KỲ NGHỈ HÈ - 3

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng
Sau khi kỳ nghỉ hè kết thúc, Nao kể với bạn bè về người bố dịu dàng và người chú thú vị của nó. Từ trước đến dạo gần đây nó đã luôn ghen tỵ với những đứa trẻ kể về ba mình, tuy nhiên hiện tại nó đã không còn cảm thấy như thế nữa. Mặc dù đã li hôn, nhưng nó vẫn có một người cha hiền hậu. Tớ thích ba nhất. Nó đã có thể ưỡn ngực nói như thế. Và cũng thấy sung sướng vì đã có thể nói như thế. Chiếc nón được ba mua tặng trở thành bảo bối quý giá nhất của nó, đi đâu nó cũng đội chiếc nón ấy.

Nao nói với mẹ "nghỉ hè năm sau con cũng muốn đến chỗ của ba chơi". Người mẹ mà cả tên của ba cũng không cho nó biết đã lắc đầu "tuyệt đối không được". Tuy nhiên Nao đã không nhượng bộ. Nó vẫn muốn gặp lại ba và chú thêm một lần nữa. Mẹ của nó ban đầu còn lên cơn kích động "ba con tốt đến thế à! Còn tốt hơn cả mẹ à!", tuy nhiên bà đã chịu thua sau nhiều lần Nao van nài, và cho phép nó đi đến chỗ bố chỉ ba ngày trong kỳ nghỉ hè.

Từ kỳ nghỉ hè năm tiếp theo, năm nào Nao cũng đến chơi tại thành phố gần biển có nhà ba nó ở đấy. Trong ba ngày Nao đến chơi, cả ba lẫn chú đều xin nghỉ việc, chơi với nó thật nhiều để bù đắp cho phần của một năm không được gặp nhau. Đi tắm biển, dắt Ao đi dạo, chăn con mèo Shiro đã trở nên căm ghét nó, đốt pháo hoa ngoài hiên nhà, đến thành phố lân cận dự lễ hội mùa hè... thoắt một cái đã hết ba ngày.

Người vui chơi và thấy thích thú hầu như là chú. Ba nó chỉ thường nhìn thôi, tuy nhiên chú lại chơi với nó rất nghiêm túc. Ông cũng thật sự hậm hực khi chơi trò chơi bị thua Nao.

Mặc dù chỉ đi chơi trong ba ngày vào kỳ nghỉ hè song gọi điện thì thường xuyên. Vào trung học, nó bắt đầu hay bàn bạc xin ý kiến ba hơn là với mẹ. Lý do một phần cũng vì có nhiều chuyện khó nói được với mẹ, hơn nữa khó khăn lắm mới vừa xoay sở với công việc bận bịu vừa phải làm việc nhà, mẹ nó không có dư thời gian để nghe tâm sự của con trai.

Khi gọi điện, người bắt máy thường là chú. Cho nên lắm lúc nó cũng mải nói chuyện với chú mà quên luôn việc cần phải xin ý kiến ba.

Đấy là ngay sau khi nó vào năm thứ hai sơ trung. Mẹ thú nhận với nó "mẹ đã thích một người rồi". Đối với Nao sự xuất hiện của người yêu của mẹ là một đả kích không nhỏ, khi mà nó đã luôn âm thầm cầu mong cho mối quan hệ của ba mẹ được hàn gắn. Quá shock, nó không nghĩ ngợi gì đã gọi điện cho ba. Phía bên kia đầu dây, ba nó chìm trong im lặng một hồi lâu.

– Nao.

Giọng nói của ba rất thấp, hơn nữa còn rất bình tĩnh.

– Ba nghĩ, việc mẹ con gặp được người mình thích là một chuyện đáng mừng.

– Nhưng mà, nếu thế thì ba sẽ...

– Ba phải xin lỗi Nao, nhưng mà ba không có ý định sẽ đến với mẹ con đâu.

So với việc người yêu của mẹ xuất hiện, việc hai người không có khả năng tái hợp khiến nó bị đả kích nhiều hơn.

– ...tại, tại sao chứ...

– Sẽ khó giải thích cho con hiểu... tuy nhiên việc tái hợp là không thể. Nhưng mà trong hộ khẩu việc Nao là con của ba sẽ không bao giờ thay đổi. Cho nên, cho dù cuối cùng ba và mẹ không thể quay lại với nhau nhưng mà ba vẫn luôn mong mẹ con được hạnh phúc đấy.

Nghe những điều ấy nó thấy nhẹ nhõm hẳn. Bởi vì cho dù mẹ có người yêu đi nữa, giả sử người đấy có thành ba dượng của nó đi nữa, nó vẫn có thể an tâm rằng ba thật của mình vẫn là người này.

Tháng năm, nó cùng người đàn ông là người yêu của mẹ và mẹ, cả ba người đã dùng bữa với nhau. Người đàn ông kia tên là Taguchi Hiroyuki, hơn ba nó ba tuổi. Ban đầu, nó có thể thấy rõ ông ta căng thẳng đến cứng đơ cả người trước đứa trẻ con là mình, nhìn cảnh đó nó bắt đầu thấy tội cho ông. Tuy nhiên đến khi có hơi men một chút, nó mới biết ông là một người hoạt bát, hay nói, hay cười. Cho nó ấn tượng như ông bằng chú và ba nó cộng lại rồi chia hai vậy.

Sau đó cả ba người cùng dùng bữa với nhau thêm bốn lần nữa. Và sau bữa ăn lần thứ tư, nó bị Taguchi hỏi bằng một gương mặt căng thẳng rằng "cháu cho phép chú lấy mẹ chứ?". Gương mặt ba thoáng hiện lên trong đầu nó. Taguchi không phải là người xấu. Tuy nhiên người này đâu nhất thiết phải trở thành ba của nó.

Mẹ nó có vẻ lo lắng trước việc nó không trả lời. Ba của nó đã bảo rằng không có khả năng nào cho việc tái hợp, và muốn mẹ nó được hạnh phúc. Bản thân Nao cũng muốn mẹ mình được hạnh phúc.

– Vâng. Nhờ chú đem lại hạnh phúc cho mẹ cháu.

Nao nhìn vào mắt Taguchi, chậm rãi cúi đầu xuống.

Vào tháng bảy, mẹ và Taguchi kết hôn. Mặc dù nói là kết hôn song hai người không tổ chức lễ cưới, chỉ nhập hộ khẩu rồi dọn đến căn hộ rộng hơn thôi.

Takamura Nao đổi tên thành Taguchi Nao, người bố dượng sống trong nhà nó như một lẽ tất nhiên, tuy nhiên Nao vẫn không thể gọi Taguchi là ba. Một phần cũng vì nó luôn ý thức một cách mạnh mẽ rằng ba mình chỉ có mỗi mình Douno. Taguchi rất hoạt bát, hiền từ. Tuy nhiên ông không phải là ba ruột của nó. Ông chỉ là người đàn ông đang sống chung với nó. Là chồng của mẹ nó. Trong đầu nó tách bạch như thế.

Trước khi vào kỳ nghỉ hè, vừa xong đợt kiểm tra cuối kỳ nó nói "năm nay con sẽ đến chỗ ba vào ngày sáu đến ngày tám tháng tám đấy nhé", mẹ bèn trưng ra một vẻ mặt kỳ quái khác hẳn bình thường.

– Tại sao?

– Tại sao gì chứ... mỗi năm đều đi còn gì...

– Ba con đang ở nhà rồi đấy thôi?

Giọng điệu của mẹ cứ như là đã quên mất sự tồn tại của người bố đang ở Kanagawa khiến nó tức tối.

