Chương 2: Vai người gánh nước, lòng người gánh thương

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Thằng Hợi cầm gói xôi trên tay, kinh thành đông đúc người qua kẻ lại, nó thẫn người quay ngang quay ngửa, chân tiến về trước rồi lại lúng túng lùi về sau.

Thôi, coi như xong, nó nhủ thầm, rồi thả một tiếng thở dài. Trước khi dứt khoát quay người ra về, Hợi hẵng còn cố đưa mắt nhìn thêm một vòng nữa, nhưng cũng chẳng tìm được người mà nó muốn tìm.

Chẳng là từ sau khi cậu cả nhà nó từ trường võ về, ông lớn - Nhân Đạo Vương lại lệnh cho nó đi theo hầu cậu như trước. Mà nó rầu nhất là lúc theo cậu ra ngoài, vì nó biết thể nào cậu cũng lừa được nó để tách ra đi riêng và nó thì chẳng bao giờ tìm được cậu. Hôm thì cậu bảo quên cái nọ, đi được nửa đường bắt nó về lấy, hôm thì giữa đường cậu kêu đau bụng, cậu bắt nó đi mời thầy lang, nói chung là đủ các cách trên đời. Giá mà cậu đuổi nó từ đầu không cho đi theo, nó còn có cớ về khóc lóc bẩm lại với vương gia, đằng này cậu chơi trốn tìm như thế, nó nào dám thưa chuyện lại.

Đấy, nay cậu muốn ăn xôi, nhất định phải là cái hàng xôi đông khách kia, đợi nó chen vào mua được xôi cho cậu, cậu đã bỏ đi biệt tăm rồi. Những lần đầu nó còn hốt hoảng chạy đông chạy tây, vào quán nọ ngó quán kia, về sau nó biết cậu cố ý trốn, nó có mà tìm đằng giời. Sau cùng nó rút ra kinh nghiệm, tự về gần phủ đợi cậu, cậu bảo sao nó về thưa lại như thế, vương gia cũng chưa trách phạt gì.

Hôm nay cũng đành như cũ mà làm vậy.

Dáng vẻ ỉu xìu của thằng Hợi lẫn vào dòng người ngược xuôi, lúc này, một bóng dáng mặc đồ xanh thẫm, đứng trong ngõ khuất gần đó cũng ung dung quay người đi về hướng ngược lại.

Chàng đi loanh quanh, dạo đó ngắm đây, một lúc lâu sau đã lân la đến bờ sông Nhị, bụng cũng bắt đầu thấy đói.

Cuối năm, nắng yếu, mặt sông in màu xám nhạt của trời đông, mất đi cái vẻ bàng bạc những trưa tháng Tám. Chàng nheo mắt nhìn những mái nhà tranh tít phía bờ bên kia, xem ra hôm nay đi chơi hơi xa rồi, thằng Hợi lại tha hồ mà đợi.

Lúc chàng ngồi đò sang đến bờ bên của sông Nhị, cũng chẳng ngại lạ, cứ đâu có lối có đường là chàng đi. Ước chừng vài chục bước, rốt cuộc chàng cũng thấy một gian nhà tranh vách đất. Chàng chắp tay sau lưng, còn đang nghĩ xem nên đi tiếp tìm quán cơm hay vào xin đại một bữa, bất chợt thấy cánh cửa tre bọc vải cũ của nhà nọ xê dịch.

À, người quen, "người trong lòng Trung Thành Vương" mà kẻ trên kẻ dưới trong nhà chàng thì thầm mấy hôm trước chứ ai.

Nàng bán mồng tơi.

Chàng nhủ thầm, bữa này không lo đói rồi.

Từ trong nhà, nàng thiếu nữ cầm cái bát mẻ đựng thóc lép, mở cửa nhà ra định đi cho gà ăn, chợt thấy có người đứng ngoài cổng thì giật cả mình.

Người con trai cao lớn, mặc đồ bông trần màu lam sẫm, chân đi giày vải, nhìn là biết người kinh thành từ bên kia sông qua. Gương mặt có đường nét rắn rỏi đó lúc chạm phải ánh mắt kinh ngạc của nàng thì thản nhiên nhìn lại, hình như còn nhếch môi cười.

- Cậu...ngài...sao...

Nàng ngập ngừng một lúc vẫn chưa hết câu.

Chàng nhìn người con gái đứng trước mặt, có lẽ là do trời hết nắng hanh, hai má nàng không còn nẻ đỏ nữa. Nay nàng không đội nón, mái tóc đen dài ôm khuôn mặt tròn như trăng, rồi theo hai bên má xoã về sau lưng. Chàng liếc xuống, lạnh vậy mà vẫn đi chân đất.

