Kepat Tide Extra Co Mot Noi Goi La Nha

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

.

Nhiếp ảnh gia và nhà văn đều là nghề nghiệp có tính chất đặc thù, mà một trong những đặc thù tiêu biểu nhất là đồng hồ sinh học bị rối loạn. Cả Châu Kha Vũ và Doãn Hạo Vũ đều không có giờ ăn và giờ ngủ cố định. Hai người cứ xong việc lúc nào thì nghỉ lúc ấy, làm đêm muộn rồi ngủ nguyên cả ngày hôm sau là chuyện như cơm bữa.

Nhịp sống phản sinh học ấy không tốt cho sức khỏe chút nào, vậy nên Châu Kha Vũ quyết định khi về thị trấn sẽ điều chỉnh lại nó. Nhưng ngủ quen mắt rồi, chuông báo thức kêu sớm hơn bình thường là không nghe thấy gì cả.

Rượu của ông nội ngấm chậm, đến bây giờ Châu Kha Vũ vẫn còn cảm thấy hơi đau đầu. Anh mơ màng xoay người, theo thói quen vươn tay tới nửa giường bên kia, nhưng chỉ ôm được một con khủng long nhồi bông.

Ánh ban mai xiên qua khe rèm hở, Châu Kha Vũ vươn tay che mắt, chờ đến khi cảm thấy hết chói mới lật chăn ngồi dậy.

Cái đài cổ nằm trên nóc tủ phòng khách phát nhạc chẳng có ai nghe, Châu Kha Vũ tiện tay tắt nó đi. Cùng lúc đó trong nhà bếp vang lên tiếng động vụn vặt của nồi niêu kèm theo tiếng than vãn mà anh đoán chỉ có thể là của Doãn Hạo Vũ.

"Sao anh không ngủ thêm? Ồn quá à?"

Doãn Hạo Vũ nghe tiếng bước chân rất chuẩn, không cần quay đầu lại cũng biết người đến là ai.

"Không ồn." Châu Kha Vũ đi tới, đặt cằm lên vai cậu. "Ngủ dậy không thấy em nên đi tìm."

"Đến trẻ con ba tuổi cũng chẳng quấn mẹ như anh quấn em đâu."

"Kệ tụi nó chứ."

Châu Kha Vũ cứ như dây leo quấn lên người cậu không chịu buông, Doãn Hạo Vũ hết cách, bất lực kéo anh từ kệ bếp đến bồn rửa.

"Ông đâu rồi?"

"Cháo còn thiếu tía tô, ông đang ra hái ạ."

"Em nấu à?" Châu Kha Vũ mở vung, nhướng mày nhìn gạo sôi lục bục.

"Em phụ ông thôi. Anh đi đánh răng rửa mặt đi."

Bị người yêu đuổi, Châu Kha Vũ không bằng lòng dụi vào cổ cậu đến khi tóc tai tán loạn mới chịu rời đi.

"Hôm nay trời đẹp, mấy đứa có có định đi chơi ở đâu không?" Ông nội nghiêng bát húp cháo.

"Ông đang mong bọn cháu nói không, sau đó đến trông tiệm cho ông để ông đi chơi cờ chứ gì?" Châu Kha Vũ còn lạ gì với kiểu nói vòng vo tam quốc của ông nữa.

"Cái cửa tiệm vắng như chùa bà đanh đấy đóng cửa cũng chẳng sao, nhưng mà nếu mấy đứa muốn đến thì ông đưa chìa khoá cho."

"Bọn cháu đến." Doãn Hạo Vũ thay mặt Châu Kha Vũ đồng ý. "Ông cứ đi đánh cờ đi."

*

Quanh năm, cửa tiệm đồ cổ cuối con dốc vẫn luôn đóng mở thất thường, chỉ có đến dịp trung thu người qua đường mới thấy rèm cửa được kéo lên cả ngày. Hỏi ra mới biết hai đứa cháu của ông chủ từ thành phố về, rảnh rỗi nên tới trông coi cửa tiệm.

