Nhung Dua Tre Bi Mac Ket Minato Kanae Phan 3 Co Gai Day Toi Loi

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Ngày 19 tháng trước, vào hôm Chủ Nhật, tại cửa hàng điện máy “Điện khí Mirai” ở thành phố S, tỉnh H đã xảy ra vụ dùng dao đâm chém lung tung khiến mười lăm người bị thương và nghi phạm Kuroda Masayuki (20 tuổi) đã bị bắt ngay tại hiện trường. Tuy nhiên, Kuroda vẫn im lặng về động cơ hành hung của mình…


Nghi phạm Kuroda? Không, tôi không muốn dùng cách nói đó. Điều khiến cho Masayuki gây ra vụ việc thảm khốc đó… chính là do tôi.

Để nói về mối quan hệ giữa tôi và Masayuki thì sẽ mất khá nhiều thời gian, như thế có phiền các anh không?… Vậy thì tôi sẽ kể lần lượt đầu đuôi câu chuyện.

Tôi, Amano Yukina có một thời gian sống cùng khu nhà với Masayuki. Đó là căn nhà nhỏ có tên là “Paaru Haitsu[16]”, chỉ có cái tên là đẹp còn trông bên ngoài thì nó chỉ là một căn nhà hai tầng với khung gỗ tồi tàn. Phòng của tôi là phòng 103, tôi đã sống với mẹ ở đó suốt từ khi tôi được sinh ra. Mẹ không kết hôn mà sinh tôi, rồi vừa làm cộng tác viên cho công ty bảo hiểm vừa một tay nuôi dạy tôi nên người.

Dù cuộc sống của chúng tôi không hề khá giả gì và tôi cũng chẳng còn nhớ nổi việc mẹ đã dẫn tôi đi chơi vào ngày nghỉ như thế nào nhưng mẹ vẫn lo cho tôi ăn đầy đủ ba bữa và tôi nghĩ môi trường sống của tôi vẫn tốt hơn Masayuki.

Masayuki và mẹ của cậu ấy chuyển đến sống ở phòng 203 của khu nhà Paaru Haitsu vào mùa xuân năm tôi lên lớp 6. Mẹ của Masayuki cầm gói dâu tây cùng Masayuki đi chào hỏi khắp các phòng. Ấn tượng của tôi về mẹ cậu ấy là một người rất chu đáo. Vì khu nhà đó phải đến hơn một nửa là người độc thân sống, việc chuyển ra chuyển vào là thường xuyên nhưng người mới đến mà đi chào hàng xóm trong ký ức tôi nhớ được thì chỉ có mẹ của cậu ấy.

Không những thế, tôi cũng chưa từng được mua cho những quả dâu tây to mọng lấp lánh như những viên ruby bao giờ nên chừng đó cũng khiến tôi nghĩ rằng: “Cô ấy thật là tốt!” Má của Masayuki cũng mịn màng và đỏ ửng như những quả dâu tây với khuôn mặt dễ thương đến mức, trong lòng tôi tự đặt biệt danh cho cậu ấy là “Cậu ấm dâu tây”. Cậu ấy lúc đó mới chỉ học lớp 1. Cậu ấy kém tôi năm tuổi. Nếu như khoảng cách tuổi tác này gần hơn một chút thì có lẽ đã không xảy ra bi kịch lần này…

Nhờ dâu tây nên tôi có ấn tượng tốt với gia đình cậu ấy nhưng sau đó tôi hoàn toàn không lưu tâm đến mẹ con Masayuki và tiếp tục cuộc sống thường ngày của mình như trước khi họ chuyển, đến. Nếu đó là cậu bé hơi không đáng tin cậy khiến tôi phải tránh xa từ đầu hoặc ngược lại, chúng tôi thân thiết đến mức cùng nhau đi học hằng ngày thì mọi chuyện đã khác. Nhưng tất cả đều đã không như thế. Bất cứ ai gặp cậu ấy khi đó, đều thấy rằng đó là cậu bé dễ thương.

Nếu vì cậu ấy chỉ có mẹ và không có bố mà bị tóm gọn nhân cách như thế thì rất là khó chịu.

Sau vụ việc xảy ra, lấy lý do Masayuki không nói gì, người ta tự ý tìm hiểu đời tư của cậu ấy và các chuyên gia tâm lý cho rằng, động cơ hành hung là do gia cảnh của cậu ấy. Tôi đã rất tức giận khi nghe được những nhận định này. Việc tôi quyết tâm muốn kể cho cảnh sát các anh nghe chân tướng sự việc cũng là vì mấy người đó nói ra những lời quá vô trách nhiệm. Dù họ chẳng hiểu cái gì cả. Chẳng hiểu gì hết…

Tại sao tôi có thể hiểu được cậu ấy ư? Là bởi chúng tôi cùng gia cảnh, chúng tôi cùng cảnh chỉ có mẹ mà không có bố. Nhưng điều đó không có nghĩa tiêu cực. Thậm chí, so với những đứa trẻ đồng lứa xung quanh, độ chín chắn về suy nghĩ của chúng tôi có thể nói là cao hơn. Mẹ tôi chưa bao giờ phải nhắc nhở tôi tự làm việc của mình hay bảo tôi phải giúp việc nhà. Chỉ cần nhìn thấy dáng mẹ tự giải quyết mọi việc bằng chính sức lực của mình thì từ trong thâm tâm đứa trẻ như tôi đã nhận thức được rằng: không được phép dựa dẫm vào mẹ. Biết nói thế nào nhỉ? Nếu ví gia đình như trụ cột chống đỡ các thành viên khỏi mặt nước thì tôi và mẹ tôi chính là hai trụ chống của chính gia đình mình, chỉ cần một trong hai người mất thăng bằng thì cả hai người sẽ bị dìm trong dòng nước kia. Nó giống như vậy…

Masayuki và mẹ cậu ấy cũng thế, ban đầu tôi cũng cho rằng họ giống mình. Từ việc Masayuki tự đi học một mình, ở nhà đợi tới khi mẹ đi làm về đến việc cậu ấy phải làm một lượng lớn các việc khác giúp mẹ… Cậu ấy làm được tất cả và tôi chưa một lần bắt gặp vẻ mặt lo lắng hiện trên gương mặt của cậu ấy. Chẳng những thế, đôi má của cậu ấy còn rất nhẵn mịn và luôn nở nụ cười khiến những người xung quanh cảm thấy hạnh phúc.

Không phải chỉ có mình tôi thấy cậu ấy như vậy. Trong buổi thể dục thể thao mùa thu, từ trong lều trại của học sinh lớp 6 xem học sinh lớp 1 biểu diễn múa, cô bạn ngồi cạnh tôi cũng nói rằng: “Thằng nhóc đó đáng yêu thật!” Hướng mắt mà cô bạn tôi nhìn chính là Masayuki.

Dáng người nhỏ bé đang cố hết sức để múa. Thời điểm tôi gặp Masayuki, cậu ấy có chiều cao thấp bé hơn so với những đứa trẻ cùng khóa khác. Vì thế mà ngay cả khi múa, cậu ấy cũng đứng ở hàng đầu và trông giống như đang nhảy choi choi lên vậy. Dù thời điểm đó, dáng người cậu ấy có dong dỏng nhưng cũng không quá gầy.

“Sao cơ, Masayuki ấy hả?”

Thấy tôi nói vậy, cô bạn ngồi bên liền hỏi: “Cậu quen hả?”

“Nó ở cùng khu nhà với tớ. Giống như em trai ấy mà!”

Còn chưa nói đến chơi cùng, thậm chí hầu như còn chẳng nói chuyện bao giờ, thế mà tôi lại trót nói kiểu như thế. Thật buồn cười nhưng khi trót nói ra điều đó, tôi lại có cảm giác cậu ấy đúng là em trai của mình thật. Hơn thế nữa, tôi còn hướng về Masayuki đang múa rồi vẫy tay với cậu ấy và trong thoáng chốc, cậu bé cũng đáp lại bằng nụ cười tỏa sáng của mình với tôi. Những người có cùng gia cảnh sống như chúng tôi không nhất thiết phải nhiều lời.

Có thể cậu ấy không có gì cần dựa vào tôi. Nhưng chỉ cần cậu ấy thật sự cần giúp đỡ, tôi luôn sẵn sàng. Tôi luôn nghĩ thế cho nên dù đã lên cấp hai nhưng một góc trong trái tim tôi vẫn còn ở lại đó.

Tham gia vào câu lạc bộ chơi nhạc cụ thuộc bộ hơi nên tôi thường về tới nhà lúc hơn 7 giờ tối mỗi ngày. Buổi sáng, tôi phải đến trường sớm hơn một tiếng so với học sinh tiểu học vì có giờ tập nên nếu có ở nhà thì hầu như tôi không bắt gặp bóng dáng Masayuki. Tôi cũng có những chuỗi ngày cảm thấy hơi buồn cho đến khi vào giữa học kỳ hai năm lớp 7, vì thời tiết ở thời điểm đó khiến tôi muốn có một chiếc găng tay mới. Một ngày nọ, tôi về đến khu nhà thì trời đã sập tối và một bóng đen ở dưới cầu thang khiến tôi khựng lại. Khi tới gần, tôi thấy Masayuki đang ôm đầu gối ngồi đó.

“Em quên chìa khóa nhà hả?”

Đó là lời bắt chuyện đầu tiên của tôi với cậu ấy. Tôi cũng từng một năm vài lần ra khỏi nhà mà quên không mang chìa khóa và phải chờ ở ngoài cho đến khi mẹ về. Cho nên, nhìn mặt Masayuki là tôi biết cậu ấy đang gặp chuyện nhưng tôi đã không thể đoán biết được sâu hơn. Cậu ấy hơi ngập ngừng một chút như thể suy nghĩ gì đó rồi gật đầu.

“Em vào nhà chị trong lúc đợi mẹ không?”