- Lại có duyên gặp mặt rồi.

Chàng mở lời. Đối phương nghe chàng nói thì chau mày, có vẻ vẫn rối rắm, chưa biết đáp gì, cái bát mẻ hết cầm bên tay trái lại đưa sang tay phải. Hôm trước đâm sầm phải chàng ở ngoài trường võ, ăn nói cũng nhanh nhẹn lắm mà nhỉ, chẳng nhẽ nàng tưởng chàng tìm đến ăn vạ đấy à? À ừ, thì cũng hơi đúng...

- Mồng tơi hôm trước nấu canh cua đúng là ngon thật.

Chàng dứt lời, đôi mắt đen láy của đối phương hơi sáng lên, nét mặt trông tươi tỉnh hơn.

- Tôi bảo mà!

Nàng cười, đôi mắt cong cong.

Chàng cũng cười, nụ cười khách sáo.

- Vậy hôm nay có nấu không?

Lời hỏi ra, đối phương sững lại, ngoài mặt chàng cười, nhưng trong lòng thở dài thườn thượt. Trung Thành Vương chàng hiếm khi mở lời trước với người lạ, lại còn nói nhiều thế này thì càng hiếm. Nhưng mà, chàng đói, cái đói làm chàng không thể không chủ động, sự chủ động của chàng khiến đối phương ngẩn ra. Cho đến khi chàng cười đến đơ cả cơ miệng, đành hắng giọng, mắt liếc cánh cổng tre chắn giữa hai người, giọng hạ thấp xuống.

- Ta từ bên kia sang, chưa tìm được chỗ nghỉ chân, sáng lại đi vội quá...

Nói đến đấy thì chàng bỏ lửng vì thấy người trước mặt phì cười. chàng nheo mắt, nhìn hàm răng đen nhánh thẳng tắp kia, rồi lại bất đắc dĩ đảo mắt qua chỗ khác.

Có khi kiếm lấy cái hố chui xuống thì hơn, ăn mới uống gì giờ này.

Kẹt, tiếng cửa tre mở.

- May đó.

Người mở còn tủm tỉm cười, chàng liếc nhanh, rồi nhắm mắt đưa chân bước. Muốn có hố thì phải đào, mà muốn đào thì chung quy vẫn phải ăn để có sức.

Văng vẳng bên tai tiếng cha chàng mắng chàng không có tiền đồ mấy hôm trước, giờ chàng thấy cũng đáng lắm.

- Sao ngài lại ở đây?

Cuối cùng, khi ngồi một bên nhìn chàng ăn cơm, đối phương cũng chọn ra được một cách gọi chàng, dù lúc gọi chàng cảm giác giọng nàng ta cứ nhịu cả lại.

- Đi đò sang.

Chàng trả lời, lại vươn đũa về nồi cá kho. Không có mồng tơi nấu cua, nhưng có canh rau muống và nồi cá kho thơm nức, dù cho cá trong nồi bé tin hin. Mặc câu trả lời của chàng không đúng với ý hỏi của nàng lắm, nhưng nàng vẫn nương theo.

- Ngài ngồi đò mất mấy đồng?

Nàng hỏi tiếp, chàng ậm ừ giơ năm ngón tay lên, tay kia múc bát canh rau muống.

- Năm đồng?

Giọng nàng hơi cao, rồi như chợt nhớ ra điều gì, liếc mắt nhìn vào gian trong, vội vàng hạ giọng xuống.

- Năm đồng, ngài bị hớ rồi, mọi lần tôi mang rau vào kinh chỉ mất có hai đồng rưỡi thôi, hôm nào mang củi thì bốn đồng.

Ngài đặt bát trống xuống, chẳng nói chẳng rằng nhìn nàng. Nàng thấy chàng không nói, nghĩ là chàng vẫn còn chưa rõ, nó chẹp miệng nói thêm.

- Đây là lần đầu ngài sang bên này, chả trách.

Nói xong lại tự mình xới cho chàng một bát cơm nữa, vừa xới vừa dặn.

- Lần sau ngài nhớ trả hai đồng rưỡi thôi đó.

Còn có lần sau à? Chàng tự hỏi mình.

- Quên mất, cho ngài ăn làm ta quên mất cho gà ăn.

Mẹ ơi, nghẹn. Chàng nhìn theo bóng dáng tất tả chạy đi của người con gái vừa quen, tự mình uống vội một ngụm canh. Nuốt xuống rồi, chàng thở hắt một hơi, đưa ra kết luận, dân nữ này bạo dạn hơn các nàng tiểu thư khuê các nhiều, càng đừng nói là những tôn nữ, công chúa được học lễ nghi, lúc nói chuyện luôn hơi cúi đầu e thẹn.