Nói là trông coi, nhưng chẳng mấy khi khách mua hàng tới tiệm thấy có người ngồi sau quầy thu ngân. Trời nóng, đứa lớn đứa nhỏ đều trốn vào gian buồng phía sau bật điều hoà, chỉ đến khi nghe thấy tiếng chuông gió ngoài cửa mới lề mề ra tiếp khách.

"Bà ơi bà muốn mua gì ạ?"

Bà lão nghe thấy tiếng gọi thì chậm rãi đẩy mắt kính lão trên sống mũi. Tuổi tác khiến mắt bà ngày càng mờ đi, mặc dù đã thay thuỷ tinh thể hai lần, sau lại đeo cả kính nhưng cũng chẳng ăn thua. Phải đến khi đứa nhóc kia đến gần, bà mới lờ mờ nhìn thấy đường nét khuôn mặt của nó.

"Ta muốn mua quạt nan. Cái cũ bị gãy que rồi."

Đứa nhỏ kia à một tiếng rồi với tay lên nóc tủ. Bà lão chắp tay ở sau lưng, tấm tắc khen ngợi đứa nhỏ này đúng thật là cao.

"Bà muốn cái nào hả bà?" Đứa nhỏ lấy liền xuống mấy cái cho bà xem.

"Lấy cho ta cái nào cứng cáp một chút là được."

"Vậy cháu lựa cái màu xanh nhé bà?"

"Được, được." Bà lão đồng ý liền, sau đó rút tiền từ trong túi áo ngực ra. "Mà thằng nhóc còn lại đâu rồi? Đứa đứng đến vai cháu ấy."

"Em ấy đang ngủ bà ạ."

"À thế hả?" Bà lão gật gù. "Tên hai đứa là gì ý nhỉ? Cái gì Vũ? Bà quên rồi.".

Đứa nhỏ kia cười cười rồi nói hai cái tên.

"Kha Vũ Hạo Vũ, rồi bà nhớ rồi."

"Thế cháu là Kha Vũ hay Hạo Vũ?"

"Cháu là Kha Vũ. Đứa đứng đến vai cháu là Hạo Vũ."

Lần này bà lão cười rộ lên. Khóe mắt cong cong chứa đầy ánh sáng.

"Bà ơi thừa tiền rồi, bà đợi chút để cháu trả lại bà." Châu Kha Vũ gọi với lại khi bà đã ra đến cửa.

"Thôi. Tiền thừa cho hai đứa mua bim bim ăn đấy."

Năm tệ được đặt chơ vơ trên bàn, Châu Kha Vũ nhìn nó mà bật cười trong sự bất lực. Bọn họ chẳng mấy nữa mà đầu ba, nhưng trong mắt bà dường như vẫn là những đứa trẻ to xác thèm quà vặt.

"Anh làm gì mà lâu thế?"

Doãn Hạo Vũ nằm nghiêng trên ghế sô pha, nhìn anh bằng ánh mắt ngái ngủ.

"Em còn nhớ bà lão nhà có cây lộc vừng rất to không? Bà ấy vừa đến mua đồ, còn cho hai đứa mình tiền mua bim bim."

"Thật á?" Doãn Hạo Vũ dịch người vào bên trong để nhường chỗ cho Châu Kha Vũ. "Em nhớ không nhầm thì lần nào đến bà ấy cũng không lấy lại tiền thừa."

"Ừ." Châu Kha Vũ duỗi tay ra để cậu nằm lên, sau đó cầm cuốn truyện ở trên bàn. "Anh đọc đến đoạn nào rồi nhỉ?"

"Đoạn hoàng tử bé đến hành tinh thứ bảy ạ."

Châu Kha Vũ hắng giọng một cái rồi bắt đầu đọc tiếp cho Doãn Hạo Vũ nghe. Cậu nhóc này gần như trưởng thành cùng hành trình du hành của hoàng tử bé, mỗi chi tiết đều thuộc làu làu. Nhưng đi đâu cậu cũng mang theo cuốn sách đã tung gáy, nằm trong lòng anh nghe anh đọc đi đọc lại.