– Đúng là vậy, nhưng mà ba của con thì chỉ có một người thôi.

Mẹ đang định nói gì đấy... song lại cúi đầu xuống, dường như bà đã nhận ra sự khó chịu của đứa con trai.

– ...mẹ biết là Nao rất quấn ông ấy, nhưng mà con không thấy như thế là rất không phải với ba dượng à? Đã vậy bây giờ con vẫn chưa gọi Taguchi san là ba đúng không?

Ngay lập tức nó trở nên ngượng ngùng. Trong Nao cũng có một nỗi áy náy với việc không gọi Taguchi là ba.

– Chẳng phải Taguchi san đã nói gọi hay không cũng được à? Bảo là không gượng ép đấy.

– Đúng là thế, nhưng hiển nhiên là trong lòng rất mong con gọi rồi.

Nao cắn chặt môi.

– Con cũng thấy như thế là có lỗi với Taguchi san, nhưng mà con muốn đi gặp ba. Dù sao cũng chỉ được gặp ba mỗi năm một lần thôi mà.

– Năm nay thì thôi cái đấy đi, nhé. Thay vào đó ba người chúng ta cùng đi du lịch đi.

Mẹ nói với nó thật dịu dàng cứ như là dỗ ngọt.

– Du lịch gì đấy sao cũng được, cho con đến chỗ của ba đi.

– Mẹ đã bảo là năm nay thôi đi mà!

– Không.

Cứ "đi" "thôi đi" rồi lại "đi" " thôi đi" cả hai người cứ như đang chơi trò ai bướng hơn ai. Cuối cùng, không nhận được sự đồng ý của mẹ, Nao lấy cớ về nhà bà ngoại dưới quê để đi đến nhà của ba.

Nao thích căn nhà thuê cũ kỹ mà ba đang ở, cả cái không khí rất riêng của ngôi nhà ấy. Ra khỏi nhà ga, băng qua khu phố mua bán lỗi thời, băng qua chiếc cầu nhỏ, nhìn thấy bức tường rào từ xa xa của căn nhà thuê, không hiểu sao lòng nó lại thấy nhẹ nhõm.

Bất kể thực tế, căn nhà rất cũ, tiếng cot ket trên sàn mỗi năm lại một nghiêm trọng hơn, bữa chiều mà chú làm cũng toàn là cà ri như thể đấy là lẽ tất nhiên... Nó ngủ trưa tại căn phòng có chiếc bàn thì Ao lên tiếng sủa. Shiro chậm rãi đến gần, dường như cuối cùng con vật cũng có ý định tha thứ cho nó.

Năm tiếp theo Nao cũng đến nhà ba vào kỳ nghỉ hè. Mẹ nó đã không còn cấm cản nữa. Thay vào đó bà dặn dò "hãy giữ bí mật với Hiroyuki san cho mẹ nhé", vì thế Nao không cho Taguchi biết việc nó đã đi gặp ba ruột vào kỳ nghỉ hè.

.

Vào mùa thu khi Nao vào năm cuối cấp ba, em trai nó ra đời khiến cho cả nhà bỗng trở nên rộn ràng. Đấy là một đứa bé lúc nào cũng phấn khởi cười khanh khách, rất biết làm nũng Nao mỗi khi nó phụ người mẹ bận rộn chăm em. Khi đứa em trai bập bẹ tập nói, sợ thằng bé sẽ lấy làm lạ nếu mình cứ gọi "Taguchi san" mãi, Nao đã bắt đầu gọi "ba". Lần đầu tiên nó gọi "ba", Taguchi đang vừa cười vừa nói bỗng không cầm nổi giọt nước mắt đàn ông. Nó đã rất ngạc nhiên. Gọi hay không cũng được... mặc dù đã nói thế song ông đã luôn canh cánh việc nó không gọi ba. Nghĩ thế, nó hối hận rằng mình đã làm điều có lỗi với người này.

Vào đầu năm hai cấp ba bắt đầu có những có những buổi hướng nghiệp. Nao muốn vào khoa văn trường đại học tư thục, tuy nhiên phản ứng của mẹ lại không ổn lắm. Có thể một phần vì đấy là trường tư thục, nên cho dù có giải thích rằng nó muốn tham dự giờ giảng của một giáo sư trong trường mẹ vẫn hỏi lại "con sẽ học gì chứ?" bằng một vẻ mặt lo âu. Cả giáo viên hướng nghiệp cũng bảo những người có nguyện vọng vào khoa văn đa phần đều là nữ, rằng nó không được thực dụng... Bị những người xung quanh nói "không được đâu" cả Nao cũng thấy muộn phiền. Trường tư thục thì học phí cao, hơn nữa nhà nó còn có cậu em mà từ giờ sẽ phải tiêu rất nhiều tiền. Khi nói chuyện với Taguchi, ông đã bảo "chỉ cần làm những gì con thích là được", tuy nhiên sau này nó lại vô tình nghe được ông nói với mẹ "anh thấy nó nên chọn những ngành kinh tế hay là khoa học kỹ thuật thì hơn nhưng...".

Sau một hồi hoang mang Nao bèn xin lời khuyên của ba. Ba nó hỏi trường nguyện vọng và khoa học, lý do tại sao lại muốn theo học ở đấy. Rồi ngày hôm sau hay là ngày hôm sau nữa nó lại gọi điện đến thì điện thoại bị tắt ngang. Và rồi hai ngày sau đấy, ba chủ động gọi điện đến di động của Nao, ông nói thế này "con cứ theo trường nguyện vọng của mình là được".

– Tại sao?

– Tại sao là sao, là con muốn đi cơ mà?

– Đúng là thế nhưng mà...

Sao con lại trở nên nhút nhát hơn nhỉ, khác hẳn ban đầu...ba nó cười nói.

– Ba đã thử tìm hiểu ngôi trường mà con đã nói nhưng mà... uhm. Ba đã biết thứ con muốn học, biết vị thầy giáo mà con muốn được tham dự giờ giảng, nếu đã có mục tiêu rõ ràng đến thế thì ba không có lý do nào để phản đối cả. Ngược lại, ba còn cảm thấy ghen tỵ vì con có được một mục tiêu như thế ấy chứ.

Trước câu nói không ngờ được, Nao hỏi lạ "thật chứ?".

– Vì ba đã vào đại học mà không có một mục tiêu đáng kể nào cả mà. Nếu không biết mình nên làm gì thì chọn một ngành học dễ kiếm việc cũng là một cách, nhưng Nao thì không như thế. Ba nghĩ việc có mục đích là một điều tuyệt vời đấy.

– Nhưng, nhưng mà mẹ cũng không hiểu lắm, còn thầy hướng nghiệp lại bảo khó xin việc...

– Có thể như vậy cũng nên, nhưng mà Nao thích mà. Vị giảng viên ấy đấy. Tình cảm thích một thứ gì đó sẽ trở thành sức mạnh trong cuộc đời của con. Chỉ cần con thành thật với những gì mình thích chắc chắn sẽ làm được gì đó thôi. ...đã thế con người đâu phải là động vật giỏi giang lắm đâu. Cố gắng vì một thứ mà mình không thích là một điều cực khổ, ba nghĩ thế.

Những lời nói của ba đã thổi bay nỗi hoang mang trong Nao. Không như Taguchi chỉ nói "được mà" ngoài miệng, ba đã suy nghĩ rất nhiều mới cho nó ý kiến. Chắc chắn ông không hề nêu bừa cho xong. Mặc dù biết là điều không nên, song nó đã lỡ so sánh ba và Taguchi. Con người đấy không thành thật đối diện với nó. Có vẻ ông sợ sẽ bị nó ghét.