Đằng này dám để người lạ vào nhà, còn là con trai, chưa kể miệng gọi "ngài" nhưng vẫn bảo là "cho" ăn, nếu chàng mà như người khác, còn luận tội cũng nên...

Ăn xong, vẫn chưa thấy chủ nhà quay lại, chàng xếp gọn bát đũa, đứng lên đi ra ngoài, lúc ra đến cửa còn thoáng liếc nhìn về phía gian trong, có điều cũng chỉ thấy một vách đất ngăn cách.

Cục...cục...cục tác, cục tác.

Ngài đứng dưới một gốc bưởi, nhìn nàng cho gà ăn. Đàn gà đâu đó được năm bảy con, có rào tre vây quanh, cách đấy một đoạn là ba luống rau lang xanh mướt, đầu luống có vại chứa và thùng gánh nước, quang gánh hẵng còn dựng một bên.

- Giờ ngài định đi đâu? Có muốn ta gói cho ngài cái gì đi đường ăn không, dưới bếp còn mấy củ khoai lang luộc, bở lắm.

Cô nàng cầm cái bát mẻ đi trước, chàng đi theo sau. chàng ngó bên tay còn dính vụn trấu của nàng, định mở miệng nói, rồi lại thôi. Đến khi nàng từ trong gian bếp lụp xụp bưng ra một cái nồi, mở vung hẵng còn kha khá khoai luộc, chàng mới thắc mắc.

- Sao đến bữa rồi mà còn luộc nhiều khoai thế?

- À, tôi luộc ăn trưa.

Nàng cười, lúc giải thích còn vô thức hướng mắt lên nhà trên.

- Vốn trưa nay ăn khoai, mà không ngờ mợ tôi đưa em họ về, nên tôi nấu thêm cơm.

Thảo nảo lúc nãy nàng bảo "May đó.", ra là gặp đúng bữa nàng nấu cơm. Nghĩ vậy, nhưng lời hỏi ra lại khác.

- Mợ với em của ngươi đâu?

- Thân á? Thằng bé ốm, ăn xong nằm nghỉ trong kia, mợ tôi đưa Thân về xong thì lại sang làng bên rồi, mợ làm công cho bên đấy, bình thường hai mẹ con mợ đều ở cả bên đấy, thi thoảng mới về đây thôi, cậu tôi thì đi làm ở dưới Vạn Kiếp.

Ngưng một lát, nhẩm nhẩm tính gì đó, nàng tiếp lời.

- Đâu đó khoảng chục ngày nữa là Tết, chắc nay mai là cậu mợ cũng về cả.

- Vậy bình thường ngươi ở đây một mình?

Giọng chàng thoáng sửng sốt, nàng cười xoà chỉ về phía cái đòn gánh, đồng thời quay qua nhìn chàng, bảo.

- Đến tối mang vào dựng đầu giường.

Rồi chưa kịp để chàng nói gì thêm, nàng tủm tỉm.

- Quốc gia có tài đức trị nước, quan lại có lòng thương dân, bà con được hưởng yên bình, có gì đâu mà sợ.

Bề trên nghe được những lời này của nàng chắc vui lắm, nhưng, thân con gái một mình, xung quanh nhà cũng chẳng có xóm giềng đông đúc gì cho cam... nghĩ đến đây, chàng không kìm được nhướng mày.

Còn nàng nào có thấy được cái nhướng mày của chàng, bởi nàng đã đặt nồi khoai gọn vào cửa bếp, đi về giếng.

Nàng rửa tay, rồi quay ra đặt thùng gỗ ngay ngắn, nâng đòn gánh lên vai.

- Ngài chưa biết đi đâu, thế có muốn đi gánh nước tưới rau với tôi không, chắc ngài chưa thấy qua bao giờ đâu nhỉ?

Lúc nói lời này, gió ngang qua làm mái tóc nàng bay bay, một tay giữ gánh thăng bằng, một tay nàng đưa tay vén tóc, ngoái về phía chàng, ánh mắt và giọng nói đều ngập ý cười.

Chàng đứng ở cửa bếp, đón được nét cười của nàng, im lặng chốc lát rồi lảng ánh nhìn đi , "Ừ" một tiếng. Nét cười của nàng càng đậm hơn.

Nói là gánh nước tưới rau, nhưng làm gì có ai đi tưới rau giữa trưa. Nàng đi gánh nước từ sông về, đổ đầy các chum vại trong vườn, đến gần chiều tối mới múc đi tưới.