Đây cũng không biết đã là lần thứ bao nhiêu tay Châu Kha Vũ đỡ lấy mấy trang giấy ố vàng. Có nhiều đoạn anh chẳng cần nhìn vẫn có thể đọc trôi chảy. Kì lạ là một thứ đã quen thuộc đến mức như vậy lại chẳng khiến một trong hai người cảm thấy nhàm chán. Cậu thích nghe giọng của anh, anh thích ánh mắt tập trung của cậu. Hai người tận hưởng mọi khoảnh khắc bên nhau, và dành cho đối phương sự tín nhiệm vô điều kiện.

*

Thời gian đủng đỉnh trôi qua, chớp mắt một cái đã đến tết trung thu.

Từ xế chiều ngày hôm trước, thuyền đánh cá từ ngoài khơi đã nối đuôi nhau trở về, chợ trời họp sớm rồi chóng tan. Dường như ai cũng vội vã trở về ăn một bữa cơm đoàn viên với gia đình.

Ngôi nhà ở trên con dốc cũng có thêm một vị khách ghé qua, người ấy mang theo hơi lạnh của cơn mưa rào và cả niềm vui trọn vẹn.

"Bố, bố cán vỏ dày quá rồi."

Châu Kha Vũ tựa vào kệ bếp, khoanh tay nhìn bố Châu bằng ánh mắt chứa đầy sự phán xét.

Làm bánh trung thu đã là truyền thống của nhà họ Châu. Ăn nhiều thì làm nhiều, mà ăn ít thì cũng làm nhiều sau đó đem đi chia cho hàng xóm. Năm nay ông nội mải đánh cờ không làm bếp trưởng, để cho ba bố con đánh vật với mẻ bánh từ sáng tới giờ.

Nếu đem ra để so sánh, trong ba người bọn họ, Châu Kha Vũ nghiễm nhiên trở thành người có kinh nghiệm nấu nướng phong phú nhất. Nhưng làm bánh đâu có dễ như nấu cơm mà rắn hay nát đều có thể ăn được.

Anh đọc hàng tá cách hướng dẫn trên mạng, cộng với vài ghi nhớ vụn vặt trong quá khứ, miễn cưỡng làm ra được một nồi bột dùng để làm vỏ bánh. Đợi đến khi bột mịn hẳn, anh để bố Châu phụ trách nhiệm vụ chia bột thành từng khối để cán, nhưng người đàn ông chưa từng đứng trong bếp quá năm phút này cán vỏ không dày quá thì mỏng quá, không to quá thì nhỏ quá. Chẳng có cái vỏ nào có kích cỡ đạt chuẩn cả.

"Ăn nhiều nhân dễ ngấy lắm, để vỏ dày tí có sao đâu."

"Vỏ dày quá là bánh không chín đều được đâu chú."
Doãn Hạo Vũ bê một chậu nhân đậu xanh đi qua, nghe vậy liền mỉm cười.

"Vậy à? Để chú cán lại."

Thấy bố Châu tập trung tinh thần nghiên cứu vỏ bánh như đống công văn. Châu Kha Vũ bất lực nhún vai, bỏ đi xem Doãn Hạo Vũ chuẩn bị nhân bánh.

"Năm nay còn có cả trứng muối?"

"Vâng ạ. Ông nội đánh cờ thắng nên lấy của nhà ông Vương về đấy."

"Lát nữa làm cho anh cái bánh ba trứng nhé?"

"Không được đâu. Ông nội biết là mắng đó."

Châu Kha Vũ bị từ chối cũng chẳng nói gì, vì anh biết kiểu gì lát nữa Doãn Hạo Vũ cũng lén lút làm một cái bánh trung thu ba trứng, sau đó chọn lúc ông nội và bố không để ý mang tới cho anh. Ánh mắt sáng bừng như muốn hỏi anh có bất ngờ không? Anh mau khen em đi.

Lưng lửng trưa ông nội vẫn chưa trở về, bánh chờ nướng xếp thành hàng trên mâm. Bố Châu sốt ruột xách ô đi sang nhà ông Vương, kéo ông nội từ bàn cờ ra.

"Lão già đó toàn chơi ăn gian. Cứ đợi đó rồi biết tay ta." Ông nội hậm hực ra mặt. "Đâu đem hết bánh xuống đây."