Sau khi nỗi hoang mang bị xóa sạch, mùa đông năm cuối cấp ba, Nao dự thi vào trường đại học tư thục nguyện vọng của mình trong nội thành Tokyo và đã trúng tuyển. Trong khi tìm chỗ ở, Nao chợt nảy ra ý định muốn xin ở nhờ nhà ba. Trường đại học thuộc Tokyo nhưng chệch về phía Tây, thử tra cứu thì khá là gần. Đi bằng xe điện không mất tới ba mươi phút. Một khoảng cách đủ để nó đi lại mỗi ngày.

Bởi vì tại đấy có một vị giảng viên mà con muốn được dự giảng bằng mọi giá, nó đã giữ lập trường của mình đến cùng và chọn ngôi trường đại học đấy, song vẫn còn canh cánh chuyện đấy là trường tư thục. Tất nhiên nó vẫn có ý định sẽ đi làm thêm, song nếu bớt được khoản tiền nhà thì chi phí sẽ nhẹ hơn khá nhiều.

Căn nhà thuê ấy mặc dù cũ nát nhưng được cái là rất nhiều phòng. Nó biết cũng có căn phòng được sử dụng như một cái kho chỉ dùng để chất đồ đạc. Nó cũng biết sau khi tái hôn, mẹ còn tỏ ra khó chịu với việc nó đến nhà ba hơn trước. Biết đấy, nhưng nó cũng sắp tốt nghiệp cấp ba, sắp trở thành sinh viên đại học rồi. Nó nghĩ đến tuổi này chắc nó phải có quyền tự do đi gặp ba ruột của mình. Mặc dù mẹ đã nói làm thế là có lỗi với Taguchi, nhưng Taguchi là người tốt. Có vẻ chỉ cần nói ra ông cũng sẽ hiểu được nỗi lòng của nó.

Ngày hôm đấy, khi đang cho thằng em ngồi lên đùi và chơi cùng với nó để mẹ chuẩn bị cơm tối, Nao bắt chuyện với bà, hiện đang đeo một chiếc tạp dề.

– Mẹ ơi, con muốn nói đến chuyện phòng trọ ở Tokyo...

– Đã tìm được chỗ nào tốt rồi à? Hay là con muốn mẹ cùng đi đến văn phòng bất động sản một lần?

Mẹ không quay mặt lại, chỉ cho con dao cử động bầm bập một cách quy củ.

– Chuyện là thế này, con muốn xin ở nhờ chỗ của ba.

Tiếng động của dao ngừng lại. Mẹ nó quay mặt lại.

– Ba là...

– Là ba ở Kanagawa. Trường đại học nằm về phía Tây cho nên khá là gần đấy. Chỗ đấy vẫn còn phòng trống nữa. Vì con đã chọn một trường tư thục cho nên phải tốn kém nhiều mà. Con cũng có ý định đi làm thêm, nhưng mà nếu ở đấy thì ít ra cũng đỡ được tiền thuê nhà.

– Con, đang nói cái gì chứ...

Mẹ trưng ra một vẻ mặt không biết là tức giận hay đang khó xử.

– Con nói thật lòng đấy. Chắc là Taguchi san sẽ cho phép thôi, ông là người biết lắng nghe mà. Hơn nữa, con sắp thành sinh viên đại học rồi, con nghĩ mình đã có thể tự quyết định việc của bản thân rồi.

Mẹ nó cau mày, chạm ngón tay hơi cong lại lên môi.

– Con bảo là muốn ở đó... nhưng mà chẳng phải ở đó còn có Kitagawa san à?

– A, thế à. Nhưng nếu là chú chắc cũng sẽ không thấy phiền đâu? A, nhưng mà con vẫn chưa bàn với ba đâu. Con muốn nói chuyện với mẹ trước mà.

Mẹ và nó chỉ trao đổi với nhau bằng ánh mắt. Một cái gì đó kỳ quặc giữa hai người. Mặc dù Nao đang bàn bạc với mẹ, song chín mươi phần trăm nó đã định sẽ ở nhờ nhà ba. Mười phần trăm còn lại, chính là sự phản đối của Taguchi.

Mẹ nó rửa tay xong bèn đặt người xuống phía đối diện của chiếc bàn ăn nơi Nao đang ngồi. Mẹ định phản đối nó một cách nghiêm túc đây... nghĩ thế Nao bèn chuẩn bị tư thế sẵn sàng để ứng đối.

– Mẹ không chấp nhận chuyện con đến ở nhờ nhà Douno đâu.

Giọng điệu hệt như ra lệnh. Dường như mẹ thậm chí còn không chấp nhận thương thảo, điều đó khiến nó tức tối.

– Chấp nhận hay không chấp nhận không phải là việc mẹ có thể quyết định. Chỉ cần Taguchi san và ba nói được, con sẽ đến đấy ở nhờ thôi.

– Tại sao con lại thích Douno đến thế chứ? Ông ta còn tốt hơn cả Hiroyuki san sao!

Nao rất ghét câu hỏi đầy cảm tính của mẹ. Bởi từ nhỏ đến nay nó đã bị hỏi không biết bao nhiêu lần những điều tương tự.

– Đây không phải là vấn đề ai tốt hơn, ai xấu hơn. Ba là ba, còn Taguchi san là Taguchi san. Chẳng phải đấy là điều không thể so sánh à.

Mẹ cụp mắt xuống, áp tay vào trán rồi thở dài thườn thượt. Sau khi cào cào đám tóc con trước trán rồi vân vê dái tai của mình một cách bồn chồn, mẹ ngước mặt lên. Bà nhìn thẳng vào mắt Nao bằng ánh mắt nghiêm khắc.

– Đã đến lúc con nên thôi đeo bám Douno rồi. Con... có còn là trẻ con nữa đâu.

– Thôi đeo bám là sao chứ? Mục đích con đến đấy đâu phải là để làm nũng ba. Đã bảo là ở nơi đấy chắc sẽ đỡ cho nhà mình hơn nên con mới...

– Nếu con sống ở đấy sẽ mang đến phiền toái cho Douno đấy.

– Phiền toái hay không, nếu không hỏi thì làm sao mà biết chứ.

– Con, không phải là con của Douno.

Mẹ đã nói thật chậm rãi, thật rõ ràng thế nhưng Nao lại hỏi lại "hả?".

– Con, không phải là con ruột của Douno đâu. ...mẹ đã ngoại tình với người khác trong khi đang làm vợ Douno rồi có mang con. Mẹ yêu Douno nên không muốn chia tay, nhưng ông ấy đã không chịu tha thứ. Mẹ không muốn ly hôn nên đã không chấp nhận thỉnh cầu ly hôn của Douno, trong khi đấy thì con ra đời... mẹ đã xin ông ta đừng để con sinh ra thành một đứa con hoang cho nên về mặt giấy tờ ba của con chính là Douno nhưng sự thật hai người không có máu mủ gì với nhau cả.

– Mẹ... mẹ đang nói gì chứ...

Cuống họng nó khô khốc. Giọng nói run lên. Đôi tay đang bế em run lẩy bẩy. Mẹ nó thế thấy bèn ẵm lấy đứa bé từ trong tay Nao. Nó cúi đầu xuống, lấy hai tay ấn vào mặt mình. Thế rồi nó hỏi bằng một giọng thấp gần như rên rỉ.

– Nếu như ba... không phải là ba ruột của con, thì con rốt cục là con của ai chứ...

– Taguchi Hiroyuki.

Mẹ nó bình lặng nói. Nao từ từ ngẩng mặt lên.

– Người ba hiện nay của con, Hiroyuki san chính là ba ruột của con.

...mình chẳng hiểu gì cả, nó thật sự nghĩ như thế.