Từ nhà nàng ra đến chỗ lấy nước có một đoạn, chàng đứng nhìn nàng múc nước đổ đầy hai thùng, rồi gánh lên vai, đi hết lượt này lượt nọ. Mỗi khi đến lượt nàng men xuống bờ sông múc nước, hàng mày chàng đều vô thức nhíu lại. Đợi đến khi nàng đặt thùng gỗ vào gánh, quẩy lên vai, hàng mày của chàng mới giãn ra, vẻ mặt thản nhiên đối diện với cái nhoẻn miệng cười của đối phương.

Dọc đường đi, nàng gánh nước đi trước, chàng cách nàng vài bước theo sau.

- Trường võ được nghỉ có lâu không?

Nàng vừa gánh vừa hơi ngoái lại hỏi.

- Lâu, qua tháng Hai.

Chàng đáp lời, nghe người đi trước xuýt xoa, rồi bảo đợi tới khi đó nàng sẽ lại mang rau sang trường võ.

Sau đấy được vài bước nàng liền hơi ngoái lại hỏi chàng thêm vài câu, nào là trường võ thường ăn gì, có ăn rau nọ củ kia không, lúc ăn rau có ai khen chê gì không. Lúc thì nàng hỏi, lúc thì nàng kể nhà mình trồng các loại cây nào, chàng nghe nàng nói, nhát gừng câu đáp câu không, nhưng chân đã vô thức bước nhanh lên, về sau nàng không cần ngoái nhìn chàng nữa.

Chàng sợ nàng cứ ngoái mãi sẽ lệch cổ, vẹo cả xương sườn cũng nên.

- Gạo nhà trồng cũng có, gạo mợ ta mang về cũng có, gạo ngon mà xay ra quậy bánh đúc...

- Nhìn đường.

Và thi thoảng chàng sẽ nhắc nàng như vậy, còn nàng thì vẫn cứ nói không ngừng.

Chàng liếc sang, gánh chưa đủ mệt à mà còn sức nói nhiều thế, nhưng nhìn vẻ mặt vui vẻ của nàng hẳn là đã đủ trả lời. Dường như nhận ra ánh mắt chàng, tiếng nàng ngưng lại, quay qua nhìn chàng, thoắt cái chàng thấy được gương mặt như khuôn trăng rằm có nét ngại ngùng, cười nhỏ.

- Ta nói nhiều lắm à?

Chàng không đáp, nàng vẫn giữ nguyên nụ cười, mắt nhìn về trước, đi thêm vài bước, lại bảo.

- Tại trước giờ đoạn đường này có mình ta gánh gánh về về, hôm nay có ngài đi cùng nên...

Nói xong nàng bỏ lửng, chỉ quay qua nhìn chàng một cái thật nhanh. Ánh nhìn thoáng chốc đó làm chàng nắm bắt không kịp tia sáng vừa vụt lên trong mắt nàng. Im lặng một lúc, chàng hắng giọng, bảo.

- Không phiền, cứ nói đi.

Nghe vậy nàng quay qua nhìn chàng, chàng liếc nàng, đệm thêm một câu.

- Nghe mãi thành quen.

Đối phương ngẩn ra rồi phì cười, không biết đã lý giải câu chàng nói theo ý nào rồi, chàng cũng không giải thích, mặc cho nàng cười.

Dẫu sao nghe nàng nói về rau về củ, về bánh trái vẫn hơn nghe cha chàng mắng hoặc nghe thằng Hợi theo sau lảm nhảm.

Dáng người nhỏ bé với đôi chân trần, giữa cái lạnh cuối năm vẫn vững vàng gánh nước sông về. Theo động tác của nàng, nước trong thùng sóng sánh, vài hạt trào ra ngoài, từng giọt đứt quãng theo bước nàng về nhà.

Thẳng tới lượt thứ ba, có vẻ đã mệt, nàng đổ nước vào chum xong thì ngưng lại, đi về phía bậc hè.

Đương lúc chàng tưởng nàng định ngồi nghỉ, chợt nghe thấy tiếng nàng hỏi.

- Ngài khát không?

Chàng định lắc đầu, nhưng rồi nhìn đôi mắt sáng trưng vẻ mong đợi kia, cuối cùng chỉ đứng im không phản ứng.

- Đi.

Nàng chẳng mảy may để ý, xoay người đi ra cổng, giọng vui vẻ.

- Đi nào đi nào, có cái này ngon lắm.