Cái máy nướng bánh trong nhà kho của ông nội là đồ cổ nhưng vẫn hoạt động tốt. Châu Kha Vũ bê khay, để Doãn Hạo Vũ xếp từng cái bánh ngay ngắn vào trong lò.

"Cái bánh này đứa nào làm mà xấu thế?" Ông nội chỉ tay vào một cái bánh méo mó.

"Con làm đó." Bố Châu cắn răng nói.

"Thế bảo sao."

Không ngoài dự đoán của Châu Kha Vũ, ông nội và bố Châu lại bắt đầu đấu khẩu với nhau. Hai người đàn ông này càng già đầu tính tình lại càng như con nít, đúng là hết nói nổi.

"Con với Hạo Vũ lên nhà trước đây, hai người cứ đứng đây mà chí choé, tiện thể xông hơi luôn."

Nắng tháng tám, rám trái bưởi. Nhà kho lại nằm ở chỗ không có bóng cây, không khí bên trong hầm hập như cái lò. Ông nội và bố Châu đều thức thời dừng lại, hẹn nhau tới chỗ mát lại phân định thắng thua.

"Cháu nấu chè đậu đỏ à?" Ông nội ngửi thấy mùi liền hỏi.

"Vâng, khi nãy đúc nhân còn thừa nên cháu cho vào nấu nốt."

Món chè đậu đỏ này Châu Kha Vũ học được từ ông nội. Thanh mát lại tốt cho sức khoẻ, Doãn Hạo Vũ cũng thích uống nên có thể nói anh nấu món này rất chuyên nghiệp, có thể canh giờ chuẩn xác để hạt đậu khi nấu xong không bị quá cứng hay quá nát.

Trời nóng nên chẳng ai thiết ăn cơm trưa. Bốn người chia nhau bốn bát chè, ngồi trong phòng khách bật quạt xem tivi.

Nắng bị rèm trúc cản lại, gió chơi đùa với cái chuông gió treo ở đầu hiên, tiếng kêu lanh lảnh hoà cùng với âm thanh chuyện trò loáng thoáng.

Xế chiều, ông nội cùng Doãn Hạo Vũ đi biếu bánh bà con chòm xóm. Người dân ở đây đều rất nhiệt tình, trước khi hai ông cháu trở về nhất quyết phải tặng họ thứ gì đó, mỗi nhà một món, đến khi xong xuôi cũng đổi về được một mâm cỗ đầy.

Bữa cơm tối đó tràn đầy hương vị, mà đậm đà nhất phải kể đến tình làng nghĩa xóm.

*

Sau khi bị ngã vào năm kia, chân ông nội yếu hẳn. Gậy ba toong trở thành người bạn đồng hành, giúp ông đi loanh quanh đó đây mà không có bất kỳ trở ngại gì, tuy nhiên, trèo cầu thang thì không thể.

Thường ngày ở nhà, để bước lên ba bậc thềm ông nội phải mất tới gần mười phút. Cứ bước được một bước chân của ông lại đòi nghỉ, nếu không nó sẽ bị chuột rút rất lâu.

Điều này nhìn chung đối với ông nội không phải chướng ngại vật gì quá lớn. Duy chỉ đến đúng mỗi dịp trung thu, Châu Kha Vũ mới thấy ông buồn bực ra mặt. Nguyên nhân là vì cái chân đau khiến ông không thể lên núi tế trăng cúng thần được nữa.

Doãn Hạo Vũ an ủi ông rằng thần linh nhất định sẽ không trách ông đâu, chẳng phải ông cố tình không muốn đến mà.

Ông nội cười cười, khoát tay bảo bọn họ mau lấy đồ cúng ông đã chuẩn bị sẵn rồi lên núi kẻo muộn.

Trăng ngày rằm tròn vành vạnh, ánh vành lênh láng khắp con đường dẫn lên núi.

Châu Kha Vũ tay trái cầm đèn pin, tay phải nắm chặt tay Doãn Hạo Vũ, chỉ sợ cậu sẽ vấp chân hay bước hụt.

"Tối quá chẳng nhìn thấy gì cả, mai hay hôm nào mình tới đây khi trời còn sáng đi."