Mẹ tôi thường phải hơn 9 giờ mới về nên tôi chẳng cần phải xin phép ai cả. Đáp lại điều đó, Masayuki chỉ im lặng và lắc đầu. Có lẽ là cậu ấy bị mẹ cấm không được vào nhà người khác. Nghĩ thế, tôi không rủ thêm nữa mà chỉ nói: “Vậy chị chào em nhé!” rồi đi vào nhà của mình.

Nhưng khi đặt cặp sách xuống, nghỉ ngơi một lúc thì tôi nghe thấy tiếng chân và tiếng gõ đập cửa thùm thùm ở tầng trên, tôi cảm nhận được có người trên đó. Tôi đã nghĩ, không phải Masayuki quên chìa khóa mà là em ấy bị đuổi ra ngoài, có thể do cậu bé quá hiếu động, nghịch ngợm gì đó nên mới thế.

Trong khi, sự thật là: mẹ cậu ấy dẫn đàn ông về nhà.

Mẹ của Masayuki làm việc tại một công ty về văn phòng phẩm. Tôi biết được là vì mẹ cậu ấy thường mặc nguyên bộ quần áo đồng phục có in tên công ty trên ngực về nhà. Mẹ cậu ấy thường có vẻ ngoài quen thuộc trong bộ đồng phục giản dị màu xanh thẫm nên tôi không thể nghĩ rằng, cô ấy lại đuổi Masayuki ra ngoài để gặp gỡ đàn ông. Hơn nữa, lúc ấy dù tôi đã học cấp hai nhưng vẫn không biết làm thế nào để sinh em bé. Bởi vậy mà ngày hôm sau, dù tận mắt trông thấy mẹ Masayuki dẫn người đàn ông mặc đồng phục giống vậy vào nhà, tôi chỉ hình dung rằng chắc là họ ăn cơm cùng nhau.

Người nhận ra hai người này đang làm chuyện mờ ám chính là mẹ tôi. Không biết có phải do kết cấu của khu nhà hay không mà khi ở trong nhà, thay vì phòng bên cạnh thì tiếng ồn của nhà tầng trên lại vang vọng rõ hơn, vừa nghe thấy những tiếng động đó vừa ăn bữa cơm tối muộn nên mẹ tôi đã nhăn mặt khó chịu. Rồi mẹ nói với tôi điều này:

“Bạn bè xung quanh con có bạn nào hẹn hò với bạn trai chưa?”

Tôi không hiểu tại sao mẹ đột nhiên lại như vậy. Cho nên, lẽ ra chỉ cần trả lời đại cho qua thì tôi lại trả lời thành thật một cách ngu ngốc:

“Bạn chơi với con thì chưa có đứa nào có bạn trai cả, nhưng cùng lớp hoặc cùng câu lạc bộ thì cũng nhiều đứa có.”

Đúng lúc đó, mẹ tôi đập mạnh tay xuống bàn ăn kêu sầm một cái. Bát canh miso của mẹ tôi bị đổ nhưng mẹ lườm tôi như thể mẹ không nhìn thấy việc đó: “Đừng có bảo là mày cũng thế đấy nhé?”

Vẻ mặt giận dữ của mẹ tôi lúc đó như thể, nếu không có cái bàn chắn ngang thì mẹ đã xông thẳng vào tôi rồi cũng nên.

“Con không mà.”

Chẳng phải nói dối nhưng tôi đã phải cố hết sức mới nói ra được vỏn vẹn ba từ đó…

“Mẹ đi làm cật lực và sẽ nuôi con ăn học đàng hoàng cho đến khi con vào đại học nên con phải học hành thật chăm chỉ vào đấy. Bản thân con bây giờ phải ưu tiên cái gì nhất, hãy nhớ trong đầu cho thật kỹ đấy!”

Tôi chẳng có bạn trai, kết quả học tập của tôi cũng không tệ. Nhưng tại sao mẹ lại phải giận dữ đến vậy? Đã thế lại còn đột nhiên nổi giận. Lúc ấy, tôi chỉ muốn lao ngay ra ngoài nhưng nếu thế thì mẹ tôi sẽ cho rằng tôi có gì mờ ám nên tôi đành phải cắn chặt lưỡi chịu đựng. Đồng thời, tôi nhận ra âm thanh trên tầng là những âm thanh bẩn thỉu nên không còn cách nào khác, tôi vừa cố tình tạo ra tiếng động lách cách vừa chồng bát đĩa ăn xong rồi mang ra để ở bồn rửa bát.

Bất chợt, tôi dấy lên cảm giác lo lắng không biết Masayuki đang ngồi đâu trong hoàn cảnh này. Không lẽ cậu ấy vẫn còn ngồi ở dưới chân cầu thang? Tôi rất muốn ra ngoài để xem thế nào nhưng nếu tôi mở cửa ra thì không biết sẽ bị mẹ nói gì. Tôi vừa để ý tầng trên và ánh mắt mẹ vừa lấy sách giáo khoa trong cặp ra rồi bắt đầu ngồi ôn bài, dù tôi đã hoàn thành thời khóa biểu.

Trong căn nhà 1LDK[17] nên chẳng có chỗ để tôi có thể ngồi riêng một mình. Tôi vừa lo lắng cho Masayuki vì có thể cậu ấy đang bị đuổi ra ngoài, tôi vừa nhận ra rằng, việc cha mẹ để ý nhiều đến con cái không hẳn là con cái đang được cha mẹ bảo vệ.

Chính vì mẹ tôi chỉ có một thân một mình nên dường như, mẹ phải chịu gánh nặng về việc nuôi dưỡng tôi khôn lớn nên người. Ngay bản thân tôi cũng có ý nghĩ là mình phải đáp ứng được kỳ vọng của mẹ.

Tôi vẫn còn bận tâm về cậu bé hàng xóm nên giả vờ đóng rèm cửa để nhòm ra ngoài kính cửa sổ hướng về phía gần cầu thang. Tôi không thấy Masayuki ở đó nên cảm thấy hơi nhẹ nhõm một chút.

Tôi từng thấy, các chương trình truyền hình ngầm chỉ trích tại sao những nhà hàng xóm của gia đình xảy ra ngược đãi trẻ hay bạo lực gia đình nghe thấy tiếng mà lại không thông báo, biết mà lại giả vờ như không biết. Khi đó, các chuyên gia nói với vẻ mặt rất tự tin rằng: Đó là do mối quan hệ hàng xóm đã trở nên hời hợt, có nhiều người không quan tâm đến người khác, nhưng tôi nghĩ tôi không phải là người như thế.

Tôi chắc rằng, có rất nhiều người bận tâm nhưng hơn hết, họ còn đang phải vật lộn với những vấn đề của họ. Có thể, những người chỉ ngồi một chỗ lắng tai là có thể nghe được các âm thanh như tiếng quát tháo hay tiếng khóc từ nhà hàng xóm nhưng chắc gì tiếng ô tô chạy ngang bên ngoài cửa sổ đã lọt tai họ hoặc ngược lại. Vấn đề mà tôi gặp phải khi đó là do thứ âm thanh đã khiến mẹ tôi trở nên nhạy cảm thái quá, chính là vấn đề về người khác giới. Tuy nhiên, lúc đó, tôi cũng không hẹn hò với cậu con trai nào cả.

Vào mùa thu, ở đền Jinja[18] của phố tôi có một lễ hội nhỏ, và tôi đã hứa sẽ đi cùng bạn trong câu lạc bộ nên tôi đã bảo với mẹ tôi như thế.

Rie và Hanako, cả hai đều có kết quả học tập tốt nên mẹ tôi không nói gì nghiêm khắc về việc tôi đi chơi với hai cô bạn ấy.

Bởi mẹ tôi nói, mẹ muốn gặp các bạn ấy một lần cho biết nên tôi đã mời hai bạn ấy về nhà chơi vào ngày nghỉ. Từ sáng, mẹ tôi đã làm món Chirashizushi (món sushi trộn) và thậm chí còn đi mua thêm bánh ngọt về. Chắc là mẹ tôi đã quý các bạn ấy lắm . Mẹ tôi nói đi nói lại không biết bao nhiêu lần: “Mong các cháu giúp đỡ Yukina nhé!” Không những thế, mẹ tôi còn kể chuyện khiến tôi phải giật mình kinh ngạc:

“Bố của Yukina mất vì tai nạn giao thông ngay trước khi Yukina chào đời.. Chú ấy lúc đó đang là giảng viên đại học K. Nếu giống bố thì thành tích học tập của con bé đã tốt, đằng này có vẻ nó lại giống cô, đỗ do ăn may. Nếu được, các cháu chỉ nó cách học với nhé!”

Chuyện bố tôi mất vì tai nạn giao thông thì tôi có nghe nói, nhưng chuyện nghề nghiệp của bố tôi khi ông còn sống thì đây là lần đầu tiên tôi biết. Tại sao bây giờ mẹ tôi lại nói ra chuyện này? Mặc dù thắc mắc nhưng tôi không thể hỏi mẹ.

“Ôi, cô cũng học trường đại học K ạ? Cô giỏi quá ạ!”

Thấy Rie nói vậy, mẹ tôi nói hơi lấp lửng: “Đâu có đâu!” Nhưng mẹ cũng không phủ nhận hẳn và bảo chúng tôi: “Các cháu cứ tự nhiên!” rồi đi ra ngoài mua đồ.

Tôi nghĩ, có lẽ trong lòng mẹ tôi đang đấu tranh dữ lắm. Việc mẹ tôi phản ứng mạnh mẽ đến việc hẹn hò với con trai như thế chắc hẳn là do bản thân bà đã thất bại trong việc đó chăng? Mẹ sinh tôi ra khi mẹ 22 tuổi. Tôi tự cho rằng, bố tôi cùng tuổi với mẹ tôi, nhưng bố tôi là giảng viên thì có nghĩa là bố tôi phải hơn 40 tuổi, tức là gấp đôi tuổi của mẹ tôi. Sinh viên và giảng viên. Có thể là hai người dự định sẽ chờ cho đến khi mẹ tôi tốt nghiệp rồi mới đăng ký kết hôn. Nhưng nếu đó là một mối quan hệ đàng hoàng thì ngay khi phát hiện mẹ có thai, hai người đã phải đăng ký kết hôn rồi. Tôi đã nghĩ, liệu có khi nào hai người đã quan hệ bất chính hay không?