Nàng dẫn chàng ra một mảnh ruộng cách nhà nàng một đoạn, từng luống từng luống gì đấy xanh mướt, lá trên ruộng còn đung đưa theo gió. Chàng đứng trên bờ cỏ xiêu vẹo, nhìn nàng đi vào ruộng. Rồi chàng thấy nàng tìm trong đám dây lá đầu luống một cái cọc tre ngắn đã vót nhọn đầu, sau đấy cúi xuống hì hục đào. Chàng bỗng cso linh cảm không lành.

Chốc lát sau nàng buông cọc, hai tay túm dây lá dài ngoằng, dùng sức nhổ mạnh, lại mím môi dựt riêng phần dây lá ra. Chàng ngẩn người, nhìn đối phương nhấc hai cái củ đậu mập mạp giơ lên, gương rạng rỡ dưới trời đông. Nàng vùi cái cọc lại vào đám lá, chân tay lấm lem đất, đi tới cái vại nước đầu bờ, dùng gáo dừa múc nước rửa sạch tay và hai cái củ đậu.

Lên đến bờ, nàng bắt đầu bóc vỏ, dưới bàn tay khéo léo của nàng, lớp vỏ mỏng tuột xuống, lộ ra phần thịt củ trắng bóc mỡ màng. Bóc xong nàng đưa cho chàng, chàng liếc phần vỏ nàng tước ra vẫn còn rủ dưới cuống, xác định noàng không còn ý làm gì thêm mới hơi nhướng mày, đưa tay cầm lấy. Chàng cầm xong nàng cúi xuống bờ cỏ cầm củ còn lại lên, tự bóc cho mình. Rất nhanh, chàng thấy nàng bóc xong, túm hai đầu cuống của củ đậu xoay ngang ra rồi cắn một miếng, sau đấy quay qua nhìn chàng, hất hất cằm ra hiệu .

Dưới ánh nhìn hấp háy của người trước mặt, chàng cũng xoay ngang cái củ đậu ra cắn một miếng vừa vừa, vị thanh mát và ngọt nhẹ của củ đậu tươi thoáng chốc ngập tràn trong khoang miệng.

Đợi chàng thong thả ăn hai ba miếng nữa, người bên cạnh mới híp mắt lại hỏi.

- Thế nào?

Ngài đảo mắt, nhẹ giọng.

- Mát, ngọt.

Nàng gật gù tủm tỉm cười, tiếp tục ăn phần của mình.

- Tự trồng?

Chàng thuận miệng hỏi, ai dè đối phương lắc đầu, giọng nhẹ tênh.

- Không, ta đào trộm đấy.

Vốn đang định cắn miếng củ đậu rõ to, chàng lập tức sựng lại, quét mắt sang phía nàng.

Mới nãy ai vừa bảo bảo xã tắc yên bình?

- Trưa thế này người ta không biết đâu.

Nàng ra vẻ đầy kinh nghiệm, thản nhiên an ủi. Nghe xong, chàng chỉ nhướng mày. Nàng lại bảo.

- Ngài có võ mà, sợ gì.

- Ta không đào.

- Nhưng ngài ăn rồi.

Nàng phì cười thành tiếng. Chàng im lặng, chăm chăm nhìn nó, rồi chàng hắng giọng.

- Cọc tre tìm được hơi dễ.

Nói xong chàng xoay người, trước khi đi dặn thêm một câu nữa.

- Lần sau đào xong mang về đã rồi rửa.

Đến lượt nàng ngẩn ra, chàng đi được vài bước rồi nàng mới bật cười lớn, nhấc chân chạy theo.

Chạy đến cạnh chàng rồi, nàng vẫn khúc khích cười.

- Ngài chẳng biết đùa gì cả.

- Lần sau ra dáng ăn trộm hơn hẵng hay.

Đâu ra cọc tre sẵn thế. Ăn trộm mà ung dung như nó, cũng không biết trộm nổi mấy lần.

- Tôi đã đi ăn trộm bao giờ đâu mà biết. Á à, có phải...

- Không nói chuyện khi ăn.

- Ngài cũng đang ăn còn gì.

Cứ thế, đôi bên ta một câu ngươi một câu quay lại căn nhà tranh, chút mệt nhọc vì gánh nước của nàng dân nữ chẳng mấy chốc tiêu tan không còn dấu vết. Vừa về đến sân đất, cả hai đã nghe thấy tiếng gà tranh nhau kêu.

- Chúng nó cũng khát nước rồi.

Đợi nàng cho gà uống nước xong lại nhấc quang gánh lên tiếp tục đi gánh nước.