"Em muốn xem gì?"

"Ngắm hoa ngắm cỏ, hấp thụ dương khí." Doãn Hạo Vũ nghiêng đầu tránh bầy muỗi gió.

"Ừm được."

Hai người câu được câu chăng leo tới ngôi đền trên đỉnh núi. Không gian bốn bề an tĩnh, người dân thị trấn xếp hàng ở trong sân chờ dâng lễ. Châu Kha Vũ và Doãn Hạo Vũ vừa vặn đứng dưới tán cây, nơi ánh đèn lồng đỏ yếu ớt chẳng thể chiếu tới.

"Ngôi đền này cầu tình duyên rất linh."

Tông giọng của cô gái đứng trước họ không quá lớn, nhưng bảo không nghe thấy gì thì hơi khó. Châu Kha Vũ nghe thấy, đương nhiên Doãn Hạo Vũ cũng nghe thấy. Cảm nhận được sự căng thẳng trong giây lát của cậu, khoé môi anh không khỏi kéo căng.

"Ngôi đền này cầu tình duyên có linh không? Hạo Vũ?"

"Em biết làm sao được." Doãn Hạo Vũ trả lời ngay.

"Vậy à? Anh thì thấy có linh đấy." Châu Kha Vũ chậm rãi cảm nhận mùi hương vòng tan trong hương thơm của cây cỏ, đoạn mỉm cười. "Vì mười năm rồi, anh chỉ cần cầu đúng một lần."

Mười năm, một lời ước nguyện, một người, một đời.

"Chuẩn bị đến lượt mình vào dâng lễ rồi." Doãn Hạo Vũ nhắc anh.

Hai người bước qua bậc thềm cao, cúi đầu chào nhà sư rồi dâng lễ. Dùi gõ va vào mặt gỗ, tiếng mõ để lại âm vang sâu lắng. Châu Kha Vũ và Doãn Hạo Vũ đứng song song với nhau, chắp tay, hướng ánh mắt đầy thành kính tới các vị chánh thần.

Mặt trăng dừng ngay trên đầu đao chạm rồng, ghé tai lắng nghe ước nguyện của bọn họ.

Một đời dài đằng đẵng, nguyện đôi ta tóc mai tựa tóc mai bình yên sớm tối.

*

Năm nay có hai tháng bốn, mùa hạ kết thúc muộn, ngày giỗ bà nội rơi đúng vào giữa tiết bạch lộ.

Gió se hoà tan vị mặn của muối biển, thoảng qua những giọt sương lăn tăn trên phiến lá.

Từ sớm, Doãn Hạo Vũ đã cùng ông nội ra vườn, cắt những đóa hoa tươi nhất.

Sinh thời hoa bà nội thích nhất là đỗ quyên, năm nào ông nội cũng chuẩn bị hai bó lớn, đem tới đặt trên mộ bà.

Bà nội an nghỉ tại một sườn núi nhìn ra bờ biển. Từ nhà lái xe tới mất gần hai mươi phút, vậy mà trước đây khi chân còn tốt, thỉnh thoảng ông nội lại đạp xe tới.

Bà nội qua đời khi bố mẹ Châu mới kết hôn được chưa lâu, Châu Kha Vũ hoàn toàn không có kỉ niệm gì với bà, ngoại trừ đôi ba câu chuyện từ ký ức của bố. Bố nói ông bà thương nhau rất nhiều, nhưng cụ thể là thương đến thế nào, thì phải tới tận lúc nhìn thấy ánh mắt của ông nội khi nhắc đến bà anh mới hiểu.

Đó là thứ tình cảm chẳng thể diễn tả được bằng ngôn từ, cũng chẳng thể đong đếm được bằng bất kì đơn vị nào, kể cả là thời gian.

Xe ô tô giảm tốc rồi dừng hẳn dưới tán cây ngoài cổng nghĩa trang. Doãn Hạo Vũ đi cùng ông nội vào trong trước, còn Châu Kha Vũ với bố Châu sẽ mang đồ lễ vào sau.

Nghĩa trang một sớm đầu thu tịch mịch, vắng lặng. Ngoài bốn người bọn họ, sinh vật duy nhất phát ra tiếng động ở nơi đây là mấy chú chim non đang đập cánh tập bay.