Tôi chưa từng được gặp ông bà của mình. Nếu bà ngoại có tính cách giống mẹ tôi thì chắc chắn bà sẽ từ mặt mẹ tôi khi biết mối quan hệ ấy sai trái. Ngược lại, nếu quan hệ của bố mẹ tôi là đúng đắn thì kể cả bà ngoại không đặc biệt yêu thương mẹ tôi đi nữa nhưng bà sẽ vẫn luôn dang tay giúp đỡ đứa con gái phải một mình nuôi con trong những khi cần thiết.

Tôi từng nghĩ rằng, có thể bố tôi và người vợ chính thức không có con nên việc mẹ tôi mang bầu tôi hẳn đã tính toán sẽ nhờ đó mà có thể làm vợ chính thức của ông. Nhưng bố tôi đã mất. Và ở thời điểm thai nhi không thể bỏ đi được nữa, mẹ tôi không còn cách nào khác là phải sinh tôi ra. Hẳn mẹ tôi đã nghĩ: Giá như không có con thì có lẽ mình đã có thể làm nhiều công việc mà mình muốn. Giá như mình không quá tập trung vào đàn ông…

Đối với mẹ tôi, việc sinh tôi ra là một thất bại. Cả việc hẹn hò với bố tôi cũng là một thất bại. Chính vì vậy, mẹ tôi mới không nói rõ về bố tôi. Việc mẹ tâm sự rằng, bố tôi mất vì tai nạn giao thông chắc là do mẹ tôi không muốn bị mọi người xung quanh nghĩ rằng: mẹ ở vậy nuôi con là do bị đàn ông bỏ rơi. Ngoài ra, tôi đồ rằng, chia sẻ câu chuyện này khá có ích đối với mẹ trong công việc bảo hiểm.

Tại sao mẹ tôi lại chia sẻ câu chuyện đó cho những cô bạn của tôi ngay trong lần gặp đầu ngắn ngủi? Thấy con gái mình có được những người bạn đúng với mong ước của mình nên quyết tâm mời tới nhà chơi thì cũng được thôi, nhưng sau đó lại bỏ bọn trẻ con ở lại “Các cháu cứ ở chơi nhé!” - rồi chợt nhận ra là chẳng có phòng cho chúng lui vào nên có thể mẹ tôi cảm thấy tủi thân chăng?

Tôi đã đoán rằng, gia đình mẹ tôi cũng phải là gia đình tương đối giàu có. Mẹ cũng muốn tôi có một bữa tiệc đãi bạn bè như hồi mẹ còn bé chăng? Nhưng tôi không có diễm phúc giống thế khi tôi đang sống trong căn nhà chật hẹp như thế này. Tôi cảm thấy như mẹ đang cố tình thông báo cho bạn bè tôi biết hoàn cảnh của tôi. Có lẽ, đó chính là câu chuyện về học vấn của mẹ tôi.

Mặc dù, tôi đang sống ở một nơi như thế này nhưng không phải là vị trí mà các người có thể coi thường. Để bảo vệ sự kiêu hãnh như thế, mẹ tôi đã nói ra câu chuyện mà bà giữ kín trước con gái bao năm nay, và cảm thấy hài lòng khi nhận được câu trả lời khiến bà thỏa mãn. Điều đó làm cho mẹ tôi càng thích những người bạn của tôi hơn và trở nên dễ tính hẳn khi nhắc đến chuyện đi chơi lễ hội, mẹ đã đồng ý chỉ sau hai câu trả lời của tôi và còn cho tôi cả tiền tiêu vặt

Nhưng mẹ đã không thấy tôi trong nhà khi bà trở về. Bà đã lo lắng đi ra đền Jinja thì nửa đường bắt gặp tôi đang ngồi trên xe đạp cùng với một cậu con trai…

Lúc đó, mẹ tôi cảm ơn cậu bạn kia rất tử tế, nhưng ngay khi về đến nhà, bà đẩy tôi ngã xuống sàn rồi bắt đầu mắng nhiếc tôi. Mẹ mắng tôi là nói dối, như thế này là không thể chấp nhận được. “Không phải thế đâu mẹ!” - Tôi vừa khóc vừa cố sức giải thích tình hình mọi việc. Tôi và Rie, Hanako, cả ba đứa đi cùng nhau đến lễ hội. Khi đến đền Jinja thì chúng tôi nhập hội với một nhóm mấy đứa hơi diêm dúa của câu lạc bộ chơi các loại nhạc cụ bằng khí. Khi đó, có một nhóm ba cậu bạn cùng lớp với các bạn đó cũng đến, rồi chúng tôi vừa cùng nhau ăn karaage (thịt gà tẩm bột chiên xù) và khoai tây rán mua tại quán cóc ở lễ hội vừa trò chuyện. Tuy vậy nhưng tôi hầu như không nói gì với bạn nam kia. Bởi ban đầu, chúng tôi đã thống nhất là sẽ chỉ đi lễ hội đến 9 giờ nên khi đến giờ thì chúng tôi giải tán. Bạn trai cho tôi ngồi nhờ xe mà mẹ bắt gặp chi đơn giản là về cùng đường với tôi mà cậu ta còn phải vội để nhập hội chơi game online.

“Nếu mẹ nghĩ con nói dối thì mẹ cứ hỏi Rie hay Hanako thì biết!”

Tôi thật ngu ngốc khi nghĩ rằng chỉ cần nói tên các cô bạn của mình thì mẹ sẽ hiểu cho.

“Cả mấy đứa đó, chắc cũng chẳng khác gì, cũng đi chơi với con trai đến tối muộn. Mẹ cứ nghĩ là bọn nó khá khẩm hơn một chút nhưng đúng là đặt niềm tin nhầm chỗ. Từ giờ về sau, đừng hòng mẹ cho con đi chơi chung với chúng nó!”

Nói rồi, mẹ tôi nhốt tôi trong tủ quần áo giống như phạt một đứa trẻ con phạm lỗi vậy. Chìa khóa ư? Tôi nghĩ, tủ quần áo trong một căn hộ cũ kỹ chẳng có chìa khóa đâu. Nhưng tôi đã không dám tự mình mở cửa tủ cho đến khi mẹ tôi bảo được phép ra… Trông anh như thể muốn hỏi tại sao tôi lại không chống đối ấy à? Đó là vì chỉ có hai mẹ con tôi sống với nhau.

Cả thứ Bảy, Chủ Nhật, lễ Giáng sinh hay kỳ nghỉ đông, tôi đều phải ở một mình. Ban đầu, Rie và các bạn cũng lo cho tôi và hỏi tại sao tôi lại không được đi chơi thì tôi trả lời là vì tôi phải học bài - có vẻ, họ dễ dàng chấp nhận điều đó. Và có thể, họ đã nói với nhau những lời khác về tôi khi tôi vắng mặt.

Bởi vậy, tôi gần như tập trung tất cả vào việc sống cùng mẹ và không làm mẹ nổi cáu nên tôi đã bẵng quên Masayuki.

Lần tiếp theo, tôi bắt gặp Masayuki dưới chân cầu thang là vào sau hôm Giáng sinh - Đó là buổi tối trước ngày xe thu gom rác tái chế đến thu gom rác theo định kỳ mỗi tháng một lần. Khi ra ngoài vứt đống báo cũ, tôi bắt gặp Masayuki đang ngồi thui thủi một mình ở đó. Tuyết rơi lất phất mà cậu ấy chỉ mặc có một chiếc áo khoác mỏng.

“Em đang làm gì thế?”

Vừa hỏi tôi vừa lại gần và suýt nữa thì hét toáng lên. Ngay cả dưới ánh đèn đường nhỏ cũng có thể thấy được là mắt Masayuki trông rất mệt mỏi. Con ngươi trông lờ đờ không còn sức sống. Chẳng phải là đang bị ốm hay sao?

“Mẹ em đâu?”

Tôi vội vàng hỏi nhưng Masayuki chỉ lắc đầu không chút sức lực. Vậy có nghĩa là mẹ cậu ấy không có nhà sao? Lúc đó, tôi mới chợt nhận ra là dạo gần đây, không còn nghe thấy tiếng động ở trên tầng nữa. Không lẽ mẹ cậu bé đi suốt không về? Thế nên, cậu ấy mới đói bụng và gầy sọp như thế này? Để ý đến mặt, tôi sững sờ khi nhìn thấy má cậu ấy cũng đang hóp lại. Tôi không thể nhận ra hình ảnh cậu bé dâu tây có làn da mịn màng đâu nữa. Đây không chỉ đơn thuần ở mức độ nhẹ là mới không ăn bữa hôm qua và hôm nay. Chẳng phải là không có bữa ăn tử tế từ một thời gian khá lâu rồi hay sao? Tôi giật mình nhớ ra… Cậu bé có thể gắng gượng vượt qua bằng suất cơm ở trường nhưng bây giờ đã vào kỳ nghỉ đông mất rồi.

“Đợi chị một tí!”

Tôi đặt đống giấy báo cũ đã buộc ở đó rồi quay vào nhà. Tôi muốn mang cho cậu ấy cacao nóng và súp ăn liền nhưng lúc đó lại đúng khoảng thời gian mà mẹ tôi thường về. Nếu khách quan nhận biết tình hình Masayuki đang gặp phải thì dù tôi cho cậu ấy cái gì đi nữa, mẹ tôi cũng sẽ cho đó là hành động đúng đắn. Nhưng gần đây, mẹ tôi đã hơi mất bình tĩnh, đặc biệt Masayuki lại là con trai nên chỉ cần nhìn thấy cậu ấy ở cùng với tôi là có thể mẹ tôi sẽ lại nổi cáu. Nghĩ vậy, tôi liền quyết định chọn thứ có thể đưa ngay cho cậu ấy được. May mắn là trong nhà có bánh kẹo. Đó là melon pan (bánh mỳ ngọt hình dưa lưới). Khi cầm bánh mỳ ra ngoài, tôi vẫn thấy Masayuki đang ngồi với tư thế và vị trí không thay đổi.