Nhưng lần này không được thuận lợi như trước nữa. Lúc gánh thêm được lượt nữa về, đổ nước đâu đó xong xuôi, nàng lỡ ý bước trúng phần đất bùn, thế là trượt một cái, chân trước chân sau ngã lăn ra, nào người nào thùng bộp bộp rơi.

Trung Thành Vương đến mắt cũng không chớp, chàng biết ngay mà, chỗ nước rơi vãi thể nào cũng làm ra chuyện.

Nàng xoa xoa bên khuỷu tay chạm đất, nhăn nhó vịn vào thùng gỗ đứng dậy, quần áo trên người đã có chỗ lấm bẩn, may mà đổ xong nước rồi, chứ mà còn nước thì ăn đủ.

- Đang đâu thì...

Nàng ta lẩm bẩm ngó cái vại vẫn chưa có giọt nước nào, lúc chống đòn gánh đứng dậy thấy bên cổ chân hơi nhưng nhức. Nàng cúi xuống, xoay xoay cổ chân, thử dồn lại lực đều hai bên chân xem sao.

Đương lúc nàng tặc lưỡi, xỏ lại quang gánh vào quai thùng, chợt thấy chàng - người vốn nãy giờ đang đứng ở gốc bưởi - đi ra trước mặt mình, chàng đã cởi chiếc áo bông trần ra từ bao giờ, chỉ còn lớp áo vải đen sẫm gọn gàng.

- Ra kia ngồi.

Người mặc áo đen hất hất cằm, nàng tròn mắt chẳng hiểu gì.

Ngài mặc vẻ mặt ngơ ra của đối phương, tự mình túm lấy cái đòn gánh, làm nốt phần việc dở, quẩy gánh lên vai, lúc bước đi không quên nói thêm.

- Vô công bất thụ lộc.

Rồi như sợ người nghe không hiểu, chàng giải thích lại.

- Có làm thì mới có ăn, xem như trả cho bữa cơm lúc trưa.

Nói rồi chàng giữ vững gánh nước đi thẳng ra bờ sông, mặc nàng ở sau lại cong mắt cười.

Khi chàng gánh nước từ sông quay về tới lượt thứ hai, liếc thấy nàng đã bưng được nồi khoai luộc lên bậc hè, vừa ăn vừa nhìn chàng gánh nước. Đợi chàng đổ nước vào vại xong, quay ra gánh lượt mới, chàng nghe nó tủm tỉm.

- Hồi đầu ta giữ thăng bằng mãi chẳng được, đổ lên đổ xuống. Ngài giỏi thật đấy, ngay lần đầu đã gánh ngon lành, nước còn đầy thùng, đi cũng nhanh.

Thật ra chuyện này với người học võ có là gì, những bài rèn luyện trong trường võ còn khó nhằn hơn.

- Cũng không vật thắng được người ta.

- Ngài nói gì cơ?

Nàng nghe không rõ tiếng chàng lẩm bẩm, chàng cũng không nói lại, chỉ nhìn nàng rồi lắc đầu, sau đấy lại nhấc chân đi gánh nước tiếp.

Nàng nhìn bóng lưng rắn rỏi của chàng, lại nhìn giày vải đã có chỗ thấm nước, trong lòng áy náy, im lặng chốc lát liền rời mắt, cầm củ khoai mẫm nhất nồi lên.

Đi thêm hai lượt gánh nữa là nước ở trong các vại đều đầy, chàng thả quang gánh xuống, múc nước giếng rửa tay, xong xuôi mới đi ra chỗ hiên ngồi.

Nàng bóc sẵn khoai, để vào bát, đợi chàng ngồi xuống liền đặt bát sang. chàng cũng chẳng hỏi gì nhiều, cầm củ to nhất lên ăn.

Ừm, đúng là bở và ngọt.

- Hàng ngày đều làm đi làm lại mấy việc này à?

Nghe chàng hỏi, nàng gật gù.

- Mang rau củ đi bán, hôm nào hết rau thì đi nhặt củi, rồi thì chăm gà, tưới rau, làm cỏ...

Nàng vu vơ kể ra vài việc, đều là việc nhà nông, chàng ngồi một bên im lặng nghe.

- Có hôm đi làm ruộng gặp người ở xóm trong thì cũng đỡ chán hơn.

Rồi chợt chàng nghe nàng "À" một tiếng.

- Ta còn học được của họ mấy câu, thi thoảng đem ra đọc cho đỡ buồn.

Chàng quay qua, đón được ánh mắt chàng rồi nàng mới hơi nghiêng đầu, thanh thanh giọng, từng chữ từng chữ ngân nga.

"Đầy vơi trong một gánh này,

Vai người gánh nước, lòng người gánh thương.