Doãn Hạo Vũ dùng khăn mặt sạch đã chuẩn bị từ trước, giúp ông nội lau nhà cho bà. Cậu cũng giống như Châu Kha Vũ, chưa từng gặp bà bao giờ. Cảm xúc yêu mến chỉ được hình thành thông qua những tấm ảnh chụp đã cũ vẫn còn treo ở nhà, hay gần đây nhất là qua miệng của bà lão khách quen của tiệm đồ cổ.

Bà lão kể bà nội Châu không phải là người gốc thị trấn, khi vừa tốt nghiệp đại học, bà cùng đoàn tình nguyện tới đây dạy chữ cho trẻ con. Hồi ấy hòn đảo này chỉ là một làng chài nghèo xác xơ, người bên ngoài phải ngồi thuyền hàng giờ mới tới. Bà nội sức khoẻ yếu, say tàu đến nỗi chân mềm nhũn, lúc đi ra bậc thang để xuống tàu còn suýt ngã, may mà có người giữ tay kịp.

"Ông nội bay lúc đó kiêu giữ lắm, người ta cảm ơn mà chẳng thèm trả lời, ngoảnh mặt đi luôn."

Cuộc gặp gỡ tình cờ đó chẳng mấy rơi vào lãng quên. Nhưng trời đã trao duyên trao số, đến xế chiều hai người lại gặp nhau. Chuyện là trong thị trấn không có nhà nghỉ, đoàn tình nguyện phải chia vào các nhà dân để ở tạm, tình cờ thế nào bà nội cùng ba đồng nghiệp nữa lại ở nhà ông. Ngày đó cụ cố vẫn còn, hai cụ vừa gặp bà nội là thích ngay, nhưng nghĩ tới việc người ta là con gái thành phố liễu yếu đào tơ, còn thằng con trai nhà mình lại quê mùa, cục mịch thì buồn rầu thở dài.

Ông nội hồi thanh niên làm lái tàu, cả ngày bán mặt ở ngoài biển đến đêm mới về nhà. Ông không biết trong nhà có khách, bà cũng không nghe hai cụ nói ông sẽ về, nên lần thứ hai hai người gặp nhau, bà đã chào ông bằng một cây gậy vì tưởng là trộm.

Ấn tượng đầu tiên chỉ có thể dùng từ tồi tệ để diễn tả, vậy nên chẳng ai nghĩ tới việc cuối cùng ông bà lại phải lòng nhau.

Ngày cuối cùng trước khi đoàn tình nguyện rời đảo về đất liền, ông nội đã gom hết dũng khí để bày tỏ với bà, nhưng bất ngờ là bà lại từ chối. Bà nói dối là mình không muốn ở lại đây, nhưng trên thực tế là vì không muốn căn bệnh hen suyễn mãn tính của mình liên lụy tới ông. Ông nội tôn trọng quyết định của bà, dẫu sao một người xinh đẹp và giỏi giang như bà không nên chôn vùi cuộc đời ở xứ chó ăn đá gà ăn sỏi này.

Bà nội khóc ướt gối cả một đêm, trong mơ toàn là ánh mắt thất vọng của ông nội. Sáng hôm sau khi con tàu đưa đoàn người rời bến, có một cô gái chạy ngược về hướng mặt trời mọc, thứ ánh sáng vĩnh viễn đại diện cho khởi đầu mới.

Bệnh tật thì đã sao, còn chẳng đau đớn bằng việc không thể nắm tay người mình yêu. Thay vì sống một đời trong day dứt, bà thà rằng dựa vai ông hạnh phúc đến ngày thời gian cạn kiệt.

Hơi ẩm tràn ngập trong không khí, hai bó đỗ quyên đẫm sương, khoe sắc hồng đằm thắm.

Nụ cười của bà nội vẫn luôn rạng rỡ tựa ánh dương.

Khoảng thời gian mấy chục năm dần xoá nhoà mọi tiếc nuối và tang thương. Ông nội nhẹ giọng tâm sự với bà một lát, sau rồi bốn người cùng nhau chìm vào im lặng tới tận khi nén nhang cháy hết.