– Người mà mẹ đã ngoại tình chính là Hiroyuki san. Mặc dù đã chia tay trước khi ly hôn với Douno nhưng bẩy năm trước mẹ và ông ấy đã vô tình gặp lại nhau. Cả hai đều đã gặp rất nhiều chuyện... thật sự là rất nhiều chuyện, cả hai đều đã có rất nhiều chuyện bất hạnh, nhưng biết đâu lần này có thể bên nhau một cách êm đẹp thì sao, nghĩ thế mẹ và ông ấy đã nói chuyện với nhau thật nhiều lần, cuối cùng mới đến với nhau. Khi được trở thành ba của con trai mình, Hiroyuki san đã mừng đến phát khóc đấy.

Nó đã luôn nghĩ đấy bà ba của mình. Đã tin người đấy là ba ruột của mình mà không có một mảy may nghi ngờ... Nao nhớ lại kỳ nghỉ hè nó đến căn nhà tại Kanagawa lần đầu tiên. Sự cảm động tựa hồ lồng ngực run lên khi được ông dịu dàng xoa đầu. Nó cứ tưởng bởi ông là ba mình nên mới có thể khiến nó có cảm giác như thế.

– ...ngoại tình là sao chứ. Đã vậy người đấy còn là Taguchi nữa. Hai người làm như thế, chẳng phải là đã biến ba thành trò cười à?

Vẫn cúi đầu, Nao thổn thức thật thấp.

– Bây giờ có bị con nói thế nào mẹ cũng không trách. Sự thật là mẹ đã ngoại tình mà. ...nhưng mà, ngay cả Douno cũng đâu chỉ có một mình mãi đâu. Bên cạnh ông ta, chẳng phải lúc nào cũng có Kitagawa san còn gì.

– ...chú...?

Cái đầu đang cúi gằm xuống bèn ngẩng lên.

– Kitagawa san là người yêu của Douno đấy.

Đến lúc này thì nó chẳng còn biết đâu là đâu nữa. Chỉ riêng sự thật bản thân không phải là con ruột của ba thôi nó còn chưa chấp nhận được hết nữa là, ba và chú là người yêu của nhau... đấy là sao chứ? Cả hai người rất thân thiết với nhau. Cực kỳ thân thiết nhưng mà, bầu không khí giữa họ đâu phải của đôi tình nhân, hay của hai người quấy quýt lấy nhau. Chỉ cho cảm giác hai người bạn thân thiết sống chung rất hòa thuận với nhau thôi...

Mọi thứ trong đầu nó trở nên rối tung. Mẹ nó đã ngoại tình với Taguchi, rồi nó được sinh ra, mẹ mới ly hôn với ba. Sau khi ly hôn, mẹ đã tái hôn với đối tượng ngoại tình là Taguchi, còn ba thì trở thành người yêu của chú. Nếu chỉ nói đơn giản như thế thì dễ hiểu. Dễ hiểu nhưng mà cảm xúc của nó lại không thể theo kịp. Những chuyện như thế, nó không muốn chấp nhận.

– Ba... ba biết chuyện con không phải là con ruột của ba chứ...

– Biết chứ. Bởi đấy chính là nguyên nhân ly hôn mà.

Đứa trẻ từ kết quả của cuộc tình vụng trộm của người vợ. Đứa trẻ đấy là nó. Vậy thì đối với ba, nó là một tồn tại như thế nào chứ? Bằng chứng cho sự phản bội của vợ ông? Bằng chứng của một lỗi lầm không chối cãi đi đâu được?

Nao che miệng bằng cả hai tay mình. Người biến ba thành kẻ ngốc không phải mẹ, cũng không phải Taguchi mà chính là nó. Chính là việc nó đang sống. Vào mùa hè đầu tiên nó đi gặp ông, ban đầu ba đã tỏ ra khó chịu, xa cách. Thái độ đấy của ông bây giờ nó đã hiểu rõ. Cho dù nó có đến ba cũng chẳng có lý do gì để vui mừng. Chẳng có lý do nào để cưng chiều nó. Chẳng những thế ông còn chẳng có lý do gì để có thể yêu thương nó.

Nhưng mà... nhưng mà, Nao nghĩ. Nó có cảm giác mình đã được yêu. Có cảm giác mình đã được cưng chiều. Tại ngôi nhà đấy, nó có cảm giác mình đã được hai người ấy vô cùng yêu thương. Mỗi khi đến kỳ nghỉ hè cả hai đã xin nghỉ phép để chơi chung với nó. Cả những câu chuyện vô vị cũng lắng nghe một cách nghiêm túc, cả những chuyện vớ vẩn cần lời khuyên cũng chịu bàn bạc với nó thật lâu.

– ...ba đã, chẳng nói gì với con cả.

Cậu em trai khóc ré lên, mẹ nó khẽ đung đưa dỗ em.

– ...hồi tiểu học, sau khi đến nhà Douno, con đã khăng khăng đòi đến gặp Douno mỗi kỳ nghỉ hè đúng không. Lúc đấy mẹ đã nói chuyện với Douno qua điện thoại. Cả hai cùng cho rằng có thể Nao vẫn cần một người cha, và Douno đã ngỏ lời "nếu như em không phản đối, tôi có thể đóng vai ba cho đến khi em tái hôn". Nhưng mà, bất kể mẹ có tái hôn rồi, con vẫn cứ đinh ninh Douno là ba mình rồi gần gũi ông ấy... khi ấy con vẫn là một đứa trẻ, mẹ cũng không thể nói sự thật với con.

Mẹ ôm chặt em trai vào lòng, thở dài.

– Con đã được Douno yêu chiều đến mức tin rằng ông ấy là ba ruột mà không có lấy một nghi ngờ nào nhỉ.

Nước mắt tuôn trào. Nó khóc, trước sự dịu dàng của ba, sự dối trá dịu dàng của ba, và cả cái lý lẽ trẻ con, giá như người đấy là ba ruột của mình thì tốt biết mấy, mình thích người ấy đến thế cơ mà...

– Mẹ lại nghĩ, con là một đứa trẻ hạnh phúc đấy.

Giọng của mẹ nó khẽ vang lên lạc lõng trong sự yên lặng.

.

... ...

.

Sau khi tốt nghiệp đại học, Nao làm việc tại một nhà xuất bản lão làng tên là Shinkasha. Nhà xuất bản có một tờ báo văn nghệ dành cho lớp độc giả trẻ tuổi là "Quo Vadis", nguyện vọng của Nao là được vào bộ phận biên tập của "Quo Vadis", tuy nhiên nơi được phân vào lại là bộ phận biên tập của một nguyệt san về y học.

Bộ phận hoàn toàn khác với nguyện vọng, đã vậy tạp chí y học thì dùng rất nhiều từ ngữ chuyên ngành. Chỉ nhớ những thứ đấy thôi cũng đã đủ vất vả. Đã thế nội dung chính của tạp chí là những luận văn, có cấu trúc và mục đích hoàn toàn khác với tiểu thuyết. Từ điểm đó nó phải cải tạo lại đầu óc của mình.

Bài biên tập của một sinh viên vừa mới tốt nghiệp không phải là thứ có thể sử dụng được ngay, Nao đã phải tập hợp tài liệu, dọn dẹp theo chỉ thị của đàn anh, được giao cho những trang mà ai cũng làm được rồi bị nạt "đừng có mất quá nhiều thì giờ cho những trang đơn giản thế chứ"... những chuyện cứ lặp đi lặp lại.