“Cho em cái này. Em ăn đi và đừng nói với ai là chị cho nhé!”

Tóm lại, tôi không muốn mẹ biết chuyện này. Nhét bánh mỳ vào tay Masayuki xong, tôi liền cầm đống báo cũ đã bọc đi ra chỗ vứt rác. Khi vừa đặt đống báo cũ lên trên các đống giấy rác đã chất đầy như núi, tôi liền nghe thấy tiếng gọi từ phía sau: “Mẹ về rồi đây!” Đó là mẹ tôi. Đúng là ngàn cân treo sợi tóc.

“Mẹ cũng nghĩ là phải bỏ ra kẻo quên. May mà có con!”

Mẹ tôi nói trong tâm trạng vui vẻ rồi kéo người tôi lại gần mẹ hơn. “Lạnh quá con nhỉ!” - Mẹ nói rồi khoác vai tôi cùng trở vào nhà. Tôi không thấy Masayuki dưới chân cầu thang nữa. Chắc là cậu ấy đã về phòng và đang ăn bánh, vừa nghĩ tôi vừa ngước mắt nhìn căn phòng tầng hai, thầm đoán phòng đã được sáng đèn.

Tối hôm đó, ngay cả khi đã vào giường nằm, tôi cũng chỉ toàn nghĩ về Masayuki.

Tại sao cậu ấy lại ở đó? Có phải là cậu ấy đợi mẹ hay không? Hay là cậu ấy mong ai đó giúp đỡ mình? Chắc chắn không phải là vế thứ hai rồi. Cũng thật may bởi tôi đã xuất hiện đúng lúc ở đó.

Tôi đang học lớp 7 và thỉnh thoảng có suy nghĩ về ý nghĩa tồn tại của mình giống như những đứa trẻ bước vào tuổi dậy thì khác. Ngay cả học hành, chơi thể thao, chơi đàn, nhan sắc, tất cả mọi thứ tôi đều ở mức trung bình khiến nhiều lúc tủi thân, tôi đã bật khóc một cách vô thức trong đêm và tự hỏi, liệu mình sinh ra trên đời có ý nghĩa gì không. Kể từ lúc mối quan hệ của tôi với mẹ tôi trở nên không tốt đẹp lắm, thi thoảng tôi đã nghĩ mình không nên sinh ra trên cõi đời này. Tôi cứ tưởng tượng ra một thế giới mà mình không tồn tại, ở đó mẹ tôi và những người bạn của mẹ đang cười đùa vui vẻ. Mỗi lần như vậy, tôi lại có ý nghĩ muốn biến mất khỏi thế giới này.

Nhà tôi không có máy tính, mẹ không cho tôi dùng điện thoại di động nhưng nếu có những thứ đó quanh mình thì chắc tôi đã tìm kiếm từ khóa “tự sát” nhiều đến mức cả hai tay cũng không đếm xuể.

Thế nhưng, tôi của tối hôm đó không nghĩ bản thân mình vô dụng. Masayuki vốn không thích người khác chiều chuộng mình hay dựa dẫm vào người khác nhưng cậu ấy đã ở đó và nhận bánh mỳ thì tôi tin là cậu ấy đã thực sự đến giới hạn. Nếu tôi không đưa bánh mỳ cho cậu ấy thì dễ chừng cậu bé đã chết vào tối hôm đó.

Tôi đã cứu sống Masayuki. Đó là ý nghĩa tôi tồn tại trên thế gian này. Người giúp cậu ấy sống là tôi và nhờ cậu ấy sống mà tôi có thể tiếp tục sống.

Masayuki đã nghĩ gì khi ăn melon pan mà tôi đưa? Mỗi khi cắn một miếng, vị ngọt sẽ lan tỏa khắp trong miệng, cậu ấy vừa gặm nhấm niềm vui sướng được ăn được sống vừa cảm thấy trân trọng điều đó chăng? Trong cơn tuyệt vọng, ánh sáng nhỏ nhoi đã được thắp lên chăng?

Nếu anh cho rằng tôi nói quá thì chứng tỏ anh đã có một cuộc sống thật đủ đầy, anh cảnh sát ạ.

Thế nhưng, nhờ việc giúp cậu ấy sống mà tháng trước, có ba mạng sống quý báu đã bị tước mất.

Người thứ nhất là một nữ sinh cấp ba mới 17 tuổi. Đó là đội trưởng của đội bóng bàn được mọi người vô cùng tin tưởng và cũng rất cố gắng học tập với mong muốn tương lai trở thành dược sỹ.

Nạn nhân thứ hai là một người đàn ông, 34 tuổi, đã đi làm. Nghe nói tháng trước, con trai anh ta vừa mới chào đời.

Người thứ ba là một phụ nữ ở nhà nội trợ, 52 tuổi. Nghe nói bác ấy rất mong ngóng chuyến đi tới Hawaii vào tháng sau, chuyến du lịch nước ngoài đầu tiên trong đời. Tôi có đọc trên báo tuần san thì được biết rằng, bi kịch xảy ra đúng thời điểm bác ấy đang rất mong chờ được tận hưởng cuộc sống sau thời gian chăm sóc phụng dưỡng cho bố mẹ chồng trong suốt nhiều năm trước đó.

Cả ba người đã bị Masayuki vung dao sát hại. Mọi người cho rằng, đây không phải là thù hằn cá nhân mà là hành hung bất kể đối tượng nào, tôi cũng đồng ý với điểm này.

Nếu người trong gia đình của các nạn nhân này biết được rằng, chính tôi đã từng cứu Masayuki trong quá khứ thì có khi họ đang oán hận tại sao năm xưa tôi lại không bỏ mặc cậu ấy. Ở trường đại học, không nhớ là giờ học gì, giảng viên đã từng hỏi các sinh viên của mình như thế này:

Giả sử, em đang chuẩn bị hạ tấm chắn đường ray khi sắp có đoàn tàu bị hỏng phanh đang điên cuồng lao đến: Bên này đường ray có một người dân thường lương thiện còn ở phía đường ray bên kia có 5 kẻ vô cùng độc ác. Em phải để lao đoàn tàu về một hướng nào đó. Vậy các em sẽ gạt cần gạt để hạ tấm chắn sang bên nào?

Tôi nghĩ câu hỏi chỉ đơn giản là sự lựa chọn giữa số người hay nhân cách của từng cá nhân. Khi đó, tôi đã chọn việc hi sinh những tên tội phạm. Tôi nghĩ điều đó chẳng có gì để bàn cãi cả nhưng lại có người chọn hi sinh người dân lương thiện khiến tôi đã rất ngạc nhiên. Rõ ràng, nếu xét theo đa số thì người đó thua nhưng người đó phản biện ở trình độ rất cao và lớn tiếng đầy tự tin. Tôi rất hững hờ khi nghe người đó nói về cái gọi là nhân quyền của những kẻ phạm tôi.

Cho đến bây giờ, nếu được hỏi cùng câu hỏi đó, tưởng tượng tên tội phạm đó chính là Masayuki thì tôi không thể đưa ra câu trả lời đơn giản như thời sinh viên được. Hơn thế nữa, tôi nghĩ nếu ném người mình không ưa ra để dừng con tàu đang lao như điên thì có gì hay cơ chứ?

Có thể, phía trước một bên đường tàu là kẻ phạm tội nhưng oái oăm thay, người biến cậu ấy thành tội phạm chính là tôi…

Không phải tôi đến đây chỉ để kể mỗi chuyện mình đã cho cậu ấy bánh mỳ như thế nào. Lỗi lầm của tôi không phải là cho cậu ấy bánh mỳ mà là vì tôi đã không chịu trách nhiệm về việc cho cậu ấy bánh mỳ.

Sau hôm tôi cho Masayuki bánh mỳ dưa lưới, ngay khi mẹ tôi đi làm, tôi liền làm cơm nắm onigiri[19] và mang qua nhà Masayuki. Suốt cả đêm, tôi vừa nghĩ đến Masayuki vừa chăm chú lắng nghe tiếng động của tầng trên nhưng vẫn không thấy dấu hiệu gì chứng tỏ mẹ Masayuki đã về nhà.

Bấm chuông cửa xong, tôi nghe thấy tiếng bước chân chạy lạch bạch tới gần và mở mạnh cửa. Mặc dù không còn là bầu má màu dâu tây nhưng trên gương mặt của Masayuki, sức sống đã quay trở lại. Nhưng khi nhìn thấy tôi, cậu ấy cúi xuống với vẻ thất vọng. Có vẻ như, cậu ấy cứ nghĩ là mẹ đã về.

Tôi xòe một bên tay đang nắm những nắm cơm được bọc cẩn thận bằng màng bọc thực phẩm ra trước mặt Masayuki. Masayuki không nhận lấy ngay như khi cậu ấy đón bánh mỳ. Điều đó chứng tỏ lòng kiêu hãnh của cậu ấy đã trở lại nhờ cái bánh mỳ tối hôm trước.

“Nếu cảm thấy phiền thì em vứt đi cũng được. Nhưng chị sẽ rất vui nếu em ăn nó và đừng bảo cho ai biết nhé!”

Tôi cố đưa giống như giúi vào tay Masayuki nắm cơm rồi biến mất. Thật ra, tôi cũng muốn biết tình hình bên trong nhưng các ông bố bà mẹ bỏ mặc con ở nhà thường sẽ nhắc con mình trong đe dọa rằng: dù có ai đến cũng không được phép mở cửa, hoặc không được cho vào nhà. Cũng có khi thỉnh thoảng họ về, nếu thấy có vẻ như ai đó đã đến nhà thì họ không thèm nghĩ là lỗi của mình mà sẽ trách mắng con ngay.

