Khâm ngay từ khi chưa tròn mười tám tuổi đã phải lãnh trách nhiệm sinh con đẻ cái nối dõi, ngày đêm vì thịnh suy của Đại Việt mà lao tâm lao lực không có thời gian nghỉ ngơi thì vị kia đến hiện giờ vẫn còn chăn đơn gối chiếc không quản sự đời.

Trong nhà anh ta ngày nào cũng truyền ra tiếng đàn hát, thậm chí ngày trước tôi còn vô tình trông thấy anh ta vươn cánh tay dài của mình tới hồ Thủy Tinh câu trộm cá, quả thật là kê cao gối ngủ ngon.

Tôi thiết nghĩ đời người mấy ai được sống trong cảnh ấy, nói tôi ích kỷ cũng được, đứa con hiền lành trung thực của tôi mai sau ở chốn quan trường sợ là phải rơi vào tình cảnh khó khăn chồng chất.

Tôi làm người đơn giản chẳng hề muốn lo nghĩ tới những việc phức tạp này, nhưng sống trong nhà vua khó tránh khỏi va chạm. Dù sao thằng nhóc Thuyên này kể từ khi sinh ra đã được tiên đế lập làm hoàng thái tôn rồi, một nửa ngôi vua đã về tay, chỉ cần không làm gì quá đáng thì chỉ cần ngồi rung đùi thôi cũng giành được thiên hạ.

Nhưng có điều là phải xem là thằng nhóc này ngồi rung đùi để học hành hay là ăn chơi. Nếu như nó chuyên tâm chăm lo triều chính vậy thì quý hóa quá, còn bằng không e là lớp già bọn tôi phải thêm một phen đau đầu.

Vì thế kẻ làm mẹ kế như tôi mặc dù đột nhiên cảm thấy như có một gánh nặng đang đè xuống vai nhưng trong lòng không khỏi bừng bừng hưng phấn, lập tức không quản cái lạnh cuối năm ở kinh đô ngồi xe ngựa đến Quốc Học viện xem bọn trẻ học hành. Tự bản thân tôi cảm thấy mình làm chức vị phu nhân cũng thật lao tâm khổ tứ lắm thay.

Thầy giáo nhìn thấy tôi và Thụy Hương đứng nép bên cửa sổ định bước ra chào. Tôi ra hiệu cho ông ấy im lặng, lại đứng khoanh tay nhìn một vòng bên trong thì ngay lập tức đã thấy thằng nhóc Thuyên đang ngồi ngủ gà ngủ gật.

Dưới chân tôi loạng choạng, khó khăn kìm nén ý muốn xông vào bên trong tẩn cho nó một trận.

Lúc này bên trong đã giảng đến đoạn Nhan Hồi ăn vụng cơm, phải công nhận một điều là thầy giáo này có cách giảng hết sức buồn ngủ, một câu chuyện hay như thế bị ông ấy giảng thành một bài hát ru.

Tôi mơ mơ màng màng đứng tựa vào tường, nhìn thấy giàn tầm xuân phía trên lọt qua những tia nắng chói mắt, bất chợt nghĩ đến chiếc sập trúc ở nhà. Tôi bỗng cảm thấy sự đồng cảm sai trái với thằng nhóc Thuyên, năm ấy ngồi học cùng Tuệ Trung thượng sĩ ở phủ đệ Vạn Kiếp mình cũng lâm vào cảnh gà gật như thế.

Bên cạnh nhóc Thuyên có một thằng bé tầm năm sáu tuổi, gương mặt sáng sủa và đôi mắt rất có hồn. Thằng bé này không những chăm chú nghe giảng, thỉnh thoảng còn lay thằng nhóc Thuyên tỉnh dậy.

Tôi hỏi nội hầu đứng ngoài thì biết cậu bé đó tên là Đoàn Nhữ Hài, là một học trò nhỏ ở lộ Hồng Châu hiện đang trọ tại chùa Tư Phúc. Đứa bé này còn nhỏ nhưng lại nỗ lực cho việc học như kia, tôi thầm nghĩ có lẽ sang năm cũng nên cho Quốc Chẩn đến đây mở mang.

Thằng nhóc Thuyên sau khi bị lay tỉnh thì lại tiếp tục vẽ vời gì đó lên giấy, tôi khóc không ra nước mắt nhìn Thụy Hương, chỉ hận rèn sắt không thành thép.

Sau khi thầy giáo giảng xong có rất nhiều học trò giơ tay phát biểu, sâu sắc nhất thì phải kể đến Đoàn Nhữ Hài, Phạm Ngộ và Độ Thiên Lư. 

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenFun.Vip