Vào tháng sáu, khi đã bắt đầu quen dần với tiếng quát tháo của đàn anh đã từng khiến nó giật mình lúc ban đầu, Nao phát hiện có chữ ký "Kitagawa Kei" trong số tranh minh họa nội tạng được đàn anh giao nhiệm vụ "lưu vào file, sắp xếp dọn dẹp lại đi". Nó đã rất kinh ngạc.

Là chú. Người yêu sống chung với ba... Cho đến tận bây giờ, mặc dù đã biết đấy không phải là bố ruột song khi nghĩ về Douno, Nao vẫn gọi ông là "ba".

Khi được cho biết hai người là người yêu của nhau nó đã rất sửng sốt... tuy nhiên điều đó không đủ để khiến nó ghét hai người.

Nhìn thấy chữ ký nó mới nhớ ra một cách đầy thân thương, rằng hình như chú đã vẽ loại tranh minh họa kiểu này rất thuần thục. Năm nó đến lần đầu, chú đã bị ba mắng rất thảm vì bỏ lơ kỳ hạn giao tranh để đi chơi với mình. Từ năm tiếp theo, trong ba ngày nó đến chơi, cả hai người đều xin nghỉ làm để dành hết thời gian chơi với nó. Bởi vì chú đã không hề mang đồ nghề vẽ ra khi có nó, cho nên Nao đã quên bẵng đi rằng chú là một họa sĩ vẽ minh họa.

Chú vẫn vẽ loại tranh sở trường của mình như trước. Việc chú đang làm việc hẳn là có thể hiểu rằng chú đang khỏe. Ba thì sao... cả Ao, Shiro nữa, đều thế nào rồi nhỉ... Khi sắp tốt nghiệp cấp ba, được mẹ cho biết sự thật "không phải là con của Douno", thì từ đó nó đã không còn đến chỗ ông nữa. ...không có lý do nào để đến chỗ ông nữa.

Ngày hôm ấy, trong giờ nghỉ trưa, Nao đến gần Saikawa, người đàn anh đã bắt nó thu dọn đống tranh minh họa, giả vờ bắt chuyện một cách tình cờ.

– Đám tranh minh họa ban nãy em dọn, đẹp quá nhỉ.

Saikawa vừa nhai bánh mì ngồm ngoàm trên chiếc bàn lấm tấm bẩn vừa nghẹo cổ "tranh minh họa?" rồi khẽ lẩm bẩm "à à, tranh của Kitagawa san à"

– Ông ấy, là một họa sĩ vẽ minh họa có tiếng trong giới đấy. Sở trường là những bức vẽ tỉ mỉ, nên phù hợp với mảng tranh minh họa nội tạng. Làm việc cũng nhanh nữa. Có nhiều tác giả sách hâm mộ lắm nên đôi khi cũng nhận vẽ bên mảng văn nghệ nữa.

– Vậy à...

Vì muốn làm việc cho nhà xuất bản, rõ ràng nó đã xem qua một lượt các tạp chí văn nghệ, thế mà lại không nhận ra tranh của Kitagawa.

– Anh đã từng gặp Kitagawa san bao giờ chưa?

– Có chứ. Là một người đàn ông nam tính hơn năm mươi tuổi. Nhìn có vẻ cộc tính sao đấy cho nên ban đầu tao cũng hơi sợ, nhưng mà nói chuyện thử mới biết không phải thế.

Hóa ra ấn tượng đầu về chú ai cũng như nhau... nghĩ thế nó thấy buồn cười. Saikawa thấp thỏm nhìn xung quanh rồi đột nhiên nhỏ giọng lại.

– Nói nhỏ với chú mày chuyện này, hình như Kitagawa san là gay đấy.

Tim nó đập thình thịch.

– Tao biết có một người đàn ông sống chung với ông ấy suốt từ trước đến giờ, nhưng mà chừng ba năm trước thì phải, tự dưng đùng một cái lại đi đổi họ thành "Douno". Mặc dù trong công việc thì vẫn cứ lấy tên là Kitagawa thôi. Đến tuổi này còn đi đổi họ thì kỳ quặc quá, trong bộ phận biên tập cũng bàn tán nhiều lắm.

– Chà...

– Hỏi chính ông ấy thì nghe đâu là đã nhận làm con nuôi của người kia. Mặc dù cũng không dám đào bới sâu hơn.

Trước phản ứng quá nhạt nhẽo của Nao, Saigawa bèn nói "mà thôi, giờ này chuyện như thế cũng chẳng phải hiếm hoi gì" tự kết thúc cái đề tài mình đã khơi ra.

– Kệ, có phải gay hay là gì đi nữa cũng mặc, chỉ cần làm việc cho mình đàng hoàng là được.

Ngày hôm đấy, Nao ở lại bộ phận biên tập tìm kiếm những thứ Kitagawa đã làm cho nhà xuất bản của mình. Tạp chí y khoa, tạp chí thực vật, tạp chí văn nghệ... đâu đâu cũng có minh họa của Kitagawa.

Nó chợt muốn nói chuyện với ba. Muốn nói rằng chú thật cừ, đã làm rất nhiều việc, được người khác công nhận, rằng chú là một người nổi tiếng thầm lặng.

Nó biết số điện thoại của ngôi nhà tại Kanagawa. Cả số điện thoại di động của ba cũng vậy. Riêng hai số này là nó tuyệt đối không bao giờ xóa, cho dù có thay đổi điện thoại đi nữa, cho dù có không liên lạc với nhau đi nữa.

Nao nhìn thật lâu vào chiếc điện thoại di động đặt trên bàn. Nó đã lỡ biết tất cả mọi thứ rồi. Đã không còn là thằng nhóc chẳng biết gì nữa. Lý trí nó hiểu rằng mình không được phép gọi. Bởi thế nó đã không gọi. Nó có thể chịu được. ...tuy nhiên vẫn không ngăn nổi nỗi buồn.

.

Đấy là khi kỳ nghỉ tuần lễ vàng vào tháng năm vừa kết thúc, khi nó đã trải qua được một năm lẻ một tháng tại bộ phận biên tập. Chủ nhật, một tác giả trễ bản thảo báo hại Nao phải đến công ty vào ngày nghỉ. Nó nhận tập bản thảo được gửi theo đường chuyển phát nhanh, và ngồi kiểm tra ngay tại phòng biên tập luôn.

Quá năm giờ năm phút chiều, đương lúc chuẩn bị nghỉ tay ra về thì Saikawa bỗng dưng xuất hiện tại bộ phận biên tập. Rồi hắn bắt đầu lục lạo soàn soạt chiếc bàn của mình.

– Hôm nay anh có chuyện gì à?

Saikawa bắt gặp ánh mắt của Nao bèn cười méo xệch.

– Bên tao phụ trách có tin buồn. Trưởng biên tập gọi điện đến, bảo là ngày mai là tang lễ. Đã nghe tin sức khỏe sa sút từ trước rồi, nhưng ai mà ngờ được lại chết cơ chứ... Hình như là tổ chức tang lễ ở nhà thuê, nhưng mà sổ tay ở nhà cũng chẳng có ghi, danh thiếp cũng không nên không biết địa chỉ... a, có rồi. Chắc đây rồi?

Ngó vào bao thư trên tay Saikawa, Nao sững người. Bởi mặt sau phong thư được gửi đến bộ phận biên tập bằng đường bưu điện có ghi chữ "Kitagawa Kei".

– Người bị mất là ai thế?

– Là Kitagawa sensei bên minh họa. ...Kanagawa à. Tao, chưa từng đến đấy lần nào. Thôi đành vậy, đến gần đó rồi nhờ anh taxi nào đó chắc cũng xong...

Saikawa cắt lấy phần địa chỉ trên phong bì.