Dù là mong cứu sống Masayuki nhưng nếu tôi sơ sẩy thì có thể khiến cậu ấy phải mất mạng không chừng. Hơn thế, tôi cũng không có ý định muốn cậu ấy phải trả ơn. Tôi không trông mong câu cảm ơn từ cậu ấy, cũng không cần phải dẫn dụ khéo léo để cậu ấy tâm sự nỗi lòng của mình mà tôi chỉ cần đưa thức ăn cho cậu ấy là đủ. Tôi đã có ý nghĩ sẽ đưa cho cậu ấy đủ ba bữa. Nhưng tôi vẫn phải chú ý đến ánh mắt dòm ngó của những người khác sống cùng khu nhà. Không những mẹ của Masayuki mà ngay cả mẹ mình, tôi cũng phải chú ý để không bị phát hiện. Vì vậy, tôi quyết định một ngày chỉ ghé thăm cậu ấy một lần và lượng thức ăn đem cho cậu ấy cũng là lượng thức ăn mà tôi có thể bảo với mẹ là tôi đã ăn.

Nhờ thái độ giữ khoảng cách của tôi mà Masayuki đã mở lòng. Khi tôi ghé thăm nhà Masayuki lần thứ ba thì cậu ấy đã nói lời cảm ơn tôi. Hôm đó, tôi mang cho cậu ấy bánh bao nhân thịt mà tôi đã làm nóng lại bằng lò vi sóng. Có lẽ là do chiếc bánh bao nóng hổi bốc khói mà tôi cảm thấy bầu má cậu ấy hơi ửng đỏ giống như quả dâu tây sắp chín. Cuối cùng thì, cậu bé dâu tây của tôi đã quay trở lại.

“Em đang làm gì vậy?”

Cảm thấy vui vì được mở lời nên tôi cũng bắt chuyện với cậu ấy luôn.

“Làm bài tập ạ!”

“Úi chà, giỏi quá. Nếu có gì không hiểu thì để chị chỉ giúp em nhé?”

Tôi không hề có ý định là đã đến lúc mình phải xem tình hình trong nhà cậu ấy xem sao. Là con một nên tôi rất muốn biết những ai có anh chị em sẽ thế nào và tôi đã nói ra những suy nghĩ đó của mình. Tôi đoán sẽ bị cậu ấy từ chối và cũng đã hơi chuẩn bị sẵn tinh thần. Ngược với điều tôi nghĩ, đôi mắt Masayuki chợt sáng rực hơn cả lúc nhận bánh bao rồi gật đầu trả lời: “Vâng ạ!”

Tôi vừa quan sát xung quanh vừa bước vào nhà cậu ấy. Tôi đã hình dung ra cảnh quần áo vứt lung tung, bát đĩa chưa rửa đầy bồn và cơm thừa bốc mùi khó chịu nhưng hoàn toàn chẳng có chuyện đó. Ngược lại, trong nhà chẳng có gì cả. Tủ lạnh thì quả thật tôi đã không thể mở ra xem được, ở khu bếp thì hoàn toàn chẳng thấy bóng dáng đồ ăn như bánh kẹo, bim bim hay mỳ ăn liền mua về để đó. Đến mức, tôi cảm thấy sợ rằng, có lẽ nào mẹ cậu ấy sẽ đi mãi không về nữa?

Trong căn phòng trống trơn ấy, tôi xem bài tập môn tiếng Nhật giúp Masayuki. Có vẻ như Masayuki kém chữ Hán. Không biết có phải là chỉ dùng những chữ Hán mà mình đã học hay không mà ngoài bìa vở, tên của cậu ấy là “Kuroda Masayuki” được viết với những nét rời rạc chẳng ăn nhập gì trông như sắp sửa bay khỏi nhau đến nơi.

“Chữ Yuki trong tên Masayuki là chữ Hán nào vậy?”

Thấy tơi hỏi, Masayuki liền viết chữ HẠNH vào chỗ trống trong vở nhưng bị thừa mất một nét ngang.

“Giống tên của chị. Tên của chị lấy chữ HẠNH trong hạnh phúc và chữ NẠI trong địa danh Nara, gọi là Yukina.”

Chỉ đơn giản là tên có chữ Hán giống nhau cũng khiến tôi càng cảm thấy chúng tôi giống chị em của nhau hơn. Biết đâu, kiếp trước chúng tôi đã từng là chị em thật sự của nhau cũng nên.

“Chúng ta đều nắm giữ hạnh phúc đấy!”

Tôi - một đứa trẻ luôn bị mẹ giám sát nghiêm ngặt và Masayuki - một đứa trẻ bị mẹ bỏ mặc. Tôi đã hi vọng rằng, chỉ cần hai đứa chúng tôi giúp đỡ nhau thì chúng tôi có thể hạnh phúc. Tôi muốn ở bên cạnh cậu ấy suốt nhưng thời gian xem bài tập giúp cậu ấy lại chỉ vỏn vẹn có 1 tiếng đồng hồ. Để có thể duy trì mối quan hệ của chúng tôi lâu dài mà không bị ai phát hiện, tôi phải sắp xếp mọi thứ xen kẽ nhau. Ngày hôm sau, tôi lại đưa bánh mỳ cho Masayuki và xem bài tập giúp cậu ấy. Hôm đó là bài tập Toán.

Hôm sau nữa, tôi mua bánh cracker (bánh quy mặn) và một số đồ ăn bằng tiền ăn vặt hằng ngày mà tôi có để mang đến phòng Masayuki. Mẹ tôi đã bắt đầu kỳ nghỉ Tết cuối năm nên tôi không thể tiếp tục đến thăm cậu ấy được. Nếu mẹ tôi cho phép việc đi lại của tôi được tự do hơn thì tôi muốn cùng ăn mỳ soba[20] cuối năm và canh bánh dày ozoni[21] đầu năm với cậu ấy. Nhưng tôi biết chắc, đó là ước nguyện không thành. Tôi đã nghĩ ra cách khác thực tế hơn để Masayuki không bị chết đói, đó là: Tôi đã mang đến rất nhiều bánh kẹo để cậu ấy có thể trải qua những ngày cuối năm vui vẻ hơn một chút. Masayuki có vẻ đã rất vui.

Mặc dù không được cùng bạn bè ở trường đón Giáng sinh hay ăn tiệc mừng năm mới nhưng nụ cười của cậu ấy là món quà dành cho tôi mà không gì có thể sánh được. Buổi tối, khi nằm trong chăn, vừa ngước nhìn lên trần nhà, tôi vừa thầm nghĩ: hôm nay cậu ấy vẫn sống trên đó - Chỉ cần nghĩ như thế là tôi đã cho rằng, hôm đó là một ngày trọn vẹn.

Mẹ Masayuki trở về nhà vào sáng ngày mùng Một Tết. Buổi sáng hôm đó, tôi cùng mẹ đi lễ đầu năm ở đền Jinja. Khi chúng tôi hướng về khu bán hàng đầu năm của siêu thị thì thấy Masayuki đang được mẹ dắt tay đi. Masayuki cầm một chiếc túi đầy bánh kẹo có hình các nhân vật dành cho các bé trai. Vừa đi được vài bước là cậu ấy dừng lại nhòm vào trong túi giấy, gương mặt của Masayuki lúc đó hạnh phúc hơn bất cứ biểu cảm nào mà tôi đã thấy từ trước đến nay.

Dù có bị đối xử như thế nào thì con cái vẫn yêu mẹ của mình. Ngay cả bản thân tôi, dù tôi có cảm thấy buồn khi không được gặp bạn bè ở trường học nhưng được mẹ khen với bảng thành tích học tập kỳ hai thì tôi thấy thế thôi cũng đủ.

Masayuki trông có vẻ hạnh phúc nhưng tôi lại cảm thấy tức giận với mẹ của cậu ấy. Bỏ mặc con trong suốt thời gian như vậy, chẳng lẽ bà ấy nghĩ rằng chỉ cần bù đắp bằng số bánh kẹo như vậy là được hay sao? Nếu không có tôi thì có lẽ là Masayuki đã chết rồi cũng nên. Có khi, bà đã trở thành kẻ sát nhân rồi cũng nên…

Đến đây, tôi nhận ra sai lầm của mình: Sau bao lâu mới trở về, mẹ của Masayuki thấy cậu ấy trông vẫn khỏe mạnh thì có thể bà ấy sẽ nghĩ cứ bỏ mặc con chắc cũng chẳng sao. Nếu thế, bà ta sẽ không ăn năn về hành vi của mình, và có thể lần tới bà ấy sẽ đi lâu hơn.

Trong khi tôi thật sự lo lắng cho Masayuki thì mẹ Masayuki lại tỏ ra như không có gì, tiến về phía hai mẹ con tôi. Không biết có phải vì lời hứa với tôi hay không mà Masayuki nép sau mẹ mình và lúc đó cậu ấy cũng không nhìn về phía tôi.

“Cảm ơn cả nhà đã giúp đỡ chúng tôi trong năm vừa qua!”

Mẹ của Masayuki hướng về phía chúng tôi, đặc biệt là hướng về phía mẹ tôi cười tươi và cúi đầu chào. Tôi không dám nhìn vào mắt mẹ mình vì nghĩ rằng, lẽ nào bà ấy nhận ra gia đình tôi đã cho Masayuki ăn.

“Không dám, gia đình chị cũng đã giúp chúng tôi rất nhiều!”

Thấy mẹ tôi đáp vậy, tôi chưa kịp thở phào vì đó chỉ là câu chào hỏi xã giao đầu năm thông thường thì mẹ Masayuki đã mở lời khiến tôi không khỏi giật mình:

“Chúng tôi quyết định cuối tháng này sẽ chuyển nhà.”

“Tôi sẽ tái hôn!” - Mẹ Masayuki nói một cách tự hào với đôi má ửng hồng giống như đôi má của Masayuki trước đây.

