Chương 115: Gia huấn (2)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Đợi bắt mạch xong Sạ liền ngồi dậy, trèo vào lòng tôi. Trẻ con lúc ốm đều thích làm nũng cả. Tôi vỗ nhè nhẹ vào tay Sạ, thủ thỉ:

"Điện hạ yên tâm, Đam đã chẩn mạch rồi, không sao hết."

"Thái y khác cũng nói thế." - Thằng bé ngáp một cái, dùng giọng bình bình đáp lời tôi.

Tôi cười mỉm, quay ra bảo cung nga mang một bộ y phục mới đến. Sạ vẫn nằm ngoan ngoãn trong vòng tay như một con mèo nhỏ. Những lúc như thế này mới thực sự cảm thấy thằng bé chỉ bảy tuổi, so với người đánh bại sứ thần kia không có nửa phân liên quan.

Cửa điện Long Lộc mở ra, ánh nắng đỏ thẫm buổi chiều tà tràn qua bậc thềm. Long Đĩnh bước vào, tôi toan quỳ xuống hành lễ. Y nhìn thấy Sạ đang nằm gọn trong lòng tôi liền lắc đầu ý bảo không cần. Sạ quay lại gọi "Phụ hoàng" rồi tiếp tục vờ như đang ngủ.

Long Đĩnh lệnh cho người hầu kẻ hạ lui ra hết, tiến lại gần, hỏi:

"Sạ thế nào?"

"Bẩm chúa thượng, tiểu chức đã chẩn mạch, không có gì đáng ngại. Bệnh của Khai Phong Vương không phải do dị vật hay xoang hoặc chứng bệnh khác mà thành. Chảy máu cam vô căn vẫn thường xuất hiện ở trẻ nhỏ, tạm thời chưa cần kê thuốc."

"Để như thế này cũng không phải là cách." - Long Đĩnh trầm giọng.

Tôi biết y xót con, thực lòng nhìn đứa trẻ bảy tuổi cứ ba bữa nửa tháng lại chảy máu một lần tôi cũng không đành lòng. Nói thì là như vậy nhưng để kê thuốc khi chưa cần thiết, kể cả thuốc bổ thì càng không phải là cách hay.

Nhớ ngày nhỏ tôi cũng chẳng khác gì, bà nội phải dùng một "bài thuốc dân tộc" để trị. Đương nhiên chần chờ chưa kê cho Sạ là có lí do của tôi. Nhìn chung thì nguyên liệu vô thưởng vô phạt, nói "thuốc" chưa chuẩn mà gọi là "món ăn" thì lại hơi khiên cưỡng. Tóm lại bản thân nó không có vấn đề gì, vấn đề là ở tôi không tin được lại có thể trị bệnh một cách vô lí thế.

Nhưng trên đời này thiếu gì việc như vậy xảy ra? Chẳng phải năm đó tôi đã thực sự khỏi hay sao?

Tôi thở dài, cúi đầu thật thấp:

"Bẩm chúa thượng, còn cách này, cũng không nguy hại hay ảnh hưởng gì đến Khai Phong Vương, chỉ tiểu chức muốn xin ý chỉ."

"Được, ta cho phép nàng."

Tôi chớp mắt:

"Người còn chưa nghe Đam nói hết mà?"

"Nàng thấy được là được."

Tôi biết tính khí của Long Đĩnh nên vâng dạ tuân theo. Y đứng dậy, ra hiệu cho tôi rằng muốn bế Sạ. Tôi còn chưa kịp trao tay thì Sạ như cảm nhận được, thằng bé rúc vào lòng, ôm thật chặt:

"Con muốn Đam!"

"Sạ, qua đây với phụ hoàng."

Sạ không đáp, im thin thít, tay vẫn bấu lấy áo tôi.

"Con lớn rồi, nếu bắt bế nữa sẽ nặng lắm biết không?"

Tôi nhăn nhở phẩy tay ý bảo mình không sao, thấy nét mặt Long Đĩnh đanh lại, nụ cười trên môi tôi lập tức tắt ngúm. Sạ coi như không biết, chẳng thèm đoái hoài đến việc Long Đĩnh có hài lòng hay không.

Khá lắm, thằng bé này xứng đáng được nhận huy chương vàng về lòng dũng cảm, còn dám chống lại ý chỉ của Long Đĩnh.

Vùng vằng một hồi cuối cùng Sạ quay ra nhìn cha, không quên trả treo:

"Vậy phụ hoàng bế con..."

"Được!" - Chưa hết câu y đã gật đầu đồng ý.

"... bế con tiễn Đam về."

Tôi nghe như sét đánh ngang tai, sợ "người nào đó" sẽ nghĩ tôi xúi giục con trai y làm điều càn rỡ. Sạ vươn người trèo sang phía Long Đĩnh, chân nhún nhún mấy dịp như để nhắc cha mình phải đi. Long Đĩnh cười đắc ý:

"Không tiễn được."

Sạ dẩu mỏ:

"Phụ hoàng lừa con."

Long Đĩnh tảng lờ, đặt tay lên bụng con trai, ghé tai nói nhỏ:

"Đã chiều rồi, phụ hoàng dạy Sạ thế nào?"

Thằng bé đang tiu nghỉu như mèo bị cắt tai, vừa nghe cha nói liền suy nghĩ một hồi, lúc sau quàng tay ôm chặt cha, vui vẻ hô lớn:

"Không được để một cô gái đói bụng về nhà. Người đâu, dâng thiện."

_______

Chú thích:

(1) Sông Trường: Nơi luyện thuỷ quân của vua Đinh, vua Lê. (Phỏng theo "Vài nét về kinh đô Hoa Lư" - Trần Đăng Ngọc)

Lời của tui:

Gia huấn của nhà họ Lê này thật chất lượng: "Không được để một cô gái đói bụng về nhà". Vâng, kiến thức này tui xin phép được tiếp thu, lời dạy chí phải, xin một slot được dùng thiện chung ạ hiuhiu.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenFun.Vip