– Mà còn chú mày thì sao, sao lại ở phòng biên tập đây? À à, là bản thảo của Satake sensei à. Người đấy, lúc nào cũng chậm trễ nhỉ. Thôi, cố gắng lên.

Saikawa định đi ra, nó bèn lớn tiếng gọi lại "cho em hỏi".

– Đê, đêm viếng người chết là tối nay à?

– Chẳng thế còn gì. Sao, chú mày định đi à?

Saikawa nghẹo cổ.

– Đêm trước khi chôn cất thường chỉ có gia đình đi thôi mà. Đã vậy chú mày có biết Kitagawa sensei đâu. Nếu muốn đi thì để mai hẵng đi. Nếu thế thì đi chung với tao không?

– ...không, em chỉ hỏi thôi.

.

Ngay khi Saikawa rời khỏi, Nao liền lập tức buông tập bản thảo trên tay xuống. Trở về căn hộ của mình bằng xe hơi, thay tang phục. Khi vào công ty còn chưa được nửa tháng, nó đã phải đến một tang lẽ bởi liên quan đến công việc. Khi đó không có tang phục, nó đã phải chạy vào tiệm quần áo ngay trước giờ đóng cửa. Coi như bài học để nhớ, nó gom bộ vest dùng cho đám tang, bao đựng tiền phúng điếu và các thứ vào một chỗ trong góc tủ quần áo. Tuy nhiên Nao không ngờ rằng điều này lại có ích trong lúc này.

Thay đồ xong nó ngay tập tức leo lên xe. Từ đường bộ thông thường lên đường cao tốc. Nao đã lấy bằng lái vào bốn năm trước, sau đó cũng mua ngay một chiếc xe cũ. Mặc dù không được đến nhà ba, song nó vẫn lái xe đến bãi cát thường chơi lúc trước vài lần.

Cho dù bản thân đang vội vã lái xe, Nao vẫn tự hỏi việc chú đã chết có đúng là sự thật không? Trong lời nói, trong sự thật không cho nó cảm giác thực tế. Có thể là thế thật... nghĩ thế, song bởi không được nhìn thấy tận mắt nên nó không thể tin nổi.

Ông chú trong ký ức của nó là vào năm năm trước, khi họ cùng đi câu cá. Chính chú là người đưa ra đề nghị "đi câu thôi" thế mà có vẻ lại không có khiếu cho lắm, cá chưa mắc câu nhưng đã kéo dây biết bao nhiêu lần để bị ba nó cười.

Chú mấy tuổi ấy nhỉ... nhỏ hơn ba hai tuổi cho nên chắc chỉ từ năm lăm đến năm chín thôi. Chết vào tuổi này thì hơi sớm, vẫn còn hơi sớm.

Cho xe chạy miết đến hướng mặt trời lặn. Ánh sáng mặt trời chiếu ngược làm lóa mắt nó. Mặt trời lặn, khung cảnh được lặp đi lặp lại hằng ngày thế mà riêng hôm nay sự ảm đạm của nó càng đập vào mắt... khiến Nao bồn chồn.

Sau bốn mươi phút chạy trên đường cao tốc, xe đi xuống con đường bộ thông thường. Nó đã lo gặp tắc đường, song có vẻ nhờ ngày chủ nhật nên xe chạy qua một cách thuận lợi. Xe lướt trên con đường dọc bờ biển, băng qua đường ray, ngang qua cửa nhà ga, qua bốt công an. Vòng xe vào chỗ ngoặt tại tiệm hớt tóc Ito, Nao cho xe đỗ tại bãi giữ xe của siêu thị đã được xây dựng từ khi Nao lên cấp ba. Bởi vì nó biết gần ngôi nhà thuê ấy không có chỗ nào khả dĩ để xe. Mình cũng bình tĩnh quá đấy chứ, vừa khóa xe nó vừa nghĩ.

Vừa ra khỏi bãi đỗ xe, đôi chân tự động trở nên hối hả. Hiện lên trong tầm mắt Nao khi vừa băng qua cây cầu mà trước đây nó đã tốn bẩy bước để qua, căn nhà sân vườn cũ kỹ... tại bức tường rào quanh ngôi nhà đấy có treo những lá cờ trắng và đen, ngay lúc nhìn thấy, lồng ngực nó bỗng lạnh toát. Đôi chân không thể cử động được. Dấu hiệu của hiện thực.

Nó phải xác nhận lại. Nếu không làm thế việc đến tận đây sẽ mất hết ý nghĩa. Nao chậm rãi bước đi. Lách qua cánh cổng cũ sau năm năm, từ khu vườn có thể nghe thấy tiếng đọc kinh nho nhỏ. Bên hông con đường được đóng cứng bởi bê tông có một bàn ghi chép. Người phụ nữ trung niên, chắc khoảng chừng năm mươi, cúi đầu trước Nao khi nó đưa tiền phúng điếu.

– Mời vào bên trong.

Nó từ tốn đưa chân vào bên trong nhà. Bước vào hành lang quen thuộc thì có mùi nhang thoang thoảng. Nó đi trên hành lang vừa lờ mờ tối vừa kêu kèn kẹt rồi vào căn phòng có kê chiếc bàn. Một khám thờ nho nhỏ được dựng chính giữa căn phòng, quỳ trước nó là sư thầy đang không ngừng niệm kinh. Người trong bức ảnh khung đen, không sai vào đâu được chính là chú. Gương mặt đã luống tuổi, tươi cười vô ưu.

Bằng thị giác, hiện thực ập đến với nó. Đúng là vậy rồi, điều đấy thấm vào tận lồng ngực nó. ...và rồi bắt đầu khiến nó chao đảo.

Cạnh vách tường, ba nó trong bộ tang phục cùng với một người đàn ông trung niên bằng tuổi ông... không, chắc là ít hơn ông một chút, đang quỳ nghiêm trang. Nhận ra Nao, ba chớp chớp mắt với vẻ kinh ngạc.

– Xin... thành thật chia buồn với gia đình.

Nó vượt qua sự dao động của mình bằng hình thức. Quỳ thẳng lưng trên sàn chiếu, rồi cúi đầu thấp đến mức có thể chạm trán xuống sàn.

– Con biết mình không có tư cách đến đây. Nhưng mà, xin hãy cho con được thắp nén hương cho người chú đã yêu thương mình lần cuối.

– Nao, ngẩng đầu lên đi.

Một giọng nói ôn tồn. Nó ngẩng đầu lên. Đôi mắt ba nhìn nó, vẫn hiền từ chẳng khác gì trước đây.

– Cảm ơn con đã đến. Ta nghĩ Kei cũng muốn gặp con lắm. Hãy nhìn mặt cậu ấy đi. Mặc dù đã ốm hơn nhiều so với trước đây con biết...

Nao chậm chạp đến gần chiếc áo quan. Chú đang nằm yên với gương mặt trắng xanh hệt như một người nộm trong bộ đồ trắng. Gò má hóp lại, ông đã gầy đi nhiều. Mái tóc trắng... chú đã già rồi.

Ấn tượng đầu tiên của chú là một người vừa cao vừa đáng sợ. Tuy nhiên, sau đó nó đã mến chú ngay. Đã vô cùng thích chú.

Một thứ gì đó nóng hổi ồ ạt ập đến ngực nó, nước mắt trào ra. Giá như nó có thể trơ trẽn hơn. Giá như nó giả vờ như không biết gì cả, không nghe thấy gì cả, vẫn đến đây chơi như khi còn là đứa học sinh tiểu học bướng bỉnh đòi được yêu, đòi được quan tâm bất kể bản thân không phải là con ruột. Nó đã muốn nói chuyện với chú nhiều hơn. Chú đã là người nó cực kỳ yêu quý thế mà... nó đã muốn trở thành một người lớn khảng khái như người đàn ông này thế mà...