“Thật là tốt quá, chúc mừng chị!”

Rồi mẹ tôi nói “Chào chị!” bằng giọng không chút cảm xúc mà ai cũng hiểu còn lạnh nhạt hơn cả câu xã giao đầu năm lúc nãy và đẩy lưng tôi tiến về phía khu bán hàng. Dù trong đầu tôi đầy ắp những câu hỏi mà tôi muốn biết như: không biết Masayuki có biết rõ về việc chuyển nhà hay không và cậu ấy tiếp nhận việc đó thế nào, nhưng tôi đã không thể ngoái đầu lại.

Về tới nhà, tôi chui vào ngồi bên bàn sưởi kotatsu[22] và dán mắt vào tivi nhưng nội dung trên tivi chẳng vào đầu tôi chút nào. Masayuki sẽ chuyển đi. Mẹ cậu ấy sẽ tái hôn, nếu nhờ đó mà mẹ của Masayuki không bỏ mặc cậu ấy nữa thì đây không phải là cuộc chia tay đau khổ. Nhưng tôi đã hoàn toàn không thể hình dung theo hướng tích cực được. Người đàn ông mà mẹ cậu ấy tái hôn chắc chắn phải biết là mẹ Masayuki bỏ Masayuki một mình ở đây trong suốt thời gian vừa rồi. Nếu đó là một người biết lễ nghĩa thì dù có muốn ở riêng hai người với nhau cũng sẽ bảo mẹ cậu ấy về nhà để thăm nom con. Trái lại, một người phụ nữ trông có vẻ ngoài nghiêm túc như thế mà lại có hành vi vô trách nhiệm như thế này thì có thể là do người đàn ông kia đã xúi giục cô ấy. Nếu Masayuki phải sống cùng người như thế thì liệu cậu ấy có bị bạo hành không đây? Càng nghĩ, tôi chỉ càng hình dung ra kết cục bất hạnh của Masayuki.

Nếu như họ cùng sống với người đàn ông đó tại khu nhà này thì tôi còn có thể bảo vệ được Masayuki. Nhưng khi họ chuyển đến sống ở một nơi thật xa thì… Thật sự là tôi sẽ chẳng thể giúp được thêm gì cho Masayuki.

Có tiếng cười vang ra từ tivi. Đây là chương trình hài Tết nên nếu tôi không cười thì có thể sẽ bị mẹ tôi nghi ngờ, nghĩ thế nên tôi lén nhìn mẹ tôi đang ngồi đối diện nhưng cũng không thấy mẹ tôi cười.

“Có gì mà buồn cười chứ, thật chả hiểu nổi!”

Nói rồi, tôi chuyển kênh sang chương trình ca nhạc. Lúc với tay lấy điều khiển tivi để trên bàn, tôi không bỏ lỡ việc mẹ tôi liếc nhìn lên trần nhà. Có lẽ là bản thân mẹ tôi cảm thấy chẳng có gì hay ho trước việc tái giá của mẹ Masayuki.

“Mà kệ thôi, sao chẳng được!”

Không biết mẹ tôi nói với cái tivi hay nói với cái trần nhà nữa. Một ý nghĩ bỗng xẹt qua đầu tôi giống như một dòng điện chạy ngang qua. Nếu mẹ Masayuki không còn ở căn phòng tầng trên nữa thì có thể mẹ tôi sẽ trở về là người mẹ trước đây. Mẹ tôi sẽ không còn đặc biệt để ý đến đàn ông nữa và có thể chúng tôi sẽ sống một cuộc sống yên bình.

Có thể, tôi sẽ được tự do.

Càng mong chờ như vậy, tôi lại càng cảm thấy xấu hổ khi mình lại có những suy nghĩ đó. Chẳng lẽ chỉ cần mình hạnh phúc là được hay sao? Rốt cuộc, Masayuki chỉ là sự tồn tại giúp tôi tự an ủi và khích lệ bản thân bớt bất hạnh hay sao? Chẳng phải, tôi cần nghĩ xem mình nên làm gì để cả hai được hạnh phúc hay sao?

Ít nhất, chẳng lẽ tôi không hỏi được địa chỉ mà cậu ấy sẽ chuyển tới hay sao?

Lúc tôi vẫn còn lo lắng suy nghĩ thì học kỳ mới cũng đã bắt đầu và ngày Masayuki sắp chuyển nhà cũng đến gần. Nhưng, nỗi lo lắng của tôi đã được giải quyết theo cách mà tôi cũng chẳng thể nào nghĩ ra.

Mẹ của Masayuki bị một kẻ hành hung bất chợt tấn công trên đường và bị thương khá nặng ở mặt. Những vết rạch bằng dao ở má và ở mặt đã trở thành nguồn tin cho một vụ việc rất lớn không chỉ ở quanh khu nhà tôi mà cả trong trường học. Đã thế, vẫn chưa bắt được hung thủ. Khi biết rằng, người bị hại sống cùng khu nhà với tôi thì cả Rie và Hanako đang dần trở nên xa cách hơn với tôi ở trường cũng hỏi tôi một cách quan tâm rằng, đó là người như thế nào. Tất nhiên, tôi không nói đó là người bỏ mặc con mình ở nhà.

Tôi chỉ trả lời một cách chung chung: “Tớ cũng không biết rõ!” Thực tế thì, tôi hầu như cũng chẳng biết chi tiết gì về vụ việc đó. Thoáng gặp mẹ của Masayuki, tôi cũng chỉ thấy bà ấy băng bó khắp đầu trông chẳng khác gì xác ướp. Cùng thời gian đó, tôi thường hay bắt gặp Masayuki đi bộ, trong tay xách túi đồ toàn là thức ăn liền. Tôi cảm thấy nhói lòng khi nhìn thấy cảnh cậu ấy dốc hết sức để chăm sóc cho người mẹ.

Tôi vừa nghĩ đó là quả báo của mẹ Masayuki vì đã bỏ mặc cậu ấy vừa cảm thấy yên tâm vì trong khoảng thời gian tới, tôi không cần phải lo lắng chuyện Masayuki có thể bị chết đói.

Các cô bạn học của tôi lo sợ nguy cơ bị hung thủ kia tấn công, cho đến khi có tin đồn hung thủ là nữ và động cơ là do thù hằn cá nhân lan rộng thì đề tài này cũng dần lắng xuống vì ai cũng nghĩ: “Nếu thế thì chẳng liên quan đến mình!” Người mà mẹ của Masayuki định tái hôn có qua lại với một người phụ nữ khác, và người phụ nữ đó đã tấn công mẹ cậu ấy.

“Vậy nên mới tấn công ở mặt đấy!”

Rie nói với giọng đắc ý. Không biết có đúng với ý đồ của hung thủ hay không mà dù đã qua cuối tháng nhưng vẫn không thấy Masayuki và mẹ cậu ấy chuyển đi, cũng không thấy bóng dáng người đàn ông kia đến nhà.

Nhưng tôi cũng không thể khẳng định rằng như thế là Masayuki đã trở nên hạnh phúc. Vì thỉnh thoảng tôi mới bắt gặp mẹ cậu ấy nhưng bà ấy luôn trong tình trạng lảo đảo như say rượu. Dù đã tháo băng nhưng vết thương ở hai bên má vẫn còn lưu lại rất to. Không biết có phải bà ấy ghét việc đi ra ngoài với gương mặt đó hay không mà Masayuki thường phải xách túi mua đồ khi đi học về.

“Việc mua đồ có vất vả lắm không?”

Một hôm khi gặp Masayuki trước khu nhà, tôi liền hỏi cậu ấy. Masayuki im lặng lắc đầu nhưng khi ghé mắt vào túi mua đồ, tôi thấy có cả bánh kẹo, sô-cô-la trong đó nên cũng an tâm hơn một chút.

“Nếu có gì khó khăn, em cứ nói cho chị biết nhé!”

Tuy nói thế nhưng trong lòng tôi cho rằng, mình đã vượt qua điểm khó khăn của vấn đề rồi. Tôi cũng không thể lo lắng 100% cho Masayuki được, và dường như tôi đã bị Masayuki nhìn thấu điều đó. Tôi thầm nghĩ, chẳng phải tôi mong muốn hai đứa tôi đều trở nên hạnh phúc hay sao?

Và Masayuki đã quyết tâm phục thù.

Dù Masayuki và mẹ cậu ấy đã thôi không chuyển đi nữa nhưng bóng dáng đàn ông trong căn phòng tầng trên, à không, bóng dáng của việc quan hệ trai gái ở tầng trên không còn nữa nên đúng như dự đoán hời hợt của tôi: Mẹ tôi không còn nghiêm khắc với tôi như trước nữa. Tất nhiên là mẹ vẫn cấm tôi không được đi chơi hay hẹn hò với bạn trai nhưng mẹ đã cho phép tôi ra ngoài chơi với Rie và Hanako, những cô bạn gái của tôi. Điều đó cũng đủ khiến tôi cảm thấy hạnh phúc rồi. Tôi có một bí mật giấu mẹ, đó là năm lên lớp 8, tôi được một bạn nam cùng câu lạc bộ tỏ tình và chúng tôi đã hẹn hò với nhau. Đương nhiên, tôi phải chú ý hết sức để không bị mẹ phát hiện. Bạn trai đầu tiên trong đời của tôi chính là cậu bạn Shirai Kouki. Trong câu lạc bộ chơi nhạc khí, cậu ấy phụ trách chơi kèn trombone, dù không nổi bật lắm nhưng cậu ấy là một người rất lanh lợi và hiền lành. Chính vì vậy, cậu ấy đã lo lắng khi đột nhiên không thấy tôi đi chơi cùng mọi người. Cậu ấy nói rằng, nếu gặp chuyện gì khó chịu ở câu lạc bộ thì cứ chia sẻ với cậu ấy, nhưng tôi không thể kể cho cậu ấy chuyện về mẹ tôi mà chuyện đó thì cũng đã được giải quyết rồi.