Sớm chiều dãi nắng dầm sương,

Dày công vun xới vấn vương nảy mầm."

Gió trời lởn vởn mang hơi lạnh, vờn qua mái tóc đen đang xoã bên vạt áo nâu đã bạc màu, mang theo giọng nói trong trẻo của nàng dân nữ lan trong không gian nhỏ.

Đọc xong nàng nở môi cười, đôi mắt lấp lánh, hai gò má nâng cao, rồi lại cúi xuống tiếp tục bóc vỏ khoai, miệng còn lẩm nhẩm đôi lần.

Lát lâu sau, gió ngưng, chàng rời mắt khỏi người ngồi cách mình một sải tay, hướng ánh nhìn vào không gian thoáng đãng trước mắt.

"Vai người gánh nước, lòng người gánh thương..."

Bà con xóm làng cũng khéo quá, mầm gì không nảy, nảy mầm vấn vương mới chịu...

Bất giác khoé môi chàng trai trẻ cũng giãn ra cười.

- Đừng bóc nữa.

E hèm giấu đi nụ cười, trở về với khuôn mặt bình thường, chàng quay sang bảo, nàng nghe vậy thì ngưng thật, ngước lên nhìn.

- Cũng muộn rồi, ta về đây.

Chàng phủi phủi hai bàn tay, nhanh chóng đứng dậy, nàng cũng đứng lên theo.

- Từ từ, áo ngài còn ở sào tre.

Thấy nàng định đi lấy, chàng lắc đầu, cất lời níu bước.

- Cứ giữ lấy, ở nhà ta hẵng còn.

Rồi như nghĩ thêm gì, chàng chỉ vào gian trong.

- Không mặc tới thì để cho thằng bé.

Nàng dở khóc dở cười, xua tay.

- Không vừa đâu. Ngồi đò qua sông gió lạnh lắm, ngài mặc về đi.

- Nói nhiều thế.

Chàng liếc người trước mặt, không đổi ý, nhấc chân ra về, nàng thở dài, bảo "ngài chẳng nói lý gì cả".

- Này, tính ra đây là lần thứ hai ta với ngài gặp nhau nhỉ?

Vậy mà nói chuyện ríu ra ríu rít như đã quen nhau cả nửa đời rồi, chàng nghĩ vậy, nhưng im lặng không đáp gì.

Nàng đứng cùng chàng đợi đò cập bến, lúc chàng nhấc chân bước lên đò, nàng ở phía sau thoáng chốc ngập ngừng rồi bật lời.

- Ngài còn sang bên này không?

Ngài ngoái về sau nhìn nàng, nàng cười tươi.

- Tới lúc đó ta nấu canh cua với mồng tơi cho ngài.

Ngài đứng trên thuyền gỗ nhỏ, người lái đò chậm rãi khua mái chèo, lái thuyền rời bến. Chàng vẫn chưa đáp lời, thấy đối phương như sực nhớ ra điều gì, có vẻ hốt hoảng làm khẩu hình miệng.

"Hai đồng rưỡi, hai đồng rưỡi."

Nói xong còn giơ tay vẫy vẫy chào, chẳng mấy chốc dáng người của nàng dân nữ đã trở thành một điểm mờ nhỏ phía xa xa.

Vị vương gia trẻ mím môi, lúc quay mặt đi không nhịn được phì cười.

Gió gợn sóng, sông nước mênh mang, thuyền gỗ rẽ nước về bến kinh thành.

Khi chàng theo lối quen thuộc về phủ, quả nhiên thấy Hợi ngồi dựa gốc cây si gần đó ngủ gật, bên cạnh có nắm lá gói xôi vò nhăn nheo. Chàng lắc đầu, may mà trước đó đã cho tiền bảo nó đi mua xôi.

Rồi rất nhanh, chàng hắng giọng, vẻ mặt nghiêm lại.

- Sắp sang năm của mình nên ăn no ngủ kĩ đấy nhỉ.

Tức thì người đang ngồi gà gật giật nảy mình, ngơ ngác choàng mắt tỉnh dậy, lúc nhìn thấy chàng đứng trước mặt thì cuống quýt đứng lên vái chào. chàng nhìn thằng hầu được xem là thân cận, chẳng nói gì, chắp tay đi trước, bộ dạng cứ như chưa từng có việc lừa nó sáng nay.

Thằng Hợi cuống cuồng chân trước chân sau đi theo, đi được hai bước lại vội quay về cầm gói lá cũ vứt dưới đất lên, dọc đường tìm đúng chỗ vứt rác.

- Vương...à cậu, cậu ăn gì chưa ạ? Áo của cậu đâu, sao giày cậu ướt thế cậu?