Nước mắt cứ trào ra mãi, không thể ngăn lại được. Ba khẽ ôm lấy vai nó từ đàng sau.

– Nếu được... con nên sang phòng bên cạnh nghỉ ngơi đi.

Khi được đỡ dậy, nó mới nhận ra rằng mình đã gục đầu xuống khóc suốt trong khi không để ý đến người đến thắp hương tiếp theo. Nơi ba đưa nó đến bảo nghỉ ngơi chính là căn phòng đã được dùng làm phòng ngủ của hai người. Ba trở về căn phòng có chiếc bàn, Nao thì cứ một mình khóc mãi trước những kỷ niệm và nỗi cảm thương. Không biết nó đã làm thế bao lâu... trong khi đang ngước mặt lên bâng quơ nhìn trần nhà thì có tiếng cửa mở.

– Nao.

Bị gọi tên, nó bật dậy.

– Đêm viếng xong rồi đấy.

Nói mới để ý, đã không còn nghe thấy tiếng đọc kinh nữa. Ba cũng đã cởi áo vest.

– Con vẫn chưa ăn gì đúng không. Nếu được thì ăn đi.

Trên chiếc khay ba đưa cho nó có cơm nắm và súp miso.

– Là Tomoko..., em gái của ta làm cho đấy.

– Thôi ạ. Con không muốn ăn lắm...

– Một miếng thôi cũng được. Phải cho gì đó vào bụng chứ. Chừng nào ăn xong thì đến căn phòng có khám thờ nhé.

Ba đi ra ngoài. Nao nhìn chằm chằm vào nắm cơm được ba đưa. Tuy không muốn ăn song bị vướng câu "một miếng thôi cũng được...", nó chỉ cho hai miếng cơm nắm vào miệng.

Qua đêm viếng, căn phòng lại yên lặng như tờ. Thậm chí không có cả tiếng động của cây cối đồ vật. Ngó vào bên trong căn phòng có khám thờ, trông thấy ba đang ngồi uống bia lon một mình cạnh chiếc quan tài, nó kinh ngạc. Với một ông bố nghiêm túc mà nói điều này có vẻ hơi thiếu ý tứ.

– Người ổn chứ.

– A, vâng...

– Con đến đây bằng cách nào? Xe điện, hay là taxi?

– Bằng xe hơi... con đậu ở siêu thị trước cây cầu...

Ba nhìn đồng hồ.

– Chín giờ sao... nơi đấy tám giờ đóng cửa đấy. Nhà cửa dưới quê đóng sớm lắm mà. Bãi đậu xe cũng khóa dây xích nữa... a a, nhưng mà nếu là bây giờ thì chắc trong văn phòng cũng còn chừng một người cũng nên. Ta liên hệ xem sao nhé.

– Không sao. Chừng nào về con sẽ bắt taxi.

– Vậy à...? Con đã tốn công đến đây thế mà giao thông vùng quê bất tiện quá, thật có lỗi.

Ba nó lại uống thêm một ngụm bia nữa. Nao đưa mắt nhìn xung quanh.

– Ngoài ba ra không có ai à?

– Em gái ta với chồng nó có đặt một phòng ở khách sạn gần đây.

Mảng tối khắc trên gương mặt của ba thật sâu. Có vẻ ông đã mệt. Nó đã nghĩ chú già rồi nhưng cả ba cũng đã lớn tuổi.

– Ngày mai chắc cực lắm đây. ... nhưng mà, chắc khách đến viếng cũng không nhiều lắm đâu nhỉ. Ba mẹ của Kei hiện tại không biết đang ở đâu, nếu có người đến cũng chỉ những người liên quan đến công việc thôi. Bên ta ba mẹ cũng mất cả rồi, chỉ còn có mỗi em gái thôi.

Ba nói, với một vẻ nhàn nhạt. Nhàn nhạt nói và uống bia.

– Nói mới nhớ, Nao cũng là người lớn rồi nhỉ. ...có muốn uống chung không?

– Con thì... khỏi ạ.

Vậy à, ba hơi cười một chút.

– Không ngờ là Nao sẽ đến, nên ta vui lắm. Chắc là Kei cũng vui lắm đấy. Nhưng mà, con biết cũng giỏi nhỉ, ta đã chẳng báo với Mariko cơ mà...

– Con, đang làm biên tập ở một nơi tên là Shinkasha.

Ba nó chớp mắt thật mạnh.

– Hóa ra con làm việc ở nhà xuất bản...

– Đàn anh của con là biên tập phụ trách của chú, con có nghe chuyện nên mới...

Hóa ra là vậy, ba khẽ nói.

– Nao đã thành biên tập viên rồi đấy, Kei. Đoán trật rồi nhỉ. Cậu đã bảo là Nao sẽ thành nhân viên công vụ mà.

– Vậy à?

– Nao rất nghiêm túc mà, chắc chắn sẽ thành nhân viên công vụ, Kei đã quả quyết như thế đấy. Nhỉ...

Ông hết lần này đến lần khác hướng mặt về phía chiếc quan tài, mong chờ câu tán đồng của đối phương. Chắc là ba say rồi... nó có cảm giác như thế. Tuy ông không hề nói năng gì bất thường, mà giọng điệu cũng rất vững vàng.

– Chú bị bệnh gì thế, con hỏi có được không?

Ba sụp mắt xuống.

– Ung thư phổi đấy. Cả thuốc lá cũng chẳng hút thế mà. Khi phát hiện thì đã quá trễ, cũng không được làm phẫu thuật. Biết xong thì nửa năm sau... nhanh cứ như chớp mắt ấy.

Cánh cửa vẫn được mở toang. Nó có cảm giác đã nghe thấy tiếng gì đó ngoài vườn, song không có ai cả. Có lẽ do gió thổi, những tán lá trên cây đung đưa.

– Ba, Ao đâu?

– Ao chết rồi. Hình như là ba năm trước thì phải. ...ta thấy nó đã sống rất thọ và chết mãn nguyện, nhưng Kei lại suy sụp không chịu được. Nó chính là con của con chó mà Kei đã nhặt về, nên cậu ấy thương lắm cơ mà. Shiro cũng mất cùng khoảng thời gian đó. Mặc dù đã bảo không nuôi thú nữa, nhưng cuối cùng cũng có vẻ tươi tỉnh trở lại, đương định bàn nhau "lại nuôi nữa nhé" thì phát hiện bệnh... thế rồi không đả động gì đến chuyện đó nữa.

Ba lắc lắc lon bia rồi sau đó có tiếng pực của lon bia tiếp theo.

– Mariko và Taguchi san hòa thuận với nhau chứ? Em trai của Nao cũng vào tiểu học rồi phải không?

Nhớ ra rồi... cái nguyên nhân khiến nó không thể đến đây nữa...

– Con xin lỗi.

Nao cúi đầu xuống.

– Con xin lỗi. Con...đã không biết chuyện giữa ba và mẹ...

– Không cần phải xin lỗi đâu.

– Nhưng mà, cả con lẫn mẹ, nếu ở cương vị của ba chẳng phải sẽ có cảm giác "mình bị xem là thằng ngốc" à. Đã vậy mẹ còn tái hôn với Taguchi nữa...

Ba cười.