Nhưng, chỉ cần tôi bị mẹ bắt gặp khi hai đứa đi với nhau thì đó sẽ là lần cuối và tôi sẽ phải quay lại chuỗi ngày tháng tẻ nhạt đó. Nếu thế thì thà không hẹn hò với bạn trai cho xong! Ở thời điểm đó, dường như tôi thấy hứng thú trước việc phải giữ kín bí mật. Có một sự thật là, nếu mẹ tôi tỏ ra hiểu cho việc con gái mình có bạn trai thì có khi tôi đã từ chối Shirai vì thực ra tôi không thấy cậu ấy có gì hấp dẫn. Chỉ vì muốn giữ một bí mật nào đó trước mẹ nên đối với tôi lúc ấy, đối phương là ai cũng được.

May mắn thay cho tôi là cậu ấy cùng câu lạc bộ nên tôi cũng không cần phải gọi điện thoại để lên lịch hẹn hò mà cũng không phải kỳ công che giấu mẹ tôi. Công việc bảo hiểm mà mẹ tôi phụ trách là ở thị trấn kế bên, tôi chỉ cần tránh khu vực đó ra là không sợ bị mẹ bắt gặp nữa. Nói là hẹn hò nhưng chúng tôi vẫn chỉ là học sinh cấp hai, việc gặp gỡ chỉ loanh quanh khu ngồi ăn ở siêu thị hoặc đi các trung tâm chơi game mà thôi. Đến bây giờ, tôi cũng chẳng thể nhớ nổi hồi đó chúng tôi đã nói những chuyện gì với nhau. Chúng tôi hầu như đi chơi chung với cả câu lạc bộ nên việc đi chơi riêng cũng rất ít xảy ra, thế mà mẹ tôi vẫn phát hiện ra bí mật này. Chẳng hề có dấu hiệu gì báo trước. Đó là thời điểm chuyển mùa nên phải thay loạt quần áo mới và khi tôi bỏ bộ đồng phục mùa hè ra thì mẹ tôi đi làm về. Tôi thầm nghĩ, thật đúng lúc để xin mẹ tiền mua quần áo lót mới. Đồng phục của nữ ở trường cấp hai mà tôi theo học là bộ váy thủy thủ, mặc bên trong sẽ là áo phông hoặc áo hai dây kiêm áo lót có độn ngực. Đối với học sinh lớp 7 thì chỉ được mặc màu trắng, nhưng từ năm lớp 8 trở đi thì được phép mặc cả màu đen. Để không lo lắng về trang phục lộ liễu với sự e ngại tuổi dậy thì, Rie và Hanako đều bảo sẽ nói mẹ mua cho màu đen, tôi cũng định sẽ như thế.

“Thế mà cũng nói được, chuyện đó mà không biết xấu hổ!”

Cả ánh mắt lẫn lời nói của mẹ tôi đều hết sức lạnh lùng. Chuyện về áo dây kiêm áo lót của con gái thôi mà biểu hiện của mẹ tôi vẫn khá gắt. Tôi không hiểu tại sao mẹ tôi lại phản ứng như thế!

“Yukina, thứ Sáu tuần trước, tan học xong, con có đi cùng ai không?”

Trong thoáng chốc, người tôi bỗng cứng đơ cả lại, tôi cảm thấy mồ hôi hột đang toát ra từ nách, lạnh cả người. Đó là hôm tôi cùng với Shirai đi ăn ở khu ăn uống trong siêu thị. Vì chúng tôi đã hứa đi ăn đá bào cùng nhau ngay khi người ta bắt đầu bán năm nay.

“Con đi cùng các bạn trong câu lạc bộ!”

“Cả nhóm Rie cũng đi cùng?”

Tôi im lặng gật đầu.

“Đừng có nói dối mẹ. Mày đi chơi riêng với thằng nào đúng không? Mẹ nghe người ta nói rồi đấy!”

“Ai nói ạ?”

Có người đã mách với mẹ tôi?

“Đó không phải là việc của con!”

Trước giọng nói cao hơi phó mặc cho cơn giận dữ đó, tôi hơi cảm nhận được hàm ý “Không ổn rồi!” Trong công việc, có thể mẹ tôi giao tiếp rất rộng, nhưng những người mẹ tôi quen biết qua công việc thì chắc chắn không biết mặt tôi. Còn những người sống ở khu nhà này biết mặt tôi thì chẳng thân thiết đến mức mách cho mẹ biết.

Bỗng chốc, tôi chợt nhận ra một điều vô cùng quan trọng. Chẳng phải tôi biết rất rõ một người thường hay xách túi mua đồ ở siêu thị đó hay sao? Đó chính là Masayuki. Nhưng lẽ nào chỉ vì nhìn thấy tôi đi cùng với một cậu bạn khác mà cậu ấy lại mách cho mẹ tôi biết hay sao? Không, chính vì là cậu ấy nên cậu ấy mới làm vậy. Hai chúng tôi lẽ ra phải cùng giúp đỡ nhau sống, vậy mà tôi lại đi cùng với người con trai khác và khi cậu ấy nhìn thấy cảnh đó thì chắc chắn cậu ấy cảm thấy đã bị tôi phản bội.

Mẹ tôi bắt tôi phải cho số điện thoại của cậu bạn kia. Khi tôi lảng đi: “Con không biết!” thì mẹ tôi nhấc điện thoại lên bàn dọa: “Thế thì mẹ sẽ gọi điện đến trường và yêu cầu nhà trường phạt con vì tội chơi bời trai gái không lành mạnh!” Đến lúc này, tôi đành phải đưa cho mẹ danh sách các thành viên trong câu lạc bộ chơi nhạc và chỉ vào tên của Shirai nói “Là cậu ấy!” Mẹ tôi cứ thế nhấc máy lên gọi điện thoại. Có vẻ như Shirai đang đi học thêm chưa về nên mẹ tôi đã nói những lời lẽ vô cùng tồi tệ với mẹ của cậu ấy:

“Nhà chị dạy dỗ con trai kiểu gì thế hả? Ngộ nhỡ có chuyện gì thì chị định chịu trách nhiệm thế nào hả?”

Ngộ nhỡ có chuyện gì hay cái gì gì đólàm gì có, chúng tôi thậm chí còn chưa nắm tay nhau nữa. Trước mắt tôi trở nên tối sầm lại, tôi không biết từ mai mình sẽ đến trường như thế nào đây? Giá mà có bom rơi xuống trường có phải tốt không? Giá mà ngày mai, khi mở mắt ra, cả thế giới đã là tận thế có phải tốt không? Trong lúc tôi suy nghĩ lung tung chẳng đâu vào đâu thì mẹ tôi vẫn tiếp tục nói những câu nặng lời:

“Nhân tiện, chồng của chị tốt nghiệp trường đại học nào ra vậy?… Trường gì mà chẳng nghe thấy tên bao giờ? Thế thì kể cả có bảo nhà chị về dạy lại con trai cho hẳn hoi thì chắc cũng chả dạy được đâu nhỉ!”

Mẹ thôi đi! Tôi liền chạy lao ra khỏi nhà. Muốn bỏ trốn đến một nơi thật xa. Tôi chỉ muốn chạy trốn đến một nơi mà mẹ tôi không thể đuổi theo tôi. Nhưng tôi chẳng biết nên đi về hướng nào, nếu đã thế thì cứ trốn tạm đi cái đã. Nghĩ thế, tôi hướng về phía dưới cầu thang và đã có vị khách khác đến trước.

Đó chính là Masayuki. Tôi không biết tại sao cậu ấy lại ở đó. Chẳng lẽ, mẹ cậu ấy lại không về nữa hay sao? Hay là cậu ấy bị mẹ đuổi ra khỏi nhà? Hay là cậu ấy cãi nhau với mẹ? Thôi, thế nào cũng được! Vì lúc đó, rõ ràng là tôi đang bất hạnh hơn cậu ấy. Hơn nữa, nguyên nhân là do Masayuki mà ra. Tôi muốn trách cậu ấy, muốn lấy hết sức chửi cậu ấy một trận… Những cảm xúc ấy dâng lên trong tôi nhưng khi nhìn mặt Masayuki, nước mắt tôi lại trào ra trước. Không còn sức lực nữa, tôi ngồi thụp xuống cạnh cậu ấy. Masayuki yên lặng không nói gì, để cho tôi ngồi gần như thể muốn động viên tôi.

“Cứu chị với…”

Tôi ôm đầu gối cúi xuống rồi nói như thể giọng bị đè nén bao lâu nay.

“Cứu chị! Chị đã từng cứu em còn gì…? Lần này em cứu chị đi chứ!”

Masayuki không trả lời. Cửa nhà ở tầng một mở và mẹ tôi gọi tên tôi. Dù có khổ sở thế nào, tôi cũng chỉ còn cách là quay trở lại chỗ của người đó.

“Xin lỗi em, em quên chuyện vừa nãy đi!”

Tôi nói vậy với Masayuki rồi quay vào nhà. Không biết có phải mẹ tôi đã nói ra hết được những gì mà mẹ tôi nghĩ cũng như xả bớt được những căng thẳng thường ngày hay không mà mẹ không còn giận tôi nữa.

“Tóm lại, trên đời này, mọi thứ tùy thuộc vào hên xui. Việc bị thằng đàn ông không ra gì nó lừa cũng chỉ là do không gặp may mà thôi!”

Đó là lời cuối cùng mà tôi nghe được từ mẹ. Tối hôm đó, khu nhà tôi đang sống xảy ra hỏa hoạn. Nơi phát hoả là nhà của Masayuki. Mọi người nói, nguyên nhân đám cháy là do mẹ cậu ấy chưa dập tắt hẳn tàn thuốc lá nhưng tôi lại nghĩ liệu có phải Masayuki đã châm lửa đốt hay không. Bởi vì đó chính là hôm tôi cầu xin cậu ấy giúp đỡ, liệu có chuyện trùng hợp như thế hay không?

