Chương 34: Nước Non Một Gánh Chung Tình

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng
Sáng hôm sau tất cả bọn tôi cùng rời khỏi Đà Giang, Trần Nhật Duật đưa theo gia quyến của Trịnh Giác Mật về Thăng Long, hoàn thành chuyến công cán không tốn một binh một tướng nào.

Trần Khâm vốn định rời đoàn người của Trần Nhật Duật từ sớm nhưng tôi lại cứ cảm thấy kẻ tối qua đến cướp Trịnh Giác Duy có thể sẽ còn lởn vởn đâu đây. Vì thế khi đã tới Thăng Long, Trần Khâm mới bí mật cùng tôi tách khỏi đoàn người. Tôi thấy vẻ phấn khởi hiếm hoi trên mặt Trần Khâm, nhìn rất là thuận mắt.

Hai người chúng tôi ở trong thành mua được một chiếc xe ngựa nhỏ, Trần Khâm ngồi trước đánh xe. Tôi ngồi trong xe vén rèm ra nhìn, trong lòng miên man suy nghĩ, được vua một nước đánh xe cho cảm giác cũng không tệ.

Tôi bất giác hỏi anh ta:

"Trong triều dạo này chắc không có sự vụ gì nhỉ?"

Trần Khâm quay ra sau nhìn tôi nói:

"Đương nhiên là có, nhưng không đến mức tôi muốn đưa vợ đi chơi vài ngày cũng không được."

Tôi bỗng nhiên hồ nghi anh ta có dùng mình làm cớ để trốn việc đi chơi hay không, dạo đó anh ta cũng từng trốn nhà lởn vởn ở Vạn Kiếp mới bị đám sát thủ để ý đấy thay.

Trần Khâm quay ra nói chuyện với tôi lại không để ý phía trước, vô ý đụng phải một cụ già. Cụ té lăn ra đất, sau đó ngồi dậy khóc lóc thảm thương. Trần Khâm thắng ngựa lại, tôi nhanh chân nhảy xuống đất đỡ lấy ông cụ ngồi dậy hỏi han, lại ngỏ ý đưa ông đi khám thầy thuốc. Ông cụ cứ lắc đầu bảo không sao nhưng vẫn khóc lóc tỉ tê, tôi sốt ruột gặng hỏi suốt buổi thì ông cụ mới nói:

"Không phải lỗi của anh ấy đâu, là già đi đường không cẩn thận, ôi số của già sao mà khổ thế này hả trời ơi!"

Ông lão càng nói càng khóc lớn. Tôi nhìn dáng vẻ ông cụ chắc không phải kẻ mượn chuyện để vòi tiền, cũng không đau đến mức phải đi thầy thuốc, nhưng thật tình lại chẳng đoán được tại sao mà ông ấy cứ khóc mãi không ngừng. Người trên phố xúm lại chỉ trỏ, tự nhiên tôi cảm giác như mình đang bắt nạt người già vậy.

Đang lúc bối rối thì Trần Khâm bước tới, ngồi xổm xuống hỏi:

"Ông cụ có oan khuất gì đúng không? Tôi có người quen làm An phủ sứ ở đây, ông cụ cứ nói tôi sẽ giúp."

Tôi bất ngờ nhìn Trần Khâm, bỗng cảm thấy con mắt của anh ta quả nhiên tinh tường, lại thầm than: hóa ra sức mạnh của những kẻ có gốc gác là đây hay sao.

Không ngờ ông cụ lại phẫn uất hô lên:

"Lại là An phủ sứ, An phủ sứ xử án bất công, lòng người khó mà tin phục."

Ông cụ nói đến đó thì ngất đi.

Tôi và Trần Khâm nhìn nhau, tôi mới thấu hiểu sâu sắc tại sao xưa nay cha tôi luôn chủ trương chọn người tài để phục vụ cho đất nước chứ không phải là những kẻ con cháu họ hàng của quan lại có gốc rễ trên triều, bởi dù anh ta có tốt cũng chưa chắc anh ta có thể dạy con tốt.