– Ta thật sự không để tâm đâu. Vì chính ta đã không nối lại mối quan hệ với Mariko, kết cục là thành ra bỏ rơi cô ấy. ...lần đầu khi con tìm đến, ta đã rất sửng sốt. Nhưng mà chơi trò bố con cũng vui lắm. Chỉ định xem nó như một trò chơi, nhưng mà lại dần dần có cảm giác như con ruột của mình thật vậy. Khi bị con xin ý kiến về những thứ như nỗi muộn phiền tuổi dậy thì, ta vừa ngượng vừa buồn cười, nhưng rất vui. Ta nghĩ Kei cũng giống như ta. Kei thích trẻ con, cho nên từ khi con không đến chơi nữa, cậu ấy đã rất buồn đấy. Bảo là "nó không đến nữa sao".

Nghe đến đấy, lồng ngực nó như bị thắt lại, nước mắt đua nhau dâng lên.

– Thì bởi, con là con của Taguchi mà. Là đứa con của mẹ và đối tượng ngoại tình mà. Đã vậy thì làm sao có thể...

Theo ta... ba nó cụp mắt xuống.

– Con là con của ai cũng được cả. Nao là đứa trẻ dễ thương mà. Cho dù không còn thân phận con trai đi nữa, thì con vẫn có thể đến đây chơi với tư cách một người bạn cũng được cơ mà.

Ba đặt lon bia lên chiếu.

– Chắc phải thôi uống bia thôi. Tang chủ mà say thì khó coi lắm.

Ba quay lại, nhìn vào khám thờ rồi khẽ thì thầm một cách lạc lõng.

– ...thật muốn được chết chung với cậu ấy.

Nao nuốt nước bọt. Ba quay về phía nó, cười.

– Đùa thôi. Nhưng mà, đến lúc này mới biết Kei đi trước không chừng lại là chuyện tốt. Riêng chuyện này, cậu ấy là người vô cùng nhạy cảm, con chó chết cũng không thể nuốt trôi cơm trong một tháng cơ mà.

Ba không khóc. Ông cười. Tuy nhiên nó cảm thấy điều đó thật vô lý. Người yêu của ông đã chết. Người yêu đã sống chung với ông bao nhiêu năm đã chết. ...đâu thể cười được.

– Ba... ba không đau buồn à?

Khẽ cúi đầu, ba đáp "buồn chứ".

– Chẳng phải ba đang muốn khóc sao?

Một khoảng lặng ngắn ngủi.

– Cho dù có khóc, Kei cũng không thể quay lại mà... aa, quả nhiên là uống hơi quá rồi.

Ba cầm lon bia chuẩn bị đứng lên, Nao bèn nắm lấy tay trái của ông. Trong tư thế chồm nửa người, Nao tóm được ánh mắt trống rỗng đâu đó của ba.

– Ba thật đáng thương.

Vẻ kinh ngạc trở nên xiêu vẹo một cách khó nhọc.

– Ba thật... đáng thương.

Lon bia trên tay phải rơi xuống mặt chiếu. Ba hơi cúi xuống, vùi mặt vào tay phải. Đôi vai ông rung lên thật khẽ. Và tay trái ông nắm lại cánh tay đang nắm mình của Nao chặt đến phát đau.

.

... ...

.

Trong một khoảng thời gian ngắn sau khi tang lễ của chú kết thúc, hằng ngày Nao qua lại chỗ làm từ Kanagawa. Ba không nói muốn nó ở bên cạnh, song nó không muốn để ông lại một mình.

Đến tuần thứ hai ba nói "con lo lắng cho ta, ta rất vui, nhưng con còn có cuộc đời của con. Trở về căn hộ của mình đi". Những điều ông nói đều đúng, vả lại nó biết ba cũng là một người cứng cỏi. Tuy nhiên vẫn không thể thôi bận tâm, trước khi trở về căn hộ của mình, Nao đã để lại một con chó.

Nó đến tiệm thú cưng bảo "chó loại nào cũng được, cứ cho tôi con nào sống lâu ấy", nhân viên cửa tiệm trưng ra một vẻ mặt bối rối khẽ nói "nếu thế chắc là loại lai tạp rồi". Người nhân viên cho hay "tiệm chúng tôi không có bán loại chó lai tạp, nhưng chỉ cần đến bệnh viện dành cho thú vật hay là cơ quan chăm sóc sức khỏe vệ sinh cộng đồng tôi nghĩ sẽ có những con chó đang tìm người nhận nuôi thôi".

Trước con chó con lông đen xin từ cơ quan chăm sóc sức khỏe vệ sinh cộng đồng, ba biểu lộ một vẻ mặt phức tạp, song ông vẫn nuôi. Và rồi Nao lấy việc "đến xem tình hình con chó" làm cái cớ để thường xuyên đến chơi nhà ba ở Kanagawa.

Khi con chó con đã lớn bổng lên, Nao có một cô người yêu là nhân viên làm tự do. Nao dắt theo người yêu đến chơi nhà ba. Những năm tiếp theo, cả khi quyết định kết hôn, hay cả khi có con, người tiếp theo nó báo sau ba mẹ chính là ba.

Nghe vợ bảo "Douno san ấy mà, có cảm giác giống ba sao ấy, hơn là bạn bè", nó trả lời "đúng rồi. Đang chơi trò bố con mà" thì cô cười "thế là sao, kỳ cục thật".

Năm thứ bẩy sau khi kết hôn, vào ngày nghỉ cuối của kỳ nghỉ kéo dài sáu ngày kết hợp giữa kỳ nghỉ obon và nghỉ hè, Nao dắt theo cậu con trai lên năm, cả hai cùng lên tàu điện. Trước đây, nó đã hứa với con trai là vào ngày này sẽ đưa thằng nhóc đi biển. Nao vốn định đi bằng xe hơi, song cô vợ bảo cần phải dùng xe hơi để đi công tác nên nó đành phải nhường.

Chuyến tàu điện lắc lư, chạy trên con đường hẹp như cái hẻm. Cậu con trai ngồi ở ghế bên cạnh, đã vô cùng háo hức khi biết sẽ chuyển từ xe hơi sang xe điện thế mà bây giờ lại lầm lỳ ngồi yên chẳng nói năng gì. Nguyên nhân là trước khi ra khỏi nhà Nao đã mắng nó rất dữ dội. Thằng bé đã cãi lộn và làm bị thương đứa nhóc cùng tuổi trong trường mẫu giáo. Lý do gây gổ là cậu con trai nó đã giật lấy món đồ chơi của thằng nhóc kia. Phải đến sáng nay, nghe vợ kể Nao mới biết.

– Keita.

Nao gọi tên, vẫn bằng gương mặt nhăn nhó, Keita nhìn về phía nó. Nao đặt cậu con trai giận dỗi ngồi lên đùi mình.

– Lần sau đến trường mẫu giáo phải xin lỗi người bạn mà con đã làm bị thương đấy.

Cậu con trai hậm hực bặm môi, không nói năng gì. Nao nhéo vào mu bàn tay Keita một cái đau điếng.

– Đau!

Thằng nhóc hét lên, vung vẩy tay chân. Nước mắt ngân ngấn từ đôi mắt to.

– Thằng bé bị con làm bị thương ấy đã chảy máu còn gì. Còn đau hơn con gấp mấy lần ấy.

Keita mím môi như sắp khóc đến nơi.

– Không được làm những điều bản thân ghét với người khác. Không được gây những điều mình ghét cho người khác. Chỉ cần tuân theo điều đó, con sẽ không phạm phải sai trái nào cả. Keita sẽ có thể thành một đứa trẻ ngoan...

Nó có cảm giác đã nghe thấy những điều tương tự ở đâu đó. Nghe ở đâu ấy nhỉ... trước khi nhớ ra, thế giới trước cánh cửa sổ chợt mở ra.

... mặt biển lấp lánh như nó đã từng nhìn thấy vào kỳ nghỉ hè thời tiểu học, trải dài ra trước mắt.

Hết chap

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenFun.Vip