Cậu ấy hiểu rằng tôi đã bị mẹ chất vấn tội của mình nên cậu ấy đã cứu tôi? Bằng chứng là…

Đêm hôm đó, tôi đã nghe thấy tiếng gọi của Masayuki từ ngoài cửa sổ: “Chị ơi!” Đầu tôi vẫn còn lơ mơ không biết có phải mình đang mơ ngủ hay không cho tới khi tôi nhìn thấy ngọn lửa đã cháy cao vút tới trần nhà, tôi vội vàng nhảy ra ngoài cửa sổ. Sau khi mải chạy như bay ra ngoài, sực nhớ cần phải cứu mẹ nên tôi liền quay trở lại chỗ cửa sổ và hét thật to: “Mẹ! Mẹ ơi!” Nhưng không có dấu hiệu gì là mẹ tôi đã tỉnh giấc. Sau này tôi mới được biết, mẹ tôi đã uống thuốc ngủ, không riêng gì tối hôm đó. Mẹ tôi đã có tiền sử đi viện, khoa nội điều trị tâm lý. Lần đầu mẹ tôi đi khám là vào khoảng thời gian mẹ của Masayuki dẫn đàn ông về nhà. Mẹ tôi đã nhận ra bản thân bà gặp bất ổn về tâm lý…

Giá mà ít nhất mẹ cũng nói với tôi là mẹ đang theo điều trị ở bệnh viện thì có lẽ tôi đã suy nghĩ bao dung hơn với mẹ. Nếu thế thì tôi đã thực hiện đúng yêu cầu của mẹ và tự nhủ với lòng mình sẽ không hẹn hò với bạn trai cho đến khi mẹ khỏi bệnh. Và như thế, tôi cũng đã không cầu xin Masayuki cứu tôi. Và có lẽ… mẹ tôi cũng đã không phải chết như thế này!

Trong trận hỏa hoạn của khu nhà, mẹ tôi và mẹ của Masayuki đã qua đời.

A, tôi lỡ kể chuyện này ra thì chỉ khiến số người mà Masayuki đã giết tăng lên thôi, đúng không? Thế nhưng, nửa còn lại cũng là do lỗi của tôi.

Cả khu nhà bị thiêu rụi, mẹ tôi cũng qua đời nên tôi được đưa vào trung tâm nuôi dưỡng và bảo trợ nhi đồng. Do trung tâm này ở thị trấn kế bên nên tôi cũng phải chuyển trường cấp hai. Tôi đã có thể biến mất mà không cần phải gặp Shirai, Rie và Hanako nên có thể nói, Masayuki đã biến mong ước của tôi thành hiện thực.

Sau đó, tôi không gặp Masayuki. Tôi nghe nói cậu ấy đã về sống với họ hàng ở một vùng quê nào đó xa lắm nên tôi đã nghĩ chắc chẳng bao giờ gặp lại cậu ấy được nữa. Nếu có một điều ước thì tôi mong rằng cậu ấy sẽ sống thật hạnh phúc dưới bầu trời này. Mong ước đó luôn theo suốt trong tôi. Chính vì vậy, chỉ cần đi ngang qua tôi cũng có thể nhận ngay ra Masayuki. Đó là vào tháng trước. Khi tôi ghé vào cửa hàng điện máy trước cửa ga để mua cái máy hút bụi mới thì tôi đi ngang qua một chàng trai trông quen quen như đã gặp ở đâu rồi. Tuy thiếu vẻ nhẵn mịn nhưng bầu má đỏ màu dâu tây trong một thoáng đã gợi nhớ ký ức của tôi quay trở về quãng thời gian năm xưa.

“Masayuki!”

Khi nghe tiếng gọi đằng sau lưng, cậu ấy dừng chân rồi ngoái đầu lại. Gương mặt như hiện vẻ “À!” nên tôi biết cậu ấy cũng đã nhận ra đó là tôi. Điều đó mới vui làm sao.

“Em có khỏe không?”

Lẽ ra, tôi nên chú ý đến việc dù tôi có hỏi gì, cậu ấy cũng im lặng không nói. Nhưng gặp được cậu ấy, tôi rất vui nên cứ huyên thuyên kể suốt về mình.

“Sau đợt đó, mặc dù chẳng thể nói là không vất vả nhưng chị sống cũng ổn. Phải rồi, giờ chị làm cho công ty Smile Pan, cái công ty bánh mỳ dưa lưới đó. Mặc dù lương thấp, sống cũng không được dư dả lắm. Hôm nay chị đi mua cái máy hút bụi. Thật ra, giờ chị có bạn trai rồi, lần tới anh ấy sẽ đến chơi nên chị phải dọn dẹp thật sạch sẽ. À phải rồi…

Tôi lấy trong túi xách ra cuốn sổ tay rồi xé một mẩu giấy, viết số điện thoại của mình lên đó rồi đưa cho Masayuki.

“Masayuki, nếu được, mời em tới chơi nhà chị. Thế nhé!”

Không rõ cậu ấy nói “Ừm!” hay trả lời “Ừ!” nữa. Tôi nghe không rõ lắm nhưng Masayuki đã nhận lấy tờ giấy mà tôi đưa. Thế rồi, cậu ấy đút mẩu giấy vào trong túi quần bò rồi giơ một tay lên chào tôi vào bỏ đi: “Chào chị!”

Tôi nhìn mãi theo bóng Masayuki. Cậu bé còn nhỏ ngày nào, cậu ấm dâu tây yêu quý của tôi bây giờ đã cao hơn hẳn tôi và trở thành một người đàn ông thực sự. Nhờ có tôi mà có cậu ấy. Nhờ có cậu ấy mà có tôi.

Dù thế nào, tôi cũng phải nói ra suy nghĩ đó.

Sau đó một tuần, tại cùng cửa hàng điện máy mà tôi đã gặp lại cậu ấy, cậu ấy đã vung dao giết chết 3 người và làm 11 người bị thương.

Cậu ấy đã không được sống những ngày hạnh phúc. Vậy mà tôi lại đi nói với cậu ấy về việc tôi đang sống rất hạnh phúc. Hơn thế, tôi lại còn kể cho cậu ấy nghe về chuyện tôi đã có người yêu. Chắc chắn là cậu ấy cảm thấy bị phản bội lần nữa sau một khoảng thời gian dài không gặp: “Nhờ có ai mà mày có được hạnh phúc?”

Cũng có thể, cậu ấy không nghĩ tôi giống như chị gái của cậu ấy. Mặc dù 5 tuổi cũng là khoảng cách khá xa, vào thời điểm đó, có thể không thuộc đối tượng yêu đương nhưng với hiện tại thì người ta vẫn đến với nhau dù hơn kém tuổi như vậy. Tại sao tôi lại không nhận ra điều đó khi gặp lại cậu ấy cơ chứ?

Cảm giác tuyệt vọng khi biết người duy nhất giúp nâng đỡ trái tim mình phản bội mình đã đẩy cậu ấy gây nên tội ác lần này.

Tất cả mọi tội lỗi đều là do tôi.

Tất cả là do tôi đã sai.

Vậy nên, mong các anh đừng phạt cậu ấy mà hãy phạt tôi đây…

“Cô ta là ai?”

Đó là lời đầu tiên của Kuroda Masayuki khi nghe nói về Amano Yukina. Có vẻ như cậu ta thật sự không nhớ cái tên này chứ không phải là cậu ta tỏ ra thái độ xấc xược.

Nếu cho các bà nội trợ thích xem phim truyền hình nghe đoạn băng ghi âm câu chuyện của Yukina thì chắc họ sẽ thấy thích lắm đây. Tôi vừa thầm nghĩ vừa cho Kuroda nghe, rồi hỏi lại hắn lần nữa về Amano Yukina.

“Là bà chị kinh tởm đó ấy à?”

Kuroda lẩm bẩm như thế rồi bắt đầu kể từng chút một về thân phận của mình. Mặc dù định im lặng đến phút chót nhưng dường như có một số điểm hắn ta muốn phản bác lại lời khai của Yukina.

Sau đây là lời khai của Kuroda mà tôi đã tóm tắt lại:

— Kuroda chưa từng một lần bị mẹ bỏ mặc. Mẹ Kuroda sống mà không gây ra bất cứ tiếng ồn nào cũng như không để xuất hiện bóng dáng của mình từ lúc chủ nhà bên dưới là mẹ của Yukina gọi cuộc điện thoại khó chịu.

— Người tình của mẹ Kuroda rất cưng chiều Kuroda…

— Người mẹ hiền dịu của hắn thay đổi kể từ sau khi bị thương ở mặt. Hơn nữa, vài lần có thư gửi đến nơi làm việc tố cáo mẹ của Kuroda và người tình của bà ngược đãi trẻ em nên người tình của bà thấy phiền phức và từ bỏ hôn ước. Mẹ của Koruda nghi ngờ thủ phạm gây ra chính là mẹ của Yukina.

— Người mách chuyện Yukina hẹn hò với bạn trai không phải là Kuroda.

— Người phóng hỏa chính là Kuroda nhưng đó là vì cậu bé không chịu được những cơn bạo hành của mẹ mình, chứ hoàn toàn không liên quan gì đến Amano Yukina.

— Kuroda nhớ việc gặp Yukina ở cửa hàng điện máy nhưng không nhận ra đó là Yukina mà chỉ nghĩ là tự nhiên bị một con mụ dở hơi bắt chuyện. Và hắn cảm thấy bực tức vì điều đó thì đúng.

Cuối cùng, Kuroda nói rằng, động cơ khiến hắn hành hung là “vì đã quá chán với cuộc sống không gặp may mắn”. Đây đúng là động cơ dại dột, tuyệt chẳng thể đồng cảm được, nhưng quả thật không thể nói hắn là người có cuộc đời may mắn được.

Một trong những điều không may mắn của hắn chẳng phải bao gồm cả việc gặp gỡ với mẹ con nhà Amano hay sao?

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenFun.Vip