Càng hỏi nó càng lộ ra vẻ lo lắng, thiếu điều nhảy cẫng cả lên.

Trung Thành đưa tay lên ngoáy ngoáy tai, đúng là nói nhiều cũng có người nọ người kia, người như đứa theo sau, làm chàng nhức cả đầu.

- Ăn rồi, cho rồi, gánh nước sông.

Chàng mất kiên nhẫn, ngắn gọn đáp lời. Cứ tưởng Hợi nghe xong sẽ im, không ngờ đợi nó nghệt ra thì lại vò đầu bứt tai.

- Con không hiểu, giời ơi, về ông bà lớn lại trách tội con cho xem.

Chàng mặc cho nó xoắn xuýt lo xa vừa đi vừa lí nhí, chẳng mấy chốc về đến phủ.

Chân vừa qua cửa, vào đến trong sân, chàng đang định bảo Hợi lui đi thì đã có người ở khác trong nhà ra báo.

- Thưa cậu, vương gia cho gọi cậu đến nhà lớn.

Tức thì mặt thằng Hợi càng tái, lẩm bẩm thôi xong rồi. Ngược lại với Hợi, chàng nhướng mày hỏi người vừa đến.

- Có chuyện gì? Mẹ ta đâu?

Người kia cúi xuống thưa, lúc nói còn len lén ngẩng lên liếc nhìn vẻ mặt của vị vương gia trẻ.

- Dạ thưa, ban sáng có lệnh truyền đến, từ mai Công chúa sẽ sang phủ ta ở trước cho quen, đợi ngày làm lễ kết tóc với cậu. Ông bà đều đang đợi cậu về ạ.

- Công chúa?

Trung Thành nhướng mày, vẻ mặt thoáng cái lạnh tanh.

- Thưa vâng, là Công chúa Thiên Thành ạ.

...

Sáng hôm sau, khi từng cỗ xe nối nhau đỗ trước cửa phủ Nhân Đạo Vương, tin tức Quốc gia muốn ban hôn, gả trưởng Công chúa Thiên Thành cho Trung Thành Vương bắt đầu lan ra ngoài, nghe đâu sắp tới còn mở hội bảy ngày bảy đêm.

Mặc những tiếng bàn luận rôm rả, vui vẻ của người dân, ở phủ đệ nào đó trong kinh thành, không khí đón xuân có phần trầm lặng.

Dưới trời mây xám, gió đông ào ào, lòng người ngổn ngang.

---

Chú thích:

"Mùa xuân tháng 2, đổi niên hiệu là Nguyên Phong năm thứ nhất (1251) [...] Đem trưởng công chúa Thiên Thành gả cho Trung Thành Vương (không rõ tên). [...] Ngày 15 tháng ấy, vua mở đại hội bảy ngày bảy đêm bày các đồ về lễ kết tóc và các trò chơi, cho người trong triều ngoài nội chơi xem, ý muốn cho công chúa Thiên Thành làm lễ kết tóc với Trung Thành Vương. Trước cho công chúa Thiên Thành ở nhà của Nhân Đạo Vương (Nhân Đạo Vương là cha sinh ra Trung Thành Vương)."

Các đồ về lễ kết tóc: chữ Hán là "Trần hợp kế đồ", theo chứ Hán thì phải dịch là "đồ họa về lễ kết tóc", nhưng chúng tôi thấy ngày trước, người Việt Nam ta có khi dùng chữ "đồ" theo nghĩa Nôm là đồ đạc, ví như "Đồ gia" của triều Nguyễn hay "Nhà đồ" là nhà chứa đồ đạc, nên ở đây chúng tôi dịch là những đồ về lễ kết tóc; Cương mục q.6 sửa là "bày đồ quý báu" có lẽ cũng hiểu theo nghĩa ấy.

(Theo Đại Việt sử toàn thư trang 279. Nhà xuất bản Thời Đại, Cao Huy Giu dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, chú giải và khảo chứng. In theo bản in của Nhà xuất bản Khoa học và Xã hội năm 1971 – 1972)

(Đăng bản sửa lại vào 24/04/2024)

Lời cảm ơn: Chân thành cảm ơn bình luận góp ý của bạn Chuyết Hiên (chichichioe) ngay thời điểm mà Chi đăng truyện vào 2021, dù hiện tại Chi vẫn chưa tìm được tên phù hợp cho nhân vật nhưng xưng hô trong truyện nhờ góp ý của bạn đã được chỉnh sửa hợp lý hơn, cảm ơn bạn rất nhiều!


Bạn đang đọc truyện trên: TruyenFun.Vip