Hai người bọn tôi đưa ông cụ tới y quán, đợi lúc ông cụ tỉnh lại mới nghe được một câu chuyện bất bình. Nhà ông cụ này làm nghề bán vải, mấy ngày trước có một cô gái xinh đẹp đến mua vải, thấy cô gái dịu dàng dễ mến con trai ông cụ hào phóng tặng thêm cho một mảnh vải tốt để thêu khăn.

Ấy vậy mà không ngờ lại chọc giận gã đàn ông đang theo đuổi cô gái, gã đó cùng gia nô của mình đến tiệm vải tìm con trai ông lão đập phá. Con ông lão trong lúc tự vệ vô ý đánh gã đàn ông vỡ đầu, gã đó đến phủ An phủ sứ kiện, kết quả An phủ sứ xử con ông lão cố ý đánh người, phạt đi lao dịch ba năm. Vấn đề là có kẻ vỡ đầu cũng có kẻ gãy chân, con trai ông lão đó cũng bị đánh suýt chết.

Ban nãy đụng trúng ông lão là lúc ông nghe tin định chạy đi đến đó đòi công bằng.

Thật ra tội cố ý đánh người và tội đánh người để tự vệ thì chung quy ra vẫn là đánh người, nếu xui xẻo gã đàn ông kia chết thì vẫn phải đền mạng. Huống hồ kẻ mà ông lão nhắc tới kia lại trùng hợp là người có chút gốc gác – Đỗ Thiên Hư. Nếu tôi mà là Đỗ Khắc Chung, trước tiên cứ tóm cái kẻ làm bị thương em mình trước đã, sau đó trở về tính sổ với thằng em sau. Cái gọi là công bằng ấy mà, giữa người giàu và kẻ nghèo vốn là không có.

Tôi hỏi Trần Khâm:

"Đỗ Thiên Hư này em từng gặp qua, anh ta vô cùng ngang ngược, rất thích ỷ thế hiếp người. Nghe đâu là em trai của chi hậu cục thủ Đỗ Khắc Chung, người này có lai lịch như thế nào thế?"

Trần Khâm liền kề sát vào tai tôi giải đáp:

"Là người Giáp Sơn, cũng có chút tài năng nhưng rất hay tỏ vẻ."

Tôi né tránh anh ta, bực bội nói:

"Nghe rõ rồi, không cần đến gần như vậy!"

Khóe môi Trần Khâm giương lên:

"Chúng ta đang vi hành, không thể để lộ thân phận."

Tên quan gia này tuy là làm người không đáng tin nhưng năng lực làm việc thì lại rất đáng tin, chỉ sáng hôm sau là Trần Thì Kiến đã xuất hiện ở phủ An phủ sứ. Tôi đứng phía sau nhìn hai người bọn họ sóng vai, bất chợt có cảm giác mình là người thừa.

Hừ, tên Trần Thì Kiến này nếu như không biết gốc gác của anh ta, chắc chắn tôi sẽ nghĩ là anh ta là kẻ mà Trần Khâm cử đến để lót đường bày kế tôi.

Trần Thì Kiến lần này đến liền đi tìm gặp An phủ sứ để đưa ý chỉ của quan gia xử lại vụ án của Đỗ Thiên Hư. Vị quan xử án đó ngại Đỗ Khắc Chung nên không dám ra phán quyết, sau khi nhận được ý quan gia thì đã ra phán quyết công bằng hơn, bắt Đỗ Thiên Hư bồi thường lại gấp ba tổn thất mà tiệm vải phải chịu, lại còn bị phạt hai mươi roi răn đe vì dám ỷ thế hiếp người. Lúc chịu phạt trên trán anh ta vẫn đang quấn một vòng khăn trắng.

Pháp luật cũng phải có tình người mà.

Cái tôi thấy thú vị nhất là vẻ mặt hoảng hồn như gặp phải vong của Đỗ Thiên Hư khi nhìn thấy tôi đứng bên cạnh Trần Khâm, lần này thì anh biết mình chọc vào ai rồi chứ?

Trần Thì Kiến làm xong việc lại phải trở vào hoàng thành. Anh ta cười nham hiểm nói nhỏ với tôi:

"Đấy, tôi nói cấm có sai, số em không ở được Vạn Kiếp đâu mà!"

"Cũng nhờ cái miệng quạ của anh đấy Thì Kiến ạ!"