Bố Châu vỗ vai Doãn Hạo Vũ, nhắc cậu thu dọn đồ để chuẩn bị về trước khi nắng lên.

Đồ lễ bọn họ mang tới không nhiều, Doãn Hạo Vũ để vào một cái túi giấy là hết. Để chắc chắn không bỏ sót thứ gì, cậu đi được mấy bước rồi lại quay đầu kiểm tra một lần nữa. Trong một chớp mắt đó, cậu vô tình bắt gặp ông nội lấy ra từ trong túi áo ngực một đoá tường vi hồng, đặt dưới di ảnh của bà nội.

Nếu Doãn Hạo Vũ nhớ không nhầm, loài hoa này đại diện cho lời hứa anh sẽ mãi mãi yêu em.

Lúc bốn người về đến nhà cũng đã là lưng lửng trưa. Ông nội đi đến giữa sân bỗng dừng lại, quay sang nói với Châu Kha Vũ.

"Cháu mang máy ảnh về đúng không?"

"Vâng. Sao thế hả ông?"

"Lấy ra đi. Ông muốn chụp một bức ảnh."

Châu Kha Vũ hết nhìn Doãn Hạo Vũ rồi lại nhìn bố Châu. Ba người trao đổi với nhau trong âm thầm rồi quyết định bố Châu sẽ là người lên tiếng.

"Đang yên đang lành sao bố lại muốn chụp mấy cái ảnh đấy làm gì?"

"Chúng bay nghĩ cái gì đấy?" Ông nội bật cười. "Hôm nay tiện mặc âu phục nên muốn chụp với cả nhà một bức ảnh để in ra treo lên tường thôi chứ có gì đâu."

Ba người nghe ông nội nói vậy mới thở phào. Vừa từ nghĩa trang thăm bà nội trở về, ai cũng tự động cho rằng ông muốn chụp một bức chân dung để sau này dùng. Sinh ly tử biệt là thứ quá đáng sợ, bọn họ đều chưa chuẩn bị sẵn sàng cho ngày ấy dù chỉ là vô tình nhắc tới thôi. Vậy nên thật may là không phải.

"Ông muốn lấy cảnh đằng sau là gì ạ?" Châu Kha Vũ thành thạo lắp máy ảnh vào giá đỡ, cài thông số đếm ngược mười giây.

"Lấy nhà mình luôn đi." Ông nhìn quanh một vòng rồi nói. "Lát chụp một bức nhìn ra vườn nữa."

"Ông nội đứng lùi sang trái một chút, bố đứng sát vào ông nội đi, được rồi ạ."

Điều chỉnh vị trí xong, Châu Kha Vũ nhấn vào nút chụp rồi đi nhanh về khoảng trống được chừa sẵn giữa ông nội và Doãn Hạo Vũ.

"Tóc anh bị rối rồi này."

Doãn Hạo Vũ chẳng biết đồng hồ đã đếm ngược đến giây thứ bao nhiêu, vội vội vàng vàng dùng ngón tay chỉnh lại tóc cho anh. Châu Kha Vũ phối hợp cúi đầu xuống, đúng lúc đó, máy ảnh vang lên một tiếng tách.

"Chụp lại, chụp lại. Cả nhà giữ nguyên vị trí nhé."

Vì không còn bị yếu tố ngoại lai cắt ngang, bốn người chụp đến bức ảnh thứ hai là được. Châu Kha Vũ cầm máy ảnh tới, dùng một tay cản lại ánh sáng để cho ông nội xem ảnh.

"Đẹp rồi. Phóng một cái treo ở phòng khách."

"Tiện đây chụp mấy cái nữa đi bố. Chụp một cái ở vườn của bố đi." Bố Châu gợi ý.

"Được, được."

Cuối cùng hôm ấy chẳng ai đếm bọn họ đã chụp bao nhiêu bức ảnh, chỉ nhớ rõ bức ảnh nào bốn người cũng đứng cạnh nhau.

Có ông nội, có bố, có Châu Kha Vũ, có Doãn Hạo Vũ.

Có một gia đình.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenFun.Vip