Trần Thì Kiến cười ha ha mấy tiếng rồi cưỡi ngựa rời khỏi, ôi cái tên gián điệp này.

Tôi thiếp đi trong xe, mơ màng cảm thấy cả người mình cứ lộc cà lộc cộc nẩy lên rồi rớt xuống, bỗng nhớ nệm ấm chăn êm ở nhà. Ngủ một giấc dài đến xế chiều cứ nghĩ là đã tới Cấm Thành, nhưng nhìn lướt ra bên ngoài lại thấy bạt ngàn rừng trúc xanh mơn mởn, màu xanh tươi tốt của cây lá làm choáng ngợp tầm mắt, phía xa xa thấp thoáng mấy đỉnh núi vút cao, kéo dài như một dãy tường thành bao quanh.

Tôi tựa vào cửa xe nhìn chàng trai đang chăm chú đánh xe, ánh mắt chính trực cương nghị, chỉ đánh xe thôi mà cũng thật chuyên tâm. Trên những kẽ hở của tán lá thỉnh thoảng những tia nắng chiếu xuyên qua rơi xuống trên mặt, trên áo anh ta những vệt nắng lấp lánh, trông như anh ta đang phát sáng vậy.

Tôi dằn lại quả tim đang đập loạn, hỏi anh:

"Phu xe đưa tôi đi đâu thế?"

Trần Khâm bật cười, bỗng cất lên tiếng hát:

"Anh đi đằng ấy xa xa

Ðể em ôm bóng trăng tà năm canh.

Nước non một gánh chung tình

Nhớ ai, ai có nhớ mình chăng ai?"

Tôi bĩu môi:

"Không thèm!"

Trần Khâm nhoẻn miệng cười không nói, giống như không tin tưởng lắm câu nói của tôi.

Đi suốt một ngày đường cũng đã từ giã núi rừng về với thị thành đông đúc. Tôi nhìn thấy bảng tên đề mấy chữ phủ Bí Giang, cảm giác có chút quen thuộc, giống như từng ngõ ngách ở đây mình nhắm mắt cũng có thể thuần thục đi lòng vòng. Trần Khâm cho xe dừng lại, tôi vén màn nhìn ra thì thấy xe dừng trước một phủ đệ, tuy không bằng được phủ đệ ở Vạn Kiếp, nhưng cũng tạm xem là khang trang.

Trần Khâm đỡ tôi xuống xe, lúc này tôi mới chú ý đến mấy chữ đề trên tấm biển – phủ Tô.

Tôi bàng hoàng nhìn Trần Khâm, trong lòng bỗng nhiên run rẩy lưỡng lự không muốn vào. Trần Khâm dịu dàng nhìn tôi rồi khẽ vuốt mái tóc tôi, nhẹ giọng trấn an:

"Những chuyện trong lòng còn vướng mắc đã ở ngay trước rồi sao lại không dám đối mặt?"

Nói xong thì anh ta lại nắm chặt tay tôi, cái nắm tay chẳng biết có ma lực gì mà lại khiến tôi yên tâm hơn rất nhiều dù trước đó rõ ràng đang rất căng thẳng.

Tôi nghi hoặc nhìn anh, cất giọng run run:

"Tại sao chàng lại biết?"

Trần Khâm điềm nhiên nói:

"Trước đây tôi là người phê tấu chọn em vào cung mà. Sau này đổi thành Tô Ngọc Lan nhưng tôi cũng không quan tâm lắm, là ai cũng như nhau thôi."

"Thế bây giờ?" – Tôi nhướng mày hỏi.

"Ồ, đương nhiên là khác rồi, giờ ai cũng không thay thế em được!"

Hai người bọn tôi nói nói cười cười trước cổng Tô khiến không ít người qua đường dòm ngó. Tôi đỏ mặt để Trần Khâm đỡ lấy mình bước lên bậc tam cấp, anh ta nói với gia nhân đứng canh rằng mau vào trong báo cho quan đại tư xã, cô ba đã về rồi muốn được gặp quan. Tên gia nhân này hình như cũng nhớ mặt tôi, vội chạy ngay vào trong báo lại. Chưa tới nửa khắc sau anh ta đã chạy ra đưa tôi vào.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenFun.Vip